NGUYÊN MẪU NGOÀI ĐỜI VÀ NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN
1.
Từ nguyên mẫu ngoài đời trở thành nhân vật trong tác phẩm văn học - một hiện tượng không lạ lùng gì trong quá trình sáng tác của nhà văn. Thế giới thì đã có cả ngàn lẻ một chuyện. Ở ta cũng không ít.
Nhưng có nhẽ tiêu biểu và thành công đặc sắc ở việc này phải kể đến, là Nam Cao với Chí Phèo và Nguyên Ngọc với anh hùnh Núp trong Đất nước đứng lên. Về Nguyên Ngọc thì anh đã nhiều lần nói rồi còn Nam Cao và Chí Phèo thì đã có hẳn một bài viết của nhà văn Nguyễn Thế Vinh nhan đề: Văn Nam Cao, những nguyên mẫu từ làng Vũ Đại đăng trên tờ Văn nghệ Trẻ số 15 và 16 (Tháng 6-1998).
Đến nay thì mọi người đều đã biết Bá Kiến trong Chí Phèo có nguyên mẫu là Nghị B ở làng Vũ Đại. Cũng như về truyện ngắn Đôi mắt, không mấy ai đọc nó xong không nói rằng để xây dựng nhân vật Hoàng, Nam Cao đã lấy nhà văn Vũ Băng làm nguyên mẫu.
Như mọi người, tôi cũng tin là có một mối liên hệ khá mật thiết giữa một nhà văn có thật tên là Vũ Bằng ở ngoài đời với nhân vật Hoàng trong truyện ngăn ấy của Nam Cao. Nhưng tôi cũng tán thành ý kiến của thầy Đỗ Kim Kim Hồi trong một bài viết về Nam Cao khi thầy nhắc lại lời giải minh sau đây của Tô Hoài mà thầy cho là có lý: Trong cái tâm trạng trụy lạc ấy của người bạn bấy giờ, có một phần tâm trạng Nam Cao lúc trước. Nam Cao phỉ báng nó, ruồng rẫy nó, khước từ những cái gì là lẫn lộn xưa kia…”. Vậy là trong nhân vật Hoàng dĩ nhiên đã có hình bóng Vũ Bằng, giờ lại có thêm cả Nam Cao.
Một tổng hòa tài tình trong vô thức của sáng tạo đã xuất hiện. Nhà văn viết bằng toàn bộ vốn sống trải nghiệm của chính mình. Và hư cấu là một thao tác âm thầm bí ẩn không thể phân giải. Nguyên mẫu ở ngoài đời bước vào trang sách của nhà văn không giống như việc bê nguyên si một bức tượng đặt vào giữa một khu vườn. Đó là một quá trình biến hóa, thay đổi, theo một quy luật riêng.
Một quy luật riêng, quy luật của nghệ thuật. Không còn nghi ngờ gì nữa, Bá Kiến trong kiệt tác Chí Phèo có nguyên mẫu là nghị B ở làng Đại Hoàng.
Trong Những mẩu chuyện xung quanh truyên Đôi lứa xứng đôi in trong sách đã dẫn trên, nhà báo Hoàng Cao kể: Trong một cuộc họp thu thuế hàng năm, phó Đ đến bên nghị B tiên chỉ ngồi trên chiếu nhất giữa đình, xỏ ngọt:
- Thưa cụ chỉ, tôi nghe nói có nhà văn nhà báo đã đem toàn chuyện thật ở làng ta ra bêu riếu viết thành sách, xin các cụ nghiêm trị, chứ để yên thì làng ta còn ra cái thể thống gì.
Chạm nọc, nghị B như buột miệng, gằn:
- Nói làm gì với tụi dở ông dở thằng ấy cho bẩn mồm. Chuyến này tôi sẽ ném đi vài mẫu ruộng cho nó rũ tù, rồi các ông xem
Như vậy chính đối tượng được lấy làm nguyên mẫu dẫu hết sức cay cú cũng phải thừa nhận. Nhưng ông ta chỉ là nguyên mẫu vào sách ở một đoạn đời thôi. Hoàng Cao viết: “Ngoài đời Bá Kiến (nghị B) không chết. Nghị B vẫn sống khoẻ mạnh đến những ngày đầu Cách mạng, vẫn giữ thói quen của lớp cường hào. Sáng sáng nghị B vận bộ quần áo lụa mỡ gà, chân dận đôi giấy Gia Định đen bóng, đầu đội nón dứa đủng đỉnh ra hàng bà Bút ngồi… Bà Bút vẫn là nhân tình của nghị B… Ngồi trong hàng bà Bút, thấy chúng tôi đi qua, giữ lễ “dân làn phải chào các hàng chức dịch” nên bao giờ cũng chào chúng tôi trước. Có lần chào xong, ông ta còn nói với nhà văn Nam Cao: - Mời cậu giáo và các cậu vào xơi bát nước chè xanh mới nấu. May mắn cho làng ta được cậu giáo dìu dắt chắc sẽ tiến nhanh lắm!”
2.
Trong bộ ba tiểu thuyết được dư luận đánh giá cao của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Luật đời và Cha con, Lửa đắng, Gã tép riu, theo chính nhà văn thừa nhận, trừ cuốn đầu là viết chuyện người đời chung chung còn các cuốn sau anh đều có nhân vật nguyên mẫu rồi hư cấu mà thành
a/ Vậy hãy bắt đầu từ Lửa Đắng. Ở cuốn sách này, do nội dung tiểu thuyết có khuynh hướng chính sự, nên vấn đề đặt ra là phải có một nhân vật có tầm vóc quyết định đến vận mạng quốc gia. Và như vậy lần đầu tiên trong các tiểu thuyết của ta thời kỳ này đã xuất hiện nhân vật Tổng bí thư đảng Cộng sản.
Các Tổng bí thư Đảng ta để lại dấu ấn trong lịch sử thì đâu có hiếm. Thật cũng có mà giai thoại tốt đẹp về các đồng chí ấy cũng không thiếu. Nguyễn Bắc Sơn quyết định lấy đồng chí Lê Khả Phiêu làm nguyên mẫu. Tại sao lại là Lê Khả Phiêu?
Trước hết, ông là chủ soái của chủ trương cuộc sống cần phải được tổ chức lại. Ông là nhà lãnh đạo đảng cao nhất đã đặt vấn đề nhất thể hóa hai vai bí thư đảng và chủ tịch chính quyền. Mà cuốn sách đang đặt thành nội dung chủ yếu.
Chọn đồng chí Lê Khả Phiêu làm nguyên mẫu, ngoài cảm hứng xã hội chính trị và lý tưởng thẩm mỹ, nhà văn đã có những cơ sở dữ kiện gì?
- Trước hết, Nguyễn Bắc Sơn đã có dịp tiếp xúc với ông. Lần ông đến dự kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông đi dọc giữa hai dãy ghế, vì ngồi ở hàng ghế ngoài nên tác giả được nhìn thấy ông ở cự ly gần nhất và được bắt tay ông. Lần ấy, ngắn ngủi thôi, nhưng nhà văn đã có ấn tượng khá đầy đủ về chân dung tinh thần, thần thái và diện mạo ông. Ví dụ: Những nếp nhăn chạy song song trên trán ông. Bước đi chắc nịch hơi nện gót của người lính của ông. Hai chi tiết này cùng những chi tiết khác đã được nhấn mạnh ở những trang văn miêu tả ông sau này trong tiểu thuyết.
- Giống như nhiều các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vây quanh ông Lê Khả Phiêu cũng là những câu chuyện về tính cách, tác phong, hành động của ông. Đặc biệt là tính cương nghị thẳng thắn của ông trong đấu tranh chống tệ nạn tiêu cực. Ấn tượng sâu sắc nhất với nhà văn là lần ông về Hà Nội làm việc với lãnh đạo thành phố để xử lý việc lùm xùm ở vụ Thủy cung Thăng Long, một vụ việc mà tác giả là người đã góp phần phát hiện, tố cáo.
“Đồng chí nói là đã kịp thời dừng lại nên chưa gây hiệu quả nghiêm trọng chứ gì? Nhưng mà đã mất rồi, mất danh dự, mất uy tín của đảng bộ chính quyền… Một kẻ ất ơ… mà chỉ bằng tiền, tiếng lóng gọi là đạn, chắc ở đây là đạn nên mới có sức xuyên thủng cả hệ thống chính quyền từ phường quận lên thành phố đến tận trung ương. Lẽ nào cái triết lý: cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền lại đúng hả các đồng chí? Chúng ta phải băm nát cái triết lý hạ cấp ấy. Đây không phải chỉ là ý chí của Đảng ta, chế độ ta mà là của tất cả các nước phát triển và đang phát triển. Cái tốt, cái trong sạch không thể không thắng cái xấu, cái bẩn thỉu đen tối. Đấy là quy luật tất yếu. Ai mơ hồ điều này sớm muộn cũng đánh mất mình, cũng sẽ phản bội…”
Đoạn văn này trong Lửa đắng có nguyên thủy từ phát biểu kết luận của Tổng Bí thư ở hội nghị trên mà nhà văn nghe được
“Vậy là tôi đã mượn hồn cốt và việc làm của nguyên mẫu để xây dựng tư tưởng hành động. Tôi cũng mượn hình hài của nguyên mẫu. Còn tất cả đều hư cấu”. Nguyễn Bắc Sơn tự nhận.
Còn tất cả đều là hư cấu. Chẳng hạn để nâng nhân vật lên tầng lý tưởng, nhà văn đã gia thêm cho nguyên mẫu những phẩm chất mà anh nghĩ là nhân vật cần phải có. Ví dụ, một nét ngoại hình và thần thái: Mặt ông cháy lên một ngọn lửa rất lạ. Một ngọn lửa thắp sáng lên người này, sưởi ấm người kia, thiêu cháy những kẻ khác… Và đây, một câu nói mang tính tuyên ngôn: Tôi ý thức mình phải cháy lên thành ngọn lửa thắp sáng thêm sự nghiêp đổi mới của Đảng.
- Vậy khó nhất trong hư cấu là gì? Tôi hỏi nhà văn: Có phải là để làm cho nhân vật sinh động, anh đã có thêm cảnh cho ông Tổng Bí thư giúp cháu tập đi xe đạp, cảnh ông đi bộ tập thể dục. Hay một đêm đang làm việc khuya, sực ngửi thấy mùi khế chín, ông xuống liền vườn hái, rồi lan man sang chuyện nọ chuyện kia…
- Không! Khó nhất là ở chỗ khác. Trong Lửa đắng có những cuộc họp của Tổng Bí thư với các cơ quan đoàn thể bàn những chuyện đại sự quan hệ đến quốc kế dân sinh. Ở đó có những cuộc đối thoại chính trị không hề đơn giản. Khó nhất là xây dựng hình ảnh Tổng Bí thư trong những đối thoại quyết sách mang tính chính sự đó.
- Vậy giải cái khó ấy thế nào? Bằng trí tưởng tượng?
- May thay vốn liếng hiểu biết của tôi về mặt này khá dư dật. Tôi là người chịu khó nghiên cứu. Tôi cũng đã từng tham gia soạn thảo nhiều văn kiện chính trị về đường lối chủ trương chính sách của đảng và nhà nước ta.
Chà! Như vầy là nhà văn phải hiểu nhân vật, phải đặt mình ở vị trí , vị thế nhân vật ở những trường đoạn ấy. Viết đến đây lại nhớ hồi các nhà văn ta được huy động đi viết gương các anh hùng, có luận điểm phổ biến cho rằng, người viết phải ngang tầm với người anh hùng thì mới có thể viết về họ được. Nhưng luận điểm này ngay lập tức bị nghi ngờ về sự đúng đắn: Nếu vậy anh cũng bị cháy bỏng thì mới tả được miếng bít tết trong chảo rán, anh phải là anh Chí thì mới viết được kiệt tác Chí Phèo?
Lửa đắng ra đời. Tác giả đem tặng Tổng Bí thư nguyên mẫu. Ông đọc xong, nheo mắt cười vui vẻ: “Anh miêu tả tôi đúng đấy. Người ta còn làm bài hát về tôi kia”.
b/ Đó là Lửa đắng. Đến Gã tép riu, tác phẩm được viết theo gợi ý của anh Nguyễn Chí Hoan, trưởng ban Lý luận phê bình báo Văn nghệ, thì câu chuyền xem chừng giản dị hơn.
Gã tép riu - Xuân Tùng, một tiểu công chức với công việc hàng ngày là ngồi đọc tất cả các báo chí phát hành trên địa bàn để phát hiện ra sai sót so với các điều luật, rồi chấn chỉnh uốn nắn. Gã tự nhủ mình chỉ là một con tốt hỉn trong cuộc đời, nhưng là một con tốt với định tính trên bàn cờ là chỉ được phép tiến, không chịu lui một bước, không sợ bất cứ một thế lực cường quyền nào.
Bằng cái việc nhìn bề ngoài thì là cãi cọ biện bẻ về chữ nghĩa, bị coi là kẻ phá thối chuyên bới lông tìm vết, mà thực chất là gã chống lại lối tư duy duy ý chí, những thê lực vô hình, là đấu tranh với chính mình để vượt qua nỗi sợ hãi vì cô độc, dẫu có lúc rơi vào hãm địa, nhưng cuối cùng gã cũng đã giành được thắng lợi mỹ mãn!
Xuân Tùng có nguyên mẫu từ ai vậy? Từ chính tác giả nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, nguyên trưởng phòng quản lý các hoạt động báo chí và xuất bản thuộc Sở Văn hóa Hà Nội, từ tính cách đến các tình tiết sự kiện. Nguyễn Bắc Sơn đã tự thú vậy. Và nói theo cách nói của PGS, TS La Khắc Hòa, thì cứ xem cái cách viết dễ dàng thoải mái của tác giả thì cũng đủ biết anh ta viết chính mình rồi. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở đó thôi. Còn tất cả, từ mối quan hệ với gia đình, cuộc xung đột về nhân cách với bà vợ dẫn đến cuộc chia tay rồi kết hôn với Dự là con nhà lành bản chất thiện lương sa ngã mà trở thành ca ve, gái gọi… đều là… hư cấu.
3.
Trong đời một nhà văn, có được một câu chuyện nguyên mẫu ở ngoài đời hàm ẩn những yếu tố có thể trở thành một câu chuyện văn chương thật là một may mắn hiếm hoi. Tôi đã có một lần như thế cách đây chục năm.
Bạn tôi, thầy giáo tên là Khánh Tình, người làng Cót Hà Nội, hiện cư trú tại số nhà 3A ngõ 288/11 Đường Hoàng Mai, Phường Hoàng Văn Thụ, năm mười chín tuổi, xung phong lên dạy học ở một tỉnh Lao Cai. Miền núi. Ra đi như cờ bay trong gió, người thanh niên nọ đã đem hết niềm say mê lý tưởng, cuộc đời để làm công việc đem ánh sáng văn hóa cho con em các dân tộc. Tiếc thay đứng đầu cơ sở giáo dục của thầy lại là một vị hiệu trưởng thô bạo, có thiên kiến nặng nề với các thầy giáo trẻ xuất thân từ các tầng lớp không phải là công nông. Bất đồng dẫn đến xung khắc, cuối cùng thầy Khánh Tình đành phải bỏ việc ra khỏi ngành. Ra khỏi ngành, nghề nghiệp không, tiền bạc không, đất đai không lại vợ dại con thơ, sống thế nào đây? Sau một thời gian phải làm cả những công việc nguy hiểm và bẩn thỉu nhất, thầy quyết định học nghề mộc. Sẵn ý chí không chịu thua hoàn cảnh và tố chất khéo léo, cùng với kiên trì, ham học hỏi, lần lần thầy đã nắm vững được kỹ thuật nghề mộc, vượt qua được tình trạng bị dồn vào bước đường cùng, nuôi được vợ con.
Thương mến và thông cảm với tình cảnh của thầy Khánh Tình, ông thầy dậy nghề mộc một lần đã gợi ý thầy lấy những tấm ván thôi ở bãi tha ma về làm đồ gia dụng, đem biếu tặng những kẻ đã gây ra tấn bi kịch cho thầy, nhằm mục đích trả thù, vì những đồ gia dụng đóng bằng thứ ván thiên ấy có thể gây tổn hại cho sức khỏe gia chủ. Trước lời gợi ý đó, thầy Khánh Tình bạn tôi, dù là nạn nhân của thói áp chế cường quyền, dù bị xô đẩy vào cuộc sống lam lũ cực nhọc bị coi là tầm thường, là thấp kém đã nhất quyết từ chối!
*
Tôi và thầy giáo Khánh Tình quen thân nhau từ mấy chục năm nay. Chuyện oan khổ của anhh khiến tôi rất xúc đông. Và phải nói ngay rằng có được một nguyên mẫu có khả năng để cấu thành một tác phẩm văn học như trên là một may mắn hi hữu với bất cứ nhà văn nào. Ở đây, đã có sẵn một côt truyện thắt mở. Có hình bóng và số phận nhân vật. Có kịch tính. Có thấp thoáng một chủ đế tư tưởng mang ý nghĩa nhân văn. Thật sự đây là một cơ hội vàng quá quý báu và hiếm hoi với một nhà tiểu thuyêt. Nên thú thật là tôi đã vô cùng bồi hồi khi nghĩ đến việc viết một cuốn sách có ngọn nguồn từ câu chuyện này.
Việc đầu tiên là phải gọi ra cái tư tưởng chủ đề của cuốn sách. Việc này là quan trọng bậc nhất với văn chương. Không có nó làm sao cuốn sách đứng vững được. Tuy nhiên việc này lúc này với tôi là quá dễ. Nó có sẵn ở câu chuyện rồi, nhìn cái ra ngay. Và cũng có sẵn một câu nói của Bertol Brecht như một lời mới chào rất phù hợp với nó để chống lưng rồi: Làm việc ác khó nhọc vô cùng. Cũng là dễ dàng và thuận lợi vì tôi đã được sống cùng thời, cùng môi trường nhà giáo với Khánh Tình, hiểu rõ không khí tinh thần, con người xã hội thời đó. Tuy nhiên, từ chuyện thực đến câu chuyện trong tiểu thuyêt là cả một công cuộc sáng tạo trong đó nhà văn luôn là giữa vai trò là kẻ sáng tạo đơn độc duy nhất. Ví dụ:
- Vợ anh Khánh Tình bạn tôi là cô Chắn, người dân tộc Nùng, nhưng khi vào sách của tôi thì mang tên là Thắm (cũng như thầy Khánh Tình vào sách thì mang tên Quang Tình. Tên có chữ Tình để tôi luôn nhớ khi tả chân dung anh) và thành người dân tộc Giáy. Đó là vì, tôi có hiểu biết kỹ về văn hóa phong tục đồng bào dân tộc này, do từ năm 1955, tôi có một thời gian dài đi làm thuế Nông nghiệp ở vùng đồng bào Giáy, từng tham dự nhiều sinh hoạt văn hoá như các đêm Hát Giáy, Vươn Giáy với bà con.
- Nhà giáo Khánh Tình tuy có làm nghề mộc một thời gian, nhưng do bỏ nghề đã lâu, không còn nhớ nhiều nên ít có điều kiện truyền đạt lại cho tôi biết quá trình học nghề này như thế nào. Tôi phải học hỏi tất cả từ người khác. May mắn, hồi tôi dạy học ở Trường cấp 3 Lao Cai, có quen thân với anh Nguyễn Khắc Tỵ là giáo viên cấp ba Vật lý, rất giỏi nghề mộc. Tôi đã nhiểu lần xem anh đóng bàn ghế, giường tủ, kể cả tủ cánh cong mốt thời thượng hồi đó. Nay anh Tỵ về hưu, ngụ tại Khu phố 2, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc. Thời sơ tán chống Mỹ, công việc thổ mộc vốn chẳng xa lạ với mọi người, tôi cũng vậy, nên giờ đây hàng ngày qua số điện thoại 0211 3887 865 hay 0977335922 nghe anh Tỵ hướng dẫn mô tả từng động tác cưa đục , tôi hiểu ngay. Thêm nữa tôi còn tra cứu thêm ở sách vở. Việc học nghề mộc, thâm nhập vào công việc thủ công này khiến tôi mất rất nhiều thời gian. Nhưng đó là một điều không thể coi nhẹ. Nhân vật của tiểu thuyết là nhân vật của một nghề nghiệp. Tôi nhớ đó là một lời chỉ dẫn có tính giáo khoa về nghề văn.
- Khó khăn nhất là xây dựng nhân vật Văn Chỉ, ông thầy dạy nghề cho thấy Quang Tình. Anh Khánh Tình không có một lời gợi ý nào về nhân vật ông thầy này. Đây là nhân vật tôi hư cấu hoàn toàn. Tất nhiên, ngoại hình, tính nết của ông tôi có mô phỏng hình bóng một ông phó tôi quen biết từ lâu. Ví dụ cái môi thười thưỡi của ông. Tôi cũng cho ông một cái tiểu sử có chiều sâu bằng cách để ông quan hệ tới một nhân vật trong Phóng sự Cạm bẫy ngườicủa Vũ Trọng Phụng…
*
Nói tóm lại, nghệ thuật của tiểu thuyêt ở đây là: sau khi đã có một cái lõi sự thật rất quý giá rồi thì phải tạo nên một không gian nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao bao bọc quanh cái lõi ấy, để nhân vật chính chìm vào trong và nổi lên trên cái không gian nghệ thuật thẩm mỹ đó, nghĩa là tới đây thì như câu chuyện Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt, tức là một linh hồn khác lạ đã xâm nhập vào anh, anh ta hiện ra với kích tấc theo yêu cầu của nhà văn, đủ để tải nổi chủ đề của câu chuyện.
Trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim (An Ninh Thế giới, 3/1/2018) thầy Khánh Tình công nhận thầy chính là nguyên mẫu của nhân vật Quang Tình trong cuốn sách của tôi. Nhưng cũng đã có lần nói với tôi cùng một thoáng ngập ngừng: “Nhưng mà tôi không hoàn toàn giống nhân vật Quang Tình anh tả đâu!”. Tất nhiên rồi. Trong quá trình tồn tại, con vật nhào nặn mình theo nhu cầu sinh tồn. Con người nhào nặn mình theo yêu cầu của cái đẹp. Đó là quy tắc chung. Còn trong văn học, nguyên mẫu được nhà văn nhào nặn theo quy luật của nghệ thuật. Tuy nhiên, Quang Tình của tôi đã là một nhân vật văn học chưa thì câu hỏi còn treo ở đó!
Nguồn Văn nghệ số 44/2018