MỘT CON NGƯỜI NỒNG NHIỆT VỚI QUÊ HƯƠNG
Anh là một người nồng nhiệt và quảng giao. Những trang viết của anh đã nói lên điều đó. Tiểu thuyết mới nhất của Vũ Từ Trang Và khép rồi lại mở thể hiện rõ nhất sự nồng nhiệt ấy của anh.
Thôn Trung trong Và khép rồi lại mở mặc dù đã được tiểu thuyết hóa, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn làng quê yêu dấu của anh. Đây là một làng cổ của vùng Kinh Bắc: “Bốn cổng làng mở ra bốn hướng. Mỗi cổng làng lại có một cây cổ thụ. Cổng Né, cổng Đá có cây đa. Cổng Tây có cây đề. Cổng Bông có cây si còng” (Tr.32). “Các cụ bậc tiền bối của làng thật thâm thúy. Anh thấy bốn chữ các cụ cho đắp nổi trên nóc cổng Bông có nghĩa đẹp không?” “Xuất nhập tương hữu”. Nghĩa là người ra hay vào cổng này, đều là bạn nhau. Bốn chữ trên nóc cổng như lời chào, như lời nhắn gửi với người bốn phương, là người dân làng Trung mến khách. Còn bốn chữ trên nóc cổng Đá “Tiểu vàng đại lai”, nghĩa là đi ít về nhiều. Ý của các cụ muốn nhắc nhở con cháu, bước chân đi ra thiên hạ thì phải học được cái hay của thiên hạ. Mỗi lần đi về lại lớn thêm một chút cả vật chất và sự tinh khôn. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn… Cái cổng Né vẫn là cổng đẹp nhất. Vẻ đẹp riêng biệt, không lẫn với cổng làng khác. Có cổng chính, cổng phụ. Có chòi gác phía trên, bao quát được cả bốn phương tám hướng” (Tr.33). Cái hay của tác giả là qua việc miêu tả vắn tắt bốn cổng làng, người đọc đã mường tượng được bề dày truyền thống và văn hóa của làng. Và đây nữa, chỉ qua một vài nét chấm phá về tiếng chuông, tiếng trống của lễ hội đền làng, Vũ Từ Trang đã khắc họa được nét khác biệt về sinh hoạt văn hóa của làng Trung. “Tuổi thơ của tôi từng được tắm mình trong tiếng chuông tiếng trống của đền làng. Tiếng trống thờ của đền làng tôi như có âm thanh riêng biệt. Không chỉ riêng tôi mê, mà tôi tin rằng bất kỳ người nơi nào hễ đến làng tôi được nghe tiếng trống đền, thì không dễ gì quên được (Tr.177).
Có người nói tiểu thuyết Và khép rồi lại mở không có nhân vật chính. Điều này không đúng, bởi làng Trung chính là “nhân vật chính” của tiểu thuyết. Đó là ngôi làng cổ, có chùa trên và chùa dưới (làng tôi cũng là một làng cổ, có hai chùa là Chùa Trong và Chùa Ngoài), có đình và đền, có những sinh hoạt và lễ hội văn hóa không đâu có. Các nhân vật như: Ao, Quý, Thính, Thịnh, Trường, Tý, Độ v.v… như những mảnh ghép, góp phần hoàn thiện bộ mặt tinh thần, cũng như số phận của làng Trung qua những biến thiên của lịch sử. Một làng Trung được gọi là Trung Đồng vì có sản xuất sửa chữa đồ đồng, sau này là buôn bán đồng. Một làng Trung còn được gọi là Trung Đồn, vì tính khí hay đồn đại, đơm đặt và thêm thắt của dân làng… Số phận của từng người cũng trồi sụt, nổi nênh theo số phận của làng, của đất nước. Thính, con nhà mõ, đi bộ đội, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên, chưa hề có một mối tình vắt vai. Ngô Tý đi hoạt động từ trước cách mạng rồi vào bộ đội, mấy chục năm lên tới cấp tướng, chỉ có một mối tình trong mơ với bác sĩ quân y Mai Hương, người Huế (đã hy sinh). Khi về hưu vẫn nghèo khó, cô em đã trở thành một bà già và vẫn sống cô đơn. Mẹ Tý đợi anh về là trút hơi thở cuối cùng… Đó là Trường con nhà gia thế, sau 1954 di cư vào Nam làm ăn phát đạt, năm 1975 di tản, nhưng vẫn nhớ quê, nhớ người vợ đầu, đã nhờ người mang về kỷ vật chiếc dây chuyền mặt nguyệt có ảnh và lồng chữ tên đầu của hai người. Một làng quê có người tham gia cách mạng từ rất sớm, một làng quê có 17 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Nhưng cũng làng quê ấy lại có những cán bộ biến chất, dâm ô với vợ bộ đôi và ngày nay đã biến đổi khủng khiếp, có rất nhiều kẻ đã đang tâm vứt bỏ tất cả, không kiêng dè gì cả để đổi lấy tiền tài và vinh hoa phú quý. Điều này là dễ hiểu, vì trong chiến tranh những người ưu tú nhất (cả về thể chất lẫn tâm hồn) đã đi ra mặt trận. Và ngày nay khi mở cửa, đổi mới thì rất nhiều chuột bọ cũng nhảy vào. Có điều này tác giả không nói rõ ra, nhưng người đọc tinh ý sẽ nhận thấy: Đó là thái độ ứng xử với truyền thống, cách thức phát huy truyền thống, bởi truyền thống có tốt đẹp, nhưng cũng có thủ cựu. Phải biết thay đổi, nhưng đừng thay đổi đến mức đểu giả, đến mức chỉ biết mình, còn sống chết mặc kệ thiên hạ. Không ít trang viết thể hiện sự đau buồn, thất vọng của tác giả về một làng quê có bề dày văn hóa nhưng bây giờ lại nảy nòi ra lắm kẻ hư hỏng.
Chương 20 của tiểu thuyết viết về sự hàng tâm của dân làng Trung để xây dựng lại cổng xóm Né cổng đẹp nhất của làng. Tác giả cùng với những ghi chép như ống kính chụp nhanh thần thái của làng ngày hôm nay. Việc hàng tâm xây lại cổng làng vẫn diễn ra theo quy trình, lối ứng xử truyền thống, nhưng những gương mặt đến hàng tâm đã có nhiều biến đổi. Không ít kẻ giương giương tự đắc, đến hàng tâm như bố thí cho tập thể, nhưng cũng không ít người tuy nghèo, nhưng đến đóng góp bằng tất cả tâm trí, tấm lòng. Việc xây dựng lại cổng xóm Né là một chi tiết có tính chất biểu tượng: Trước đây một số cán bộ cho phá cổng xóm Né để dễ đi lên chủ nghĩa xã hội. Nay dân làng và chính quyền nhất trí xây dựng lại to đẹp hơn, phù hợp hơn chứng tỏ sự ứng xử đúng đắn, có văn hóa với truyền thống. Tác giả không khỏi có lúc bi quan bởi những “đổi mới” quá đà nhưng về cơ bản vẫn lạc quan, tin tưởng vào một thế hệ mới như Độ: “Thế hệ của Độ khác hẳn thế hệ chúng tôi. Thuở bằng tuổi Độ chúng tôi chỉ biết cầm súng đánh giặc. Giữ nước và cứu nước, là sứ mệnh cao cả của thế hệ chúng tôi khi ấy. Đã vậy chúng tôi còn phải đương đầu gánh chịu nhiều tai ương thời thế tạo ra. Rõ ràng Độ là một thế hệ mới, nhiều cơ hội mới, tư duy và hành động theo một lối mới”.
*
Ngoài làm thơ, viết truyện, làm báo, viết chân dung văn học, Vũ Từ Trang còn là một cây bút khảo cứu có nhiều thành tựu. Do vậy trong tiểu thuyết Và khép rồi lại mở anh có rất nhiều trang viết sinh động, hấp dẫn về những tập tục của làng quê xưa, như những sinh hoạt văn hóa, lễ hội, đám cưới, đám ma… với những lề thói hết sức tốt đẹp, nhưng cũng có không ít những rắc rối. Nhưng trước hết và trên hết, những trang viết của Và khép rồi lại mở vẫn là tấm lòng của một người con hiểu biết và nồng nhiệt với làng quê của mình. Có thể nói đọc Và khép rồi lại mở có thể thấy tác giả viết bằng tất cả tấm lòng và hiểu biết của mình hoặc có thể nói rứt ruột ra mà viết về miền quê yêu dấu với những con người cũng hết sức yêu dấu, tràn đầy kỷ niềm của mình. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn và thành công của tiểu thuyết.
Nguồn Văn nghệ số 27/2020