HIỂN HIỆN MỘT CUỘC ĐỜI.MỘT SỰ NGHIỆP.MỘT TRÁI TIM
Có một điều, nghe như ngược đời, mà lại là sự thật: Remarqué vốn không có ý định trở thành nhà văn, càng không muốn lập nghiệp bằng việc viết về chiến tranh. Ấy vậy mà năm gần 30 tuổi, sau một số thí nghiệm văn chương, Remarqué đã cầm bút viết cuốn Phía Tây không có gì lạ, viết một mạch trong 6 tuần liền, hầu như không vất vả gì. Bản thảo viết xong, ông cũng không định đưa in thành sách, đã đút vào ngăn kéo đến nửa năm trời. Được bạn bè khích lệ, ông đem in nhiều kỳ trên một tờ báo, nhưng khi đưa in thành sách thì các nhà xuất bản đều từ chối. Song, cái gì đến sẽ phải đến, cuốn sách đã được ấn hành tại Nhà xuẩt bản Propileen.
Tập sách vừa ra đời đã được dư luận tiến bộ toàn thế giới chào đón nhiệt liệt. Cho đến giữa năm 1930, có tới 25 bản dịch được xuất bản ở các nước với một số lượng lớn không ngờ: Pháp in 44 vạn bản, Nga 41 vạn, Mỹ 32 vạn rưỡi, Anh 31 vạn, Tiệp Khắc gần 82 ngàn, Tây Ban Nha 75 ngàn, Hà Lan 70 ngàn, Đan Mạch và Nauy 70 ngàn, Thụy Điển 67 ngàn, Nhật Bản in 50 ngàn bản. Ở Italia, tác phẩm Phía Tây không có gì lạ là cuốn sách được in với số bản nhiều nhất thế giới. Nhà văn hào Karl Zuckmayer khẳng định ngay sau lần xuất bản đầu tiên: “Quyển sách này được sống bởi hàng triệu con người và cũng được hàng triệu con người đón đọc. Không chỉ lúc này mà trong mọi thời đại”. Walter Molo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Văn học Đức thời đó, coi cuốn sách của Remarqué là tác phẩm duy nhất mô tả trung thực các diễn biến của cuộc chiến thế giới. Ông nhấn mạnh “Cuốn sách đã trở thành một tượng đài về những người lính vô danh của chúng ta. Hãy đưa nó đến từng nhà, bất kỳ nhà nào, dù có hay không có những người thân đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh đẫm máu ấy. Quả thật, cuốn sách này đã được tất cả những người chết viết nên, đấy là lời di chúc của mọi người đã ngã xuống ở tất cả các nước gửi tới những người còn sống”. Còn biết bao lời đánh giá tốt đẹp vềPhía Tây không có gì lạ, như: “Một quyển sách như vậy sẽ chỉ có thể viết được trong khoảng 100 năm một lần!”. (L.Frank); “nó còn hơn một tác phẩm nghệ thuật” (S.Zweig). Trong thời gian từ 1928 đến 1932 có tới trên 200 tiểu thuyết viết về chiến tranh, nhưng bán chạy nhất, có tiếng vang lớn nhất vẫn là Phía Tây không có gì lạ. Bốn năm sau Chiến tranh thế giới thứ II (1945 - 1949), một số tác phẩm ra đời đã chịu ảnh hưởng của Phía Tây không có gì lạ, như: Xtalingrat (Th.Pliviet); Mỗi người chết cho riêng mình (H.Falada); Trung úy Bertoram (B.Ude); Để anh còn tiếp tục sống (E.Bruenning); Tiếng sáo người chăn cừu (W.Udo)...
Các nhà văn lớn như Ludwig Renn, Anold Zweig từ đầu những năm 20 của thế kỷ này đã theo đuổi đề tài chiến tranh ăn cướp cùng các vấn đề xã hội. Và không ít tác phẩm của họ đã thành công, như Cuộc chiến tranh lớn của các ngài da trắng, Giấc mơ là quý giá, Ngừng lửa, Chiếc búa của Waldebeck... Song, khác với tất cả các tác phẩm nói trên, tác giả Phía Tây không có gì lạ đã trực tiếp sống trong chiến tranh, chịu cùng số phận như mọi người lính Đức trẻ trung vốn đầy mơ ước bị chôn vùi trong bùn lầy và máu, trong khói lửa và chết chóc... Thật vậy, viết tác phẩm này, Remarqué hoàn toàn không có ý định làm văn chương, cho dù trong tuổi thơ, ông từng ham đọc sách, cũng như ham vẽ, ham chơi đàn. Có một sự thôi thúc sâu xa từ máu thịt ông, từ lương tâm ông. Cho nên, dù không có ý định, tác phẩm này - thông qua sức mạnh tạo hình của ngôn ngữ, của hình ảnh, của chủ đề, của các mô-típ - đã có tác dụng nghệ thuật và nội dung tư tưởng đặc biệt. Về phần mình, Remarqué cho rằng: nếu được coi là cuốn sách viết về chiến tranh, thì về nhiều phương diện, nó là một tác phẩm không hoàn chỉnh, bởi vì, các sự kiện chỉ được nhìn nhận từ góc độ nhỏ hẹp của một người lính bình thường; các quan niệm về nhiều vấn đề lớn như: quân sự, chiến lược, chính trị, xã hội, tôn giáo... chưa được đề cập một cách toàn diện, thấu đáo.
Tuy nhiên, chính sự giới hạn về đề tài của cuốn sách và sử dụng tiết kiệm chất liệu mà nó có đầy đủ sức mạnh: một nhóm nhỏ, những giai thoại, cảm giác đồng loại, sự đan chéo các sự kiện, ngôn ngữ dè dặt mà sáng rõ, tính chính xác của các lớp, các cảnh ở mặt trận và khi nghỉ phép, sự tàn bạo cao độ và những hình ảnh thanh bình của tình bạn, được cấu trúc tài tình trong 12 chương.
Remarqué đã không có ý định viết về chiến tranh - ông nói vậy - song, từ thôi thúc bên trong, sự thôi thúc như một món nợ lòng ông phải trả đã buộc ông cầm bút. Không viết sao được, khi mà “bóng tối của chiến tranh cứ lơ lửng treo trên đầu ông”. Trả lời phỏng vấn của Axen Erger, Remarqué nói: “Vào cái ngày tôi có ý nghĩ này, cũng là lúc tôi bắt đầu viết và viết rất nhanh, chẳng suy nghĩ gì lâu”. Chính thái độ trung thực, trong trẻo như pha lê của ông tạo ra những trang sách rung động hàng triệu, hàng chục triệu trái tim. Rồi, tiếp theo thành tựu to lớn này, Remarqué đã viết thêm hơn 10 bộ tiểu thuyết nữa - mà bộ nào cũng được đánh giá rất cao. Các hình tượng văn học mà ông sáng tạo đều thấp thoáng bóng hình ông, đều in dấu những năm tháng của cuộc đời ông: Những Pat và Lenz, những Kettner và Rawig, Hatsch và Grau, Zanny và Valentin, Robert Rose và Lilian... họ đấy và cũng là Remarqué đấy. Những con người lầm lũi, cô độc, bơ vơ, bất lực, vô vọng, không lối thoát... những nạn nhân của chế độ phát xít khắc nghiệt. Họ là những “con người bé nhỏ” trong xã hội Đức, bé nhỏ và cơ cực, nhưng ông vô cùng kính trọng bởi những khía cạnh tốt đẹp về đạo đức của họ.
Trong tất cả các tác phẩm của Remarqué, ở trang nào người đọc cũng nhận thấy nhịp đập của trái tim Remarqué. Đó là trái tim đầy yêu thương, nhân hậu, nhiều khi đập rộn ràng và rỉ máu trên từng dòng ông viết: trái tim ấy rung động trước những bông hoa đẹp, trước dòng sông yên ả của quê hương, trước tiếng rì rào của lá cọ, những ngọn cỏ tươi xanh thấp thoáng cánh bướm vàng..., trước gương mặt ngời sáng, hồn nhiên của các cô thiếu nữ. Trái tim ấy cũng quặn thắt, nức nở trước cái chết của bạn bè, đồng đội. Nó hoàn toàn đối lập với cuộc chiến tranh vô nhân đạo mà tác giả chứng kiến, chịu đựng trong những năm dài của tuổi trẻ. Yêu thương và căm giận, bất lực và hy vọng, những giây phút ngắn ngủi của tình yêu trong sáng và những năm dài đen tối... tất cả đều được ông miêu tả sinh động, hâp dẫn, dù đó là tác phẩm Ba người bạn hay Bia mộ đen, Khải hoàn môn hay Đường trở về, Thời gian để sống và thời gian để chết hay Hãy yêu kẻ sống cạnh mình, Đêm Lissabon hay Bầu trời không biệt đãi ai...
Tất cả đều lung linh, hiển hiện trong một thứ ngôn ngữ trữ tình, trong sáng, giản dị. Remarqué có lần tâm sự: “Người ta không tin nổi là tôi đã phải khó nhọc biết nhường nào để viết một cách dễ hiểu như vậy. Những gì được đọc một cách dễ dàng - cầu mong như thế! - một cách chẳng lấy gì làm khó nhọc như thế là kết quả của một quá trình mài giũa, giản dị hóa và sửa chữa lâu dài. Cả những Lisen Mueller mà cũng hiểu được tôi thì tôi đã đạt tới mục tiêu của mình’’.
Cuộc đời kéo quá hai phần ba thế kỷ XX của Remarqué là tấm gương phản chiếu trung thực những biến động dữ dội của hai cuộc chiến tranh thế giới. Toàn bộ tác phẩm ông làm nên bản cáo trạng đanh thép đối với cuộc thảm sát nhân loại tàn khốc, làm cho chính nước Đức bị tàn phá đến kiệt quệ. Nước Đức ấy, với những số phận hết sức thương tâm, bị chôn vùi trong lửa đạn, phải vất vưởng, lưu vong nơi chân trời góc bể, luôn luôn mang tâm trạng khắc khoải của kẻ “không quê hương”. Bàn chân ông đã bước dưới những vùng trời khác nhau của châu Âu và châu Mỹ, từ Đức, Áo, Nga, Pháp đến Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Mỹ... và lòng ông lúc nào cũng hướng về quê hương, “cái quê hương vừa ghê tởm vừa lưu luyến”. Ông không thể nào quên cái buổi chiều này 12-5-1933 ấy, tại Berlin đã diễn ra cuộc rước đuốc khổng lổ của hàng vạn thanh niên và sinh viên. Đuốc đã châm vào những chồng sách gồm hàng vạn cuốn giữa tiếng kèn trống ầm ĩ của đội nhạc phát xít trình diễn bài ca “hành quân”. Chúng coi những tác phẩm của Bertolt Brecht, Anna Seghers, E.M.Remarqué, J.R.Becher, E.Weinert, của H. và Th.Mann... là “sự phản bội đối với tinh thần Đức”. Xưa kia, H.Heine từng nói: “Ở đâu người ta đốt sách thì cuối cùng người ta cũng đốt cả con người!”. Remarqué đã không bị bắt, bị thiêu đốt, song, năm 1938 ông bị tước quyền công dân và từ đó cho đến khi tắt thở năm 1970, ông phải sống lưu vong, ẩn dật tại những phương trời khác nhau đầy thử thách, không bao giờ còn được nhìn thấy quê hương Osnabrueck xinh đẹp của ông. Cũng như ông, biết bao người Đức chân chính đã bị chà đạp trên cả một không gian rộng lớn và trong khoảng thời gian hàng thập kỷ. Họ phải trốn tránh, chui lủi như vậy, chỉ mong thoát khỏi lưỡi lê, họng súng và những trại tập trung khủng khiếp.
Vâng, cả cuộc đời Remarqué là một cuộc lưu vong dài vô tận, và cũng là một sự nghiệp phấn đấu kiên trì, bền bỉ cho những điều tốt đẹp của con người. Có sự nghiệp ấy, một sự nghiệp được ghi đậm nét trong lịch sử văn học của nhân loại, trước hết vì ông có một trái tim vĩ đại. Trái tim ấy tràn ngập tình yêu quê hương, yêu đến nỗi ông cho rằng những gì ông viết ra đều có một điểm tựa là Osna brueck của ông. Giờ đây, không chỉ thành phố này tự hào về ông, được gọi ông là công dân danh dự mà toàn bộ nước Đức tự hào có ông - một nhân cách lớn, một tài năng lớn, con người có gương mặt đầy nghị lực, có đôi mắt sinh động, đôi mắt mang màu xanh của biển... Đã 48 năm Remanqué vĩnh biệt chúng ta, song các tác phẩm của ông vẫn ngày càng trở nên gần gũi, thân thuộc đối với các thế hệ bạn đọc chúng ta. Thật đúng như nhà văn B.Frank đã nói: “Sau này, nếu như trong văn học viết về chiến tranh thế giới và về những cuộc lưu vong đầy khiếp sợ không còn lạ gì nữa thì ít nhất vẫn còn những tác phẩm của Remarqué. Những tác phẩm ấy được tính vào kho tàng văn học vĩ đại của nhân loại. Và như vậy, Remarqué mãi mãi sống cùng chúng ta và các thế hệ mai sau…”.
Nguồn Văn nghệ số 15/2018