CẦN BỔ SUNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC XÉT TẶNG DANH HIỆU CAO QUÝ VỀ VHNT
Trong hai ngày 8 và 9-9-2017, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác triển khai thực hiện Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (Nghị định 62/2014/NĐ-CP); Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (Nghị định 89/2014/NĐ-CP); Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật (Nghị định 90/2014/NĐ-CP).
Theo Báo cáo của Vụ Thi đua khen thưởng, Nghị định 62 là văn bản có tính pháp lý và nhân văn sâu sắc, kịp thời ghi nhận và tôn vinh nghệ nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể. Đây là lần đầu tiên các nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Qua thực hiện cho thấy Nghị định 62 còn một số nội dung chưa phù hợp như: Về đối tượng xét tặng; thành viên tham gia Hội đồng cấp tỉnh; hồ sơ của Hội đồng cấp tỉnh; hồ sơ cá nhân phải nộp lên cấp tỉnh; về thành viên tham gia Hội đồng các cấp. Nghị định 89 xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được ban hành với các nội dung, quy định rõ ràng, có nhiều quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho các nghệ sĩ.
Tuy nhiên, Nghị định 89 bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp thực tiễn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra như: Bản xác nhận Giải thưởng của tập thể để tính quy đổi thành tích cho cá nhân tại một số hồ sơ được thực hiện chưa đúng quy định về thẩm quyền xác nhận hoặc quy đổi chưa đúng thành phần theo quy định; Một số Hội đồng được thành lập chưa theo đúng quy định, thiếu các đại diện có uy tín về chuyên ngành nghệ thuật. Nghị định số 90 quy định việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật, qua thực hiện, nổi lên hai nội dung chưa phù hợp là quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và Quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp.
Tại Hội nghị, các nghệ sĩ, nhà quản lý đã góp ý kiến về những vấn đề còn tồn tại trong quá trình xét tặng các danh hiệu trên ở cơ sở. Ông Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng khi xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cấp nhà nước, trong hội đồng bình chọn danh hiệu nên nâng số thành viên am hiểu về chuyên môn để đánh giá tác phẩm hơn là những cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao giá trị của các tác phẩm khi giải thưởng được phong tặng.
Nghệ sĩ ưu tú Băng Châu, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định chia sẻ Nghị định 89 được ban hành là một cơ sở rất thuận lợi cho các nghệ sĩ trẻ vì họ có nhiều cơ hội để phấn đấu, tuy nhiên với nghệ sĩ lớn tuổi hoạt động thâm niên trong làng nghệ thuật, quy định về huy chương như thế là rất khó bởi vì họ đã lớn tuổi, trong khi các vở diễn nghệ thuật thì số lượng vai có giới hạn, các bậc đàn anh đi trước luôn nhường chỗ cho các thế hệ sau thể hiện tài năng của mình và họ chỉ là người phía sau hỗ trợ kỹ thuật và làm công tác đạo diễn. Đây cũng là sự thiệt thòi của các nghệ sĩ lớn tuổi trong làng nghệ thuật vì họ đã cống hiến rất nhiều cho nghề, tận tâm để truyền dạy kinh nghiệm cho các lớp kế thừa. Nghệ sĩ ưu tú Băng Châu mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu ban hành những quy định chung để xét đặc cách cho các nghệ sĩ, nghệ nhân có có những cống hiến, đóng góp thầm lặng cho làng nghệ thuật dân gian đã được người dân và xã hội công nhận.
Đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết Nghị định 89 chưa tạo nên sự đồng thuận bởi vì trước kia phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân có quy định sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú thì các nghệ sĩ đó phải trải qua quá trình công tác 10 năm và trải qua quãng thời gian cống hiến cho nghệ thuật và đạt những giải Vàng hoặc Bạc trong những liên hoan, hội thi cấp quốc gia chuyên nghiệp, lúc đó mới được lập hồ sơ xin phong tặng Nghệ sĩ nhân dân. Bây giờ khi thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định 89 thì không quy định thời gian phấn đấu giữa lần phong tặng Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân, thế nên có những nghệ sĩ đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2010 và đến năm 2013 được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân ngay. Trong khoảng thời gian ngắn như thế, một nghệ sĩ chưa thể hiện được hết chất, độ sâu lắng, sự cống hiến phấn đấu cho nghệ thuật, chưa đủ sự lan tỏa, chưa có giá trị đích thực để phục vụ cho công chúng, phục vụ cho nhân dân và cho đất nước. Vì vậy, Nghị định cần quy định khoảng thời gian giữa hai lần bình xét Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân để nghệ sĩ, nghệ nhân có thời gian khẳng định dấu ấn và sự lan tỏa trong lòng khán giả.
Trên tinh thần cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến tại Hội nghị và sau đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, Nghệ sĩ ưu tú” năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp, rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có ý kiến chỉ đạo để công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nnhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tôn vinh các nghệ nhân có công bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hoá phi vật thể của đất nước; tôn vinh các văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà trong tình hình thực tế hiện nay.
(Nguồn: TTXVN)