Thời sự văn học nghệ thuật

3/10
5:10 PM 2017

NHÀ THƠ NGUYÊN SA: VẪN HỎI LÒNG MÌNH LÀ HƯƠNG CỐM

Lê Thiếu - Nhà thơ Nguyên Sa xuất thân từ một gia đình không liên quan gì đến văn chương nghệ thuật. Năm 17 tuổi, Nguyên Sa sang Pháp du học. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông ghi danh vào khoa Triết, Đại học Sorbonne. Và cuộc hạnh ngộ với bà Trịnh Thị Nga đã biến ông thành thi sĩ. Bài thơ nổi tiếng đầu tiên của Nguyên Sa cũng là bài thơ đính hôn.

                                                                       Chân dung nhà thơ Nguyên Sa.

Nhà thơ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh năm 1932 tại Hà Nội, mất năm 1998 tại Mỹ. Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: “Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt…”. Vì vậy, để hiểu Nguyên Sa, không có phương pháp nào đáng tin cậy bằng sự nghiêm túc đọc lại thơ Nguyên Sa.

Nhà thơ Nguyên Sa xuất thân từ một gia đình không liên quan gì đến văn chương nghệ thuật. Năm 17 tuổi, Nguyên Sa sang Pháp du học. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông ghi danh vào khoa Triết, Đại học Sorbonne. Và cuộc hạnh ngộ với bà Trịnh Thị Nga đã biến ông thành thi sĩ. Bài thơ nổi tiếng đầu tiên của Nguyên Sa cũng là bài thơ đính hôn.

Bài thơ có tên “Nga” được in vào thiệp cưới của họ năm 1955: “Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô/ Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi”. Năm 1956, ông bà đưa nhau về Sài Gòn sống bằng nghề dạy học. Không chỉ giảng dạy môn Triết cho các trường trung học, họ còn mở ra hai trường tư thục Văn Học và Văn Khôi. Với quan niệm bản thân “vốn dĩ chỉ là hạt cát”, Trần Bích Lan lấy bút danh Nguyên Sa và ngay lập tức lừng lẫy trên thi đàn.

Có thể do sự tình cờ hữu duyên, những bài thơ phổ nhạc của Nguyên Sa lan tỏa rất nhanh vào đời sống. Và cho đến tận hôm nay, nhắc đến Nguyên Sa là người ta nghe vang lên trên môi “Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn/ Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh” (Áo lụa Hà Đông), hoặc “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường” (Tuổi mười ba), hoặc “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen” (Paris có gì lạ không em) và “Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn/ Nếu em sợ thời gian dài vô tận” (Tháng sáu trời mưa).

Những bài thơ được phổ nhạc ấy cứ bồng bềnh từ thế hệ này sang thế hệ kia, khiến nhiều bài thơ khác của Nguyên Sa ít nhiều bị che khuất, kể cả những câu thơ độc đáo miêu tả chiếc áo dài đậm đà bản sắc dân tộc: “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay”.

 
 

Tuy nhiên, nếu đọc thơ Nguyên Sa viết sau năm 1975 ở hải ngoại, vẫn nhận ra nét hào hoa riêng biệt. Trong tập “Hoa sen và hoa đào” được sáng tác khoảng thời gian 1982-1988, có những câu thơ mang đậm phong cách Nguyên Sa như: “Anh nhớ em ngồi áo trắng thon/ Ngàn năm còn mãi lúc gần quen/ Em gầy như liễu trong thơ cổ/ Anh bỏ trường thi lúc Thịnh Đường” hay “Phương Đông vào chỗ hồng lên má/ Chiều xuống lưng chừng mái tóc thưa”.

 Đã từng xuất bản cuốn sách biên khảo triết học “Descartes nhìn từ phương Đông”, nhưng trả lời phỏng vấn của nhà văn Vũ Bằng vào năm 1972, thì Nguyên Sa vẫn khẳng định: “Nói triết lý sa sả, e rằng sẽ là người tự kiêu. Nhất là trong thơ, càng nhiều triết lý càng mất tính cách của thơ. Theo tôi, thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng”. Suy nghiệm đó được Nguyên Sa thể hiện rất rõ trong những bài lục bát.

Thơ Việt Nam đã từng tự hào về lục bát Nguyễn Du, lục bát Nguyễn Bính, lục bát Huy Cận thì có lẽ những ai yêu thể thơ truyền thống cũng cần lưu ý lục bát Nguyên Sa. Sáu chữ và tám chữ được Nguyên Sa vận hành khá tự nhiên và nhịp nhàng đến mức phẩm chất thi ca tuôn chảy vào lòng độc giả một cách bất ngờ.

Khi gặp “Mây hồng” bâng khuâng “Những chiều sương kín đầu non/ Hỏi nhau nhè nhẹ sao buồn chi em”, khi muốn “Tháo gỡ” giăng mắc ngậm ngùi “Ta nằm tháo gỡ cơn mưa/ Cầu vồng tràn núi cũng vừa bắc ngang/ Trong thơ ta gọi là nàng/ Nói năng lẫm liệt, tình càng thâm sâu/ Trời cao có núi bắc cầu/ Trong ta vực thẳm cúi đầu nghe mưa”, hoặc khi đăm đắm “Hiu quạnh” thân phận “Bỏ tay vào túi buổi chiều/ Lấy ra hiu quạnh với nhiều bản thân/ Còn hiu quạnh chỗ mộ phần/ Tấm bia màu trắng mấy lần quạnh hiu”, và khi hân hoan “Ngày khỏi bệnh” nhận ra “Thương ghê màu áo hoa cà/ Mộng mơ bật sáng trên da thịt người”.

Những câu thơ mềm mại, linh hoạt và ấm áp theo suốt cả cuộc đời Nguyên Sa, và lúc đến chặng đường hoàng hôn số kiếp thi sĩ, thì ông chợt ngộ “Hiện tượng toàn diện” để thả hồn tràn theo nghĩ suy không kịp kết nối vần điệu: “Lau khô một bông hoa không phải chỉ là động tác của tay/ Công việc đòi hỏi sự chú ý của thị giác, sự nhịp nhàng của hô hấp và cả sự di chuyển trong một không gian”. Đối mặt với căn bệnh ung thư dạ dày hành hạ từng ngày, Nguyên Sa vẫn không rời bỏ thơ. Bài thơ “Hóa học trị liệu” có thể xem như một cột mốc để đánh dấu những sáng tác tạ từ nhân gian của ông.

Tôi biết cây phong đứng ở trước cửa bệnh viện nghĩ gì
Khi những chiếc lá phong buông tay ra
Làm thành những vòng tròn nhỏ
Những chiếc lá phong màu rượu chát rơi xuống một vị trí tên là mặt đất
Gió đưa những chiếc lá phong sang một vị trí khác cũng tên là mặt đất
Như thể vật nào cuối cùng cũng chỉ có cùng một tên.

Không thể nói khác hơn rằng, 22 bài thơ viết từ đầu năm 1998 đến lúc chia tay vĩnh viễn với Nàng Thơ đã cho hậu thế thấy được một dòng chảy khác của thơ Nguyên Sa. Những câu thơ ngổn ngang và giàu chất trí tuệ, không phải đến thình lình, mà có mạch nguồn trong thao thức Nguyên Sa. Trên giường bệnh, có lẽ hơn một lần ông ưu tư về những bài thơ mình viết đã được phổ nhạc truyền tụng khắp nơi: “Tôi đã làm xong bài thơ để phổ nhạc/ Nhưng bài nhạc chưa tới/ Đến khi nó tới/ Bài thơ nhất định bỏ đi”. Thật vậy, những bài thơ sau chót của Nguyên Sa hầu như không dành cho âm nhạc, chỉ dành cho những chột dạ.

Nguyên Sa chột dạ về “Mật khẩu” đời mình:

Mỗi lần Thượng đế mở toang lồng ngực và bước vào
Tôi sợ đến nín thở
Tôi sợ ông gọi cửa không được
Tôi sợ ông quên mật khẩu
Tôi sợ ông quay ra hỏi
Tôi sẽ không biết trả lời sao
Vì tôi cũng không nhớ

Nguyên Sa chột dạ về “Ký ức” người vợ sắc son đi cùng ông suốt hành trình long đong duyên nợ ba sinh:

Em làm cho tà áo lượn bay màu trắng ở quê hương xưa
trở thành màu hồng
Em làm thắp lên ngọn bạch lạp vào buổi sang
ở trong lớp học
trong những giờ khắc yêu đương


Nguyên Sa chột dạ về những “Mặt nạ” chập chờn lẩn khuất:

Chiếc mặt nạ ngay sát lần da mặt, gắn vào hay tháo gỡ
đều đòi hỏi nhiều thời gian
Làn da mặt dính vào thịt xương gắn vào hay tháo gỡ càng lâu hơn
Không thể đo được thời gian tìm kiếm những chiếc mặt nạ
Ở dưới làn da mặt dính vào thịt xương

Nguyên Sa chột dạ về “Con sông” ngược xuôi bất tận miền khát vọng:

Suối cạn là nghĩa trang biết thở dài của dòng song
Sa mạc là nghĩa trang khác, nghĩa trang biết khóc của dòng song
Vật nào cũng có hai nghĩa trang
Một vật bao giờ cũng có hai tên
Tên nó và tên ước mơ của nó
Nghĩa trang của nó và nghĩa trang của ước mơ
Có lúc tôi thích được gọi bằng tên tôi
Có lúc tôi thích được gọi bằng tên ước mơ của tôi
Đó là lý do tôi ký tên em khi làm thơ

Thế nhưng, niềm riêng day dứt nhất, đau đáu nhất của Nguyên Sa trong những bài thơ cuối cùng là nỗi mong ngóng thăm thẳm cố hương. Nguyên Sa đón “Tết ở Wichita Falls” giữa cơ hồ run rủi: “Nửa khuya nàng đánh thức tôi dậy, nói dậy đi, dậy đi, giao thừa rồi/ Tôi ngồi dậy/ Chúng tôi mặc quần áo mới/ Chúng tôi thắp nhang/ Chúng tôi ngồi uống trà với nhau, ngồi tựa lưng vào nhau, hát cho nhau nghe bằng ánh sáng của những ngày mới gặp nhau/ Khi nàng quay đầu lại, tôi thấy mắt nàng đỏ hoe/ Mắt nàng ngơ ngác giống như mắt con vành khuyên một mình, để định hướng, bay theo những màu vàng của một rừng mai”.

Dường như Nguyên Sa không còn muốn ngắt dòng hay ngắt câu, ông cứ để cảm xúc lênh loang cho kịp nhịp điệu hối hả từ trái tim mình. Và ông nghĩ về một sự “Thủy chung” giản dị khi hóa thân vào tro bụi: “anh chỉ xin em ném giùm anh xuống những mảnh đất đầu đời, chỗ bãi phù sa anh tắm mỗi chiều, con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học”. Riêng với quê nhà thơ ấu, Nguyên Sa tỉ mỉ viết sáu câu chia biệt:

Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh
Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa
Tiễn nhau nhớ Tháng Giêng, mưa
Sông Hồng nước động bóng chưa nhập hình
Tiễn anh linh hiển u linh
Cấu vào da thịt thấy mình bỏ đi

Nguyên Sa đã yên nghỉ 20 năm ở California. Mọi vui buồn và được mất cũng đã lắng dịu đi, đủ để những người bây giờ bình tâm phác thảo một chân dung thơ Nguyên Sa. Ông đã đến với chúng ta, đã sống với chúng ta, đã rời xa chúng ta, và đã gửi lại những câu thơ dâng hiến cả cuộc đời. Gần nửa thế kỷ miệt mài với thơ, Nguyên Sa canh cánh “luôn luôn làm sao để không giống mình, để trở thành một người khác mình, thì đó chính là cách thức, cách thế để trở thành chính mình”.

Và phải chăng, trong sự vần xoay năm tháng, Nguyên Sa đã tìm được chính mình khi đi qua “Sân khấu và những sân khấu” trắc ẩn cõi người: “Tôi thực sự không thích sân khấu, sân khấu rất phiền, đèn đuốc sáng trưng, mình không thể làm điều mình muốn/ Tôi cũng không thích hậu trường là một sân khấu khác/ Tôi không thích làm diễn viên, bị khán giả nhìn ngắm, có khi soi mói, mất tự do kinh khủng/ Nhưng cũng như bóng tối có ánh sáng của nó, im lặng là mặt bên kia của tiếng nói, khán giả lại là những diễn viên khác/ Còn sân khấu thì thường trực đổi chỗ”?

Lê Thiếu

Nguồn: Văn nghệ Công an

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *