TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: GS HỒ NGỌC ĐẠI: HÃY LẮNG NGHE DÙ CHỈ CÒN MỘT Ý KIẾN KHÁC
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Và khi đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn đau đáu với nền giáo dục nước nhà. Văn nghệ xin chuyển đến bạn đọc cuộc trò chuyện giữa phóng viên với Giáo sư Hồ Ngọc Đại xung quanh Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông vừa được Bộ giáo dục & đào tạo công bố.
Nền giáo dục tự nhiên và thuần Việt
PV: Bộ Giáo dục & đào tạo đã công bố dự thảo về chương trình GDPT tổng thể. Xin GS có thể cho biết quan điểm của mình về chương trình này?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Bắt đầu từ Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) và Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Nhìn nhận nó như thế nào và thực hiện nó ra sao thì ở mỗi người có ý riêng. Theo tôi đổi mới giáo dục cũng giống như đổi mới một nền sản xuất (cụ thể ở đây là từ nông nghiệp sang công nghiệp) do đó nó vững chắc hơn cuộc cách mạng mang màu sắc chính trị ở bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào. Cách mạng trong công nghiệp giúp con người tạo ra chiếc xe đạp để thay thế đôi chân thuần túy. Sau xe đạp là tàu thủy, máy bay và nhiều phương tiện vận tải có chi phí năng lượng, giải phóng sức con người ở mức cao nhất có thể. Nói vậy để thấy, một thứ “tương đối đơn giản” như cái xe đạp mà còn là tổng hợp của một quá trình tiến bộ về công nghệ rất dài chứ không phải là kết quả của một bước “đại nhảy vọt” nào. Huống chi một thứ phức tạp hơn nhiều lần là hệ thống giáo dục, càng đòi hỏi một quá trình dài hơn, thậm chí là rất dài với tổng hợp sự tiến bộ từ nhiều lĩnh vực khác nhau của công nghệ chứ không thể có phép màu của “pháp sư” khiến nó “nhảy cóc từ lớp 1 lên đại học” được.
Con người từ thời nguyên thủy đã có khả năng quan sát, thống kê, phân loại, nhưng đó mới chỉ là “tư duy tiền khoa học”. Nó chỉ manh nha cho phương pháp làm việc khoa học về sau khi đã khái quát hóa các sự vật và hiện tượng. Sang thời hiện đại, nhà giáo dục không thể dắt trẻ em đi lại từng bước thô sơ đời xưa, dù mang danh khoa học, mà cần dắt trẻ em “làm lại” theo cách ngược lại với cách làm xưa.
Như vậy có thể hiểu, muốn thay đổi cơ bản và toàn diện giáo dục thì phải thay đổi cơ bản lý thuyết về giáo dục và công nghệ giáo dục ( công nghệ ở đây xin được hiểu là quá trình thực tiễn). Hiểu lại bản chất của giáo dục là gì, tại sao trước đây nó phát triển như thế và giờ đây sẽ phải là gì có đúng vậy không thưa giáo sư?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Đúng vậy, có thể lấy mốc từ thời của Không Tử đến nay khoảng 2000 năm con người chúng ta không có tiến bộ gì nhiều, vẫn là duy trì sản xuất nông nghiệp thuần túy. Giáo dục cũng vậy, trải qua hàng nghìn năm vẫn vận hành theo nguyên tắc chỉ một bộ phần người dân (khoảng 5% dân cư) đi học để ra làm quan hay nói đúng hơn là thoát cảnh chân lấm tay bùn. Việc học này đã sinh ra hình thức tổ chức thi cử để loại bỏ nhau . Giáo dục hiện nay đã khác, 100 % dân cư đi học và tất nhiên mục đích học cũng không giống nhau, nên việc học trở thành hoạt động bình thường như ta ăn cơm, uống nước và thở. Như vậy đã có sự khác nhau về nguyên lý, và sự khác nhau này đòi hỏi giáo dục phải hoàn toàn phải thay đổi. Trước và trong năm 2000 dạy thế nào cũng được, nhưng từ năm 2001 thì chắc chắn phải khác, bởi đây chính là thời kỳ của công nghệ thông tin, của khoa học tiến bộ. Anh dạy thế nào thì trẻ em sẽ thành thế ấy, dân tộc anh sẽ như thế ấy. Hay nói theo nguyên lý của triết học trẻ con là con đẻ của thời đại nên không thể lấy cái quyền của người lớn áp đặt lên con trẻ và giáo dục cũng vậy, không thể lấy cái quyền của cá nhân để áp đặt mà cần lấy trẻ em hiện đại là điểm đến giáo dục hiện đại.
Từ bỏ cái cũ, xác lập cái mới
Dự thảo khẳng định Giáo dục hiện nay cần hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất . Nên hiểu hai mệnh đề này thế nào?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Đề án giáo dục hiện nay là số 0 của tư tưởng là số 0 của công nghệ mới, thậm chí nó lạc hậu hàng thế kỷ. Giáo dục mới phải biết dạy trẻ em cái gì và làm thế nào để đạt mục đích đó chứ không phải dắt trẻ em đi lại từng bước thô thiển đời xưa, dù mang danh khoa học. Chúng ta cần dắt trẻ em “làm lại” theo cách ngược lại với cách làm xưa. Dự thảo không có tư tưởng mới và thực thi bằng công nghệ mới. 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi được đưa ra trong dự thảo là những cái cũ nhưng được xào xáo lại bằng ngôn ngữ gần gũi hơn. Dự thảo vẫn còn như kiểu: “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”.
Khi thay đổi một chương trình giáo dục thì phải thay đổi cơ bản cả về tư tưởng chỉ đạo lẫn về công nghệ thực thi. Mặc dù Dự thảo đưa ra một số phẩm chất và năng lực nhưng lại không đề cập lấy cái gì để tạo ra, tạo ra bằng cách nào.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới phải là Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Ví dụ như từ đi bộ chuyển sang đi xe đạp là sự thay đổi căn bản và toàn diện, với một công nghệ mới. Còn nếu để người dân đi từ xe đạp đơn giản sang xe đạp đắt tiền hơn thì đâu phải là sự thay đổi căn bản. Nói như vậy để thấy rằng, nhân loại tiến lên là dựa trên nguyên lý mới. Do đó, việc đổi mới một chương trình giáo dục là phải thực thi bằng công nghệ mới, dựa trên nguyên lý mới.
Mỗi sự đổi mới trong giáo dục có tác động lâu dài tới xã hội và đặc biệt đối với chính học sinh – người chịu tác động và thực hiện việc học tập. Khi tiến hành đổi mới một chương trình, chúng ta phải tôn trọng đời sống thực của học sinh, chứ không phải là đời sống học đường mơ hồ hay sự mơ tưởng của những người viết nên một đề án, dự thảo. Khi thiết kế một chương trình và đưa ra đổi mới thì chúng ta phải vì lợi ích của học sinh chứ không phải vì lợi ích của người thầy.
Lớp học hiện tại phải là cuộc sống
Với công nghệ giáo dục,Giáo sư yêu cầu: Ai cũng học được; Học gì được nấy; Học đâu chắc đó. Do vậy giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được. Nếu học theo cách của ông thì xong lớp 1 đọc thông viết thạo, hết lớp 2 viết thành câu, hết lớp 3 không bao giờ viết sai câu, và nhất là không tái mù trở lại. Song nếu được làm một phép so sánh với dự thảo vừa công bố thì sự khác nhau ở đây là gì ( vì như trên chúng ta đã nói là phải xóa bỏ cái cũ để xác lập cái mới)?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: 40 năm nay tôi đã nói rồi. Nay câu trả lời vẫn vậy thôi. Phải thay đổi toàn bộ, thay đổi về nội dung, phương pháp, thể chế tổ chức, các quan hệ trong nhà trường và quan hệ xã hội. Lớp học ngày xưa là “nhà thờ” nhưng lớp học hiện đại phải là “cuộc sống”, giáo viên giao việc, học sinh làm. Điều quan trọng nhất là phải tập trung vào giải quyết 2 bậc Tiểu học và Đại học. Và phải làm mới hoàn toàn.
Tiểu học phải thuần việt Nam không bắt chước ai, đại học phải hòa nhập với thế giới hiện đại. Tiểu học là cho muôn đời đất nước. Đại học là cho ngay ngày hôm nay chứ không thể chờ hội nhập. Tiểu học từ 0-12 tuổi phải gắn chặt với gia đình, còn đại học thoát ly gia đình cũng không sao. Sự sống của học sinh tiểu học là gia đình và trường học. Giáo dục truyền thống dù gì thì gì gắn với truyền thống dân tộc nó gắn trẻ em với lịch sử truyền thống đất nước. Trong những năm này gia đình và nhà trường gắn bó với nhau thì rất có lợi. Gia đình làm gì tốt nhất cho trẻ con thì làm và nhà trường cũng vậy và đứa trẻ được hưởng thành tựu tốt nhất. Đối với Việt Nam là rất phù hợp
Thứ nhất, bậc tiểu học có 2 đặc điểm cơ bản, học sinh tiểu học còn nhỏ, còn bố mẹ, ông bà nội ngoại, còn họ hàng... có cả chục người gắn vào học sinh lớp 1. Nếu học sinh lớp 1 chúng hạnh phúc thì cả chục người đó hạnh phúc. Nếu giáo dục nhà trường tốt thì gia đình dễ yên ấm, xã hội dễ yên lành.
Thứ hai, hệ thống giáo dục phổ thông nên là 12 năm, trong đó có 6 năm dành cho bậc tiểu học, 3 năm cho trung học cơ sở và 3 năm cho trung học phổ thông. Vì sao bậc tiểu học lại dành tới 6 năm? Vì giữ trẻ 12 năm (6 tuổi bắt đầu đi học + 6 năm tiểu học) trong vòng tay gia đình và nhà trường thì an toàn hơn thả trẻ sớm 1 năm, nghĩa là 11 năm như hiện nay. Còn 3 năm trung học cơ sở bởi vì chỉ cần bổ sung vào tiểu học một số tri thức và kỹ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ biến, chiếm tuyệt đại đa số trong nền sản xuất hiện nay. Và chỉ cần học thêm 2 năm PTTH cho những ai muốn học lên cao nữa hay vào Đại học, Cao đẳng hay chuyển sang học nghề vì với sự phát triển tâm lý xã hội hiện đại, học phổ thông kéo dài đến 18 tuổi là thừa, tốn kém."
Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở "tiêu thụ nội địa" là một bằng đại học "trâu ta ăn cỏ đồng ta", chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi.
Mỗi sự đổi mới trong giáo dục có tác động lâu dài tới xã hội và đặc biệt đối với chính học sinh – người chịu tác động và thực hiện việc học tập. Khi tiến hành đổi mới một chương trình, chúng ta phải tôn trọng đời sống thực của học sinh, chứ không phải là đời sống học đường mơ hồ hay sự mơ tưởng của những người viết nên một đề án, dự thảo. Khi thiết kế một chương trình và đưa ra đổi mới thì chúng ta phải vì lợi ích của học sinh chứ không phải vì lợi ích của người thầy.
Đúng là quá trình đổi mới giáo dục phải vì lợi ích của người học, song liệu giáo sư có nói quá không khi cho rằng đề án “ thoát li “ đời sống học đường và dựa trên sự mơ hồ của người viết, rõ ràng Hội đồng thẩm định đề án và cả những người viết đề án đều là những người có học vị tương đương và không hề kém ông?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Ở mỗi cuỗn sách, và mỗi công trình do tôi chủ biên, tôi chưa bao giờ viết học vị kèm theo tên của mình (xin không nói lý do ở đây). Giống như tôi, tất cả chúng ta khi sinh ra và lớn lên đều gắn bó với mỗi làng quê, gắn bó với lũy tre làng. Và tre ở mỗi làng quê thì đều giống nhau có cây cao cây thấp, nhưng cây đa thì chỉ có một. Và giáo dục cũng vây, cần lắng nghe dù chỉ còn một ý kiến khác.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
PV( Thực hiện)
Nguồn Văn nghệ