Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Người lưu lạc cánh đồng

Lê Huy Mậu - 22-11-2011 11:06:27 PM

VanVN.Net - Từ trước khi gặp mặt, mặc dù đã đọc một vài truyện ngắn của Hoàng Đình Quang, tôi vẫn không có một ý niệm rõ rệt nào về con người này. Tôi gặp hắn lần đầu ở trại sáng tác của Hội Nhà văn, tổ chức tại Vũng Tàu cách đây vài năm. Tuy to lớn kềnh càng, râu tóc lởm chởm nhưng trông hắn hiền, không “ngầu” như một vài nhà văn đồng dạng khác. Chỉ vài ly bia là hắn đã ông - tôi thân tình như đã quen nhau từ thuở nảo nào rồi. Tôi thích Hoàng Đình Quang cái tính thẳng thắn, không có sự “giao tiếp nháp” thăm dò trước mà bộc lộ bản ngã của mình một cách hồn nhiên. Ngay lần gặp mặt đầu tiên, hắn đã tỏ thái độ thích hay không thích ai đó ra mặt ngay.  Có thể rút ra một tổng kết là, đối với các nhà văn thì sự phân nhánh trong tập hợp diễn ra nhanh chóng hơn bất kỳ đâu.

Sau khi đọc tập truyện ngắn, tồn kho từ năm 1995 của Hoàng Đình Quang lôi ra tặng, tôi có nhận xét ban đầu rằng, văn của hắn rất đắm, đắm tới mức, nhiều lúc có cảm giác như không phải đang đọc mà đang thấy nó hiện ra ngay trước mặt. Có nhiều nhà văn viết đắm, ví như Pautopsky trong Bình minh mưa; như Mạc Ngôn trong Báu vật của đời; như Đỗ Chu trong Mùa cá bột… Đọc văn nhiều lúc ta không những nhìn thấy, nghe thấy mà còn ngửi thấy mùi vị mà cả không gian, thời gian với ta đều xa lắc xa lơ… Hoàng Đình Quang giữ được mạch văn viết đắm như vậy qua nhiều truyện ngắn.

Nhà văn Hoàng Đình Quang

Tại đại hội Nhà văn lần thứ bảy, Hoàng Đình Quang tặng tôi cuốn tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc vừa in xong. Tôi chỉ định đọc vài trang gọi là cho nó lịch sự khi được tặng. Bởi ngày ấy, tôi theo Hoàng Đình Quang và Nguyễn Đức Thiện về Thái Nguyên, lúc nào cũng chìm trong rượu. Nhưng rồi, cuốn tiểu thuyết ấy đã cuốn hút tôi. Một thời mà các vùng quê trên đất bắc đều na ná nhau. Những thân phận con người trong môi trường xã hội được đúc bằng cái khuôn chung, nhập cảng từ bên ngoài vào, cứ nhoay nhoáy trong lòng người đọc. Tôi nhớ từng cục cứt giun, từng chiếc vé tàu như con bài tam cúc…trong cuốn tiểu thuyết ấy! Tuy nhiên, tôi không thích lối kết thúc có hậu, đèm đẹp của cuốn tiểu thuyết. Đúng là cuộc đời có nhiều sự ngẫu nhiên, có nhiều điều thần bí, khó hiểu nhưng đem nó vào truyện ngắn, tiểu thuyết để lái câu chuyện theo một ý tưởng của tác giả là làm cho tác phẩm bị khiên cưỡng, mất tự nhiên đi. Tôi  gặp ở Hoàng Đình Quang không dưới một lần như vậy. Tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc đã được giải thưởng của Hội Nhà văn, mà giải là xứng đáng. Nhưng đọc hai bài giới thiệu về nó, tôi ngứa ngáy muốn ý kiến lắm, muốn viết cái gì đó buộc hắn phải phục, nhưng rồi lười cho qua…

Mỗi người cầm bút đều muốn có được một tác phẩm để đời. Cánh đồng lưu lạc có phải là tác phẩm để đời của Hoàng Đình Quang không thì chưa biết, nhưng quả thực nó đã khiến nhiều người  kiếm đọc. Đọc rồi lại bận lòng. Hoàng Đình Quang khởi viết cuốn Cánh đồng lưu lạc ở trại viết Vũng Tàu.  Suốt mấy ngày liền hắn đánh vật với con chữ.  Nhiều khi, Quang ngồi táy máy với cái máy tính xách tay của mình hàng giờ, viết cho đã rồi lại xoá thẳng cánh.  Nguyễn Đức Thiện bảo rằng: “Hoàng Đình Quang xa Thái Nguyên đã trên ba chục năm rồi, nhưng dọc suốt đời văn của mình, Thái Nguyên với cái huyện Phổ Yên của anh cứ ngồn ngộn hiện ra trên trang viết”. Tất nhiên là những chuyện của ngày xưa, ngày Quang còn thơ bé, ngày còn những sợi lông măng trên má. Phải qua bao nhiêu tháng năm chiêm nghiệm, bây giờ Hoàng Đình Quang mới khơi ra, mới viết lại bằng chính kiến của một nhà văn. Những thân phận trong Cánh đồng lưu lạc, chính là một phần đời của Hoàng Đình Quang. Cái làng Sơn Cốt nghèo nàn khốn khó của Hoàng Đinh Quang, những người dân hiền lành chân chất của Sơn Cốt cũng là một phần đời của những người thân của hắn. Có lẽ vì thế, hắn đã chọn ngôi thứ nhất trong vai trò người kể chuyện để kể về cái làng Sơn Cốt ấy. Ngay trang mở đầu, Hoàng Đình Quang bảo với người đọc rằng: chuyện tôi kể có thể là không hay, nhưng là chuyện thực, bạn đọc ơi, hãy đọc đi, để thấy được làng quê Việt Nam có một thời đầy chuyện trái ngang, có một thời làm con người muốn tin vào sự tốt lành, đi tìm sự tốt lành mà giống như làm một việc vụng trộm vậy. Khó mà biết được Hoàng Đình Quang đang kể chuyện thật hay bịa, khi viết tới đoạn: Ông bố chồng đã “ăn” con dâu rồi. Con dâu đã có chửa rồi. Ông bố chồng đã đến tìm ông thông gia rồi. Mà không biết nên gọi ông thông gia là gì bây giờ. Gọi là ông thông gia đúng khi con gái của ông là con dâu tôi. Nhưng con gái ông lại có chửa với tôi. Thằng con nó đẻ ra là con tôi. Cái việc ông bố chồng dám “ khai” với ông thông gia rằng đứa con đó là con tôi, thì cái gan cũng đã là lớn lắm rồi. Và ông thông gia đã quát: “Ông cút ra khỏi nhà tôi” rồi. Nhưng cút ra rồi thì ông thông gia sẽ đi đâu? Đứa con dâu ông sẽ đi đâu? Thằng con trai của ông với con dâu sẽ đi đâu? Cứ thế Hoàng Đình Quang trăn trở với những trang viết của mình. Một hôm Quang nói như reo lên “Tôi viết được hơn 300 trang rồi”. Nguyễn Đức Thiện trố mắt: “Khiếp, làm gì mà viết kinh thế, mới hôm qua có hơn chín chục trang”. Hoàng Đình Quang cười hề hề: “Làm gì có. Đùa đấy”. Hoá ra, khi viết không được, Hoàng Đình Quang nghịch đổi co chữ 14 thành co chữ  28 nên đang từ 90 trang sẽ có ngay 300 trang, và thế rồi, gần hai mươi ngày đã trôi qua mà dòng cuối của cuốn tiểu thuyết vẫn là: “Ông cút ra khỏi nhà tôi”.

Thế mới biết, để có được một cuốn sách, nhà văn phải lao tâm, khổ tứ đến thế nào. Hoàng Đình Quang thường bảo công việc viết văn là công việc khổ sai, vất vả hơn cả đi cày. Từ trang sách đầu tiên đến khi xong vài trăm trang sách giống như một cuộc đánh vật. Nhiều người khi đọc văn cứ thấy nhà văn viết như không, như là cuộc sống nó vốn vậy, anh nhà văn chỉ mất công chép ra thôi. Dễ ợt! Sau này, Hoàng Đình Quang kể lại, cũng chính trong cái dịp dự trại tại Vũng Tàu đó, hắn còn “nợ” của Tổng cục chính trị cuốn sử thi về cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc trước ngày Sài Gòn giải phóng. Ngồi trại viết, chưa “đuổi” được ông thông gia khỏi nhà, vậy mà lâu lâu, Hoàng Đình Quang lại phải biến khỏi trại để về Đồng Nai, tìm nhân chứng cho cuốn sử thi. Quang than: “Khi không lại mắc nợ. Nợ tiền không sợ, mà nợ trách nhiệm. Nhận tiền đầu tư để viết là không sung sướng gì. Mệt quá”. Nhưng, lạ thay,  cũng chính những ngày đó Hoàng Đình Quang lại bắt đầu thai nghén cuốn tiểu thuyết mới. Cuốn Phản trắc. Trong cùng một lúc, viết ba cuốn tiểu thuyết, vậy mà Quang vẫn có thì giờ để nhậu, để bù khú bạn bè. Tài thật!

Bây giờ thì Cánh đồng lưu lạc đã được trao giải của Hội Nhà văn. Cuốn tiểu thuyết sử thi Xuân Lộc đã nằm trên giá của các thư viện  quân đội. Còn Cuốn Phản trắc đã được hãng phim truyện ký hợp đồng chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập. Hoàng Đình Quang lại đang đánh vật với ba chục tập phim chuyển thể từ tiểu thuyết Phản trắc của mình! Quang bảo: Bán bản quyền tiểu thuyết rẻ quá, nên tiếc, đành ký hợp đồng chuyển thể luôn!

Nhà văn Hoàng Đình Quang và nhà thơ Lê Huy Mậu tại trụ sở hội VHNT Vũng Tàu. Ảnh: Văn Công Hùng

Có ai đó nói với tôi rằng, bạn văn nghệ lúc đầu người ta đến với nhau bằng tác phẩm, còn sau đó người ta chơi với nhau là bằng người. Thực ra, các nhà văn lớn hơn tác phẩm của họ, hay nói cách khác, nhà văn không hòa nhập hết vào tác phẩm. Nhiều lúc, cái phần ý vị của nhà văn nó nằm ngoài văn chương. Hoàng Đình Quang là một người  ý vị. Cách tiếp cận vấn đề của hắn thường có những thiên kiến oái oăm và độc đáo. Quang lật ngang, lật ngửa một vấn đề ngỡ như đã thành nhận thức chung của nhiều người để bàn cãi, để hài hước. Trong những cuộc vui, khi không thể đọc truyện ngắn hoặc tiểu thuyết được, hắn chuyển sang đọc thơ. Mà thơ hắn hay chẳng kém gì thơ của các nhà thơ. Tôi đùa rằng: nếu như không bị thành nhà văn, hắn có thể trở thành một nhà thơ…

Nhà văn, lớn hay nhỏ là ở tác phẩm. Tôi ghen tỵ với Hoàng Đình Quang về cái gáy của những cuốn sách. Lâu lâu, hắn lại ném vào mặt tôi một cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang, tức muốn chết. Những ngày ở trại viết, thấy các nhà văn đánh máy rào rào, bỗng nghĩ anh em lấy chữ đâu ra mà nhiều thế? Cũng chơi như nhau, nhậu như nhau, tào lao như nhau, vậy mà thằng có sách ra, thằng chẳng có gì cả. Đó là “sự đau” của nhà văn!

Là người hay thù tạc với bạn bè, bao nhiêu năm trời, từ “công tiệc”  dần thụt lùi về “tư tiệc”, tôi ngẫm ra rằng,  có những cuộc nhậu ta không mất tiền mà vẫn lỗ, trái lại, có khi ta bỏ tiền ra chiêu đãi bạn bè mà vẫn lời. Có những lúc, ta mất thì giờ cả ngày mà chẳng thu hoạch được gì cả, trái lại, có vài tiếng đồng hồ với một người thức giả ta thu hoạch được khá nhiều điều bổ ích. Tôi và Hoàng Đình Quang thường “thu hoạch” lẫn nhau mỗi khi có dịp.

Học là một động từ. Hoàng Đình Quang là người chăm chỉ với động từ này. Tôi biết, hắn chưa mài đũng quần bốn năm đằng đẵng trên giảng đường, nhưng có cái hũ tri thức kha khá. Rồi ngoại ngữ. Rồi triết học. Rồi tin học… hắn tự trang bị cho mình một kiến thức đủ để tự tin ngồi trước trang viết. Khiêm tốn mà nói, tôi nể phục Hoàng Đình Quang ở cả nghị lực và tài năng. Tôi tự hào nhận hắn là bạn tôi!

Nhà văn Hoàng Đình Quang sinh năm 1951. Quê quán: Xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Hiện thường trú tại Tp. Hồ Chí Minh.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Chàng Nai (truyện, 1983); Nói thầm (thơ, 1991); Những ngày buồn (tiểu thuyết, 1992); Mùa chim ngói (tập truyện, 1995); Thời loạn (tập truyện, 1997); Thua thắng nghề buôn (truyện 2 tập, 1999); Phiên chợ Tết cuối cùng (truyện, 2002); Cánh đồng lưu lạc (tiểu thuyết, 2005)

Giải thưởng văn học: Giải B của Hội Nhà văn Việt Nam – Bộ Quốc phòng cho tập thơ Nói thầm năm 1994; Giải A của tổng liên đoàn lao động Việt Nam về Văn học công nhân (1991 – 1995) cho tiểu thuyết Những ngày buồn.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn