Tác phẩm và dư luận

30/12
1:12 PM 2017

CÓ LOẠI THƠ ĐA THANH NHƯ THẾ

VƯƠNG TRỌNG-Chưa dám khẳng định, nhưng tôi tin rằng trên thế giới hiếm có một dân tộc nào mà ngôn ngữ giàu thanh điệu như tiếng Việt. Có người nước ngoài nói rằng, nghe người Việt nói chuyện lên bổng xuống trầm như là hát! Sở dĩ có hiện tượng đó vì tiếng Việt có những sáu thanh (có người còn xếp thành tám thanh), nhiều hơn hẳn số thanh trong tiếng nước họ.

                                                            Nhà thơ Vương Trọng

Chúng ta đều biết rằng, sáu thanh đó bao gồm bốn thanh trắc và hai thanh bằng. Bốn thanh trắc là các chữ mang các dấu sắc, hỏi, ngã, nặng. Hai thanh bằng gồm các chữ mang dấu huyền và không mang dấu. Dùng tên dấu của chữ để gọi thanh chữ đó, với chữ không mang dấu ta tạm gọi là thanh không.

Tiếng Việt giàu thanh tạo nên âm điệu uyển chuyển, du dương cho thơ. Có nhà thơ nước ta đi thăm Hội Nhà văn Trung Quốc về kể lại rằng, các nhà thơ Trung Quốc thích nghe các nhà thơ Việt Nam đọc thơ Đường của họ qua âm Hán Việt. Về nhạc điệu, họ bảo rằng nghe hay hơn hẳn khi họ đọc bài thơ đó bằng tiếng Bắc Kinh! Như vậy, thanh điệu tiếng Việt có lợi thế lớn cho thi ca nước nhà. Thực tế, trong một câu thơ truyền thống, hiếm khi chứa đủ sáu thanh của tiếng Việt. Ví như câu ca dao:

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư


Ta khảo sát số thanh ở câu lục, đó là không, không, nặng, nặng, không, huyền, tức là chỉ có ba thanh không, nặng, huyền xuất hiện. Còn câu “Hỡi cô tát nước bên đàng”, theo thanh là ngã, không, sắc, sắc, không, huyền, có bốn thanh ngã, không, sắc, huyền xuất hiện. Còn với câu: “Hỡi cô cắt cỏ một mình”, thì thanh là ngã, không, sắc, hỏi, nặng, huyền, tức chứa đủ cả sáu thanh của tiếng Việt, nên đọc lên nghe cao độ thay đổi liên tục, uyển chuyển hơn hai câu trên.

Khi khảo sát một số thi phẩm của các nhà thơ nổi tiếng, ta thấy rằng tỉ lệ xuất hiện câu thơ đa thanh (chứa đủ sáu thanh) là hiếm hoi. Ví dụ Truyện Kiều dài 3254 câu, chỉ có 18 câu đa thanh, bao gồm 4 câu lục (935, 1435, 1541, 3045) và 14 câu bát (116, 322, 406, 466, 510, 894, 936, 1114, 1682, 1724, 2318, 2380, 2702, 3168). May mắn trong số đó có một cặp lục bát đa thanh:

Cởi xiêm lột áo sỗ sàng
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm


Và đây cũng là cặp lục bát đa thanh duy nhất trong Truyện Kiều. Về lí thuyết cũng như qua thống kê trên, chúng ta biết được khi sáng tác lục bát đa thanh thì câu lục khó hơn câu bát.

Vấn đề đặt ra: có thể nâng số thanh lên tối đa trong một câu thơ hay không? Nếu làm được điều đó thì tính đa thanh của tiếng Việt càng được tận dụng triệt để và hiệu quả đem lại sẽ lớn hơn. Thể thơ đầu tiên dựa vào để khảo sát là thể thơ sáu chữ, tức là mỗi câu trong bài có sáu chữ, cách gieo vần cũng giống như cách gieo vần của thơ sáu chữ quen thuộc. Cái khác biệt là, sáu chữ trong mỗi câu thơ của loại này mang sáu thanh khác nhau, nghĩa là trong mỗi câu có đủ thanh không, thanh huyền, thanh sắc, thanh hỏi, thanh nặng và thanh ngã. Cái khó là người sáng tác làm sao cho bài thơ nói được ý tưởng của mình với những câu thơ tự nhiên, người đọc không có cảm giác bị gò ép. Như vậy làm thơ đa thanh khó hơn rất nhiều so với các loại thơ quen biết, thậm chí còn khó hơn cả thơ Đường luật. Sau đây là ví dụ về loại thơ sáu chữ đa thanh này.

Ngỡ được quay về xứ trẻ
Bỏ quên tóc đã bạc đầu
Ngực em nổi miền lãng mạn
Để xuân rực rỡ sắc màu


Mới đọc qua ta nghĩ rằng đây là một bài thơ bốn câu sáu chữ bình thường. Nhưng không, nó rất đặc biệt, vì mỗi chữ trong câu mang một thanh khác nhau, câu thơ không thiếu một thanh nào và không thanh nào bị trùng lặp.

Thơ đa thanh không chỉ bó hẹp trong thể thơ sáu chữ mà mở rộng xuống thơ năm chữ, bốn chữ; mở rộng lên thơ bảy chữ, tám chữ và vô hình trung ôm chứa cả thể thơ lục bát, song thất lục bát. Tuy nhiên, với thơ năm chữ, bốn chữ, mỗi câu tương ứng là năm thanh, bốn thanh; với thơ bảy chữ, tám chữ, bắt buộc câu nào cũng chứa đủ sáu thanh và cho phép một hoặc hai thanh được lặp lại.

Sau đây là các ví dụ:
Với thơ năm chữ:
Nối người đi tảo mộ
Hương khói đẫm một miền
Thuý Kiều đâu chẳng gặp
Chỉ thoáng hồn Đạm Tiên

(Mỗi câu có năm thanh khác nhau).

Với thơ bốn chữ:
Sớm vừa mở ngõ
Mặt đồng biếc non
Sương cườm ngọn cỏ
Chứa mặt trời con

(Mỗi câu mang bốn thanh khác nhau).

Với thơ bảy chữ:
Tuổi trẻ mãi xa, già mới gặp
Thời gian để lại quá phũ phàng
Nếp nhăn che đậy miền mĩ cảm
Nỡ vùi tận đáy vẻ hào quang

(Mỗi câu có đủ sáu thanh, một thanh được lặp lại).

Với thơ lục bát:
Cảm thương lối cũ một mình
Mối tình một thuở đã thành
                               hư không
Trách trời lại nổi bão giông
Bắt cây đổ gãy, để lòng
                       lệch nghiêng

(Mỗi câu lục có đủ sáu thanh, mỗi câu bát chứa đủ sáu thanh và hai thanh lặp lại).

Và đây là song thất lục bát:
Cỏ vệ đường tái màu tiễn biệt
Người ruổi rong mãi tít dặm xa
Nỗi niềm bóng lẻ một ta
Bẽ bàng nhặt nửa cánh hoa
                                 cuối mùa


Trên facebook tôi đề xuất loại thơ này, ở mục “Câu lạc bộ thơ đa thanh”, được nhiều bạn hưởng ứng, tiêu biểu là Sao Nhi Là ở Ninh Bình và Kim Khuê Trần ở thành phố Hồ Chí Minh (mỗi người sáng tác được vài chục bài thơ đa thanh). Tôi nghĩ, dân ta có thú chơi tao nhã là xướng họa thơ Đường luật bao đời nay, nhưng tiếc thơ Đường luật là thể thơ bắt nguồn từ đời Đường (Trung Quốc). Thế thì chúng ta có thể tạo ra cho mình một thú chơi thơ thuần Việt được không, nếu như kết hợp thể thơ lục bát với loại thơ đa thanh này? Nhiều bạn thích, nhưng bảo khó quá! Vâng, đúng là khó nói chung, nhưng với những người giàu ngôn từ  thì chưa hẳn đã khó. Hơn nữa, chính cái khó đó mới thử thách năng lực của nhau, cũng như các cuộc thi xướng họa thơ Đường luật xưa nay. Có người dồi dào khả năng huy động ngôn từ, còn muốn độ khó tăng thêm bằng cách làm thơ Đường luật đa thanh, rồi cũng xướng họa với nhau nữa! Tôi thấy rằng các vận động viên chạy nhanh, khi tập họ thường dùng dây cao su níu mình lại cho khó chạy, để khi tháo dây cao su ra thì có thể chạy nhanh hơn trước. Làm thơ đa thanh ngoài việc tìm được cảm hứng trước những thử thách, nó cũng là một sự khổ công tập luyện, để vốn ngôn từ của mình giàu thêm, và tất nhiên khi sáng tác thơ bình thường được thuận lợi hơn.

Trong mấy năm qua, tôi gửi thơ đa thanh đăng trên nhiều báo, đặc biệt báo Tuổi trẻ đã giới thiệu một chùm có kèm theo lời giới thiệu về loại thơ này. Thành công đó giúp tôi có thêm nghị lực để song hành cùng thơ đa thanh. Thay cho lời kết bài viết này, tôi xin trích một số đoạn, bài thơ đa thanh trong tập Đa thanh và phản biện của tôi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2017:

Nước mưa - dòng lệ chảy
Trời khóc phận nữ nhi
Nàng vẫn không nhận biết
Mải dõi phía người đi!

(Tô Thị trong mưa)

Một ngày nhớ thuở cưỡi trâu
Tìm về chốn cũ gặp đau cảnh tình
Bạn xưa cũng lứa tuổi mình
Điểm tên, lạ lẫm dáng hình
                          của nhau

 
Lạ nhìn thiểu não tóc, râu
Kể gì móm mém những câu
chuyện trò
Sát gần vẫn phải gọi to
Ngõ làng thủng thẳng
gậy dò bước đi.
 
Cưỡi trâu, chuyện ấy kể gì
Kể tên mấy đứa đã đi biệt đời
Nghĩa trang vẳng vọng
tiếng người
Phải đâu những tiếng một thời
chăn trâu?

(Về làng) 
                                                                              
8/2017      
V.T
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *