Tác phẩm và dư luận

9/10
7:55 AM 2017

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT

Hải Thanh-"Danh chính, ngôn thuận”, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập năm 1948 ở Việt Bắc, nhưng nếu tính từ mốc năm 1943 cũng không sai, vì Hội có từ cái nôi chung là Hội Văn hóa cứu quốc, được thành lập tại Hà Nội, để hướng dẫn sự sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, đề xuất những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của các nhà văn hóa Việt Nam, theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 2 năm 1943).

Ở đó, văn hóa là một trong ba mặt trận, mà yếu tố dân tộc là ngọn nguồn làm nên các giá trị truyền thống lịch sử Việt Nam. Giá trị ấy được xây đắp, chắt lọc và phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay.

 

Dưới ánh sáng của “Đề cương Văn hóa Việt Nam”, Đảng ta đã tập hợp được một đội ngũ trí thức - văn nghệ sĩ đông đảo từ khi cách mạng còn trứng nước. Với tư cách là một thành viên của Mặt trận Việt Minh, do Đảng tổ chức và lãnh đạo, nền văn nghệ cách mạng đã được hình thành và phát triển, trở thành một dòng chảy chính, thống nhất, tạo nên các giá trị văn học, nghệ thuật mới.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, để tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”, mà trong đó: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa”…

Đời sống tinh thần của nhân dân không thể thiếu vai trò của đội ngũ trí thức - văn nghệ sĩ trong lịch sử tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc. Chỉ có điều, trong quá trình phát triển, nhiều biểu tượng đại diện cho văn hoá, nghệ thuật, lại không được như mong muốn, ước nguyện của nhân dân. Có phần né tránh, lặng im; có mặt huênh hoang, đánh bóng. Chẳng nhẽ, những sự “kết tinh” của cái đẹp lại hiển diện như thế sao. Lỗi ở bản thân văn nghệ sĩ - Đương nhiên! Nhưng kết quả ở mức cao hơn không thể không kể đến là năng lực thẩm mỹ của người có quyền quyết định. Văn hoá làng ở đâu, văn minh đô thị là đâu… xem ra không mấy bài bản. Ở trường đại học, trường chính trị, giáo trình môn mỹ học, cơ sở lý luận văn hoá, văn học nghệ thuật hoàn toàn không phải là mỏng, nhưng thiết tha, tâm huyết với nó, trời ơi đất hỡi, không phải ai cũng đầy đặn.

Vẫn biết, xã hội dân sự là một trong ba khu vực cơ bản, là “một đỉnh của tam giác” phát triển xã hội. Theo đó, kinh tế thị trường là điều kiện cần thiết, nhà nước pháp quyền là yếu tố quyết định trực tiếp đến sự phát triển của xã hội… Nhưng sao có cảm giác xã hội nảy sinh lắm sự bất an. Giáo sư Tô Ngọc Thanh, người đã không ít lần có phần gay gắt, những kẻ mượn đổi mới, lợi dụng chiêu bài tiến bộ, dân chủ, vẽ ra cái bánh xã hội dân sự phải bị coi là tội ác. Nhưng đấy là ông, còn đối với cả một binh chủng văn hoá - tư tưởng, ai dám chắc trong số hơn 40.000 người trong thập loại chúng sinh không có kẻ tha hóa?

Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao không ít người có giáo dục vẫn hành xử theo kiểu côn đồ như một sự lựa chọn? Có phải niềm tin về giá trị đạo đức, hoặc pháp luật không đủ khả năng điều chỉnh hành vi của con người một cách hữu hiệu? Tôi nhớ câu của nhà thơ Trần Nhuận Minh đăng báo Văn nghệ cách đây ít lâu, ý rằng: Nước chưa hết giặc xin đừng vội vứt gươm báu. Trong sự xao động ấy, một lần nữa, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Mới đây, ngày 4-8-2017, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp làm việc với Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam để lắng nghe, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, giúp Hội hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ đất nước, xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của Đảng, của Nhân dân.

Cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là mô hình có sẵn. Trong tiến trình phát triển, có những vấn đề chưa được khai thông. Chia sẻ với tất cả những sự khó khăn của đất nước, văn nghệ sĩ đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, phấn đấu không mệt mỏi để có được tác phẩm có giá trị. Đó là điều không thể phủ nhận. Song sự nhếch nhác của cơ chế xin - cho, ít nhiều làm cho văn học, nghệ thuật kém đi phần hấp dẫn. Nhưng dù phải xin để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chung thì cũng không đáng nói bằng kẻ vừa “húp tương” vừa chê tương dở. Vấn đề là sự nhìn nhận thấu đáo, chứ không phải chuyện nói lại nói qua thành ra nhảm nhí. Chuyện “Người đàn bà ngoại tình” trong Tân ước từ xưa đã nói tới việc “ném đá” như là một chế tài, đáng thương lắm. Đặt mình vào cương vị ấy, chắc ai cũng… ngậm tăm, chỉ trừ mỗi người “sạch tội”. Nhưng cũng phải thẳng thắn nói rằng, chuyện cũ “quân tử thực vô cầu bão” có thể vẫn đúng ở đâu đó, góc độ nào đó, nhưng riêng quảng bá văn học, nghệ thuật trong thời đại bùng nổ thông tin, trong thời đại mà văn hoá đọc đang sa mạc hóa tâm hồn người thì cần phải có tiền. Có tiền gây dựng phong trào đã khó huống chi tay không. Có tiền rồi, lại cũng không ít hệ luỵ. Nghiêng về phía chuyên nghiệp hay phía phong trào? Đòi hỏi tác phẩm lớn, nhưng để có tác phẩm lớn, tài năng không thể dựa trên những đồng tiền xé lẻ. Ai từng phải đi xin mới thấm thía cái tình cảnh “lính tiểu đoàn, quan đại đội”. Nó cũng đầy đủ tính kịch, vào đề… diễn giải… cởi nút… chứ không phải chuyện “bông hoa xúc phạm con sâu” (Nguyễn Duy) mà lại không được mấy người chia sẻ…

Trong khi bánh xe giáo dục đang vẽ trên con đường truyền thống dân tộc những vết son nguệch ngoạc, nhiều phong trào rầm rộ chạy theo bảy sắc cầu vồng, mà hiệu quả nhãn tiền là nền nếp văn hóa chưa thấm vào đời sống xã hội, thì lẽ đương nhiên, đó không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế mà còn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng Đảng, đến sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Việc làm lành mạnh đời sống văn hóa tinh thần của con người, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện đường lối đổi mới và các nhiệm vụ văn hóa của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là không thể chậm trễ.

Có lẽ không mấy dân tộc trên thế giới phải chịu nhiều ách đô hộ và xâm lược của ngoại bang như nước ta. Và cũng không nhiều lắm những dân tộc trân trọng đội ngũ trí thức - văn nghệ sĩ như nước ta. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, lời Thân Nhân Trung (1419 - 1499) luôn nhắc nhủ hậu sinh điều đó. Trong hai giá trị cơ bản của con người, vẫn biết “có thực mới vực được đạo”, nhưng trong hoàn cảnh nào thì yếu tố vật chất và tinh thần cũng nên đặt cân xứng, mới thực sự giải quyết được vấn đề phát triển bền vững.

Trong truyền thuyết về gươm báu “Thuận Thiên”, việc vua Lê trả gươm cho Rùa thần tại Hồ Tả Vọng (nay là hồ Hoàn Kiếm) sau ngày đánh tan giặc Minh bao đời nay vẫn đọng trong tâm linh, ý thức dân tộc. Thiên thời - địa lợi - nhân hòa không chỉ là biểu tượng của lòng trung tín với nhân dân, trời đất, mà còn là khát vọng hòa bình khi vận nước ở vào cung thái bình thịnh trị. 

Không hề có sự mờ ám ở đây, tấm lòng trung hiếu của trí thức - văn nghệ sĩ muốn nói rõ hơn rằng, khi nước hết giặc, thì trút bỏ gươm đi cũng chưa muộn.

 

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *