PHÊ BÌNH VĂN HỌC TRẺ BẮC MIỀN TRUNG TRÊN NỀN PHÊ BÌNH CẢ NƯỚC HIỆN NAY
Một số cây bút trẻ Bắc miền Trung vẫn khẳng định được tiếng nói và phong cách của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển phê bình ở Việt Nam, đồng hành với lĩnh vực sáng tác và định hướng người đọc, tránh tình trạng lệch pha, nhiễu sóng trước lối phê bình vuốt ve, trau chuốt hay hạ bệ lẫn nhau.
Về lực lượng phê bình trẻ (tạm xét từ độ tuổi 7x, 8x trở đi), Bắc miền Trung chưa có sự đồng đều. Song không khó để nhận diện tiếng nói phê bình của họ. Ngoài những gương mặt làm nên diện mạo phê bình văn học Thanh Hóa như Hoàng Tuấn Phổ, Nguyễn Xuân Dương, Lưu Đức Hạnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Hỏa Diệu Thúy, Hoàng Tuấn Công,... đáng chú ý là sự xuất hiện hai cây bút trẻ: Thy Lan và Nguyễn Thanh Tâm. Chúng ta có một Thy Lan “chỉn chu”, “đẹp” và đầy nữ tính, một Nguyễn Thanh Tâm viết chắc, khỏe, bản lĩnh. Quan niệm “phê bình thơ là quá trình tìm kiếm chính mình”, Nguyễn Thanh Tâm không chỉ thâm nhập sâu, kĩ lưỡng vào đời sống thơ mà còn đưa ra những cách đọc, những kiến giải, nhận định hết sức tinh tế, sâu sắc, giúp người đọc có những trải nghiệm, góc nhìn thơ bổ ích. Nhưng hiện tại, Nguyễn Thanh Tâm đã được đầu quân vào tạp chí Văn nghệ quân đội, nên hoạt động phê bình trẻ Thanh Hóa chỉ còn mỗi Thy Lan. Ở Nghệ An, ngoài Đặng Lưu, Phan Huy Dũng, Đinh Trí Dũng, Phạm Tuấn Vũ, chúng ta có Lê Hồ Quang, Nguyễn Duy Bình, Lê Thanh Nga,... Trong đó, nổi bật là các bài phê bình thơ sắc sảo, rất chuyên nghiệp của Lê Hồ Quang. Phê bình của chị có vừa có sự đồng điệu, giao cảm với tác giả vừa chỉ ra những cách đọc và giải mã bí ẩn của thơ trên cơ sở ngôn từ, hình tượng, âm thanh, cấu trúc,... Đó là lý do để tập phê bình tiểu luận đầu tay - “Âm thanh của tưởng tượng” (2015) của chị đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015. Hà Tĩnh có vẻ khiêm tốn hơn, tiếp nối Hà Quảng là Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thanh Truyền. Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thanh Truyền là hai cây bút trẻ, có một số bài viết khá thú vị, nhưng chưa in thành sách. Quảng Bình trội hơn Hà Tĩnh với các cây bút như Mai Thị Liên Giang, Dương Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Nga, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Lê Hương,... Hoạt động thường xuyên và năng nổ vẫn là Mai Thị Liên Giang, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh. Mai Thị Liên Giang tiếp nhận văn học từ góc độ mỹ học, quan tâm mối tương tác giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. Phê bình của Hoàng Thụy Anh thiên về phân tâm học, nữ quyền luận và thi pháp học. Từ một nhà thơ, Hoàng Đăng Khoa chuyển hướng sang phê bình và nhanh chóng khẳng định lực bút của mình. Ngữ ngôn đắt cùng với tinh lọc về cấu trúc là thế mạnh của Hoàng Đăng Khoa. Người đọc có thể nhận thấy qua những câu văn mang cốt cách, hơi thở của thơ nhưng rất triết lý, biệt lạ. Cũng như Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Đăng Khoa đã góp gạo thổi cơm với Văn nghệ quân đội. Tiếp tục đến vùng đất máu - Quảng Trị, Bùi Như Hải và Nguyễn Thái Hoàng thỉnh thoảng viết đôi ba bài phê bình. Huế là vùng đất chiếm vị trí số một, so với 5 tỉnh còn lại, về đội ngũ phê bình. Bên cạnh các cây bút phê bình gạo cội như Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Bửu Nam, Nguyễn Thị Bích Hải, Lê Thị Hường,... chúng ta có thể kể đến Nguyễn Thị Tịnh Thy, Trần Huyền Sâm, Hoàng Thị Huế, Nguyễn Văn Thuấn, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Văn Hùng, Phan Trọng Hoàng Linh, Phan Tuấn Anh, Lê Thị Diễm Hằng, Thanh Tâm A... Nữ quyền luận và phân tâm học là hướng phê bình của Trần Huyền Sâm. Trong đó “Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại” đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016, là chuyên luận đầu tiên ở Việt Nam trình bày một cách hệ thống về nữ quyền luận, khẳng định bản lĩnh, cá tính và tư duy khoa học của chị trước những lý thuyết đang còn thiếu hụt của văn học Việt. Hoàng Thị Huế nghiêng về mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, tiếp cận văn học từ văn hóa. Nguyễn Thị Tịnh Thy thiên về tự sự học và phê bình sinh thái. Thái Phan Vàng Anh nghiêng về nghiên cứu tiểu thuyết đương đại Việt Nam từ góc nhìn hậu hiện đại. Tiêu biểu ở Huế là cây bút phê bình trẻ Phan Tuấn Anh. Với kiến thức vững chắc, tư duy khoa học cùng với lối phê bình tinh nhạy, dồi dào cảm xúc của một cây bút thơ, Phan Tuấn Anh đã khẳng định hướng phê bình văn học hậu hiện đại, văn học huyền ảo và văn học ngoại biên.
Nhìn chung, ở Bắc miền Trung, mỗi người mỗi lĩnh vực nghiên cứu phê bình đã tạo ra nhiều khuynh hướng sáng tác, góp phần tăng thêm sự sôi động cho đời sống phê bình hiện nay.
Nhiều cây bút trẻ dù đã khẳng định tiếng nói của mình qua các bài phê bình như Nguyễn Văn Hùng, Phan Trọng Hoàng Linh, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Thanh Truyền, Thanh Tâm A... Tuy nhiên, việc họ chưa tập hợp in thành sách, theo tôi, cũng là một trong những vấn đề khiến cho phê bình trẻ Bắc miền Trung chưa được nhìn nhận, đánh giá một cách thấu đáo, toàn diện. Nhưng, bù lại, họ có thuận lợi riêng. Người sáng tác có thể tận dụng bản năng nhưng người viết phê bình thì không, anh ta không ngừng kiếm tìm, nạp năng lượng. Nghĩa là, người viết phê bình luôn phải tiệm cận lý thuyết mới để đánh thức giá trị văn bản. Ngoài bản năng trời phú, bản thân người sáng tác bao giờ cũng biết vươn lên, vượt qua những gì quen thuộc để gióng lên thanh âm của riêng mình. Do đó, sự chiếm lĩnh hệ thống lý thuyết mới đối với người viết phê bình rất quan trọng. Vừa theo kịp sáng tác vừa tìm kiếm con đường khám phá mới là nhiệm vụ của người viết phê bình. Điểm trội của phê bình Bắc miền Trung là đa phần các cây bút trẻ đều làm ở các tờ báo, công tác ở các trường đại học, cho nên, có thể nói, niềm đam mê, sự dấn thân và tính chuyên nghiệp trong phê bình ngày một nâng cao. Rất nhiều cây bút phê bình Bắc miền Trung đạt giải thưởng từ địa phương cho đến trung ương. Phan Tuấn Anh đạt giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2015, giải thưởng Tác phẩm xuất sắc trong năm của Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2013, năm 2015, giải thưởng Cố đô lần thứ V năm 2013, giải nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012, giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc,... Ngoài giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016, Trần Huyền Sâm còn có nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Tác phẩm phê bình xuất sắc năm 2003 của Liên hiệp Hội Văn học - nghệ thuật Thừa Thiên Huế 4, Giải thưởng Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế 2016, Giải thưởng Quỹ Phùng Quán năm 2017,... Thy Lan đạt giải C của Hội đồng lý luận phê bình VHNT trung ương và giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2016. Hoàng Thụy Anh có giải A giải thưởng Lưu Trọng Lư lần thứ V (2010-2015), giải C của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2016... Giải thưởng có những ảnh hưởng nhất định đến sáng tác của nhà văn. Nhưng giải thưởng không phải là đỉnh cao trong sáng tác nghệ thuật của mỗi nhà văn. Nó chỉ là một trong những tiêu chí để đánh giá và là động lực khích lệ mạnh mẽ đối với người viết phê bình. Dẫu chưa mạnh về số lượng (so với hai miền Nam - Bắc) nhưng những thành quả trên đã là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển con đường phê bình chuyên nghiệp của các cây bút Bắc miền Trung.
Một tất yếu khó tránh khỏi là phê bình Bắc miền Trung cũng như phê bình cả nước, đều rơi vào cảnh xa rời sáng tác và nhất là những sáng tác của các cây bút trẻ. Việc xa rời/ né tránh hiện thực sáng tác là bệnh chung, tình hình chung của đời sống phê bình. Bởi lẽ, so sánh với người sáng tác, số lượng người viết phê bình không nhiều. Làm sao họ có thể thâu tóm và đánh giá kịp thời đời sống văn học? Như ở Bắc miền Trung, số lượng người viết phê bình ở từng tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy, đòi hỏi trách nhiệm của người viết phê bình trước đời sống sáng tác có là vấn đề quá tầm tay? Thứ nhất, nếu viết cho người trẻ, nhất là các cây bút trẻ địa phương, các tờ tạp chí địa phương khó mà đón nhận vì không phải là tác giả nằm vùng. Đặc trưng vùng miền chi phối đến bộ mặt của tờ địa phương nên tiêu chí bản sắc vùng miền bao giờ cũng đặt lên hàng đầu. Người sáng tác có thể gửi gắm bài viết ở tất cả các báo nhưng người viết phê bình luôn nằm trong sự kiểm duyệt của các tạp chí. Tính khu biệt này, vô hình chung, tạo ra lằn ranh cho văn học. Mà văn học vốn dĩ không phân biệt địa vị, tôn giáo, dân tộc. Tự khu biệt vào đặc tính vùng miền, các tờ tạp chí phần nào tự eo hẹp chính sức sống tờ tạp chí của mình. Thứ hai, viết một bài phê bình đã tốn nhiều thời gian, công sức nghiên cứu nhưng thù lao bù lại quá ít ỏi, không cân xứng. Đây chính là một trong những lý do khiến cho người viết phê bình cảm thấy bị rẻ rúng và buộc phải chuyển hướng. Hai vấn đề trên đã nảy sinh nhu cầu chọn lựa tác phẩm, tác giả để phê bình. Chọn lựa để có cơ may được in, được tăng thêm thu nhập. Nếu cứ bám mãi vào vùng miền thì bao nhiêu phần trăm có thể sống được với nghề? Nhưng nếu phê bình chỉ chăm chắm níu vào những tác phẩm của các tác giả có tầm mà “ăn theo” đánh bóng tên tuổi mình thì anh ta chưa phải là người viết phê bình chuyên nghiệp.
Nhiệm vụ của nhà phê bình, theo tôi, ngoài việc trau dồi tư duy, lập luận khoa học để thám mã văn bản còn phải biết phát hiện những nhân tố mới, thử thách mình và bản lĩnh trước nhận định mà mình đưa ra. Đối diện với các cây bút trẻ cũng là một quá trình thử thách dũng khí và tư duy luận giải của mình. Bởi, người viết trẻ bao giờ cũng tiềm tàng trong họ những ẩn số. Vì thế, vừa đảm đương văn học vùng miền vừa bám sát đời sống văn học hiện tại là trách nhiệm và lương tâm của những người cầm bút viết phê bình chuyên nghiệp. Tất nhiên, các tờ báo cũng phải luôn cởi mở, bứt khỏi sự trói buộc vùng miền, thì phê bình mới có cơ hội thực hiện đúng chức năng và sứ mệnh của nó. Một tín hiệu đáng mừng, những cây bút phê bình Bắc miền Trung biết phát hiện và nâng đỡ để các tác giả địa phương có thể vượt vũ môn. Nhờ đó mà cả nước biết đến những cây bút trẻ sung sức như Nguyễn Lãm Thắng, Đông Hà, Lê Vĩnh Thái, Meggie Phạm, Lê Vũ Trường Giang, Lưu Ly, Lê Minh Phong, Nhụy Nguyên, Hoàng Công Danh, Nguyễn Hương Duyên, Trần Quỳnh Nga, Hoàng Thúy, Trương Đình Phượng,... Với vai trò là người định hướng, người viết phê bình không chỉ định hướng tốt cho bạn đọc mà còn phải là điểm mở, cú hích, giúp người sáng tác nhận ra những thiếu hụt, phương cách vận hành tác phẩm theo cảm quan mỹ học mới. Bởi thế, có thể khẳng định, các cây bút trẻ phê bình Bắc miền Trung ít nhiều đã thể hiện sự quan tâm đến đời sống và sự phát triển của văn học miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Phê bình văn học trẻ Bắc miền Trung thực sự đã làm tròn chức năng và nhiệm vụ của nó chưa? Câu trả lời này tùy thuộc phần nhiều ở ý thức, bản lĩnh mỗi cây viết phê bình trẻ và một phần không nhỏ ở trách nhiệm của các Hội VHNT và tạp chí địa phương. Trong dòng chảy phê bình cả nước, có thể khẳng định, các cây bút phê bình trẻ Bắc miền Trung đã và đang cố gắng làm tròn bổn phận của mình. /.
Nguồn Văn nghệ số 22/2018