Tác phẩm chọn lọc

10/6
5:19 PM 2018

VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI: THƠ LUBÔMIA LEPSEP

Lubomia Lepsep Sinh ở Troyan, một thành phố vùng Bancăng, rất đón mở với nghệ thuật và còn giữ được truyền thống văn hóa dân gian; học triết và sử ở trường đại học Xôphia. Thuộc thế hệ muốn tìm những giá trị mới trong thơ xã hội để mở rộng tiếng hát.

Nhân vật trong thơ anh mang trí tuệ phong phú của con người hiện nay, con người dám nghĩ dám làm, vươn mạnh mẽ lên tới những đỉnh cao, và tri thức được bồi bổ giàu hơn, trở thành một người xây dựng đắc lực của cuộc sống mới. Anh nói to lên những dằn vặt, cay đắng của mình, nhưng trên tất cả, thổ lộ lòng yêu của anh đối với thời đại, với người đương thời, và với sự nghiệp chung.

Nhiều năm là Chủ tịch Hội Nhà văn Bungari.

Những tập thơ anh được dịch ở Pháp, anh, Hi Lạp, Pêru, Braxin, Cuba, Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Hungari...

 

Những tiếng nói xuân

 

Trong một đêm u sầm mà tuyết tan

Trong một đêm yên tĩnh

Một đêm rất là yên tĩnh,

Một giấc ngủ trắng

Với những chiếc búa nhỏ pha lê

Và những hoa đèn điện...

 

Và đột nhiên, một người xuất hiện

Y đang chạy

Y cầu cứu

Thở hổn hển rất to

Và kêu la,

Giọng thật là kinh hãi.

 

Những cửa sổ nhỏ sợ sệt bèn tắt đèn

Những ống máng bèn thôi nhỏ giọt

Cho đến khói

Của những lò sưởi

Cũng nấp dấu mình...

 

Thật rất đỗi kinh hoàng,

Thật kinh hãi

Thấy rằng không có ai rượt đuổi người ấy,

rằng không có ai đến cứu giúp y.

Và thấy rằng giọng của anh ta

Cạn sức dần, dần đuối tắt...

 

Lúc bấy giờ, một trận bão gớm ghê nổi dậy,

Nó đập vỡ cửa gương của một bao lơn.

Những đống tuyết

Tuột xuống từ những mái nhà

Ầm ầm rơi trên các lề đường,

 

Và những nước đục ngầu

Vọt ra từ khắp phía.

Và sáng ra chúng tôi nhìn thấy:

Hóa ra trong đêm qua, một bức tượng

Bằng đồng - đã chạy biến đi

Những lý lẽ

 

Một tiếng ầm ầm

Một đám mây bụi...

Các bức tường chống đỡ sụp rồi.

Vì mệt chăng?

Vì sợ?

Hay là giản đơn -

Một phút tiền định?

Thời tiết bình yên

Trời không có bi kịch

Trong xanh

Ổn thỏa.

Chẳng có lý do gì trông thấy được,

Bức tường kiêu hãnh

Đã đổ nhào.

Sau khi đã đứng vững đương đầu

Với bao nhiêu suối lũ dữ dội,

Với biết mấy trận

Động đất...

Sao nó không chọn

Cho sự mất mát nắm chắc của mình

Một giây lát vinh quang hơn?...

Tôi nhìn thấy

Đất mở miệng nứt to

Và một con rắn rụt rè

Dấu hình trong đó.

Tôi lặng im không nói

Và suy nghĩ

Tới những lý do vô hình của chúng ta,

Chúng ta có là gì khác hơn chăng

Là một chỗ dựa

hay là một ý định khăng khăng

Vác những cây cờ

Và gánh những khó khăn,

Trong khi mà chỗ yếu của ta

Hãy còn ẩn náu.

Khúc ca tặng Gácxia Loocca[1]

"Khi nào tôi chết...
Hãy chôn tôi với một cây đàn ghi-ta..."

 

Thành Grơnát đẫm máu ấy ở đâu?

Mộ anh ở nơi đâu?

Làm thế nào để biết?

Chúng có biết, những con ngựa trẻ

Đang hí vang, dậm đất bằng bốn vó?

Hoặc là những chim ưng

Hiên ngang trên những đỉnh núi trùng trùng?

Ở rất xa

Ở rất xa xôi, là thành Grơnát!...

Trời nơi ấy có biếc không?

Lá kim anh nơi ấy có xanh không?

Tôi chẳng rõ.

Nhưng đích thị là vì thành Grơnát

Mà anh đã chết phải không?

Chính nơi đó mà người ta ca hát

Khúc Xêghêđida[2] có phải không?

Nơi đó mục những áo sơmi

Đẫm máu của anh em tôi, có phải?

 

Ở rất xa

Ở rất xa xôi, là thành Grơnát.

Nhưng mà anh, anh ở sát gần

Không phải là để thọ tang!

Mà tôi đã tìm kiếm mộ anh.

Trên mộ anh tôi sẽ hát lên

Và từ chiếc ghi ta sẽ nảy

Những tiếng vui, thật là vui khỏe.

Và bên mộ tôi sẽ mài sắc lẻm

Một lưỡi dao găm của xứ Caxti

Để dành cho trận chiến đấu tới đây.

Thời gian là hy vọng

 

Thời gian là hy vọng!

Thời gian,

Nơi chúng ta sẽ có khí trời lồng lộng

 

Những người xây đê chặn sóng, các anh hiểu tôi.

Những người đấu quyền Anh bị loại, các anh hiểu tôi

Những người du kích, ẩn trong bưng biền Việt Nam.

Và tất cả các anh,

những con người,

huy động lên vì ý tưởng của chúng ta,

Các anh thông cảm với tôi toàn vẹn.

 

Vốn là tôi cần quá đến nỗi thành ngạt thở

Cần thiết một ít thời gian (hay là hy vọng).

Khoảng độ trăm năm.

Hoặc là, trường hợp rất đỗic ần

bảy ngày của Chúa tạo thiên lập địa.

Vốn là tôi bắt buộc phải tạo ra một thế giới

mà xưa nay chưa có bao giờ

thế gian mà chúng ta khát khao

thế gian đỏ

mà chân lý sẽ được nói ra trong đó.

... Do vậy bỗng nhiên tôi tự cảm thấy rằng

tôi là một quyển lịch!

Tôi tự nhìn thấy mình -

đặt ở trên bàn,

trong túp nhà của những đội lao động,

mở trước mặt tôi,

Tôi tự lật từng trang.

Tôi, quyển lịch rất mực bình thường.

Và cũng như các bạn

Với những ngày hằng ngày chữ đen

và với những ngày lễ đỏ.

Và mỗi ngày với một lỗ xuyên phải có -

khi qua ngày rồi.

thì tự rút ra

và tự ném đi...

cũng như các bạn.

... Rồi bấy giờ bỗng nhiên tôi cảm thấy

rằng mỗi một ngày tôi được chứa đầy

những chép ghi về sự vĩ đại của con người:

 

12 tháng bảy -

Emin Máccốp bị giết...

 

13 tháng bảy -

Gioócđanô Brunô sinh ra...

 

14 tháng bảy -

Ngày hội của người dựng xây.

Ngục Bátti bị phá...

 

15 tháng bảy -

Van Rin Rămbrăng sinh ra.

Đảng Cộng sản Nhật thành lập...[3]

 

Vâng!

Tất cả cái ấy là nội dung của chúng ta.

Chúng ta được in ra như thế đấy.

Có phải thế không?

... Lúc bấy giờ tôi lại cảm nghe bằng trái tim tôi

rằng trong lịch còn có cái gì đó nữa

Viết nguệch ngoạc

bằng bút chì

hay là bút mực -

mỗi một ngày

bằng những chữ rất là khó đọc.

 

12 tháng bảy

Bánh mì.

 

13 tháng bảy

Thuế phải đóng cho vườn trẻ

Giấy than để đánh máy chữ

Nợ phải vay

Vé...

 

14 tháng bảy

Em để chìa khóa dưới đệm chùi chân!...

 

15 tháng bảy

...

Cũng lại những ngày lớn lao như thế cả,

Và tất cả cái ấy cũng là một phần của chúng ta.

 

Cái đó là chúng ta tất cả...

và là Lịch sử!

Tại sao mà tôi tự làm mình thành ra quyển lịch?

Tại sao tôi đem trái tim tôi

làm thành cái đồng hồ cổ dùng cát để đo thời gian?

Tại sao mà tôi đổi tất cả thành ra giây phút?

Bởi vì thời gian là hy vọng!

 

Bởi vì tôi tự hóa mình thành ra thời gian

Và khi hóa ra thời gian

thì

tôi cần đến mình đến nỗi thành ra ngạt thở.

Để cho tôi làm xong các nhà máy của mình

Để cho tôi đào cho tới đáy những con kênh

Để cho tôi đưa chân lý của tôi cho tới nơi tới chốn.

 

Và để mà tôi đưa bài thơ này cho anh

như chìa một bàn tay

da rám chai, nhưng mà trung hậu.

Tôi.

người lao công

của cái công xưởng làm ra hy vọng.

Vết thương lở lói

 

Chilê ơi,

trước đây người là

một nước cộng hòa kỳ lạ

ở bên kia của Trái đất.

Bây giờ,

người là vết thương lở lói của tôi,

một vết thương dài

lượn theo hình dạng của hồn tôi.

Vết thương lở lói dài

như gây bởi một đường gươm,

kỷ niệm của người bạn mình đà quên lãng.

Nhưng với những vệt đau thương ấy

một điều kỳ diệu xảy ra:

Những vệt đau ấy báo hiệu

cho ta biết tiết trời ngày mai sẽ trở!

Tôi cảm nghe nhức nhối, hỡi Chilê!

Vậy thì ngày mai,

bọn chúng ta ơi,

Sẽ có sự thay đổi

ở trên trời.

Ngày mai mặt trời của ta sẽ chiếu!

Đó là điều nó báo trước,

vết thương lở lói của tôi.

Những quả chuông của đảo đen[4]

 

Tôi đã đến thăm nhà Pablô Nêruda.

Bài thơ "tụng ca về khí trời" của nhà thơ

mà mời tôi đến.

Và do vì thi sĩ

đã đi thật xa,

chỉ cái chuông con báo hiệu ở cổng nóiv ới tôi:

- Chào anh, Côm-pa-nhi-ê-rô, người đồng chí[5]:

 

Ấy thế thì là

khi đó gió ngồi lên ở trên bàn,

Cũng có hai cái đĩa.

hành tây và ớt nữa.

Những thiên thần ẩm mục lại qua ẩn hiện nơi này,

và trong những cái chai

trôi lướt bồng bềnh

những chiếc tàu xa lạ,

Trong cái sân

tôi đã gặp những quả chuông nổi tiếng

treo lên như

những người phiến loạn

lủng lẳng dưới những giá treo cổ,

luôn sẵn sàng để sống lại một cách gớm ghê

hễ mà có một trận bão lại nổi dậy.

 

Và tôi cứ ngồi như vậy ở trên chiếc ghế đá dài

ngắm nhìn ra

những sóng lớn đen của Thái bình dương.

Im lặng ngồi trên chiếc ghế đá dài,

tôi tự thấy mình

cũng dễ chết như một ảnh hình trên những đám mây kia đó.

Ra đi tôi đã viết

một lời gửi cho trời xanh:

"Viết cho Nêruđa.

Bất kỳ đang ở đâu,

Nếu tôi nghe thấy tiếng,

những quả chuông của Đảo Đen,

tôi sẽ có mặt!"

Bốc cháy

 

Chúng ta ở đây rồi!

Chúng ta đã tới

sân bay trên mặt đất.

Và thế giới rộng mở,

và thế giới còn chưa được khám phá.

 

... Cái gì cần thiết đối với tôi?

- Một niềm tin gì không ăn cắn được,

Một con tàu đầy ca khúc...

Lúc bấy giờ, tôi đây sẵn sàng chạy khắp địa cầu...

 

Những điều kỳ dị đang lo đang thực hiện

ở trong tôi

và ở khắp nơi!

 

Sắc màu của ánh sáng bỗng đổi thay

lúc tôi bay trên chỏm sắt

của năm thứ 2.000

khi miệng núi lửa của thế kỷ 20

có vẻ đã dịu rồi

Và bản thân tôi

có thể cho là đã tắt...

 

Chính lúc bấy giờ

một làn chớp đỏ như máu sáng lóe trong mắt tôi.

Và cháy bừng võng mạc của bầu trời.

Điện chính trị nắm lấy tôi

Và bây giờ thì, như vậy đó.

Tôi là tia lửa sắc

ở giữa dương cực và âm cực của một cuộc đấu tranh

ở giữa Tiệp Khắc

và Việt Nam

ở giữa sông Juốc-đanh (Jourdain)

và Việt Nam

ở giữa dãy núi Angđơ

và Việt Nam

 

Tại đó người ta thấy đi tới

những tên tội phạm nhỏ

để biện hộ

cho những tên tội phạm to.

Tại đó

ngã xuống những người mơ mộng có mắt sáng trong

đặng cho những mộng mơ có thể còn trong sáng

Đấy,

tôi bén lửa

Và cũng vậy, anh bốc cháy căm hờn

anh, người say thơ...

 

Ôi! Những ngôi sao đi qua

chúng hãy thực hiện những cuộc đổi ngôi của chúng!

 

Hỡi trái tim đang cháy ngún,

ôi người em ngắn ngủi của ta,

nếu chúng ta là những người chân chính

thì chúng ta giờ đây phải thắp sáng một cái gì...

...

anh hãy là tia lửa!

Hãy là người châm mồi gan góc,

hãy thắp đám cháy lên!

Hãy tiến tới và

đốt những chiếc cầu phía sau anh!

Hãy thắp những lò cao,

thắp lý tưởng siêu việt,

thắp những ngôi sao mai,

trong các không gian của tương lai!

Anh hãy là tia lửa!

Hãy thắp cháy những con người

những người của mai sau!

Xuân Diệu dịch

 

Nguồn: Tạp chí Thơ HNV

 

[1] Garcia Lorca, nhà thơ lớn Tây Ban Nha bị phát xít Frăng-cô giết tại thành Grơnát (Grenade)

[2] Séguédilla: ca vũ dân gian Tây Ban Nha.

[3] Giordano Bruno sinh ngày 13-7-1548 (mất 1600), người Ý, do chống hệ tư tưởng của Nhà thờ, mà bị xử thiêu tại Rôma, như là một kẻ "ngoại đạo" - Ngày 14-7-1989, ngục Bastille ở Pháp bị cuộc cách mạng tư sản dân quyền san bằng. - Ngày 15-7-1606, họa sĩ lớn Rembrandt sinh ra (mất 1669) ở Hà Lan, là tác giả của 300 bức tranh vẽ và cũng ngần ấy tranh khắc trên đồng. - 15-7-1922, Đảng cộng sản Nhật thành lập.

[4] Isla Négra: nơi có nhà của Pablô Nêruda. Trong khu nhà mình, nhà thơ có sưu tầm những quả chuông, treo lên ở trong sân; những chuông này cũng nổi tiếng.

[5] El companiero, tiếng Tây Ban Nha: đồng chí.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *