KHÁT VỌNG CHÂN-THIỆN-MỸ TRONG “NGƯỜI THỢ MỘC VÀ TẤM VÁN THIÊN”CỦA MA VĂN KHÁNG
Nhà văn Ma Văn Kháng (nguồn: Internet)
Cuối năm ngoái, khi bước vào tuổi 80, ông vẫn ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên "Người thợ mộc và tấm ván thiên" dày hơn 300 trang và trộm vía, đọc rất hấp dẫn.
Tác phẩm lấy bối cảnh một tỉnh miền núi với câu chuyện về một thầy giáo từ miền xuôi lên dạy học, và bối cảnh một Hà Nội xưa. Nhưng tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cuộc sống với những mảng màu sắc thái khác nhau, sinh động và hấp dẫn mà còn là bài học đắt giá về nhân cách làm người.
Tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời của nhân vật thầy giáo Quang Tình - một thanh niên miền xuôi 19 tuổi tình nguyện lên vùng cao dạy học. Với nhiệt tình, say mê và lý tưởng, anh muốn mang ánh sáng văn hóa đến cho người vùng cao. Sau một thời gian cống hiến, thầy Quang Tình được điều về dạy ở trường Bổ túc Văn hóa Công Nông cho các cán bộ cơ sở miền núi. Hiệu trưởng trường, ông Hoàng Hủ là một kẻ nhỏ nhen, xấu tính, đại diện cho một nhóm người trong xã hội bấy giờ là vừa dốt nát vừa quan liêu, làm điều ác do tính nết ti tiện nhỏ nhen nhưng lại nhân danh cái to đùng là lập trường giai cấp và quan điểm chính trị. Viết về cái ấu trĩ một thời thì nhiều người đã, nhưng làm bật nổi cái ác của căn tính núp bóng trào lưu chung ở Hoàng Hủ là một đóng góp của riêng Ma Văn Kháng. Cái sai một li ban đầu, được cộng hưởng lan nhiễm đã thành ra một dặm. Và thầy Quang Tình, những thầy Quang Tình tâm huyết lý tưởng và phụng sự con người bị oan khuất, từ một hình mẫu thời đại mới thành kẻ đứng đường gian nan cơ cực. Mặt khác, tính cách Hoàng Hủ sinh ra cái hèn mặc áo khoác “tùy thời” của thầy Trần Đình để có cái kết cục là sản sinh ra lớp trí thức a dua xu nịnh ươn hèn, như tên một tập truyện của nhà thơ Lê Đạt: “Hèn đại nhân.” Thầy Quang Tình, thầy Bùi Lễ do không chịu kiếp “hèn đại nhân” nên cả hai đều lần lượt bị sa thải khỏi ngành một cách oan uổng. Người vợ thầy Quang Tình là một phụ nữ người Giáy thật thà, chất phác và xinh đẹp cùng hai đứa con thơ dại cũng bị liên lụy từ cái họa “trời giáng xuống” đầu chồng.
Khi những người thất học, thất phu lên ngôi thì trí thức phải gồng gánh vợ con, thất thểu mưu sinh như thầy Quang Tình là chuyện đã đành. Không nghề nghiệp, không đất đai, sức vóc cũng yếu bấy với hai bàn tay trắng và một tỳ vết chống phá cách mạng bị gông vào cổ lý lịch là một cơ chồi đẩy nhau vào chỗ chết của cái ác sinh ra từ cái dốt. Thật may, thầy Quang Tình là một trí thức chân chính. Trí thức chân chính thì có nghị lực, nghị lực cộng ý chí làm nên “sức vóc” giúp thầy chỉ rơi xuống đáy xã hội chứ không chết và không lưu manh hóa. Sau nhiều nghề lam lũ, thầy giạt vào xưởng mộc của lão Văn Chỉ, người từng chịu ơn thầy trong hành trình làm lâm tặc, làm thợ học việc. Một trí thức phải chuyển sang làm công việc chân tay nặng nhọc nhưng thầy Quang Tình không nản lòng, ngược lại, thầy luôn tìm cách để làm chủ và chiến thắng hoàn cảnh. Bằng tài năng cùng với sự chăm chỉ, lòng kiên trì, thầy Quang Tình đã từng bước trở thành người thợ lành nghề, có thể nuôi được vợ con ở cái mức “dân dã” nhất. Những ngày sóng gió tưởng đã lui về quá khứ, ai hay đâu bao nhiêu tai họa vẫn bám riết lấy gia đình thầy trong cuộc sống hiện tại. Những thói xấu trong xã hội vẫn hoành hành khi không ít kẻ làm quan sống theo kiểu quan liêu, hèn hạ, dùng cường quyền để nhũng nhiễu người dân. Và Thắm – vợ thầy Quang Tình là một trong những nạn nhân của thói cường quyền, nhũng nhiễu đó khiến chị rơi vào trạng thái tâm thần rồi cuối cùng cũng phải ra đi như để giũ bỏ những bụi bẩn của cuộc đời.
Giống với ân nhân Quang Tình, lão Văn Chỉ là một tài năng bị văng ra khỏi trật tự xã hội thời quan liêu bao cấp và dần dần thành kẻ lọc lõi, thành một Maphia nghiệp dư của thời đại: Lão dùng tiền tạo nên mối quan hệ với giới quan chức, đứng đầu nhóm lao động tự do nửa vời. Nói nửa vời vì nửa còn lại là lừa lọc, gian lận, lâm tặc…Sa xuống dưới đáy như thế, Quang Tình vừa nhẫn nhịn hòa đồng nhưng không hòa tan. Trong sâu thẳm lòng thầy vẫn là một nhân cách trí thức, nó bật ra khỏi trật tự dưới đáy như đã từng bị bật ra khỏi nơi cái dốt cái ác nắm quyền. Và thật bất ngờ, nhân cách trí thức của thầy đã khiến những cái mầm thiên lương còn sót lại trong con người Văn Chỉ dần dần mọc lên tươi tốt. Có thể nói, trường đoạn Quang Tình thuyết phục được Văn Chỉ từ bỏ phép ứng xử lấy ác báo ác, vì oan oan tương báo thì biết bao giờ cho hết nổi đây; (đó) là một trường đoạn hay và là một bước chuyển tư tưởng nghệ thuật của cây đại bút này. Nhân vật Quang Tình là một ẩn dụ thành công của nhân cách trí thức, của tư tưởng thẩm mỹ Ma Văn Kháng...
Mặc dù là nhân vật phụ trong tiểu thuyết nhưng thầy Bùi Lễ cũng giống như thầy Quang Tình trở thành hiện thân của lòng vị tha và cái đẹp. Mặc dù bị hiệu trưởng Hoàng Hủ ghen ghét tìm cách đuổi ra khỏi trường khiến gia đình thầy Bùi Lễ gặp nhiều phen khó khăn. Thế mà trong hoàn cảnh tưởng chừng không bao giờ xảy ra, đó là khi những trò hủ hoá của hiệu trưởng Hoàng Hủ bị phát hiện khiến ông bị đuổi khỏi ngành và trở thành kẻ làm thuê bằng công việc tay chân nặng nhọc, thậm chí sau này ông thành kẻ vác đá xây nhà thuê cho thầy Bùi Lễ. Họ gặp lại nhau trong cái cảnh mà thầy Bùi Lễ có thể hả hê cười, xỉ vả vào mặt Hoàng Hủ cho bõ hận những gì y đã gây ra cho mình. Nhưng không, thầy Bùi Lễ đã ứng xử đẹp làm sao! Thấy thầy hiệu trưởng cường quyền, nanh nọc năm nào đã gây ra bao nhiêu tội lỗi, đẩy bao nhiêu người vào vòng oan khổ giờ đây “ngã ngựa” trở nên tiều tuỵ, thảm hại và già nua, thầy Lễ đã nói với ông Hủ: “Thầy Hủ à, chúng tôi buồn đau thì có buồn đau, nhưng về lâu dài thì chả oán thán gì thầy đâu. Lịch sử nó vốn ngoằn ngoèo dích dắc, lẫn lộn bi hài như thế mới là lịch sử. Chúng tôi không phải là hạng người bụng dạ hẹp hỏi. Sống phải độ lượng. Văn hoá nó dạy người ta phải sống thế”.
Tính nhân văn càng sâu đậm hơn trong cái kết đầy bất ngờ của tiểu thuyết. Đó là khi ông Văn Chỉ tìm cách giúp thầy Quang Tình lấy lại số tiền mà kẻ cường quyền đã móc lót, đồng thời để trả mối thù xúc phạm vợ của tên lưu manh nấp dưới danh công an này. Ông Văn Chỉ đã đưa thầy Quang Tình vượt màn đêm ra nghĩa trang nơi có những tấm ván thiên của một số gia đình vừa bốc mộ vứt lại. Ông Văn Chỉ muốn dùng những tấm ván thiên làm vũ khí để thầy Quang Tình ra đòn với kẻ thù. Có hư truyền rằng dùng tấm thiên ván thôi đóng đồ thì kẻ dùng nó sẽ khuynh gia bại sản hoặc mắc bạo bệnh tật mà chết. Nhưng khi biết được mục đích của ông Văn Chỉ dù biết ông chỉ muốn giúp mình, thầy Quang Tình đã nhất quyết từ chối. Bỏ lại ông Văn Chỉ với những tấm ván thiên mới tại xưởng, thầy Quang Tình thẳng bước về nhà, nơi người vợ đang bất lực trước chứng bệnh tâm thần do kẻ cường ác gây ra.
Nhân vật Văn Chỉ từng vào tù ra tội, tinh ranh ma quái và đặc biệt thấm đầy minh triết dân gian. Nó làm chứng rằng Nhân gian với tấm lòng và trí tuệ sàng lọc của mình chẳng những sinh dưỡng những đứa con tử tế mà còn chạy chữa, phục sinh những kẻ đã mười mươi bỏ đi – là lão Văn Chỉ. Ma Văn Kháng viết rất hay, viết rất nhuần nhuyễn về kiểu người Văn Chỉ. Những trang viết về tình yêu, tình chồng vợ, viết về cái đẹp trong cơ hàn cũng thật hay.
Nhưng viết về cái ác cái dốt thì còn phải bàn. Một đặc tính Ma Văn Kháng: Ông luôn luôn chia con người ra hai loại rạch ròi: Ai đã ngu dốt và độc ác thì đều xấu như ma quỷ còn ai đã tốt đã thông minh thì đẹp như thiên thần. Ở những trường đoạn như thế, tiểu thuyết dễ bị bỏ trang hoặc ít nhất hai chữ “cảm tính” sẽ vang lên trong đầu cùng một dấu chấm than (!) to đùng ngã ngửa.
(Nguồn: Tạp chí NV&TP)