EM ƠI! HÀ NỘI-PHỐ, BỐN MƯƠI NHĂM NĂM VẪN GỌI
Hà Nội 45 năm về trước
Theo thiển nghĩ, toàn bộ thế giới nghệ thuật trong Em ơi! Hà Nội- Phố của Phan Vũ chỉ qui vào một chữ Em. Không hiểu chữ Em, cũng đồng nghĩa với việc không thể nào khám phá được thế giới nghệ thuật đạt đến độ kỳ ảo, mông lung trong thi phẩm này. Chữ Em của Phan Vũ dường như là một cái gì đó hoàn toàn khác, nếu không muốn nói là mới, là của riêng ông, chứ không đơn thuần chỉ là một điểm tựa xúc cảm nghệ thuật hay một hình tượng thơ như trong các thi phẩm của nhiều người khác.
Trong Em ơi! Hà Nội - Phố, chữ Em là một hình tượng nghệ thuật đầy suy tư, trăn trở về thân phận con người trước những biến động của lịch sử. Em ở đây không phải là một hay nhiều cô gái, xinh hay xấu, béo hay gầy, cao hay thấp, cũng không nhất thiết là người thân quen, ruột rà, nhân tình nhân ngãi gì, không phải vợ con hay người yêu của nhà thơ. Tóm lại, chữ Em ở đây đã trở thành CÁI - ĐẸP.
Hình tượng Em được Phan Vũ khám phá và thể hiện ở nhiều chiều kích, cung bậc của tình cảm và trí tuệ, nhiều cảnh huống khác nhau, lúc thì mong manh đến mức có thể vỡ òa ra lúc nào không hay biết:
Em ơi! Hà Nội- Phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa,..
khi thì trần trụi, thô ráp:
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ,...
khi thì ẩn hiện, chập chờn như ánh lửa, bóng ma trơi:
Ta còn em châm lửa
Điếu thuốc cuối cùng
Xập xòe
Kỷ niệm ...
Em là Hà Nội, là phố phường, mùi hoàng lan, hoa sữa, tiếng giày, bước chân quen, cầu thang gác cũ mòn, ngôi sao lẻ loi lạc vào xép nhỏ, là người châm điếu thuốc cuối cùng trước lúc chia xa,... Đấy là một Em vừa thực, lại vừa hư, vừa viên mãn, đầy đủ, lại vừa hụt hẫng, trống không đến mức gần như đang rơi vào và trở thành hư vô. Vượt lên trên tất cả những chi tiết rất đỗi đời thường, như ta vừa mới gặp đâu đây, gần gũi thân quen, nhưng cũng lạ hoắc, người đọc cảm nhận được một cái Em nào đó bay lơ lửng trên tít tận chín tầng trời sắp đổ ập xuống, chực giáng họa lên đầu mình.
Phố không có tên, cả người gửi và người nhận thư đều không rõ mặt, phong thư thì bỏ quên nơi hộc tủ, vậy mà khuôn mặt ấy, dáng hình ấy, Em ấy, bỗng dừng lại trong khung cửa. Không biết có phải là Em đấy không, hay là bóng ma định mệnh đang ám ảnh tâm hồn yếu ớt của thi nhân. Người thơ nào khi bắt gặp hồn cốt của CÁI - ĐẸP mà chẳng phải rung lên, chồm dậy.
Một người như Phan Vũ, chắc chắn chỉ có CÁI- ĐẸP của nghệ thuật đích thực mới có thể hành ông đến thế. Mượn ngôn ngữ và cách nói của thơ, ông đã truyền sự ám ảnh ấy cho người đọc.
Thơ viết về một cuộc chiến tranh tàn khốc vào loại bạc nhất như vậy mà không có đạn bom, không có máu lửa, cũng không có chiến công và những người anh hùng là một việc rất khó. Nhưng còn khó hơn gấp vạn lần là làm sao mà chiến tranh vẫn cứ luôn hiện hữu đâu đó trong từng con chữ, hình ảnh, giọng điệu,... làm ám ảnh tâm trí bao người từ đã lâu và còn mãi mãi:
Một tháng chạp
Con đường ngẩn ngơ
Dãy phố không người ở
Những khu trắng nằm trong tọa độ
Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ
Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa
Tất cả thí thân cho một mất một còn
Lời thề ra đi của những người bỏ phố
“Còn một đống gạch còn trở về nhà cũ!”
Một tháng chạp
Phường phố rền vang còi hụ
Cái chết đến tự phương nào?
Cách Thủ đô bao nhiêu cây số?
Giọng Hà Nội thật ngọt ngào
Cô gái loan truyền tin bão lửa
...
Một tháng Chạp
Cây bàng mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Nóc phố mồ côi mùa đông…
Tháng Chạp năm ấy in hình bao mộ phố...
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường!
Một mình giữa bóng chiều sa
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha...
Chiến tranh trong mắt người ngoài cuộc
Nhà thơ Phan Vũ không phải là người trực tiếp tham gia chiến đấu, mà chỉ là một chứng nhân lịch sử của cuộc chiến ấy. Phải chăng, vì thế cái hơi nóng của cuộc chiến tuy không phả táp trực tiếp vào, nhưng lại ngấm sâu đến từng làn da thớ thịt, tận xương cốt ông, vượt qua những cảm giác bên ngoài bằng các cơ quan trực giác:
Em ơi! Hà- Nội- Phố!
Ta còn em lô xô màu ngói cũ
Hiu quạnh
Một ngôi nhà
Oa oa tiếng khóc
Ngày ra đời
Cơn bão rớt
Bẻ gãy cành đa
Con vừa lớn
Chinh chiến gần kề trước cửa
Ta còn em con đường đá
Lát bao niên kỷ
Cây si kia trồng tự năm nào
Nhớ ngày tóc mẹ chưa lên trắng
Chiều nay qua sông vắng
Xót mẹ
Còng lưng
Gánh tuổi già…
Cuộc chiến tranh nào cũng thế, sự mất mát hy sinh là không tránh khỏi đối với người lính ngoài mặt trận, nhưng còn một sự mất mát hy sinh ở phía người hậu tuyến là các em nhỏ và các cụ già, những người mẹ, người vợ, người chị cũng không kém, thậm chí còn âm ỉ đau, dai dẳng bứt rứt hơn gấp nhiều lần. Để rồi:
Em ơi! Hà- Nội- Phố
Ta còn em đồng kim ngân
Đổ đầy Hàng Mã
Lâu đài, cung điện
Võng, lọng, ngựa, xe
Những hình nhân
Xênh xang áo mão
Một thời nào
Ngập ngụa vàng son…
Ta còn em mớ tro than
Tiền giấy
Mịt mù mặt phố
Che mờ
Khổ ải
Trần gian…
Trong khung cảnh ấy, ai dám chắc là ta còn em, hay ta đã mất em. Sự chống chuếnh đến hoảng loạn, xao xác đến nỗi tha thẩn như một mình đi trong bãi tha ma, ngay giữa phố là một khoảnh khắc tâm trạng có thể hiểu được:
Tháng Chạp
Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa
Đã có tên
Trong vòng hoa tưởng niệm
Một tháng Chạp
Trắng khăn sô
Khói hương dài theo phố…
Một tháng chạp
Thâu đêm
Mẹ/ Thức
Hóa vàng…
Có lẽ chưa có một ai, trong khuôn khổ một trường ca có 25 chương (đoạn), với 437 câu thơ (trong đó có câu chỉ có một từ), mà tác giả đã có tới 21 lần gọi: Em ơi! Hà Nội- phố, và cũng có tới 45 lần nhà thơ khẳng định: Ta còn em (!?). Bản thân những con số này đã nói lên nhiều điều. Tuy nhiên chỉ có hai cụm từ mùi hoàng lan và mùi hoa sữa được nhắc lại hai lần sau cụm từ Ta còn em, còn lại 43 lần, sau cụm từ này, tác giả đã đề cập đến những con người, địa danh, sự vật, sự việc, hiện tượng, cảm thức, suy tư,... hoàn toàn khác nhau. Phần lớn những từ, cụm từ mới đọc qua tưởng rất thực, nhất là một số danh từ chỉ người và địa danh như: Hàng Đào, Cổ Ngư, Nghi Tàm, cô hàng hoa, gốc cây, quả bóng, cửa sắt, giàn thiên lý,...là rất cụ thể, đọc lên người ta có thể hiểu ngay được. Nhưng vì được đặt sau cụm từ có tính chất khẳng định, chắc như đinh đóng cột Ta còn em, làm ý nghĩa của chúng trở nên thật sự mơ hồ và bất định.
Chiến tranh trong mắt Phan Vũ không chỉ có hy sinh, mất mát về người và của, không chỉ có chiến công và anh hùng, mà điều lớn hơn là chiến tranh đã làm đổi thay bao số phận con người. Chiến tranh là chiếc roi thần quất vào trái tim nhạy cảm đến yếu ớt của người thơ làm cho nó phải ứa máu. Nhà nghệ sĩ truyền cảm giác quằn quại trong cơn máu ứa ấy đến cho thi hữu, bạn đọc, tạo nên sự cộng hưởng từ trong sâu thẳm lương tri con người như một chiếc cầu vô hình kết nối con người lại gần nhau hơn. Đấy chính là sự lên tiếng của nghệ thuật thi ca đối với chiến tranh.
Cũng vì thế chữ Em trong thơ Phan Vũ đã trở thành một phạm trù Triết học- Tâm linh làm nên một CÕI EM rất riêng. CÕI EM ấy đã tiến gần đến và có cơ may trở thành CÁI - ĐẸP – VÔ - THƯỜNG, ngõ hầu làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người. Nó luôn ám ảnh người đọc và làm sáng lên xúc cảm thẩm mỹ trong tâm hồn của mỗi người khi tiếp cận với trường ca Em ơi! Hà Nội - Phố. Rõ ràng là CÕI EM trong Em ơi! Hà Nội- Phố của ông không hề mang tính luận đề, mà là một sự cảm nhận trực quan những gì đang xảy ra trong cuộc sống quanh ta, nên sự ám ảnh của nó rất thông tuệ, sâu đậm và vì thế cũng có sức lan tỏa rộng lớn hơn. Đấy chính là điều cốt tử làm nên giá trị đích thực và sức sống trường tồn của một tác phẩm thơ ca như Em ơi! Hà Nội- Phố.