Tác phẩm chọn lọc

31/3
8:55 AM 2018

THÂN PHẬN TRẺ EM CHÂU PHI TRONG TRUYỆN NGẮN UWEM AKPAN

Tập truyện ngắn Say you're one of them (tạm dịch: “Hãy nói con là một trong số họ”) của tác giả Uwem Akpan, một linh mục người Nigeria, gồm 05 truyện ngắn đặc sắc lấy bối cảnh thực tế những gì đang diễn ra ở 05 quốc gia châu Phi khác nhau là Nigeria, Benin, Kenya, Rwanda, và Ethiopia.

Những truyện  ngắn này vẽ nên một bức tranh chân thật và sinh động về thân phận trẻ em châu Phi và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về vấn nạn bóc lột lao động, mại dâm và buôn bán trẻ em...

Với ngôn ngữ đời thường, giản dị, năm truyện ngắn có sức cuốn hút mãnh liệt và dễ đi vào lòng người dẫu rằng truyện thường có những cái kết không mấy có hậu, để lại những thông điệp sâu sắc nhưng cũng hết sức đắng cay. Đặt dưới góc nhìn của những đứa trẻ trên mảnh đất châu Phi bị xâu xé bởi nội chiến, xung đột sắc tộc và tôn giáo, “lục địa đen” hiện lên dưới ngòi bút của Uwem Akpan là một thế giới mà ở đó quyền trẻ em không tồn tại. Với những lựa chọn hết sức ít ỏi, trẻ em ở đây sớm phải tự quyết định cuộc đời mình để có thể tồn tại dưới những lằn ranh đổ vỡ của nội chiến, xung đột sắc tộc và tôn giáo...

Truyện ngắn An Ex-mas feast (tạm dịch: Bữa tiệc Giáng sinh) đem tới người đọc cái nghèo cùng cực của một gia đình, khiến người ta có những cái nhìn méo mó và lệch lạc về cuộc sống. Cái nghèo đeo đẳng khiến cả gia đình phải sống nhờ vào những đồng tiền còm cõi từ đứa con gái mới lớn đã sớm phải ra “đứng đường”. Những nhân vật trong truyện ngắn dường như chỉ tồn tại chứ chưa bao giờ sống. Nhân vật chính, cậu bé Jinga, cũng phải nhờ tiền “đứng đường” của chị gái để được đến trường. Truyện ngắn phản ánh thực tế mại dâm trẻ em tồn tại nhức nhối ở Kenya.

Điểm sáng chỉ tới ở cuối truyện khi Jinga tự nhận thức được rằng mình phải rời bỏ gia đình, phải tự kiếm sống để trang trải cho việc học, không nhờ vào những đồng tiền từ người chị gái khốn khổ của mình nữa. Cái kết cũng mở ra vô vàn câu chuyện mới cho nhân vật Jinga, bởi không khó để nhận thấy cậu sẽ rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của đời sống đường phố, rất khó bứt ra được để thành công trong cuộc đời. Điểm sáng cuối truyện cũng là nỗi nhức nhối hằn lại trong lòng người đọc về vòng xoáy nội chiến, khủng hoảng kinh tế, mại dâm... ở châu Phi.
 

Ở truyện ngắn My parents’ bedroom (tạm dịch: Phòng ngủ của bố mẹ), bé gái Monique thể hiện nỗi băn khoăn của mình về việc mẹ cứ liên tục “biến mất” vào các buổi tối. Đôi mắt trẻ thơ là lăng kính hoàn hảo phản ánh một thế giới đảo điên bởi chính những hành vi của người lớn gây nên. Thực ra, mẹ Monique vẫn ở trong phòng ngủ của bố mẹ em thôi, cùng với hơn chục người khác, nằm nín thở trên trần căn phòng ngủ để trốn tránh bạo lực đang xảy ra giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi ở Rwanda. Bi kịch là bố Monique thuộc sắc tộc Hutu trong khi mẹ Monique lại là người Tutsi. Đây là truyện ngắn lạnh lẽo nhất trong tập truyện, nhưng nó cũng nêu bật nên nạn nhân chính của xung đột sắc tộc là trẻ em. Chính truyện ngắn này đã đưa Uwem Akpan vào danh sách 5 tác giả nổi bật nhất đề cử cho Giải thưởng Văn học châu Phi Caine năm 2007.
 

Truyện ngắn Luxurious hearses (tạm dịch: Những chiếc xe tang sang trọng) có thể xếp vào nhóm tiểu thuyết ngắn bởi độ dài của nó đã vượt qua ranh giới 7.500 từ. Truyện lấy bối cảnh một chiếc xe khách đường dài nhồi nhét người tị nạn đang chuẩn bị khởi hành, trốn chạy khỏi khu vực phía Bắc loạn lạc của Nigeria. Từ viên cựu sĩ quan vênh vang cho tới những cô gái xấc xược, tất cả những nhân vật trên chuyến xe được tác giả lột tả một cách hết sức tinh tế và khéo léo; rất đặc trưng và điển hình cho một bang đa số con chiên Thiên Chúa giáo. Jubril có bố là người Thiên Chúa giáo nhưng lại lớn lên và trở thành người Hồi giáo ở miền Bắc, nơi cậu đang buộc phải chạy trốn khỏi đó do xung đột tôn giáo. Cậu không thể tham gia vào những câu chuyện với hành khách trên xe bởi cậu lo rằng chất giọng vùng miền sẽ phản bội lại mình. Jubril không biết rằng chuyến đi định mệnh này cũng là chuyến đi cuối cùng của cậu. Ở khắp nơi trên đất nước này, người ta đã quá quen với những hình ảnh bạo lực và sau hàng thập kỷ quân đội kiểm soát đất nước, người dân ở đây đã trở nên chai sạn.


Fattening for Gabon (tạm dịch: Vỗ béo để tới Gabon) lại được kể lại dưới góc nhìn của hai đứa trẻ, quá nhỏ để có thể hiểu được tình cảnh nghiêm trọng của gia đình và chính bản thân mình. Mọi hành vi của người chú đều được nhìn nhận dưới ánh mắt con trẻ, với một niềm tin rằng chú mình chỉ mang đến những điều tốt đẹp. Với giọng kể ngây thơ, diễn biến truyện khiến người đọc không khỏi xót xa.

Những gì đáng sợ nhất đang đón chờ lũ trẻ lại được chúng kể lại hết sức vô tư, trong sáng. Tuy nhiên, người chú chợt bừng tỉnh ở những diễn biến cuối truyện, dù cuối cùng phải trả giá bằng cái chết của chính mình. Trong đêm đen, tính nhân văn cuối cùng vẫn bừng lên như ngọn đuốc dẫn đường. Hai đứa trẻ, đứa thoát thân, đứa kẹt lại khiến người đọc không khỏi day dứt, băn khoăn. Ngọt ngào và cay đắng là những gì kết tinh nên thiên truyện ngắn “thật dài” này.

“Vỗ béo để tới Gabon” cũng vạch ra vấn nạn nhức nhối ở Benin, nơi những kẻ buôn bán trẻ em có thể gặp trực tiếp bố mẹ lũ trẻ mà hứa hẹn rằng con cái họ sẽ vẫn làm việc kiếm tiền và tiếp tục được học hành. “Giả dối” và trắng trợn là những gì truyện ngắn vẽ nên cho lũ buôn người. Lũ trẻ sẽ bị buôn đi bán lại, bị bóc lột ở các công trường khai thác đá và phải làm những công việc tàn tệ khác nữa; để rồi, khi nhận ra hoàn cảnh của mình, chúng sẽ luôn mang trong mình một thôi thúc mạnh mẽ: Phải bỏ trốn!


What language is it? (tạm dịch: Ngôn ngữ không lời) có lẽ là truyện ngắn ít ám ảnh nhất về thân phận trẻ em châu Phi trong số các truyện ngắn của Uwem Akpan. Câu chuyện xoay quanh tình bạn giữa hai bé gái: Salem là người Hồi giáo và người kể chuyện sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Truyện lấy bối cảnh xung đột tôn giáo ở Ethiopia, nơi xảy ra bạo loạn giữa những tín đồ đạo Hồi và những người theo Thiên Chúa giáo năm 2006.

“Ngôn ngữ không lời” xoáy sâu vào một sự thật không phải ai cũng hiểu: Sự ganh ghét có thể cắt đứt được các mối quan hệ nhưng khác biệt tôn giáo thì không! Tình bạn trong sáng giữa hai đứa trẻ đã khiến tất cả những khác biệt, kể cả về tôn giáo, không có chỗ đứng. Dẫu bị ngăn cấm gặp nhau, ngăn cấm nói chuyện với nhau, hai đứa trẻ đã tìm ra một thứ ngôn ngữ cho riêng mình. Đó là thứ “ngôn ngữ của tình yêu”, ngôn ngữ của sự thấu hiểu và không cần đến ngôn từ.


Từ năm truyện ngắn của Uwem Akpan, thân phận trẻ em châu Phi dần hiện lên với năm khoảng buồn đau nhưng hết sức hiện thực, đưa người đọc đến với những gì đang thực sự diễn ra trên “lục địa đen”. Nội chiến, xung đột sắc tộc, tôn giáo đã biến trẻ em nhiều nước châu Phi thành những món hàng béo bở cho lũ buôn người máu lạnh; ném các em vào dòng xoáy cuộc đời, buộc các em sớm phải bươn trải trong dòng lũ “lành ít dữ nhiều”. Còn chưa kịp lớn, các em đã phải ra “đứng đường” để kiếm sống, đánh lộn, tranh giành miếng ăn hằng ngày, nuôi cả những gia đình đang rơi vào tai ương bệnh tật. Những đứa trẻ mới sinh ra đã bơ vơ không biết nương tựa vào đâu khi người lớn, trong đó có cả cha mẹ chúng, đang lăn xả vào nhau vì lòng thù hận. Sự ngây thơ trong lũ trẻ cũng nhanh chóng mất đi, nhường chỗ cho những toan tính để tồn tại giữa nguy cơ rình rập hằng ngày.

Bằng một thứ ngôn ngữ không chút thỏa hiệp, và giọng kể ở ngôi thứ nhất, thứ ba, đôi khi là ngôi thứ hai, Uwem Akpan đi thẳng vào những vấn đề nhức nhối người dân châu Phi đang phải đối mặt: chiến tranh, nợ nần, xung đột tôn giáo, nghèo đói, sự thối nát của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, người đọc vẫn có thể nhận ra lấp lánh sau những khoảng tối đó là một thông điệp: khát khao hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn. Nếu như người ta vẫn nói “Muốn hiểu một vùng đất nào thì hãy đọc văn học của vùng đất đó”, thì những thiên truyện ngắn, hay nói đúng hơn là những dòng hồi tưởng của Uwem Akpan, đã vẽ nên một châu Phi rỉ máu, đớn đau nhưng cũng đầy hân hoan và duyên dáng. Ông đã đưa người đọc tiến gần tới một châu Phi hiện đại, gần và thật hơn tất cả những gì báo chí phương Tây từng vẽ nên.

HỮU DƯƠNG

* Tác giả Uwem Akpan sinh ra tại Ikot Akpan Eda, miền Nam Nigeria. Hoàn thành khóa học triết học và tiếng Anh tại trường Đại học Creighton và Gonzaga, ông tiếp tục học thần học ba năm tại trường Đại học thiên Chúa Đông Phi. Năm 2003, ông trở thành linh mục dòng Tên và nhận bằng Thạc sĩ Mỹ thuật trường Đại học Michigan năm 2006. Uwem Akpan bắt đầu nổi tiếng từ truyện ngắn được đề cử cho Giải thưởng Văn học châu Phi Caine 2007 My parents’ bedroom (tạm dịch: “Phòng ngủ của bố mẹ”). Tập truyện ngắn “Say you’re one of them”, trong đó có truyện ngắn My parents’ bedroom, đã giành giải “Tác phẩm đầu tay hay nhất” của Giải thưởng Văn học khối Thịnh vượng chung năm 2009.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *