Ống kính phê bình

26/10
9:56 AM 2018

NHÀ THƠ TRÚC CƯƠNG-LIÊU XIÊU MỘT ĐỜI VĂN

Vũ Từ Trang -Trúc Cương nhà thơ lứa thời chống Mỹ, đã có thơ in trong tập "Sức mới". Ngày ấy, anh em viết trẻ được in thơ vào tuyển ấy, là tư cách và tài văn coi được công nhận. Trúc Cương say thơ và mê rượu. Nếu nói các nhà thơ trẻ độ ấy ở Hà Nội mê thơ và mê rượu, phải nói đến Tạ Vũ và Trúc Cương.

(Nhà thơ TRÚC CƯƠNG(1936-2005)Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm1979. Ông từng công tác tại Đoàn ca múa Tây Nguyên, làm cán bộ biên tập ở Nhà xuất bản Văn Hóa. Ông đã xuất bản 5 tập thơ )                                      

 

Hôm ấy là mồng ba tết. ở quê tôi, mồng ba tết là ngày các họ lớn như họ Vũ, họ Ngô, họ Nguyễn cùng đi tảo mộ họ, rồi về nhà thờ tổ làm lễ tổ. Con cháu các họ dù đi làm ăn sinh sống tận đẩu tận đâu, nhưng ngày tảo mộ họ vẫn về tham dự đông đủ. Ai mắc bận không về tham dự được, là thấy ân hận cả năm.

Trong lúc tôi đang ngồi ở chiếu nhà thờ tổ họ thụ lộc, thì nhận được điện thoại của anh Nguyễn Vĩnh báo về ngay, có các bạn văn nghệ ngoài Hà Nội về chơi. Nguyễn Vĩnh làm ở Bộ ngoại giao, là Tổng biên tập báo Quốc tế, học Văn khoa, tuy không sáng tác, nhưng lại chơi thân với anh em làm văn, làm thơ và nhạc, hoạ. Mọi người vẫn quý anh, gọi là "Vĩnh ngoại giao", hoặc "Vĩnh Cận". Anh Vĩnh cũng có hoàn cảnh như tôi, cùng làm việc và sinh sống ở Hà Nội, cùng có ngôi nhà ở quê làm chỗ đi về cúng giỗ ông bà, bố mẹ.

Thu xếp cho nhanh xong công việc nhà thờ, tôi ghé vào nhà anh Vĩnh. Mới bước vào sân, đã nghe tiếng oang oang cười nói. Đó là Nguyễn Khắc Phục, nhà văn dáng gày gò viết từng thước sách; là nhà thơ Trần Ninh Hồ hóm hỉnh; là nhạc sỹ đương nổi danh Trọng Đài; và một người nhỏ thó, ngồi lọt thỏm trong lòng chiếc ghế cổ ấy là nhà thơ Trúc Cương. Anh có khuôn mặt nhầu nhĩ,  vận quần áo nhầu nhĩ, dáng ngồi cũng có phần nhẫu nhĩ. Bữa ấy anh rất ít lời. Đôi mắt anh mệt mỏi và vằn đỏ.

Trúc Cương nhà thơ lứa thời chống Mỹ, đã có thơ in trong tập "Sức mới". Ngày ấy, anh em viết trẻ được in thơ vào tuyển ấy, là tư cách và tài văn coi được công nhận. Trúc Cương say thơ và mê rượu. Nếu nói các nhà thơ trẻ độ ấy ở Hà Nội mê thơ và mê rượu, phải nói đến Tạ Vũ và Trúc Cương. Tạ Vũ có rượu vào, là thường gây ồn ào, phiền toái cho mọi người, Trúc Cương thì khác, anh có rượu vào thường ít lời đi. Chỉ có dáng người anh, cho dù  ngồi hoặc đứng thì cứ liêu xiêu như người lên đồng. Anh có nét nào đấy thấp thoáng giống nhà thơ Phùng Quán, hễ có rượu thì đọc thơ rất hay.

Cái không khí gặp gỡ đầu năm ấy thật vui. Làng xóm thì vẫn tấp nập người đi lễ tết, chúc tết. Nhưng tiếng cười nói oang oang của đám văn thơ nhạc hoạ này trong nhà Vĩnh cận, làm ai đi qua cổng nhà cũng phải ngó vào.

Nguyễn Khắc Phục thao thao nói về ông vua nhà Lý ra mở nghiệp và dựng triều chế ở đất Thăng Long. Chả là anh đang viết bộ tiểu thuyết lịch sử "Thăng Long ký" với hàng chục tập. Quê tôi sang bên Đền Đô, đất vương triều nhà Lý một thủa, cách một cánh đồng. Thủơ còn đi học ở quê, tôi học trường bên Đình Bảng, vì thế mảnh đất Đền Đô với tôi quá quen thuộc. Nguyễn Khắc Phục khơi gợi lại mảnh đất đầy binh biến và cũng đầy mơ mộng ấy, với tài dẫn thuyết của anh, làm tôi bữa đó cũng phải mê hoặc. Trần Ninh Hồ thì cười tươi và hóm hỉnh đọc : "Hồ này không phải Chí Minh. Ai chơi với nó không vinh dự gì !". Rồi Trần Ninh Hồ kể lại câu chuyện tình của anh với cô giáo làng tôi. Chuyện đã hai mươi mấy năm rồi, khi anh còn công tác ở Sở Văn hoá Hà Bắc, hễ chiều thứ bảy lại đạp xe từ Bắc Giang về vứt xe đạp ở nhà tôi, để trèo tường nhảy phốc vào sân nhà cô giáo. Cô giáo dáng điệu rất tiểu thư, ở một mình trong nếp nhà cổ mà bố mẹ đang buôn bán xa nhà. Cô giáo có thói quen thường sống trong cổng kín, cao tường. Trần Ninh Hồ say sưa kể chiến tích trèo tường như tên trộm. ấy nhưng tên trộm trèo vào, cô giáo không kêu la, mà sẵn sàng đón nhận. Trọng Đài dáng vẻ tao nhã, lịch sự, ít lời, nhưng tỏ ra rất thân thiện. Anh cười đồng cảm và đồng tình. Chỉ riêng có Trúc Cương là ngơ ngác nhìn mọi người. Cái nhìn liêu xiêu và mệt mỏi. Khuôn mặt anh cười như mếu. Trong bữa rượu vui đầu năm đó, anh chẳng biết góp chuyện gì cho hợp.

Xuất hiện trong bữa trùng phùng gặp gỡ đó, có chú em họ tôi, một nhà doanh nghiệp. Tôi giới thiệu anh Trúc Cương là nhà thơ bậc đàn anh của tôi cho chú em rõ. Anh Trúc Cương ngẩn người cảm động. Cuộc rượu vẫn ồn ào và cởi mở. Hầu như suốt cả buổi, anh không góp được câu chuyện gì. Mà tạng anh biết góp chuyện gì cho hợp khi đám bạn bè nhốn nháo còn đang tranh giành cao đàm khoát luận, bông phèng tếu táo.

Nhà thơ Trúc Cương vẫn ngồi rúm ró như cố thu nhỏ người trong lòng ghế. Mắt anh đảo nhìn người này, người kia. Có lúc anh như ngước nhìn lên nóc nhà. Có phải anh ngắm nghía cái kèo, cái bẩy, cây rui, cây hoành, hay những đường nét chạm trổ ở xà thượng, xà nóc ? Lại có lúc anh đưa mắt nhìn ra ngoài sân. Mảnh sân vườn nhà Vĩnh ngoại giao có mấy cây cau, cây hoa đại và giàn trầu không leo trên mũ tường... Lại có lúc, Trúc Cương gục đầu xuống hai cánh tay, dường như chán chường, mệt mỏi.

Để phá đi cái tình thế một mình lặng lẽ của anh, tôi đề nghị anh em ngừng  lời, để nhà thơ Trúc Cương đọc thơ. Vĩnh ngoại giao đế vào : "Đề nghị anh Trúc Cương đọc thơ xuân đi!". Nguyễn Khắc Phục khi ấy đang mắng yêu  Trần Ninh Hồ, là nói bớt lời đi, vì nghe Hồ nói thì : "Tốn tai lắm!". Trần Ninh Hồ toan cự lại, nhưng thấy Trúc Cương thịnh soạn đứng dậy thì tất cả yên lặng nhường lời. Vẫn cái dáng ốm yếu, nhỏ thó và xộc xệch, anh nói lí nhí và nhát gừng. Mọi người phải lắng nghe, mới rõ ý anh định nói. Đó là cuộc đi chơi xuân tình cờ với anh, làm anh hạnh phúc quá. Từ lâu anh vẫn mê vùng đất cổ Kinh Bắc này. Anh rất thích đi chơi lang thang hội hè đình đám ở làng mạc nơi này. Anh kể cái cơ may ngày mồng ba tết này, là do sáng sớm anh đi khỏi nhà tìm quán nước để hút thuốc lào và tợp chén rượu suông. Trời ơi! anh Trúc Cương ơi, mới sáng mồng ba tết mà anh đã tự cô đơn với ngôi nhà của chính mình rồi. Thế rồi tình cờ gặp Nguyễn Khắc Phục và Trần Ninh Hồ đang đứng đợi xe Trọng Đài đến đón. Anh được đi ghép vào chuyến thăm nhà Vĩnh ngoại giao với sự tình cờ như vậy. Anh năm ấy đã gần tuổi bảy mươi. Vậy mà trước đám bạn bè đàn em, anh vẫn lúng túng vô cùng. Rồi theo yêu cầu của bạn bè, anh đọc thơ. Trúc Cương không đọc thơ xuân, mà đọc ngay bài thơ viết thời chống Mỹ cứu nước đã từng in trong tập "Sức Mới". Chỉ đến lúc anh đọc thơ, thì mới nhận ra một Trúc Cương hoàn toàn khác. Giọng anh to vang, đĩnh đạc và trầm ấm. Dáng người nhỏ thó khi ấy như căng ra, vươn cao. Cánh tay anh khoát ra như một lá cờ chém vào gió mỗi khi cảm xúc dồn nén. Những tiếng nói tiếng cười oang oang và tung mở của Phục, của Hồ, của Vĩnh như bị quên lấp trước tiếng thơ Trúc Cương. Bài thơ chẳng nói về xuân, về tết nhất gì, mà sao cả ba gian nhà cổ của Vĩnh ngoại giao bỗng dào dạt tràn đầy không khí xuân. Mấy đứa cháu đang chơi ngoài sân, chúng cũng chạy vào nghe nhà thơ đọc thơ. Cả mấy ông chú ông bác vào chúc tết nhà Vĩnh ngoại giao, đang vận áo dài khăn xếp cũng khoanh tay đứng lặng yên bên ngưỡng cửa nghe thơ. Khuôn mặt gầy guộc của Trúc Cương cứ  vằn lên từng lớp lớp màu hồng hào của cảm xúc. Anh đọc thơ mà như ngâm thơ. Nhưng cũng không phải ngâm thơ véo von, mà là anh trình diễn thơ. Anh dồn hết hơi, hết cảm xúc của mình cho đến câu cuối cùng. ấy rồi anh chắp tay cúi đầu vái mọi người như vái một không gian huyền diêu. Tôi rót ly rượu quê ngày tết mời anh. Anh run run đón nhận. Có phải anh xúc động quá chăng, mà chén rượu trên tay anh đổ tung toé. Anh ngồi thụp xuống ghế, như một thân cây sụp đổ. Lại vẫn dáng xộc xệch nhỏ thó và liêu xiêu. Tôi biết, anh đang hạnh phúc. Thơ đã đem cho anh giây phút thăng hoa cao sang và hiếm hoi.

*

*             *

Chuyện đời tư của anh, mỗi người kể một kiểu. Nhưng tựu trung lại, là gia cảnh nhà anh chẳng yên ấm gì. Phải chăng anh không biết tổ chức một cuộc sống gia đình, hay phải chăng rượu làm gia đình anh xộc xệch, hay tại anh yêu thơ đến mức xộc xệch ấy chăng? Hay là số phận? Số phận, hai chữ ấy dễ bao biện cho mọi điều. Một lớp nhà thơ thời chống Mỹ cùng trang lứa với anh, người thành đạt, người lận đận. Và ngay tại Hà Nội, cũng có mấy nhà thơ bạn anh thiệt phận vì bệnh tật, khi tuổi đời còn trẻ. Nhắc đến Trúc Cương, lại nhớ đến lớp bạn bè anh đã sớm ra đi. ấy là Trần Nguyên Đào, Tô Hà,  Nghiêm Đa Văn... những nhà thơ đã một thời đóng góp với cả tâm sức mình cho nền văn học... Đó là những tâm hồn trong sáng như anh, say mê thơ đến mức thái quá. Có thể họ có chút sai lầm này hay sai lầm khác trong cuộc sống, nhưng đó là những tâm hồn rất trong sạch và đáng yêu. Trúc Cương trong lớp người như thế. Nói đến thơ ca thời chống Mỹ cứu nước, là không thể không nhắc tới họ. Chỉ tiếc rằng thời gian sớm lấp đậy lại tất cả. Lớp nhà thơ thế hệ 8X, 7X  có thể họ chưa biết đến các anh, cho dù là tên gọi. Nhưng làm sao được, thế hệ nào chẳng phải hy sinh, phải bắc cầu cho lớp sau tiến lên?!

Sinh thời, Trúc Cương làm biên tập cho Nhà xuất bản Văn hoá - Dân tộc. Tuy anh có ham rượu, nhưng việc biên tập ở cơ quan anh lại rất trách nhiệm. Hình như sau phần việc công dân ấy, anh mới buông, mới thả con người tự do của anh ra với thơ và rượu. Thơ và rượu làm anh thăng hoa và cũng chính làm đời anh xộc xệch, liêu xiêu. Anh có đi đây đi đó. Những ngả đường, những miền đất như vắt lên từng câu thơ của anh. Anh luôn biết mình mắc nợ những miền đất khắc nghiệt và đẹp mơ mộng ấy.

Sự nghiệp văn chương của anh Trúc Cương không đồ sộ như một vài người khác. Anh làm thơ từ năm 1954. Đã in ba tập thơ riêng. Không được xếp vào hạng các nhà thơ thời thượng nổi danh. Nhưng anh ầm thầm sáng tác. Và thơ của anh cùng bạn bè trang lứa, đã tạo ra diện mạo thơ giai đoạn đầu chống Mỹ. Điểm lại những nhà thơ gắn bó với Hà Nội vài chục năm qua, không thể không nói tới Trúc Cương. Thơ là một nghiệp mà tạo ra Trúc Cương. Tâm sự về nghề thơ anh nói giản dị : "Không có văn học và gạo, thì mình không thể sống nổi." Nếu nói quá một chút, tạng Trúc Cương có thể thiếu gạo, nhưng không thể thiếu thơ.

Có thể một số người sẽ hỏi, tại sao anh không phấn đấu để trở thành Phó phòng, Trưởng phòng biên tập? Hoặc sao không nhảy vào biên tập văn chương ở các tờ báo văn chương như bao bạn bè cầm bút cùng trang lứa với anh ?! Đấy là câu hỏi tự nhiên của đời thường, mà những việc đời thường thì như Trúc Cương không thể làm được. Chỉ với chính sự vô lý ấy đã tạo ra một Trúc Cương đúng nghĩa. Lại vẫn Trúc Cương xộc xệch, liêu xiêu và mang nặng niềm đam mê cuồng nhiệt với thơ. Thơ là chốn bám víu cuối cùng của đời anh.

Buổi sáng mồng ba tết năm ấy (2005), mấy anh em còn đi lang thang dọc con đường làng, rồi ghé vào thăm từng ghõ ngách nhỏ. Con đường lát gạch nghiêng quê tôi chỉ còn thấp thoáng đâu đó trong vài ngõ ngách nhỏ. Đường bê tông đã thay thế. Những mái ngói ta nâu rêu, người ta đã dỡ bỏ dần đi, thay bằng những mái bằng bê tông và mái chóp lợp tôn ốp - nam. Những khuôn cửa gỗ bức bàn đã thay dần bằng khuôn cửa nhôm kính. Những tiếng đóng cổng nhà cành cạch của then gỗ lim không còn nữa, thay bằng tiếng cổng sắt chạy trên vòng bi khô rít chói tai. Cuộc chuyển hoá ồ ạt từ làng lên phố, làm Trúc Cương thốt lên "Tiếc quá! Tiếc quá!.... Thơ bây giờ biết sống ở đâu ?" Anh vuốt mặt kêu lên, rồi nhẩm đọc một câu thơ nào đó mà không rõ lời.

Mồng ba tết năm ấy, là lần cuối cùng tôi gặp nhà thơ Trúc Cương.

 

Vũ Từ Trang

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *