Tác phẩm và dư luận

7/10
12:07 PM 2017

MẤY SUY NGHĨ VỀ BỘ SÁCH “NHÀ VĂN GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH”

Nhà thơ MAI NAM THẮNG

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và các bài viết giới thiệu về tác giả và tác phẩm của các nhà văn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc tra cứu tìm hiểu về các nhà văn được vinh dự nhận giải thưởng danh giá bậc nhất trên đây là vô cùng dễ dàng thuận tiện. Tuy nhiên, nếu có một công trình tập hợp các nhà văn đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh trên đây, giới thiệu tương đối đầy đủ và tin cậy về thân thế và văn nghiệp của mỗi người, thì sẽ là một ấn phẩm bổ ích và thiết thực đối với các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên… và đông đảo công chúng yêu văn học.

Bộ sách “Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, phát hành cuối Quý 2-2017 vừa qua là ấn phẩm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng trên đây. Bộ sách gồm 2 quyển, tập hợp 40 bài viết của nhà nghiên cứu-phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, về thân thế và sự nghiệp của 40 nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh tính từ đợt đầu tiên năm 1996 đến đợt thứ năm xét năm 2016 và được tổ chức trao tặng ngày 20-5-2017 vừa qua.

Trong “Lời mở sách”, nhà nghiên cứu-phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên tâm sự: “Trong quá trình phục dựng chân dung các nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh tôi đã gặp không ít khó khăn, vì phần lớn họ đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Ngay có nhà văn mới được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV, năm 2012 mà cũng đã ra đi như Lê Văn Thảo, khi cuốn sách chưa kịp ra mắt để biếu tặng ông. Hiện tại có không nhiều các nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh còn sống. Nhưng ngay cả những người ấy, tôi cũng không có nhiều điều kiện để trực tiếp trao đổi, tiếp nhận thông tin từ phía họ…”. Bên cạnh đó, việc cập nhật các tư liệu mới, xác minh độ tin cậy của chúng để phục vụ cho ý đồ riêng của nhà nghiên cứu trong cuốn sách này là điều hết sức phức tạp và tốn nhiều công sức. Nhưng có lẽ điều khó khăn nhất là: Các nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh là những người đã được các hội đồng chuyên môn từ cấp cơ sở, đến cấp bộ, ngành và Nhà nước thẩm định kỹ lưỡng. Đấy là những giá trị to lớn mà các cấp có thẩm quyền cũng như đông đảo công chúng đã thừa nhận; cùng đó là rất nhiều bài viết và công trình nghiên cứu đã công bố về các tác giả và tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nếu Đỗ Ngọc Yên tiếp tục “nói lại” những điều đã được công bố và thừa nhận thì công trình sẽ khiến bạn đọc thất vọng. Nhưng nếu có những điều “nói khác” đi, dù đấy chỉ là quan điểm cá nhân, cũng là điều hết sức cân nhắc.

Và, bằng tâm huyết cùng năng lực của bản thân, nhà nghiên cứu-phê bình Đỗ Ngọc Yên đã cố gắng vượt qua được những khó khăn, trở ngại trên đây. Bộ sách đã chứng tỏ tinh thần và thái độ lao động nhiệt tình, nghiêm cẩn, khách quan của tác giả. Trước hết, tác giả đã chọn cho tập sách một hình thức đa thể loại. Có bài như một bút ký chân dung văn học, có bài đậm chất báo chí thông tấn, có bài nghiêng về nghiên cứu-phê bình, lại có bài chia làm nhiều phần và mỗi phần là một thể loại khác nhau; tất cả chỉ nhằm làm nổi bật chân dung những nhà văn đã có một gia tài văn chương đáng kể, cùng những nét ấn tượng trong sinh hoạt đời sống cũng như những chuyện “bếp núc” văn chương của họ. Với lối viết khá linh hoạt và uyển chuyển ấy, Đỗ Ngọc Yên đã trình bày những cảm nhận, những quan sát theo cách của mình về đời sống và tác phẩm của các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh; qua đó đã “vẽ” ra được những nét riêng tạo nên các phẩm cách chủ yếu về cuộc đời và những giá trị cốt lõi của các tác phẩm văn chương của các nhà văn.

Trong từng bài viết về các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh trong bộ sách này, Đỗ Ngọc Yên thường thao tác qua 3 bước: Đầu tiên là lời giới thiệu có tính khái quát, đôi khi mang tính chất đánh giá, về nhà văn đó. Bước hai là giới thiệu tiểu sử nhân thân và tiểu sử văn học của nhà văn. Bước ba là những phân tích, phẩm bình, nhận định, đánh giá… về sự nghiệp văn chương của họ. Ở bước này, với một vài người, Đỗ Ngọc Yên lại chỉ làm người “kể chuyện”: Chuyện đời, chuyện bếp núc văn chương và đôi khi cả những giai thoại văn chương nữa… Hình thức thì là “kể chuyện” nhưng thực ra trong đó đã bao hàm mục đích đề cao một cá tính hay phẩm chất nào đó của nhà văn; hoặc giá trị tác phẩm của họ. Nhờ thế mà bạn đọc “nhận ra” chân dung của nhà văn. Chẳng hạn: Nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Tích Chỉ trước hết là một nhà văn có gia tài tác phẩm đáng kể mà hầu hết đã được ông cùng đồng nghiệp đưa lên màn ảnh suốt gần nửa thế kỷ. Hoặc: Tác phẩm “Cỏ non” nổi tiếng của Hồ Phương chẳng phải viết về Anh hùng Hồ Giáo như lâu nay nhiều người vẫn tưởng và cái sự nhầm ấy chính là lời khen về năng lực quan sát và trí tưởng tượng hư cấu của một nhà văn giàu vốn sống. Hoặc khi kể những câu chuyện “né tránh” như một triết lý sống của nhà văn Nguyễn Khải, Đỗ Ngọc Yên đã ngầm giải thích cho bạn đọc hiểu được vì sao cuối đời, nhà văn này lại có những bài viết “phản biện” lại những gì gần như suốt đời ông đã viết, kể cả những vinh quang và quyền lợi mà ông đã tận hưởng…

Bốn chục nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh được giới thiệu trong 2 quyển sách, có tác giả được Đỗ Ngọc Yên viết khá dài, công phu như một chuyên luận nghiên cứu. Đó là những bài viết về các nhà văn: Hữu Thỉnh, Lê Văn Thảo, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Phan Tứ, Tế Hanh, Nguyễn Thi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Sáng… Cũng có những nhà văn được tác giả giới thiệu hơi “mỏng” nếu căn cứ theo số trang viết. Tuy nhiên, “mỏng” mà không hề “nhẹ”, bởi sức nặng nằm ở những lời nhận định, đánh giá đôi khi chỉ dăm dòng. Viết về nhà thơ Chính Hữu, Đỗ Ngọc Yên chỉ chọn phân tích bình phẩm 3 bài thơ “Đồng chí”, “Ngọn đèn đứng gác” và “Người bộ hành lặng lẽ” là đủ dựng chân dung một nhà thơ tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một người thơ “lặng lẽ đi, lặng lẽ đến” mà di sản để lại tuy không nhiều nhưng sống mãi với thời gian. Giới thiệu về nhà văn Đỗ Chu, một cây bút từng được nhà văn khả kính Nguyễn Minh Châu nhận xét “như cây quế thơm từ vỏ thơm vào”, sau khi khẳng định trong văn nghiệp của Đỗ Chu thì phần tùy bút là phần nổi trội hơn cả, Đỗ Ngọc Yên chỉ cần dăm dòng cảm nhận chủ quan đã đủ gợi cho bạn đọc nét độc đáo tài hoa của tùy bút Đỗ Chu: “Sau khi đọc hết hơn ba trăm trang Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu, tôi lại còn muốn đọc nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa ông với những người khác”… Bên cạnh những câu “nói thường” nhưng chuẩn xác và ấn tượng như trên, đa phần những nhận định, đánh giá của Đỗ Ngọc Yên về một tác giả hay tác phẩm đều thông qua những phân tích, bình luận, kiến giải học thuật rất thuyết phục. Người đọc bắt gặp khá nhiều những nhận định sắc sảo như thế khi đọc các bài viết về các nhà văn: Hà Xuân Trường, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Công Hoan v.v…

Nếu có điều gì đó gọi là chưa hài lòng, thì ấy là đôi khi Đỗ Ngọc Yên quá say sưa với thủ pháp “kể chuyện” mà sa vào những chuyện ngoài văn chương của một vài nhà văn. Đó là những câu chuyện “rằng hay thì thật là hay”, nhưng sự đời có khi “yêu nhau như thế bằng mười hại nhau”, nhất là khi mục đích của bộ sách là giới thiệu những thành tựu văn học của các nhà văn đã được tôn vinh bằng giải thưởng danh giá bậc nhất ở nước ta hiện nay… Hi vọng rằng tác giả cũng nhận ra điều đó và có sự chỉnh sửa, bổ sung khi tái bản.

                                                                     Hà Nội, cuối Thu 2017

                                                                       MAI NAM THẮNG

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *