Tác phẩm và dư luận

17/1
3:25 PM 2018

NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI-NGƯỜI ĐỌC THẤU MỌI LẼ ĐỜI

ĐỖ NGỌC YÊN. Tưởng nhớ 10 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Khải 15/1/2008- 15/1- 2018. Nhà văn Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh ngày 3/12/1930 tại Hà Nội, mất ngày 15 tháng 01 năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh. Quê nội ở thành phố Nam Định, nhưng tuổi nhỏ ông sống ở nhiều nơi.

                                                         Nhà văn Nguyễn Khải

Đang học trung học thì gặp Cách mạng tháng Tám, rồi Toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Khải gia nhập tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo. Ông thực sự bắt đầu viết văn từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2001.

*

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, dù trong hay sau quân ngũ, ở thời nào và ở thể loại nào, nhà văn Nguyễn Khải cũng có công chúng riêng của mình. Những ngày nông thôn miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt đầu hàn gắn những vết thương chiến tranh và xây dựng kinh tế với phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, ông có những tác phẩm gây được tiếng vang trong dư luận như: Xung đột (1957), Mùa lạc (1960), Hãy đi xa hơn nữa (1963). Những tác phẩm của ông viết trong giai đoạn này chủ yếu thuộc thể loại truyện vừa để minh họa cho chủ trường của Đảng trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc. 

Đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra trên phạm vi cả nước và dần bước vào thời kỳ ác liệt nhất, nhà văn quân đội Nguyễn Khải cho ra đời Họ sống và chiến đấu (1966), Đường trong mây (1970), Ra đảo (1970), Chiến sĩ (1973),... Đây là những bút ký, phóng sự mang đậm hơi thở của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, giữa một bên có sức mạnh quân sự với nhiều loại vũ khí tối tân hiện đại là đế quốc Mỹ và một bên là ý chí tự lực tự cường, tinh thần anh dũng trong chiến đấu của quân và dân miền Bắc.

Từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ khôi phục và xây dựng kinh tế, ông lại có Cha và con, và... (1979), Gặp gỡ cuối năm (1982), Thời gian của người (1985)... Đây là những tác phẩm mà ở đó các nhân vật chính của ông đang loay hoay tìm cách thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của những hào quang quá khứ của chính mình để tìm một hướng đi mới phù hợp hơn với những nhu cầu mà lịch sử đang đặt lên đôi vai của những người lính vừa mới hôm qua đã đánh thắng một kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hơn chúng ta gấp bội lần.

Bước vào thời kỳ mở cửa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đưa đất nước hội nhập khu vực và quốc tế, Nguyễn Khải có Một cõi nhân gian bé tí (1989), Một thời gió bụi (1993), Hà Nội trong mắt tôi (1995),...Và sau đấy, năm 2003, ở vào cái tuổi cổ lai hy lại một lần nữa ông đã làm bạn đọc không khỏi kinh ngạc với Thượng Đế thì cười. Có thể nói đây là những tác phẩm suy tư về cái muôn thưở, nhưng lại đang hàng giờ, hàng ngày hiện hữu trong cuộc sống hôm nay.

Nhiều người cho rằng viết về đề tài thời sự luôn là thế mạnh của nhà văn- nhà báo quân đội Nguyễn Khải. Nhưng cũng có người lại coi viết về những cái thuộc về bản chất người, mang giá trị dài lâu với đầy những day dứt, băn khoăn về giá trị đích thực của nó mới là thế mạnh của ông. Theo tôi cả hai ý kiến trên, mới nghe qua có vẻ trái ngược nhau, nhưng xét cho cùng vẫn thống nhất và đồng thuận khi nói về Nguyễn Khải. Ông vừa là người luôn rất quan tâm đến những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước, dân tộc. Đó là những cái bề nổi mà ai cũng có thể nhận biết một cách dễ dàng được. Tuy nhiên ông hằng mong ước: Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn.

Đành rằng ai cũng cần làm một việc gì đó trước hết là để kiếm sống, sau đó là giải khuây. Nhà văn cầm bút viết để kiếm sống và để giải khuây là một điều hết sức bình thường. Nhưng những người viết là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn thì xem ra chẳng có mấy người. Ông cho rằng mỗi người cầm bút đều có triết lý văn chương riêng của mình, nhưng để cái riêng ấy trở thành cái chung của cả cộng đồng, dân tộc thì không hề là một chuyện dễ, ai cũng làm được. Có lần trả lời phóng viên báo Sài Gòn tiếp thị, ông chia sẻ với bạn đọc một cách khá đầy đủ và rõ ràng về quan niệm văn chương và cách viết của mình: Bạn bè bảo tôi là người có số may, điều đó đúng. Nhưng số phận của mỗi người lại do tính cách của người đó quyết định. Một người rất tài giỏi nhưng lại thích bày tỏ cái hơn của mình một cách công khai thường là có một số phận rất tội nghiệp,…Tôi thì khác, tôi cũng là người có tài, nhưng là tài nhỏ tất phải biết cách bảo vệ nó. Tôi chả khoe tài bao giờ, lại biết cách che mặt, ngồi sau, nói nhỏ, chẳng làm ai phải ghen ghét vì tôi, tức giận vì tôi. Tôi viết lách hanh thông từ trẻ đến già là tôi luôn biết đứng lùi lại để khỏi đụng chạm tới người bên cạnh. Bởi vậy trong nhiều tai nạn của nghề nghiệp tôi đều thoát ra nhanh hơn nhiều người, đỡ bị xây xát hơn nhiều người, đặc biệt là không phải hao tổn nhiều sức lực và thì giờ vào những chuyện không đâu, những chuyện rất vô nghĩa.

Một người thấu rõ sự đời, lòng người đến từng chân tơ, kẽ tóc như Nguyễn Khải chắc chắn là chẳng mấy khi làm ai mếch lòng, hơn thế còn nhận được nhiều sự cảm thông từ bạn bè và công chúng yêu thích văn chương ông. Âu đấy cũng là một cách đắc dụng để vươn lên nắm lấy thị phần trong mắt các nhà lãnh đạo cũng như trong lòng công chúng yêu thích văn chương của ông, một người đã từng trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và kế tiếp là hai thời kỳ hòa bình dựng xây đất nước như nhà văn Nguyễn Khải mà chẳng bao giờ thấy va quệt hay thương tích gì. Thế mới tài!

Ông cho rằng một ai đó nếu biết: Bỏ qua những chuyện vô nghĩa, tập trung sức lực vào những công việc ấp ủ một đời của mình, những việc thuộc về lợi ích lâu dài của cộng đồng. Khoe tài, tự đắc với cái tài của mình là việc làm của kẻ mất trí, chẳng có lợi cho ai, trước hết rất bất lợi cho bản thân. Dương danh cho thoả lòng kiêu một lúc để chịu mất đi nhiều năm tháng phải sống trong ân hận, trong thất vọng, trong những giành giật vặt vãnh để sinh tồn, đó là một chuyện rất đáng tiếc của những người nghĩ hẹp.

Có thể nói tài năng, tình cảm, kinh nghiệm và tri thức đã làm nên một Nguyễn Khải có thể che chắn được gió bất luận từ chiều nào thổi tới. Ông không ngần ngại nhận mình là người của một thời. Đấy là một sự thật hiển nhiên, dù sự tự nhận ấy có vẻ vừa tự kiêu, vừa chua chát. Có lẽ điều này chỉ dành cho những người có trọng trách xã hội như ông đã từng gánh vác: Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa II, III và Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, Đại biểu Quốc hội khóa VII,... Và theo đó, ông cũng đã nhận được những phần thưởng như: Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1952- 1953, Giải thưởng tiểu thuyết- truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam 1983, 1997, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2001.

*

Trước khi nhà văn Nguyễn Khải từ giã cõi đời này, không ít người cho rằng nhà văn Nguyễn Khải là người có tài, nhưng xem ra cả đời, cái tài ông dành cho văn chương không đáng là bao so với cái tài tránh va quệt với xung quanh để đạt tới mục đích cá nhân của mình. Có thể nói nhờ con mắt tinh nhạy của một người làm báo và một khả năng đi trước đón đầu khá tốt, nên dường như Nguyễn Khải là một trong số ít nhà văn nhận được sự ưu ái của cuộc đời, số phận nhiều hơn so với những cái mà lẽ ra những người của thế hệ ông cần phải hiến dâng cho nó. Đấy chính là điều cốt lõi làm nên một nhân cách văn chương Nguyễn Khải luôn đúng ở mỗi thời điểm lịch sử mà ông đã góp mặt. Có thể nói, với tư cách con người cá nhân, nhà văn Nguyễn Khải chỉ quan tâm đến cái phải làm của một công dân mẫn cán ngay tại thời điểm ấy hơn là cái cần làm trong tư cách con người nghệ sĩ của ông. Do vậy, phần lớn các tác phẩm của ông là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử cụ thể, ít đạt đến cái vô hạn như ông hằng mong ước.

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, người đồng tuế với ông cho hay Nguyễn Khải khác hẳn Nguyên Ngọc, thiết thực, không phiêu lưu mạo hiểm, không muốn chết, không muốn đi tù. Anh tự nhận luôn là thằng hèn cho người ta khỏi phải bàn tán lôi thôi.

Đề cương mà Nguyên Ngọc trình bày trong Hội nghị nhà văn đảng viên trước thềm Đại hội Nhà văn lần thứ VI, Nguyên Ngọc bị đánh tơ tả. Trớ trêu là Nguyễn Khải và Nguyên Ngọc khi ấy được nhắm vào ghế Chánh, Phó Thư ký Hội, nên hai người đã bàn thảo khá kỹ mọi đường đi, nước bước về nhân sự, cũng như đường hướng phát triển văn chương nước nhà. Đến khi bản Đề cương bị đánh, Nguyễn Khải nói thẳng với Nguyên Ngọc: Tao nhát lắm, chưa đánh đã khai. Cho tao chạy đi thôi, mày thông cảm, đừng khai tao ra nhé.

Lật lại hồ sơ vụ Nhân văn- Giai phẩm trước đây, nhiều người dính chưởng, thế

nhưng Nguyễn Khải hoàn toàn vô can sự, không có bất cứ tì vết nào, vì ông luôn là người đến sau, đứng ở giữa, không thuộc phe chủ chiến cũng không phải phe chủ hòa.

Tuy nhiên lúc cao hứng hay là vào thời điểm mù màu ở mỗi người, dù một người có khôn ngoan đến như Nguyễn Khải cũng không tránh được vạ miệng khi hăng lên. Ông đã nói với người bạn đồng tuế, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh một cách vô tư, cứ như là chức Tổng thư ký sắp nằm trong tay Nguyễn Khải: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên thì phế cả đi! Còn về lý luận phê bình thì anh phụ trách cho tôi. Nhưng ta phải khôn khéo, đổi mới nhưng phải khôn khéo. Trần Độ cứng quá, cứ bậy ra đấy cho người ta phải dọn. Chính trị ghê gớm lắm, không đùa được đâu! Nếu cần quỳ xuống lậy, ta cũng phải quỳ… (1).

Nguyễn Khải nói: Chế Lan Viên một thời, dựa thế Tố Hữu cũng hách lắm… Hồi chỉnh huấn văn nghệ sĩ, Chế Lan Viên làm tổ trưởng, nói với Nguyễn Tuân: ông tưởng ông to lắm à? Tôi phụ trách ông kia mà! Họp chấp hành, ý kiến Chế Lan Viên là quyết định. Thí dụ, Ban Chấp hành bàn có nên kết nạp Phan Quang không? Mọi người chờ ý kiến của Chế Lan Viên. Chế Lan Viên đi vệ sinh vào, nói: Thằng Thép Mới nó còn ở Ban Chấp hành được thì thằng Phan Quang sao không cho vào hội được!... (2).

Sau khi Nguyễn Khải ra đi về cõi vĩnh hằng, nhiều người bảo ông ấy quả là một cao thủ thoát hiểm bậc nhất văn đàn Việt. Có người còn ước ao giá như mình có được một phần mười cái nhát gan ăn người của Nguyễn Khải thì con cháu, gia đình, bạn bè,… khối người được nhờ.

Thế nhưng, như Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nói rất chí lý: …Ở anh (Nguyễn Khải- Đ.N.Y) có một mâu thuẫn: một mặt muốn phát biểu tư tưởng riêng, vì ý nghĩa của văn chương là ở đấy. Nhưng mặt khác lại muốn sống yên ổn với đời nên chỉ có thể mạnh dạn nửa vời, mạnh dạn trong một khuôn khổ nào đấy thôi (3).

Còn tôi lại thấy, với một người quá khôn ngoan, lọc lõi như Nguyễn Khải, luôn biết tính trước, tính sau, biết cách che chắn bất kỳ đấy là gió từ phương nào: Đông Bắc hay Nồm Nam, ông chẳng bao giờ bị đột quỵ cả, thì làm gì có tư tưởng dành cho văn chương. Nếu có, đấy là tư tưởng xã hội, tâm lý đám đông viết cho độc giả công- nông- binh, mà ba lớp người này muôn thưở không thích tư tưởng văn chương. Họ chỉ thích cơm no, áo ấm, xã hội bình yên. Với họ được như vậy đã là quá tốt. Còn cái món văn chương, tri thức trong mắt họ, chúng dường như là những thứ hàng xa xỉ, không cần thiết cho cuộc đời này. Nếu rãnh rỗi đọc cho vui, giải trí là chính.

Nguyễn Khải viết văn trên tinh thần phục vụ số đông, chủ yếu là lực lượng công- nông- binh, tức là ông luôn phải uốn câu cho vừa miệng cá. Nếu bảo ông là nhà văn lớn cũng được, không sai, vì số lượng tác phẩm của ông trong cuộc đời cầm bút không phải ít, thậm chí còn nhiều hơn khối người. Nhưng bảo là lớn về tư tưởng văn chương thì chỉ là cách nói cho vui, xong chuyện. Thực ra những tác phẩm của ông để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc có nghề, tức là các nhà trí thức, không nhiều. Nếu có thể nói một cách chính xác thì Nguyễn Khải là người viết văn cho một thời. Điều này chính ông đã tự nhận như vậy./.

……………………………..

Tham khảo

(1), (2). (3)  Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh- Nguyễn Khải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *