TƯƠNG TÁC THỂ LOẠI TRONG THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
Từ thơ Việt Nam đương đại, việc nhìn nhận sự tương tác thể loại là một việc làm có ý nghĩa, gắn với những vận động chung của bối cảnh văn hoá, lịch sử và văn học, nói lên những khả năng của thể loại và sự chuyển biến trong tư duy nghệ thuật của nhà thơ cũng như tâm hồn con người thời đại.
Sự giao thoa, tương tác thể loại trong thơ xuất phát từ nhiều lí do, nhưng quan trọng nhất chính là những hạn chế của hình thức cũ với nhu cầu biểu tỏ mới. Đó luôn là câu chuyện lớn của những cách tân về mặt hình thức nghệ thuật. Sự tương tác này có thể được khảo sát trên nhiều phương diện. Chẳng hạn, sự thâm nhập của văn xuôi vào thơ tạo nên thể thơ văn xuôi, sự gia tăng yếu tố tự sự trong thơ tạo nên những bài thơ trữ tình giàu chất tự sự, sự xuất hiện mô hình đối thoại trong thơ đem lại cấu trúc phức hợp tự sự - kịch - trữ tình, giải phóng khả năng biểu đạt. Sự giao thoa của các loại hình nghệ thuật khác nhau cũng đem lại những hiệu quả quan trọng cho hành trình đổi mới của thơ. Chẳng hạn, kĩ thuật điện ảnh, hội hoạ đã giúp thơ có thêm những góc nhìn, những phát hiện mới. Sự gia tăng nhạc tính đương nhiên là câu chuyện có tính bản thể của thơ, nhưng, những thi sĩ chú ý đến việc phát triển nhạc tính cũng đang tạo thêm sức mạnh cho thơ.
Tương tác thể loại trong thơ của các tác giả đương đại thể hiện trước hết ở việc gia tăng chất tự sự trong thơ trữ tình. Việc gia tăng chất tự sự diễn ra trên một số phương diện, biểu hiện như: trong hình thức câu thơ - tiến đến hình thức câu văn xuôi, trong cấu trúc trữ tình - cấu trúc mang hình thức của những câu chuyện (có cốt truyện, nhân vật, mở đầu, kết thúc),… Chất tự sự còn thể hiện trong ngôn ngữ và giọng điệu, nhân vật. Cụ thể, chúng ta sẽ thấy lớp ngôn ngữ đời sống, đối thoại, khẩu ngữ được dịch chuyển vào trong lời thơ. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của đối thoại phá vỡ nguyên lí độc thoại, chủ quan của thơ trữ tình. Giọng điệu kết hợp nhiều bè cho thấy tính chất độc âm chủ thể đã bị lay chuyển.
Sự gia tăng yếu tố cốt truyện có thể nói không phải là hình thức quá mới mẻ trong thơ đương đại. Lịch sử của nó nếu khảo đến tận cùng có lẽ còn bắt nguồn từ văn học dân gian với những bài ca dao than thân trách phận, những bài ca dao về tình cảnh gia đình, thân phận con người: Con cò chết rũ trên cây/ Cò con mở lịch xem ngày đưa ma/ Cà cuống uống rượu la đà/ Chim ri ríu rít chạy ra chia phần/ Chào mào thì đánh trống quân/ Chim chích cởi trần vác mõ đi rao (Ca dao). Ở bộ phận văn học viết, trong văn học trung đại ta cũng bắt gặp nhiều trường hợp như thế mà tiêu biểu nhất là những tác phẩm kinh điển như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, và đỉnh cao là Truyện Kiều. Đến thời cận hiện đại, Thơ mới cũng xuất hiện nhiều bài thơ giàu yếu tố tự sự: Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Chợ tết của Đoàn Văn Cừ, Hoa Thủy Tiên của Thế Lữ, đặc biệt là thơ Nguyễn Bính (Thời trước, Cô hái mơ, Giấc mơ anh lái đò, Mưa xuân, Giời mưa ở Huế, Cô láng giềng). Chất tự sự vốn đã là một yếu tố khá nổi bật trong thơ lục bát, đến Nguyễn Bính, càng thể hiện rõ rệt.
Thơ đương đại du nhập khá nhiều chất tự sự vào trong cấu trúc trữ tình của mình. Đó có thể là câu chuyện về bà trong Đò lèn của Nguyễn Duy, về những con cá, con mèo, con bò, về những người đàn bà góa bụa,… trong thơ Nguyễn Quang Thiều, là câu chuyện của một hình hài trên hành trình trở về Cửa Mẫu trong thơ Mai Văn Phấn, câu chuyện của một thời đại hoang đường trong Những kỉ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung, là những câu chuyện của Vili, Nàng Tím trong thơ Vi Thuỳ Linh,…
Những ngón chân xương xẩu,
móng dài và đen tõe ra như
móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm,
ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh
nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng
áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu
đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng
Sông gục mặt vào bờ đất lần đi
(Những người đàn bà gánh nước sông - Nguyễn Quang Thiều)
Nguyễn Quang Thiều, được đặt trong khuynh hướng cách tân, với những dụng công làm cho câu thơ, bài thơ dài ra. Về mặt lí thuyết, đây là một phương thức nhằm giải cấu trúc hình thức thể loại. Để có thể kéo dài câu thơ, dĩ nhiên, như chúng ta thấy, Nguyễn Quang Thiều đã lồng trong cấu trúc trữ tình của mình những câu chuyện. Mạch tự sự trở thành một thủ pháp để trữ tình trong ý đồ tháo tung hình thức lời văn. Mỗi bài thơ của Nguyễn Quang Thiều, và các nhà thơ đương đại khác, có thể dễ dàng truy tìm một cốt truyện. Như đã nói, cốt truyện trở thành một mạch, một cái lõi để từ đó chủ thể sáng tạo bám vào nhằm triển hiện những suy tư, cảm xúc của mình.
Cùng với cốt truyện, thơ trữ tình đương đại, theo mạch gia tăng tự sự đã xuất hiện thêm các nhân vật. Thơ vốn có nhân vật trữ tình. Tuy nhiên, với những bài thơ trong đó có sự giao thoa, xâm nhập của các thể loại khác, nhất là các thể loại tự sự, có thể nhận thấy những nhân vật xuất hiện liên quan đến cấu trúc truyện kể, đến cốt truyện. Đặc tính của các thể loại tự sự là tính khách quan hóa, trong khi tác phẩm trữ tình hướng vào chủ thể, chủ quan. Do vậy, khi gia tăng yếu tố tự sự, đẩy câu chuyện vào hệ thống các nhân vật, đặc tính chủ quan có xu hướng bị hóa giải, quá trình khách quan hóa diễn ra.
Cha vừa gượng dậy sau trận ốm
liệt, men dần ra cửa, lọt vào khối
vuông ánh sáng
Người cố đưa ngón tay và bảo con cánh cam trên tán lá kia cha nhìn thấy
lần đầu
Con kể những chuyện vô tình lúc
cha hôn mê
Chuyện đám mây lớn thường bay chậm qua nhà mình. Chiếc giếng khơi dâng hơi nước lên cửa sổ. Chuyện tiếng con chim khách làm mọi người cùng nhìn bát thuốc
Cơ thể cha tựa sông cạn, củi khô,
hạt lép
Chùm quả nặng đung đưa
gió mạnh
Cha bỗng thều thào hãy dìu cha
đi nghỉ
Tiếng lá khô trượt trên mái nhà
làm cha và con cùng rơi nước mắt.
(Bầu trời không mái che - Mai Văn Phấn)
Nhân vật đã tạo nên không khí khách quan của câu chuyện, giảm trừ áp lực trữ tình dài hơi, dễ rơi vào đơn điệu trong những tác phẩm dài. Một điểm có thể nhận thấy rất rõ trong những động thái này chính là tính chất khoảnh khắc trạng thái đã bị xô đẩy, mớm dụ để mang dáng dấp của một quá trình. Rõ ràng, đọc thơ đương đại, người ta buộc phải chú ý đến những câu chuyện, những cấu trúc tự sự duy trì hạt nhân trữ tình. Như thế, tức là phải theo dõi tiến trình để nắm được sự vận động của mạch cảm xúc, suy tư:
“Mỹ Lai”, ông nói “tôi vừa đến
Mỹ Lai”
Rồi trong mắt ông, những
bức ảnh ông đã xem
tại địa điểm cuộc thảm sát diễn ra
người mẹ ôm chặt đứa con thơ
đã chết
xác những người phụ nữ chân
trần rải rác trên những lối bùn
những đứa trẻ trần truồng lạnh ngắt dưới chân
những người lính Mĩ đang
đứng đó, điếu thuốc cháy đỏ
trên tay
(Viết ở miền Nam - Nguyễn Phan Quế Mai)
Với những dạng thơ như thế này, phải theo dõi câu chuyện để nắm được mạch trữ tình là điều cần thiết. Giải trừ tính chất trạng thái để dịch chuyển vào đặc tính hành trình là nét tiêu biểu của thơ văn xuôi đương đại.
Không chỉ có vậy, khi nhân vật được huy động trong cấu trúc trữ tình, cũng là lúc xuất hiện đối thoại, đa thanh, nhiều bè, nhiều kiểu phát ngôn trong một bài thơ. Kết cấu này không dễ để thuyết phục người đọc về chất thơ của nó. Tuy nhiên, sự du nhập của ngôn ngữ đời sống, viết theo cách nói, phá vỡ các cấu trúc ngữ pháp,… đã hướng đến khả năng kiến tạo cái mới, biểu đạt cảm xúc, tâm trạng và suy tư của thi sĩ. Ở đây, chủ thể sáng tạo phải có ý thức thể loại rất cao để vừa có thể sử dụng các yếu tố tự sự như một công cụ, phương tiện, vừa giữ được đặc tính thể loại - thơ. Chính trong sự tranh đấu giữa hai quá trình đó, những khả năng của các thể loại được phát huy. Nhà thơ, hơn ai hết hiểu rõ sức mạnh của những phương thức biểu đạt khác nhau trong một chỉnh thể nghệ thuật. Điều quan trọng nhất trong những động thái này chính là chủ thể phải duy trì được đặc tính thể loại trữ tình khi vận dụng các phương thức tự sự. Chính mối bận tâm thường trực này tạo ra những liên hệ ngầm ẩn sâu xa mà chúng ta có thể căn cứ để xác lập bản chất thể loại của một hình thức lời văn. Về hình thức lời văn, thơ có thể biến đổi không ngừng, tuy nhiên, như R. Jakobson nhấn mạnh, “chức năng thi ca” vẫn là điều quan trọng nhất, làm nên bản thể của thơ thay vì có thể chuyển hóa sang một thể loại khác. Chức năng thi ca duy trì, điều hướng, tổ chức các hình thức lời văn, sự tương tác thể loại, cấu trúc nên bài thơ. Nhưng, chức năng thi ca lại là điều mà chúng ta không thấy được một cách trực tiếp. Tất cả cấu trúc chỉnh thể của bài thơ nói lên “chức năng thi ca” ẩn chứa trong tổng thể của nó. Chức năng thi ca chính là chất thơ, giúp duy trì và bảo toàn đặc tính thể loại trong tương tác của nhiều hình thức biểu đạt.
Sự gia tăng yếu tố tự sự, xuất hiện nhân vật, đối thoại, đa thanh dẫn đến một hệ quả “nhãn tiền” là hình dáng câu thơ bị xô đẩy, kéo dài như những câu văn xuôi. Có thể nói, đây là một hướng sáng tạo đang khá thịnh hành trong đời sống thơ ca Việt Nam. Những thể loại quen thuộc bị phá vỡ trong hai động hướng rút gọn và kéo dài câu thơ. Những câu thơ dài như câu văn xuôi đã tích hợp vào nó các khả năng giải phóng năng lượng, xúc cảm và suy tư:
Vẫn tìm Anh suốt dọc thanh xuân những tinh mơ những chiều lạnh lẽo
Vẫn tìm Anh giấc em hoảng hốt
Vẫn biện minh thời gian bằng
cách làm việc quá sức
Vẫn chỉ nghĩ đến Anh, thuần nhất
(Mùa tình - Vi Thuỳ Linh)
Đến đây, người đọc sẽ nhận thấy hiệu năng của những câu thơ dài như câu văn xuôi. Dung lượng mở rộng tới không hạn định, bỏ cả dấu câu, dòng, khổ, để trở thành một văn bản mà căn cứ duy nhất để xác lập là chất thơ - chức năng thi ca. Trong hình thái này, chủ thể có cơ hội thể hiện các trạng thái cảm xúc, các liên tưởng, tưởng tượng, suy tưởng được khơi dẫn từ một cấu trúc lời tự do. Cấu trúc của thể loại không còn là một ràng buộc, điều đó đồng nghĩa với việc nhà thơ được tự do trong mọi khả năng nhằm thể hiện tốt nhất thế giới tinh thần, tư tưởng của mình. Thế giới tư tưởng, tinh thần là trừu tượng, vô hình, nhưng hình thức lời văn lại hữu hình, có thể tri giác. Vì vậy, hoàn toàn có thể nhận ra những thay đổi ở bên trong từ hình thức bên ngoài của văn bản mà người đọc tiếp cận.
Vấn đề tương tác, dung hợp thể loại, như đã nói, không còn xa lạ, nhưng mang một sắc điệu khác trong không gian văn học đương đại. Biểu hiện rõ nhất của sự tương tác này là chất văn xuôi đã thâm nhập nhiều hơn vào cấu trúc trữ tình. Các yếu tố tự sự xuất hiện trong văn bản trữ tình khiến câu thơ dài ra mang dáng dấp câu văn xuôi. Nhân vật, đối thoại, đa thanh, nhiều bè trong một diễn ngôn thơ cũng khiến cho hình thức lời văn của bài thơ có nhiều thay đổi theo hướng dài hơn, vận hành theo nguyên lí quá trình thay vì nguyên lí trạng thái, khoảnh khắc như thơ ca truyền thống. Là một hướng lớn trong cách tân hình thức thơ trữ tình Việt Nam, hướng mở về phía những câu thơ văn xuôi, giàu chất tự sự đã cho thấy nhu cầu được nói, được bày tỏ của con người đương đại. Điều quan trọng, dù tương tác diễn ra mạnh mẽ đến đâu, chủ thể sáng tạo vẫn phải duy trì được đặc tính của thể loại gốc, để nó là thơ chứ không phải là một thể loại nào khác.
Nguồn:Văn nghệ Quân đội