GIỚI THIỆU TUYỂN VĂN CHỌN LỌC CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN VINH TÚ
Các nhà văn tại Trại sáng tác VNQĐ 1961: hàng đầu từ trái sang: Nguyễn Vinh Tú, Xuân Sách, Hồ Khải Đại, Nam Hà, Xuân Thiêm, Phù Thăng, Dân Hồng, Mai Vui, Hoàng Văn Bổn (đứng cao nhất), Nguyễn Xuân Khánh, Văn Dân
NGUYỄN VINH TÚ NGƯỜI THÁO ÁCH GIỮA ĐÀNG
Nguyễn Văn Thọ
Quãng hơn 10 năm trước, tôi đến thăm nhà văn trẻ Nguyễn Vinh Huỳnh. Huỳnh rủ tôi đi uống café ở một quán gần nhà và xin mời cả cha anh đi cùng. Tôi biết, Hùynh rất yêu cha. Còn tôi, xem ra, tuy kém cha Huỳnh gần 20 năm tuổi, nhưng một cuộc trò chuyện với một kẻ từng trải như tôi, cũng lăn lộn với đời văn như tôi, buổi ca fe có thể làm người cha già cô đơn mà ham viết của anh vui lên một chút chăng? Tôi đồng ý và tính ra kể từ đó quen biết Nguyễn Vĩnh Tú.
Đó là một chiều muộn đang sầm sập tới, Nguyễn Vinh Tú khi ấy đã gần 80 xuân. Trong góc quán, một bóng bé gầy gò quắt queo ngồi đợi, chìm trong bóng chiều le lói sắp tắt.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi dài hơn ba tiếng, rất chậm và khó khăn trong hoàn cảnh người bạn già kia bị thương trong kháng chiến chống Pháp để lại thương tật nặng cho hai tai ông. Chuyện của ông đâm ra hấp dẫn tôi, khi tôi vào tuổi 50 mới quay lại văn chương còn ông gần 80 rồi vẫn đang hăm hở viết cuốn tiểu thuyết.
óa ra Nguyễn Vinh Tú vốn thuộc lứa nhà văn xuất hiện rất sớm, từ đầu thập kỷ 50( thế kỷ trước), trong những năm đầu của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Bạn ông, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hồi tưởng về những ngày xa xôi ấy, nói:
-Trong và sau kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đều là lứa còn tập viết. Bắt đầu là loạt bài về Những kỉ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của tờ Sinh hoạt văn nghệ, tiền thânTạp chí Văn nghệ quân đội sau này. Năm 1957, chúng tôi gặp nhau ở trại viết đầu tiên do Tổng cục chính trị mở. Trong trại viết đầu tiên đó, Phù Thăng và tôi cùng ông Vinh Tú học chung lớp. Tôi viết tiểu thuyết "Làng Nghèo", ông Vinh Tú viết truyện dài: "Chiếc Khăn Vuông" và ''Vườn Rau"…
Xuất hiện với gần chục truyện ngắn sau đó, rồi số phận đưa đẩy, Nguyễn Vinh Tú, ngoặt bước sang con đường khác. Ông chuyển sang Điện ảnh quân đội được vài năm rồi ra quân, đi làm thợ đến khi về hưu. Cuộc đời thật trớ trêu. Làm thợ, Nguyễn Vinh Tú xa cách môi trường văn chương, dấn thân qua bao thăng trầm, có những khi túng đói phải cắn răng bán đi đàn chó của mình để sinh nhai. Lăn lộn, vật vã trong đời sống tận cùng của xã hội, Nguyễn Vinh Tú ngấm đủ chát cay, chua, mặn, oan khiên mà vẫn không tắt đi ngọn lửa văn đã chót nhóm trong lòng. Văn chương vẫn Như cái ách quàng lên vai ông. Trong cuộc mựu sinh khi ấy, để giải tỏa, có khi ông viết cả ngàn câu thơ về một kẻ hàng xóm xa cơ làm điếm. Và, chỉ tới tận lúc cuối đời, Nguyễn Vinh Tú chính thức cầm bút lại.
Tập truyện ngắn Nguyễn Vinh Tú, tận khi tới tuổi 83 xuân, muộn mằn ra mắt bạn đọc. Đó là nhiều câu chuyện đầy tiếng trào lộng nhiều nước mắt về những thân phận trong suốt đời sống của chính ông. Tập truyện ngắn Vết Chân Chim viết về người lính bị oan khuất, viết về những dặm đường gian lao đời người với Hộp Cơ Bẩm, với Chị Mận, với những sự kiện rất tầm thường đời người lao động, lớp cần lao nhiều oái oăm. Có truyện kể về một người nghèo chữa bệnh bằng một cô gái làm tiền mà vẫn không dung tục mà trong sáng… Những câu chuyện của ông không hấp dẫn bạn đọc bởi lối viết cầu kì. Ông cứ nhẩn nha kể như thay vì viết kỉ niệm sâu sắc mang lại vinh quang trong đời quân ngũ thì người cựu binh kể sự lầm than của bao kiếp đời trong cuộc sống này bằng nước mắt của trái tim ông.
Cũng với lối kể giàu chất uy-mua như thế, Nguyễn Vinh Tú, một lão già hơn 80 xuân cặm cụi ngồi viết tiểu thuyết để quyết Tháo cái ách của đời ông.
Tiểu tuyết Ách Giữa Đàng dầy hơn 400 trang, là tiếng kêu nửa khóc, nửa cười của đám thợ thuyền bờ sông Hồng với những nhân vật đa phần xuất thân từ nông dân, lính tráng thợ thuyền đang xây dựng Chủ nghĩa xã hội khi ấy. Câu chuyện từ một người phụ nữ biết võ vật cứ trải suốt với bao chi tiết, tức tưởi như cuộc đời của chính ông. Và một lần nữa, dù ở thể tài nào, truyện ngắn hay tiểu thuyết, dù đề cập tới những lầm than oan nghiệt tới cỡ nào, Nguyễn Vinh Tú vẫn thản nhiên nhìn lại cuộc sống bằng sự chia sẻ tận cùng với con người lao động. Ở văn ông không có sự nguyền rủa, chửi xéo ai cả. Nó như lời than dở khóc dở cười cho nhiều kiếp người trong đời sống mà trong đó có ông can dự.
Suy nghĩ về đời văn của nhiều người, có lần tôi nói với bạn văn trẻ Nguyễn Vinh Huỳnh rằng, nếu như cuộc đời của cha anh xuôn sẻ, ông Vinh Tú ở Tạp chí quân đội hay Điện ảnh quân đội sẽ liên tục sống ở môi trường với việc văn. Và, nếu vậy, hẳn có lẽ ông đã tiến xa lắm như bao bạn văn đồng liêu khác. Nhưng cuộc sống đã nghiệt ngã thử thách, bắt ông quàng trên vai cái ách – chót dính vào việc văn- đeo suốt cả cuộc đời tới tận lúc mãn chiều. Nhưng cha anh đã không bỏ cuộc.
Trở lại viết khi đã gần 80 tuổi. Viết trong cô độc, không có ai cùng trang lứa chia sẻ, nhiều bạn văn lứa ông đã khuất, Nguyễn Vinh Tú tự mình kiên nhẫn cởi bỏ cái áchvăn chương bằng vài tập sách, trước là cho chính ông thanh thản. Sau là cho bạn đọc ít nhiều thấy cả một thời nó thế.
Bàn về sự thành bại của văn học trong những số phận có bạn ông là Nguyễn Vinh Tú, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tâm sự:
-Lứa nhà văn chúng tôi xuất hiện, trong đó có Nguyễn Vinh Tú, ai còn lại nay đã đều hơn 8, 9 mươi xuân. Cái sự viết từ những ngày trẻ trung ban đầu ấy, ai cũng mong viết có đầu có đũa cả, nhưng nói chung thất bại hay thành công đều là vớ vẩn, đều chung một ảo tưởng cả. Phải thực sự là tài năng là thiên tài mới phát triển được. Nhưng chính ảo tưởng của tầng lớp chúng tôi khi ấy tạo ra văn hóa xã hội. Khi con người ta giầu ảo tưởng, ta không coi thường nó, vì từ ảo tưởng ấy, sự thành công chút ít cũng là đóng góp cho văn hóa xã hội (một thời). Sự thành công của ông Vinh Tú bạn tôi nằm ở vẻ đẹp của lao động văn chương.
Tôi suy nghĩ, lời bàn của nhà văn nguyễn Xuân Khánh đâu chỉ đúng riêng của trường hợp nhà văn già Nguyễn Vinh Tú. Biết bao người đã theo đuổi việc văn, có những người sinh ra đã làm việc văn rất sớm và thành công như Đỗ Chu, nhưng mấy ai bị việc văn nó bám riết, nó ám ảnh để luôn đau khổ vì nó để theo đuổi cả khi lực cùng sức cạn như nhà văn Nguyễn Vinh Tú, vượt lên sự già nua để viết ?
Tập sách này là tập hợp tuyển chọn những tác phẩm toàn phần hay trích đoạn của nhà văn già Nguyễn Vinh Tú khi ông đã tới 90 xuân. Nó làm tôi nhớ lại hình ảnh ngày ban đầu gặp ông, một người ít nói lầm lũi ngồi trong bóng tối góc quán của một chiều sắp tàn. Chỉ có đôi mắt vẫn sáng lên từ góc tối, chỉ có giọng nói khi ông bàn về lòng yêu văn chương là vẫn chứa chan niềm hy vọng. Viết, chính nó giúp ông cởi bỏ hết vui buồn một đời người, tự cởi bỏ cái ách bằng sự nỗ lực của chính mình mà chia sẻ với cuộc đời. Nguyễn Vinh Tú viết văn dựng nên thân phận bao người, song chính cuộc đời ông cũng là nhân vật cùa văn học.
Nhớ lại lời của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Xuân khánh: Đa số chúng ta đều ảo tưởng…Vâng có lẽ không tự khoác lên văn chương những gì to tát quá. Việc văn như cái nghiệp, trước hết là tự cởi bỏ hết vui buồn, sự đau khổ vốn như cái ách tự nguyện quàng lên vai mình, gánh hết cả cuộc đời mà ở ông Vinh Tú, tới tận cuối đời đã cởi trút hết.
Xin hãy đọc ông để chia sẻ, cũng để nhận ra việc văn nếu coi như cái nghiệp chót quàng vào, bạn hẳn không dễ dàng trút bỏ và muốn trút bỏ cũng cần một nghị lực thật lớn lao tới vô cùng mà nghề nghiệp khác ngoài việc văn, mấy khi có được.
NVT
Nhà văn Nguyễn Vinh Tú
NGƯỜI DỌN TRUÔNG VẢY
Truyện ngắn của Nguyễn Vinh Tú
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ gương nhà mồ, sợ ngủ động kinh
N.V.T
Hơn nửa năm nay dân buôn qua lại Truông Vảy thường nghe nói một người đàn ông chân giầy vải mòn gót, đầu đội mũ lưỡi trai, khăn vuông trùm kín chỉ hé mắt phải tươi vui hiền lành đào bới trên đường phủ đầy cây cỏ. Cạnh đó qua một bụi rậm gần suối nước là cái hang đá tối om cao ngang đầu người, to rộng bằng gian lều đủ đặt cái chõng tre và 3 ông đầu rau cháy sém. Bên cạnh là chiếc đèn Hoa Kỳ bằng thủy tinh màu xanh lơ ngọn đỏ như hạt đậu. Ông Quân Chủ tịch xã biết chuyện từ lâu nhiều lần đến khuyên anh về làng, chính quyền sẵn sàng cấp đất nhà ở chu đáo nhưng bất lực. Tại đây anh được phát 3 tờ báo và những đồ sinh hoạt cần thiết cùng một hộp cứu thương.
Là bạn thiếu nhi thời nối khố, vẫn đi lại thân mật, có lần ông hỏi :
- Tại sao cậu lên đây?
- Để dọn đường Truông.
- Ai bảo ?
- Thấy mọi người trèo leo vất vả quá trong lòng không yên. Cơ thể phục hồi, nội tạng vẫn tốt.
- Chính quyền sẽ tìm việc hợp nguyện vọng ở địa phương. Đường Truông dài hơn hai chục cây số, dọn cỏ xong, gặp trời mưa đâu lại hoàn đấy !Thành công dã tràng.
- Tôi đã quyết.
Quân không thể lung lay ý chí một người đội trưởng thiếu niên, dạy bình dân học vụ, xông pha công tác thông tin tuyên truyền ngày đêm không nghỉ. Tốt nghiệp đại học, cấp trên cử đào tạo chuyên môn, vẫn xung phong đi bộ đội với câu khẩu hiệu là “Thanh niên phải đứng đầu tuyến lửa”.
Bị thương - bỏng toàn thân vì bom Napan, da dẻ sần sùi như dán đầy bèo cái. Bộ mặt nhiều lần soi gương không thể nhìn nhận ra dung nhan thuở học trò. Phía mắt trái là một khối thịt to bằng nắm tay, nhọn như sừng dê, đỏ hỏn bịt kín. Cái mũi là lỗ hõm sâu phơi giữa hàm răng trên bị xẻ nửa he hé cái lợi đỏ hỏn lúc nào cũng ri rỉ máu. Mắt phải hấp ha hấp háy, đám lông mi là những mảnh thịt mầu xám.Đôi gò má lõm sâu khiến cho bộ mặt ghê tởm hơn những bức tranh vẽ đầu lâu treo ở cột điện. Giọng nói đơn đớt như ngậm hạt hãn, hạt vải. Với bộ mặt gớm ghiếc hơn những tên quỷ sứ, thân thể đầy sẹo như bọc đầy hoa dứa, loang lổ những lớp da mỏng mầu đỏ tiết canh lợn, trẻ con nhìn qua hồn vía lên mây, người lạ trông đến nhắm mắt rùng mình.
Với cơ thể không ra người ngợm, biết phận mình Trút đành trú tạm chốn rừng sâu, tìm chỗ vắng người duy trì cuộc sống nhưng vẫn giữ vững chí khí thanh niên.
Với thân hình như vậy Trút tự nhận xét nên ẩn mình mà sống. Đã đành không ai tỏ lời khinh bạc, ngược lại là niềm nở, vui vẻ, kính trọng nhưng mọi người trên thế gian có ai đưa hình ảnh dung mạo kỳ quái người thân lên bàn thờ, vào an bom.
Hôm nay không phải ngày phiên chợ, Trút tiếp tục dọn đường.Khắp đồi núi đường đi còn ẩm ướt, sương mù trắng như bông lởn vởn mầu bàng bạc.Giữa đường mòn lù lù một cồn cỏ cao ngang đầu người, to rộng ba, bốn bước chân.Dân buôn phải đi vòng quanh.Trút cầm rìu bổ mạnh xuống chân cồn cỏ.Dụng cụ bị cài chặt trong đám rễ cây bùng nhùng.Anh rút ra bồi thêm 3 lượt, loay hoay một hồi rồi ngồi phịch xuống đất nhận xét. San bằng cái ụ này trên dốc núi không đơn giản như giữa đất bằng. Nhiều đám rễ đan chéo chằng chịt từ hàng triệu năm, gắn chặt vào vỏ hàu như nhựa. Mới nhìn qua, tưởng khai phá dễ dàng, khi lưỡi rìu bị rễ cây níu kéo, giằng co bở hơi tai rút được mới rõ “lạt mềm buộc chặt”.
Anh gọi hai con chó vện vàng đến bên cạnh, bắt há mõm cho mấy củ khoai nướng rồi dặn dò.
- Chúng mày phải cẩn thận canh gác cho ông anh nhá !
Biết rằng nói để mà nói, anh vẫn to tiếng để xả bớt cơn mệt đồng thời tự nhắc nhở tránh để cho người lạ thấy hình hài ngoaó ộp, tởm lợm, kín đáo nhổ nước bọt.
Sau một lát nghỉ ngơi.Trút tiếp tục công việc dè chừng không thể áp dụng “Cần cù bù thông minh”. Anh cho rìu bổ vài phát thăm dò. Vỏ hàu chỉ sứt ra từng mảnh nhỏ chả bõ gãi da voi.
Mặt trời xua màn sương soi ánh nắng ngạo nghễ : Không phải việc gì cũng đưa quyết tâm sắt đá chỉ huy. Truông dài, đồi ụ còn nhan nhản, Trút đánh trần cho mát, vừa tiết kiệm đồ mặc chợt nghĩ : Ta cứ nghe lời Quân trở về xã, nhàn nhã bao nhiêu. Nào ai cấm. Không được ! Tại sao lúc này mày nhu nhược thế nhỉ !Trút nhìn ụ đất đầy cây cối âm u lúc này có vẻ to lớn rất nhiều. Chẳng lẽ khoanh tay đầu hàng. Phải tìm đủ biện pháp xử lý.Rìu mổ không được thì dùng xà beng. Một nhà khoa học đã từng tuyên bố hùng hồn khắp thế giới.
- Chỉ cần một cái đòn bẩy tôi sẽ lật đổ cả hành tinh. Trút sẽ chọc sâu xà beng vào ụ, chưa đủ anh phải về hang lấy thêm búa tạ rồi đè đầu thanh sắt nện vào chân khối vỏ hàu. Dụng cụ được cắm sâu vào chân ụ hơn hai gang tay. Anh nắm chặt phía đầu đu đưa đè xuống sát mặt đất. Vò hàu bị lún thành cái rãnh nhỏ.Đầu xà chạm đất, ụ vẫn nằm trơ trơ. Hóa ra sáng kiến của nhà khoa học phải bỏ xó.
Trút ngồi xoài xuống đất suy nghĩ.Sáng kiến này anh đã thực hiện từ hồi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Bao nhiêu cây cổ thụ bị hạ chuyển lên xe bò, xe ba gác, xa tải để làm cầu.
Người phu lục lộ nằm dài lim dim mắt nghĩ lại những sự việc ngày xưa đang chìm trong bóng tối.Anh đành tái hiện cảnh cũ bằng cách cầm xà beng xuống suối tìm một tảng đá lớn bẩy thử. Qua vài lần mò mẫm, một kinh nghiệm cũ hiện ra trong đầu như tia sét sáng chói giữa trời đêm rồi thét to: Sáng kiến của nhà khoa học vĩ đại đây rồi !!.Thì ra muốn bẩy một hành tinh bằng xà beng ta cần phải đặt dưới chân nó một cái đệm, một cái đệm.
Lần này không cần nhiều sức lực, chân xà beng đã làm cho vật cản hé mở như miệng cá, cao hơn gang tay. Anh lập tức lấy đá chèn chặt vào đó, tiếp tục đào bẩy xung quanh ụ thành 6 cái lỗ.Cuối cùng chỉ cần một lực bẩy nhẹ nhàng vật cản bị hất vào bụi rậm. Khoảnh đất mới lồ lộ vỏ hàu sạch sẽ sáng loáng to bằng cái nia.
Trút dùng cuốc xẻng đào sâu hơn 2 gang tay, xuống suối lấy cát bồi đắp, trên cùng rải đá sỏi rồi dẫm liên tục như đầm đất làm nền nhà. Công việc hoàn thành anh lượn đi lượn lại ngắm nghía công trình đầy vẻ hân hoan.
Hôm sau, anh vừa mang vác dụng cụ ra khỏi lều thì Quân đến chơi giữa nắng trưa mồ hôi đầm đìa. Hai con vện vàng quen hơi vẫy đuôi quấn quýt. Khách lục nồi lấy cho chúng mấy củ khoai rồi nói với chủ nhà.
- Nắng nôi thế này chiều đến mát mẻ hãy làm.
- Anh biết trời nồng oi bức, tôi là đá hả, tôi sẽ tìm bóng râm. Đến chiều dân đi chợ về phiền toái lắm.
- Mặc họ !Đời cua cua máy đời cáy cáy bò.
- Nhưng ...
Trút dừng lại.Anh ta chưa rõ hết nỗi lòng.Quân vẫn giải thích cho có lệ.Anh lên đây có ý thăm hỏi, vừa xem xét công việc.
- Anh Xuyên Sơn này !Dọc đường lên đây tôi để ý thấy nhiều chỗ có những vạt gio bếp là thế nào?
Quân hôm nay gọi Trút theo danh sách hồi nhập ngũ để tỏ ý tôn trọng. Mình không được cá mè một lứa mặc dù anh ta đã về địa phương. Là một quân nhân 5 lần bị địch bắt vào tù bây giờ chẳng may bị thương vẫn sẵn sàng cống hiến dù không ai đòi hỏi. Phải biết mình biết người, liền nói đùa như thuở nối khố :
- Anh định xơi tái cái Truông dài hơn hai chục cây số. Liệu có sống nổi đến lúc đó không?
- Cậu hỏi hơi đề cao tớ đấy. Lại tôn trọngmang danh sách nhập ngũ ra xưng hô. Trước hết tớ giải đáp những vạt gio đen ngòm loang lổ trên đường.Trả lời câu “Công dã tràng”. Để tránh hiện tượng đó tớ làm đến đâu ăn chắc đến đó. Không được qua quýt che mắt thiên hạ dù việc nhỏ như cái kim. Nếu giữ trong bọc không cẩn thận cũng có ngày nó đâm chảy máu. Thuở chưa xa, nước ta được cổ vũ long trời lở đất để tiêu diệt “Trí phú địa hào” đào tận gốc rễ đánh vào nhân tài “nguyên khí quốc gia”. Đà đó đến nay vẫn tiếp tục. Trong lúc ta chống ngoại xâm, thêm nồi da nấu thịt, nước ngoài kẻ thù sau tay lái như Mỵ Châu Trọng Thủy điều khiển. Hiện tượng đó vẫn trường kỳ tiếp diễn. Chuyện này nếu ai “thẳng ruột ngựa” sẽ mất cần câu cơm cho nên mũ ni đắt hơn mũ bảo hiểm nhiều ... Trở lại chuyện đào cỏ gianh bám sâu trong lòng đất. Sau khi đào hết củ, rễ, chỉ cần bỏ sót vài sợi tơ, chúng tiếp tục phát triển như di căn ung thư. Thanh toán lũ giặc này tớ phải dồn cỏ khô đốt hết từng lớp rồi dội nước sôi như sắc thuốc bắc. Cậu hỏi tớ định xơi tái cái Truông này phải không?Có thể lắm. Cậu còn nhớ tay Đỗ Trọng Hùng thường hay đi săn với tớ nữa không?
- Thằng cháu đích tôn của cụ nghè ở làng Văn Hào, đứng đầu khoa bảng cả nước này ai cũng biết.
- Anh ta đậu đại học thông thạo tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung Hoa, vào hải quân tung hoành dọc bờ biển miền Trung đánh chìm 5 chiếc tầu chiến. Bọn địch sợ khiếp vía tôn là con cá kình. Tớ đánh đấm bị giặc bắt cầm tù 4 bận.Cú thứ 5 bị ngồi bóc lịch tại Đà Nẵng. Anh ta giải phóng đồn mới được tồn tại đến nay. Có lần Trọng Hùng chỉ huy bao vây một đồn hơn nửa tháng không làm ăn gì được. Anh ta cho đặc công do thám biết tên chỉ huy mới chuyển đến thuộc dạng lính cậu máu gái. Hùng mạnh dạn trao quyền chỉ huy cho cấp phó tìm đến trại giam nữ khinh quân chọn một cô xinh xắn, khôn ngoan, lịch lãm dắt vào đồn yết kiến sếp bốt. Qua một ngày giao lưu, đàm phán, phân tích về cuộc chiến, cô nữ khinh quân tươi đẹp luôn luôn bám sát, tỏ tình ... cuối cùng tên sếp chịu khuất phục ...
- Quân ta không mất một giọt máu, viên đạn thu được cơ man vũ khí, chiến lợi phẩm.
Thuở mài đũng quần trên ghế nhà trường, những ngày nghỉ hai đứa cùng đi săn. Khi qua truông Vảy anh ta nhìn ngắm khắp trời đất rồi bảo tại đấy nếu sửa sang cũng cố có thể thành một kênh PANAMA, SUÊ trên cạn,quan trọng hơn vịnh Cam Ranh.Các nước lớn thường nhòm ngó.Tớ không phải là nghị gật, nhưng trên ghế nhà trường đã rõ ít nhiều địa thế lợi hại cùng nhẹn nhau, khi trao trả súng đạn cho quân đội sẽ trở về tìm cách củng cố.Không ngờ tớ về trước. Còn Hùng sau đợt chiếm đồn, bị địch tìm cách bắt sống cho vào tàu há mồm, biệt tăm ...
Cậu ạ !Mình không ngờ làm thằng phu lục lộ với bộ mặt quỷ khóc thần sầu phơi thân ngoài mặt đường.Phải di chuyển xa hàng đến hơn một cây số. Dụng cụ nặng gần 15 cân thường phải cất dấu trong các bụi rậm cho đỡ công vận chuyển. Mình tự nhận là phu lục lộ cứ im lặng mà làm, sau đó tìm cách khắc phục.Quân nghe Trút thổ lộ, lòng nghẹn ngào.Đường Truông còn dài, đặt địa vị mình vào đó ... có khi phải rút lui. Riêng việc sống chui lủi cơm niêu nước lọ, loài vật còn có bầy đàn ...
Quân không giữ nổi cảm xúc ôm bạn vào lòng xiết chặt vòng tay quay mặt về phía sau đôi mắt rưng rưng nức nở : - Cậu cứ yên tâm.
Hôm sau đúng ngày phiên chợ. Chiều đến chờ lúc mọi người xuống dốc trở về, trên một bãi cỏ bằng phẳng Quân mời mọi người tập trung, thổ lộ công việc dọn đường ngày càng gian nan vất vả vì di chuyển. Có người đề xuất việc làm lều. Tất cả rầm rộ tán thành bàn bạc phải chia thành tổ theo từng địa phương cứ 2 cây số dựng một cái đủ chỗ ăn ngủ, nước nôi sẵn sàng vừa là nơi cho “ngài” nghỉ ngơi. Việc bàn bạc rất nhiệt tình sôi nổi.Họ bảo phải gọi nơi “ngài” đến như ngày xưa các vị vua chúa ngự giá thân chinh. Cấm không được gọi lều mà biển đề : “Vi La Xuyên sơn”. Cũng như các vị hoàng thượng, khi gặp đức “ngài” mọi người phải cúi rạp đầu xuống.Tuyệt đối cấm liếc trộm xem long nhan, ngọc thể. Họ khuyến cáo đanh thép:
- Chúng ta đi trên đường “ngài” tu sửa là rõ hình ảnh. Cũng như nhiều đứa trẻ hỏi bậc thân sinh :
- Tình yêu của mẹ ở đâu? Phải tưởng tượng mà biết.
Vài hôm sau Quân đưa Trút đến thăm Vi la đầu tiên đó là một ngôi nhà tranh 3 gian tường đất dầy 2 gang bằng sỏi đá, quét vôi trắng xóa. Trên xà dọc chính giữa có bức hoành phi bằng giấy trang kim khoảng nửa tờ báo nhân dân với hai hàng chữ vàng nền đỏ lấp lánh
Xuyên sơn lập nghiệp kinh doanh
Động vảy khai thông phú quý.
Chốn trú ẩn này giúp Trút giảm bớt việc vận chuyển và cất dấu dụng cụ. Anh mang giỏ ngang lưng cầm gậy đập đập vào bụi rậm cho lũ vắt sên rơi xuống,vừa xua đuổi rắn rết, miệng hét vang vui vẻ phấn khởi.
Sườn non chim hót véo von, suối ca vui
Suối ca vui, suối ca vui tưng từng.... (2 lần)
... Đàn chim hót vang lừng trên cành
Bên suối reo trong nương cây xanh.
Muôn tia nắng chiếu trên đồi hoa vàng
Ong bướm bay tung tăng nơi xa.
.... Ngày xanh tươi trong sáng sống tang bồng chí trai.
Hướng đi lên với ban mai ta tìm chân lý thiêng ...
Anh hát thường xuyên các bài đủ loại nhạc điệu không kể vui buồn để xua đuổi tư tưởng vơ vẩn trong đầu óc gọi là tẩy não hay thiền động để dưỡng sinh và thu năng lượng trời đất nhất là những vùng khí hậu trong lành tốt đẹp.
Trút đi mon men ngược dòng suối để thu hoạch thức ăn từ mồi giun, gạo, cám rang để bắt chạch, lươn trong ống nứa (thả Trúm). Tôm, cá, tép trong vó lưới. Cá khé (cua núi) từ sợi giang cho mồi giun luồn trong hang nước. Việc bắt loài này phải nhẹ nhàng, kín đáo. Khi cua vừa ló khỏi hang lập tức đưa 5 ngón tay phải đè, ấn cái mai, nắm thật chặt rồi bỏ ngay vào giỏ buộc ngang lưng. Chẳng may sẩy tay hai càng nó cắm sâu thủng da thịt, bám chặt hơn đỉa đói, đau xót kêu trời chẳng thấu. Lúc đó phải khôn ngoan cho bàn tay xuống nước con vật mới buông càng lủi vào hang. Loại cua núi này vỏ nâu lúc nấu chín mầu vàng rộm, gia giảm tép dứa với chuối xanh, kèm ít muối, rau mùi vị thơm lừng, đầu óc tỉnh táo như được hồi sinh. Các loại hải sản khác kể cả bào ngư phải kính cẩn cúi chào bằng cụ. Món ăn này lúc nào Quân tới chơi mới bắt về khoe. Anh vãi thóc gạo ra sân gọi các loại gà, những đàn chim bay về hội họp, ôm tay vào chúng nó mà ve vuốt, mơn man bộ lông mềm mại cùng nghe các dàn nhạc của đàn lông vũ rồi ra vườn cấu một ít rêu bám vào thân chè làm hơi thuốc lào.
Chiêu đãi bạn còn có các loại canh cá tràu, cá quả, cá chép cùng với rau thơm chỉ cần rửa qua nước suối.
Những lúc đó hai chú vện vàng cũng được thưởng thức phần xương xẩu với câu nói hồ hơi thân thiết của ông chủ và các loại hoa quả.
- Tao xơi gì mày cũng có phần, phải nhanh mắt to mồm đề cao cảnh giác. Chúng mày còn sướng hơn tao khi vào rừng lũ sên vắt nhảy bám vào chi chít chỉ rùng mình vài cái là rơi tuột như nước đổ lá sen.
Sau lúc ăn uống nghỉ ngơi Trút thường lấy báo do chính quyền cấp cho mỗi tuần 3 tờ để thông tỏ tình hình vì không có ti vi.
Theo ngày tháng, Trút tu sửa đường động đến cái cồn cao hơn 2 đầu người chu vi khoảng hai mươi thước. Tại đây dân buôn phải trèo leo chống gậy đỡ đầu cho nhau, kéo lê quang gánh, mồ hôi đầm đìa quần áo. Vượt qua “cổng trời” họ tiếp tục xuôi dốc.Gặp chỗ cây cối thưa thớt họ buông tầm mắt nhìn qua cánh đồng bằng phẳng độ vài cây số là thấy mặt biển xanh lơ đất Cảng, thuyền buồm chi chít cùng tàu thủy kéo dài những làn khói trắng lờ mờ.
Trút quan sát ụ chắn, nhiều lúc tìm cách giải phóng mặt bằng thường đi vào ngõ cụt.
Công việc sửa đường tiếp tục đều đều, khiến anh quen thuộc đường mòn lối tắt, thêm nhiều “vila” hỗ trợ nơi ăn chốn ngủ.Trước mắt hãy giữ gìn sức khỏe.Trút đang sống bình yên thoải mái bỗng gặp việc lạ lùng ngoài sức tưởng tượng. Quân đưa đến một bức thư có dấu bưu điện từ Singapo cùng hàng chữ đầy trọng vọng: Kính gửi anh Xuyên Sơn
Trút cầm thư bàn tay run run dụi mắt mấy lần ngỡ như mình đang mơ. Về sau đọc kỹ biết tên chủ nhân là Trọng Hùng lòng anh bàng hoàng không thể nghĩ nổi người bạn bị bắt đang tồn tại là sếp một Tổng công ty nổi tiếng.Không ngờ tên đầu sỏ của một đất nước nghèo nàn đứng vững trong nguy nan dám sánh vai đọ sức cùng một xứ sở phồn vinh như đất Hoa Kỳ.
Trút ôm thư vào lòng tận hưởng tài ba đối ngoại của người bạn thời nối khố,vui mừng gặp lại nhân tài lỗi lạc đã vinh danh cho dân bảo đảo chữ S. Trong thư có đôi lời giải thích đã vận dụng phương pháp “mồm miệng đỡ chân tay”, phải biết người biết ta. Nhất là phải có trình độ văn hóa cao, tầm nhìn xa, thông thạo ngoại ngữ và tinh thần thực sự cầu thị.Nhờ bị bắt, bước chân ra ngoài mở rộng tầm mắt, mạnh dạn táo tạo vay tiền lập nghiệp. Buổi đầu thua lỗ suýt vào tù vì vỡ nợ ... Ra nước ngoài kiếm chác được ít nhiều lòng riêng đau đáu nỗi nhớ nhà đến rơi nước mắt không kể hết đành mượn câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan giãi tỏ nỗi niềm :
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia ...
Hùng tỏ ý xin hồi hưởng được cấp trên đưa mẫu giấy bắt buộc phải có nhân vật có uy tín chứng thực bảo lãnh ...
Trút đặt bức thư vào giữa lòng hai bàn tay dơ ngang trước trán lòng đầy ngưỡng mộ. Hùng ơi !Không cần phải dài lời.Cậu nhớ tới thằng nối khố làm phu lục lộ hỏi thăm là quý lắm. Tớ không phải là thằng ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, mất hết nhân cách quên thuở nối khố, được cứu ra khỏi nhà tù. Thời gian cách xa bao nhiêu năm rồi nhỉ?Thức lâu mới biết đêm dài.Nếu cậu ngả về đối phương cũng chẳng sao cả.“Gặp thời thế thế thời phải thế”.Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”[1], tất nhiên phải có thời cơ, biết vận động, quyết tiến.
Quên sao được khi cậu dám mạnh dạn tay không vũ khí bước vào đồn giặc thương thảo. Cái chết treo đầu sợi tóc.Nhờ đó đồng đội thoát vòng lửa đạn. Nhất định không thể có chuyện sau này bị giặc bắt vào tầu há mồm mà quay súng. Hùng ơi ! Nếu lúc nào bụng dạ cũng đa nghi như Tào Tháo thì trong thâm tâm thiên hạ có phục mình đâu !
Vua Lê Chiêu Thống nhu nhược cúi đầutheo giặc về sau biết rõ bụng dạ lang sói đành uất hận mà chết, khi đưa xác về nước quả tim ngậm ngùi vẫn bầm tím không tan.
Không chút do dự Trút ký vào giấy bảo hành chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm rồi bảo với Quân :
- Sống ở đời phải biết sờ gáy, soi chân mình rồi hãy nói đến người. Cuộc sống hiện nay với thời Điện Biên Phủ đã xa vời vợi ...
***
Theo ngày tháng, Trút yên tâm đời phu lục lộ, coi như định mệnh. Nỗi vui nhất là khi nghỉ trong Vila nghe dân buôn tỏ lòng ca ngợi những đoạn đường sáng sủa sạch sẽ khiến họ tăng thêm mặt hàng, đời sống vật chất trong gia đình ngày thêm sáng sủa. Họ chỉ tiếc là qua bao nhiêu năm tháng đi mòn đường chết cỏ vẫn không nhìn được dung nhan ân nhân. Họ đã tìm mọi cách đột nhập, thường bị hai con chó phát hiện om sòm. Có người bàn cách bỏ bả, đánh bẫy, cuối cùng đành rút lui, vì bị phản đối gay gắt.
- Chúng mình làm như vậy hóa ra không bằng con chó.
Điều này ai cũng tán thành là nên có quà cáp, nhưng đưa ra ở đâu?Bằng cách nào? Sự việc đến tai Quân, Vị Chủ tịch bảo: Bà con ta trước hết hãy giúp nhau làm ăn cho tốt. Ai cũng làm ăn khá giả, tôi thông tin cho anh Trút được biết đó là món quà vô giá, sung sướng, mãi mãi vui vẻ với những người biết tỏ lòng quý mến kính trọng nhau như trong một gia đình. Đó là hành động cao thượng nhất.
Hôm nay đang ngồi xổm lúi húi dọn cỏ, bỗng nhiên có người đến bịt mắt, một tay úp chặt mũi lõm đầy hôi thối nồng nặc không gỡ được khiến anh giật mình. Tại sao hai con Vện vàng im hơi lặng tiếng. Đám dân đã lừa những tên bảo vệ trung thành đi đâu mất.Một người biết được bộ mặt quỷ tha ma bắt sẽ đưa dư luận đến đám thanh niên vào nghĩa vụ quân sự. Đã đành là có sự hy sinh mất mát, thà khuất mắt cho đành ... cũng như hiện nay nhiều người cao tuổi biết rằng mình trước sau cũng sang thế giới bên kia .Sinh lão bệnh tử, trời đất chẳng chừa ai. Nhưng làm sao được hạ cánh an toàn ... Tất cả chỉ mong được “Chết ngay” người đó coi như được lên tiên !! Trút đang suy nghĩ thì người lạ hỏi :
- Biết được sẽ buông tay
Câu nói chưa dứt, người nọ đã cưỡi lên lưng ôm chầm lấy cổ hôn hít không dứt. Trút quay đầu lại thấy Quân đang nô đùa cùng gia súc, đầu óc sung sướng bàng hoàng suýt ngã xuống đất.
- Trời ơi !Hùng, vẫn bắt tao hít hơi rắm hả.
Hai người vào lều . Phu lục lộ ngắm bạn cũ, thấy bộ đồ bạc mầu tuềnh toàng ống quần nâu lưng lửng phần gấu lòa xòa quá đầu gối như dân cày dưới ruộng nước, hỏi :
- Sao lại ăn mặc thế này ! Ở nước ngoài về làm ăn khá giả phải cho ra bộ một tí để còn “quan trên trông xuống, người ta trông vào”.
- Cậu định bắt tớ ăn diện “Đội mũ mang hia làm mặt lạ
Vác gươm khuân giáo đánh người quen”
Nếu vậy không bao giờ tớ vác mặt lên đây !
- Thế thì có vài củ khoai sương đang nướng trong bếp, chó không thèm ngửi, cậu cầm lấy ăn, rồi đánh rắm, cho bàn tay vào đụng quần bốc lên úp vào mũi nhau mà hít cho đã đời.
Tớ sẽ khao tiếp một bát sứt nước chè xanh hộc cho ấm bụng rồi cầm dúm thuốc lào đánh lửa kéo một hơi cho sướng.
Hùng nhìn kỹ “món quà quý giá” trong bàn tay bạn.
- Rêu bám thân chè xanh đấy chứ.
- Cậu tinh mắt đấy. Loại này không có chất nicotin.
Trút nhìn bạn như đôi tình nhân lâu ngày gặp mặt, hơn cả bộ đội xa nhà đằng đẵng được về với vợ. Anh muốn thổ lộ tình cảm, chẳng biết nói năng như thế nào, giống như chuột sa vào chĩnh gạo, gà đói lọt vào sân thóc vẫn cứ cào bới rồi thụt lùi quẹt mỏ xuống đất tìm kiếm.
Quân ngồi ngắm đôi bạn thân thiết, chạnh lòng với lớp cùng tuổi trong cơ quan, chính quyền lúc nào nói năng cũng đắn đo, xét nét,miệng cười nhạt hơn nước ốc. Tay bắt mặt mừng mà đôi mắt như kẻ xa lạ.Lại nhòm nhòm ngó ngó như thể đối phương là việt gian. Anh tìm lối rút lui, Hùng lấy trong túi du lịch ra tặng một bộ complet đủ cravat, gilê, mũ, giầy, đút vào túi quần “cán bộ” một phong bì hé lộ những tờ đô la mầu xanh.
Quân chỉ nhận bộ quần áo. - Thấy anh về đây tôi rất vui mừng. Ngày mai chúng ta còn gặp nhau nhiều.
Trút tiễn bạn, vào lều nói với Hùng :
- Thằng cha này vẫn mộc mạc thời lính Điện Biên. Hiếm lắm !
Hai người tâm sự. Hùng hỏi Trút .
- Tại sao cậu lên đây ?
- Đằng ấy mau quên thế.Chúng ta đã hẹn nhau xây dựng Truông này như kênh đào Panama, Suê trên cạn.
- Đúng hẳn như vậy không?
- Vào đây mọi ngwòi vẫn bảo mang tính tự ti, nửa điên nửa dại nửa tâm thần chưa được mời đi Trâu Quỳ, Thường Tín.
- Thôi được, tớ tin tưởng là cậu rất an tâm.
- Vì sao !
- Nhìn Vila thì rõ.
- Bây giờ có gì trục trặc nữa không?
- Trên đỉnh Truông có mô đất to lớn đầy cây cổ thụ, không làm ăn gì được.
Hai người bạn việc thanh toán vật cản.
Hùng bảo :
- Việc này không thể đưa sức lực thủ công mà phải dùng ít nhất 10 cân mìn.
- Lấy đâu ra ! Công an tóm được vào tù cả nút.
- Tất nhiên, nếu lộ tẩy - Cứ chắc chắn là không thoát, mỗi người ngồi bóc lịch 6 tháng đến một năm.
- Chẳng sao cả, có gan ăn trộm, có gan chịu đòn. Nhưng đây là việc làm chính nghĩa.
- Đừng lạc quan tếu.Không ai hiểu cho đâu. Đây không phải là ăn cơm nhà vác ngà voi.
- Biết ngu vẫn cứ làm là đại ngu.
- Thất bại nặng nề như vậy có dám làm không?
Cả hai người cùng nắm chặt tay nhau quyết tâm thực hiện. Hùng bảo : Mình muốn mua cứ ra chợ Giời ở Hà Nội. Thượng vàng hạ cám cái gì cũng có. Công an tóm cổ được không? Phải khẳng định là đến mùa quýt vì không có đường dây nóng, không phải là kẻ làm ăn thường xuyên. Việc chính nghĩa bao giờ cũng thắng.
Tuần sau hai người thuê xe ra Hà Nội mua mìn. Hùng cầm tay lái, Trút ngồi bên cạnh mặc áo ba lỗ, quần đùi. Dọc đường nhiều đoạn công an bắt dừng lại kiểm tra. Trút đưa giấy đi khám bệnh ở Bạch Mai. Họ thấy một thương binh hình thù kỳ quái liền cho xe qua. Hùng lấy tiền ra hối lộ đều bị họ quắc mắt từ chối. Anh nói với bạn : Ta mua thuốc nổ đưa lên xe là tự sát, liền lấy bông vải, giấy mềm cho vào hộp, chằng buộc lơ lửng tránh va chạm.Vũ khí đem về, tay Việt kiều đục đất đút mìn thật sâu vào vật cản, lắp giây cháy chậm chờ đợi một đêm bão táp, mưa to, gió lớn, sấm sét ầm ầm, giật cho nổ tung ụ đất bay tan tác đến 10 thước, để lại vũng nước sâu như hố bom.
Hai người thu dọn mặt bằng hơn ba tuần. Quân đến thăm mời cán bộ xã, huyện cùng tham quan. Trong lúc trò chuyện Hùng đề xuất mở rộng đường động 6 thước, nhận tài trợ chi phí. Anh lên cấp trên xin giấy phép, một năm sau mới hoàn thành được chấp nhận. Công việc chậm trễ vì thủ tục hành chính phải qua cụ Rùa. Nghe đâu theo thời đại mới nó được đóng móng đinh như ngựa, đau đớn rơi cả nước mắt vì chưa quen lắp chân giả bao giờ. Cụ hỏi tại sao không làm cho lũ có bờm, cấp trên bảo bọn đó phi như gió ai cũng biết, nhưng vì nói năng dứt khoát không nể nang bao giờ cũng “Thẳng như ruột ngựa” dễ mất cần câu cơm nên không được tôn bằng Cụ như ngài có mai chậm rãi chắc chắn. Ngài thường được lên đình đội Hạc vốn dòng “Cây cao bóng cả” xuống đền đội bia của những “Nhân tài là nguyên khí quốc gia”.
Hùng phải nhả mấy chục phong bì VNĐ, nếu không công trình đắp chiếu muôn năm.
Được cấp phép Hùng thuê hơn chục xe ủi làm việc liên tục hơn hai quý. Ngày khai trương mở đường đợt thứ nhất - theo dự kiến của Hùng là 3 lần mới tạm hoàn chỉnh - Trút băn khoăn nhất về chi phí. Nhà tài trợ bảo cứ yên tâm.Với 6 cái Truông như thế này vẫn cung nạp.anh chỉ mong dân giầu nước mạnh, ăn ở công bằng hạnh phúc, nguyện đem mọi khả năng chi viện. Có ra ngoài mới thấy nỗi ô nhục nông nổi “Trong nhà nhất mẹ nhì con”, “Mẹ hát con khen hay”, cúi đầu như vịt không bao giờ ngẩng mặt lên được.
Hùng nhắc thêm là mọi việc không bao giờ bằng phẳng như ngựa phi giữa bãi sa mạc, trên cao nguyên bằng phẳng lộng gió. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng.
Đúng như anh ta dự đoán, sau việc khai thông bỗng có lệnh đình chỉ mọi hoạt động.
Quân đưa cho Trút thông báo bắt trở về địa phương. Phu lục lộ nghe tin như sét đánh ngang tai. Cơ thể mạnh khỏe bỗng dồn xuống rệu rã.Từ nay còn đâu những ngày lầm lũi ngoài đường cùng hai con chó.Còn đâu cảnh vui đùa với đàn chim, ngắm sương núi bồng bềnh bảng lảng buổi ban mai.Đôi chân Trút quỵ xuống, bước thấp bước cao nặng nề.Anh đưa mắt lờ đờ khắp trong ngoài lòng đầy nuối tiếc.Thôi hết rồi, từ nay vắng biền biệt tiếng cười nói của dân buôn nô đùa trên đường động.Cuộc đời suy sụp đến mười tuổi vẫn cố vươn lên, vươn mãi, vươn mãi. Tư thế đứng giần giật, đôi tay chới với 5, 6 lần mới níu kéo được bức hoành phi bằng giấy trang kim, vỗ vỗ vài cái cho sạch bụi luồn nhè nhẹ qua áo vào ngực trái ém lại chỉ sợ bay mất.
Quân nói rõ tình hình cho hai người được biết.Cồn đất trên đỉnh đường động bị san bằng ảnh hưởng rất lớn đến rốn con rồng thuộc dãy núi. Một nhà phong thủy bắt đình chỉ lập tức việc mở đường kẻo để xe cộ qua lại làm rối loạn bộ phận tiêu hóa thần linh.
Hùng nhẹ nhàng ca ngợi :
- Ngài phong thủy chúng ta vô cùng khôn ngoan, rất linh cảm nhận xét tài về ba chỗ dựa này vô cùng cao cả như da với thịt, không còn ai hơn nữa.Mỗi năm chúng ta sung sướng được tổ chức 8 nghìn lễ hội. Đền chùa được phép nối tiếp mọc lên như nấm gặp mưa. Đâu đâu cũng được hô hào cổ xúy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mới có bài thơ cổ động dưới chân ngài:
Tháng giêng là tháng phồn hoa
Tháng hai công trạng tháng ba lô đề
Tháng tư khai hỏa hội hè
Tháng năm xuất khẩu bùa mê xây nhà ...
Người phu lục lộ bỗng ho khù khụ, hai tay ôm ngực giữ bức hoành phi mang đầy ảo vọng, thầm thì với Hùng : “Ngựa phi ắt có ngày quay cổ”. Người bạn im lặng vẽ xuống đất một vòng tròn.Trút nhìn chăm chăm mắt phải mở trừng trừng. Vết thương trên mắt trái nhói lên những tia máu đỏ chạy giật giật chừng chực vọt ra ngoài. Thân thể giật bắn lên một lúc rồi ....đột quỵ
4/6/2016 (28/4 Bình Thân)
KẺ Ở NGƯỜI ĐI
Nguyễn Vinh Tú
Việc này, tôi chưa hề thổ lộ cùng ai, kể cả bố mẹ, vợ con, bạn tâm giao thân thiết nhất. Chẳng phải chuyện “khó nói”. Các nhà văn, nhà báo sáng tạo ra rất đúng, hay và tế nhị lắm. Tôi vốn có tính mặc cảm từ bé, lại sống trong chốn ao tù nước đọng dưới bóng tre xanh, ngoài ra quanh năm, con trâu đi trước, cái cày theo sau. Gà gáy đầu đã đầu tắt mặt tối, chó không biết mặt chủ thì chuyện trai gái tỏ tình nghe có vẻ xa lạ. Trong gia đình, còn ngoài xã hội mù ti, mù tịt. Thỉnh thoảng họp thôn, đoàn thể toàn chuyện bờ ao giếng nước, với tính mặc cảm, dù đi đến đâu nữa vẫn như người cận thị.
Chuyện mất mát, đây không phải là tiền nong. Việc này, trăm phần trăm nhất định là đám con cái. Còn vợ, tôi không mảy may nghi ngờ vì tính tình thật thà như đếm, ngày xưa quê mùa ra sao, bây giờ vẫn dẫm chân tại chỗ. Con cái bây giờ khác xưa nhiều lắm. Hàng ngày, phải tiếp xúc “Quan trên trông xuống, người ta trông vào” khác hẳn. Cũng nói thêm, bà xã tuy quê một cục nhưng đã cảm nhận được sự an tâm là “Ngày xưa ta chỉ có đêm, bây giờ ta lại có thêm ban ngày”, tức là hai mắt nhắm nay đã được mở. Kèm theo đó là không đến nỗi thần hồn nát thần tính, ngơ ngác như mất sổ gạo, còn biết đùa với nhau, tiến lên chủ nghĩa xã hội tức là rồng rắn xếp hàng cả ngày. Vợ không quấy rầy tôi về vật quý, chỉ có con. Nó là một vật thể sống song hành cùng tôi hơn cả vợ chồng, nói cho rõ hơn là như hình với bóng.
Vậy con cái là những đứa nào. Nếu điều tra, khám xét như công an, là quá nặng nề. Chúng nó tự vợ chồng sinh ra, chung giọt máu đào đâu phải người dưng nước lã. Cho nên, vua nước Sở mất cung, người nước Sở lại được. Nói rõ hơn một chút là lọt sàng xuống nia. Như vậy có giống tham nhũng không, hay là ăn vụng, ăn trộm vặt. Bấu của bố mẹ một tý như ngày xưa dân ta bấu xăng của Nhà nước để cho vào bật lửa, có đá lửa với bông, không phải dùng đến ga. Mậu dịch các nơi đều bán các thứ đó nhưng khốn nỗi, không có nơi nào bán xăng cho bật lửa. Đành phải bấu của nhà nước qua các chàng lái xe. Con tôi bây giờ đối với bố mẹ không hề có hiện tượng trên. Chúng làm ăn khá giả. Điều chúng lo lắng nhất là làm cho cuộc đời (không phải cuộc sống) của các bậc thân sinh được mát mặt mát mày với mọi người.
Đồ vật của tôi mất quý báu vô cùng. Nó gắn kết vào cuộc đời ba chìm bảy nổi như bóng với hình. Đối với con tôi thì nó không đáng một xu, còn tệ hơn thứ rác rưởi, cho bọn đồng nát nó còn đá đi. Vậy mà tôi nhớ vô cùng. Ngủ yên giấc thì chớ, tỉnh dậy là đôi mắt nhìn nhớn nhác khắp nơi tìm kiếm. Chỉ tiếc, không dám lộ ra hành động. Đến giờ đi học, cả nhà vắng vẻ tôi mới tay đèn pin, tay gậy khua chọc dưới gầm giường rồi dùng chổi làm vệ sinh như chuẩn bị đón khách, giỗ Tết. Tìm trong nhà, ngoài vườn không thấy, bây giờ chỉ còn đoán là chúng đã vứt xuống sông bên cạnh. Tôi cởi quần áo lội xuống nước hì hụp mày mò. Hai bàn chân khua nhè nhẹ kẻo đụng vào mảnh sành, chai... Người đi đường thấy, hỏi, tôi bảo là mò trai, ốc, hến. Tôi đi ngang, dọc, chéo đến vài giờ, vài ngày xuôi theo chiều nước chảy hơn một cây số, vẫn vô tăm tích.
Lúc đó, đầu óc hồi tưởng rất mãnh liệt như thấy trước mắt những cảnh leo núi đá tai bèo, hoặc khi chạy càn, truy kích địch ở đồng bằng tráng địa. Nhờ vật quý, tôi đã được phong chiến sĩ thi đua, thưởng huân chương. Nó phải kèm loại phụ tùng tuy nhỏ, chẳng khác chi xe ô tô, xe tải thời đó, đề cho nổ máy không được phải dùng ma ni ven. Tay quay có nhà sản xuất. Riêng phụ tùng của tôi phải tự lực cánh sinh hoàn toàn. Có lần bị địch càn quét, phải cởi quần áo lội sông, lên bờ không kịp mặc phải mình trần như nhộng cùng toàn đội lội chạy giữa đồng nước mênh mông tráng địa. Trên trời thì máy bay bà già lượn vè vè, trông thấy cả thằng giặc lái, các đường đi bị bao vây, đầy xe cóc, xe lội nước đủ loại đạn lõm bõm dưới nước như mưa. Đận ấy chạy thoát thân, mất luôn vật quý phải 5 ngày đêm hành quân liên tục đói, rét, khổ hết chỗ nói, bàn chân sưng húp vì ngọn cỏ gianh. Tuy vậy, cứ phải chạy vòng vo ở thế cài răng lược giữa ta và địch. Trên hai vai thường trực một khẩu trung liên, bao gạo 10 cân, ngang lưng còn xẻng, lựu đạn để quần nhau giữa ta và địch. Gặp lúc nghỉ ngơi có dịp lấy chiến lợi phẩm tạo vật quý để chống càn. Nhờ nó, dù lần này phải chạy vòng vo như con kiến mà leo cành đa để bám chặt thắt lưng địch mà sau đó khi tắm giặt cùng nó được kỳ cọ, khi ngủ được làm gối.
*
* *
Giờ đây, khi đất nước hòa bình, mất vật quý, tôi suy nghĩ tìm cái khác thay thế. Đó chỉ là việc vặt. Nói thì dễ, thực hành không ngờ lại gặp nhiều khó khăn về tư tưởng. Nếu làm được tôi phải giấu thật kín. Để trong nhà, cái kim trong bọc lâu ngày dễ lòi ra. Tôi sẽ đem ra vườn để giữa 2 ổ gà ấp lấy rơm phủ kín. Lúc nào các con đi học, tôi đem ra dùng. Mặc dù được chúng nó sắm sanh đầy đủ, đẹp tốt miễn chê. Nhưng hạt gạo làm ra dù kém phẩm chất vẫn ngon hơn hàng chợ. Nói là làm. Ba lần ra đầu phố để mua sắm lại trở về vì nghĩ rằng dù làm được, thoát sao lúc dùng bị phát hiện. Đi đêm lau ngày cũng gặp ma. Khổ cái là nhà lại 7 đứa con. Cái Sót mới 9 tuổi cho qua. Cái Lục tuổi 12 miệng hay bép xép. Tuy gặp từ xa đã mau mồm cất tiếng chào, tôi sẽ tìm lối rẽ. Cái Ngũ tính bộp chộp nhưng bảo sao nghe vậy, không hề hé răng, ngoan nhất nhà. Chỉ có 4 thằng con trai đầu, nhanh nhẹn hoạt bát thông minh, học hành vượt chúng bạn, ăn nên làm ra. Nghĩ đi: Con hơn cha là nhà có phúc. Nghĩ lại mệt lắm. Của quý của tôi mất đi, do 4 tên này, có đem chém cũng không sai.
Nhà cửa chúng nó làm lại khang trang, không còn cảnh “Mái nhà dột bên cột nhà xiêu, làm ăn vất vả, thân vẫn nghèo thê thảm chưa!”. Đó là câu hát một thời khi mà người ta thường nói: Nóc nhà xa hơn chợ. Đằng này một tuần, ba bốn lần lên xuống nào dọi, nào thay lá cọ, bịt đường chuột chạy, mèo cào sưởi nắng...
Bây giờ thì bão Ai dan tàn phá một thành phố Phi líp pin, đến gặp nhà tôi cho giở trò lốc xoáy, chỉ quật đổ vài cây vớ vẩn mà khóc.
Khách khứa hàng ngày vào ra tấp nập. Các con tôi, quần áo complê đồng màu, cravát nẹp nhôm sáng loáng. Trời nắng chảy đường nhựa cũng phải có ghi lê cho đủ bộ, đó là chưa kể đến giầy đen véc ni thường xuyên bóng lộn. Ngang lưng thì thắt xanh tuya khóa mạ kền theo đầu tên từng chữ: N.N.T.T - Nhất, Nhị, Tam, Tứ.
Khi có khách chúng lập tức thúc giục như xua vịt xuống ao:
- Bố vào buồng đi!
Chả là tôi thường ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, hai bàn tay các đường chỉ đen ngòm, muốn rửa sạch phải 6, 7 nước xà phòng, bàn chải, vài chậu nước. Cái Năm được sai phái đến quá ô sin làm vệ sinh như kiểu tắm rửa cho con Sót. Tôi chỉ được quyền lo vườn tược khi vắng mặt 4 cậu con trai và cái Năm. Mỗi lần chúng nó về đến cổng là tôi phải vào nhà dưới xem ti vi, hoặc xem báo. Gặp khi tiệc tùng, cái gì ngon, cao sang đều được đưa đến trước một khay. Bọn trẻ trọng đãi như vậy nên tôi tuy sướng thân thật, nhưng cũng mủi lòng vì nỗi mất mát, cho nên không có điều vào tiếng ra.
Của quý có lẽ bị trôi sông lâu ngày cũng nguôi ngoai thì gần đây, quả thật là bất ngờ. Tôi đang giữ cái phụ tùng của vật mọn đó.
Hôm đó, tôi vừa tắm xong đang thay quần áo, để vật kỷ niệm cuối cùng lên chậu rửa mặt cạnh vòi nước.
Thằng Tứ vào đánh răng bất ngờ nhặt được, im lặng rón rén ra đường vứt xuống sông. Tôi kịp xỏ chân vào quần chạy ra, thấy vật đó trôi bồng bềnh về xuôi qua một cái cầu. Tôi đứng trên đó, cúi người, ngực tựa vào lan can đôi mắt đăm đăm nhìn xuôi theo mãi cho đến lúc chỉ còn là chiếc kim nhỏ rồi mất hút. Thế là nó được giải thoát vào sông Nhuệ, đến sông Hồng, ra Biển Đông.
Cái xâu tre đang theo chủ nó là đôi dép lốp hòa mình vào đại dương. Tôi chùi mắt tràn ngập nhớ thương về kỷ niệm một thời. Chúng đã may mắn sổ lồng, sẽ tiến bộ vượt bậc hơn chủ nó nhiều, nhiều lắm với thời toàn cầu hóa.
Ghi theo lời kể của một cựu chiến binh
Noel, ngày 25 tháng 12 năm 2103
CÁT BỤI
Truyện ngắn Nguyễn Vinh Tú
Cát nhảy , nhảy từng bậc một, từ dưới biển lên, rồi cát bay vụt lên cao thành một cột khói giữa đoàn quân. Cát bay vung vít khắp mọi chỗ. Cát bay ra thao trường quấn quýt lấy bộ đội và cuốn theo hàng quân. Bộ đội đi đến đâu, cát tỏa mịt mù đến đấy. Cát bốc lên nhẹ thì giống như một đám sương mù, đậm thì giống như làn khói của một chiếc tàu thủy. Cát bay cả ngày lẫn đêm. Cát bay che khuất cả mặt trời, lấp cả trăng sao. Thật chưa đâu cát bay nhiều như ở đây. Thừa cơ, cát theo đất, theo bụi, theo gió bốc lên. Cát luôn luôn bám sát bộ đội. Đoàn quân nhạc với những bộ kèn sáng loáng đã bị cát bám mờ cả ánh đồng. Các đồng chí ấy thổi bằng gì? Phải chăng là thổi bằng hơi cát, hơi bụi! Bụi đã nhiều, cát lại nhiều hơn. Tất cả như quyện lấy nhau lan ra khắp mọi chốn. Cát phủ đầy giày, đầy tất và như dát lên áo quần. Ngọn cờ phấp phới trên cao vùi vọi thế mà cát cũng vươn cao khỏa lấp. Cát đã phủ lên mặt bộ đội ướt đẫm mồ hôi. Cùng với đất, cát biến thành một thứ bùn nhão, gắn chặt vào da, lớp này lớp nọ chồng lên nhau. Bàn tay đẫm mồ hôi và cát bụi, thoa vào nhau ra từng cục đất sét mềm nhũn. Cát còn chui vào người. Cát luồn vào lỗ mũi, thốc vào miệng, vào răng. Cứ mỗi cái ngáp dài là một cơ hội cho cát lùa vào tận trong cùng cuống phổi. Ngậm miệng lại, nghiến răng nghe lạo xạo. Nhưng cát chưa bay vào đâu “sướng” bằng vô con mắt. Bộ đội phải đứng nghiêm hàng giờ mở trừng trừng đôi mắt mà hứng lấy cát. Thế rồi trong cát bụi, người ta chẳng còn trông thấy gì nữa hết, chỉ còn nghe cát bay rào rào. Cát lại còn chui vào nòng súng, chui vào cơ bẩm. Bộ đội đi về doanh trại cát cũng theo về. cát bay vào ca, vào bát, vào bình toong nước uống. Cát đậu vào rau thịt, bám đầy mô-lô-tô-va. Cát trộn vào cơm, cát nằm trên bạt ngủ trong chăn hoặc có khi đọng lại trong đáy ba-lô. Ngọn đèn dầu hỏa bị cát bao bọc đỏ lờ mờ. Sau mai dậy rỉ mắt ùn cát ra từng cục như viên cát của con dã tràng. Hình như cát không ngủ. Cát cuốn theo gió và cùng mây lang thang suốt ngày suốt đêm. Cát dễ tung hoành nhất là lúc quét nhà. Từ dưới đất, cát nhảy lên giường, chỉ một chiếc chổi hất khẽ cũng đủ cho cát lồng lộn như điên như cuồng và biến thành một đám mây tỏa rộng vào khắp các ngõ ngách. Những phút ấy, toàn thể bộ đội như dòng thác đổ, chen chúc nhau chạy ào ào ra cửa để tránh. Nhưng ác thay, chưa kịp tránh cơn trước thì cơn sau đã thổi thốc đến cùng với lớp cát bụi khác chắn ngay trước mặt. Bộ đội đành phải nhắm mắt nín thở, lấy tay che mắt thúc thủ.
Đã gần nửa thang nay, cát tung hoành khắp nơi khắp chốn. Cát đã luồn đến ruột non ruột già. Bộ đội bắt đầu bị táo bón. Y tá chạy khắp nơi nhắc nhở mọi người uống nước rau. Mỗi người một ngày phải uống ít nhất 2 bình toong. Ngày uống không hết thì đêm uống. Tối đến dùng thuốc đau mắt để nhỏ liên tục.
Qua những ngày cát bụi vùng vẫy như thế, Mịch cũng thấy khó chịu trong người. Tập một ngày 8 tiếng, phơi mình dưới nắng, hít phải hơi cát, lỗ mũi cứ đặc sịt lại. Chiều vềmọi người phải đi tắm cho sạch cát. Ngày nào không tắm rửa hôm sau trong người đã bốc ra một mùi nồng nồng khăm khẳm. Mỗi lượt vò đầu, nước chảy xuống đục ngầu. Giếng tắm ngày càng đông người. Trong tiểu đội không có lấy một cái gầu. Nhân ngày chủ nhật. Mịch đã đi lùng khắp vùng được 3 chiếc thùng sắt. Anh em từ đó mới có dụng cụ múc nước. Mịch đề ra kế hoạch làm việc riêng cho mình. Hôm nào cũng vậy, sáng dậy anh kiểm tra bình toong nước, ai còn thiếu thì lập tức yêu cầu chạy đi đóng ngay. Cả ngày, cả đêm 10 chiếc bình toong lúc nào cũng đầy nước ăm ắp. Mịch rút kinh nghiệm, chỉ có uống nước nhiều như y tá bảo mới được. Hôm nọ vì uống ít nước, Mịch đi táo bón, bây giờ đã đỡ dần. Mịch phải lo liệu thế nào cho quân số tiểu đội ngày nào cũng đông đủ. Một hôm, Lao mệt quá, nằm ở nhà ngủ thiếp đi, trưa về, Mịch vội vàng đến giường thấy chăn xanh đã phủ kín một lớp cát trắng.
Cơn bão đã dịu xuống. Sức khỏe của anh em trong tiểu đội Mịch cũng khá dần lên thì cơn nắng tiếp đến như dội lửa xuống thao trường. Chưa bao giờ Mịch thấy trời nắng gay gắt như vậy. Trời xanh trong vắt. Từ chân trời xa xa, vài đám mây trắng bay lởn vởn. Lá cây héo que quoắt rủ xuống như lá liễu. Những thuyền ra sông đều hạ buồm còn trơ lại chiếc cột gõ. Trên mu, mấy anh ngư dân mình trần, mồ hôi nhễ nhại đang ra sức chống đỡ. Con thuyền lừ đừ dịch chuyển một cách mệt nhọc. Những buổi trời nắng gay gắt như vậy, đang tập giữa thao trường, buồn ngủ quá. Mịch đành phải méo miệng ngáp, không dám che tay sợ ảnh hưởng đến cử động. Từ trong người, mồ hôi chảy xuống đầu ngón tay nhỏ từng giọt một, rơi xuống sôi xèo xèo giữa đường nhựa nóng bỏng. Bong bóng nhựa cũng sủi lên, dẫm phải kêu lách tách. Mỗi lần giơ súng lên, dẫm phải kêu lách tách. Mỗi lần giơ súng, dưới đế dính chặt một tảng nhựa cùng đá sạn bốc hơi nghi ngút. Trán Mịch đã răn lại vì nắng chói. Trong hàng ngũ, phải đứng nghiêm chỉnh hàng giờ, hơi nóng gay gắt của mặt trời cùng hơi người u uất khiến cho mắt Mịch mờ đi. Mọi người nhìn nhau chẳng biết là mắt nhau nhắm hay mở. Được giờ nghỉ vào ngồi trong cỏ, dưới bụi cây nhỏ, hơi cỏ cũng xông lên nồng nồng và hơi bay mờ mờ như hơi sương. Nhìn ra bốn bề mênh mông một màu vàng lóa. Xa xa từng cồn cát, nối nhau lô nhô một màu vàng nhạt. Đế giày cao su mềm nhũn xuống. Dầu mỡ trong quy lát súng đều khô rong. Báng súng nóng bỏng tưởng chừng muốn vỡ toác ra. Bình toong nước còn mấy giọt nóng như nước sôi.
Trong giờ nghỉ, Mịch xắn ống quần lên cho mát. Chân lông đều dựng đứng, thấy rõ từng lỗ nhỏ trên làn da trắng mướt mồ hôi. Từng giọt mồ hôi lăn từ đầu gối xuống ngấm vào tất ướt cả giày. Đũng quần, gấu áo đều vắt ra nước. Có đồng chí tranh thủ vắt áo cổ vuông cho hết mồ hôi lại mặc. Trưa đến, sau bữa ăn, tuyệt đối không còn một tiếng động. Tất cả mọi vật, mọi người đều im lặng, lắng xuống. Mịch nằm dài xuống giường nhìn ra ngoài trời. Một vùng trắng xóa mênh mông. Nắng văng tỏa xuống như đốt cháy đồi cây ngọn cỏ. Anh nhìn vào nhà, mắt đổ đốm xanh, đốm vàng. Mịch chẳng dám trải bạt, sợ mồ hôi đổ ra thêm bẩn. anh lấy quạt ra quạt. Xung quanh đội đội đều nằm cởi trần, cái quạt phe phẩy kéo dài một giấc ngủ nặng nề. Vì không ngủ được, Mịch nhớ đến nước, cầm bình toong đi lấy. Anh tới nhà anh nuôi đã thấy Lao chực sẵn đấy rồi. Mịch hỏi:
- Đồng chí không ngủ à?
- Nóng quá không chịu được.
Mịch nhìn trong nhà bếp. Nồi nước chưa sôi, Lửa cháy hừng hực. Anh nuôi ở trong bếp da đen như cục than, khó mà phân biệt được đâu là cột nhà đâu là anh nuôi. Mịch chỉ thấy một khối đen di động. Tuy chưa đến giờ nhưng các tiểu đội đã đến lấy nước đông lắm. Mịch nghĩ thầm: “Mình đến đã sớm mà còn thế này!” Trong những ngày nắng nôi như vậy, bộ đội đã có một số người say nắng. Tiểu đội Mịch, Lã là người gục xuống đầu tiên. Mịch luôn dặn dò chiến sĩ: “Đồng chí nào thấy đã choáng váng phải xin nghỉ, không được gắng quá”. Mỗi lời y tá cặn dặn đề phòng say nắng, Mịch đều nhớ thuộc lòng. Đồng chí Hoa, trong học tập vì nhận thức chậm nên thường gắng sức. Mịch biết ý, trước một buổi học gần trưa nóng quá, mắt Hoa mờ dần, bước chân lảo đảo, bọt mép sùi ra không còn thần người nữa, thế mà cậu ta vẫn cứ cố gắng. Mịch lập tức cho hai đồng chí dìu vào trong nhà cứu thương. Trước những cố gắng không phải lối ấy, Mịch phải cương quyết mới được. Lần trước vì thiếu cảnh giác với bệnh dịch nên Mịch đã phải để đồng chí Lã về quân y trạm, đến nay đã ba ngày vẫn chưa thấy về. Mịch tự nhủ: “Mình phải tăng cường bảo vệ sức khỏe cho mọi người tốt hơn nữa”. Cơn nắng cháy như thiêu như đốt ấy kéo đến tận khuya. Tối đến, lúc đầu mọi người đang thức còn khá dễ chịu. Đến giờ ngủ, Mịch đặt lưng xuống mà không tài nào nhắm mắt được. Cả dãy nhà hơn 100 con người, đến lúc này đều về tập trung đầy đủ. Nào chăn, nào bạt, nào màn được dịp mang ra đập phành phạch. Bụi bay mờ cả ngọn đèn. Cho đến lúc buông màn xuống, hơi người càng nóng dần. Nhà mái tôn hút nắng buổi trưa, bây giờ tỏa hơi nóng càng dữ. Nhiều đồng chí phải cởi cả áo lót, chỉ mặc một chiếc quần đùi lượn đi lượn lại ngoài đường nhựa dưới ánh trăng suông. Mịch dắt tay vài đồng chí, kéo nhau đi. Ánh trăng tỏa sáng mặt biển. Sóng biển vỗ rì rào. Gió nhẹ thổi cũng đủ ráo mồ hôi. Tất cả mọi người đều lượn đi lượn lại mãi đến 11 giờ mới vào giường đi ngủ. Một số đồng chí buổi sáng tập mệt quá, quen chịu với cái nóng đã đi ngủ từ lâu. Mịch xưa nay cũng quen chịu đựng với gió với nắng, nhưng đến lần này anh cũng phải dùng quạt. Đó là một việc rất hiếm. Mỗi lần Mịch đặt mình xuống lại nghe đau rát cả lưng. Hơn nửa tháng nay, giống rôm độc địa quái ác đến hoành hành dữ dội trong người anh. Buổi đầu, thấy bộ đội có rôm, Mịch cũng cho là thường. Vài ngày thì nó hết đi chứ gì. “Mịch có rôm bao giờ đâu. Thật là may mắn”. Mịch thường nói như vậy mỗi khi nghe bộ đội kêu ca về rôm. Thế rồi và hôm sau, người Mịch cũng đầy rôm. Những lúc đứng nghiêm, gặp nắng, mồ hôi đổ ra đầm đìa rôm mới bắt đầu hoạt động. Ngứa ngáy thực sự hoành hành. Mịch phải bặm môi, nghiến răng, trừng mắt, chẳng dám gãi. Bàn tay nắm chặt tưởng chừng bóp vỡ cả báng súng. Buổi đầu rôm có vài con. Ngày hôm sau rôm lan rộng hết cả lưng. Rồi trước ngực, rồi bụng, rồi tay, rồi chân, rồi chân, khắp mặt mũi cho đến nỗi bây giờ đặt lưng xuống là rát như phải bỏng. Càng đứng dưới nắng càng nhiều rôm. Rôm mọc hết lớp này rồi lớp nọ như muốn bóc da ra. Những lúc nghỉ Mịch chẳng dám gãi. Gãi nhiều mồ hôi ra lại càng thêm rát. Ngày chủ nhật, Mịch phải bảo bộ đội đi tắm những giếng thật xa, thật trong cho mát nên cũng đỡ.
Qua những cơn nóng bỏng da, nắng xém mặt, nào cát, nào bụi, nào rôm, tiểu đội Mịch chỉ vắng mặt có một người, nên đến kỳ tổng kết, toàn đơn vị đã được vinh dự nhận cờ tiểu đội khá.
Tin vui đưa về, ai nấy càng thêm phấn khởi, càng quyết tâm giữ mãi lá cờ danh dự cho tiểu đội.
1957
[1] Thúy Kiều