Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Đỗ Chu, Lão mai - quế - hương - đời…

Nguyễn Văn Thọ - 25-11-2011 08:43:04 AM

VanVN.Net - Tôi hình dung một người đi trên đường phố Hà Nội sớm hôm. Áo quần bay phơ phất và chòm râu trắng phất phơ theo gió. Khuôn mặt thanh tao, đôi mắt tinh, hóm hỉnh và, dáng vóc thanh hao. Đỗ Chu của tôi đấy! Với cuộc hành trình năm mươi năm, một đời văn, là Cây mai già mãn khai hoa thắm, hây hây cười trong gió đông Hà Nội.

Nhà văn Đỗ Chu

 I.

Tôi bắt đầu làm quen với nhà văn Đỗ Chu ở một đêm trong hang lưng chừng núi đại ngàn Trường Sơn. Giữa hai trận đánh, buộc phải hành quân. Khi ấy Hương cỏ mật cho tôi một cảm giác dịu dàng. Trận mạc khốn nạn, đầy hiểm nguy rìm mò, lắm khó khăn mà dễ nản lòng; Hương cỏ mật, không có đùng đoàng, chẳng có kêu gọi nhập ngũ...vậy mà làm đêm chiến trận vốn căng như viên đạn vừa vút ra khỏi đầu súng nóng, thoắt nhiên chùng xuống...

Thập kỉ Tám mươi, loáng thoáng thấy ông ở báo Văn nghệ, không dịp quen. Mãi tới 1996, tôi mới có dịp làm quen. Trưa, tôi mời Đỗ Chu dùng bữa. Bấy giờ, tôi còn làm ăn bên Đức, khá xông xênh, định ăn ở nơi thật sang. Đỗ Chu gạt phắt: Thôi, vào quán nhỏ nào đó! Một quán ăn bình dân ở Phố Huế. Ông gọi một đĩa cơm với miếng thịt gà và ít dưa chua. Lại vài lần nữa, gặp ông với nhà thơ Hữu Việt ở quán nước kề cửa báo Tiền Phong. Quán ấy, Hữu Việt và tôi ngồi nhẵn ghế mà nào biết nhà quán đang có chuyện. Thế mà Đỗ Chu tường tận, thẽ thọt với chị, như lo việc nhà. Cái vẻ dung dị của ông, dẫu y phục tây  hay ta đều chỉn chu, đồng điệu, bộ râu đến cái cặp kính nhìn hiền, hóm, là vẻ ngoài để chị hàng nước tin cậy chăng? Hay Đỗ Chu ăn nói ngoài đời có duyên? Như khi bên bè bạn văn, nhiều kẻ bị cuốn với các câu chuyện bông lơn, miên man với trí nhớ trác tuyệt, chân, giả khó lần. Còn nơi đây, không còn cái đùa cợt hàng ngày. Phải chăng, Đỗ Chu thấm hiểu cái cuộc sống trăm mối tơ vò, phức tạp thành thị, biến sơ thành thân, cứ hồn nhiên vào cuộc, là con người thật của Chu.

Lần nữa. Có nhà văn Nguyễn Bản, nhà thơ Nguyễn Phan Hách và tôi trên Nhà xuất bản Hội Nhà văn.  Đỗ Chu bàn sự viết, có chọc đùa tôi một câu, ra dáng đàn anh. Nguyễn Bản không biết anh Chu quý mến tôi, bèn mắng Chu ngay. Đỗ Chu im. Nhũn như con chi chi. Sau tôi hỏi, sao hôm ấy ngoan thế? Thường nhật, anh hoạt ngôn lắm cơ mà? Đáp: Nguyễn Bản là bậc thầy.

Tôi có ngôi nhà ở Ngọc Hà gần nhà Nguyễn Bản, thi thoảng có dùng bữa  cùng. Một lần, tôi hỏi: Anh dạy Đỗ Chu à? Đáp: “Không! Tớ dạy ông anh Đỗ Chu. Cũng có học trò sau dậy Đỗ Chu. À ra thế!

Đỗ Chu xuất thân từ dòng họ Chu có học ở vùng Kinh Bắc. “Từ năm, bẩy tuổi, các cụ trong vùng đã dậy tôi Hán Nôm. Bắt đầu phải Tam tự kinh rồi lầu lầu Tứ thư, ngũ Kinh” - Chu từng kể. 18 vào quân ngũ, đã ít nhiều thông tỏ dăm bộ sách; những Lão, những Khổng, rồi các bậc thánh hiền của xứ Việt. “Đủ ít vốn còm để khai phá cái cơ bản văn hóa, triết học Á Châu“. Vào Ngọc Sơn, ông thau tháu dịch hai vế đối của thần Siêu, về sự ứng xử ở đời, sau lối cổng vào, để dặn lại cả Hữu Việt và tôi.

À ra thế! Cái căn cơ của người, thường nhật hay bông lơn, thi thoảng tức thời tế nhị xa gần, cười nhẹ ai khọng khạnh; cứ đùa đùa mà vỗ vai phê bình cả Chủ tịch tỉnh, lẫn cả sắc chức cao hơn hàng tỉnh. Nhưng với Nguyễn Bản, một nhà văn ẩn dật ở Ngọc Hà, không có chức sắc chi, Đỗ Chu vẫn nhớ chữ Lễ, nhớ là thầy của bậc thầy mình thưở xưa mà nhường bước, mà cung kính. 

Chuyện thứ Ba. Năm ngoái, tôi được ông mời tới nhà riêng dùng cơm tối. Sắp sang Đức, xin dẫn theo một người bạn ở Đức, vốn mến mộ văn Chu. Tới, thấy ông xắn áo, tay dao, tay thớt. Ngạc nhiên lắm! Tôi cũng biết vợ ông vừa qua hai lần trọng bệnh. Chu đôn đáo khắp nơi, sang cả Tầu mời thầy thuốc, cứ vợ qua hai cơn tai biến. Từ đó, ông chẳng để vợ làm việc nặng, cả việc nấu ăn cần kĩ lưỡng. Đỗ Chu thoăn thoắt nhặt rau, thái thịt, sắp mâm, vợ chỉ phụ, nhoang nhoáng, xong các món đãi hai đứa em ở xa về. Cơm sắp ra mâm, Đỗ Chu còn mải mê văn chương với bạn tôi. Chợt sau lưng có tiếng ai, rất thiết tha: “Chu ơi, cơm dọn rồi, ra ăn đi!” Cứ ngỡ là ai mới về. Giọng trẻ thế! Quay lại, vẫn chỉ vợ Chu. Quan sát thấy, Đỗ Chu đối xử với vợ như với em gái yếu ớt đang dưỡng sức. Khi ăn, tình già chăm nhau từ gắp cá, ngọn rau. Tôi cũng hiểu, ông thương vợ, không muốn vợ buồn. Có đồng nào, vợ biết là đưa hết, đưa sạch cho một người luôn ám ảnh sự sợ hãi neo túng khi bệnh tật. Sự vậy, nên dù viết nhiều, nhuận bút báo dành tác giả danh nổi như Chu, chả eo hẹp gì, mà túi ông luôn rỗng rễnh. Thế mà lần sang Creck, có người yêu văn ông, biếu ông vài trăm USD, ông đưa phát cho một người Việt xa xứ cùng ngồi đấy, thản nhiên bảo: “Cho tay này thì đúng hơn. Nó viết thơ, yêu văn, lại nghèo hơn tớ.” Ấy là kẻ biết giữ cái ấm áp của lửa vùi trong tro trấu ngàn đời, nếp ăn thói ở gia đình Việt, từ trong nhà đi ra ngoài đường. Tối. Ra về, vợ Chu cho hai đứa em bọc trám đen sơ chế. Ông bảo, làng tớ giờ chỉ còn nhà Chu có hơn hai chục gốc trám đen cổ thụ. Ngót nghét hai, ba trăm năm. Cả vùng Kinh Bắc, phá hết, chặt trụi loài trám đen rồi. “Không biết giữ từ hơn ba chục năm trước, thì tụi nó chặt phéng. Khối đại gia thừa tiền, dư mứa thịt, cá, dăm bông, xúc xích, nay thèm trám đen kho cá, tới đòi. Ai thèm!” Trám đen thì tôi biết, khác hẳn thứ trám trắng. Phải biết chế tác mới lên được cái chất quý giá của loài trám nom chằn chẵn như viên cuội than bóng. Trám đen không luộc mà chỉ nhúng vừa đủ độ nóng, rồi vớt ra ngay, luộc sôi quá lửa là vứt, nó đanh cứng. Sau, ngoài việc dành kho cá là món thường tình, đủ vị bùi, ngọt hậu và béo, mềm… Tiêu cái dư vị không loại trám nào bì được. Trám ông Chu có món trám ỏm là thứ sau sơ chế, đem nấu kĩ với muối, hay ỏm nhạt rồi bẻ đôi chấm với muối vừng, khoái khẩu cho bợm rượu. Còn có kiểu kì khu nhất là Nham cá mè. Phải đủ 10 vị lá thơm chát. Toàn thứ sẵn quanh nhà như lá cây nhội, cây vọng cách vu vơ mọc ở bờ ao, bờ chuôm vùng bán sơn địa. Tưng nấy mà làm nên món trám nham cá, thưởng thức rồi khó mà quên được. Dăm thứ ẩm thực giản đơn từ loài trám đen, song không nơi nào trên thế giới có được. Cũng như văn hóa vùng miền thôi. Biết mà khu giữ, bảo tàng; biết mà chế tác nhận thức nó, thì nó là mình, mãi giá trị của mình. 

Đỗ Chu có vài người viết, tả cái chân quê, bỗ bã. Ai nói ông dại, chỉ nói ông khôn. Khôn thì rõ rồi, nhưng không khôn lỏi, khôn ranh. Tôi chụp những bức ảnh ông hút thuốc lào, chén trà bên hè; không chụp được lời  xởi lởi của mấy bà chị đường phố Hà Nội quang quanh Hội, nhận ra nhà văn, đon đả mang ghế mời ngồi, thăm hỏi Chu như một người thân. Không chụp được lời tâm tình của một trí thức gốc Hà Nội, ngồi bệt xuống cùng, phút bất chợt bên hè Hà Nội sớm Thu. Còn nhận ra Đỗ Chu nữa ngậm CIGARS BOLIVAR, phì phào bàn về văn hóa tây Âu. Hay khi ông ngậm tẩu nhồi thuốc sợi Tobaco, nheo mắt nói về bề dầy của văn hóa vùng Kinh Bắc, hoặc về cái lớn, cái hay, rực rỡ của nền văn hóa Hoa Hạ, cả cái dã man trong thói xưa, mưu nay ở Tầu... Những khi ấy, tôi muốn có phép lạ, bưng anh Chu tới giữa Paris, đàng hoàng mồi CIGARS BOLIVAR, uống cafe bên bờ sông Sen, nói chuyện với mấy trí thức gộc người Việt ở Pháp.

Đấy là dăm cái vỏ vẻ, bóc tách ra, nhận biết đế cốt cho Con người văn Đỗ Chu? 

II.

Xuân tới, nhà văn Đỗ Chu vừa tròn 70. Cuộc đời làm văn chương của nhà văn họ Chu thế là tới 52 năm. Tính từ khi còn là cậu học sinh 18 tuổi, trình làng đoản văn Ao làng, trên Tạp chí Văn nghệ quân  đội. Năm kia, Đỗ Chu cho xuất bản Tổng thành truyện ngắn, hai tập, dày cả hơn ngàn trang, bao gồm 35 truyện ngắn. Cuối 2011, ông lại vừa ra mắt Tổng thành tùy bút bút kí và tản văn. Hai tập: Tản mạn trước đènThăm thẳm bóng người, 800 trang. Sắp tới ông sẽ cho ra mắt nốt cuốn Đường xa. Đường xa là bao thân phận người Việt tóa ra khắp thế giới. Những loài chim ngụp trôi trên sóng nước, dòng đời. Những câu chuyện tưởng như hoang đường mà có thật. Thế là đóng lại toàn bộ văn xuôi của Đỗ Chu! Có thể nhìn, suốt chiều dài văn chương Đỗ Chu bằng chính cái tên của hai tập tổng thành truyện ngắn. Đấy là đường văn khởi đã như chàng trai sức vóc gió mưa Mùa hạ, sau 50 năm trở thành Lão Mai, lừng lững trên văn đàn. Văn chương Việt Nam không thể thiếu ông, nhất là khi nói Một nền văn học hiện đại, đồng hành với từng bước đi của nhân dân. Nói như thế không có nghĩa văn Đỗ Chu phỏng hiện thực, mà là Văn ông không tách rời đời sống dân tộc, có trách nhiệm với các cuộc xoay đổi lịch sử cách mạng. Lại một cách chả giống ai, có sắc diện đặc biệt.

Trước hết, nói về mảng truyện ngắn. Nhân vật của ông đa phần xoay quanh người lính và con người sống ở nông thôn, gốc gác là nông dân. Nhưng đọc cho kĩ các giai phẩm, thì mới nhận ra, ông viết về nông thôn mà không bàn chuyện cày cuốc, lúa giống phân gio, việc ra hay vào Hợp tác, lợi hại thế nào. Viết về người lính, ông tránh tiếng ùng oàng bom đạn. Sự ác nghiệt của cuộc chiến không ở đầu rơi máu chảy. Ngay từ truyện đầu tiên Hương cỏ mật, áng văn đậm hương của những người ta thiết với quê hương mà nhập ngũ. Ông không có lối viết hô khẩu hiệu, vận động  tòng chinh, dù khi đó là thập kỉ Sáu mươi, chiến cuộc nổ ra. Chiến tranh vệ quốc động viên hàng triệu thanh niên lên đường. Vậy nhà văn bàn cái gì trên hiện thực xã hội? Về nông dân và nông thôn, hay chiến tranh, những trang văn của Đỗ Chu đều đi sâu vào tâm lí và thân phận con người trong những cảnh huống nhất định. Sinh ra ở nông thôn, viết về nông đân hay các nhân vật sống ở nông thôn, Đỗ Chu thuần bàn cho ra cái văn hóa của vùng và con người Việt. Bám vào chiến cuộc trong Mùa hạ, hay hậu chiến ở tổng tập Lão Mai, truyện Đỗ Chu đi sâu vào tâm tình của con người trong chiến tranh, sau chiến tranh. Những hành xử của họ trong gia đình, ngoài xã hội. Có khi đau đớn tới chua chát trong các truyện ở hậu chiến, hoặc với nhân vật phía bên kia, cả người lầm đường lạc lối, ông vẫn gọi ra, cái bi kịch của con dân đất  Việt, vượt qua cả ta, địch. Vậy là, Chu đem đến cho người đọc nhiều suy ngẫm rốt ráo về tình người và trách nhiệm làm Con Người. Đấy là vấn đề muôn đời của văn học. Là hướng đi mà ngay từ thời còn là cậu học sinh 18 tuổi, đã tỏ sự chín chắn, nhân văn với Hương cỏ mật. Sự chín, sâu sắc tới mức, các nhà văn đàn anh như Nguyễn Minh Châu hay Nguyễn Khải đều nhầm lẫn, cứ tin đấy là một người già cầm bút. Sau này càng viết càng đẹp, Đỗ Chu như cây mai già tới độ mãn khai, cho Văn chương Việt những áng văn khó trộn vào bất cứ tác giả nào. Ăm ắp tinh thần Việt, thuần Việt, gánh theo triết luận Á Đông. Nhất là trong tùy bút hay bút kí; nhà văn nhờ tính kí mà phát biểu trực diện.

Có người ví đại ý, Văn như loài cây. Có loại gỗ như đinh, lim, sến, táu. Gỗ nó làm đủ vật dụng trên đời. Còn loại gỗ xôm xốp chả thể làm nhà, đóng đồ, đóng thuyền, nhưng lại tỏa ra mùi hương quyến rũ làm người ta ngây ngất. Văn Đỗ Chu thuộc loài cây thứ Hai, lõi mềm vô tích sự, vỏ thì sực hương như loài quế. Gỗ đóng thuyền thì di chuyển được, song hương của cỏ cây có khi bay xa hơn, sâu hơn, ngấm khẳm vào lòng người đeo đẳng mãi. Nên văn của Đỗ Chu, dù không có cốt chuyện, ít chi tiết ám ảnh dữ dội, người ta vẫn nhớ lâu là như thế chăng? Sự ví von này làm Đỗ Chu giật thột và Trần Đăng Khoa thán phục. Tôi rất đồng cảm với nhận xét tinh tế này. Đỗ Chu là một văn tài có cái đại khí mà nhà văn cần có. Khác thứ văn chương đầu mùa, lộ cái bấy của tuổi tác; khác hẳn thứ văn kinh nghiệm, dầy hiện thực mà thiếu cái sâu bền của văn hóa; cũng  khác thứ văn tỏ ra thông minh, sắc sảo, thậm chí câu chữ xóc xách nhọn hoắt, mà thiếu cái sâu hậu, bao dung cần thiết cho con người. Văn Đỗ Chu là thứ bền lâu, thứ trầm tư để suy ngẫm; đẹp mà không mong manh, hay ồn ào. Chưa khi nào ông chạy theo chủ nghĩa hình thức, model. Nó gửi gấm theo hồn cốt Á Đông; cụ thể là hồn xứ vùng Kinh Bắc, nơi ông sinh thành. Càng già càng mặn càng cay, văn Đỗ Chu chuyển tải cả tinh túy triết học Á Đông.  Chính vì vậy, với tốc độ sống chóng mặt như hôm nay, nhiều người trẻ bây giờ khó tiếp cận. Nó không bao giờ dành cho kẻ đọc nhanh, thời thượng. Nó là sự nhẩn nha sống chậm, soi kĩ vào đáy thẳm của tâm hồn từng giai tầng, ở từng cảnh huống đời sống, buộc người đọc phải sống chậm lại, nhẩn nha cùng tác giả; như ăn chậm nhai kĩ để thụ hưởng tới kiệt cùng khi tận hưởng khoái lạc…

Nói chung, văn Ðỗ Chu mang dáng dấp tự sự, dù ở truyện hay kí, cũng gửi gắm vào đó cái nhìn và thái độ dứt khoát của Ðỗ Chu với thời cuộc, với dân tộc, và cốt tử là những vấn đề thuộc tính của con người Việt. Một nhà văn Thuần Việt hiếm hoi, vừa hiện thực vừa lãng mạn! Cái hương quế: Con người Việt là trung tâm, văn hóa Việt là cái sắc diện bao trùm.

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

 

III.

Còn hai tháng nữa áp Tết. Ông Chu và tôi ngồi ở Tạp chí thơ chờ dùng bữa cơm đạm bạc do đích thân nhà thơ Trần Trương nấu nướng khoản đãi. Đỗ Chu trao cho  tôi tập bản thảo 27 bài thơ, tựa là Thương Hạ, sắp xuất bản. Nói với tôi: Thi sĩ bây giờ nhan nhản. Anh chỉ là kẻ làm thơ không chuyên nghiệp không đua tranh với ai. Trong cái luẩn quẩn của hơi cơm vừa chín tới nhà thơ Trần Trương cũng cười cười: “Cậu chỉ là thứ nhà thơ nghiệp dư. Hạng hai thôi!”

Tôi đón Thương Hạ. Không ngạc nghiên gì khi ông dở dói thơ ca. Bởi vì, tạng ông, ở văn xuôi kể vật hay người, đều có phấn hương, lộ ra cái tâm hồn thi sĩ. Nay cuối đời văn xuôi không viết được nữa. Sự sinh nở phải đúng thì, có thời vận! Hay là ông mệt mỏi, song cái khí chất vẫn còn ấm ức mà thơ toát cả ra vậy? Nhìn xem: khuôn mặt già, tuổi ông cụ, râu trắng phơ phất như lão hạc, mà chân tay còn lăn xăn, dáng điệu còn lộ sinh lực. Dạng người như thế là chưa hợp nhẽ tạo hóa. Ấy là cơ thể phần già, phần trẻ, không cân bằng. Chu viết nhiều, xong đầu còn xăm xắp bao suy nghĩ miên man, nên thơ viết đều đều hơn năm, ra ngót nghét ba chục bài, có gì mà lạ! Tập Thương Hạ vừa cũ vừa mới. Có bài ông rất niêm luật như Đường thi, lại có bài hiện đại bỏ vần, trọng nhịp, con chữ đua tràn ra mặt giấy... hình thức thế nào, các vấn đề ông đưa ra không hề cũ hay mới, vẫn là thứ đụng vào cái muôn thuở của con người, về tình yêu, bạn bè, rộng ra là đất nước, tổ quốc. Song Thương Hạ không nhạt. Cái chính là không lạt lẽo.

Đỗ Chu bảo: “Em làm thơ trước anh. Về đọc kĩ! Từ nào sạn, câu nào chưa chỉnh, biên tập kĩ.” Lại cụ thể: “Cố hai tuần phải xong, để anh chuẩn chỉnh lần nữa, kịp in Tết, tự mừng cho mình tròn Bẩy mươi xuân.” Ơ hay. Bấy nay, quan hệ ông và tôi, như quan hệ anh em và, chả thiếu cái bông lơn tràn ra, làm tiếng cười ròn cho đời sống vốn không rặt vui vẻ gì. Một lần nữa là Đỗ Chu với việc văn. Yêu thật, chân thành, nghiêm túc. Đỗ Chu với tôi thật đáng yêu!

Kết thúc trang viết, sắp mừng bẩy mươi xuân của một nhà văn đàn anh! Tôi hình dung một người đi trên đường phố Hà Nội sớm hôm. Áo quần bay phơ phất và chòm râu trắng phất phơ theo gió. Khuôn mặt thanh tao, đôi mắt tinh, hóm hỉnh và, dáng vóc thanh hao. Đỗ Chu của tôi đấy! Với cuộc hành trình năm mươi năm, một đời văn, là Cây mai già mãn khai hoa thắm, hây hây cười trong gió đông Hà Nội.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn