CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN-TÁC PHẨM: NHÀ VĂN NGUYỄN HUY TƯỞNG
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912, tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Cha là một ông Tú nghèo sống nhờ vợ tần tảo buôn bán. Bẩy tuổi cha mất, mẹ gửi ra Hải Phòng ở với gia đình người chị, học tiểu học ở trường Bonnal. Năm 1932, 20 tuổi, đậu bằng thành chung và cũng bắt đầu học chữ Hán. Sau ba năm vất vả tìm việc, đến 1935 thi đậu vào ngạch thư ký nhà đoan (cơ quan hải quan- tiếng Pháp: customs office). Năm 1939, cưới vợ con quan. Song song với đời sống công chức nhà đoan, Nguyễn Huy Tưởng có một sinh hoạt nội tâm phong phú, rất giàu cung bậc của người trí thức: chăm đọc sách, chịu khó tìm ý tưởng, hàng ngày viết nhật ký.
Từ năm 1938, Nguyễn Huy Tưởng đã hoạt động cho hội Truyền bá quốc ngữ. Cuối năm 1944, bắt đầu tham dự các buổi họp bí mật của hội Văn hoá cứu quốc. Tháng 4-1944, ông chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội công tác và được gặp các trí thức Hà thành như Nguyễn Xuân Huy, Như Phong, Nguyên Hồng, Nam Cao, Trần Huyền Trân,... Tháng 6/1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của Văn hóa cứu quốc. Sau đấy hai tháng, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào, Tuyên Quang. Ông còn là đại biểu Văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóng, Tiên Phong. Tiếp đó ông giữ chức vụ Tổng thư ký Ban Trung ương Vận động đời sống mới. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc. Ông qua đời ngày 25/7 1960 tại Hà Nội, ở tuổi 48.
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị về văn chương và lịch sử như: Tiểu thuyết có Đêm hội Long Trì, (1942), An Tư công chúa (1944), Truyện Anh Lục (1955), Bốn năm sau (1959), Sống mãi với Thủ đô (1960),…; Kịch gồm có: Vũ Như Tô (1943). Cột đồng Mã Viện (1944), Bắc Sơn (1946), Những người ở lại (1948), Anh Sơ đầu quân (tập kịch- 1949), Lũy hoa (1960),…; Truyện ký có: Ký sự Cao Lạng (1951), Chiến sĩ ca nô,…; Truyện thiếu nhi: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, Thằng Quấy, Con cóc là cậu ông giời, An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung... và một tập Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, dày 1.700 trang.
Với khoảng hơn hai năm cầm bút mà Nguyễn Huy Tưởng đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, những nghĩ văn nhân Việt không có mấy người được như ông. Ấy là chỉ nói về khía cạnh số lượng tác phẩm, còn về giá trị chẳng ai có thể tiên định được (1).
*
Tôi thực sự chia sẻ với nhận định của nhà nghiên cứu- phê bình văn học, Tiến sĩ Nguyên An khi ông cho rằng: Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử- truyền thống sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng, mặc dù cạnh ông đã có Tô Hoài, và sau ông, cũng đã có các tác giả đáng nể như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Bút Ngữ, Hà Ân, Nguyễn Quang Thân… Cũng theo Nguyên An, Nguyễn Huy Tưởng đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam (2).
Một số người cho rằng Nguyễn Huy Tưởng là người viết sử bằng văn. Riêng tôi lại nghĩ ngược lại, có lẽ ông đã viết văn bằng sử thì mới đúng. Bởi lẽ ở nhiều vở kịch, tiểu thuyết, bút ký, nhật ký,…và đặc biệt là ở các vở kịch như Vũ Như Tô, Bắc Sơn, tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, Sống mãi với Thủ đô,… được coi là những dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác văn chương của ông. Ở đấy chất văn và chất sử hòa quyện làm một, chẳng thể nào phân định rạch ròi được. Văn vì thế mà thăm thẳm sâu. Sử vì thế mà vời vợi cao. Những vấn đề mà ông đặt ra trong tác phẩm của mình cứ mãi xoáy sâu vào tâm thức người đời và sẽ còn vang vọng mãi tới xa sau.
Có lẽ Nguyễn Huy Tưởng là một trong số ít các nhà văn Việt Nam hiện đại sắm trọn cả hai vai đến thế. Vai thứ nhất, tư cách con người công dân, ông đã hoàn thành tốt, nếu không muốn nói là suất sắc. Trước cách mạng tháng Tám, ông viết văn và làm công chức nhà đoan rồi lo bề gia thất. Cuối năm 1944, ông bắt đầu tham dự các buổi họp bí mật của hội Văn hoá cứu quốc. Tháng Tám 1945, dự đại hội Tân Trào. 1/1 năm 1946, gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương cùng với Nguyễn Đình Thi và Lưu Văn Lợi. Từ đấy Nguyễn Huy Tưởng đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta một cách đàng hoàng, chững chạc, trong tư cách là một trong những người lãnh đạo văn nghệ kháng chiến. Nhưng ông là người rất đỗi khiêm tốn, nhường nhịn mọi người, biết nghe và biết sửa chữa những thiếu sót của mình. Năm 1930, khi chàng thanh niên Nguyễn Huy Tưởng mới tròn 18 tuổi đã tự xác định cho mình: Phận sự của một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi. Đến cuối đời, 1960, ông vẫn tâm niệm: Muốn viết một truyện xưa thật poignant (xót xa) nói về cái quý của một mạng con người, bất cứ là người gì. Mà cần phải quý phải nâng niu, mà giết một người ấy là anh mang tội lớn.
Trong tư cách là một công dân- trí thức yêu nước, Nguyễn Huy Tưởng đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng từ trước Cách mạng tháng Tám, để rồi khi cách mạng thành công, ông hăng hái tham gia hoạt động trong các tổ chức, đoàn thể của cách mạng. Sau này ông chia sẻ: Đọc đề cương văn hóa của Đảng, tôi thích nhất khẩu hiệu: dân tộc- khoa học- đại chúng, nhất là khẩu hiệu dân tộc. Từ đó tôi tham gia VHCQ và cũng từ đó mới có ý định viết văn để phấn đấu cho một lý tưởng (Tham luận tại hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất, 11-1959).
Tuy khởi nghiệp từ văn chương, nhưng từ sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Huy Tưởng dường như vừa làm văn, vừa làm báo và làm lãnh đạo văn nghệ kháng chiến. Ngoài công tác tổ chức của Hội Văn hóa cứu quốc mà ông là thành viên chủ chốt, biên tập các báo Cờ giải phóng, Tiên phong, ông còn để lại tập bút ký Ký sự Cao Lạng, mang đậm chất báo chí. Trong nhật ký cá nhân, hai tác phẩm gồm vở kịch Vũ Như Tôi và tập bút ký Ký sự Cao Lạng là ông tâm đắc nhất. Kịch Vũ Như Tô là một sáng tác văn chương từ đề tài lịch sử, còn Ký sự Cao Lạng gồm những tác phẩm báo chí. Hai tác phẩm một trước, một sau Cách mạng tháng Tám, đều vừa đem đến cho người đọc những thú vị bất ngờ của một nhà văn tài hoa, vừa hé lộ một nhân cách cao thượng mang tên Nguyễn Huy Tưởng.
*
Có lẽ ông là người hiếm hoi trong số những người cùng thời phân biệt rạch ròi giữa con người công dân và con người nghệ sĩ. Với tư cách là người nghệ sĩ chân chính, Nguyễn Huy Tưởng dường như dốc hết tâm trí vào nhân vật Vũ Như Tô, trong vở kịch cùng tên. Trong lời đề từ tác phẩm của mình, nhà văn đã hai lần nhắc lại một câu hỏi nhức nhối tâm can người đời cho đến tận bây giờ: Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ðài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Tháp người Hời nguyên là giống Angkor! Bởi lẽ ông quan niệm về nghề văn hết sức nghiêm túc: Một nghề nghiệp cao quý biết bao là nghề viết văn. Đưa lại cho đời một bó đuốc không to thì nhỏ. Có nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy nguyên liệu chính là con người một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo?. (Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ghi ngày 16/6/1956) (3).
Theo ông, văn cần phải bám chặt rễ vào lịch sử dân tộc. Có như thế văn mới tồn tại bền lâu. Ông từng viết: Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng. Quả là không sai, nhưng do những tư tưởng thủ cựu và cơ hội thời bấy giờ mà tuyên bố nổi tiếng trên của Nguyễn Huy Tưởng đã có lúc làm ông lao đao, khốn khổ. Vũ Như Tô gắn cuộc đời mình với Cửu Trùng Đài, còn Nguyễn Huy Tưởng lại gắn đời mình với những trang văn về truyền thống lịch sử của dân tộc. Như vậy có thể nói ông viết văn bằng vốn hiểu biết uyên thâm về lịch sử.
Trường hợp Vũ Như Tô, trong các sách sử đã ghi chép, nhưng dường như còn khái lược, xơ cứng, khiến các thế hệ sau ít quan tâm đến nhân vật lịch sử này. Nguyễn Huy Tưởng có thể là người đầu tiên làm sống lại một Vũ Như Tô, ngoài tư cách công dân, một ông quan đô đốc kiêm coi các sở ở Công bộ, còn có tư cách của một nghệ sĩ chân chính vì ông là tác giả của công trình xây dựng Cửu Trùng Đài và cung điện trăm nóc, một công trình kiến trúc cực kỳ tráng lệ trong Hoàng Thành Thăng Long, được mô tả là tuy chưa hoàn thành mà bóng rợp nửa hồ Tây, theo lệnh của vua Lê Tương Dực.
Vũ Như Tô được vua Tương Dực: biệt đãi, có địa vị thì những kẻ tài hoa mới xuất hiện, tranh nhau tô điểm nước non. Như chính lời ông nói với nhà vua. Có người bảo rằng Vũ Như Tô tài tới mức: sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ; là một họa sĩ chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công, và một nhà điêu khắc có hoa tay tuyệt thế, chạm trổ, nạm đục... không kém đường gì,…
Vậy mà đến khi nhà vua bị bọn phản tặc do Trịnh Duy Sản cầm đầu giết, Cửu Trùng Đài chưa xây chưa xong cũng bị phá sạch, mặc dù công trình đã xây mất nhiều năm, hao người tốn của, dân tình đói khổ, nheo nhóc đã khiến Vũ Như Tô không khỏi day dứt. Ðan Thiềm xui Vũ Như Tô trốn để bảo toàn sinh mệnh, mặc dù khi ấy Ðan Thiềm chưa kịp tra vấn Vũ Như Tô lấy gì để thực hiện tác phẩm.
Nhưng điều mà chính Vũ Như Tô luôn day dứt: Nghệ thuật có thể dựng xây trên xương máu con người hay không? Cung A Phòng, đến đền Angkor, Vạn Lý Trường Thành, Tháp Chàm và bao nhiêu kiệt tác kiến trúc trên thế giới chứng minh rằng có.
Tác phẩm nghệ thuật cũng chỉ là ảo ảnh, nó có thể vững như Kim Tự Tháp Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành, mà cũng có thể mong manh hư ảo như Cung A Phòng, như Cửu Trùng Ðài... Nghệ thuật chỉ có giá trị đối với những trái tim biết quí trọng và tôn thờ nó. Ðối với những kẻ ngoại đạo, nghệ thuật chỉ là những thứ xa xỉ, bởi nó chưa bao giờ thật sự nuôi sống con người. Với tư cách là một kẻ sĩ, Ðan Thiềm không thể nhìn thấy những trớ trêu của nghệ thuật, vì nó được chưng cất lên từ sức lực và tâm tưởng của người nghệ sĩ và từ mồ hôi, nước mắt và đôi khi là máu của những người thợ trực tiếp xây dựng nên nó.
Vất vưởng giữa hai đối cực, một bên là chính quyền phong kiến đương thời đã vào hồi vãn chiều, dù đấy là Lê Tương Dực, Trịnh Duy Sản hay Lê Oanh, từng bị vua Tương Dực bắt giam, cũng thế thôi và một bên là quần chúng đói khổ. Đấy chính là hai lực cản lớn nhất của nghệ thuật. Ðan Thiềm cùng chung ý nghĩ với Nguyễn Huy Tưởng, đồng cảm với tất cả những người cầm bút chân chính muốn bảo vệ sự sống còn của nghệ thuật, cái mà người ta dù chưa đủ cơm ăn, áo mặc nhưng vẫn cần có nó. Nhưng chính Đan Thiềm cũng chưa bao giờ hiểu được nỗi thống khổ của một nghệ sĩ chân chính như Vũ Như Tô.
Cuối cùng Vũ Như Tô đã đi thẳng tới pháp trường, đem tính mạng của mình đổi lấy sự bảo toàn danh dự của một nghệ sĩ chân chính. Như chính Vũ Như Tô đã từng nói: Tôi sống với Cửu Trùng Đài chết cũng với Cửu Trùng Đài... Hồn tôi để cả ở đấy thì tôi chạy đi đâu. Có thể nói, Vũ Như Tô say mê nghệ thuật đến mức cuồng si và không tưởng, khiến ông không thể nào vượt qua hai lực cản là cường quyền và những người bị áp bức. Bi kịch lớn nhất của người nghệ sĩ chân chính là vừa muốn sáng tạo nên những kiệt tác để đời, vừa muốn không làm khổ đến ai. Nhưng ở đời làm gì có thứ nghệ thuật tuyệt đối như vậy. Vì thế Vũ Như Tô phải chết từ cả hai phía: cường quyền và những người thợ xây dựng Cửu Trùng Đài. Đám thợ thuyền nghe theo Trịnh Duy Sản nổi loạn, giết vua vì họ không chỉ không hiểu biết gì nghệ thuật, mà căn bản là họ đang đói khổ, nheo nhóc, thì thứ nghệ thuật của Vũ Như Tô nào đâu có đem đến cho họ cơm ăn, áo mặc. Còn với việc vua Lê Tương Dực bị giết sau khi đã tốn bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của đám thợ thuyền kia, cũng đồng nghĩa với việc không thể tồn tại một Cửu Trùng Đài nên người cha đẻ của kiệt tác ấy buộc phải cắp nón ra đi cùng với thân chủ của ông là Lê Tương Dực.
Chẳng thế mà, nhiều nhà nghiên cứu từng đánh giá Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nên một nhân vật lịch sử ấn tượng nhất chính là Vũ Như Tô. Thậm chí có không ít người còn cho rằng Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tạo ra một bi kịch thực thụ sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine- mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên thế giới trong ba thế kỷ nay (4).
*
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn đã dành trọn đời để sáng tác về các đề tài lịch sử, kháng chiến, về thủ đô Hà Nội, nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nói đến mảng văn chương viết cho tuổi thơ như: Tìm mẹ, Thằng Quấy, Cô bé gan dạ, Chiến sĩ ca nô…, đặc biệt là những truyện lịch sử như: An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng,…chúng đã góp phần không nhỏ làm nên một văn hiệu thực sự đáng kính trọng mang tên ông.
Sinh thời ông ý thức một cách rõ ràng về thiên chức của người nghệ sĩ với quan niệm tiến bộ, rất nhân văn: Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên,… cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng, bột bột, mà vẫn biết lẽ phải, và biết thương nhau.
Vì thế ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc được ít lâu, với tư cách là người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng (1957), Nguyễn Huy Tưởng đã góp phần quan trọng đặt nền móng, mở ra một tương lai tốt đẹp cho văn chương tuổi thơ, khi ấy hiện là một mảng đề tài còn nhiều khoảng trống, thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao. Những truyện viết về mảng đề tài này của Nguyễn Huy Tưởng không chỉ đa dạng, phong phú về đề tài, bút pháp thể hiện, mà hơn nữa là lòng yêu nước thiết tha, niềm tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc, là tình nghĩa thủy chung, khát khao hạnh phúc, tin tưởng vào sự chiến thắng của chính nghĩa. Có thể nói đây là ấn tượng bao trùm, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các truyện của ông viết cho thiếu nhi.
Ở mảng đề tài lịch sử trong các truyện viết cho thiếu nhi, Nguyễn Huy Tưởng đã hướng các em vào những thời kỳ hào hùng, trọng đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mà ở đấy những người anh hùng đã viết nên những bản anh hùng ca chói lọi. Dù đấy là những câu chuyện kể về những người anh hùng thời kỳ trung cận đại như: Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, hay là thời kỳ cổ đại như: Chuyện Chiếc bánh chưng, An Dương Vương xây thành Ốc,... nhưng tất cả hiện vẫn không thể nào phai mời trong ký ức của người dân đất Việt.
Có thể nói An Dương Vương xây thành Ốc là câu chuyện vừa thấm đẫm chất thơ vừa mang đậm sắc màu cổ tích. Trước sự phá hoại của Kê Tinh trong khát vọng xây dựng Loa thành, nhưng Thục phán An Dương Vương vì ở hiền gặp lành, muốn xây thành để chống lại quân xâm lược, bảo vệ nòi giống Tiên Rồng, nên ngài đã được sự trợ giúp đắc lực của thần núi Thất Diệu, Thần Kim Quy. Cuối cùng Loa thành đã được xây xong. Đấy chính là bản hùng ca chói lọi về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ thưở ban đầu. Loa thành dần hiện lên với cảnh đẹp rực rỡ huy hoàng: Tiếng gà rộn ràng, ánh mặt trời chiếu sáng chào mừng thành Ốc với những bức tường xoáy vòng tròn trôn ốc, cao chót vót vào đỏ ối như son.
Hình ảnh cậu bé Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản thời nhà Trần trong truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng, nhìn bề ngoài chẳng khác là bao một bé gái mặt trái xoan với đôi má phinh phính còn bụ sữa, nước da trắng mịn óng ánh những lông tơ, môi dày đỏ chót. Đôi mắt to đen vừa trong sáng, vừa mơ màng. Vậy mà cậu làm được những điều mà đến cả người lớn có khi cũng khó có thể. Sự kiện chàng bóp nát quả cam vua ban chỉ vì còn nhỏ tuổi nên không được dự Hội nghị Diên Hồng ở bến Bình Than. Cậu quyết tâm về chiêu tập binh mã, ra sức luyện tập võ nghệ, luyện chí sắt, gan vàng và cũng khắc lên tay hai chữ Sát thát, như các bô lão đã từng hô vang quyết tâm ở Hội nghị Diên Hồng hôm nào, để rồi cậu cùng với nghĩa binh nhí quyết gương cao lá cờ thêu sáu chữ vàng Phá cường địch, báo hoàng ân,… sẽ mãi là những biểu tượng tượng trưng cho lòng quả cảm, quyết tâm đánh đuổi giặc thù của tuổi trẻ Việt Nam.
Cũng như mảng truyện viết cho người lớn, mảng viết cho thiếu nhi về lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng không quá lệ thuộc vào các những sự kiện đã được ghi chép trong các sách biên niên sử, mà ông biết cách lảy ra trong vô vàn những chi tiết, sự kiện lịch sử được cho là có thật ấy, những tình huống, câu chuyện đặc sắc ấy rồi thổi vào đấy những cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng phù hợp với tâm lý, suy nghĩ của trẻ thơ, gợi mở cho các em nhiều điều thú vị nhằm giúp các em tiếp cận một cách dễ dàng lịch sử, hiểu lịch sử để từ đó thêm yêu, thêm quí truyền thống hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.
Nhà văn Tô Hoài, một người có nhiều thành công và kinh nghiệm viết truyện thiếu nhi thuộc hạng nhất nhì, đặc biệt là truyện Dế mèn phiêu lưu ký, đã thực sự tâm phục khẩu phục khi nhận định: Trong văn học cho thiếu nhi của ta, kể chuyện lịch sử và cổ tích, cho đến bây giờ, chưa ai chuyên và đã thành công như Nguyễn Huy Tưởng.
Nhưng dù ở mảng đề tài nào: người tốt, việc tốt, lịch sử hay cổ tích, Nguyễn Huy Tưởng cũng đem đến cho các em niềm thích thú, say mê đến kỳ lạ bằng một giọng kể chuyện vừa giản dị, chân thành, gần gũi với cuộc sống thường ngày của các em, phù hợp với tâm tư, suy nghĩ của trẻ thơ. Từ đấy ông đã nhen nhóm và truyền cho các em lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương, đất nước. Đấy chính là nét nổi bật nhất của nhà văn tài hoa này.
Trong truyện Chiến sĩ ca nô, thuộc mảng truyện về người tốt việc tốt, Nguyễn Huy Tưởng miêu tả lại cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch trong những ngày đầu chống thực dân Pháp. Nhưng với lòng dũng cảm, mưu trí của Tý, một em bé người nhỏ thó nhưng lanh lợi mồ côi cha mẹ, anh em vì tất cả họ đều bị trận đói năm 1945 cướp đi mạng sống. Tý đã cùng năm anh em du kích kéo một đoàn thuyền về cho quân ta. Sau này Tý được Ủy ban thưởng Huân chương chiến sĩ hạng Nhì.
Còn Hà Học Hợi là người khu Bốn, trong truyện cùng tên là một em bé sớm mồ côi cha mẹ, nhưng em đã cùng năm anh em tự lực cánh sinh nuôi nhau ăn học. Hà Học Hợi đã vượt qua những khó khăn, vất vả vươn lên trở thành một học sinh xuất sắc, được hội nghị liên khu Bốn chọn đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952. Nhà văn đã tái hiện thành công những khoảnh khắc ngây thơ trong sáng và một nghị lực phi thường của em và cả những giây phút linh thiêng khi em được gặp Bác Hồ.
Nhưng xúc động hơn cả là truyện Hai bàn tay chiến sĩ, khiến người đọc khó có thể kìm nén nổi trước những trang văn miêu tả sinh động tinh thần dũng cảm hy sinh, quyết tâm đánh đuổi quân thù của một người nông dân, đảng viên mang tên Bẩm, giản dị, mộc mạc như củ khoai, hạt lúa quê hương. Thế nhưng chính Bẩm, đã làm: Cả hội trường cảm động nhìn đôi bàn tay tàn tật của anh. Đôi bàn tay còng queo, teo lại. Các ngón tay đều cụt, một hai ngón tay còn lại thì dại đờ như mấy cây trơ trụi trong một cái vườn đã cháy hết. Rồi đến cảnh anh bị giam cầm, tra tấn và bị đốt mất hai bàn tay và bị thả trôi sông. Không chỉ dừng lại ở đó mà Bẩm còn bị lũ quạ xúm xít vào rỉa chỗ bị thương, khiến anh phải dúi tay vào cát bỏng, cảnh đàn kiến lửa bu vào người Bẩm, rúc đầu vào đôi bàn tay đã thối rữa. Nhưng cuối cùng anh cũng đã chiến thắng kẻ thù gian ác.
Được biết Cô bé gan dạ là một truyện mới được phát hiện, in trong tủ sách Hoa Xuân được Nguyễn Huy Tưởng viết vào thời kỳ trước cách mạng tháng Tám khi ông tham gia phong trào Hướng đạo sinh. Đây là truyện mà nhà văn rất thích thú, dùng để đọc cho các em thuộc diện cá biệt khi ông đang là huynh trưởng của phong trào.
Truyện kể rằng ở làng Thần Quyết hai mươi năm nay phải sống sự đe dọa của quỉ thần với tâm lí nơm nớp lo sợ. Vì hàng năm làng phải đem cống nạp cho hung thần một con lợn to béo và một cô gái tân theo chỉ dẫn của tiên ông. Năm nay, cô Thứ con gái cụ Trương Nghiêm, một gia đình nghèo khó tới lượt phải nộp mạng. Khác với tâm lí lo sợ của thầy u, dân làng và các cô gái trước đây phải cống nạp, Thứ không hề run sợ khi phải đối mặt với cái chết, mà chỉ thương cha mẹ già không ai chăm nom, lo liệu sớm hôm.
Vốn là người có bản tính cứng cỏi, trí thông minh, tinh thần dũng cảm, Thứ trước lúc đi vào cõi chết chỉ xin thầy u rèn cho cô hai con dao thực sắc để nàng quyết sống chết với hung thần. Không tin vào những tin đồn nhảm như những người trước đây, Thứ cho rằng trong hang động không có thần thánh nào quái ác cả, mà chỉ có con thú dữ ăn thịt người, đó chính là con cá sâu khổng lồ. Cuộc vật lộn, tấn công giữa một bên là người con gái trẻ đẹp, đơn độc với một bên là con cá sấu dũng mãnh, phi thường, mình dài hơn một trượng diễn ra hết sức gay cấn và cụ thể đến từng chi tiết khiến các em hồi hộp, lo sợ cho cô gái. Nhưng bằng tài năng, nghị lực và niềm tin vào sức mạnh của mình, cái thiện tất sẽ chiến thắng. Cuối cùng Thứ đã giải thoát được sự u mê, diệt trừ mối họa cho dân làng, được nhân dân kính phục, ngưỡng mộ.
Nội dung tóm lược câu chuyện chỉ có vậy, nhưng bằng tài quan sát, miêu tả, ngòi bút tài hoa, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn độc đáo và khéo léo, Nguyễn Huy tưởng đã tái hiện rõ cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa sự quang minh chính đại với những hủ tục lạc hậu. Qua Cô bé gan dạ, Nguyễn Huy Tưởng đã phần nào bộc lộ được tài năng và nghệ thuật viết truyện bậc thầy cho thiếu nhi. Trong văn của ông luôn đầy chất thơ của cuộc sống và chất chứa những bài ca hy vọng, những bài học về tình thương yêu những người thân, xóm giềng, cộng đồng và đồng loại. Phạm Hổ, một trong những nhà văn gạo cội chuyên viết truyện cho thiếu nhi đã có lý khi ông nhận xét: Trong câu văn của Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta không bao giờ thấy lộ ra bóng dáng của điều ác mặc dù anh có miêu tả kẻ ác với tất cả lòng căm ghét- nhưng căm ghét không có nghĩa là ác. Nói rõ hơn: điều ác không có ở trong lòng anh. Văn anh là yêu thương, là đầm ấm, là bao dung… Rõ ràng đọc Nguyễn Huy Tưởng, càng thấy yêu văn và càng thấy yêu người (4).
…………………………
Tham khảo
(1) vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn Huy Tưởng. Bách khoa toàn thư mở
(2) giaitri.vnexpress.net/ Lược ghi Hội thảo: Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử
(3) Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. 3 tập, Nxb. Thanh Niên, H, 2006.
(4) danviet.vn. Lê Tâm. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Cuộc đời còn có lịch sử
(5) clbnguoiyeusach.com. Nguyễn Huy Phòng- Nguyễn Huy Tưởng và những trang viết cho tuổi thơ