Ống kính phê bình

8/5
12:06 PM 2016

THƠ VIỆT NAM 40 NĂM CÁCH TÂN

Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Đất Việt vừa ấn hành cuốn sách dày 1100 trang “Thơ Việt Nam tìm tòi & cách tân” 1975-2015 của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, giới thiệu quá trình phát triển của thơ đương đại Việt Nam với 69 nhà thơ tiêu biểu và có thành tựu thơ trong 40 năm qua. VanVN.Net xin giới thiệu một phần tác phẩm này trước thềm cuộc hội thảo “Văn học Việt Nam 30 đổi mới” do Hội Nhà văn VN tổ chức tại Tam Đảo tháng 6/2016.

 Thơ Việt Nam 40 năm cách tân - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

   Từ xưa đến nay, đổi mới văn chương- thi ca vốn là công việc khó khăn, khó nhọc muôn phần của người sáng tạo. Còn luận bàn về sự tìm tòi, đổi mới của thi ca chắc cũng không dễ dàng gì hơn. Nhưng không lẽ, cái khó khăn lớn nhất của việc mở đường, khai phá miền đất mới cho thi ca đã được các nhà thơ làm rồi, còn việc giới thiệu, cổ vũ, luận bàn về cái mới ấy, chúng ta lại cứ e dè, xét nét, ngâm ngợi mãi sao ?. Trong cuốn sách “Thơ Việt Nam tìm tòi& cách tân” tái bản lần này, người chủ biên xin phép được quan sát, xem xét các tác phẩm-tác giả có dấu ấn của sự tìm tòi, cách tân thi ca xuất hiện trong 40 năm qua (1975-2015).

 LÀM QUEN MỘT CÁCH ĐỌC THƠ MỚI

   Tôi có cảm giác, dường như các nhà lý luận phê bình hôm nay không mấy mặn mà, ưu ái khi viết về một số hiện tượng mới trong thơ Việt đương đại. Và như thể họ đã “lãng quên” cả một thế hệ thơ mới xuất hiện sau năm 1975. Thực trạng ấy đã khiến nhiều người  hôm nay cứ băn khoăn về một “nền phê bình đã “ngủ quên” trên các giá trị cũ của hai dòng thơ Tiền chiến1930-1945 và thơ Kháng chiến 1945-1975 mà không luận bàn gì mấy về đóng góp của dòng thơ  Hậu chiến 1975-2005. Chính vì cái thiện ý muốn cổ vũ, vinh danh cho cái mới, trong những năm qua, tôi đã viết loạt bài “ Thơ- tìm tòi và đổi mới” đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều tờ báo khác nhằm mục đích phát hiện những xu hướng cách tân trong thơ Việt đương đại và giới thiệu những nhà thơ mới thuộc thế hệ sau 1975. Nay các bài viết này được chọn lọc, bổ sung, viết sâu hơn để in trong tập “Thơ Việt Nam - Tìm tòi và cách tân 1975-2015” do  NXB Hội Nhà văn ấn hành và tái bản có chỉnh lý, bổ sung.

    Khi ra tập sách này, tôi cũng có cái băn khoăn của riêng mình, khi một người làm thơ như tôi lại vươn sang lĩnh vực hoạt động của các nhà lý luận phê bình. Nhưng trông trước trông sau, thấy trong những thập niên gần đây, cũng có một số nhà thơ chuyển sang viết phê bình lý luận được dư luận văn chương đánh giá khá tốt, nên tôi cũng hăm hở cầm bút, mong rằng cái nhiệt tình chân thành của mình có thể làm được một đôi điều gì đấy, góp phần vào sự phát triển của thi ca đương đại Việt Nam.

    Trước hết, tôi xin khẳng định rằng, tập sách này đề cập tới các xu hướng tìm tòi, đổi mới của các nhà thơ Việt Nam trong bốn thập niên 1975-2015 và không hạn chế bởi nhóm tác giả thuộc thế hệ nào. Tác giả cuốn sách chỉ mong muốn được giới thiệu cái mới, cái hay của các nhà thơ này chứ không coi đây là một cuốn sách viết theo dạng phê bình-tiểu luận có tính chuyên sâu về từng tác giả. Bởi công việc phát hiện, luận bàn về những cái được và chưa được, cái mới và chưa mới, cái hay và chưa hay…của mỗi nhà thơ đương đại để đưa ra những bình luận về một thời đại thi ca là công việc thuộc về những nhà chuyên nghiên cứu lý luận phê bình. Tôi không thể làm thay công việc của họ, bởi tôi thuần tuý chỉ là một nhà thơ lấy sáng tác thơ làm chính. Nay thấy các thế hệ thơ đã hàng mấy chục năm lặng lẽ cách tân thơ Việt đang có nguy cơ bị lãng quên, nên tôi mạnh dạn chủ biên cuốn sách này, mong giới thiệu một nền thơ mới, một cách đọc mới cho những ai còn quan tâm đến sự sống còn và phát triển của thi ca Việt Nam trong cái thời đại phần “đất sống” của thơ đang mỗi ngày bị co ngắn lại.

  Về phần giới thiệu các nhà thơ có dấu ấn tìm tòi, cách tân và đổi mới thi ca Việt trong cuốn sách này, tôi xin phép được: “Bình thơ ít mà trích thơ nhiều”. Một phần cũng bởi khuôn khổ có hạn của cuốn sách.Và một phần cũng bởi tôi cho rằng, dù anh có bình hay đến dâu thì vẫn chỉ là lời bình (nó chỉ phụ hoạ một phần cho tác phẩm), còn văn bản thơ mới chính là một thực thể ngôn ngữ sống động. Nếu thơ có mới, có hay, có đủ sức chinh phục người đọc thì lời bình của anh mới có chân giá trị. Còn nếu thơ không mới, không hay, không làm chấn động bạn đọc thì lời bình véo von của anh phỏng ích gì!. Vì thế, tôi thường trích khá nhiều thơ của mỗi tác giả, với mong muốn để tự thân cái mới trong thơ có thể tạo ra một không gian thẩm mỹ để độc giả làm quen với những xu hướng cách tân, để tạo ra một thói quen mới, một cách đọc mới nhằm nâng cao tính thưởng ngoạn chủ động của người đọc.

   Có một điều, thơ mới khó đọc hơn thơ cũ, không chỉ vì năng lượng tư tưởng của thơ có nhiều dạng thức mới, mà còn bởi sự chối bỏ vần điệu của thơ tự do khiến cho nhiều độc giả quen thưởng thức thơ có vần điệu thấy khó vào, khó hiểu. Do vậy, qua cuốn sách này, tôi cũng mong muốn làm sao đó để cho độc giả yêu thơ hôm nay có thể làm quen với một cách đọc-thơ-mới, một cách cảm xúc mới.       

  Một vấn đề nữa, trong cuốn sách này, tôi có thể còn bỏ sót một số nhà thơ tài năng đang có những tìm tòi đáng ghi nhận, cũng mong các anh, chị lượng thứ bỏ qua, vì thật ra tôi không có trong tay các văn bản thơ, không thu thập được tài liệu thông tin về các anh, các chị. Nên tôi thành thực mong rằng, sau này, nếu cuốn sách được tái bản và thu thập được thông tin về các tác giả mới, tôi xin được phép bổ sung ngay.

LÝ GIẢI SAO ĐÂY KHI THƠ MỖI NGÀY MỘT ÍT NGƯỜI ĐỌC?

   Cho đến những thập niên đầu của thế kỷ 21, có nhiều ý kiến cho rằng, dường như một thế kỷ “vàng son” của thi ca Việt Nam đã đi qua, và rằng thời đại của thi ca đã dần tắt trước sự “xâm lăng” của các loại hình văn hoá mới trước thời đại văn minh hội nhập toàn cầu của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe-nhìn. Có lý lắm, khi cộng đồng văn hoá Việt hôm nay không mấy người chú ý đến thơ đương đại và sự phát triển lặng lẽ của nó trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam trong ba thập kỷ gần đây.

  Phải chăng tình yêu thơ ca không còn đất sống trong tâm hồn con người hiện đại, khi “cơn lốc” của đời sống công nghiệp, đời sống đô thị và cái gọi là lối “sống gấp” đang nghiền thời-gian-sống của chúng ta thành từng mảnh vụn?. Đã có lúc tôi tự hỏi: “ Thơ cần cho ai- cần cho mọi người hay chỉ cần cho riêng ta?”. Nếu nói thơ cần cho mọi người thì đấy là một điều không thực tế, vì số đông hôm nay không đọc thơ (cũng không phải vì không đọc thơ mà đời sống tinh thần của họ nghèo nàn). Trong cộng đồng văn hoá Việt hôm nay chỉ có một thiểu số còn đọc thơ (đa phần là học sinh, sinh viên và người làm thơ đọc thơ của nhau). Vậy thơ  sống thế nào trong thời đại “kỹ thuật số”, trong thời “điện tử hoá” đang rút dần đất sống của thơ?.

   Đã nhiều đêm tôi băn khoăn tự hỏi mình: phải lý giải sao đây khi thơ hiện đại mỗi ngày một ít độc giả? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ không phải là tiếng nói của số đông trí thức (chưa nói đến quảng đại nhân dân)? phải chăng tiếng nói của nhà thơ chưa rung động, chưa lôi cuốn được mọi người? phải chăng các nhà thơ đã khép chặt cõi thơ riêng của mình, không để cho những âm vang nhọc nhằn, bức bối của đời thường có cơ hội lên tiếng? phải chăng nhà thơ chưa tìm ra con đường đưa cái đẹp thi ca đến với trái tim con người hiện đại? Chúng ta cùng đi tìm lời giải.

    Theo tôi, thơ đương đại đang tồn tại 2 dòng chảy chính. Có thể tạm gọi dòng chảy thứ nhất là dòng thơ không chuyên nghiệp với sự có mặt đông đảo của những người yêu thơ, những người làm thơ bình dân đang sinh hoạt ở rất nhiều câu lạc bộ thơ ở nhiều thôn, xóm, phường, xã, quận, huyện…tại các địa phương trên địa bàn cả nước. Về dòng chảy này, tôi chợt nhớ tới một câu thơ của nhà thơ Lê Văn Ngăn “ Chúng tôi vô danh nhưng chúng tôi nhiều hơn những người nổi tiếng”. Có thể nói chưa có thời kỳ văn học nào của đất nước ta lại có một nền thơ bình dân rộng rãi và sôi động đến như hiện nay, sự bùng nổ ấy chính là nhờ công nghệ in ấn và xuất bản rất phát triển hiện nay khi ai cũng có thể bỏ tiền túi để công bố những sáng tác thơ của mình (rẻ nhất cũng là bằng cách đánh máy vi tính và photocopy).

  Tôi nghĩ đây cũng là chuyện bình thường, là sự phát triển tất yếu của một xã hội ngày càng cởi mở, nhất là khi dân tộc chúng ta là một dân tộc yêu thơ và ở nhiều giai đoạn đã coi việc làm thơ như một hành động yêu nước như ông chủ báo Nam Phong ngày xưa đã từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta- còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Đấy tạm gọi là dòng chảy thứ nhất.

  Dòng chảy thứ hai là dòng thơ chuyên nghiệp với sự hiện diện của những người viết chuyên nghiệp, những nhà thơ đã thành danh. Đây là dòng thơ chủ lưu làm nên diện mạo của thơ ca Việt Nam đương đại với những tinh hoa và tài năng thơ thật sự. Nhưng có một thực tế nghiệt ngã, những người nổi tiếng như họ, những năm qua lại đang “chìm nghỉm” trong một biển người làm thơ vô danh hiện nay. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật này khi các nhà thơ chuyên nghiệp phải từ 4-5 năm (có người cả chục năm) mới xuất bản được một cuốn thơ, mỗi cuốn in khoảng chừng 500 bản, lại để biếu nhau là chính vì thơ bán được rất ít hoặc không bán được.

  Vậy thì lớp độc giả nào sẽ đọc thơ của chúng ta với 500 bản in như vậy nếu không phải chỉ có chính những người làm thơ đọc của nhau? Và lời giải đáp cho vấn đề “Làm thế nào để tăng cường mối liên hệ giữa bạn đọc và tác giả thơ” thì theo tôi phải chăng, chính là việc Hội Nhà văn VN phải tìm cách nào đó để cái biển người yêu thơ, làm thơ vô danh kia trở thành độc giả của thơ chúng ta, hay nói cách khác dòng thơ chuyên nghiệp phải làm thế nào đó để tìm tòi, đổi mới và nâng cao chất lượng thơ lên để có thể hướng đạo, để nối cầu với dòng thơ không chuyên nghiệp. Nhưng có một thực tế khắc nghiệt khác là nếu thơ chúng ta không hay (thứ thơ chuyên nghiệp mà cứ làng nhàng như hiện nay) thì cái biển người làm thơ vô danh kia cũng sẽ quay lưng, không thèm đọc chúng ta đâu. Lúc ấy, họ quay ra đọc thơ của nhau và nền thơ bình dân có nguy cơ trở thành dòng chủ lưu chính của nền văn học đương đại (?).

   Theo tôi, chúng ta chỉ có hai muơi bốn chữ cái-hai mươi bốn con đường mở ra hai muơi bốn dòng sông ngôn ngữ. Vào cái thời ma lực của chữ viết, với máy in, mực in và giấy in, khiến nhiều người mộng mơ và đa cảm đều muốn trở thành thi sĩ. Không ai có quyền cấm họ trở thành các nhà thơ với cách thức gieo trồng cảm xúc để cho ra đời một thứ sản phẩm gần giống với thơ, và nhiều khi dứt khoát không cần phải là thơ, cũng chẳng sao! Nhưng sau mọi xúc động duy mỹ- thơ là sự kết cấu của ngôn từ để tư rưởng bay lên, và bởi khát vọng của yêu thương, đau đớn và mất mát của chúng ta nhiều khi không cần tới thứ cảm xúc trữ tình cũ kỹ và nghèo nàn ý tưởng, vì chúng ta chỉ có hai mươi bốn chữ cái- hai mươi bốn dòng sông mở ra hai mươi bốn con đường ngôn ngữ.

 

                                                                                      Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

THƠ VIỆT NAM SAU 1975-NỀN VÀ ĐỈNH

  Trong những năm gần đây, vấn đề đổi mới thơ đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết và tự  thân của mỗi cá thể sáng tạo. Tuy một số khuynh hướng cách tân trong thơ trẻ gần đây mới chỉ là bước tìm tòi vỡ vạc ban đầu, nhưng vận hội mới của thơ ca Việt Nam đang mở ra trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. Và chúng ta có quyền hy vọng về một “làn sóng mới” sẽ làm thay đổi diện mạo thơ Việt Nam cả về hình thức nghệ thuật và tinh thần sáng tạo.

   Sau thế hệ thơ Tiền chiến (1930-1945), thi ca Việt Nam đi thẳng vào khói lửa trận mạc trong suốt 30 năm chiến tranh liên miên giặc giã với thế hệ thơ Kháng chiến (1945-1975). Trong suốt 30 năm trận mạc đó, thi ca Việt Nam đã thăng trầm cùng số phận dân tộc để vượt lên và tồn tại. 30 năm sau chiến tranh, thế hệ thơ Hậu chiến (1975-2005) đã hướng tới một cuộc cách tân để đưa thơ đương đại Việt Nam hội nhập với thế giới.

Theo tôi, xét về mặt giọng điệu và thi pháp, thơ Kháng chiến đã ít nhiều làm thay đổi chân dung diện mạo của thơ Tiền chiến nhưng gần như vẫn chưa vượt qua được vùng ảnh hưởng của nó. Phải chờ dến sự xuất hiện của dòng thơ Hậu chiến thì giọng điệu và thi pháp thơ Việt Nam mới có được những chuyển động mới để chấm dứt nỗi ám ảnh của thơ Tiền chiến.

   Cho đến nay, đã 40 năm sau chiến tranh, cùng với bước ngoặt đổi mới quan trọng của nền văn học Việt Nam đương đại, cả một thời kỳ mới đáng ghi nhận của thơ ca đất nước đã mở ra với sự xuất hiện của hàng loạt tác giả, tác phẩm mới mang dấu ấn của một giai đoạn văn học sau chiến tranh. Nhìn lại chặng đường thơ Việt Nam 40 năm qua với những thành tựu mới được công chúng văn học ghi nhận, chúng ta nhận ra rằng đội ngũ những nhà thơ Việt Nam xuất hiện sau 1975 đã chia vai “gánh vác” được một phần “gánh nặng” văn chương được nối tiếp “chuyển vai” từ thế hệ các nhà thơ đã hành trình trong suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975). 

    Tôi không có ý muốn so sánh các thế hệ nói trên, bởi họ đều có cùng một sứ mệnh thi ca thiêng liêng là phấn đấu cho sự trường tồn của nền văn học dân tộc và non sông gấm vóc này. Cũng bởi họ trong những năm tháng sung sức nhất của “đời văn” mình, đã cống hiến tài năng và nhiệt huyết để làm nên diện mạo văn học của mỗi một thế hệ. Và trong “ngôi nhà chung” của nền văn học đất nước, mỗi thế hệ cầm bút đều có những “chân dung” văn học làm nên “gương mặt” riêng của thời đại mình. Họ đã nối tiếp nhau làm nên sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hoá dân tộc qua mỗi thời kỳ.

   Thực sự những nhà thơ xuất hiện sau 1975 đã là một thế hệ đổi mới quan trọng của văn học đương đại Việt Nam. Trong số họ có những người đã cầm bút từ trước đó, nhưng thành tựu thơ ca chính lại xuất hiện và được ghi nhận sau 1975. Có thể tạm phân định các nhà thơ này theo 2 nhóm: Nhóm thứ nhất: các nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến (xuất hiện từ 1975 đến 1990)- đây là những gương mặt thơ tiêu biểu làm nên diện mạo chính của thời kỳ đổi mới trong thơ Việt Nam đương đại. Nhóm thứ hai: các nhà thơ trẻ xuất hiện trong giai đoạn 1990-2015 với những tìm tòi, phát hiện bước đầu được ghi nhận.

  Theo tôi, trong số những thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ hiện đại Việt Nam sau 1975 là họ đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới.

   Các nhà thơ sau 1975 không mấy khi phải gồng mình lên để nói những điều lớn lao, cũng viết về những cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng thơ họ đã hướng tới những số phận, khắc hoạ được những nỗi đau mất mát, nó thấm thía và lay động lòng ngưòi hơn trước. Nỗi buồn được cảm thông và chia sẻ trong thơ họ rất thật, nó mệt mỏi, nhức đau như chính cuộc đời vậy.  Đọc thơ họ, chúng ta có cảm giác vừa đi qua một cánh rừng rậm đặc, trong bóng đêm ẩm ướt của những câu thơ đang tuôn trào như một sự hối thúc ám ảnh. Thơ của họ như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng- cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm. Những day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ họ đến tức ngực- làm thơ họ bừng tỉnh. Đọc thơ họ, ta như được tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận.

  Có thể nói đây là lực lượng chủ đạo của nền thơ đuơng đại Việt Nam, trên vai họ gánh nặng thi ca của một thế hệ đổi mới đang được khai sáng với sự chín chắn và kinh nghiệm tích luỹ được cùng thời gian. Các nhà thơ này đã mang lại những phát hiện mới, có giá trị khắc hoạ bằng ngôn ngữ của thơ, nỗi đau của những phận người- cái mà chỉ ít năm trước đây, không ít người làm thơ còn né tránh. Họ đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim, điều đó làm cho người đọc thấy gần gũi và đồng cảm với nhà thơ, khi độc giả không bị áp đặt bởi một chủ thể ngôn ngữ có ý định mà được tham dự cùng tác giả vào những cảm xúc được tái hiện từ cái chất liệu đời thường còn rớm máu và khó nhọc này. Sự dồn nén, bức xúc của tâm trạng bật dậy trong họ những câu thơ không chịu bằng phẳng và sự chuyển tải của những nỗi niềm, những ẩn ức đang còn khuất lấp trong tâm hồn thi sĩ đã tự tìm cho mình một hình thể mới, một nhịp vận động riêng trong cách tổ chức câu chữ và những bài thơ đổi mới của họ ra đời.

  Trong những năm qua, có một số ý kiến cho rằng “Thơ Việt Nam sau 1975 - có nền mà không có đỉnh” -  vậy chúng ta hãy thử xem xét một vài vấn đề về nền thơ này. Theo tôi, từ 1975 đến nay đã 40 năm, mặt bằng chung của dân trí của chúng ta đã đựơc nâng lên nhiều và mặt bằng chung của văn học cũng xuất phát từ một cái nền khá cao. Ở đây, tôi muốn nói đến mặt bằng sáng tạo văn học (tầm tri thức của người viết) và mặt bằng thưởng thức văn học (tầm tri thức của người đọc) đều được nâng lên. Điều này cho thấy nền thơ của chúng ta ngày càng đòi hỏi một cách nhìn nhận nghiêm túc và khắt khe hơn.

  Có thể nói những nhà văn hôm nay được chuẩn bị khá đầy đủ, thuận lợi cả về học vấn và môi trường sáng tác. Nhưng để vượt lên trên cái mặt bằng văn học khá cao ấy, để khẳng định một phong cách mới mang dấu ấn tài năng của một tác giả lớn, để trở thành những “đỉnh cao” văn chương thì đấy lại là chuyện không đơn giản chút nào. Vì thế, để có được một bước “đột phá” mới trong sáng tạo thi ca trên cái nền văn học khá cao ấy là một thử thách rất lớn đối với những người cầm bút hôm nay, nhất là thế hệ các nhà văn trẻ.

    Qua trao đổi, tôi được biết không ít người sáng tác hôm nay lại cho rằng cái ý kiến ‘Thơ Việt Nam sau 1975 chỉ có nền mà không có đỉnh” là một nhận xét áp đặt vội vã, thiếu cơ sở lý luận và không công bằng. Bởi đúng ra, thơ Việt Nam trong 40 năm sau 1975, nhất là thơ thời kỳ đất nước đổi mới đã có bước phát triển, chuyển biến quan trọng cả về lượng và chất so với trước đó. Sự chuyển biến này đã mang đến những thành tựu mới trong thơ ca Việt Nam. Nhưng phải chăng ở thời điểm này, chúng ta còn thiếu những “con mắt xanh” tinh tường và kiệt xuất trong phê bình văn học (cỡ như Hoài Thanh của thời kỳ tiền chiến 1930-1945) nên đã không “phát hiện” ra những tác giả lớn và những “đỉnh cao” mới ?.

    Bởi thật ra, nếu so sánh với 45 nhà thơ thời kỳ 30-45 (trong tuyển tập thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh- Hoài Chân) và 45 nhà thơ nổi tiếng thời kỳ chống Pháp chống Mỹ thì lớp nhà thơ hậu chiến xuất hiện sau 1975 (khoảng trên dưới 40 người) không hề thua kém các lớp nhà thơ trước về mặt tài năng, phẩm chất thi sĩ và vốn sống văn hoá. Họ đã làm nên một diện mạo mới khá “cường tráng và hoành tráng” và có đóng góp không nhỏ cho nền thơ Việt Nam đương đại. Hãy làm một phép thử nghiệm, nếu chúng ta chọn mỗi tác giả 5 bài thơ hay nhất thì đội ngũ nhà thơ xuất hiện sau 1975 sẽ có một tuyển thơ hay “ngang ngửa” không kém gì tuyển tập “Thi nhân Tiền chiến 30-45” và tuyển thơ 30 năm chống Pháp- chống Mỹ (1945-1975), thậm chí có ý kiến cho rằng sẽ là một tuyển thơ có chất lượng và bề thế hơn?

   Vậy thì phải chăng vấn đề còn lại là nền phê bình hôm nay của chúng ta phải có một Hoài Thanh “tái sinh” mà cho đến bây giờ chúng ta có “đốt đuốc” tìm suốt đêm cũng không thấy?!. Rõ ràng đây là vấn đề tồn tại của công tác phê bình văn học hôm nay. Nói ra điều này có thể sẽ làm một số nhà phê bình không hài lòng, nhưng có lẽ trong nửa thế kỷ qua, “nền phê bình” của chúng ta đã “ngủ quên” khá lâu trên thành tựu của những gía trị cũ. Các nhà phê bình dường như chưa phát hiện được những giá trị mới nổi trội và có thể họ nhiều khi đã không đồng hành kịp thời với những tác giả đương đại.

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

(Còn tiếp…)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *