Tác phẩm và dư luận

23/7
9:30 AM 2020

“NẮNG CŨNG VỀ RẤT KHẼ…”

(Về những bài thơ đề tài TB-LS của Thuận Vy)                

CAO NGỌC THẮNG

     Trong hành trang của mình, nhà thơ Thuận Vy dành khá nhiều tình cảm tri ân hướng về những anh hùng, liệt sỹ, thương binh và các bà mẹ âm thầm chịu đựng, ngày ngày đau đáu ngóng trông những người con trở về.

     Có vẻ cững rắn khi khẳng định: “Chiến tranh qua/ đất nước một dải yên bình/ lớn mạnh thế hệ trai trẻ/ nối vững tường thành các anh xây đắp/ hát tiếp bài ca các anh hát”, song sự mẫn cảm của người phụ nữ cho nhà thơ nhận thấy tâm trạng “Đó đây vẫn những lời khắc khoải/ ròng theo năm theo năm tháng không nguôi/ phận đời bao người vợ người mẹ/ mỏi mòn ngóng trông…” lại trỗi dậy mỗi khi mục “Nhắn tìm đồng đội” cất lên “Ai biết phần mộ liệt sỹ…” như một “điệp khúc nhắc lời… vĩnh biệt” (Điệp khúc chiều tà). Điệp khúc ấy là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo gia đình có người thân mất tích trong chiến tranh. Điệp khúc ấy, mặt khác cho thấy dư âm cuộc chiến tranh tàn khốc mà hậu quả của nó đem lại chưa thể nguôi ngoai trong tâm khảm nhiều gia đình Việt Nam. Nhà thơ cũng không yên lòng mỗi khi giáp mặt với những phần mộ “liệt sỹ vô danh”, bởi “anh mang họ cha/ lớn từ vòng tay mẹ/ bè bạn gọi tên anh - trưa hè gió vắng/ tên anh – tên của triệu người…” và “Đến tận bây giờ, mẹ anh già nua vẫn đợi/ người anh yêu- anh mang trọn đời/ vẫn âm thầm tên anh mỗi tối/ lẽ nào lại vô danh” (Vô danh).

     Bài thơ Lối ngõ thêm một nốt trầm khắc ghi nỗi chờ mong trong hy vọng khắc khoải mà vẫn neo vào điểm tựa không thể lung lay – đó là tình mẹ bao la. Nhà thơ viết: “Mẹ chờ như thế tự bao giờ/ bên bậc cửa gió lùa/ mắt đăm đắm vào lối ngõ/ lối những con trai con gái của mẹ/ ra đi chiến trường”. “Lối ngõ”, bậc cửa, nơi những người con từng được mẹ nâng niu, dìu dắt từ những bước đi chập chững, hồn nhiên nô đùa và chạy ùa ra đón mẹ về chợ chia quà, rồi ngày ngày lon ton cắp sách đến trường, ríu rít bạn bầu tụ hội, chia tay… Từ nơi đây “Như chưa một lần tin đau/ vít còng đôi vai cõi còm/ mẹ vẫn trụ bám chiếc gậy tre/ giữ hàng cây rợp xanh lối ngõ/ và mẹ vẫn nghĩ - một ban mai/ con trai con gái mẹ trẻ trung hồn hậu/ sẽ từ lối ngõ ấy trở về với mẹ”. Sao mà xa xót. Người mẹ Việt Nam là thế, còn sống ngày nào, dù sức đã tàn lực đã kiệt, thì vẫn chống gậy, vẫn níu bám hàng cây mà đợi mà ngóng tin con. Những hình ảnh ấy vẫn in đậm ở bất cứ miền quê nào trên dải đất mang đầy thương tích chiến tranh.

     Chiến tranh đã lui vào quá khứ. Nhưng những vết sẹo vẫn còn đó trên thân thể, lặn vào ký ức, bầm giập khó lành trong long những bà mẹ, nhưỡng người vợ. Ký ức hiện diện trong đời sống thực tại, nhức nhối, day dứt vương theo làn khói nhang bay vào không gian hướng tới thiên đàng cầu mong cho những linh hồn siêu thoát, an lành.

     Thuận Vy biểu cảm suy tư về nỗi đau ẩn hiện trong từng nếp nhà bằng thơ, vừa súc tích vừa mang sắc thái riêng, phát xuất từ vốn ngôn ngữ chắt lọc dụng công, dựng thành hình tượng, lan tỏa tới người đọc cái âm hưởng trầm lắng khó phai. “Dọc chiều biển lặng/ cát nhòa lấp dấu chân xưa/ tôi dịu dàng tôi kiên nhẫn mấy/ cũng không cứu thoát anh/ khỏi lửa đạn chiến tranh” (Ký ức biển xanh). Hình tượng “biển lặng” không giữ lại “dấu chân xưa” cho thấy sự day dứt và bất lực của người phụ nữ, mà “gia tài” không có gì ngoài tính “dịu dàng” và “lòng kiên nhẫn”, còn đọng lại trong cuộc sống bộn bề thời hậu chiến.

     Vượt lên những nuối tiếc, trước vong linh những người chiến sỹ, nhà thơ xúc động: “Những đêm trăng thao thức/ nhức nhói phía cồn đất hoang anh nằm/… cho tôi lời tạ ơn/ người thắp hương tiễn biệt/ người khóc thương anh”. Những lời của riêng mình “Cho mình tôi/ triền sông bát ngát- lối trăng ngân/ mùa quả ngọt không anh chia sẻ/ người làm bão những ngày đông/ gây lửa trước nắng hạ” (Trăng sáng triền sông), nhưng cũng là tâm trạng chung của mọi người. Sẽ là trái đạo lý của người Việt Nam nếu không ý thức sâu sắc và đầy đủ rằng sức mạnh của sự phát triển băt nguồn từ xương máu bao người đã đổ xuống cho ngày hôm nay: “Tôi đã nhận được tất cả/ những gì các anh để lại” và “Tôi đã được quá nhiều/ từ cuộc đời các anh gian khó trung kiên” (Khúc tưởng niệm). Biểu cảm lòng tri ân bằng ngôn ngữ có “cấp độ”, Thuận Vy đã gói ghém cái tình cái nghĩa sâu nặng, đồng thời thấy rõ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của người còn sống đối với người đã ngã xuống vì đất nước thân yêu.

     Với Thuận Vy, tình cảm tiếc thương người Anh hùng Trịnh Tố Tâm rất sâu đậm, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ một người đàn anh đầy quả cảm trên  mọi chiến trường, người đã năm mươi ba lần nhận danh hiệu Dũng sỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Thời bình, trên các cương vị khác nhau, tấm gương sáng ở ông tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ vững bước trên con đường phụng sự công cuộc kiến thiết nước nhà và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp. Ông không ngừng chiến đấu với những vết thương, với bệnh tật do chiến tranh gây ra cho đến hơi thở cuối cùng. Ân tình đối với Anh hùng Trịnh Tố Tâm, Thuận Vy có những câu thơ chân thực đến xót xa: “Em về một ban mai cỏ biếc/ tìm anh/ tìm những năm tháng cuộc đời sáng ấm/ đã bị vùi chôn/ Em gọi tên anh/ gọi khẽ hơn/ anh không nghe thấy/ cũng không hồi chuông ngân…” và khắc khoải trào lên “Những thiên hà mới lạ/ những ngả đường ngàn năm khuất dáng/ em có thể tìm thấy/ nhưng biết làm sao để gọi được anh trở dậy” (Cỏ biếc xạc xào). Bởi “Chiều buông những vì sao không cánh/ em đơn côi tiễn biệt anh/ giữa dòng người dài-vệt đau mất anh/… chẳng bao giờ nữa/ dáng anh độ lượng tháng ngày” (Đường chiều). Cũng bởi “Chiến tranh trong anh chưa tàn/ hai mươi năm sau bùng dậy/ mình anh đớn đau/ mình anh chống chọi’”, ngay cả khi “Em mang tấm lòng của mẹ/ mà không thể chở che/ san vợi những cơn đau/ trong anh dằng dặc đêm ngày” (Thay lời ru anh). Những câu thơ, mặc dù không cố tình, ẩn chứa lời tố cáo tội ác, sự vô nhân đạo cảu chiến tranh. Âm hưởng câu thơ/ bài thơ này ẩn vào câu thơ/ bài thơ khác, như “tôi dịu dàng tôi kiên nhẫn mấy/ cũng không cứu thoát anh” lại đồng hiện (hay ngược lại) với cách diễn đạt có độ rung cảm khác “Em mang tấm lòng của mẹ/ mà không thể chở che”. Đó là cách biểu cảm rất riêng trong thơ Thuận Vy.

     Cũng trong bài Thay lời ru anh, Thuận Vy viết: “Xin cho anh giấc yên lành/…em về lại năm tháng chưa xa/ kết những câu thơ thời xuân sắc/ đặt lời - bài hát ru anh”, thì ở bài Nơi anh yên nghỉ, trước phần mộ người Anh hùng, nhà thơ thủ thỉ: “Nơi đây bay tỏa ngọn gió lành/ im lìm những thân cây đơn lẻ/ và bao con người bình dị/ cuộc đời hóa nhịp tim anh rạo rực/ giấc không cùng/ anh khao khát thời trai/ di sản cuộc đời là tiếng nói chiến tranh”. Thốt lên thành lời “tiếng nói chiến tranh” là “di sản cuộc đời” người lính, thì thơ ấy chứa đựng cả chiều sâu suy tư cùng độ mở tâm hồn của người thơ. Vì thế, những câu thơ đậm nữ tính hiện ra tự nhiên, dung dị mà đằm thắm: “Chiều nghĩa trang/ nắng cũng về rất khẽ/ khoảnh đất u buồn anh yên nghỉ/ ngàn sắc hoa lặng lẽ/ mọc từ nước mắt bao người thân mất anh”.

     Hình ảnh “nắng cũng về rất khẽ” là một trong rất nhiều ẩn dụ mang tính biểu tượng có sức nặng biểu cảm, mà trong hành trình thơ của Thuận Vy nổi lên khá đậm nét ở những đề tài khác…

Sau đây là một số bài thơ của Thuận Vy về đề tài trên đây:

KÝ ỨC BIỂN XANH

Hãy sống tháng ngày vui vẻ

cùng biển biếc bao la…

giọng chia biệt

ánh nhìn mờ xanh chớp lửa

rồi thời gian như sóng

cuộn mang anh đi

…biển biết thôi

tháng ngày âm vang- lặng lẽ

tôi sống quãng đời anh trao tặng

nơi chính anh chưa từng bước tới.

                

anh sẽ về với biển biếc

với em đợi chờ

những ban mai nắng thắm

                                âm thầm đông lạnh

dưới trời trắng bóng trăng xanh

vẫn ánh nhìn lấp lánh chứa chan

kỷ niệm xót đau

chiến trận cướp mất của anh lối về.

 

Dọc chiều biển lặng

cát nhòa lấp dấu chân xưa

tôi dịu dàng tôi kiên nhẫn mấy

cũng không cứu thoát anh

                             khỏi lửa đạn chiến tranh.

 

VÔ DANH

Miền đất xa xôi nào đó

làng mạc trù phú

xanh trong dải mương đưa nước

cánh đồng mùa đơm bông

anh mang họ cha

lớn từ vòng tay mẹ

bè bạn gọi tên anh- trưa hè gió vắng

tên anh- tên của triệu người

những trận mạc lửa khói xông pha…

 

Đến tận bây giờ

mẹ anh già nua vẫn đợi

người anh yêu…anh mang trọn đời

vẫn âm thầm tên anh mỗi tối

lẽ nào lại vô danh.

 

LỐI NGÕ

Mẹ chờ như thế tự bao giờ

bên bậc cửa gió lùa

mắt đăm đắm vào lối ngõ

lối những con trai con gái của mẹ

                                 ra đi chiến trường.

 

Bão lốc nắng rát xoay mùa

vẫn vẹn nguyên lòng mẹ- lối ngõ

chi chit dấu chân con gái con trai…

 

Như chưa một lần tin đau

vít còng đôi vai cõi còm

mẹ vẫn trụ bám chiếc gậy tre

giữ hàng cây rợp xanh lối ngõ

và mẹ vẫn nghĩ- một ban mai

con trai con gái mẹ trẻ trung hồn hậu

sẽ từ lối ngõ ấy trở về với mẹ.

 

THAY LỜI RU ANH

Em mang tấm lòng của mẹ

mà không thể chở che

san vợi những cơn đau

trong anh dằng dặc đêm ngày.

 

Hết một thời tuổi trẻ anh đi

qua bao đồi hoang suối đắng

những năm đói rừng khát cao nguyên

chiến trường xưa đạn lửa

bây giờ êm đềm rừng thu.

 

Chiến tranh trong anh chưa tàn

hai mươi năm sau bùng dậy

mình anh đớn đau

mình anh chống chọi.

 

Ngoài kia những vạt nắng thu dịu ngọt

Xin cho anh giấc yên lành

…em về lại năm tháng chưa xa

kết những câu thơ thời xuân sắc

đặt lời- bài hát ru anh.

 

ĐƯỜNG CHIỀU

Đường chiều đưa anh về đâu

nếp nhà nào ấm áp che anh

cõi xa vắng lạnh bốn bề gió sương…

 

Xuân đang về nắng tràn lối phố

mà vơi hụt đời em-

tiếng nói vui gương mặt hiền

em biết tìm anh nơi nào.

 

Chiều buông những vì sao không cánh

em đơn côi tiễn biệt anh

giữa dòng người dài- vệt đau mất anh

…chẳng bao giờ nữa

dáng anh độ lượng tháng ngày

 

Chiều hắt bóng điêu tàn những dải mây

phủ linh hồn em thành thiên cổ

theo anh về chốn vĩnh hằng.

 

NƠI ANH YÊN NGHỈ

   (Đề trên mộ anh hùng T.T.Tâm)

Không phải miền rừng mênh mang

bạt ngàn cây kiêu hãnh

                                 dưới trời phương Nam

không phải cánh đồng làng quê lặng lẽ mùa sinh sôi

phù sa sỏi cát hóa thịt da anh…

 

Nơi đây bay tỏa ngọn gió lành

im lìm những thân cây đơn lẻ

và bao con người bình dị

cuộc đời hóa nhịp tim anh rạo rực

giấc không cùng

                            anh khao khát thời trai

di sản cuộc đời là tiếng nói chiến tranh.

 

Chiều nghĩa trang

nắng cũng về rất khẽ

khoảnh đất u buồn anh yên nghỉ

ngàn ngàn sắc hoa lặng lẽ

mọc từ nước mắt bao người thân mất anh.

 

CỎ BIẾC XẠC XÀO

Em về một ban mai cỏ biếc

tìm anh

tìm những năm tháng cuộc đời sáng ấm

đã bị vùi chôn.

                  

Em gọi tên anh

gọi khẽ hơn

anh không nghe thấy

cũng không hồi chuông ngân…

 

Ban mai tĩnh lặng- gió buồn lướt thướt

tê lạnh cõi lòng em mất anh

sương gió chiến trường

nỗi đau đời-

đau trong bão lửa chiến tranh

cũng theo anh về đây

vùng cỏ biếc xạc xào.

 

Những thiên hà mới lạ

những ngả đường ngàn năm khuất dáng

em có thể tìm thấy

nhưng biết làm sao gọi được anh trở dậy.

 

ĐIỆP KHÚC CHIỀU TÀ

Ai biết phần mộ liệt sĩ…

những lời nhắn tìm lúc hoàng hôn

những gương mặt mãi tuổi thanh xuân

hài cốt yên nghỉ lâu rồi

núi sông Tổ Quốc nơi nào cũng máu xương.

 

Chiến tranh qua

đất nước một dải yên bình

lớn mạnh thế hệ trai trẻ

nối vững tường thành các anh xây đắp

hát tiếp bài ca các anh hát.

 

Đó đây vẫn những lời khắc khoải

ròng theo năm tháng khôn nguôi

phận đời bao người vợ người mẹ

mỏi mòn ngóng trông…

 

Ai biết phần mộ liệt sĩ…

gần ba mươi năm chưa ngưng nghỉ nhắn tìm

dáng hình xưa trẻ mãi…những khi chiều về

điệp khúc nhắc lời…vĩnh biệt

 

TRĂNG SÁNG TRIỀN SÔNG

Dường như vẫn muôn thuở

những cơn mưa trận gió

thân thuộc dải đất nâu

hồng tươi mỗi ánh ngày lên

chỉ riêng anh không trở về.

                

Cho mình tôi

triền sông bát ngát- lối trăng ngân

mùa quả ngọt không anh chia sẻ.

người thường làm bão những ngày đông

gây lửa trước nắng hạ

tôi đã sống cả vì anh

mang một phần cái chết của anh…

                       

Những đêm trăng thao thức

nhức nhói phía cồn đất hoang anh nằm

…cho tôi lời tạ ơn

người thắp hương tiễn biệt

                            người khóc thương anh.

 

KHÚC TƯỞNG NIỆM

Nơi đây hài cốt các anh yên nghỉ

nhưng vĩnh viễn bên ngoài

lan xa lấp lánh- nguyện ước các anh

đã thành sông núi

dáng hình uy nghi- Tổ Quốc.

            

Tôi đã nhận được tất cả

những gì các anh để lại

vầng dương rạng tỏ mỗi chân trời

hoàng hôn buông- chói lòa niềm hẹn ước

thành phố tưng bừng sắc xuân

thanh bình gió dắt tôi- những nẻo gập ghềnh.

từng ban mai nức lòng hương lúa

tiếng cười con trẻ…

 

Tôi đã được quá nhiều

từ cuộc đời các anh gian khó trung kiên.

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *