ANH CHI, MỘT DẤU ẤN TRONG ĐỜI SỐNG THƠ CA
Nhà thơ Anh Chi
Có thể nói, Tự bạch đã phản ánh được một phần đời sống đất nước 45 năm qua và cũng biểu hiện tâm hồn nhà thơ Anh Chi với những rung cảm sâu lắng trước trường đời mà anh đã nếm trải. Trong đó, có khung cảnh một thị xã ngày nào bom đạn cũng giội xuống “đường phố không dài thêm một mét/ ngày mỗi nhiều thêm những viên gạch nát” (bài Ghi chép trong thị xã đổ nát); có trận địa Hàm Rồng những đêm trăng sáng (bài Vầng trăng tôi nhớ); có những con người hì hụi đào địa đạo ở Vĩnh Linh, nơi “đất như son đặc lẫn đầy vào đêm” (bài Tôi hát bài hát trái tim); có loài cây nơi hải đảo lá đỏ như thấm vào mây mùa thu, “đưa máu yêu nước lên trời/ làm hoa nở - ấy là đời kim cang! (bài Đời cây kim cang); có cả tâm trạng nhà thơ trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, không gặp người xưa, mà chỉ thấy:
Sông Chu chiều mùa đông
nước trôi bảng lảng
sương buông mờ cát trắng
cánh buồm xa
như một người lận đận
vừa bắt đầu một cuộc chia ly
(bài Sông Chu).
Trong cuộc đời không hiểu Anh Chi đã phải vật lộn với số phận thế nào để vươn lên, tự khẳng định mình, song qua những bài thơ nặng trĩu tâm tư, độc giả thấy anh là người thật nhiều nghị lực, không chỉ biết vượt qua nhọc nhằn vật chất mà còn bước cao hơn, đi vào chiếm lĩnh văn hóa, sáng tạo thơ ca. Và ở địa hạt đòi hỏi phải có tâm hồn, học vấn, tài năng này, anh đã thành công. Sự thành công của anh dù còn khiêm tốn, song người đọc không thể dễ quên những bài thơ đã thể hiện tới chổ thẳm sâu cái tôi trữ tình của anh, như các bài Tự bạch, Một chấm buồn nhỏ xíu giữa rừng, Xương rồng khô khan, Thuyền than lại đậu bến Than, Chiều mưa như khói, Giấc mơ, Văn thơ...Trong tập Tự bạch, bài thơ nào cũng có ý hay, câu thơ hay, nhưng mấy bài vừa dẫn trên, theo tôi cảm nhận, là những bài toàn bích, đã được Anh Chi vắt kiệt tâm sức để viết nên.
Mỗi nhà thơ hầu như có một điểm xuất phát riêng khi đến với thơ cũng như có một ngôn ngữ với những tiết tấu, âm luật riêng để biểu đạt cái tôi trữ tình của mình, do đó cũng tạo nên một phong cách riêng cho thơ mình. Phong cách riêng, cái hay riêng của thơ Anh Chi không bởi tài hoa bẩm sinh “hạ bút như thiên thành”, mà là sự chắt lọc đến “nhọc nhằn”, những suy ngẫm, những chiêm nghiệm, ước mơ anh đã tích cóp được từ chính cuộc đời mình. Cuộc đời ấy đã được anh huyền thoại hóa thành bài Giấc mơ: “Tôi mơ thấy mình xưa là cát bụi/ Mẹ lấy nước giếng ở trên trời/ Hòa thành nhão mềm, quánh dai, khô quẹo/ Mẹ nặn ra tôi, đem tặng cho đời”. Được sinh ra làm người, song số phận nghiệt ngã cứ ném anh “ngã dụi” xuống “tơi bời” để rồi lại “tan thành bụi”! May lại có Mẹ cao cả tái tạo cho sinh thành lần nữa:
Nhưng bụi này đã đầy hồn và máu
Mẹ càng xót thương, lại ngào nặn tôi
Vừa nên hình hài tôi đã vùng dậy
Vụt đuổi theo những mộng ước trần đời
Bóng dáng người mẹ đã khuất cùng những hình ảnh quê hương với sinh cảnh vất vả của bao con người nơi lưu vực sông Mã đã luôn ám ảnh tâm trí Anh Chi, và nó thành hồn thơ anh: “Cuối sông bao người kiếm cá/ đầu rừng bao người đốt than/ xót ai nơi góc bể/ thương ai chốn đầu non/ sông dài biệt tăm con cá lội/ ai ngóng ai/ chớp bể mưa ngàn...” (bài Đất). Bài Một chấm buồn nhỏ xíu giữa rừng đã khiến tôi xúc động rất nhiều bởi hình ảnh một em bé miền núi đôi mắt buồn, trong và ngây dại mà thi nhân ngẫu nhiên gặp giữa rừng: “Chung quanh rừng núi điệp trùng/ những lối đường sơn tràng hoang dã/ bé em thui thủi/ như một chấm buồn nhỏ nhoi”. Nhìn em bé trên con đường heo hút, nhà thơ không cầm lòng được: “từ xa, rất xa/ tiếng rìu sơn tràng vọng về/ tiếng rìu khẽ như một hơi thở dài...”
Tiếng rìu khẽ như một hơi thở dài hay là tiếng thở dài buồn thương của chính nhà thơ trước cảnh nhiều em bé miền núi phải sống thiếu thốn về vật chất, văn hóa. Nhưng nhà thơ làm gì được ngoài một nỗi day dứt:
và lần đầu tiên tôi thấy thơ bất lực
trước bao ý nghĩa của nỗi buồn
dù nỗi buồn chỉ như một chấm nhỏ
giữa đại ngàn mênh mông
Anh Chi hình như nghĩ ngợi rất nhiều về thân phận nhà thơ. Đây là câu chuyện hàng ngàn năm trước, người xưa đã bàn luận nhiều. Âu Dương Tu, một trong tám đại gia thời Đường – Tống (Trung Quốc), khi bàn về thơ, đã nói: “Ta nghe đời thường nói, nhà thơ hiển đạt thì ít mà cùng khổ thì nhiều. Lẽ nào lại như vậy chăng! Phải chăng những vần thơ hay mà đời thường lưu truyền là thơ của những người cùng khổ?”. Những người cầm bút, những nhà thơ, ai cũng quen nghe các câu như: “Văn chương thiên cổ sự”,“Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai”... Đầu bạc sớm phần nhiều vì lo chuyện cơm áo. Thi hào dân tộc Nguyễn Du từng sống trong cảnh: “Thập tải độc thư bần đáo cốt/ Thực vô mục túc, dạ vô chiên” (Mười năm đọc sách nghèo thấu xương/ Ăn không rau muống, ngủ không chăn). Đau khổ và bị bạc đãi, nhưng những nhà thơ chân chính, đích thực, vẫn chấp nhận thân phận ấy và vẫn vắt kiệt sức để sáng tác nên những câu thơ ru giấc ngủ êm cho những con người có cuộc đời bất hạnh:
Đêm đã thật khuya mưa bụi đầy trời
em cứ cuộn mình như cái kén nhỏ
lời thơ anh ru mềm mại như tơ
hãy ngủ êm như chưa từng đói rét
chưa từng cực nhọc chưa từng đắng cay
(Bài Thơ ru bạn đường)
Bài Gửi ngôi sao khe khẽ hát cũng là một bài thơ hay, tác giả “tự bày tỏ” điều mà cổ nhân gọi là “Thi dĩ ngôn chí”. Nhưng những suy nghĩ, sự trăn trở đau đáu nhất của Anh Chi về thân phận nhà thơ được anh gửi gắm nhiều ở bài Cỏ lau. Không giống như các loài hoa hồng, hoa sen được chăm sóc nở hoa rực rỡ, cỏ lau ngay từ thuở sơ khai đã “thành mái đầu bạc”, đã có “thân phận buồn”. Nhà thơ cũng vậy, giống như phận cỏ lau. Họ sinh ra đã khác một số đồng loại, kẻ thì mưu bá đồ vương, kẻ thì sống trong ngọc ngà nhưng lụa... Còn nhà thơ, sống phận thi nhân,thường hót như đau thắt lòng. Và như là một định mệnh:
Phận này không thể đổi thành phận khác
cỏ lau không thay được giọng vi vút xa xôi
thi nhân thì phải hót đến thắt ruột...
Một triết gia Hy Lạp cổ đại nói đại ý: “con người như cây sậy, nhưng là cây sậy biết tư duy”. Thân phận thi nhân cũng như “cỏ lau” nhưng là một thân phận không hề yếu đuối mà mang trong mình đầy ắp nội lực sáng tạo, không chịu thay đổi phận đời, cứ sống để viết, để cất lên từ nơi sâu thẳm tâm hồn tiếng thơ nhân ái “thương khó” khôn nguôi với mong mỏi:
Tôi mong người ta yêu thương văn nhân
như yêu hoa, yêu áo cơm
như thương nước mắt
thương máu có thể hóa ngọc
yêu những chữ đẹp như vết thương
chữ chất đầy khổ đau mộng ước
chữ dậm chân đấm ngực kêu trời…
(Bài Văn thơ)
Thơ Anh Chi xoáy sâu vào cái tôi của mình, nhưng không phải cái tôi nhỏ nhoi, yếu hèn, mà là cái tôi mạnh mẽ, không cam chịu, một cái tôi kiêu hãnh. Tôi yêu thích thơ anh chính là yêu thích cái cốt cách ấy, bản lĩnh ấy.
Trong bài Văn thơ, Anh Chi viết:“Dường như mông lung là đặc tính của văn thơ”. Đúng là Anh Chi có những tứ thơ mông lung: “em đã chìm vào/ cơn mưa như khói/ một lần xa xưa/ mưa thời trẻ dại” (bài Chiều mưa như khói). Tuy nhiên, đằng sau cái cảm quan vũ trụ “mông lung” ấy vẫn hiện rõ sự suy nghĩ nhọc nhằn từ cuộc sống thực mà Anh Chi nặng tình gắn bó. Trong cuộc sống đó, có người mẹ già “những chiều mùa đông, vun lá khô đốt đầy mùi khói (bài Cho thời thương khó); có những người bạn văn chương với phận số bất hạnh như Phùng Gia Lộc, Đào Ngọc Vĩnh “Thơ như người, như số phận vậy/ Có khi đẹp đau lòng như một vết thương” (bài Tưởng nhớ Đào Ngọc Vĩnh)…; và nhà thơ bày tỏ:
Có lẽ chính vì thế
Tôi gắn bó với đời
Bằng mối tình nặng nhọc
Nức nở mà sinh sôi”
(bài Tự bạch)
Thơ Anh Chi mang đầy hơi thở cuộc sống, chất liệu sống. Ngôn ngữ thơ anh cũng là ngôn ngữ của đời sống. Nhiều bài thơ của Anh Chi tựa như thơ văn xuôi tự sự, đọc tưởng như thiếu gọt dũa, trau chuốt. Song nghĩ cho cùng, “nghệ thuật chỉ làm nên câu chữ, tâm hồn mới làm nên thi sĩ”. Sáu mươi bài thơ trong Tự bạch là dấu ấn sâu đậm của một thi sĩ đích thực trong đời sống thơ ca.
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2018