Tác phẩm và dư luận

31/5
9:49 PM 2020

VĂN CHƯƠNG VÀ LỊCH SỬ

(Đọc Nam Đế Vạn Xuân, tiểu thuyết LS của Phùng Văn Khai, Nxb Văn học, 2020)

 

 

                                                                                                   BÙI VIỆT THẮNG

NIỀM SAY MÊ VIẾT LỊCH SỬ

Cần thiết phải giải thích cho thuyết phục vì sao Phùng Văn Khai gần đây lại say mê viết tiểu thuyết lịch sử? Trước 2015 Phùng Văn Khai cũng như thế hệ 7X có vẻ như thích áp sát vào đời sống đương đại với hơi thở nóng hổi của nó, với các tiểu thuyết có sức gây hấn dư luận như Hư thực, Hồ đồ. Nhưng rồi như một bước ngoặt của sự viết, Phùng Văn Khai “rẽ” sang viết về lịch sử: các tiểu thuyết Phùng Vương (2015), Ngô Vương (2019), Nam Đế Vạn Xuân (2020), ngoài ra còn phải kể đến các sách danh nhân lịch sử như Thường kiệt – Danh tướng phạt Tống bình Chiêm, Phạm Ngũ Lão – Danh tướng xuất thân từ nông dân. Tương tự, Nguyễn Đình Tú - người cùng nhà số 4 - một dạo ăn khách với các tiểu thuyết nóng hổi thời sự, nhân tâm thời đại đã chuyển sang viết Fantasy (kỳ ảo) với Bãi săn (nhiều tập, đang rất “hot”). Trong cơ chế thị trường và văn hóa đọc hiện nay thì kiểu viết của Nguyễn Đình Tú sẽ có nhiều độc giả.

Theo tôi, sự say mê viết lịch sử của Phùng Văn Khai có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đang có sự trở lại ngoạn mục của các đề tài truyền thống (chiến tranh cách mạng, lịch sử dân tộc) trên văn đàn như một nhu cầu tinh thần thời đại (ôn cố tri tân). Hơn bao giờ hết đời sống đang đặt ra những câu hỏi liên quan đến vận mệnh dân tộc mà lời đáp chỉ có thể tìm thấy trong quá khứ anh hùng. Phùng Văn Khai không đánh giá thấp văn học thị trường. Nhưng anh là người “nặng lòng với lịch sử”, viết về lịch sử như là “một cái duyên”,  và “ nhà văn phải biết bay qua vùng đất khó”. Viết là một hy sinh và cũng là một cống hiến. Chẳng hạn khi viết Phùng Vương, anh đã bỏ ra gần mười năm săn lùng tài liệu, suy ngẫm kỹ càng, chắt lọc câu chữ để có một tiểu thuyết đầy đặn 600 trang dâng hiến độc giả. Tương tự khi hoàn thành Ngô VươngNam Đến Vạn Xuân. Biết người  cũng đã lâu và đọc văn Phùng Văn Khai cũng khá sát, tôi thấy cái chất người, chất văn này hợp với những hào sảng, tự tin, an nhiên, phóng khoáng. Nói “văn là người” trong trường hợp này là ứng nghiệm. Nhà văn chia sẻ: “Có người hỏi tôi sao không viết văn học thị trường, tôi có nghĩ đến, nhưng truyền thống văn hóa dân tộc với bề dày lịch sử dày dặn từ Vua Hùng đến nay biết bao danh nhân hào kiệt...là kho đề tài rực rỡ về võ công và văn hiến đã cuốn hút tôi. Nhất là khi tôi nhận thấy nhiều nhân vật lịch sử của chúng ta xuất hiện trong văn học còn quá mỏng, sơ sài, như Phùng Hưng trong Đại Việt sử ký toàn thư có 16 dòng, Ngô Quyền cũng chỉ có 20 dòng. Các nhà văn đàn anh đã động viên tôi theo đuổi dòng văn học về đề tài lịch sử” (Lý giải lịch sử bằng cảm hứng hiện đại, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần online, 6/12/2018). Như thế là đã rõ để hiểu động lực nào giúp Phùng Văn Khai viết về lịch sử dân tộc như một “sự mê dẫn của sáng tạo”. Tôi lại thấy cái tính cần cù, siêng năng chịu khó của phùng Văn Khai có lẽ hợp tạng với việc viết về lịch sử. Ở đó không chấp nhận cái gọi là tài tử, mà là kỳ khu, đòi hỏi sự kiên nhẫn trong lao dộng nghệ thuật. Tôi đã biết những nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử thường ở ẩn, ít xã giao, lao động cật lực như Hà Ân, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Bùi Việt Sỹ,...

SỰ KIỆN HAY CON NGƯỜI?

Nếu bảo tôi tóm tắt sự kiện của tiểu thuyết lịch sử Nam Đế Vạn Xuân cho một người chưa đọc thì có lẽ không thể làm được. Vì sao? Vì với 488 trang sách thì sự kiện chồng sự kiện, một người có trí nhớ “siêu”, may ra. Tôi nghĩ, tác giả quan tâm đến con người - ở đây là nhân vật. Dĩ nhiên nhân vật chính  là Lý Bí (Lý Bôn). Nhân đọc Nam Đế Vạn Xuân, tôi có tìm đọc Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại (Nhà xuất bản Đại học Vinh, 2019), tìm đọc Chương 3: “Việt Nam thời Bắc thuộc (179 TrCN-905)”, trang 85-118; mục 3.3.3: “ Khởi nghĩa Lý Bí và sự ra đời nhà nước Vạn Xuân” (trang 106 -111). Tuy không như ĐVSKTT chỉ dành cho Phùng Hưng và Ngô Quyền vài chục dòng, sách LSVNCTĐ cũng không phải đã cung cấp đầy đủ các sử liệu về Lý Bí để tác giả thuận lợi hơn trong tác nghiệp. Tác giả LSVNCTĐ nhận định: “Lý Bí là người Việt Nam đầu tiên tự xưng hoàng đế, đặt mình ngang hàng với các hoàng đế Trung Quốc. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên quyết định bỏ niên hiệu của phong kiến phương Bắc, đặt niên hiệu mới Thiên Đức, lấy niên hiệu của Vương  triều để đúc tiền Thiên Đức, khẳng định sự độc lập về tài chính của vương triều”. Điều này tương hợp với ĐVSKTT chép về sự kiện này: “Vua nhân thắng giặc tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời”. Con đường trưởng thành của Lý Bí (nhân cách và sự nghiệp), theo cách viết của tác giả, đã đành là sự tự thân, trải qua con đường gian khổ hy sinh bất tận, nhưng dường như phải có những nhân tố nào nữa? Ở đây là “Trời”, là “Phật”. Đây là chuyện tâm linh khó giải thích rạch ròi bằng lý trí/lý lẽ: “Nhờ Phật tổ phù hộ độ trì, dân chúng hương Cổ Pháp luôn mấy năm nay đều được mùa, thóc lúa đủ chi dùng trong vài năm không hết, khoai sắn hoa quả mùa nào thức ấy đều dồi dào cả” (tr. 13), “Ai ngờ ông trời dường như đã đứng cả về phía người Giao Châu” (tr. 387). Ngày nay khi quốc thái dân an, mỗi khi Giỗ Tổ (10-3 âm lịch) chúng ta vẫn thắp hương bái vọng các Vua  Hùng, đó là tổ tông người Việt. Lý Bí cũng động viên quân sĩ: “Nhờ ân đức của tổ tông, nhờ công sức của các vị lão tướng, nhờ mưu trí của quân sư, nay việc chiếm thành Long Biên không phải hao tổn máu xương khiến ai cũng vui mừng. Bọn Tiêu Tư, Ngụy Lãng đều bỏ chạy cũng là ông trời không muốn người Giao Châu phải hao tổn thêm nữa” (tr.390).

Nhưng sự trưởng thành của Lý Bí (từ một người bình thường trở thành một hoàng đế), theo tôi, còn được quyết định quan trọng bởi một nhân tố khác, trực tiếp hơn – đó là  người thầy Từ sư phụ. Đây là cặp bài trùng (xét về phương diện nhân vật) của Nam Đến Vạn Xuân. Chính Lý Bí công khai thừa nhận: “Ta ba tuổi mất cha, mười tuổi mất mẹ, mồ côi từ nhỏ, may được Từ sư phụ dạy dỗ nên người” (tr. 468). Vậy Từ sư phụ là ai? Nhân vật này xuất hiện ngay từ trang đầu tiểu thuyết. Không bí ẩn nhưng hết sức kín đáo. Ông mang trong mình phẩm chất hướng đạo, hướng thiện, hướng mỹ không chỉ cho riêng Lý Bí mà cho nhiều người khác, còn là chỗ dựa, là rường cột tinh thần của những Tinh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu, Triệu Quang Thành, Phùng Thanh Hà, Lý Thiên Bảo,…những người thân tín của chủ vương Lý Bí. Từ sư phụ là người có phẩm tính liên tài. Con mắt xanh thấu thị đã nhìn ra ở con người Lý Bí những phẩm cách sáng chói đặng vào vai thủ lĩnh, quân vương dẫn dắt thiên hạ. Nói nhà viết sử chú ý sự kiện còn nhà văn chú ý kết quả sự kiện là đúng, vì kết quả phụ thuộc vào con người. Nói nhà văn mới là người chép lại lịch sử cuộc đời càng đúng. Nhưng nếu tách Lý Bí ra khỏi Từ sư phụ, khỏi các nhân vật khác như Triệu Túc, Phạm tu, Tinh Thiều, Phùng Thanh Hà, Triệu Quang Thành, Lý Thiên Bảo, thì khác nào tách cá khỏi nước. Ở đây có chân dung “tập thể”, “đám đông” nhưng không che mất chân dung cá nhân (con người này). Viết về lịch sử để làm nổi bật những danh nhân hào kiệt, từ Phùng Vương, qua Ngô Vương, đến Nam Đế Vạn Xuân, thiết nghĩ, Phùng Văn Khai đã thực hành đúng đường hướng viết để khắc phục tình trạng “nhân vật lịch sử xuất hiện trong văn học còn “mỏng” và “sơ sài”. Tiểu thuyết lịch sử của Phùng văn Khai là một sự bổ sung giá trị lịch sử bằng các nhân vật lịch sử điển hình.

Tôi nghĩ, từ vài chục dòng trong ĐVSKTT về Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Bí đến những thiên tiểu thuyết lịch sử có độ dài 500-600 trang, như chúng ta chứng kiến, thì đó chính là hư cấu trên nền tảng sự thật dẫu ít ỏi, hiếm hoi. Đây cũng là kinh nghiệm và bài học viết về lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải khi viết những trường thiên Bão táp triều Trần, Tám đời vua Lý. Về các sự kiện lịch sử thì Phùng Văn Khai cũng như các tác giả khác phải tuân thủ nghiêm nhặt, không thể tùy tiện bịa đặt một cách hoang đường. Nhưng quyền hư cấu của nhà văn nằm ở đâu, giới hạn nào là cả một vấn đề bàn thảo không có hồi kết. Theo tôi, đời sống nội tâm của các nhân vật tham gia các sự kiện lịch sử chính là nơi nhà văn có quyền năng. Nhưng rõ ràng là nhà văn không thể hiện đại hóa lịch sử được dẫu viết theo nhu cầu tinh thần thời đại ngày nay. Chẳng hạn, nhà văn không thể biến các nhân vật thành những “khối cô đơn khổng lồ”, đời sống là những “mê lộ”, nội tâm con người là một “mớ bòng bong”, “tan rữa” như cách thể hiện con người hôm nay dưới góc nhìn của các chủ nghĩa tân kỳ (như Hậu hiện đại, Phân tâm học, Hậu thực dân,...). Tôi thấy, con người tốt qua các tác phẩm lịch sử, thường tiết tháo, chính trực, giản dị và cao vọng hơn bây giờ khi nó có nguy cơ tan biến vào NƠI GỪ (nhan đề một bài thơ của Việt Phương). Những suy tư, suy nghiệm qua trải nghiệm sống và văn hóa của nhân vật Từ sư phụ là nơi để nhà văn hư cấu. Nói cách khác thế giới tâm linh là nơi nhà văn thỏa sức hư cấu. Tiết đoạn sau cho thấy rõ: “Ngược con đường đất dẫn đến chân núi Ông Hùm, vừa rảo bước dưới trời khuya lạnh, Từ sư phụ vừa ngẫm ngợi về phỏng đoán của mình. Khi lấp huyệt mộ Cù Nương, ánh mắt của tiểu tử Lý Bí đã rực lên rất lạ. Chắc chắn với cá tính khác thường ấy, tên tiểu tử đã tự một mình đến bên mộ mẹ cũng nên? Như thế quả là khác thường. Từ tấm bé, lão tăng đã linh cảm một điều gì đó rất đặc biệt của Lý Bí. Người cha Lý Cạnh mất khi cậu mới tròn năm tuổi khi ấy chỉ bặm môi không khóc. Năm tuổi đầu đã tự mình chống cây gậy tre đi lùi trước linh cữu người cha suốt chặng đường dài không hề vấp ngã cũng là một điềm lạ” (tr. 28).

BÌNH CŨ HAY RƯỢU MỚI?

Cả ba cuốn tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân) đều được kết cấu theo hình thức “tiểu thuyết chương hồi”. Ai đó khó tính thì cho rằng hình thức này đã lỗi thời. Nhưng dân gian nói “bình cũ rượu mới” là có cái lý lẽ của nó. Tiểu thuyết chương hồi Minh – Thanh (Tam quốc chí, Tây du ký, Thủy hử, Hồng lâu mộng,...) của Trung Quốc chẳng từng đã từng lấy đi nhiều thời gian và gây nên sự mê dẫn với độc giả Việt Nam nhiều thế hệ đó sao. Về cơ chế đọc hiện nay, riêng tôi thấy, tiểu thuyết chương hồi rất tiện dụng với quỹ thời gian eo hẹp của một độc giả (nói chung). Nó giống như những “chiếu nghỉ” khi ta leo bộ lên một tòa nhà cao tầng không có thang máy. Sự nghỉ (đọc) tạm thời đôi khi gây hưng phấn cho người đọc bởi lời nhắc khéo “xem hồi sau sẽ rõ” (giống như thời nay ta nói “dân vận khéo). Có thể coi đấy là một “ngón nghề”, một “kỹ xảo” giữ chân người đọc. Viết về lịch sử, có lẽ hình thức tiểu thuyết chương hồi rất khả thủ. Nam Đế Vạn Xuân gồm 15 “hồi”, được gắn kết bởi sợi chỉ đỏ xuyên suốt về sự trưởng thành của nhân vật Lý Bí, từ thuở bé thơ đến khi công thành danh toại. Từ một nông dân bình thường trở thành một “hoàng đế” đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Lối viết hoạt, lời văn được trau chuốt tạo sức hấp dẫn của một tác phẩm viết về một thời kỳ lịch sử cách chúng ta 1500 năm. Vì thế, tôi nghĩ, y phục xứng kỳ đức luôn luôn đúng./.

                                                                              

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *