Thời sự văn học nghệ thuật

3/3
6:10 PM 2016

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - BÁC ĐỒNG

Vào buổi tối Lễ cúng Ông Táo năm Quý Hợi (1982) nhà thơ Chính Hữu gọi dây nói cho tôi, bảo:

Thủ tướng Phạm Văn Đồng với các nhà văn Việt Nam tại Đại hội Nhà văn VN lần thứ 3

- Thường trực sáng nay bàn, năm nay để em lên ăn Tết với Trung ương. Đừng đi đâu xa, có giấy mời gửi xuống đi cho kịp. Chúc mừng năm mới sớm nhé.

Anh buông máy. Tôi sững sờ hồi lâu. Hồi còn ở đơn vị, hiếm khi được gặp một vị trung tá, đại tá, nay sắp được lên gặp lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quả là một hạnh phúc không ngờ. Theo quy định, mỗi Hội được cử hai người. Hội Nhà văn được ưu tiên cử bốn người. Anh Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Thanh Tịnh, và tôi.

Năm ấy, tôi đã 40 tuổi, nhưng trong Hội trường Ba Đình, lại được xem là người trẻ tuổi nhất. Thật là cả một rừng tên tuổi đủ các ngành văn học, nghệ thuật. Hầu hết tôi mới được gặp lần đầu. Trong lúc tôi đang mải mê chiêm ngưỡng các bậc đàn anh thì tiếng vỗ tay nổi lên vang dậy. Tất cả mọi người đứng dậy. Nhìn lên sân khấu không thấy ai, tôi quay lại phía sau thì bác Phạm Văn Đồng đã đến ngay bên cạnh. Tôi lúng túng đứng dậy:

- Chào bác ạ.

Bác gật đầu, rồi quay lại với mọi người,  cười rất tươi.

- Chào các đồng chí! Chào các đồng chí!

Hôm ấy trời khá lạnh. Bác khoác chiếc măng-tô-xan mầu be, có đai thắt gọn gàng, bên trong là bộ Tôn Trung Sơn màu nâu sậm. Bác bước lên bục, khoan thai, nhẹ nhõm, mình gầy vóc hạc, từ con người bác toả ra hơi ấm của sự cao thượng, minh triết. Bác nói về tình hình đất nước, “những đốm lửa mới nhen ấm niềm tin”, rồi chúc Tết văn nghệ sĩ “Đảng, Chính phủ luôn luôn ở bên cạnh các đồng chí, làm tất cả những gì có thể làm được, giúp các đồng chí sáng tạo”. Tiếng vỗ tay vang dội. Trong những lúc như thế này, thì không còn thứ ngôn ngữ nào hàm xúc bằng âm thanh của bầu máu nóng phát ra trên mười đầu ngón tay. Nó nói lên tất cả, sự kính trọng,  niềm tin yêu ngưỡng mộ tự đáy lòng. Sau lời phát biểu của bác, mọi người lên nhà gương, là tầng hai của tiền sảnh Hội trường Ba Đình để dự tiệc, bác Đồng đứng trên bục danh dự, hướng về mọi người:

- Bây giờ, tôi thay mặt Trung ương và Chính phủ chúc mừng năm mới và mời các đồng chí nâng cốc. Chúng ta là những người làm chủ thời gian, nên có quyền lạc quan và tin tưởng hy vọng một năm mới nhiều tốt đẹp.

Sau bữa tiệc là đến cuộc liên hoan văn nghệ. Nghệ sĩ Ái Liên lên hát đầu tiên. Năm ấy bà đã không còn trẻ, nhưng phong thái vẫn rất uyển chuyển, giọng hát tha thiết điêu luyện. Bà hát bài dân ca Bắc Bộ, theo điệu cò lả

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa Phủ bay ra cánh đồng

Tình tính tang, tang tính tình

Anh chàng rằng, anh chàng ơi

Rằng có nhớ nhớ hay chăng

Rằng có nhớ là nhớ hay chăng

Giọng nhắn hơi bịn rịn làm sao. Bác Đồng đứng lên, vừa vỗ tay hưởng ứng vừa nói “nhớ, nhớ” làm cả thính phòng rộ lên tiếng cười thật sảng khoái. Tiếp theo các nhạc sĩ lần lượt trình bày những bài hát mới nhất của mình. Sau cùng, anh Nguyễn Đình Thi thay mặt văn nghệ sĩ có mặt cảm ơn và kính chúc sức khoẻ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kính chúc sức khoẻ bác Phạm Văn Đồng. Lúc ra về, mỗi đại biểu được tặng một túi quà Tết. Có rượu, mứt, và trà Hồng Đào. Tôi để nguyên túi quà, ngày 28 Tết về quê, dâng lên bàn thờ tổ tiên. Tôi kể với cha tôi việc lên ăn Tết với Trung ương được gặp bác Đồng, và nói rõ túi quà Tết năm nay là của Trung ương tặng. Cha tôi nghẹn ngào xúc động, bảo tôi lấy một bát nước giếng trong vắt đặt lên ban thờ, rồi người thắp hương, đứng trước ban thờ, khấn thỉnh tổ tiên. Tôi thấy cử chỉ của người thật kính cẩn, trang nghiêm, tự nhiên tôi ngân ngấn nước mắt. Suốt đời, tôi không bao giờ quên những giây phút đó. Đó là một niềm vui, giống như thời đi học được điểm tốt, được lên lớp, món quà có ý nghĩa nhất, lớn nhất, đối với người. Sau này, suốt 10 năm làm Đại biểu Quốc Hội, mỗi lần vào Hội trường Ba Đình, tôi vẫn luôn luôn thấy hình dáng bác Đồng hiện lên vô cùng thân thiết và gần gũi như lần đầu tôi được gặp.

Đó là lần đầu tiên tôi được gặp bác Đồng.

Tháng 9 năm sau, chính xác là ngày 28-9-1983, Đại hội Hội Nhà văn lần Việt Nam thứ III được tổ chức tại Hội trường Ba Đình. Tôi được phân công làm trưởng Đoàn thư ký cùng với Xuân Đức, Trần Thanh Giao, Chu Văn Mười, Lữ Huy Nguyên.  Đại hội họp đến ngày thứ ba thì bác Đồng đến dự cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Định. Từ ghế của Đoàn thư ký, tôi nhìn bác rất rõ. Hôm ấy trời vẫn còn nóng, bác mặc chiếc sơ mi cộc tay, bỏ ngoài quần. Giọng bác vang trầm ấm, hùng hồn và cuốn hút. “Đối với dân tộc ta, lịch sử là một người bạn đường thân thiết và trung thành, và cách mạng là luôn luôn chiến đấu và chiến thắng cho đến thắng lợi cuối cùng”.

“Chúng ta luôn luôn hết sức phấn đấu để giảm bớt khó khăn, từng bước cải thiện đời sống vật chất. Đồng thời, chúng ta rất coi trọng đời sống văn hoá: Đạo đức con người, quan hệ giữa người với người trong từng gia đình, trong từng tập thể, và trong toàn xã hội. Có thể về vật chất chúng ta chưa có mức sống cao, song về văn hoá, chúng ta phải có một cuộc sống lành mạnh, tươi vui và đẹp đẽ.

Trong cuộc sống cũng như trong tác phẩm, nhà văn không tránh bóng đen, có thể viết rất đậm về bóng đen để làm nổi bật ánh sáng, viết về cái hư hỏng, cái lạc hậu chính để làm nổi bật cái đúng, cái hay và cái đẹp.

Hiện nay, công việc của chúng ta, khác nào như một con sông, mà rác rưởi ở bên bờ không thể che lấp dòng nước trong sạch và tươi mát. Nhà văn hãy tắm mình vào dòng chảy trong sạch ấy, tìm thấy ở đó nguồn cảm hứng có thể vô cùng đẹp đẽ.

Nhà văn cần luôn luôn nhớ mình là người chiến sĩ cách mạng, làm cho tác phẩm của mình thể hiện một cách sinh động và có sáng tạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, phê phán nghiêm khắc mọi khuynh hướng lệch lạc, nhất là các biểu hiện của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tài tử, lối chạy theo những thị hiếu thấp kém, thậm chí đồi truỵ, bệnh công thức thô thiển, giả tạo.

Hội Nhà văn Việt Nam cần thật sự trở thành một tổ chức cách mạng xã hội chủ nghĩa, một tập thể ngày càng đông đảo thiết thực chăm lo việc sáng tác của các hội viên, một gia đình rộng lớn đoàn kết, thân ái, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, ở đó bầu không khí luôn luôn thể hiện tính chất trong trẻo và cao quý của văn học, tạo thêm nguồn phấn khởi cho mỗi người. Trong đội ngũ nhà văn, cần hết sức quý trọng các nhà văn lớp trước đã bền bỉ phấn đấu trên mặt trận văn học từ trên dưới nửa thế kỷ nay và hiện vẫn hăng hái tiếp tục sáng tác, đồng thời sự quan tâm đặc biệt về mọi mặt: Bồi dưỡng, nâng đỡ, khuyến khích, tạo điều kiện vươn lên phải được dành cho lớp nhà văn trẻ đã được thử thách trong kháng chiến chống Mỹ và trong 8 năm qua, là bộ phận rất quan trọng và sung sức của đội ngũ hiện nay và là ngày mai của nền văn học nước ta.”

Cả Hội trường bị hút vào một tâm điểm. Và tiếng vỗ tay chốc chốc lại rộ vang đồng cảm, tin tưởng, vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng một trí tuệ uyên bác và một nhân cách cao quý, thanh khiết. Hơn 30 năm đã trôi qua, với biết bao biến đổi nhanh chóng và bề bộn, những lời dặn của  bác Đồng ngày ấy vẫn như dành để nói cho chính ngày hôm nay. Tại Đại hội đó, tôi được bầu vào Ban Chấp hành, và Ban thư ký của Hội. Tới cuối nhiệm kỳ, 1989 tôi được cử sang phụ trách báo Văn nghệ. Công việc mới mẻ và đầy khó khăn, đương đầu với biết bao thử thách. Phải đến 10 năm sau, Đại hội Nhà văn lần thứ III, tôi mới được gặp lại bác Đồng. Đó là những ngày chuẩn bị Đại hội nhà văn lần thứ V, tôi được theo nhà văn Vũ Tú Nam (Tổng thư ký Hội Nhà văn khoá 4), nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hoàng Minh Châu lên gặp bác Đồng tại một biệt thự trên Hồ Tây. Lúc này sức khoẻ bác đã bắt đầu giảm sút, đi lại chậm hơn cùng tiếp khách với bác  có nhà thơ Việt Phương.  Mở đầu, anh Vũ Tú Nam báo cáo với bác một số vấn đề nổi lên trước thềm Đại hội. Anh Hữu Mai bổ sung thêm về những khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp. Anh Hoàng Minh Châu nói tâm trạng chung của nhà văn trước những mặt trái của cơ chế thị trường. Được nhà thơ Việt Phương khích lệ, tôi báo cáo với bác về sự xuất hiện những cây bút trẻ, được gọi là thế hệ nhà văn sau đổi mới. Bác rất chăm chú lắng nghe, gặp chỗ đắc ý, bác gõ tay nhẹ xuống mặt bàn, gương mặt đăm chiêu nghĩ ngợi “Phải tạo điều kiện để các nhà văn phát biểu, nói hết chính kiến, quan niệm, tâm trạng của mình. Dân chủ là như thế và phải rất thực lòng. Người ta còn tha thiết muốn nói tức là muốn xây dựng Hội. Mở rộng dân chủ, đó là cách làm hay, văn hoá là thế đấy”.

Đã đứng trưa, Bác mời mọi người sang phòng bên dùng cơm. Có canh cải, thịt kho, su hào xào. Đó là thức dùng cho mọi người. Riêng bác, thức ăn tất cả chỉ trong một chiếc niêu đất nhỏ, gồm khoai, cà rốt và một ít gạo. Bác không dùng đũa mà dùng thìa, ăn một cách chậm rãi. Tôi chợt thấy nhói lòng, thấy bác như một nhà khổ hạnh, kiêng khem quá. Trong lúc mọi người ngồi quanh ấm chè tươi vừa được bưng ra, có một quân nhân cao ráo, trắng trẻo đeo quân hàm trung tá từ ngoài vào, sau khi chào mọi người, lặng lẽ đến đứng sau lưng ghế ôm lấy bác.

- Dương về đấy con.

- Dạ.

- Ăn chưa. Vào ăn kẻo đói.

- Dạ, con ăn ở đơn vị rồi ạ.

- Vậy được rồi.

Chỉ vài câu đối thoại ngắn, giản dị giữa hai cha con mà làm tôi xúc động được sống trong hơi ấm đời thường của một vĩ nhân. Đó là cái phần rất người, vô cùng gần gũi và cảm động nhưng thường bị che khuất bởi những  hoạt động xã hội rộng lớn đầy trọng trách của người đứng đầu cơ quan hành pháp Nhà nước.

Sau đó không lâu, gần như thành nếp hàng quý bác Nguyễn Tiến Năng, thư ký của bác Đồng thường lên lịch để chúng tôi lên thăm Bác và để bác hỏi han công việc. Tôi xin phép bác để cả ban biên tập cùng đi. Các anh Hoàng Minh Châu, Ngô Ngọc Bội, Phạm Tiến Duật, Trần Ninh Hồ, Bế Kiến Quốc, Phạm Đình Ân... và một số cộng tác viên thân cận của báo. Lúc này, mắt bác không còn được như trước, cử chỉ hơi chậm nhưng phong thái vẫn quắc thước,  tiên ông đạo cốt.

- Tôi lâu nay mắt không được tốt, nhưng vẫn đọc báo của các đồng chí. Tôi hoan nghênh các nhà văn muốn cổ vũ cái mới. Cái đó đáng làm và cần làm cho tôi. Nhưng phải nói cho sâu hơn. Nghĩa là phải có cái nhìn toàn cục, phải thấy đổi mới trước hết là vấn để của trí tuệ, của tư duy, và (bác dừng lại một lúc) của dũng khí. Đó là đột phá về tư tưởng. Nhưng tất cả phải trên một cái nền, đó là văn hoá. Tôi muốn nghe các đồng chí về vấn đề này, nói thật, nói hết. Những điều đã viết, tất nhiên, và cả những điều còn thấy khó viết, khó nói. Tôi nghe đây.

Chúng tôi đã nói với bác tất cả, những gì mà một nhà thơ, nhà văn thấy và nghĩ. Bác chăm chú lắng nghe, khi thấy ai có ý dè dặt, e ngại, bác khuyến khích: Đồng chí cứ nói, không ngại các mặt trái. Tôi không đánh giá lập trường của các đồng chí đâu. Từ câu chuyện làm ăn, cơ chế, ách tắc, những biểu hiện cửa quyền, xa dân, những dấu hiệu đáng lo ngại về các giá trị truyền thống dân tộc, câu chuyện chuyển sang các vấn đề văn học: “Đi vào đời sống, đó là phương hướng, là  yêu cầu, là trách nhiệm. Nhưng lao động nghệ thuật là việc của các đồng chí, bạn đọc không cần những sản phẩm có ngay sống sít. Văn học là tích luỹ, là phân tích, là tổng hợp,  là nung nấu tới  lúc không nói ra, viết ra không  ra không sống được. Gần đây, nghe trong giới các đồng chí bàn luận nhiều về câu chuyện cũ và mới. Cái gì làm cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Du mấy trăm năm vẫn luôn luôn mới? Văn học cổ điển Pháp, Nga cũng vậy, chưa hề cũ. Ta có bệnh hay làm theo phong trào. Trong kinh tế, cái sai còn có thể sửa, sai trong văn hoá sửa lâu lắm. Có khi cả mấy thế hệ. Là các nhà văn, các đồng chí phải cảnh báo về điều đó”. Bỗng bác dừng lời, quay lại phía tôi, ân cần hỏi:

- Các cháu làm việc có gặp khó khăn gì không?

- Thưa bác, (tôi nói) từ bao cấp chuyển sang tự hạch toán, khó khăn rất nhiều, nhưng khó nhất là thiếu một chiếc xe cho anh em phóng viên đi cơ sở, thâm nhập thực tế.

- Thế thì không được. Phải giúp các đồng chí.

Bác cho gọi anh Việt Phương đến, tự tay viết vào một tờ giấy màu vàng. Anh Việt Phương ghé cho tôi xem trước khi gửi đi: Bác Đồng viết: “Kính gửi anh Võ Văn Kiệt. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam cần một chiếc xe chở phóng viên đi cơ sở. Mong được anh giúp đỡ. Phạm Văn Đồng”.

Hơn một tuần sau, chúng tôi nhận được Phiếu nhận xe từ Văn phòng Chính phủ. Một chiếc Volga hẳn hoi. Cả ban biên tập kéo nhau ra kho vật tư gần Ba la - Bông đỏ nhận xe về . Cả cơ quan náo nức trước một cuộc đổi đời. Nhưng riêng tôi, có lẽ là người thấm thía niềm vui ấy nhất. Tôi được biết, có những lúc báo Văn nghệ phạm sai lầm về nghề nghiệp, bác Đồng rất buồn và cả giận nữa. Nhưng được nhận nguồn thông tin tin cậy nhất, bác hiểu bản chất của sự việc. Và lòng khoan dung lớn lao của bác để lại lòng biết ơn và bài học nhớ đời của mỗi chúng tôi.  Chen trong niềm vui lớn, tôi vẫn có sự áy náy. Ngay hôm sau tôi sang trụ sở Hội gặp anh Vũ Tú Nam, báo cáo tin vui đó và đề nghị đưa chiếc xe Volga vừa nhận để các anh lãnh đạo Hội sử dụng, còn báo sẽ tiếp nhận chiết xe Lat-đa của Hội chuyển xuống. Anh Vũ Tú Nam vui vẻ nói:

- Cám ơn Thỉnh đã có cái ý ấy. Nhưng đó là kỷ niệm của bác Đồng tặng báo Văn nghệ. Các cậu cứ giữ mà dùng. Làm báo phải đi xa luôn, cần xe tốt. Chiếc xe của mình vẫn đi khoẻ, các bạn yên tâm.

Trước lời nói chân tình của người thủ trưởng trực tiếp và là một người anh mà tôi rất kính trọng, tôi về nói lại với toàn cơ quan trong buổi giao ban đầu tuần.

Vào đầu năm 1995, tôi lại được bác Đồng cho lên gặp. Bác tiếp  tôi tại phòng khách của ngôi nhà công vụ trong Phủ Chủ tịch. Trên bàn nước, có một chồng sách dày. Bác lấy một tập trao cho tôi và nói:

- Đây là sách bác tặng cháu. Cháu cứ đọc thong thả, rồi cho bác ý kiến. Không gì có thể hoàn thiện được ngay từ đầu. Bác nhờ cháu tặng một số nhà văn và tập hợp ý kiến nhận xét cho bác biết.

Đó là tác phẩm “Văn hoá và đổi mới” do Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản. Tôi đã dành những phút thư thái nhất và với lòng trân trọng đặc biệt để đọc tác phẩm của bác, đọc nhiều lần, cố gắng tiếp cận những tư tưởng và nội dung căn bản nhất của tác phẩm. Sau đó, tôi xin phép lên gặp Bác để trình một Đề án tổ chức của Hội thảo về cuốn sách đó. Sau khi nghe tôi trình bày, Bác nói:

- Đó là một sáng kiến tốt. Nhưng phải được tiến hành kỹ cả về tổ chức và nội dung. Chú Nguyễn Tiến Năng sẽ cùng bàn với cháu những đơn vị đứng ra tổ chức, khách mời, vấn đề gợi ý để thảo luận. Đây là vấn đề khoa học, phải làm thật dân chủ, có tạo được không khí dân chủ thì mới có nhiều khả năng tiếp cận chân lý.

Sau nhiều lần trao dổi, ba đơn vị sau đây được bác Đồng cho phép là đồng tổ chức cuộc Hội thảo.

- Nhà xuất bản Sự Thật.

- Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (cơ quan làm nhiệm vụ thường trực).

- Viện Văn hoá, Bộ Văn hoá Thông tin.

Tất cả có 98 bản tham luận của các chính khách, các nhà khoa học, các nhà văn hoá, các nhà văn, nhà báo. Cuộc Hội thảo về tác phẩm Văn hoá và đổi mới của bác Phạm Văn Đồng được tổ chức trọn một ngày, tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam. Khách đến rất đông, Ban Tổ chức phải chạy kê thêm ghế ngồi dọc hành lang. Tôi còn nhớ những tên tuổi sáng giá: Đồng chí Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Khánh, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hà Xuân Trường, bác Vũ Khiêu, Nguyễn Phú Trọng, luật sư Ngô Bá Thành, Nguyễn Duy Niên, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Tú Nam, Chính Hữu, Hữu Mai, Đào Vũ, Anh Thơ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Hoàng Trinh, Nguyễn Duy Quý, Việt Phương, Trần Hoàn, Phan Quang, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Văn Dương, Võ Đại Lược, Đặng Minh Phương... Ba người chủ trì Hội thảo là:

- Anh Nguyễn Phúc Khánh, Phó Giám đốc NXB Sự Thật.

- Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Viện trưởng Viện Văn hoá Bộ Văn hoá Thông tin.

- Và Tôi.

Trước giờ khai mạc, bác Năng gọi tôi ra một chỗ, thông báo: “Bác Đồng có cuộc bàn việc đột xuất của Ban cố vấn, bác sẽ đến vào buổi chiều và phát biểu vào phút chót.”

Cuộc Hội thảo có thể nói là hình ảnh thu nhỏ của giới tinh hoa. Mỗi người tiếp cận một vấn đề, nêu bật tư tưởng mối quan hệ giữa đổi mới và văn hoá, đổi mới phải được tiến hành trên nền tảng của văn hoá. Đổi mới là sự vận động nội tại, mang tính lịch sử. Ở đó có trí tuệ và kinh nghiệm, có kế thừa và tiếp thu, có thắng lợi và trả giá. Đó là sự nghiệp lớn, chưa từng có, có được và  có mất. Nhưng rủi ro sẽ ít hơn, trả giá sẽ bớt đau đớn hơn, nếu toàn bộ tiến trình được vận hành bằng sự “soi đường” của văn hoá. Tác giả với tầm uyên bác, năng lực tổng kết thực tiễn và sự mẫn cảm đặc biệt về các dự báo xu thế phát triển đã cống hiến cho Đảng, cho nhân dân một tác phẩm lớn,  có tầm vóc kiến trúc vĩ mô cho một chặng đường mới của lịch sử dân tộc.

Buổi chiều, bác Đồng đến sớm hơn một chút, thân tình trò chuyện với mọi người. Chúng tôi trân trọng mời bác lên Đoàn Chủ tịch. Bác nói:

- Tôi muốn nghe thêm nhiều tiếng nói nữa và sẽ xin nói sau cùng.

Hội thảo càng về chiều càng sôi động, và cũng giống như buổi sáng, mọi người quên cả giờ giải lao. Các ý kiến  có nhiều phát hiện. Nhưng ai cũng cố gắng nói gọn, nêu tóm tắt những luận điểm chính, để dành thời gian cho tác giả cuốn sách. Nhưng khác với sự chờ đợi của cử toạ, bác Đồng lại nói rất ngắn, và mọi người đều hiểu cái ý tứ phía sau là bác ngại nói về mình. Bác nói đại ý:

- Những gì cần nói thì tôi đã nói trong cuốn sách. Đáng lẽ có thể phát triển thêm ở một số luận điểm nào đó. Nhưng tôi muốn kết thúc theo hướng mở, coi tập sách chỉ là những gợi ý, những đề xuất để chúng ta cùng suy nghĩ. Tôi rất cám ơn các ý kiến phát biểu, các bài tham luận đã chia sẻ với tôi và cùng với tôi suy nghĩ về những vấn đề trong cuốn sách này.

Sau cuộc Hội thảo đáng nhớ ấy, tôi còn được gặp bác nhiều lần nữa để báo cáo với bác về các công việc của Hội nhà văn, về báo chí, về phát hành. Điều bác băn khoăn nhất là làm cách nào để đưa nhanh  nhiều sách báo đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. “Ở đó, người ta đói sách báo có khi còn hơn cả cơm gạo, - bác nói. Tôi sẽ làm việc này với các đồng chí ở Bộ Văn hoá, thông tin”. Theo gợi ý của bác, tôi về bàn với Ban biên tập tổ chức một đường dây phát hành nội bộ, đồng thời với việc thông qua bộ máy phát hành Nhà nước. Kết quả, số lượng phát hành của báo tăng lên hẳn. Một lần khác, bác hỏi về việc dạy văn học trong nhà trường. “Đó không chỉ văn chương, mà là môn học để làm người. Sách tốt, thầy giỏi, cách dạy hay, sẽ làm tăng hứng thú và hiệu quả của học sinh”.  Chính từ những suy nghĩ của bác, tôi về bàn với Ban biên tập mở thêm mục “Văn học với nhà trường”, thu hút rất nhiều nhà giáo có uy tín tham gia, đặc biệt là giáo sư Hà Minh Đức, Hồ Ngọc Đại, Văn Như  Cương, Trần Thanh Đạm, Phương Lựu... Thời gian này, sức bác đã giảm. Bác thường tiếp chúng tôi tại phòng làm việc trên gác hai. Bác ngồi trên ghế tựa, hơi ngả người về phía sau, hai tay chắp trước ngực rất chăm chú lắng nghe đến chỗ nào đắc ý thì cười rất thoải mái. Tiếng cười sảng khoái, hoà đồng, toả hơi ấm kỳ lạ. Về công việc của Hội Nhà văn, bác rất quan tâm đến việc tạo điều kiện cho nhà văn đi thực tế. “Không chỉ đi, mà là sống với thực tế. Hiểu đời, hiểu người quan trọng lắm”. Qua bác Nguyễn Tiến  Năng và anh Việt Phương, bác vẫn dành nhiều thời gian để đọc sách; tất nhiên là đọc có chọn lọc và thông qua những cán bộ giúp việc.

Những ngày bác trọng bệnh, tôi thường thay mặt anh em trong cơ quan vào thăm bác tại khu A1 Bệnh viện Quân y 108. Tôi xúc động đón lấy bàn tay rực ấm của bác, lặng lẽ thu vào tâm trí hình ảnh cao quý và gần gũi của bác. Lần cuối cùng, khi tôi vào đến cửa phòng, bác Nguyễn Tiến Năng bảo. “Bác vừa hỏi, Thỉnh đã vào chưa?”. Tôi rưng rưng nước mắt vội vào thưa với bác: “Dạ, cháu đã vào đây.” Rồi nghẹn ngào không nói được gì hơn nữa.

Sau khi bác mất, tôi được cử tham gia biên soạn tập sách ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng với các anh chị: Vũ Khánh, Nguyễn Quốc Dũng, Vũ Kim Hải và con trai bác: Phạm Sơn Dương. Đó là một tập sách khổ lớn, với rất nhiều ảnh quý, có thể xem là một bảo tàng thu nhỏ về cuộc đời và hoạt động phong phú và rộng lớn về bác Phạm Văn Đồng. Sách được in bằng hai thứ tiếng Việt, Anh xuất bản năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bác.

Hai mươi năm trôi qua, cuộc sống đã chứng minh tính minh triết của những tiên tri của bác Phạm Văn Đồng về văn hoá. Đó là những đề xuất xuất chúng, làm cơ sở cho các Nghị quyết về văn hoá, văn học nghệ thuật của Đảng về sau.

(nguồn: Báo Văn Nghệ)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *