TỌA ĐÀM “CÁC NHÀ VĂN SÔNG CHẢY-NHÀ VĂN VÀ TÁC PHẨM”
MAI NAM THẮNG – Ngày 12-12-2017 tại TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), Hội Nhà văn Việt Nam và Chi hội Nhà văn Sông Chảy đã tổ chức tọa đàm “Các nhà văn Sông Chảy-Nhà văn và tác phẩm”. Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tuyên Quang, lãnh đạo các Hội VHNT 4 tỉnh khu vực sông Chảy và các hội viên Chi hội nhà văn Sông Chảy đã đến dự. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Đoàn Hữu Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Sông Chảy, đồng chủ trì cuộc tọa đàm
Đồng chí Mai Đức Thông, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tuyên Quang phát biểu chào mừng
Chi hội nhà văn Sông Chảy được thành lập năm 2008, bao gồm các nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của 4 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai và Tuyên Quang. Có thể nói, sự ra đời của Chi Hội nhà văn Sông Chảy đã đáp ứng được phần nào nguyện vọng của hội viên, của bạn đọc. Chi hội thực sự là sự kết nối của hội viên với hội, kết nối giữa chi hội với 4 Hội văn nghệ địa phương; đồng thời là nơi tập hợp, động viên khích lệ các hội viên hăng say sáng tác ra các tác phẩm văn học giàu bản sắc văn hóa miền núi Tây Bắc, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn học của địa phương và đất nước. Trong đội ngũ trên đây, có thể kể ra những tác giả với những tác phẩm tiêu biểu: Tỉnh Hà Giang có nhà thơ Hùng Đình Quý với những tập thơ song ngữ tâm huyết về người Mông, về Hà Giang. Nhà văn Nguyễn Quang với 2 tiểu thuyết Đất ba phương và Ánh trăng trong rừng trúc. Nhà thơ Đặng Quang Vượng có 2 tập thơ được giải thưởng trung ương và địa phương... Năm 2015, Hà Giang có liền 2 cây bút trẻ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam là Nguyễn Trần Bé và Chu Thị Minh Huệ. Tỉnh Tuyên Quang có nhà văn Trịnh Thanh Phong - tác giả của tiểu thuyết Ma Làng đã được chuyển thể thành phim nhiều tập. Nhà văn Vũ Xuân Tửu là tác giả nhiều tiểu thuyết lịch sử và truyện ngắn về con người và vùng đất Tuyên Quang. Nhà văn Phù Ninh có Đêm trước rạng đông là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi viết về vùng đất này trước ngày khởi nghĩa cách mạng. Nhà thơ Cao Xuân Thái với 4 tập bút ký và nhiều tập thơ về vùng Cao nguyên đá Hà Giang. Tỉnh Yên Bái có nhà văn Hoàng Thế Sinh với chùm tiểu thuyết đã được dựng thành như: Bụi hồ, Rừng thiêng, Lửa và Thuốc phiện. Nhà thơ Ngọc Bái nổi danh về thơ và trường ca từ những năm 70 của thế kỷ trước. Nhà văn Hà Lâm Kỳ có sáng tác về đề tài thiếu nhi. Tỉnh Lào Cai có 2 “lão tướng” là Mã A Lềnh và Pờ Sảo Mìn được độc giả cả nước mến mộ. Nhà văn Đoàn Hữu Nam là tác giả của 3 tập trường ca cùng nhiều tập thơ, văn xuôi, nghiên cứu-biên khảo... và đã đạt được những giải thưởng văn chương uy tín. Gần đây, Lào Cai có 2 nhà văn trẻ mới xuất hiện đã nhanh chóng định hình phong cách đoạt nhiều giải thưởng danh giá là Tống Ngọc Hân và Mã Anh Lâm…
Nhà văn Trịnh Thanh Phong, tác giả tiểu thuyết "Ma làng", trình bày tham luận
Hầu hết các tham luận và phát biểu tại tọa đàm đều tập trung đánh giá thành tựu văn học của các tác giả Chi hội Nhà văn Sông Chảy, thông qua việc phân tích một số tác phẩm tiêu biểu của họ, như: Mã A Lềnh là cây bút có nhiều đóng góp cho VHNT từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Pờ sảo Mìn với 3 tập thơ “sực nức mùi ngô núi Mường Khương”. Đoàn Hữu Nam sau những thành công với thơ và văn xuối, tiểu luận-phê bình, gần đây lại “thử sức” với kịch bản phim truyền hình dài tập và đã có 3 bộ phim được VTV sản xuất. Nhà văn “hổ tử” Mã Anh Lâm xứng danh với “hổ phụ” Mã A Lềnh, vừa được Giải thưởng VHNT 5 năm của tỉnh Lào Cai. Nguyễn Trần Bé vừa được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015, đã đoạt Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng thường niên của Hội VHNT các dân tộc thiểu số. Nhà thơ Ngọc Bái đánh giá tiểu thuyết “Ma tiền” của Hoàng Thế Sinh (NXB Thanh niên.2016) là “quánh đặc chất tiểu thuyết đương đại, mang tính xã hội thời thượng...”. Nhà văn Trịnh Thanh Phong nhận xét: “Đinh Công Diệp để lại những trang văn hay nhất là thể loại truyện ngắn”.
Nhà thơ Ngọc Bái phân tích tiểu thuyết "Ma tiền" của Hoàng Thế Sinh
Bên cạnh những ý kiến chuyên môn và học thuật trên đây, một số ý kiến tọa đàm cũng đã đề cập về những ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 và dự báo xu hướng vận động của văn học Việt Nam nói chung, văn học Sông Chảy nói riêng, trong thời gian tới. Đặc biệt, một số ý kiến đề nghị Chi hội Nhà văn Sông Chảy nên có bộ phận văn học thiếu nhi vốn đang là mảng yếu của Chi hội; đồng thời kiến nghị Chi hội cần có kế hoạch quan tâm hơn nữa đến đội ngũ tác giả trẻ; từ phát hiện, bồi dưỡng đến công bố tác phẩm. Đáng lưu ý, nhà thơ Pờ Sảo Mìn đề nghị nên mở rộng địa bàn Chi hội, kết nạp thêm các nhà văn 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và đổi tên thành Chi hội Nhà văn Hoa Ban...
Phát biểu tổng kết tọa đàm, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng những tham luận và ý kiến được trình bày sôi nổi trong cuộc tọa đàm hôm nay đã giúp đồng nghiệp và công chúng được chiêm ngưỡng các nhà văn Sông Chảy ở nhiều góc độ khác nhau, với nhiều vẻ đẹp khác nhau. Đồng thời cũng giúp cho các nhà văn thấy rõ hơn những gì mình đã làm được và những gì cần tiếp tục phấn đấu để hoàn thiện. Hi vọng rằng những sinh hoạt chuyên môn như thế này sẽ tiếp tục được duy trì nền nếp để tiếp tục khai thác, đào xới những vỉa mạch đang tiềm ẩn, hiển lộ những vẻ đẹp khác nữa. Kết quả những cuộc hội thảo, tọa đàm nên được biên soạn thành kỷ yếu làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu cho các hội viên và những người quan tâm. Trong thời gian tới, từ Chi hội đến mỗi hội viên cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác; đồng thời có các giải pháp đổi mới công tác quảng bá tác phẩm của các thế hệ nhà văn trong Chi hội, để tác phẩm của các hội viên Chi hội đến được với công chúng văn học trong khu vực và trên cả nước. Thay mặt lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa ghi nhận những kiến nghị về văn học thiếu nhi và công tác kết nạp nhà văn trẻ được nêu tại hội thảo. Nhân dịp này, nhà thơ cũng thông báo một số tình hình của Hội nhà văn Việt Nam trong năm 2017 và nửa nhiệm kỳ Khóa IX vừa qua; bao gồm những thành tựu, kết quả đã được trên mọi mặt và những khó khăn, tồn tại mà Ban chấp hành Hội đang tập trung tháo gỡ, khắc phục./.