Tác phẩm chọn lọc

26/3
9:47 AM 2018

AN DƯƠNG VƯƠNG-NHỮNG DẤU CHÂN TRẦN GIAN

NGUYỄN THỊ THANH LƯU-Truyền thuyết càng đầy đặn, càng nhiều chi tiết, càng liên quan đến nhiều địa danh, các nhà khoa học càng có nhiều cơ sở để tham chiếu, đồng thời, càng dễ gây nhiễu loạn cho sự phân tích, bóc tách của họ. Truyền thuyết An Dương Vương là một truyền thuyết đẹp đẽ và bí ẩn vì nhiều lẽ.

Truyền thuyết An Dương Vương - Sự hội tụ tình cờ của những địa danh?...

Truyền thuyết An Dương Vương đã được ghi chép lại trong nhiều sử sách với nhiều cái tên như: Truyện Loa Thành, Truyện Thục Vương, Truyện Mị Châu, Truyện Rùa Vàng, Truyện thần Cao Lỗ, Truyện Nước Giếng - Ngọc Trai, Truyện Mị Châu - Trọng Thủy... Những câu truyện trong dòng truyền thuyết An Dương Vương nêu trên đều có cái lõi chung nhưng không hoàn toàn như nhất ở các tiểu tiết, các tên gọi cụ thể.

Có lẽ chính vì thế mà truyền thuyết này được xem là một hiện tượng phức tạp, không chỉ làm đau đầu giới nghiên cứu folklore mà ngay cả những nhà sử học, dân tộc học cũng không ít lần kỳ công khám phá. Tính đa chiều, phức diện của truyền thuyết này từng được bàn luận khá sôi nổi trong một cuộc tranh luận kéo dài gần trọn một năm trời (12/1960 - 9/1961) trên tạp chí Nghiên cứu văn học. Dĩ nhiên, mọi vấn đề về truyền thuyết này vẫn chưa hề được ngã ngũ.

Nảy sinh từ lịch sử, gắn bó chặt chẽ với lịch sử nhưng đồng thời cũng luôn luôn mang khoác một tấm áo huyền hoặc, đủ làm mờ nhòe đi cái hình dáng ban đầu, sơ khai của lịch sử - đó chính là truyền thuyết. Việc của các nhà sử học là dùng con mắt tinh tường của khoa học lịch sử mà bóc tách lớp sương mù huyền ảo của trí tưởng tượng dân gian, lọc lựa lấy các chi tiết có thật, các nhân vật và sự kiện có thật để bổ sung vốn tri thức lịch sử nước nhà. Nhưng thật là khó cho các nhà nghiên cứu sử học khi muốn đi tìm cái lõi lịch sử trong vô số lớp lang chi tiết được thêu dệt và tích tụ trong truyền thuyết. Bởi lẽ, trí tưởng tượng phong phú và niềm đam mê tái tạo liên tục các truyền thuyết dân gian của nhân dân khiến số lượng các dị bản gia tăng theo thời gian và truyền thuyết cũng không ngừng thâu nhận những giá trị mới, không ngừng lắng đọng những lớp phù sa mới...

Truyền thuyết càng đầy đặn, càng nhiều chi tiết, càng liên quan đến nhiều địa danh, các nhà khoa học càng có nhiều cơ sở để tham chiếu, đồng thời, càng dễ gây nhiễu loạn cho sự phân tích, bóc tách của họ. Truyền thuyết An Dương Vương là một truyền thuyết đẹp đẽ và bí ẩn vì nhiều lẽ. Sự quy tụ của nhiều địa danh, sự liên quan tới nhiều vùng đất đem lại một vẻ đẹp huyền hoặc, thôi thúc sự khám phá cho truyền thuyết này.

Lần theo dòng truyền thuyết An Dương Vương và những nghiên cứu về nó, chúng tôi nhận thấy có 3 địa danh liên quan và có nhiều nghi vấn. Địa danh thứ nhất được đưa ra như một câu hỏi lớn về gốc tích của ông vua Thục Phán. Bằng các vết tích văn hóa mang đậm dấu ấn của các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Choang - các dân tộc cư ngụ ở địa bàn vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc, Quảng Châu, Vân Nam trong truyền thuyết về An Dương Vương, có thể đoán định "nước" của Thục Phán là một nước ở phía Bắc "nước" Văn Lang. Lật giở lại các truyền thuyết của người Tày, đặc biệt là truyền thuyết Cẩu chủa cheng vùa (Chín chúa tranh vua), người ta đặt ra nghi vấn: phải chăng vua Thục là một ông vua có gốc tích miền núi hoặc cụ thể hơn là một ông vua người Tày. Nước Nam Cương của vua Thục vốn đóng đô ở Cao Bình, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Sau khi phế vua Hùng, Thục Phán mới nhập nước Văn Lang và nước Nam Cương thành nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Khảo sát một lượt các biểu tượng trong truyền thuyết An Dương Vương, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều nét tương đồng với văn hóa Tày cổ. Người Tày - Nùng có truyền thuyết về áo lông chim - gợi nhắc đến biểu tượng áo lông ngỗng của công chúa Mị Châu. Có thể nói, sử dụng áo lông ngỗng là một phong tục đặc biệt phổ biến ở người Tày cổ. Thư tịch cổ Trung Quốc xác nhận phong tục dùng lông ngỗng làm gối, chăn, áo ở Lĩnh Nam. Biểu tượng Rùa vàng trong truyền thuyết An Dương Vương cũng rất có thể được bắt nguồn từ vật tổ của người Tày cổ. Các vùng Tày - Thái còn lưu truyền khá nhiều truyền thuyết về Rùa và đặc biệt là họ có tục thờ rùa. Truyền thuyết rùa dạy người làm nhà của người Tày - Thái gợi nhắc đến chi tiết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Ốc[i].

Hai địa danh được nhắc đến trực tiếp trong khá nhiều truyền thuyết nằm trong dòng truyền thuyết về An Dương Vương là Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay) và Diễn Châu (Nghệ An). Cổ Loa là nơi Thục Phán An Dương Vương dốc sức xây thành Ốc, trải qua nhiều khó khăn do sự quấy phá của tinh gà trắng nhưng nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy nên đã thành công. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Bấy giờ đắp thành ở Việt Thường, rộng hơn nghìn trượng, như hình trôn ốc, nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tư Long...". Việt Thường được xác định là Cổ Loa ngày nay. Có thể coi đây là nơi An Dương Vương xây dựng cơ đồ, làm nên nghiệp lớn. Nơi đây còn lưu lại nhiều vết tích như: ba vòng lũy thành Cổ Loa (theo sách xưa chép thì thành Cổ Loa có chín lớp, chu vi chín dặm). Thành được đắp bằng đất, thành ngoại hình bầu dục cao từ 4 đến 5 mét, có nơi tới 8 đến 12 mét. Mặt ngoài thành thẳng đứng nhưng phía trong lại dốc nên mặt trên thành là 6 đến 12 mét, chân thành từ 20 đến 30 mét. Ngoài ra, đền Thục An Dương Vương, Am Bà Chúa, giếng Ngọc (nơi xưa kia Trọng Thủy nhớ Mị Châu gieo mình) cũng là những chứng tích cho thấy truyền thuyết An Dương Vương đã "sống" bằng hơi thở của dân gian, bằng tâm hồn dân gian như thế nào.

Diễn Châu (Nghệ An) là nơi "vua cầm sừng văn tê dài 7 tấc nhảy xuống biển đi mất (tức là sừng tê rẽ nước ngày nay...)".Đại Việt sử ký toàn thư có chép rõ: "tục truyền núi Dạ Sơn xã Cao Xá thuộc Diễn Châu là nơi ấy". Theo các sử liệu, việc lập miếu thờ An Dương Vương đã có từ lâu lắm rồi. Nơi thờ đầu tiên có thể kể đến là một ngôi đền nhỏ ở một mỏm núi thuộc làng La Nham (bây giờ không thấy còn dấu tích nữa). Ngày nay, đền thờ Thục Phán An Dương Vương tương đối quy mô còn tiếp tục hương khói tại Nghệ An là đền Cuông ở Diễn Châu, phía bên tả ngạn cửa sông Cấm.

Truyền thuyết dân gian có khả năng truyền dẫn qua thời gian và lan truyền qua không gian, được nuôi dưỡng nhờ "bia miệng" và sức sáng tạo dồi dào của dân gian. Thế nhưng, một truyền thuyết mà trong đó hội tụ tới 3 địa danh có khoảng cách địa lý thực tế tương đối xa cách như truyền thuyết An Dương Vương với sự xuất hiện của vùng đất miền núi: Hòa An (Cao Bằng), miền đồng bằng châu thổ sông Hồng: Cổ Loa (Hà Nội) và miền trung: Diễn Châu (Nghệ An) lại là một chuyện đáng bàn. Hẳn rằng, đó không đơn thuần là kết quả của tính năng dẫn truyền của truyền thuyết!

... hay là bản đồ chỉ dẫn một mạch đời?

Nếu hội tụ các địa danh trên dưới một nguồn ánh sáng - mạch đời của nhân vật đã được xác định là có thật trong lịch sử nước nhà - Thục Phán An Dương Vương, chúng ta có thể thấy vấn đề sáng rõ ra rất nhiều. Địa danh Hòa An (Cao Bằng) sẽ là câu trả lời cho nghi vấn về gốc tích của An Dương Vương. Vậy, có thể nói, đó chính là nơi phát tích của Thục Phán và cũng là nơi bắt đầu mở ra mạch truyền thuyết về An Dương Vương trên đất Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) và Diễn Châu (Nghệ An).

Cổ Loa với những di tích và những tên làng, tên xóm liên quan, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng nước Âu Lạc chính là địa danh ghi dấu quãng thời gian hùng mạnh của ông vua Thục Phán An Dương Vương. Đó là địa danh chỉ dẫn một quãng đời, một quãng thời gian tiếp nối mạch đời của An Dương Vương.

Mạch đời của con người đặc biệt ấy, của số phận li kỳ ấy đã đặt dấu chấm hết trên địa danh Diễn Châu (Nghệ An). Trong cái bản đồ cuộc sống của An Dương Vương, điểm kết thúc hay chính là điểm hóa thân thần thánh của ông được dân gian lưu truyền là Diễn Châu (Nghệ An) - lúc bấy giờ cũng là điểm tận cùng của đất nước Âu Lạc. Đó là sự thật lịch sử, hay đó chỉ là một tưởng tượng nảy sinh trên một thứ logic suy tư về biên giới của nhà nước Âu Lạc xa xưa? Phải chăng, người xưa coi cuộc ruổi ngựa của An Dương Vương thủa nọ trốn chạy sự truy đuổi của quân Triệu Đà là một hành trình đi đến điểm "sơn cùng, thủy tận", đi đến hết lãnh vực mà ông cai quản, để thấm thía mãnh liệt nỗi đau mất nước, để trong cơn đớn đau cùng kiệt ấy đã lấy vị thế của một ông vua mà rút gươm kết liễu cuộc đời cô con gái yêu ngồi sau lưng ngựa?

Dẫu thế nào, đất Nghệ An vẫn còn lưu dấu biết bao nhiêu ảnh xạ của truyền thuyết An Dương Vương - những mẩu nhỏ dệt nên một huyền thoại còn vang động cho tới tận ngày nay...

Những ảnh xạ của truyền thuyết An Dương Vương trên đất Nghệ An

          Trên đất nước Việt Nam - đất nước mà ở đó, mỗi tên núi, tên sông, tên đồng, tên bãi đều mang chở một mảnh linh hồn của nhân dân, đều trở nên linh thiêng bằng những mẩu truyện dân gian sống trong niềm tin tuyệt đối của nhân dân thì đâu đâu cũng phủ che cái không khí huyền ảo của truyền thuyết. Ở những vùng đất ghi dấu ấn của những tên tuổi lịch sử thì chất truyền thuyết càng trở nên đậm đặc. Diễn Châu (Nghệ An) là một vùng đất như thế, với vô số các ảnh xạ của truyền thuyết về An Dương Vương.

          Thục Phán An Dương Vương kết thúc sự nghiệp hào hùng của ông trên mảnh đất này, nhưng hào quang về sự nghiệp ấy, về con người ấy và ngay cả dư chấn của nỗi uất hận ngàn thu về sự cả tin để “nỏ thần vô ý trao tay giặc/ nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (thơ Tố Hữu) vẫn còn vang động mãi muôn đời sau. Diễn Châu (Nghệ An) có thể coi là trung tâm phát xạ ra những dư chấn ấy đớn đau ấy, những hào quang kỳ diệu ấy của cuộc đời bi kịch một đấng quân vương.

          Đọc lại những mẩu truyện trong dòng truyền thuyết An Dương Vương, có thể thấy rõ đoạn kết là cao trào của bi kịch mất nước, cũng là điểm thắt nút của bi kịch tình yêu. Có lẽ bởi là nơi diễn ra hồi kết nghiệt ngã của cuộc đời những nhân vật lịch sử (mà trước hết cũng là những con người có máu thịt, có tình yêu, có niềm kỳ vọng và có cả những khờ khạo, ngây thơ…) cho nên địa danh Diễn Châu (Nghệ An) trở thành một địa danh tỏa phát nhiều ảnh xạ về truyền thuyết An Dương Vương, tiếp nối mạch truyền thuyết này từ địa danh Hòa An (Cao Bằng) và Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Chúng tôi chỉ điểm sơ qua về những mẩu truyền thuyết[ii]mang tính phái sinh – có thể coi là những ảnh xạ phản chiếu ra từ mạch truyền thuyết gốc về An Dương Vương còn được lưu truyền trên đất Nghệ An. Đó có thể coi là một minh chứng hùng hồn về sự lưu dấu đậm đà của một quãng lịch sử xa hun hút trong tâm thức dân gian xứ Nghệ.

          1. Núi Đầu Cân

          Núi Đầu Cân là một ngọn núi thuộc làng La Nham, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (giáp với huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An ngày nay. Dân gian tương truyền rằng, tên núi Đầu Cân khởi phát từ một truyền thuyết có liên quan tới sự ra đi đầy bí ẩn của An Dương Vương nơi cửa biển vùng Diễn Châu, Nghi Lộc. Dĩ nhiên, chúng ta đều có thể ngầm hiểu với nhau rằng, thời của An Dương Vương, thời của truyền thuyết, đất đai, địa vực là tự nhiên, chưa có sự phân định ranh giới như bây giờ. Thế nên, chuyện ngày nay, truyền thuyết về An Dương Vương lưu hành cả ở huyện Nghi Lộc càng minh chứng cho hồn cốt lịch sử thấp thoáng trong từng huyền thoại về dấu vết vó ngựa ngàn xưa của vị vua này trên đường chạy trốn quân của Triệu Đà. Không chỉ một địa danh đã được giới định hành chính hóa là Diễn Châu ngày nay có lưu truyền những mẩu chuyện về An Dương Vương mà cả một địa danh khác là Nghi Lộc cũng ghi dấu nhiều vết tích huyền thoại. Bởi lẽ, truyền thuyết là cái có trước ranh giới địa phương, truyền thuyết sống bằng niềm tin dân gian không biên giới.

          Về sự ra đi của An Dương Vương, nhân dân nơi đây kể rằng: vị vua này cùng công chúa Mị Châu mải miết phóng ngựa thật nhanh qua xứ Thanh đi về phía đất Nghệ. Một cơn gió ngược chiều thổi mạnh đã làm rơi chiếc mũ của bậc đế vương. Công chúa Mị Châu bèn lấy khăn của mình trùm lên đầu cho phụ vương. Ngựa dừng chân ở đỉnh một quả đồi thấp và dài nối liền hai dãy núi: dãy Đại Hải và dãy Đại Vạc. Hai dãy núi này tạo thành một eo biển. Tưởng đây là đất dừng chân, nào ngờ, tiếng vó ngựa quân Triệu Đà đã thấy dồn dập phía sau lưng. Bỗng nhiên, An Dương Vương thấy từ phia chân núi có một cụ già đi tới. Vua than thở: "Sao ta chạy đến đâu giặc cũng dò được đường đuổi theo ta?" Cụ già đáp: "Thưa bệ hạ, vì giặc ở ngay sau lưng ngựa bệ hạ đó thôi!". An Dương Vương rút kiếm, ngoảnh đầu nhìn Mị Châu. Mặc nàng khóc lóc, thề nguyền, ông chém đầu Mị Châu rồi men theo chân dãy Đại Hải, đến một quả núi cuối cùng thì thấy ba mặt đều là biển cả mênh mông, sóng cồn dữ dội. Gió từ ngoài khơi thổi vào hất tung chiếc khăn trên đầu Thục Phán An Dương Vương và trùm lên đỉnh ngọn núi. An Dương Vương cùng đường, ngửa mặt lên trời mà than: "Cơ đồ của ta đến đây là hết!". Nói đoạn, nhà vua gieo mình xuống biển. Về sau, quả núi đó được nhân dân đặt tên là núi Đầu Cân (nghĩa là cái khăn bịt đầu). Dân làng cũng lập một miếu nhỏ thờ Thục An Dương Vương dưới chân núi.

2. Tảng đá gạo

          Trong truyền thuyết dân gian, tảng đá gạo là một chứng tích của những ngày An Dương Vương thất trận chạy về xứ Nghệ. Phía đông núi Mộ Dạ, có một tảng đá tròn với những màu sắc rất kỳ lạ. Tảng đá lổm nhổm những hạt màu đỏ, vàng, đen, trắng xen kẽ nhau trông như những hạt gạo. Dân gian gọi đó là tảng đá gạo.

          Bằng niềm tin mãnh liệt vào câu chuyện Thục Phán An Dương Vương từng lưu bóng trên mảnh đất quê hương mình, người dân Diễn Châu cho rằng, tảng đá gạo là vết dấu của số gạo nuôi quân của An Dương Vương. Người dân còn lưu truyền một câu chuyện chứa đầy sự hoang đường về tảng đá này. Tương truyền, ngày xưa khi Thục An Dương Vương thất trận chạy đến đất Diễn Châu thì hết lương thực. Vua ngẩng mặt chắp tay vái trời cầu xin giúp đỡ. Bỗng nhiên, gió nổi lên. Từ trong gió, những hạt gạo bay ra tua tủa. Vua sai quân lính thu nhặt chất thành đống rồi chia đều cho họ. Khi biết đã đến bước đường cùng, nhà vua cho quân lính đưa số gạo được chia về quê làm ăn, không phải theo bảo vệ vua nữa. Số gạo còn sót lại về sau đã đông thành đá, trở thành tảng đá gạo.

3.  Cao Lỗ - tổ sư nghề rèn

          Cao Lỗ là vị tướng giỏi của nước Âu Lạc, giúp An Dương Vương chế ra chiếc nỏ thần từ móng thần Kim Quy. Nhân dân Diễn Châu còn lưu truyền một truyền thuyết về một người tên là Cao Lỗ đi học nghề rèn ở bên Tàu, sau đó về truyền nghề lại cho dân chúng trong vùng. Họ suy tôn ông là tổ sư nghề rèn. Không rõ, nhân vật Cao Lỗ này và tướng Cao Lỗ của vua An Dương Vương có phải là một?

          Chuyện kể rằng, ở làng Nho Lâm - quê hương Cao Lỗ có mỏ sắt. Cao Lỗ biết rằng nếu có thể làm lưỡi cày, dao, kiếm bằng sắt thì sẽ tốt hơn cả đồng. Khốn nỗi, ở nước ta lúc bấy giờ chưa có nghề rèn. Cao Lỗ đã cất công sang Tàu học nghề, đường đi gặp muôn vàn khó khăn, rồi ông cũng gặp được thầy là một lão phó rèn trạc tuổi năm mươi. Biết Cao Lỗ cất công từ phương Nam tới, bác phó rèn rất khâm phục. Nhưng để rèn thêm ý chí cho Cao Lỗ, thầy buộc ông phải làm công việc thụt bệ đúng ba năm. Đó là một công việc đơn giản, dễ gây chán nản. Nhưng với người họ Cao, đó lại là một quá trình tích lũy kinh nghiệm. Ông biết khi nào thì cần thụt bệ mạnh, khi nào thì cần thụt bệ nhẹ để có được sản phẩm như ý. Sau khi đã nắm được kỹ thuật thụt bệ, Cao Lỗ lại phải học ròng rã ba năm việc quai búa rồi mới được học rèn. Thêm bốn năm học rèn, Cao Lỗ được thầy truyền bí quyết nhà nghề. Trước khi giã biệt thầy về quê hương, người học trò từ chối nhận số tiền làm lộ phí thầy cho, ông chỉ xin một bộ đồ rèn bằng sắt.

          Về quê, Cao Lỗ hăm hở dựng lò rèn, rủ người vào núi lấy quặng nấu thành gang, sản xuất lưỡi cày, dao, mác, ... Ông vừa sản xuất, vừa truyền nghề. Dân làng ai cũng cảm phục tài nghệ của ông. Quê ông, người ta đặt tên là xã Cao Xá (nghĩa là: nơi ở của người họ Cao). Nhân dân còn lập đền thờ ông ở động Tù Và (nay thuộc xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Trong bài vị có viết: "Tiên Hoàng sơ thủy tổ Cao Lỗ hiệu Lư Sơn thiết khí tôn thần".

          Sau này, sách "Bách nghệ tổ sư" cũng ghi lại: "Lư Cao Sơn làng Nho Lâm, thế kỷ III trước Công nguyên bỏ công mười năm sang Trung Quốc học nghề rèn về truyền lại cho dân. Ngày nay, có một cộng đồng dân cư tương đối lớn ở Diễn Châu mang họ Cao. Họ Cao ở Diễn Châu đặc trưng đến nỗi, khi người Nghệ biết một người mang họ Cao, có thể đoán luôn quê hương bản quán của người đó.

4. Tổ sư nghề làm vàng vó

          Tục lệ cúng tế ở Nghệ An còn in hằn dấu vết của dòng truyền thuyết An Dương Vương. Nhân dân ta thường dùng vàng mã trong cỗ bàn cúng tế. Vàng mã có loại là những tờ giấy gió hình vuông, ở giữa quét nhũ vàng hay nhũ bạc cũng hình vuông, gọi là vàng giấy. Người dân xứ Nghệ còn có loại vàng vó, làm bằng nan tre gập lại thành khối vuông, dán giấy vàng hay đỏ ghép xen kẽ nhau. Mỗi khối là một thỏi. Năm mươi thỏi ghép lại thành hình một khối chữ nhật gọi là một thớt. Tương truyền rằng, quân tướng của Thục An Dương Vương hộ tống nhà vua vào đến đây, sau khi vua chết, họ ở lại và truyền nghề làm vàng vó cho dân. Ngày nay, ở một số vùng, các phường hội làm vàng vó cúng tổ sư là: “Thục An Dương Vương chi Quân tướng” (nghĩa là: quân tướng của vua Thục An Dương Vương).

          Khi tìm hiểu rộng ra ở miền Bắc, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, phần lớn các tỉnh miền Bắc chỉ làm vàng giấy, riêng ở Cổ Loa thì có tục làm vàng vó.

          Như vậy, có thể thấy, dòng truyền thuyết về An Dương Vương trên mảnh đất Nghệ An đã thu hút vào nó không chỉ những câu chuyện về các nhân vật chính trong truyền thuyết mà ngay cả những mẩu chuyện về vết tích quân tướng của vua Thục lưu lại nơi đây. Đó có thể là chuyện về một hiện vật kỳ lạ (như chuyện tảng đá gạo), hoặc là chuyện về một phong tục, một nghề nghiệp như câu chuyện này. Niềm tin về sự hiện diện của Thục Phán An Dương Vương trên quê hương mình thuở xa xưa đã ăn sâu vào tâm khảm những người dân xứ Nghệ. Dù là chuyện làm ăn, dù là chuyện phong tục, dù là để lý giải những hiện tượng kỳ lạ của tự nhiên, họ đều nhìn thấy ẩn hiện phía sau là bóng dáng vị vua huyền thoại ấy...

Câu chuyện về những ngôi đền thiêng

          Những ngôi đền – đó chính là chứng tích cụ thể mà sống động, hiện thực mà vẫn huyền hồ của các truyền thuyết. Dòng truyền thuyết An Dương Vương khi vang động qua các vùng miền, khi chảy trôi qua các địa vực đã lưu lại biết bao lớp phù sa văn hóa. Lớp phù sa đọng lại nổi nét nhất, hiện hữu nhất chính là sự hiện tồn của những ngôi đền thiêng. Đền Thục An Dương Vương ở trong Thành Nội (xóm Chùa ngày nay), Cổ Loa, Hà Nội; đền Cuông ở lưng chừng núi Mộ Dạ, Diễn Châu, Nghệ An; đền Đức Vua ở xã Thượng Xá (nay thuộc xã Nghi Xá), huyện Nghi Lộc, Nghệ An là những địa chỉ neo giữ linh hồn truyền thuyết. Có thể nói, những ngôi đền kia là gốc cội linh thiêng để truyền thuyết “trú chân” và tiếp tục ăn sâu vào tâm hồn dân gian xứ sở ấy, vùng quê ấy.

          Truyền thuyết có một quá trình lưu chuyển rộng rãi trong nhân dân, xuyên qua không gian và thời gian. Nhờ quá trình lưu chuyển này mà một truyền thuyết có cội rễ sâu chặt trong dân gian luôn tiềm tàng khả năng biến thành một hệ truyền thuyết với những câu chuyện phái sinh từ truyền thuyết gốc. Nhưng, trong sự tồn tại của truyền thuyết cũng luôn luôn xảy ra một quá trình ngược lại quá trình phát triển và nảy nở những chi lưu mới, những cành nhánh mới, đó là quá trình cố định hóa và văn bản hóa. Hai quá trình này song song tồn tại trong sự mâu thuẫn, đối lập nhau, tưởng chừng như mỗi quá trình là một vật cản của quá trình còn lại, nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Chúng ta có thể hình dung một cách đơn giản nhất về sự tồn tại của những ngôi đền, đó là sự cố định hóa, hiện thực hóa, cụ thể hóa các truyền thuyết dân gian. Bằng sức mạnh của niềm tin, nhân dân không chỉ thêu dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện xung quanh một sự kiện lịch sử, một nhân vật lịch sử để làm nên truyền thuyết, họ còn có ước vọng lớn hơn khi biến những truyền thuyết ấy thành cái hiện hữu vĩnh hằng. Những ngôi đền ra đời để đáp ứng nhu cầu ấy của nhân dân.

Vốn là những con người sống giữa ám ảnh về các vị thần từ thuở hồng hoang, nhân dân ta có một nhu cầu gọi là nhu cầu “thần thánh hóa” các nhân vật lịch sử. Với lòng kính mộ, với tất cả nỗi say mê thần thánh, nhân dân đã đắp bồi thêm cho những nhân vật lịch sử một lớp áo huyền ảo - đủ để gây ra cơn chấn động nhận thức, đủ để người ta nghi hoặc về sự tồn tại của một ông thánh, ông thần, đủ để người ta giữ một góc bí mật nhất, thiêng liêng nhất trong tâm hồn để nghiêng mình cẩn trọng trước các nhân vật ấy. Mặc nhiên, có thánh rồi thì phải có nơi để thánh “ngự”, phải có chỗ để nhân dân đến tỏ bày sự ngưỡng vọng của họ đối với các vị thánh. Ngôi đền cũng chính là ngôi nhà thiêng của các vị thánh. Đó là nơi nhân dân trình diện tín ngưỡng của họ, là nơi truyền thuyết được cố định lại bằng các thần tích, thần phả, ngọc phả. Đó cũng là nơi phát xạ ra những luồng truyền thuyết mới xung quanh hệ truyền thuyết gốc. Do vậy, cứ ngỡ rằng quá trình cố định hóa, văn bản hóa truyền thuyết bằng sự hiện hữu của các ngôi đền sẽ chặt đứt đôi cánh bay bổng của truyền thuyết nhưng hóa ra không phải. Trái lại, chính nhờ sự cố định hóa, hiện thực hóa ấy, truyền thuyết càng găm chặt hơn trong tâm thức dân gian, càng ngấm sâu hơn vào tâm hồn dân gian, càng có khả năng phát tỏa ra những hào quang mới, tuôn chảy ra những chi lưu mới từ truyền thuyết gốc.

Vậy, có thể nói, mỗi ngôi đền là một nơi tụ khí thiêng của truyền thuyết, là mạch nguồn năng lượng nuôi dưỡng truyền thuyết, để truyền thuyết giữ được hồn cốt của nó bất chấp thời gian. Nhìn truyền thuyết An Dương Vương từ phía những ngôi đền, chúng ta sẽ càng thấm thía điều đó.

Nhắc đến đền thờ An Dương Vương, hẳn là không ai không biết đến cả một quần thể còn được bảo tồn tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Ở địa phận xóm Chùa ngày nay còn lưu lại một quần thể gồm đền thờ Thục An Dương Vương (còn gọi là Đền Thượng) và Am Bà Chúa thờ công chúa Mị Châu. Đền Thục An Dương Vương nằm trên một gò đất cao dưới chân lũy thành Cổ Loa xưa, về phía góc Tây - Nam. Kiến trúc của đền gồm có hạ điện và thượng điện, được cấu trúc theo hình chữ khẩu.

Cách đền Thượng mấy trăm mét là Am Bà Chúa, nơi thờ công chúa Mị Châu. Am Bà Chúa náu mình dưới một cây đa cổ thụ từ thời Ngô Quyền. Am cũng gồm thượng điện và hạ điện. Hạ điện là một ngôi nhà nhỏ ba gian, cửa luôn đóng kín. Thượng điện cách hạ điện bởi một cái sân nhỏ, gian giữa đặt bàn thờ công chúa Mị Châu. Hai bên thờ mười hai nàng hầu của công chúa. Phía sau bàn thờ Mị Châu là một khối đá hình người có hai vai, cao hơn một mét, tương truyền đó là hình vóc còn lại của Mị Châu sau khi bị chém đứt đầu hóa đá.

Về nguồn gốc của Am Bà Chúa, nhân dân Cổ Loa còn truyền tụng một câu chuyện bi thương của công chúa Mị Châu. Chuyện xưa kể, khi bị vua cha vung gươm lên chém đầu, Mị Châu đã thống thiết mà rằng: "Nếu vì lòng phản bội mà con hại cha thì sau khi chết con xin làm cát bụi, nhưng nếu vì mù quáng mà dẫn đến cảnh ngộ này thì sau khi chết, con xin hóa đá...". Sau khi nhận nhát kiếm nghiệt ngã của vua cha, thi thể Mị Châu bị sóng cuốn đi. Như lời cầu nguyện, thi thể ấy biến thành một tảng đá, chìm xuống đáy biển. Theo năm tháng, tảng đá ấy được những con nước ba động đẩy dần đến cửa Đại An, chính là cửa sông Hồng ngày nay. Từ đó, nó ngược theo sông Hồng, qua sông Thiếp - một nhánh sông Hồng rồi dạt vào Đầm Cả ở phía Đông thành Cổ Loa.

Sau một đêm mưa gió dữ dội, dân làng Cổ Loa thấy trên cồn Đầm Cả xuất hiện một tảng đá. Mọi người thử ra khiêng, nhưng không sao khiêng nổi tảng đá ấy, dù nó không quá to. Lũ trẻ chăn trâu nếu nghịch ngợm trèo lên tảng đá chơi đều bị ốm, cha mẹ chúng phải đem hương hoa ra khấn thì mới khỏi bệnh. Dân làng thấy thế, gọi tảng đá ấy là tảng đá thần. Rồi một đêm, các già làng đều nằm mơ thấy một cô gái có xiêm y màu trắng đến gặp và nói: "Tại sao các ngươi cứ để ta nằm ở chốn bùn lầy mãi?" Các già làng đoán được oan hồn Mị Châu trở về, bèn họp làng bàn chuyện rước tảng đá về thành Cổ Loa. Thật lạ lùng, trước đây khi khiêng thử, bao nhiêu người cũng không khiêng nổi tảng đá. Ấy vậy mà khi có lễ rước long trọng, đủ cờ quạt, trống chiêng thì tảng đá thần bỗng nhiên nhẹ bẫng. Đặt tảng đá trong một cái cáng hai người khiêng mà vẫn thấy nhẹ tênh. Nhưng khi cáng đến gần đình Cổ Loa thì tảng đá tỳ xuống, hai trai làng không đi nổi. Dân làng đoán công chúa muốn nghỉ lại nơi đây, bèn cho đặt cáng xuống. Nơi ấy, dân làng lập Am Bà Chúa thờ Mị Châu.

Đền Cuông (hay còn gọi là đền Công) nằm ở lưng chừng núi Mộ Dạ (Diễn Châu, Nghệ An) cũng là một ngôi đền linh thiêng nổi tiếng khắp dân gian xứ Nghệ. Sở dĩ đền có tên như vậy là vì xưa kia, núi Mộ Dạ là nơi sinh sống của rất nhiều chim Công. Người dân nơi đây thường gọi chim Công theo tiếng địa phương là chim Cuông. Do đó, ngôi đền nguy nga nằm trên ngọn núi này cũng được gọi luôn là đền Cuông (đền Công). Đền được lập nên để thờ An Dương Vương. Về nguồn gốc ngôi đền, người dân xứ Nghệ còn kể cho nhau nghe câu chuyện này...

Tương truyền, từ rất xưa, một buổi sáng, dân chài ra biển thấy một chiếc kiệu lớn từ biển Đông trôi vào cửa Hiền (một cửa biển đã bị lấp, nay thuộc địa phận xã Diễn Trung). Khi sóng đẩy kiệu lên bờ, dân các làng ven cửa biển ấy đều thi nhau ra khiêng nhưng không sao khiêng nổi. Nhưng đến khi dân làng Cao Ái ra khiêng kiệu thì lại khiêng được. Kiệu được rước về đình làng Cao Ái. Dân làng Cao Ái rất hãnh diện vì cho rằng, hồn thiêng của vua Thục nhập vào trong kiệu đã chọn dân làng mình rước kiệu. Có kiệu vua rồi, nhân dân mới lập đền thờ.

Chỉ riêng việc dựng đền Cuông, trùng tu tôn tạo đền cũng đã đủ cho dân gian thêu dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện nữa. Nói như thế để thấy rằng, mỗi cột nanh, mỗi chiếc cổng tam quan, mỗi ban thờ của một ngôi đền khi được dựng nên đều chất chứa biết bao nhiêu sự tích kỳ bí. Sự ra đời của một ngôi đền có thể lưu lại vết tích rõ nét của một truyền thuyết trên một xứ sở, hơn thế, đó còn là sự khơi gọi cả một bầu không gian truyền thuyết, cứ tiếp nối đời đời với những câu chuyện mới có liên quan với truyền thuyết gốc.

 


[i] Xem thêm trong Hùng Vương dựng nước tập III, IV, NXB Khoa học xã hội, H, 1974.

[ii] Dẫn theo Nguyễn Nghĩa Nguyên trong cuốn: Từ Cổ Loa đến đền Cuông, NXB Nghệ An, 2006.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *