Thời sự văn học nghệ thuật

27/4
8:58 AM 2017

ĐỂ LÀM CON MỌT NHÀ HÁT

KIỀU BÍCH HẬU-Hồi còn là đứa bé học cấp tiểu học, bố tôi cuối tuần từ Hà Nội về nhà, thường nghe nhạc giao hưởng qua mấy cái đĩa than to như cái mẹt bà nội phơi tôm mà bố cất công mang từ nước Nga về sau thời gian ông là nghiên cứu sinh ở đấy. Tôi nghe chẳng hiểu gì, nhưng rồi bằng cách nào đó, nó thấm vào đâu đó trong kí ức tôi.

                                Minh họa: Nhà hát Castel, Cộng hòa Séc - Internet
 

Đến hồi mê mẩn một anh họa sĩ, được anh truyền cảm hứng nghe nhạc cổ điển, tôi cũng cố nghe để hiểu. Biết rằng nhạc cổ điển, nhất là giao hưởng, là một thứ âm nhạc bác học rất khó cảm thụ. Nhưng một khi đã thấm rồi thì tinh thần thăng hoa tuyệt vời, không một món ăn cho tâm hồn nào có thể sánh kịp.
 Sang châu Âu lần này, tôi muốn thử làm một con mọt nhà hát, vừa là muốn thử, nhưng cũng để xem dân Trung Âu hưởng thụ thứ âm nhạc đỉnh cao mà sang trọng này kiểu gì. Tò mò là một chuyện, nhưng bản thân cũng có nhu cầu. Kể từ buổi cuối cùng nghe hòa nhạc ở L’´Espace cùng cô em nuôi Hana Choi người Hàn Quốc, ba tháng trước khi sang châu Âu tôi bận tíu tít, chưa đi nghe hòa nhạc được, kể cũng nhớ. Hẳn bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi thích thứ nhạc bác học đó cho được, thích thật sự chứ không phải giả vờ thích cho nó có vẻ sang trọng như ai. Tôi phải cảm ơn hai người đàn ông trong đời đã khiến tôi nghe và thích được nhạc giao hưởng, đó là bố tôi, một vị tiến sĩ ngành hóa sinh có thú vui tao nhã là nghe nhạc giao hưởng Tây phương, và anh bạn họa sĩ nọ. Thường mọi người hay nghĩ, muốn cảm thụ được nhạc giao hưởng cổ điển, ta phải học ở trường lớp chuyên nghiệp, hoặc được các chuyên gia chỉ bảo chiêu này, mánh kia để mà hiểu. Nhưng tôi lại theo cái cách, cứ nghe dần cho ngấm. Tôi đi tầm soát khắp các cửa hàng băng đĩa ở Hà Nội, hoặc nhờ bạn mua cho ở thành phố Hồ Chí Minh những đĩa nhạc giao hưởng của các nhạc sĩ như Mozard, Strauss, Bethoven, Vivaldi, Bach, Schubert, Tchaikovsky, Dvorak,... Sau đó thì cứ mỗi sáng nghe nhạc đúng một tiếng đồng hồ. Liền tù tì như thế hai năm trời, thế rồi nhạc ngấm vào óc, vào máu, vào tâm hồn lúc nào không hay. Đến độ, có lần vào thành phố Hồ Chí Minh ở chơi với em gái một tuần, đến buổi sáng thứ ba tôi cứ cảm thấy thiếu thốn cái gì đó mà chịu không phát hiện ra, cho đến khi đi ngang một quán cà phê, nghe réo rắt tiếng vĩ cầm vẳng ra, tôi mới chợt hiểu, mấy sáng nay, ở căn hộ em gái thuê tôi không được nghe nhạc giao hưởng để bắt đầu một ngày mới.

Vaclav - chồng tôi, dân ngoại ô Praha nói, mọi khách du lịch đến Praha, thường nhất định phải đến lâu đài Praha chiêm ngưỡng, nhưng không mấy ai thưởng thức món đặc biệt trong lâu đài, đó là nghe hòa nhạc trong tu viện thánh George. Tôi khá háo hức với món này. Không thể bỏ qua được. Quả là tôi chưa nghe hòa nhạc trong thánh đường bao giờ. Không biết chất lượng âm thanh thế nào, cảm xúc sẽ ra sao. Tu viện thánh George là một trong hai nhà thờ nằm trong lâu đài Praha, là một trong những nhà thờ cổ nhất ở thành phố thủ đô 1100 tuổi này. Tu viện được xây năm 920 bởi hoàng tử Vratislav I, sau đó được mở rộng và xây lại vào năm 973 dưới thời giáo hoàng Benedict VI. Gian chính giáo đường cao hơn 10 mét, với các lớp tường dày tới hơn mét là không gian tốt cho âm nhạc thính phòng. Từ Việt Nam, chúng tôi đã đặt vé qua mạng trước cả tháng. Buổi hòa nhạc diễn ra khá sớm, từ 17h30, khi trời vẫn còn sáng rõ, tuy nắng không còn vượt qua được những bức tường thành cao ngất của lâu đài Praha, và khách du lịch thì vẫn đi lại nườm nượp, chụp ảnh và ngắm nghía. Tu viện lớn, nhưng sảnh chính nơi diễn ra buổi hòa nhạc chỉ xếp khoảng một trăm ghế cho thính giả. Người mua vé thưởng thức hòa nhạc trong thánh đường hầu hết là dân Praha, không có khách du lịch. Còn tôi là một ngoại lệ. Nếu chồng không giới thiệu, hẳn tôi cũng chẳng mò mẫm ra thứ “đặc sản” này ở Praha mà trải nghiệm. Trong thánh đường, với mái vòm rất cao, ánh sáng vàng hơi yếu tỏa ra từ những ngọn nến điện, chúng tôi ngồi trên các hàng ghế băng gỗ dài, còn nghệ sĩ ngồi cách thính giả khá xa, ở phía trên bục giảng của các bậc tu sĩ, ngăn bởi hàng lan can sắt uốn cổ kính mà hư ảo. Khá khó để ngắm các nghệ sĩ, tôi nghển cả cổ lên mà cũng chỉ nhìn thấy một anh chơi chiếc Clavier lớn, các nghệ sĩ còn lại hoàn toàn bị che khuất. Các nhạc công Czech vẫn chơi các bản nhạc mà tôi từng nghe rất nhiều lần. Nhưng tôi không thể hoàn toàn chìm đắm vào vẻ đẹp của âm nhạc được, mà bị lôi cuốn vào sự huyền bí xa xôi và quyến rũ. Có cảm giác mình rơi tõm vào thời của Mozart, vô cùng tò mò vì những điều lạ lẫm, bí ẩn. Tại sao những nhà soạn nhạc từ thời ấy có thể sáng tạo ra thứ âm nhạc thần thánh mà tới tận bây giờ con người vẫn mải miết nghe để tìm sự thăng hoa thực sự cho tâm hồn? Thính giả tuy ít, nhưng có thể nói là lí tưởng. Họ thuộc lớp trung niên trở lên, kín đáo và lặng lẽ, biết cách thưởng thức một cách lịch lãm và lịch thiệp động viên nghệ sĩ bằng những tràng vỗ tay thật dài. Chỉ có điều, cuối buổi biểu diễn, thính giả ngồi lại rất lâu để vỗ tay cảm ơn, nhưng các nghệ sĩ cũng chỉ chào hai lần rồi kết thúc. Nếu là ở Việt Nam thì thế nào nghệ sĩ cũng nể thịnh tình của thính giả mà chơi thêm một bài tặng thính giả rồi đấy. Tôi bảo vậy với chồng. Anh cười rồi trêu tôi, mấy nhạc công ở đây họ không làm thế đâu, họ sẽ bảo các ngài về sớm mà đi uống bia chứ, bia tươi của chúng tôi tuyệt đỉnh. Bay với âm nhạc thế đủ rồi. Âm nhạc không phải thứ cứ thích là ăn no được.

Tuần sau, vẫn chưa hết háo hức, tôi lên Praha từ sáng, lang thang qua các phố ngắm nghía, qua cầu Tình (cầu Charles) rồi tới lâu đài Praha, cốt để nhìn ngắm thật nhiều và chờ đến tối thưởng thức buổi hòa nhạc nữa trong Obecní Dum, một kiểu nhà văn hóa công cộng của ta, nhưng rất rộng, nên bên trong có cả một nhà hát với sức chứa 1200 khán giả. Buổi hòa nhạc trong Obecní Dum thu hút nhiều thính giả cả trong nước và ngoài nước, trong đó tôi thấy khá nhiều khách du lịch Nhật, Hàn. Châu Á có dân Trung Quốc sang du lịch Praha nhiều nhất, nhưng họ không đi thưởng thức hòa nhạc thính phòng như dân Nhật và Hàn, họ đi xem các nơi, tính toán mua cái này cái nọ, mở dịch vụ buôn bán, nhà hàng hoặc thậm chí là mua cả một tòa nhà cổ. Vaclav từng phàn nàn với tôi rằng không hiểu thị trưởng Praha nghĩ gì mà lại vừa mới bán một tòa nhà cổ ngay khu trung tâm cho người Trung Quốc với giá 600 triệu đô la. Chiều hôm đó chúng tôi đi bộ qua tòa nhà đẹp như trong mơ đó, đã thấy cờ Trung Quốc bay phần phật. Họ không đi nghe hòa nhạc là vì thế. Chương trình hòa nhạc trong Obecní Dum tuy vẫn là nhạc cổ điển, nhưng có chất trẻ trung hơn nhờ xen những màn ballet tuyệt đẹp và opera với hai giọng ca hấp dẫn của cặp đôi nghệ sĩ Anna Dolejsí và Petr Dolejsí. Vaclav thích giọng bass của Petr Dolejsí đến mức anh vỗ tay rất lâu mỗi khi nam nghệ sĩ này biểu diễn xong. Đêm về nhà anh còn lên mạng tra tất tật thông tin về nghệ sĩ Petr Dolejsí. Cả ngày hôm đó, đi giữa Praha đẹp cổ kính là thế mà anh cứ nhăn nhó suốt vì đau răng. Nhưng khi buổi hòa nhạc kết thúc, thấy anh ngây ngất đứng mãi trong nhà hát với nét mặt hạnh phúc, tôi hỏi cái răng đau đâu rồi. Anh chợt đưa tay lên chỗ má sưng và thốt lên: Họ chơi nhạc đã quá, anh quên mất là mình đau răng.

Nghe anh nói thế, tôi nhớ đến một lần phỏng vấn nữ danh ca Thu Hiền. Chị kể với tôi rằng thực ra những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong đời ca hát của chị là những lần chị hát ngay bên bàn phẫu thuật thương binh. Hồi đó, chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn đủ đường, chiến sĩ bị thương nhiều quá, không đủ thuốc gây mê khi phẫu thuật, nên chị nhiều lần đứng cạnh các anh và hát trong lúc bác sĩ động dao kéo, để các anh nghe hát mà quên bớt cơn đau. Âm nhạc quả thật diệu kì.

Trong lịch trình ở Czech, chúng tôi đặt kế hoạch tới Jablonec, xứ sở thủy tinh – pha lê nổi tiếng thế giới. Nơi đây có mỏ cát đặc biệt, chỉ cần múc cát lên là có thể nấu thành thủy tinh, hoặc pha lê trong vắt, chất lượng không nơi nào sánh nổi. Biết tính tôi, nên không cần tôi hỏi, vừa tới Jablonec, Vaclav đã hỏi thông tin và biết có một festival nhạc cổ điển trong thời gian chúng tôi lưu lại. Anh đặt vé hạng nhất và từ chiều hôm đó chúng tôi đến với nhà hát thành phố này. Thấy tôi ngắm mãi nhà hát với những bức phù điêu cầu kì trang trí quanh các cột trụ, các gờ cửa sổ, và đặt biệt là mặt tiền nhà hát, Vaclav hỏi tôi, ở Việt Nam, các thị trấn nhỏ như Jablonec chắc không có nhà hát như thế này đâu nhỉ. Tôi trả lời đại khái, về độ hoành tráng và mĩ lệ như thế này thì không có, nhưng các thành phố ở các tỉnh của Việt Nam cũng có nhà hát. Vaclav cười mà bảo, cứ cho là có đi, nhưng quanh năm có được mấy chương trình hòa nhạc, và ai đi xem? Cái mà em gọi là nhà hát ở Việt Nam ấy, hầu như dành cho đám cưới mà thôi. Tôi đành cười, biết làm sao được, dân nước mình ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, thì nhà hát ở các tỉnh, nếu có, cùng chỉ dùng phần lớn vào việc cung cấp dịch vụ đám cưới, hội họp. Dân thường các tỉnh đa phần mỏng vốn văn hóa, đời sống tinh thần còn nghèo nàn, không cần đến mấy thứ hòa nhạc giao hưởng với cả thính phòng vớ vẩn làm gì. Festival âm nhạc cũng xa lạ nốt. Tôi nhớ chuyện cô em nuôi Hana Choi người Hàn kể, là trong chuyến khám phá Praha năm 2013, nhất định phải đi xem kịch rối ở Praha cho bằng được. Vậy mà hồi Đại lễ Thăng Long 1000 năm, thành phố Praha có cử đoàn nghệ thuật sang biểu diễn chào mừng, trong đó có chương trình kịch múa rối cạn của nhà hát Spejbla Hurvínka tổ chức ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Người dân ào đến Cung thiếu nhi rất đông, nhưng chỉ xem triển lãm hàng hóa, thực phẩm bên ngoài, lèo tèo vài người vào xem múa rối cạn Praha, dù biểu diễn miễn phí và chương trình cũng đã được giới thiệu trên panô đặt lối vào Cung và một vài tờ báo. Trước khi biểu diễn 45 phút, chính tôi là người giúp cho chương trình của bạn, đã phải leo lên sân khấu ngoài trời, dùng loa kêu gọi mọi người vào bên trong rạp xem múa rối cạn. Nhìn các nghệ sĩ Czech lo lắng hỏi nhau liệu có ai vào xem biểu diễn không mà tôi thấy buồn cho dân mình quá. 

Thính giả đến với nhà hát tối hôm ấy đều là dân Jablonec, ăn mặc trang trọng như đến dự một sự kiện quan trọng nhất trong đời mình. Ở khu vực này cũng có tới hơn hai trăm hộ dân người Việt sinh sống, nhưng không ai tới thưởng thức festival âm nhạc đêm đó. Trong số thính giả, có ba em bé ở lứa tuổi nhi đồng, thuộc dạng đặc cách, là những mầm non tài năng âm nhạc của thành phố, được ngồi hàng ghế VIP. Các em ở tuổi nhi đồng, nhưng ăn mặc rất chỉn chu, cũng quần âu, sơ – mi trang trọng, thắt cravat nghiêm ngắn, và im lặng lắng nghe thứ âm nhạc bác học một cách đầy hiểu biết. Giữa buổi biểu diễn, trong thời gian nghỉ giải lao, ba em nhỏ được dẫn lên sân khấu để được một nghệ sĩ giảng giải về các nhạc cụ biểu diễn đêm đó.

Jablonec, tuy là một xứ sở thủy tinh-pha lê nổi tiếng, nhưng xét về mặt phân cấp mà nói thì cũng chỉ là một tỉnh lẻ của nước bạn. Vậy mà họ lại có một nhà hát lớn lộng lẫy nhường kia, có lớp khán giả biết hưởng thụ nhạc giao hưởng tuyệt vời đến vậy, nguyên cớ nằm ở đâu? Và lúc nhìn những gương mặt thính giả ngời lên trong nhà hát, khi thứ âm nhạc đỉnh cao vút lên mái vòm, tôi cứ thấy đau khổ, không phải vì tôi. Có một cái gì đó, mơ hồ, hẳn đã chết đi trong con người, khi ta hoàn toàn sống bình thường mà không có nhu cầu về một món ăn tinh túy cho tinh thần như thế.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *