NHÀ THƠ ĐỖ NAM CAO VÀ HÀ NỘI
NGUYỄN TRÁC - Tôi không có may mắn được gặp Đỗ Nam Cao nhưng thơ anh thì đã được đọc vài năm trước trên Tạp chí Thơ của Hội Nhà Văn. Đó là một giọng thơ vừa dân giã vừa hiện đại.
Nhà thơ Đỗ Nam Cao
Nhiều bài thơ của anh khắc khoải những tâm tư và một khát vọng sống :
Đêm xuống dần trong thành phố lớn
Ai đã ngủ rồi ai thức cùng tôi
………………………………..
Làm sao để đêm đêm trong mỗi căn nhà
Có một người thương mến nghĩ về ta
Làm sao làm thế nào vậy nhỉ
Để tan hòa trong vũ trụ bao la
(Đêm dần xuống)
Qua bạn bè và nhất là mới đây được nhà thơ Nguyễn Thế Khoa Tổng biên tập tạp chí Văn hiến tặng tập thơ Đỗ Nam Cao * hơn 200 trang vừa in tôi mới có dịp tìm hiểu về anh và thơ anh.Nhưng có thể nói, chính chùm thơ đầu tiên của anh mà tôi được đọc năm xưa đã ám ảnh và dẫn dắt tôi tìm đến thơ anh.
Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm1970 Đỗ Nam Cao xung phong vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Đất nước thống nhất anh ở lại Sài Gòn, xây dựng gia đình và làm việc trong đó.Tuổi trẻ , tình yêu hạnh phúc cùng những vất vả không may của Đỗ Nam Cao sau này phần lớn đều gắn bó với Sài Gòn và Nam bộ. Chỉ thỉnh thoảng anh mới ra Hà Nội để về quê lo việc gia đình hay gặp gỡ bạn bè. Nhưng Hà Nội là một chốn đi về , một không gian thơ nhiều kỉ niệm và thương mến của anh.
Đỗ Nam Cao quê Phú Xuyên , xưa thuộc Hà Tây nay cũng đã nhập về Hà Nội .Cái vùng đất trũng phía Nam Thủ đô với những làng nghề cổ như mộc, khảm trai, thêu ren, làm giấy ,đóng giày…với một nhà ga nhỏ nhắn bên Quốc lộ Một chắc còn để lại nhiều ấn tượng trong tuổi thơ anh.Nhưng thật kì lạ ,đọc thơ anh tôi lại không bắt gặp những sầm uất, phường hội ở cái nơi nửa làng nửa phố ấy. Đỗ Nam Cao đã bóc tách lớp vỏ kia ra để lặn sâu vào cái lõi của quê hương với những truyền thuyết hội hè, rơm rạ, cào cào châu chấu ,với cô cắt cỏ, tim tím hoa cà biêng biếc tầm xuân, với mưa rào rạch nước cá rô …Anh đã “ bơi ngược đến kiệt khô sức mình ‘để trở về cội nguồn và ở đấy anh đã phát hiện ra thêm một điều cho anh hôm nay :
Nhìn vào bờ tre tĩnh lặng
Bình tâm dông bão đời mình
(Ghi vội ở làng)
Từ Phú Xuyên vào trung tâm Hà Nội không xa ,chỉ hơn chục cây số. Đỗ Nam Cao viết về Hà Nội không nhiều nhưng nhiều bài hay và mang đậm dấu ấn Đỗ Nam Cao –một dấu ấn thơ vừa dân giã truyền thống vừa hiện đại,vừa ấm nóng vừa quyết liệt. Hà Nội trong tâm tưởng Đỗ Nam Cao trước tiên là một Thăng Long xưa cũ “Những phố cổ còng lưng /Cõng mùa thu cốm”, một “Khuê Văn Các , một kinh thành thất thủ với “Cửa Bắc/Lỗ pháo khoét giữa ngực” nhưng cũng là một Hà Nội chiến thắng “Ấn tay dìm B52 xuống hồ”“ một “Ba Đình thiêng liêng lời Bác /Mặt trời nghiêng nghe đọc tuyên ngôn” .Hà Nội luôn là biểu tượng của quá khứ anh hùng dân tộc , nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần trường tồn cùng Đất nước và cũng là nơi nhà thơ có những bạn bè chí cốt.
Những mùa đông Hà Nội hiện lên trong thơ Đỗ Nam Cao thật thanh bình ,giản dị và gần gũi như trong một bức tranh lụa :
Người im xe điếu tay cầm
Nuốt vào khói nước trầm trầm trông mưa
…………………………………………..
Để thơm hè phố xửa xưa
Lửa than hồng quạt vào mưa lạ lùng
(Hà Nội mùa đông)
Cái hương ngàn xưa của Hà Nội như vẫn còn đọng lại nơi nào đó trong sương khói mờ mờ buổi sáng Tây hồ hay giữa cảnh người ẩn hiện trong những phiên chợ cổ :
Gió mùa hun hút đường lên Bưởi
Chị gánh hàng hoa gánh gánh sương
(Chợ Bưởi)
Hình như Đỗ Nam Cao là nhà thơ đầu tiên nói đến một “mùa thu gốc “ Hà Nội khi viết về mảnh đất này :
Aó nâu non màu phố cổ
Lưa thưa trưa khói thuốc lào
Vài ba lá vừa rơi rớt
Cọ lên mái cũ thì thào
Chợt tôi tiếc mùa thu gốc
Níu vào quang gánh và em
Vẻ đẹp Hà Nội trong con mắt nhà thơ phương Nam có khi chỉ là vẻ đẹp của một bông hồng nhỏ xíu quấn trong chiếc lá dong mà đầy quyến rũ. Bởi bên trong chiếc lá dong ấy là mùi hương hồng ngào ngạt cùng những chiếc gai cũng nhỏ xíu
“Mùa hạ sấu “ cũng là một bài thơ viết về Hà Nội của Đỗ Nam Cao nhưng cất giữ trong đó những tâm sự thầm kín nhất của anh, những đổ vỡ và cả những hi vọng còn lại. Một Hà Nội không còn thanh thản mà nhiều băn khoăn trăn trở :
Mùa hạ đấy tiếng ve sầu đâu mất
Tiếng chuông tầu đâu nữa gõ leng keng
Rồi tất cả sẽ trôi vào quên lãng
Sẽ trôi vào tất cả hả em ?
………………………………..
Ta quên mình đã có một thời
Đã đốt hết một thời lên thành lửa
Trong xác lá phủ dầy ai biết nữa
Hương tro còn ngần ngận ở đâu đâu
Dẫu đau buồn và dù thơ viết vậy nhưng tôi tin Đỗ Nam Cao vẫn yêu thương trân trọng những tháng năm tuổi trẻ của mình.Và đấy là lý do để cho anh tin tưởng ‘vẫn còn một chút gì thăm thẳm /Bừng sáng lên đường sấu mỗi ban mai”.
Cùng với băn khoăn trăn trở ấy là những “vụ nổ nội tâm” chắc thường xuyên xảy ra trong tâm hồn nhà thơ .Những vụ nổ sinh ra những‘linh cảm không tốt lành “,những linh cảm về một vẻ đẹp nguyên sơ tinh tế Hà Nội đang mất dần , đang bị quên lãng để thay thế bằng sự “kí sinh” của một Hà Nội hưởng thụ “hối hả uống và ôm”, một Hà Nội“lởm khởm”, “ một Hà Nội “đang nhiễm thói vô cảm ”cùng sự ích kỉ lên ngôi. Và nhà thơ cảnh báo chúng ta :
Sẽ còn đau đớn nữa
Sẽ còn mất mát hơn
(Cuối thu)
Nhưng Hà Nội với Đỗ Nam Cao- nhất là những năm cuối đời anh- còn là một Hà Nội đau đáu bạn bè , Hà Nội của tri âm tri kỉ. Cao có những bài thơ thật hay ,thật mới mẻ và hiện đại về bạn bè như bài “Mưa rơi ‘.Bài thơ viết ở Sài Gòn nhưng cái tên phố Trương Định cùng người và cảnh và nhất là không khí bài thơ cứ gợi cho tôi một cái gì thật Hà Nội . Còn ở Hà Nội , chắc trong một quán cóc ven đô nào đó Đỗ Nam Cao đã viết “Thế là vắng” để tưởng nhớ Trần Vũ Mai , một thi sĩ đầy “giằng xé “trong những” nhì nhằng yêu ghét” :
Bất chợt hét toáng lên
Bất chợt ngồi lẳng lặng
Cuộc cãi lộn với chính mình dai dẳng
Như lửa thiêu như rượu đốt chính mình
Thế là vắng
Một người
Thế là hên
Sẽ thoát
Những nhì nhằng yêu ghét
Sẽ thoát những nhì nhằng yêu ghét được chăng ?
Một Nguyễn Thế Khoa văn nhân mơ mộng :
Hà Nội chớm thu rồi
Phố Chân Cầm cầm chân ai bước
Kí ức sáng lòe đêm
Có tiếng guốc gõ trên hè giấc mơ
(Phố Chân Cầm)
Một Hà Nội nhớ Sài Gòn để Đỗ Nam Cao nhớ một “mùa thu vĩnh viễn “ của anh đó là người vợ thân yêu :
Hà Nội chiều nay lòng nhao nhác nhớ
Đường sấu mùa thu xanh tận cuối đời
………………………………………
Một cô áo vàng trong cõi thu riêng
Bóng ngả dài theo mùa thu vĩnh viễn
Đỗ Nam Cao có một câu thơ thật hay thật giản dị và cũng thật sâu sắc là “có một người đàn ông trong một người đàn ông khóc “. Ở nhà thơ này và những người bạn tốt của anh đều có chung phẩm chất ấy. Họ là những người đàn ông đích thực biết yêu, biết hy sinh vì tình yêu, biết bảo vệ người đàn bà mình yêu và vững vàng trong đau khổ dù có lúc họ đã phải khóc.
Đỗ Nam Cao đã đi xa được một năm . Một Đỗ Nam Cao gai góc và nhân hậu. Anh tuổi Mậu Tý (1948) nghiã là anh ra đi khi mới 63 , một tuổi còn trẻ so với tuổi trung bình của người Việt Nam hiện nay. Bây giờ Hà Nội cũng đang vào dịp cuối thu .Tiết trời đã se se lạnh .Theo Đài báo , ngoài khơi cơn bão số 8 đang hướng vào đất liền .Nhưng tại sao người ta lại lấy tên Sơn Tinh , một vị phúc thần của người Việt để đặt tên cho cơn bão này nhỉ ?
Cuộc hội thảo “ Đỗ Nam Cao một con đường thơ “ diễn ra trong một ngày như thế. Một ngày Hà Nội cuối thu , trời se lạnh , bão sắp vào và thật trớ trêu cho cách đặt tên cơn bão ấy .Một Hà Nội tìm đọc thơ anh , yêu anh và tự hào về anh cả khi nắng đẹp lẫn những ngày đối mặt với thử thách.
_______________
*Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2012