Thời sự văn học nghệ thuật

23/7
9:23 AM 2017

ĐÀN BÀ-TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀNG NGỌC ĐIỆP

“Thời còn học đại học, cô Hậu xinh đẹp hát hay múa giỏi có bao nhiêu chàng “trồng cây si”. Nhưng Hậu làm các chàng bất mãn và vỡ mộng bằng cách chọn Hiến, một anh chàng cù lần. Hiến hạnh phúc như điên và đã tặng người yêu vô số thơ với những ngôn từ nóng bỏng”.

Cuối thu. Hậu ra Hà Nội, ngược xe đò lên thị trấn Yên để thắp nhang cho Hiến - chồng cũ của chị vừa qua đời vì tai biến mạch máu não. Hậu đi cùng người anh sinh đôi của Hiến. Xe đò chật như nêm, hơi người nồng nặc. Ông Thản nhường cho Hậu ngồi trên ghế, còn mình thì đứng ngay chỗ cửa lên xuống. Hậu thấy lòng dạ nôn nao. Thỉnh thoảng, chị đưa mắt nhìn ông anh chồng cũ. Ngày trẻ, Hiến và ông Thản giống nhau như hai giọt nước. Nhìn kỹ mới thấy má Thản bầu hơn và có cái nốt ruồi nhỏ nơi cằm. Họ giống nhau cả tính kiệm lời và thú mê làm thơ. Dường như Hiến có phần tài hoa hơn. Nhưng thói hay mắc cỡ và tự ti khiến anh chưa một lần gửi thơ của mình cho bất kỳ một tờ báo nào. Anh chỉ miệt mài chép thơ của anh và của những người khác từ sổ kia sang sổ nọ, từ sổ lớn sang sổ bé. Khi Hiến yêu Hậu, chị trở thành độc giả duy nhất của anh. Cũng bởi nhiều sự giống nhau giữa hai anh em sinh đôi mà trong số các anh em nhà chồng, Hậu quý nhất ông Thản. Lúc này, chị thấy ông anh chồng cũ chẳng khác một ông xe ôm ế khách, râu ria lờm xờm, quần áo nhàu nhĩ. Vẻ sa sút của ông khiến chị ngậm ngùi.

Ba giờ chiều, xe tới bến. Hậu chui ra khỏi xe, bồi hồi nhìn xung quanh. Cây cầu phao dập dềnh ngày xưa đã được thay bằng chiếc cầu xi măng vững chãi nhưng hơi cục mịch. Bờ bên kia vách đá dựng đứng, vạt lau trắng như tấm khăn xốp xao động mỗi khi có làn gió thổi qua. Xa hút ngoài ngã ba sông, vài cánh buồm chơi vơi trôi trong sương mù bảng lảng. Hậu thở dài. Ký ức đưa chị về một mùa hè xa lắc, chị và Hiến men theo bờ sông lao xao gió này để về nhà. Những chùm bông gạo trắng xóa bay lơ lửng trong không gian. Vài chùm nhẹ nhàng đáp xuống bờ vai hai người. Bây giờ đã cạn thu. Những cây gạo trụi lá đứng chơ vơ trên triền sông như những người lính canh đơn độc. Không có bông gạo. Không có gương mặt tươi cười của Hiến. Khung cảnh khứa vào lòng chị thêm một lát cắt bên cạnh những lát cắt đã thành sẹo. Hậu buồn bã quay lui, cun cút theo chân ông Thản bước vào một quán nước ven đường.

- Cho một chén, bác Phấn- ông Thản nói với chủ quán khi hai người đã yên vị trên chiếc ghế gỗ dài thấp tè. Nghe nói có vợ cũ của Hiến ra thăm, ông chủ quán mặt dài, người cũng dài ngoẵng, ốm o trong bộ quân phục bạc thếch trông như con gọng vó, nhìn Hậu chằm chằm:

- Thím cả ra thắp hương cho chú ấy là quý hóa lắm. Nói có giời. Có lần giận vợ, chú Hiến cứ định vào chỗ thím cơ đấy. Nhưng tôi với mẹ nó đều can không nên đi. Chú Hiến còn định mang cả thằng bé con vào. Nhưng tôi bảo, biết ý thím thế nào mà dám mang con vào. Thằng bé thì có khỏe khoắn lành lặn gì cho cam. Lỡ có thế nào thì lại ôm con ra à, vợ nó nhiếc cho mà nhức xương.. . .

Một người đàn bà mập tròn, le te từ nhà trong bước ra, có lẽ là vợ chủ quán. Chị ta xởi lởi:

- Thím cả còn nhớ tôi không? Hồi chú thím cưới, tôi có đến nấu bếp mà. Mới đấy mà đã mấy chục năm giời. Trông thím vẫn trẻ đẹp lắm.

Hậu lúng túng xin lỗi. Chị ngỡ ngàng vì cách họ gọi chị là “thím cả” để phân biệt với người vợ sau của Hiến. Quả thật Hậu không nhớ chút gì về cặp vợ chồng này. Ông chồng tiếp thêm rượu vào cái chén nhỏ để trước mặt ông Thản rồi thò tay xuống gậm bàn lôi ra cái điếu cày bằng tre đã lên nước bóng nhẫy. Ông thong thả mồi thuốc lào, châm lửa rít sòng sọc, phun khói như cái đầu tàu hỏa. Rồi khề khà:  

- Chú Hiến số khổ. Từ ngày “hưu non” chẳng bữa nào không ra đây ngồi đồng. Nhìn trời. Nhìn nước. Thở dài sườn sượt. Rồi về. Mà uống nhiều quá. Ai ngăn cũng không được. Có hôm tôi phải nói dối là nhà hết rượu nhưng chú ấy xộc vào tận buồng lôi can rượu ra, rót uống tì tì. Cũng lạ. Càng uống càng nín khe, chả nói câu nào. Ai làm gì cũng mặc. Tôi biết chú ấy nỗi niềm lắm vì làm thằng đàn ông không kiếm ra tiền, lại lấy phải con vợ lăng loàn. Nó theo thằng khác cũng chả dám hó hé.

- Gớm. Ông quá nhời. Thím Ân làm gì đến nỗi lăng loàn. Chẳng qua hoàn cảnh nó thế. Thuyền mạnh về lái, gái mạnh về chồng. Chồng không giỏi giang thì vợ chả bù lăn bù lóc ra mà kiếm ăn à - Chị vợ chủ quán nguýt chồng. 

- Chú ấy không uống rượu thì còn biết làm gì ở cái xứ u tỳ quốc này - ông Thản chen vào, không ra chê, cũng không ra tán đồng. Vợ chồng chủ quán nhìn Hậu, ra ý thông cảm. Từ nãy, như có cái gì đó vỡ ra trong Hậu. Lòng chị nhói lên. “Đang đi làm sao Hiến lại đột ngột bỏ nghề, về trông con và chở hàng cho vợ?”. Hậu vẫn biết Hiến hiền lành. Anh luôn có xu hướng co cụm, tránh né mọi sự va chạm với đời, kể cả va chạm với đồng nghiệp. Người như thế thời buổi này khó sống lắm. Nhưng lẽ nào... Uống hết chén rượu, ông Thản đứng lên, Hậu cũng vội vàng đứng lên theo, chị cảm thấy không tự nhiên trước cái nhìn nhiều ẩn ý của vợ chồng chủ quán.

Cơ ngơi của vợ chồng Hiến nằm ngay ngã ba. Một ngôi nhà hai tầng. Vợ Hiến người mỏng, mặt loáng thoáng rỗ hoa, mắt xếch thi thoảng lóe lên cái nhìn sắc lẹm. Ông Thản uống cạn chén trà rồi bảo phải vào xóm báo tin cho hai ông bà già. Ông Thản đi rồi, Ân càng tỏ ra dè dặt, khách sáo, gương mặt phẳng lặng gần như vô cảm. Hai cậu con trai nhìn khách lạ với ánh mắt vừa hiếu kỳ vừa lạ lẫm. Người đàn bà châm thêm nước vào bình trà. Mùi trà thơm thoang thoảng đánh thức những hồi ức xa xưa. Hậu kín đáo quan sát trong nhà. Nội thất sơ sài, bộ ghế salon và cái tủ tường cao to lừng lững choán hết nửa nhà trông phô trương và quê mùa. Tít trên nóc tủ, ảnh Hiến trẻ măng nhưng cặp mắt buồn và tối như có bóng đen lướt qua. Bên dưới tấm kính lót mặt bàn có nhiều tấm ảnh gia đình. Đúng hơn là ảnh của ba mẹ con Ân, không có Hiến. Chỉ vỏn vẹn có một tấm ảnh chụp bốn người có lẽ vào dịp tết thì Hiến lại ngồi tách sang một bên, nở nụ cười gượng gạo. Có vẻ như anh chỉ là khách trọ trong ngôi nhà này. Người đàn bà niềm nở:

-  Chị nghỉ một tí rồi đi tắm. Em đã chuẩn bị nước ấm cho chị rồi. Bây giờ em xuống bếp xem chúng nó làm ăn thế nào. Mấy đứa cháu gái chẳng đứa nào biết nấu nướng.

 Lúc Hậu đi xuống nhà tắm, chị chợt thấy thằng bé con đang ngồi một mình trên chiếc ghế ngoài sân, vẻ mặt thẫn thờ. Chị giật mình nhớ ra Hiến có một đứa con bị bại liệt và đục thủy tinh thể. Đứa con bất hạnh này chính là nỗi đau giằng xé anh suốt nhiều năm, bởi Hiến vẫn cho rằng nó là hậu quả của di chứng chiến tranh mà anh mang trong người. Chị cầm túi quần áo, đi vụt qua chỗ thằng bé mà không hiểu sao lại có cảm giác như đang chạy trốn.

Bữa cơm tối dọn trên sàn nhà. Ngoài người thân của Hiến có thêm vài người bạn của Ân. Hậu nói khá nhiều, vui vẻ một cách ngụy tạo. Thật ra thì chị chẳng có lý do gì để vui. Hồi chiều, chị đã vào xóm thăm bố mẹ chồng cũ rồi ra mộ Hiến, thắp nhang và ngồi với anh đến tận khi những tia nắng cuối cùng lịm tắt.

Bữa cơm họp mặt kết thúc muộn. Khi ai đã về nhà nấy, hai cậu con đi ngủ, Ân bảo Hậu:

- Bây giờ chị em mình xuống bếp. Em phải sắp đồ để mai đi chợ. Nhân thể làm ít bánh nếp để chị mang về dưới xuôi làm quà. Anh Hiến bảo, chị thích bánh nếp lắm.

Phải. Ngày xưa Hậu rất thích món bánh dân dã của vùng quê này. Thậm chí về sau, mỗi khi nghe ai nhắc đến tên món bánh nếp, chị vẫn thấy lòng nao nao.

-  Có phải chị ghét em lắm, phải không chị Hậu? Anh Hiến thế nào chả “tố “ em với chị - Ân khơi mào khi hai người đã ngồi bên bếp củi vừa nhen, những thanh củi nổ lép bép làm bắn lên những tàn lửa li ti. ánh lửa khiến sắc mặt Ân hồng lên, bớt hẳn vẻ lạnh lẽo vô cảm hồi chiều. Đôi tay chị ta không ngừng vo nắm bột dẻo, đặt vào mảnh lá chuối tươi đã hơ lửa, thoăn thoắt bỏ nhân dậu xanh rồi gói thành những chiếc bánh nhỏ đều tắp, xếp vào xửng.

- Sao Ân lại hỏi thế? Tôi có... ghét Ân bao giờ đâu. Anh Hiến vẫn bảo tôi Ân là người đảm đang, vén khéo. Anh ấy tự nhận mình có số “nhờ vợ” mà - Hậu chối, như một phản ứng tự vệ. Thật sự, Hiến chỉ cho chị biết anh đã cưới một cô hàng tạp hóa. Và chỉ có vậy. Chưa một lần Hiến nói xấu vợ. Những thông tin về “trục trặc” của vợ chồng Hiến, Hậu đều nghe qua  người quen. Xâu chuỗi những nhận xét có phần khắt khe của họ, Hậu hình thành một cảm nhận không mấy tốt đẹp về vợ Hiến. Thậm chí, trong nhận thức của chị, Ân là người đàn bà quá quắt, lấn lướt chồng.

Thành kiến của Hậu về vợ Hiến còn nặng nề hơn vì một lẽ, cách đây nhiều năm, Hậu nhận được thư của Ân, lá thư đầy lỗi chính tả. Cô vợ mới của Hiến mỉa mai một cách độc địa, bảo chị ta vô phúc “lấy phải cái hũ dột” ngày nào cũng nốc rượu. Tệ hơn, Ân cho rằng tật rượu chè của Hiến là do anh… nhớ tiếc vợ cũ. Cuối thư là một câu rất sốc “Các người mê nhau thế sao còn buông nhau ra? Sao không sống với nhau đến răng long đầu bạc cho tôi nhờ”? Chính giọng điệu đáo để này đã làm Hậu như bị dính mũi tên độc. Nó đã chạm đúng “gót chân Asin” của chị.

ừ, sao chị và Hiến lại chia tay nhau? Thời còn học đại học, cô Hậu xinh đẹp hát hay múa giỏi có bao nhiêu chàng “trồng cây si”. Nhưng Hậu làm các chàng bất mãn và vỡ mộng bằng cách chọn Hiến, một anh chàng cù lần. Hiến hạnh phúc như điên và đã tặng người yêu vô số thơ với những ngôn từ nóng bỏng. Thế mà chỉ sau đám cưới vài tháng, một tai họa khủng khiếp đã xảy ra, nhấn Hậu chìm ngỉm trong nỗi thất vọng vô bờ: chị không thể có con. Mọi hy vọng bỗng chốc sụp đổ tan tành. Trong cơn hoảng loạn rã rời, để níu kéo “ngôi hậu” và một chút máu “anh hùng rơm”, chị đã nghĩ rằng chị nên rút lui để Hiến lấy người khác, chị sẽ không phải áy náy lương tâm vì không làm tròn nghĩa vụ với chồng và gia đình chồng. Hiến đã hết lời động viên, đúng hơn là van vỉ chị đừng xa anh. Họ sẽ xin con nuôi, sẽ sống hạnh phúc. Tình yêu sẽ là cứu cánh của họ. Nhưng vô ích. Kiêu hãnh và bướng bỉnh, Hậu bước qua những lời chân thành của anh để đi đến quyết định điên rồ: ly dị. Ngay sau đó, chị chuyển vào Nam sinh sống.

- Bây giờ ở trong ấy chị Hậu sống với ai? Có người nào ở với chị không?- Ân từ tốn hỏi, tay vẫn không ngừng gấp lá chuối gói bánh. Vẻ dè dặt khách sáo của chị ta đã thay bằng thái độ chân tình. Hậu nghĩ chắc chị ta hỏi cho có, bởi chả lẽ, mấy chục năm nay Ân lại không tìm hiểu về “tình địch”?

- Tôi ư? Cũng có lúc hai mình. Nhưng giờ thì chỉ còn một mình. Số tôi vô duyên lắm. Anh Hiến không nói gì với Ân à? - Hậu cười buồn, hỏi lại. Thật tình Hậu đã có một việc làm ưa thích, tiền kiếm được đủ để chị sống dễ chịu. Nhưng chuyện tình cảm của chị thì... Lúc còn trẻ, Hậu cũng nuôi mộng kiếm một tấm chồng. Nhưng chị cứ như chú gà mù loạng quạng, không tìm được lối lên chuồng. Có gã trai nhỏ hơn chị vài tuổi, mê chị như mê... chị Hai. Chị đã ngăn anh ta hết lời nhưng gã như con thiêu thân, cứ lao đầu vào lửa. Cuộc tình nhùng nhằng như tơ nhện. Mãi Hậu mới giãn được anh ta ra. Rồi lại một ông vợ con đùm đề. May mà không xảy ra chuyện ầm ĩ. Người gần đây nhất là Quảng. Anh có khá nhiều ưu điểm, trừ một điều: anh chưa ly dị. Trong lúc Hậu mỏi mòn chờ đợi thì Quảng cứ lừng khừng, không tiến không lùi. Rốt cuộc sau thời gian ly thân, anh ta lại...“chiêu hồi” vợ. Cứ vậy mà trái tim Hậu tơ tướp như mảnh vườn sau cơn bão. Chị chạy trốn cái tiếng cả đời lận đận vì tình, bằng giải pháp khá tiêu cực: xa lánh đám đàn ông vo ve quanh mình.

- Anh Hiến kín tiếng, chẳng nói gì cả. Chị Hậu này. Hồi ấy, lẽ ra chị và anh Hiến đừng chia tay nhau. Em nói thật đấy. Vì em và anh Hiến không hợp nhau. Anh ấy thích làm thơ. Mà em thì có biết thơ phú là gì. Em chỉ lo buôn bán nuôi con, thằng út lại bị tật, chạy chữa mãi mới đi được. Anh Hiến thì ngoài đồng lương ra, chẳng mang về thêm đồng nào. Cực chẳng đã em mới phải bảo anh ấy nghỉ việc về trông con cho em chạy chợ.

Đặt xửng bánh lên bếp xong, Ân đứng dậy, kéo trong góc bếp ra một  thùng các tông to, lấy từ trong đó ra nào đường, bột ngọt, trà, măng khô, cả những gói kẹo bánh nhiều màu. Người đàn bà tháo từng gói hàng, sẻ mỗi thứ một ít vào những túi nilon nhỏ, buộc lại rồi sắp vào giỏ cói. Mọi cử chỉ của chị ta đều nhanh và khéo như múa. Hậu im lặng nhìn đôi tay người đàn bà, thấy mình thừa thãi, vô dụng. Chị chợt nhớ những ngày làm vợ ngắn ngủi sau đám cưới. Hai vợ chồng ở nhờ căn phòng của người quen trên phố Nam Đồng. Mỗi lần nấu cơm, sợi dây mayso trên chiếc bếp điện lại trồi lên, có lần Hậu bị điện giật nảy cả người. Vậy mà Hiến chẳng biết sửa bếp thế nào. Chồng lơ ngơ như con gà công nghiệp thế, nhưng Hậu rất mãn nguyện. Chị yêu đôi mắt thẳm sâu, tâm hồn mơ mộng và tính hiền lành của Hiến. Lần nào về quê chồng, Hậu cũng theo Hiến lang thang trên những đồi cọ, có khi ngồi cả buổi ở bến sỏi ngắm dòng sông Lô trầm mặc giấu bao điều bí ẩn dưới làn nước xanh biếc. Có một tối mùa đông, gió bấc hun hút, hai vợ chồng khăn áo tùm hụp cuốc bộ mấy cây số đi xem bộ phim “Mùa thu vàng” ở cái rạp cũ kỹ vắng teo vắng ngắt trên phố huyện. Chị gái Hậu vẫn phàn nàn cô em gái quá ư lãng mạn, lúc nào cũng như đi trên mây. Đàn bà lãng mạn quá chỉ có khổ. Nhưng hai kẻ “tăng tăng” như vậy mới hợp nhau. Còn tháo vát, thực tiễn như Ân thì hẳn khó có thể chấp nhận một ông chồng lù khù. Họ chọi nhau như nước với lửa là phải. Hậu nén tiếng thở dài. Chị bỏ thêm củi vào bếp, bần thần nhìn những lưỡi lửa đang nhảy múa, bóng hai người chập chờn in trên vách.

Hàng hóa đã sắp đặt gọn gàng, Ân phủi tay, thở dài:

- Dạo trước em bán ngay ở chợ. Nhưng bây giờ người buôn vặt nhiều quá, em phải mang hàng vào bán tận vùng sâu, có hôm về tới nhà mệt không nuốt nổi miếng cơm. ở quê kiếm được đồng tiền vất lắm chị ạ.

 Ân bỗng trầm giọng:

- Trước khi anh Hiến mất, em và anh ấy giận nhau. Ai lại trông con ốm mà cứ lo làm thơ, cháy sạch ấm thuốc của thằng bé. Em tức quá, vơ hết mấy cuốn thơ, ném toạch ra vườn. Thế mà anh ấy vẫn ngậm tăm, chẳng nói câu nào. Được mấy ngày thì anh bị tai biến. Anh ấy mất rồi, em như người mất hồn, cứ nghĩ lại mọi chuyện mà ân hận...

 Im lặng. Những giọt nước rỉ ra từ xửng hấp bánh rớt xuống than hồng xèo xèo. Một con tắc kè bỗng chắt lưỡi “tắc kè kẹ…” trên mái bếp khiến Hậu giật mình. Bên ngoài, gió ù ù như tiếng cối xay lúa, cành cây vặn nghe răng rắc. Mùa đông đã đến thật gần. Hậu bỗng thấy bồn chồn bất an. Tiếng con tắc kè gieo vào lòng chị một nỗi khắc khoải kỳ lạ. Ân trấn an:

- Chị đừng sợ. Con tắc kè thằng Hưng nuôi đấy. Hồi trước thỉnh thoảng bố con vẫn đi bắt tắc kè núi ngâm rượu. Anh Hiến nuông con lắm. Mà hai thằng bé cũng quấn bố...

Người đàn bà bỗng nhìn sững vào mắt Hậu:

- Chị Hậu. Em... xấu xa lắm phải không chị? Không thế thì sao anh Hiến chưa bao giờ làm thơ về em? Có lúc em nghĩ ông trời thật bất công. Em đẻ cho anh Hiến hai thằng bé đẹp như tranh mà anh vẫn lạt lẽo. Gần hai chục năm vợ chồng ăn ở, anh ấy chỉ tặng em mỗi cái đồng hồ. Thế nên hồi đi buôn đường dài có lúc em chán anh ấy. Em theo một ông tài xế xe tải. Nhưng ông ấy có vợ và lũ lĩ con rồi. Mà cái lão ấy thật ác. Đi nhờ xe lần nào em cũng phải nghiến răng cho lão vần vò. Đủ trò đủ kiểu. Anh Hiến biết nhưng mặc kệ. Lại mang mền gối ngủ riêng. Có đêm em nghĩ ân hận nên lần vào giường với chồng, nào ngờ anh ấy đẩy phắt em ra. Em vừa tức, vừa tủi. Nhưng nghĩ lại, em cũng hư thân mất nết. Đàn bà bỏ chồng theo giai...

Bất ngờ Ân nức lên, úp mặt vào hai bàn tay. Người đàn bà tức tưởi, hai bả vai run bật. Dường như chị ta không thể kìm nén những cảm xúc chất chứa trong lòng bấy lâu được nữa. Hậu luống cuống ngây ra. Chị kéo ghế ngồi sát bên Ân, đưa tay xoa nhẹ bả vai gầy của người đàn bà. Chao ôi, mới vài giờ trước đây, chị vẫn coi người đàn bà này là kẻ tội đồ. Thật sự lúc này Hậu thấy trào lên nỗi xót thương và sự đồng cảm đối với Ân. Họ là hai người đàn bà duyên nợ của Hiến. Với anh, mỗi người đều có hạnh phúc và nỗi đau riêng. Nhưng so với Ân, Hậu thấy mình thật yếu ớt, bất lực khi mất đi chỗ dựa tình yêu. Rõ là chị đã không tự cân bằng được và bước đi bập bõm như người mộng du. Ngay cả Hiến cũng thế. Thời sinh viên, anh học giỏi nhưng chẳng có mục tiêu nào rõ ràng. Anh chỉ có chị là khát vọng lớn nhất. Mất đi mối tình mà anh tôn thờ, Hiến chỉ còn là cái bóng vật vờ. Còn Ân, chị ta thực tiễn và can đảm. Chính Ân đã nhẫn nại mang trên vai gánh nặng mà Hậu bỏ lại, như chú lạc đà mang khối hành lý khổng lồ băng qua sa mạc. Hậu không ngờ thẳm sâu trong trái tim tưởng đã chai lì của Ân, vẫn âm ỉ nỗi khát khao tình yêu. Có chồng, nhưng chị ta vẫn cô đơn và thèm một bờ vai vững chãi để nương tựa. Hiến đã không dành cho Ân tình cảm ấm áp của người chồng, mà lẽ ra Ân có quyền được hưởng. Họ giống như hai mảnh vỡ gá hờ vào nhau bằng keo dán tồi nên rốt cuộc lại rời ra. Phải chăng, đó là trò đùa ác nghiệt của số mệnh.

Đã thoáng ngửi thấy mùi thơm của bánh nếp chín. Ân dịu dần cơn nức nở, ngẩng lên:

- Em lẩn thẩn quá. Tự dưng lại than thân trách phận rõ vô duyên. Chị đừng cười em nhé?

- ồ. Không đâu Ân ạ. Lòng vả cũng như lòng sung. Tôi hiểu hết. Tôi biết anh Hiến có lỗi với Ân nhiều. Tôi cũng từng nghĩ không phải về Ân. Nhưng anh Hiến mất rồi, Ân hãy tha thứ cho anh ấy, cho cả tôi. Anh Hiến cũng sẽ tha thứ cho hai chị em mình, Ân ạ…  Hậu lập cập nói.

Chị nghẹn lời, nước mắt rưng rưng. Người đàn ông định mệnh của chị và Ân đã đi xa, giờ chẳng còn lý do gì để họ hục hặc tranh chấp nhau. “Tình địch” của chị lúc này đang nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn.

Dọn dẹp xong, Ân đưa Hậu đi nghỉ. Ngang qua phòng hai đứa con, chị ta ghé vào. Hai đứa trẻ ngủ say tít, quắp chặt lấy nhau. Ân mỉm cười:

- Bác xem hai thằng giặc này. Cu em thế chứ cũng nghịch lắm. Mà thông minh. Em nghĩ nó giống anh Hiến, phải không chị?

Hậu gật đầu, thấy lòng ấm áp. Suốt đêm, chị nằm im, vờ ngủ để khỏi bận lòng chủ nhà. Thỉnh thoảng, Ân quờ tay sang, kéo mền đắp cho chị. Ân cũng không ngủ.

Sáng hôm sau, lúc tiễn Hậu ra bến xe, Ân tần ngần đưa cho chị một gói nhỏ:

- Đây là cuốn thơ anh Hiến viết cho chị. Hôm anh ấy mất, em định đốt đi. Nhưng em lại nghĩ nên giữ lại cho chị, biết đâu chị cần. Sau này, thi thoảng chị về đây chơi với em và các cháu nhé?

Hậu gật đầu, xiết chặt bàn tay nóng ấm có những ngón thô nhám như tay đàn ông của Ân. Hình như có hạt bụi nào lọt vào mắt chị, vừa cộm, vừa xót.

Nguồn Văn nghệ số 9/2014

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *