MỘT CÁNH CỬA VÀO CÕI VÔ BIÊN
Viết trực tiếp về chiến tranh, Trần Đăng Khoa không mô tả trực diện cuộc chiến. Nếu tả trực tiếp trận đánh, bài thơ dễ thành một bài báo. Ở đây, ta không thấy thông tin mang tính thông tấn, cũng không thấy bom đạn và cả bộ mặt kẻ thù cùng diễn biến của chiến dịch. Trong bài thơ, tác giả chỉ khắc hoạ tâm trạng của người lính trong đêm chuẩn bị ra trận với bao nhiêu yêu thương. Thương mình. Thương đời. Thương cả những người đã từng hại mình, đã làm mình đau khổ.
Mở đầu là một cuộc “liên hoan” rất đặc biệt. Liên hoan mà không phải liên hoan:
Chẳng cần có rượu
Chúng mình vẫn ngồi ngật ngưỡng với nhau
Ngày mai ra trận
Vầng trăng đêm nay cứ vằng vặc ngang đầu...
Ngày mai là ngày ra trận. Bởi rất có thể, đây là niềm hạnh phúc cuối cùng trong một đời người. Ngày mai, họ sẽ đối diện với một trận chiến vô cùng khốc liệt. Cho nên đêm nay, họ tận dụng mọi thời gian để ngồi “ngật ngưỡng” bên nhau. Chứng kiến cuộc “liên hoan” này, chỉ có vầng trăng “vằng vặc ngang đầu”. Đêm đã khuya lắm. Đây cũng là cảm giác chỉ có ở người lính đang vào trận. Lính cần bí mật, giấu mình vào bóng đêm, mà trăng thì lại sáng. Sáng “vằng vặc”. Các chiến sĩ không ngủ. Bởi không thể ngủ. Không ngủ không phải vì trăng quá sáng. Ai cũng trân quý cái giây phút bình yên hiếm hoi này.
Ta ngắm mình, rồi ta ngắm nhau
Sao ta thấy thương ta quá thể
Bỗng nhận ra ta còn rất trẻ
Và vòm trời hùng vĩ kia cũng trong ngần, tinh khiết như ta...
Các chiến sĩ phát hiện ra điều gì trong khoảnh khắc đặc biệt? Nhận biết đầu tiên là mình còn rất trẻ, trẻ đến “tinh khiết”. Nếu bình thường, chẳng ai để ý điều này. Câu thơ đầy kiêu hãnh nhưng người đọc lại thấy xót. Họ đang ở tuổi hai mươi. Tuổi đẹp nhất của một đời người. Và họ trong ngần, tinh khiết như bầu trời hùng vĩ. Cũng chỉ có bầu trời mới sánh được với họ.
Đối diện với chiến tranh, đối diện với cái chết khi tuổi đời còn quá trẻ. Đây là một thực tiễn bình dị nhưng khốc liệt. Trần Đăng Khoa không thần thánh hóa những người anh hùng “coi cái chết nhẹ như lông hồng” như nhiều người vẫn nói. Tâm trạng họ hiện lên rất chân thực. Ai rất yêu cuộc sống của mình, nhưng phải đối diện với cái chết mà chẳng có cảm giác vậy. Bởi họ đâu phải gỗ đá. Họ là những con người theo đúng nghĩa nhất. Và họ sẽ càng cao đẹp khi họ rất yêu mình, yêu cuộc đời mình mà lại chọn cái chết, chọn sự hy sinh cho Tổ Quốc sống mãi.
Nhà thơ Thanh Thảo trong trường ca Những người đi tới biển, ở Khúc bảy cũng đã từng viết:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Những người lính còn rất trẻ, đã được tận hưởng cuộc sống đâu. Sao mà không tiếc được chứ?
Thuốc cuộn, lương khô, nào hãy bày ra
Cũng có vậy thôi. Nào thôi, liên hoan hết
Ngày mai ai hy sinh? Đêm nay ta không biết
Nhưng ta biết ngày mai bọn giặc phải tơi bời
Gia tài của lính đấy. Lương khô, thuốc cuộn… Và chỉ thế cũng đã hạnh phúc lắm khi được ngồi bên nhau. Vì ngày mai, trong số những chàng trai này, ai còn, ai mất. Chẳng biết nữa. Nhưng có một điều họ biết chắc chắn, ngày mai kẻ thù sẽ phải đền tội. Câu thơ như một lời thề. Một sự khẳng định sắt đá từ những con người đâu phải sắt đá...
Có điều gì phấp phỏng thế, rừng ơi?
Mà nghe rối cả ruột rừng, gió thổi
Ta muốn hít cả đất trời chật căng hai lá phổi
Ôi đêm nay có thể chỉ là một đêm. Nhưng cũng có khi là cả một đời người
Có điều gì hồi hộp thế, rừng ơi?
Hãy nói giùm ta, rằng ta rất yêu người,
dù có người từng làm ta đau khổ
Đêm lặng quá. Đồng đội ơi!
Ngày mai ra trận rồi!
- Cái khéo của Trần Đăng Khoa là đã lấy cánh rừng, lấy cả bầu trời tinh khiết để miêu tả tâm lý, tâm trạng người lính, khiến những vật vô tri không còn vô tri nữa. “Có điều gì phấp phỏng thế rừng ơi?”. “Có điều gì hồi hộp thế rừng ơi?”. Đấy là cánh rừng trong con mắt với tâm trạng của người ra trận. Nói như nhà thơ Xuân Diệu: “Khoa đã biết phả hồn mình vào cảnh vật, rồi biến những cảnh vật thành tâm hồn” theo quy luật của thơ ca. Nhưng có lẽ phải đến bài thơ này, anh mới làm được đúng nhất như điều Xuân Diệu nói. Và ta nhận thấy đây là một đêm đặc biệt. Đêm chấp chới giữa sự sống và cái chết. Trong khoảnh khắc linh thiêng ấy, người lính thấy gì?
Ngày mai, ngày mai, nếu mình không trở về
Cậu có nhớ lối rẽ vào nhà mình không cậu?
Cúc tần xanh, tơ cuộn vàng lưng giậu
Mẹ mình thường đứng ở đó nhìn ra...
Đây là những câu thơ hay nhất trong bài. Những người lính khát khao sống, quyết phải sống, không phải cho riêng mình, mà còn vì người mẹ già ngày ngày vẫn ngóng theo bước chân con, vẫn khắc khoải đợi con về. Để lường trước ngày mai, điều tồi tệ nhất có thể đến, thì nhờ đồng đội thay mình về với mẹ. Và rồi lại ước vọng, hy vọng:
Nếu ngày mai chúng mình đều còn cả
Ta sẽ ôm nhau hát vang trời
Cho mẹ chúng mình ở nhà đừng sốt ruột
Cho sông núi biết chúng mình là những thằng hai mươi
Nhưng đó lại là điều rất khó xảy ra. Bởi sự thật vẫn còn là sự thật:
Nhưng còn đêm nay, đêm nay nữa rừng ơi
Lòng ta muốn yên mà rừng thì phấp phỏng
Thôi hãy hát to lên cho rừng yên tĩnh
Để chỉ còn trăng – như lính – trải đầy rừng...
Những câu thơ thật ấn tượng, dù con chữ rất bình dị, dường như chẳng có gì, vậy mà lại có sức cứa vào lòng người đọc, khiến ta ứa nước mắt. Sự phấp phỏng, chộn rộn của cánh rừng mà tác giả đã đề cập ở phần đầu của một đêm chuẩn bị đã được đẩy lên đến nấc cuối cùng, khiến người lính phải dùng tiếng hát của mình để trấn an: “Lòng ta muốn yên mà rừng thì phấp phỏng -Thôi hãy hát to lên cho rừng yên tĩnh - Để chỉ còn trăng – như lính – trải đầy rừng”...
Thực ra, chẳng có tiếng hát nào vang lên đâu. Vì người lính đang ém quân bí mật: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, để giữ bí mật và bất ngờ tuyệt đối cho trận đánh. Tiếng hát ấy chỉ có thể vang lên trong tâm hồn người lính. Và rồi chính nó đã giữ cho cánh “rừng yên tĩnh – Để chỉ còn trăng – như lính – trải đầy rừng…”
Không phải trăng đâu. Chính những người lính đang toả sáng đấy. Một nguồn sáng thật cao đẹp. Câu thơ rất ấn tượng. Ta lại nhớ đến bài thơ Em vào Đại học cũng của Trần Đăng Khoa, viết tặng cô em gái Trần Thuý Giang khi cô vừa vào trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Khi ấy Trần Đăng Khoa đang ở mặt trận biên giới Tây Nam. Như rất nhiều đồng đội của mình, Trần Đăng Khoa vào lính, khi đang học dở lớp 10, tương đương lớp 12 hiện nay: “Hôm nay em đến giảng đường – Anh hằng khao khát – Thế hệ anh mấy lớp người đi cứu nước – Có bao anh chưa tới được lớp Mười – Có bao anh nằm lại dọc đường rồi – Những con suối không tên, những ngọn đồi không tuổi – Có thể sau này, em dẫn học trò tới – Chỉ thấy im lìm rừng xanh với núi xanh…”.
Rừng bao giờ chả vậy. Vô giác và vô tri. Và nói như chính Trần Đăng Khoa: “Rừng vẫn lặng lẽ xanh. Xanh như không hề có máu chảy. Xanh như là chẳng có chuyện gì” (Chuyện ở Quảng Bình). Bây giờ, cuộc chiến tranh đã qua mấy chục năm rồi. Những cánh rừng càng khép lại bí ẩn như dáng vẻ thâm u muôn đời của đại ngàn. Vậy mà rồi chính nó đã giấu trong lòng bao nhiêu bí mật của những đêm chuẩn bị ra trận, rồi xương máu trập trùng của những người lính trẻ. Cả nỗi thổn thức này:
Đêm nay, đêm nay, có ai cùng thức với ta chăng?
Nếu nhặt được dòng tâm sự này,
xin đừng trách lũ chúng tôi lẩn thẩn
Có gì đâu, bè bạn mến yêu ơi,
Ngày mai chúng tôi ra trận!...
Bài thơ đã khép. Nhưng lại mở ra một cánh cửa vào cõi vô biên, đó là tâm hồn bạn đọc, làm chúng ta thổn thức, yêu những người lính và càng yêu cuộc sống của chúng ta hơn. Cuộc sống bình yên đã được đổi bằng rất nhiều xương máu của cha anh đi trước. ..
NGÀY MAI RA TRẬN
TRẦN ĐĂNG KHOA
Chẳng cần có rượu
Chúng mình vẫn ngồi ngật ngưỡng với nhau
Ngày mai ra trận
Vầng trăng đêm nay cứ vằng vặc ngang đầu...
Ta ngắm mình, rồi ta ngắm nhau
Sao ta thấy thương ta quá thể
Bỗng nhận ra ta còn rất trẻ
Và vòm trời hùng vĩ kia cũng trong ngần, tinh khiết như ta...
Thuốc cuộn, lương khô, nào hãy bày ra
Cũng có vậy thôi. Nào thôi, liên hoan hết
Ngày mai ai hy sinh? Đêm nay ta không biết
Nhưng ta biết ngày mai bọn giặc phải tơi bời
Có điều gì phấp phỏng thế, rừng ơi?
Mà nghe rối cả ruột rừng, gió thổi
Ta muốn hít cả đất trời chật căng hai lá phổi
Ôi đêm nay có thể chỉ là một đêm. Nhưng cũng có khi là
cả một đời người
Có điều gì hồi hộp thế, rừng ơi?
Hãy nói giùm ta, rằng ta rất yêu ngườ, dù có người từng làm ta đau khổ
Đêm lặng quá. Đồng đội ơi!
Ngày mai ra trận rồi!
Ngày mai, ngày mai, nếu mình không trở về
Cậu có nhớ lối rẽ vào nhà mình không cậu?
Cúc tần xanh, tơ cuộn vàng lưng giậu
Mẹ mình thường đứng ở đó nhìn ra...
Nếu ngày mai chúng mình đều còn cả
Ta sẽ ôm nhau hát vang trời
Cho mẹ chúng mình ở nhà đừng sốt ruột
Cho sông núi biết chúng mình là những thằng hai mươi
Nhưng còn đêm nay, đêm nay nữa rừng ơi
Lòng ta muốn yên mà rừng thì phấp phỏng
Thôi hãy hát to lên cho rừng yên tĩnh
Để chỉ còn trăng – như lính – trải đầy rừng...
Đêm nay, đêm nay, có ai cùng thức với ta chăng?
Nếu nhặt được dòng tâm sự này,
xin đừng trách lũ chúng tôi lẩn thẩn
Có gì đâu, bạn bè mến yêu ơi,
Ngày mai chúng tôi ra trận!...
Biên giới Tây Nam, 1/10/1978.
Nguồn Văn nghệ số 51/2019