Thời sự văn học nghệ thuật

21/4
5:10 PM 2016

Tiếng nói nhà văn: Tan hoang…rừng miền Tây Yên Tử!

Nhà văn Sương Nguyệt Minh- CÁP TREO HOÀNH HÀNH KHẮP NƠI. Tôi không phủ nhận lợi ích của cáp treo, nhưng sử dụng cáp treo như thế nào mới là điều cần bàn. Cáp treo đang hoành hành khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Cáp treo đâu có tội lỗi gì! Đằng sau cáp treo là con người và cách sử dụng nó với không gian văn hóa.

                                                                    rừng miền Tây Yên Tử (ảnh Suong Nguyệt Minh)                            

Ông chủ kinh doanh bằng mọi giá thì cáp treo sặc mùi đồng bạc “tiền trao cháo múc” đến mức lạnh giá! Ông chủ trọc phú, hợm hĩnh, vô sư vô sách thì cáp treo ngang tàng, trịch thượng phá vỡ địa văn hóa! Ông chủ cáp treo mang triết lý kinh doanh nhân hòa thì cáp treo hiền hậu, hòa nhập với không gian tự nhiên và văn hóa tâm linh. 
Con người sử dụng cáp treo với mục đích nhóm lợi ích sẽ đối lập với lợi ích cộng đồng. Nhìn trước mắt, trông bề ngoài cứ nghĩ là thuận mua vừa bán, khi du khách thò đồng tiền ra thì cáp treo cõng lên cao. Đỡ chồn chân mỏi gối. Người già, cháu nhỏ cũng có thể lên đến đỉnh non thiêng Yên Tử bằng cáp treo. Nhìn thấy mặt đất nham nhở và rừng xanh đang xơ xác. Mồ hôi không đổ. Tầm mắt dõi xa. Cái thân nhàn. Nhưng, cáp treo ở đâu cũng giống nhau về hình dáng, cung cách vận hành, nó đung đưa giữa trời, lên xuống một cách vô hồn, nhàm chán, tẻ nhạt. Cứ ưu tư nghĩ ngợi, cứ nhìn thấu vào bên trong hiện tượng suy ra cáp treo không chỉ có mình cáp treo! Rừng xanh đang âm u, núi non đang hoang sơ trầm mặc... bị đào tung lên. Động rừng. Hươi nai, chồn cáo, khỉ gấu... tan bầy bỏ chạy. Thảo mộc bị đốn hạ. Lá cành ứa nhựa. Thân cây bật gốc. Du khách nhàn cái thân, nhưng bà mẹ thiên nhiên bị xẻ thịt, không gian văn hóa tâm linh bị xâm hại. Bởi ca bin chạy được thì phải có hệ thống cột treo cáp, có bến lên, bến xuống, có nhà điều hành, có chốn ăn ở, nghỉ ngơi của cán bộ nhân viên vận hành. Muốn đổ móng cột treo cáp thì phải chặt cây, phá rừng, đào đất. Muốn làm nhà ga, nhà làm việc thì phải san nền đổ móng, và cũng lại phải phá rừng chặt cây.

* CÓ CẦN XÂY NHIỀU CHÙA, TÔ TƯỢNG, ĐÚC CHUÔNG?
Dự án “Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử” gần 500ha không chỉ có cáp treo từ chùa Hạ lên thẳng chùa Thượng dài 2.000m, với 02 ga (ga đầu và ga cuối), mà còn xây dựng 4 khu: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Đất đai, đồi núi, rừng rú... bị cắt, bị chia sớt, bị thu hẹp không ít, để xây dựng hàng loạt các công trình du lịch kèm theo. Chẳng hạn như khu chùa Hạ: “Công viên sinh thái, trạm dừng, các nhà hàng món ăn bản địa, trung tâm hội nghị, trung tâm du khách, chùa Hạ, làng tâm linh, quảng trường sự kiện... Đặc biệt, khu vực này được thiết kế nhằm tái hiện hình ảnh Kinh thành Thăng Long...” Chỉ riêng khu đất điểm để xây khu chùa Hạ đã tới 17,28ha, đất khu khách sạn bình dân 3,47ha, đất khu khách sạn cao cấp 6,07ha, đất khu tái hiện Kinh thành Thăng Long 6,37ha, đất khu thương mại dịch vụ 3,38ha... Còn đất rừng dành cho hệ thống cáp treo, cho đền Trình, đền Trung, đền Thượng... sẽ là bao nhiêu ha nữa? 
Đoàn du khảo văn hóa bờ Tây Yên Tử chúng tôi mất khá nhiều thời gian phơi nắng trên những quả đồi đã bị xẻ thịt. Con đường bê tông hoành tráng chạy từ thành phố Bắc Giang vào sát chân núi đã hoàn thành. Ngổn ngang. Bề bộn. Công trường đang thi công quyết liệt, gấp gáp. Trạm biến áp phục vụ toàn bộ Khu vực dịch vụ Tây Yên Tử đang xây lắp. Khu đất rộng đã san phẳng từ một quả đồi đất đỏ vàng, bên cạnh là nhà chờ để làm lễ khởi công từ năm ngoái vẫn đứng trơ gan cùng nắng mưa. Thật lạ kì bên cạnh quả đồi bị bóc một khoảng lớn đất san nền phẳng là tấm biển bằng xi măng vẫn còn ghi đậm mấy hàng chữ: “Vườn sưu tập thực vật và nghiên cứu khoa học, nghiêm cấm các hành vi xâm hại”.
Con đường đất đỏ được ủi rộng cho xe tải đi lại trườn lên khu đất trên cao rất rộng. Khu này cũng đã được san phẳng, lên đến 5 cấp, có lẽ để xây chùa Hạ. Bên trái con đường vào cửa rừng là quả đồi bị đốt cháy trơ trọi than đen, trọc lốc. Nghe anh kiểm lâm nói rằng chỗ đó tương lai sẽ là ga cáp treo. Chả biết thật hư thế nào. Một đại cảnh núi rừng mênh mông đang bị băm vằm, xẻ thịt, san lấp. Đất đỏ phơi trong nắng trưa nhập nhòa, nhưng nhức mắt. Tan hoang rừng phía Tây Yên Tử.
Có cần thiết phải phá rừng miền Tây Yên Tử để xây mới nhiều chùa chiền, xây các công trình dịch vụ, du lịch? Theo chúng tôi là hoàn toàn không cần thiết.
Dân gian có câu ca dao: “Dẫu xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Chín bậc phù đồ là chín tầng tháp cao. Xây chùa, tô tượng, đắp chuông cũng cần, nhưng giác ngộ con người, dạy đạo cho người đi chùa cần thiết hơn là thiên về cúng bái, cầu phúc. Những ngôi chùa to vật vã, hào nhoáng có nghĩa lý gì khi chùa vô hồn, không có bậc chân tu ở đó. Phật giáo nguyên thủy dạy: cúng dường đúng chánh pháp, chứ sai... là chẳng khác gì đem hạt giống tốt trồng trên đất đá sỏi cằn khô. Hạt giống chết mà còn tạo duyên cho cái ác nẩy mầm. Vả lại, xưa nay chùa chiền thuần Việt thường nhỏ nhắn, bình dị, chan hòa, gần gũi với ngõ phố, làng quê dân dã, chan hòa với cây xanh. Chùa Việt không chỉ là nơi tu thiền mà còn là chốn con người đến vãng cảnh tìm lại cảm giác an lành, thanh tịnh, chứ không phải chỗ làm phương tiện kinh doanh hay buôn thần bán thánh. Ở Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử “quy mô khách du lịch đến năm 2020 khoảng 1,2 triệu người, đến năm 2025 khoảng 3 triệu người” thì chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng có còn thanh tịnh, an lành?

                                                                rừng miền Tây Yên Tử (ảnh Sương Nguyệt Minh)

* TRIẾT LÝ “BỤT Ở TRONG NHÀ”.
Lúc sinh thời Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương: “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa”, “Sống giữa phàm trần, hãy tuỳ duyên mà vui với đạo. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà sẵn của báu thì đừng tìm đâu khác. Đối diện với cảnh (sắc tướng) mà vô tâm, không phải hỏi Thiền nữa”. Ngài cũng quan niệm: “Ngồi ngay ngắn giữa nhà không nói. Thảnh thơi nhìn một tia khói trên núi Côn Luân (ngọn núi thần). Khi nào mỏi mệt thì tâm tự tắt. Chẳng cần niệm Phật, chẳng cần Thiền”. Phật tại tâm. Dân gian cũng nói: “Thứ nhất là tu tại gia. Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Tu tại gia mới là khó nhất, đáng nể phục nhất và con đường giác ngộ cũng vinh quang nhất. Có cần phải “xây chùa, tô tượng, đắp chuông” nhiều không?
Phía Đông Yên Tử đã có Thiền viện Trúc Lâm tức chùa Lân, các chùa Giải Oan, chùa Cầm Thực, chùa Bảo Sái, Hoa Yên, chùa Đồng,... và nhiều công trình du lịch, dịch vụ. Chỉ 2 hệ thống cáp treo là hiện đại, còn hầu hết các công trình, chùa chiền ở sườn đông Yên Tử là cổ kính, thâm u, nhỏ bé hài hòa với thiên nhiên và không khí thiền định. Nếu phía chân núi và sườn Tây Yên Tử mọc thêm những chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng và các công trình du lịch, dịch vụ to lớn vật vã... với cáp treo lủng lẳng ca bin giữa trời nữa thì núi rừng Yên Tử xanh thẳm linh thiêng cũng sẽ thành nham nhở, loang lổ. Phá vỡ hoàn toàn địa văn hóa ảo huyền, kỳ vĩ! Còn đâu là vẻ đẹp huyền bí, cô tịch, thâm u của không gian thiền định Yên Tử? 
Đến mức kiệt, mạt thế này thì có lẽ vận nước đang đến hồi lâm nguy?

* HÃY CỨU LẤY BỜ TÂY YÊN TỬ!
Đoàn nhà văn, nhà báo chúng tôi đã tiếp xúc với khá nhiều người dân. Hầu hết họ đều nói không được hỏi, không được biết, một số ít người có nghe nói về dự án “Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử” này. Lo lắng trước khả năng không gian văn hóa tâm linh phía Tây Yên Tử bị phá vỡ, không có khả năng cứu vãn, phó giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, nhà báo Văn Giá – Chủ nhiệm Khoa Viết Văn – Báo chí, Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội đã viết thư ngỏ Chủ tịch tỉnh Bắc Giang: “... Hãy cứu lấy toàn bộ bờ tây Yên Tử - một nơi chốn tâm linh và sinh thái còn lại duy nhất của đất nước chưa bị con người tàn phá, nơi đang là báu vật vô giá của Tạo hóa và Lịch sử dân tộc trao tặng cho nhân dân tỉnh Bắc Giang chúng ta”. 
Ông Văn Giá đề nghị: “Tỉnh chúng ta có cách đi riêng: xây dựng một khu du lịch sinh thái tâm linh nguyên gốc, truyền thống, nghĩa là con người được hòa mình, chung sống thân thiện với thiên nhiên... Nơi đây, các dịch vụ với chất lượng cao vẫn được duy trì trong những ngôi nhà khiêm nhường, kiến trúc hài hòa với cảnh quan, môi trường được gìn giữ trong sạch, thiên nhiên phong cảnh được bảo vệ và chăm chút; các ngọn núi, đồng bãi, suối khe… cần được bảo vệ nguyên trạng, tránh xẻ núi, đào hồ, bê tông hóa một cách vô lối, cần nương theo tự nhiên có sẵn mà quy hoạch…”. 
Còn đạo diễn điện ảnh, nhà thơ nổi tiếng Đỗ Minh Tuấn thì bức xúc: “Sao ngày xưa Tôn Ngộ Không không cõng Đường Tăng bay vù một phát đến Tây Trúc lấy kinh rồi lại cõng bay vù về Kinh Đô? Đỡ phải mất bao nhiêu cung đường vòng vèo với bao nhiêu hoạn nạn? Đó chính là vì CON ĐƯỜNG CHÍNH LÀ ĐÍCH ĐẾN. Nếu thấy cáp treo cũng có lý để tồn tại, thì thà ngồi nhà xem TV cũng thấy chùa Đồng. Khác biệt ở đâu? Nếu chỉ phục vụ cụ già và em nhỏ thì nên bố trí trực thăng, vừa đạt được mục đích đặt chân đến chùa thiêng, vừa không làm hỏng cảnh quan...” 

rừng miền Tây Yên Tử (ảnh Sương Nguyệt Minh)

Cáp treo đã hoành hành khắp nơi. Chỉ còn bờ Tây Yên Tử phía tỉnh Bắc Giang linh thiêng huyền bí là cáp treo và hệ thống du lịch, dịch vụ chưa hiện diện, nhưng cáp treo cũng đã mò đến rồi. Hãy để cho bờ Tây Yên Tử được yên lành! Tôi nghĩ: Chỉ nên làm con đường đi bộ để hành thiền, để leo sang sườn đông, dọc đường làm các quán nghỉ tranh tre nứa lá dân dã. Con đường len lỏi dưới những tán lá rừng, hai bên là trúc thẳng, tùng xanh và hoa thơm cỏ lạ này dành cho những ai có sức khỏe, có tâm thế hành thiền,... đi bộ leo núi, tràn đầy cảm nhận: con người giao hòa với trời đất, thần linh huyền ảo, được sống hạnh phúc với bà mẹ thiên nhiên vĩ đại, an lành. Còn những ai sức yếu, hoặc ngại leo trèo non xanh Yên Tử thì chịu khó đến bờ đông nơi có sẵn cáp treo (như là sự đã rồi) lên chùa Hoa Yên, chùa Đồng. 
Hãy cứu lấy nơi quần thể Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm dầy đặc hơn 130 di tích lớn nhỏ. Hãy cứu lấy không gian văn hóa tâm linh cuối cùng ở rừng xanh núi thiêng miền Tây Yên Tử! Nếu không thì Phật hoàng Trần Nhân Tông có sống lại thời sư tổ thiền phái Trúc Lâm, ngài cũng sẽ rời Yên Tử hành thiền đến nơi khác tu tập và giáo hóa.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *