Tác phẩm chọn lọc

18/4
8:07 AM 2018

VĂN NGHỆ- NƠI CẤT CÁNH

Bùi Việt Thắng-Mùa thu 1968, tôi lần đầu tiên được đọc báo Văn nghệ. Sẽ có người đặt câu hỏi “Tưởng người này yêu văn chương thì phải từ rất sớm nhận biết hương sắc, dung nhan của tờ báo này từ lâu, cớ sao phải đến tận 1968 khi ấn phẩm đã tròn 20 tuổi?”. Đúng là chậm. Nhưng chậm mà chắc như cổ nhân nói.

Cũng phải trần tình đôi điều với mọi người rằng tôi là dân “nhà quê” (sinh quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954) thì mới ba tuổi. Sống ở thị xã - nay là thành phố Vinh (Nghệ An) từ 1955 đến 1965, thời chiến tranh ác liệt thì rời thị xã/thành phố Vinh sơ tán sang xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), học từ lớp 6 đến lớp 9. Năm 1968, lúc Mỹ ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào thì mức độ ác liệt đạn bom ở quê tôi là không kể xiết. Bố mẹ tôi sinh hạ tất cả được bảy anh em (bốn trai, ba gái). Tôi là con út. Giàu con út khó con út. Nhưng có lẽ thế hệ tôi và vùng quê tôi thì con nào cũng khó. Ba anh trai đầu đều nhập ngũ (1950, 1958, 1964). Đến 1968, cả ba anh vẫn mặc áo lính, biền biệt xa nhà. Chiến tranh ác liệt và dài lâu không biết điểm kết thúc. Bố tôi lo lắng cho đứa con trai út nên đã quyết định gửi tôi ra Hà Nội tránh đạn bom. Tôi theo người anh rể đi ra Hà Nội. Một chuyến đi lịch sử. Hà Nội thì trước đó tôi cũng đã biết trong một vài lần theo bố ra thăm Thủ đô. Nhưng lần này là ở hẳn đất Kinh kỳ cho đến tận bây giờ, tròn 50 năm. Mùa thu năm 1968, Hà Nội tuy không có bom  rơi đạn nổ nhưng các trường học vẫn sơ tán ra các vùng phụ cận. Ông cậu ruột gửi tôi vào học trường cấp 3 Phú Diễn, cách trung tâm Bờ Hồ hơn mười cây số. Tôi ở trọ trong nhà một bác làm nghề nông gần trường. Cái hay là nhà bác cũng có một cậu con trai học lớp 10 ngang tuổi tôi. Tên cậu là Phong (họ thì tôi quên mất), học giỏi toán. Thế là ít nhất trong năm cuối phổ thông, chúng tôi có thể bù trừ, giúp đỡ nhau trong học tập. Sở dĩ ông cậu  gửi tôi vào trường này vì thầy giáo dạy Văn lại có họ xa bên nội với nhà tôi ở quê. Thầy Hoàng Lân dạy Văn cấp 3 nức tiếng Hà Nội thời đó.

Tôi gọi thầy bằng chú (anh trai thầy là nhà giáo Hoàng Dung, nguyên giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội; em trai thầy là nhà giáo Hoàng Thiệu Khang, nguyên giảng viên Văn, Cao đẳng Sư phạm Hà Nội). Nơi ở sơ tán của thầy Hoàng Lân thuộc làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, Huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ (từ thị trấn Nhổn đi vào vài cây số). Ngày cuối tuần tôi có lúc đến thăm thầy cô nơi sơ tán, hoặc nhà riêng ở phố Hàm Long, Hà Nội. Mỗi lần đến, việc đầu tiên sau khi hỏi thăm tin tức ở quê, tình hình ăn ở, học hành, là thầy đưa ngay tôi tờ Văn nghệ để đọc. Thầy nói câu mà tôi còn khắc ghi đến tận bây giờ “Đã yêu văn chương thì phải yêu Văn nghệ!”. Có hôm thầy còn tặng tôi một tờ để về nhà đọc. Thầy rất say sưa và tinh tường khi nhận xét về văn chương đương thời. Hồi đó, tôi chủ yếu nghe thầy nói, chưa thể hiện dược chính kiến của mình. Cũng phải thôi, một học sinh lớp mười, từ quê ra Thủ đô, thì biết tìm đọc và thích đọc Văn nghệ đã là quý rồi. Bây giờ tôi dám chắc học sinh các trường chuyên và các đội tuyển văn Hà Nội, cũng như các tỉnh có bao nhiêu em đọc báo Văn nghệ? Nói không có thì không đúng, nhưng nói vô cùng ít thì đúng. Chẳng cứ gì các em mà thầy cô dạy Văn chắc cũng thế. Nói xa một chút thì tôi ham đọc sách từ bé, dạo lớp 5 đã có hôm bỏ tiết học đến thư viện tỉnh để mượn sách đọc. Đã từng nhịn ăn sáng để tích góp tiền mua sách. Tôi còn nhớ như in, năm 1968 lần đầu trên báo Văn nghệ tôi đã biết đến tên tuổi Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ, Đỗ Chu, Lê Lựu,... Có một chi tiết sau 50 năm, bây giờ mới kể ra. Có một anh học Đại học Giao thông, cùng quê, rất mến mộ chị gái tôi học Đại học Y Hà Nội. Dạo đó chị tôi đang về thực tập tại một bệnh viện huyện ở Hà Tây (cũ), chủ nhật nào anh ấy cũng đạp xe đến thăm. Trong món quà mang đến, thể nào cũng có một tờ Văn nghệ. Anh ấy yêu thơ và có làm thơ. Mỗi lần tôi đến chơi thăm chị gái, nếu gặp lúc anh ấy đến thì tờ Văn nghệ đã khiến tôi quên mất sự có mặt của vị khách quý. Tôi lỉnh ra một góc đọc, để anh chị có không gian tâm sự. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn gặp anh. Đầu đã bạc. Tuổi đã thuộc hàng xưa nay hiếm. Nhưng tình yêu thơ ca thì vẫn ngùn ngụt. Anh là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, sở hữu đến bốn tập thơ. Nhưng chỉ có điều nhà thơ ấy không phải là anh rể của tôi.

Mùa thu năm 1969, tôi trở thành sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ ngày đó tôi thỏa lòng mong ước được sống với văn chương. Hơn thế sau này được làm nghề mình yêu thích. Năm 1969, các trường đại học vẫn chưa có điều kiện tập trung về nội thành. Cơ sở chính của Đại học Tổng hợp Hà Nội đóng ở 19 Lê Thánh Tông. Nhưng các khoa thì phân tán rải rác. Khoa Ngữ văn đóng ở hai thôn La Khê và La Nội, thuộc Hà Đông - một vùng dệt lụa nổi tiếng. Lớp văn khóa14 của chúng tôi vào học tại La Khê. Một buổi chiều ra quán nước chè ở giữa làng (thời đó được gọi là “địa chỉ văn hóa”), tôi thấy có một số sinh viên lớp trên đang ngồi tán gẫu. Tôi định đi qua vì nghĩ họ là bậc đàn anh đàn chị, mình khó hòa nhập. Nhưng nghĩ thế nào tôi tạt vào. Một câu hỏi vang vang “Lính mới hả?”. Tôi thưa gửi lễ độ và nói mình mới nhập học. Một anh tóc xoăn, dáng gầy gò, đeo kính cận độ cao, tay cầm tờ Văn nghệ, vừa rít thuốc lá vừa nói chuyện rôm rả. Người ngồi cạnh huých tôi “có biết ai không?”. Tôi nói “Em vừa vào học không biết lớp trên các anh chị!”. Người nồi cạnh huých tôi một cái nữa mạnh hơn “Rồi phải biết các anh tài Văn khoa! Kia là anh Bế Kiến Quốc. Một thy sỹ của tương lai!”. Tôi gật gù tán thưởng và im lặng nghe thi sĩ tương lai đọc một bài thơ mới sáng tác của anh. Bài thơ dài nhưng tôi chỉ nhớ được có hai câu thật ấn tượng “Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng?/ Tất cả trả lời, sinh bên một dòng sông!”. Sau này danh tiếng Bế Kiến Quốc nổi như cồn từ khi bài thơ ấy đăng trang trọng trên Văn nghệ. Anh cũng là người đoạt Giải thưởng thơ báo Văn nghệ năm 1969 với bài thơ Những dòng sông. Ra trường anh làm việc nhiều nơi rồi mới đầu quân cho báo Văn nghệ, từng giữ chức Trưởng ban Thơ của tờ báo văn chương số một ở Việt Nam. Sau nữa anh làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội. Mất lúc 53 tuổi đang độ tài năng phát rạng. Năm thứ nhất đại học tôi học ở La Khê. Nhưng đã rất “máu mê” văn chương, nhiều lần đi bộ (vì mất điện nên tàu điện không chạy) ra thư viện Hà Nội nghe các nhà văn nhà thơ nói chuyện. Văn phòng khoa có một số  tờ báo, trong đó có Văn nghệ. Thế nên chiều thứ hai hàng tuần khi báo về là tôi quên hết mọi sự, chúi đầu  đọc cho bằng hết, không bỏ sót mục nào, chữ nào. Lại còn ghi vào sổ tay học tập những bài thơ hay, những ý kiến bàn luận nghề nghiệp thú vị...

Văn nghệ - nơi cất cánh, tôi vẫn nói như thế với anh Hữu Nhuận, đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp làm việc ở báo Văn nghệ rất lâu từ khi ra trường cho đến khi nghỉ hưu. Một dạo anh làm Thư ký tòa soạn. Anh chơi với nhóm chúng tôi (gồm tôi, các thầy cô Mã Giang Lân, Trần Hinh, Hữu Đạt, Lý Hoài Thu), ai cũng quý mến vì tính cởi mở, hào hiệp, chân thành. Như bây giờ được gọi là người tử tế. Bài đầu tiên của tôi được đăng trên tờ  Văn nghệ (số 8, năm 1983) viết về tiểu thuyết Những ngõ phố - Người đường phố của nhà văn trưởng lão Tô Hoài. Sau đó nói như nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn, trên mặt đất này vốn không có sẵn đường đi, người ta đi mãi thành đường. Ở Ban Lý luận Phê bình, các nhà văn Ngọc Trai, Thiếu Mai đều là cựu sinh viên Văn khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Qua anh Hữu Nhuận dần dà tôi quen biết các chị. Hai bên quý mến nhau. Rồi cứ tuần tự nhi tiến tôi trở thành cộng tác viên của Văn nghệ cho đến tận hôm nay, cũng được 35 năm. Có những câu chuyện nghề nghiệp khó quên. Năm 1987, chị Thiếu Mai đặt tôi viết một bài về tập truyện ngắn Một chiều xa thành phố của Lê Minh Khuê nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam của năm. Viết xong tôi gửi bài cho chị Thiếu Mai. Mấy hôm sau chị nhắn tôi đến tòa soạn để trao đổi. Chị nói, về cơ bản bài viết đạt yêu cầu đăng báo. Sau này khi quen thân chị mới “bật mí” rằng dạo đó  chị chỉ nói  “đạt yêu cầu” chứ không nói “tốt” vì sợ cộng tác viên trẻ bị “hoắng” (!?). Chị đề nghị sửa chỉ một chữ “tít” bài Sức bền của ngòi bút thành Để có sức bền của ngòi bút. Chị giải thích với tôi rằng, còn chưa thực sự đầy đủ căn cứ để khẳng định ngòi bút Lê Minh Khuê có sức bền, nhà văn còn cần phải phấn đấu nhiều nữa, nên phải thêm vào chữ “Để”. Đó là cách nhìn đón đầu, theo chị. Sau này tôi kể lại cho Lê Minh Khuê nghe chuyện viết lách này. Chị cười mà nói rằng, người làm biên tập thì phải cẩn trọng thế. Nhưng ngẫm lại tôi thấy mình đúng từ đầu. Bây giờ thì chị Thiếu Mai không còn nữa để tôi nói rằng “Chị ơi! Tôi đã đúng khi viết. Lê Minh Khuê đến giờ đã ba lần nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và cao nhất là Giải thưởng Nhà nước về VHNT rồi!”. Cho đến nay, đã 35 năm là cộng tác viên của Văn nghệ, tôi vẫn trung thành với tờ báo văn chương số một của đất nước. Tôi vẫn viết đều cho Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an và nhiều báo chí khác. Nhưng trong sâu thẳm tình cảm thì tôi vẫn tâm niệm Văn nghệ chính là nơi cất cánh nghề văn của tôi và những người yêu văn chương khác mà tôi quen biết và quý trọng.

Một lần nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói với tôi rằng, viết bài cho Văn nghệ là làm sang trọng cho tờ báo và cũng làm sang trọng cho nhà văn. Người ta nghĩ rằng, ông Chủ tịch thường nói những lời có cánh. Riêng tôi không nghĩ thế.

Nguồn Văn nghệ số 15/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *