Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: “Seo May” – Lục Mạnh Cường

06-09-2011 01:35:12 PM

VanVN.Net – Tác giả Lục Mạnh Cường sinh ngày 12/06/1980 tại Bắc Quang, Hà Giang, dân tộc Tày. Bắt đầu sáng tác từ năm 2006, khi còn là một giáo viên giảng dạy tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang (hiện anh đang công tác tại Phòng GD&ĐT Vị Xuyên). Lục Mạnh Cường đã lập “cú” giải thưởng đúp với 2 giải Nhì trong Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 2007 – 2008, 2008 – 2009 do Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn của Lục Mạnh Cường tới bạn đọc.

Tác giả Lục Mạnh Cường

 

SEO MAY

 

          Seo May ngồi nhìn hõm đá. Cái hõm đá khô cong. Đám rêu chết khô bong ra trên rìa hõm đá. Cả khe nứt trên vách đá cao cũng khô kiệt. Cái khe nứt như rộng thêm ra. Đám rêu chết tạo thành một vệt đen len theo vết nứt lên cao. Đã lâu lắm rồi núi không rỉ ra một chút nước nào. Mùa khô đến nhanh và dài quá. Cả cao nguyên đá khát nước như Seo May bây gìơ. Từ sáng sớm, Seo May đã dậy, cái gùi trĩu nặng trên tấm lưng nhỏ bé của Seo May xộc xệch theo từng nhịp bước. Qua năm hốc nước mà chẳng còn một giọt. Cái hốc này là hốc cuối cùng Seo May biết. Vậy mà... Seo May mà quay về thì cả nhà sẽ không có nước. Không có nước để uống, để đồ mèm mèn, để nấu canh...  Cái khát như những ngón tay cào xé cổ họng Seo May. Cái chân không muốn bước thêm một bước.  Seo May ngồi bệt xuống tảng đá bật khóc. Seo May thương bố, thương mẹ, thương em. Bố mẹ phải bỏ cả việc chăn bò, cày nương để đi tìm nước. Thằng Páo cũng như Seo May phải bỏ học để đi tìm nước. Hôm qua , Seo May đến lớp. Cái lớp 4 của Seo May chỉ còn có 4 người đi học. Cô giáo đang ngồi khóc. Cái khát bắt hết học sinh của cô giáo đi tìm nước rồi. Seo May thương cô giáo lắm nhưng cũng không thể đến lớp.

          Seo May ngồi khóc lâu lắm. Mặt trời sắp chạm đỉnh Hoa Si Pan, chợt Seo May nghe thấy tiếng bước chân. Seo May quay lại. Ô! Thì ra là Chẩn Pao. Nhìn Chẩn Pao khác quá. Nó cao lớn hẳn , mặc thật đẹp và vác khèn trên vai như sắp xuống chợ. Chẩn Pao nhìn Seo May:

          - Sao lại ngồi đây khóc?

          Seo May im lặng. Nó bực trước thái độ của Chẩn Pao. Chẩn Pao nhìn nó một lần rồi cười:

          - Mày đi lấy nước nhưng hết nước rồi, phải không?

          - Ừ, nhưng sao mày không đi lấy nước? Mày không thương bố mẹ à?

          - Tôi lấy xong từ sớm rồi.

          - Mày tìm được khe nước à?

          - Ừ! Khe to lắm, có lấy thì tôi chỉ cho.

          Seo May mừng rỡ đứng dậy, khoác gùi lên vai. Chợt mặt nó xịu xuống:

          - Nhưng mày còn đi chơi!

          - Tôi không đi nữa. Tôi dẫn đường cho Seo May đi lấy nước.

          Chẩn Pao dẫn đường. Seo May đi theo. Bước chân Chẩn Pao như không chạm đất. Seo May vội vã bước. Nhiều lúc bàn chân dẫm phải đá nhọn đau nhói, nhiều lúc vấp dúi dụi mà phải cố bám theo. Đám ngải còi cọc ven đường bị dẫm nát toả hương hăng hắc. Chẩn Pao luôn mồm giục.

          - Đi nhanh lên! Nếu không trời tối cũng không kịp đến.

          Seo May không hỏi thêm gì. Nó thừa biết quãng đường đi lấy nước. Gần nhất cũng mất hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ. Bàn chân nhỏ bé của Seo May hối hả hơn. Một lát sau cả hai đến cửa hang. Cái cửa hang được che bằng một đám cây rậm. Hơi ẩm toả ra mát lạnh. Chẩn Pao rẽ cây, Seo May vội lách vào. Trong hang tối mò, Seo May chợt nhớ tới cái đèn pin mang theo từ lúc trời chưa sáng. Vệt sáng nhỏ nhoi của cái đèn làm cho Seo May nhận ra một cái hang thật lớn. Chẩn Pao vượt lên trước dẫn đường. Nền hang dâm dấp nước mát lạnh. Thỉnh thoảng có giọt nước rơi xuống cổ lạnh buốt làm Seo May rùng mình. Những cột đá to sừng sững lấp lánh trước ánh đèn. Những măng đá và nhũ đá  muôn hình muôn vẻ. Seo May ngạc nhiên trước một thế giới kì lạ. Thế nhưng cái khát vẫn còn đó. Cái khát giục Seo May  bám bước theo Chẩn Pao. Đi một lát, Chẩn Pao dừng lại. Trời sáng dần vì trên trần hang có một lỗ hổng khá lớn. Seo May nghe thấy tiếng róc rách. Nó vượt lên trước. Một khe suối, đúng là một khe suối chảy trước mặt. Con suối nhỏ và nông nhưng nước trong vắt. Seo May vội vàng ngồi xuống, vục nước vào lòng bàn tay, hấp tấp đưa lên môi. Nước thấm mát dịu vào đôi môi khô nứt nẻ của Seo May. Cái mát lạnh của nước làm Seo May không nghe được tiếng kêu hốt hoảng của Chẩn Pao:

          - Đừng uống, Seo May.

          Chẩn Pao lao đến nắm tay nó kéo đi. Nó vừa nhoai người theo Chẩn Pao thì thấy ớn lạnh sống lưng. Hớp nước nó vừa uống làm nó thấy lạnh khủng khiếp. Nó cảm thấy toàn thân co rút lại. Trong khoảnh khắc, nó cảm thấy bàn tay mình teo đi trong tay Chẩn Pao. Chẩn Pao cũng hốt hoảng buông tay Seo May ra. Seo May thấy mình bé lại. Nó ngước lên thì thấy Chẩn Pao cao to sừng sững như một người khổng lồ. Nó nhìn lại mình, bàn tay bây giờ khẳng khiu gầy guộc. Các ngón tay dính vào với nhau bởi một cái màng. Nó hốt hoảng hét lên. Vẳng bên tai, nó nghe thấy tiếng thét "ecc..ecc.." kì lạ. Chẩn Pao vội cúi xuống đặt nó lên lòng bàn tay. Bây giờ thì Seo May ngồi gọn trong lòng bàn tay Chẩn Pao.

          - Sao lại thế, Chẩn Pao?

          Chẩn Pao nhìn nó, đôi mắt ngấn nước.

          - Tại tôi không kịp ngăn Seo May. Seo May chưa xin phép thần núi mà đã uống nước nên bị thần núi biến thành ếch rồi.

          Seo May rùng mình. Cái lạnh trong hang cùng với nỗi sợ hãi làm nó run lên bần bật. Chẩn Pao cuống quýt:

          - Đừng khóc nữa, Seo May. Để tôi nghĩ cách.

          - Làm thế nào bây giờ, Chẩn Pao? Tôi sợ lắm.

          - Chúng mình đi xin thần núi, để thần núi cho Seo May trở lại thành người.

          - Nhưng thần núi ở đâu?

          - Chúng mình trèo lên trên lỗ hổng trên kia. Tôi nghe nói thần núi ở trên ấy! Tôi cũng chưa gặp bao giờ.

          Chẩn Pao bỏ Seo May vào cái túi đeo bên người rồi bắt đầu leo lên. Những vách đá ghồ ghề và rất trơn. Chẩn Pao leo rất lâu. Seo May ngồi trong mà quả tim như muốn nổ tung ra, thỉnh thoảng thấy hụt hẫng như vừa bị rơi rồi lại được níu lại. Bên ngoài, Chẩn Pao thở hổn hển. Hình như Chẩn Pao vừa trượt tay. Seo May nhớ lúc nhìn lên trần hang. Cái trần hang cao vút. Nếu như rơi xuống đó thì cả Chẩn Pao và Seo May nát ra như cám mất. Seo May run run:

          - Chẩn Pao ơi, không lên nữa. Tôi làm ếch núi cũng được.

          - Đùng nói nữa, Seo May.Tôi leo sắp đến nơi rồi.

          Seo May lại phải im lặng. Lòng Seo May cầu khấn thần núi cho Chẩn Pao leo lên được đến nơi. Lâu lắm mới nghe Chẩn Pao  gọi:

          - Seo May ơi! Đến nơi rồi.

          Chẩn Pao thò tay vào túi nhấc Seo May ra. Ánh sáng chói loà làm Seo May loá mắt. Một lúc sau, Seo May mới nhận ra mình đang ở trên tay Chẩn Pao. Phía trước là vực thẳm hun hút. Đó chính là cái lỗ hổng trần hang mà Chẩn Pao vừa leo lên. Phía trên là một đám mây trắng có hình thù kì quặc. Đám mây cất tiếng hỏi:

          - Chúng mày tìm ta có việc gì?

          - Thưa thần núi! Bạn con là Seo May uống nước suối của thần mà chưa xin phép nên bị biến thành ếch. Con cầu xin thần núi cho bạn con trở lại thành người.

          - Nó uống nước suối mà không xin phép ta là có tội. Nó phải biến thành ếch thôi.

          - Thưa thần núi, con là người có lỗi. Con đã dẫn Seo May đến đây... nhưng con xin thần núi thương cho, bản con không còn nước uống. Nếu thần núi không thương thì cả bản con chết mất! Nếu thần núi phạt thì xin hãy phạt con. Thần hãy biến con thành ếch còn để Seo May thành người, để Seo May về bản.

          Lúc này Seo May mới hoàn hồn. Seo May cũng vội vàng nói:

          - Thưa thần núi! Con biết lỗi của con rồi. Con xin thần núi cho con trở lại thành người. Còn nếu khôngđược thì thôi. Xin thần đưng biến Chẩn Pao thành ếch. Khổ lắm...

          - Không! Thần núi cứ cho con thành ếch, còn cho Seo May thành người - Chẩn Pao cũng van xin.- Xin thần núi cho Seo May thành người để chỉ nguồn nước cho dân bản...

          - Được! Ta thấy mày là người tốt. Ta sẽ cho Seo May thành người, còn mày phải ở lại đây với ta.

          - Con xin nghe lời thần núi.

          - Không được, thần núi ơi... - Seo May hét lên nhưng không kịp nữa rồi. Từ đám mây phát ra ánh sáng chói loà làm Seo May phải nhắm mắt lại. Khi Seo May mở mắt thì chỉ còn lại một mình Seo May. Giờ thì Seo May đã trở lại thành người. Seo May khóc nức lên:

          - Chẩn Pao ơi, Chẩn Pao đâu rồi?

          Tiếng Chẩn Pao văng vẳng từ xa vọng tới:

          - Chẩn Pao không sao đâu. Seo May phải tự leo xuống thôi. Seo May còn phải về để chỉ nguồn nước cho cả bản nữa. Nếu không thì cả bản chết khát mất...

          Nghĩ đến bố mẹ, đến dân bản cả mình cũng đang khát, Seo May lấy hết can đảm leo xuống. Nhưng khi chân vừa chạm ghờ đá đầu tiên, ghờ đá đã vỡ ra, rơi xuống. Seo May cũng rơi luôn theo ghờ đá ấy. Thăm thẳm, hun hút... Seo May thấy mình rơi mãi, rơi mãi trong bóng tối mịt mùng.

 

          Seo May tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm bên bờ suối. Con suối vẫn đang róc rách chảy. Cơn khát cháy họng làm Seo May  vội nhỏm dậy, vục nước uống. Nước mát quá, ngon quá nhưng... Seo May nhớ ra, sợ hãi nhìn lại chân tay mình. Chân tay Seo May không sao. Thế còn Chẩn Pao? Chẩn Pao đâu nhỉ? Seo May đưa mắt nhìn quanh. Chợt Seo May rùng mình. Một cơn lạnh chạy dọc sống lưng. Chẩn Pao chết rồi cơ mà. Cái mùa lũ năm trước, Chẩn Pao nhảy xuống cứu bé Li và bé Xúa... Con lũ đã bắt Chẩn Pao đi rồi. Sao Chẩn Pao lại chỉ đường cho mình đi lấy nước? Seo May cấu vào tay mình. Không, giờ đây Seo May  không mơ. Con suối cũng là thật. Seo May múc đầy nước vào ống rồi tìm lối ra khỏi hang. Mặt trời vừa chạm đỉnh núi. Seo May  quay lại quỳ xuống trước cửa hang:

          - Cảm ơn thần núi, cảm ơn Chẩn Pao đã cho dân bản nguồn nước. Dân bản sống rồi...

          Nước mắt Seo May giàn giụa trên má. Chẩn Pao ơi! Chẩn Pao không chết đâu. Chẩn Pao sẽ sống mãi trong lòng Seo May và dân bản.

 

 

 TRỞ VỀ

 

  Trời chiều nắng như đổ lửa. Lâm lùa trâu ra ven sông. Chỗ này nhiều cỏ non. Lũ trâu mải mê gặm cỏ. Lâm kiếm một gốc cây xum xuê bóng mát ngả lưng và mang quyển sách Địa lý ra học. Ồ, ở châu Âu hay thật, mùa hè mà cũng chỉ hơn 10 độ. Trời mát mẻ, chẳng bù cho ở đây. Lâm đang ngồi trong bóng râm mà mồ hôi cứ túa ra. Lâm quệt mồ hôi. Ước gì mình được nhảy xuống sông tắm một trận, chắc là mát lắm. Không được! Bố mẹ và thầy cô giáo đã dặn không được tắm sông, nguy hiểm lắm. Lâm đứng dậy nhìn dòng sông. Nước sông đang lên. Mấy hôm nay trời không mưa mà nước sông dâng cao, có lẽ do mưa đầu nguồn. Những khúc cây cùng rác rưởi đang cuồn cuộn trôi. Lâm đang định quay lại chỗ gốc cây thì nghe thấy tiếng kêu. Có hai cậu bé đang vật lộn giữa dòng nước. Chết rồi, cu Tuấn và cu Ngọc. Chúng đi học chiều mà, sao giờ lại đang vùng vẫy dưới dòng nước? Hai cậu bé cứ ngụp xuống rồi lại trồi lên. Không kịp nghĩ ngợi nhiều, Lâm lao mình xuống dòng nước rồi bơi nhanh ra. Lâm túm được tóc một cậu bé. Cậu vội bơi vào. Nước sông đang chảy mạnh. Một cánh tay quạt nước mỏi rã rời. Mãi rồi Lâm cũng vào được đến bờ. Loáng thoáng thấy bóng người chạy lại. Thì ra tụi thằng Vĩnh cũng vừa chạy tới. Lâm đẩy cu Ngọc lên rồi lại tiếp tục bơi ra. Trong lúc vội vã, Lâm vẫn nhìn thấy một bàn tay nhỏ bé giơ lên rồi chìm nghỉm. Lâm sải tay thật nhanh. Một lát sau, Lâm cũng chạm được tay cậu bé. Lâm nắm lấy và lôi cậu về phía bờ. Lúc chỉ còn cách bờ vài mét, Lâm thấy một khúc cây đang lừ lừ trôi đến. Nếu bỏ cu Tuấn ra thì Lâm sẽ tránh được nhưng Lâm không thể làm thế. Lâm đạp nước thật mạnh cố vọt qua trước khi khúc gỗ trôi tới nhưng không kịp nữa rồi. Rầm một tiếng, Lâm thấy choáng váng rồi ngất lịm đi. 

 

Lâm thấy mình đang bay lơ lửng trên không trung. Nắng vẫn đổ gay gắt xuống cánh đồng. Ở dưới kia, rất nhiều người đang hối hả chạy lại phía bờ sông. Có tiếng khóc văng vẳng bay lên. Lâm bay xuống phía đó. Ồ, mọi người xúm đông, xúm đỏ làm Lâm chẳng nhìn thấy gì cả. Một người đàn ông xua tay đẩy mọi người ra:

- Các ông các bà tản bớt ra cho thoáng, để các cháu nó còn thở. Tôi khoẻ như thế này mà còn ngạt nữa là…

Lâm nhìn kĩ thì ra là bác Tiến. Lâm vẫy tay goi:

- Bác ơi, có chuyện gì thế?

Hình như bác không nghe thấy Lâm gọi nên hối hả quay vào. Lâm lại nhẹ nhàng bay lên. Lâm ngạc nhiên quá đỗi. Giờ đây người Lâm rất nhẹ, chỉ vừa nghĩ muốn bay lên là bay lên được. Hình như chẳng ai nhìn thấy Lâm cả, chỉ thấy họ kiễng chân ngó vào trong. Lâm bay lên cao rồi đỗ thẳng xuống giữa đám đông. Lâm giật mình hoảng sợ. Mẹ đang vật vã khóc lóc lay gọi một người. Lâm nhìn kĩ lại thì đó chính là mình. Lúc này Lâm thật khó coi. Mặt mũi nhợt nhạt, chân tay mềm oặt tái nhợt.. Lâm bước đến bên mẹ định đỡ mẹ nhưng không được. Lúc này Lâm mới thấy bàn tay mình chẳng thể cầm nắm được gì nữa. Lâm bàng hoàng đứng ngây ra. Chợt có tiếng cười khúc khích sau lưng:

-         Anh Lâm nhìn xấu xí quá!

Lâm quay lại thì thấy cu Tuấn đang đứng ngay sát chân bác Tiến lè lưỡi. Người nó mong manh, mờ ảo nhìn chẳng rõ nữa.

-  Tuấn, em sao thế?

- Em đến đây trước anh lâu rồi mà chẳng ai biết. Ở kia có một người giống hệt em nhưng trông xấu xí lắm.

Cu Tuấn cầm tay Lâm kéo đi. Cả hai bay qua đầu mọi người về phía gốc cây sổ già. Ở đó cũng có một đám đông đang tụ tập. Lâm nhìn thấy cô Lan, mẹ Tuấn đang khóc vật vã. Mọi người phải kéo cô ra. Cô vật người lên xuống mấy lần rồi ngất đi. Cu Tuấn tái mặt:

- Mẹ em làm sao ấy nhỉ? Thằng bé xấu xí kia đâu phải là em! Em đang ở đây cơ mà!

Cu cậu chạy lại lay mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ ơi!

Lâm đứng trầm ngâm. Giờ thì Lâm đã lờ mờ hiểu. Có lẽ cả Lâm và Tuấn đã chết. Nghĩ đến đây người Lâm bủn rủn, mồ hôi vã ra như tắm. Lâm bay về phía cái xác của mình. Chợt nghe thấy tiếng hú gọi khẩn thiết:

-         Hú ba hồn bảy vía thẳng Lâm ở đâu thì mau về nhập xác…

-         Hú ba hồn bảy vía thằng Tuấn ở đâu thì mau về nhập xác…

Lâm thấy người mình được kéo về phía cái xác. Dường như có một sức mạnh kéo Lâm về phía đó. Sức hút dường như mỗi lúc một mạnh hơn. Chợt lúc đó Lâm nghe thấy tiếng cu Tuấn:

- Anh Lâm ơi, anh đi đâu đấy?

- Anh nhập vào xác để sống lại đây. Em cũng quay về nhập xác đi!

- Không! Em thích thế này hơn. Em về thế nào mẹ cũng đánh vì em trốn học đi tắm sông. Bây giờ chẳng ai nhìn thấy em cả, em có thể đi chơi khắp nơi, muốn làm gì thì làm.

- Không được đâu Tuấn ơi, em phải về đi. Nếu không thì em không sống lại được nữa đâu!

- Không, em đi chơi đây. Ở đằng kia có người rủ em đi xem đám cưới, xem cô dâu, chú rể vui lắm.

Cu Tuấn quay đầu hăm hở chạy. Lúc này Lâm đang ở sát bên cái xác của mình. Lâm cảm thấy còn một chút âm ấm trong cái xác của mình. Chợt Lâm thấy có người hốt hoảng kêu lớn:

-         Nguy rồi mọi người ơi, thằng cu Tuấn đang lạnh dần!

Lâm khựng lại. Lực kéo lúc này trùm cả lên Lâm. Chỉ cần Lâm thả lỏng người thôi là sẽ hoà với cái xác làm một. Lâm sẽ tỉnh. Nhưng… còn cu Tuấn? Cu Tuấn sẽ chết… Bây giờ chỉ một mình Lâm nhìn thấy nó. “Không được… Nhất định mình phải kéo nó quay về”. Lâm cố hết sức vùng mạnh một cái thoát khỏi sức hút của cái xác. Lâm bay vọt lên chạy theo cu Tuấn.

Một đám rước dâu đang đi trên đường lớn. Con đường lạ quá, Lâm chưa thấy lần nào. Cả đám cưới cũng lạ. Cô dâu mặc áo dài trắng, còn chú rể mặc áo dài đen, đóng khăn xếp. Hai người đi guốc mộc. Cứ một đoạn lại đốt một băng pháo. Pháo nổ ran đường. Cu Tuấn cùng vài đứa trẻ thi nhau nhặt pháo xịt. Một lát cu Tuấn chạy lại khoe:

- Anh Lâm nhìn này, em nhặt được bao nhiêu là pháo.

Lâm nắm lấy tay cu Tuấn:

- Nhặt thế được rồi! Về thôi…

- Không, em phải nhặt nữa. Với lại còn phải xem cô dâu chú rể qua cầu. Bọn nó bảo xem chú rể cõng cô dâu qua cầu hay lắm..

- Không…

Lâm chưa kịp nói hết câu thì nghe thấy tiếng cười khúc khích ngay cạnh. Lâm quay sang nhìn thì thấy một cô bé chạc tuổi mình. Cô mặc một cái áo dài màu xanh, tóc vấn đuôi gà. Cô cười nhìn Lâm:

- Chào bạn.

Lâm gật đầu chào lại. Cu Tuấn thừa thời cơ gỡ tay Lâm ra chạy ra chỗ lũ trẻ nô nghịch tiếp. Cô bé nhẹ nhàng:

- Bạn ở bên nhà gái đi đưa dâu à?

- Không! Mình…

Lâm ấp úng không biết nói sao. Cô bé lại cười khúc khích:

- Không sao đâu. Bạn thấy đám cưới có vui không?

- Ồ, vui lắm! Chưa bao giờ mình được thấy một đám cưới như thế này.

- Ừ. Nhất định hôm nay bạn phải đi cùng đến nhà mình ăn cỗ cưới nhé. Mình là em của chú rể.

Cô bé nói rồi đi nhanh lên phía trước. Lâm ngơ ngẩn nhìn theo. Đúng là một đám cưới thật lạ. Có mười anh thanh niên khiêng năm chiếc hòm sơn đỏ, phủ khăn đỏ. Có lẽ đó là của hồi môn của cô dâu. Mọi người vừa đi vừa râm ran trò chuyện vui vẻ. Những bước chân phiêu diêu hình như không chạm đất. Người đàn bà đi cạnh đưa cho Lâm một chiếc bánh dày:

- Ăn đi cháu! Quà của cô dâu chú rể đấy. Cháu ăn rồi biết đâu sang năm lại mời cô đi ăn cỗ cưới!

Lâm đón chiếc bánh thơm phức, nóng hổi định đưa lên ăn nhưng rồi lại thôi. Ở đây đông người, vả lại Lâm cũng chưa ăn uống giữa đường như thế này bao giờ. Cậu cất chiếc bánh vào túi. Đoàn người đi qua một chiếc cổng gạch cao, trên cổng có đắp hình hai con rồng nổi đang chầu một viên ngọc lớn. Phía sau cổng có bốn người cầm giáo đứng gác. Lâm ngạc nhiên vì cách ăn mặc của họ như những anh lính lệ mà Lâm thường thấy trên phim ảnh. Khi đoàn người đi qua, có hai người cầm giáo đi theo phía sau. Một lát sau đến một chiếc cầu lớn. Chiếc cầu xây bằng đá trắng. Những tảng đá to phản chiếu ánh nắng sáng lấp lánh. Cu Tuấn chạy lại bên Lâm, nét mặt hớn hở:

- Anh Lâm ơi, bây giờ chú rể cõng cô dâu qua cầu đấy!

Mọi người dừng lại ở đầu cầu. Quả nhiên chú rẻ khom lưng xuống. Cô dâu bẽn lẽn ôm cổ chú rể. Chú rể cõng cô dâu bước băng lên cầu. Đến đầu cầu, chú rể dừng lại. Lúc này Lâm mới nhìn rõ chiếc cầu còn khuyết một đoạn dài khoảng hai mét. Ở đó người ta bác một mảnh ván chỉ rộng đủ chỗ đặt một bàn chân. Lâm ngạc nhiên hỏi người đàn bà đi bên cạnh:

- Sao lại phải làm như thế hả cô?

- Để thử thách cô dâu và chú rể. Họ phải cùng nhau vượt qua khó khăn này mới thực sự trở thành vợ chồng, sẽ cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống.

Lúc này chú rể đã bước qua đến đầu bên kia cầu. Mọi người oà lên reo mừng. Lại một băng pháo được đốt ngay tại đầu cầu. Tiếng pháo nổ râm ran, xác pháo hồng rơi lả tả xuống mặt nước. Mọi người ùa lên bắc ván qua cầu. Chỉ một loáng, cây cầu lại trở nên rộng rãi, vững chắc. Đoàn người nô nức qua cầu. Cu Tuấn nhảy chân sáo kéo tay Lâm lên cầu. Vừa đến đầu cầu thì Lâm nghe thấy tiếng gọi gấp gáp:

     - Lâm, Lâm ơi!

     Có tiếng gọi từ phía dưới sông. Một con đò chở khoảng năm người qua sông. Một người đang vẫy tay về phía Lâm:

 - Lâm. Lâm ơi! Đợi ông đã…

 Lâm ngạc nhiên. Ông nội! Đúng là ông nội Lâm rồi. Lâm kéo cu Tuấn chạy xuống phía dưới cầu. Ở đó là một bến đò. Đò chưa cập bến, ông đã hối hả nhảy xuống, lội nước vào bờ. Giọng ông dồn dập, lo lắng:

- Lâm! Sao cháu lại ở đây?

Lâm ào tới ồm chầm lấy ông. Ông mất đã ba tháng nay. Lúc còn sống, ông quý Lâm lắm. Cứ tối tối, Lâm lại trèo lên giường bắt ông kể chuyện cổ tích cho nghe. Giờ đây gặp lại ông, Lâm mừng quá, nước mắt trào ra, chảy dài trên má. Ông gỡ tay Lâm ra, dắt Lâm và Tuấn lên đầu cầu ngồi. Hai người lính vẫn đứng đợi Lâm:

- Sang cầu đi cậu, muộn rồi!

- Phiền hai bác cứ sang trước. Tôi nói chuyện với cháu tôi một chút rồi để nó qua. Các bác biết tôi cũng đang bận mà…

Ông nói và nhìn thẳng vào hai người lính, ánh mắt và giọng nói đầy uy nghiêm khiến họ không dám nói gì nữa, lùi lũi bước qua cầu. Lâm kể cho ông nghe vì sao mình lại ở đây. Cu Tuấn lúc này mới kéo nhẹ tay Lâm:

-         Anh Lâm ơi, mình đi xem đám cưới tiếp đi!

Ông trừng mắt nhìn cu Tuấn:

-         Cháu hư lắm, cháu có biết không?

Cu Tuấn nép sát vào Lâm. Giọng nói run run:

-         Ông đừng doạ cháu. Ông chết rồi mà…

-         Ừ. Ông chết rồi, nhưng cháu cũng chết rồi.

Cu Tuấn oà lên khóc:

-         Không phải, cháu chưa chết.

Ông bế cu Tuấn lên ôm vào lòng:

- Cháu đừng khóc nữa. Nín đi...

Cu Tuấn dần nín khóc. Ông nhẹ nhàng:

- Cháu có biết hôm nay cháu mắc những lỗi gì không?

Cu Tuấn im lặng một lát rồi đáp nho nhỏ:

- Thưa ông, cháu có lỗi trốn học đi tắm sông ạ.

- Ừ! Cháu còn có lỗi nữa là ham chơi. Không nghe lời anh Lâm!

- Thưa ông. Cháu biết lỗi rồi ạ.

- Ừ. Biết lỗi thế là tốt. May mà ông đến kịp, chứ các cháu mà bước qua cầu rồi thì ông chẳng thể làm gì được... Các cháu chẳng bao giờ trở về được nữa.

Có tiếng người gọi ông ở phía bờ sông. Ông quay lại trả lời họ:

- Các bác cứ đi trước. Tôi có việc cần phải giải quyết...

Lúc này Lâm mới có dịp hỏi ông những thắc mắc của mình:

- Ông ơi sao ông không đi qua cầu mà lại qua đò?

- Cầu này có tên là cầu Sinh tử, cháu ạ. Ai đã bước chân qua cây cầu này là đã đoạn tuyệt với cuộc sống trần gian. Ông cũng đã từng đi qua cây cầu này. Bên kia dòng sông là âm phủ. Ở đó người chết sẽ bị phán xử. Nếu là người tốt thì sẽ được lên trời, được đầu thai. Còn kẻ xấu thì bị đày xuống mười tám tầng địa ngục, bị giam hãm, xiềng xích... Những người kia qua đò để lên cõi cực lạc...

- Thế đây là đâu hả ông?

- Đây là nơi trung gian của cõi âm và cõi dương. Các cháu có thể trở về nhưng không dễ đâu... Ông sẽ cố hết sức...

Ba ông cháu quay lại con đường mà Lâm và Tuấn đã đi. Cu Tuấn đi sát bên Lâm thì thầm:

- Anh Lâm ơi!Em đói!

Lâm lấy chiếc bánh dày ra đưa cho Tuấn. Ông nội nhìn thấy vội cầm lấy chiếc bánh. Giọng ông run run:

- Cháu đã ăn gì ở dưới này chưa?

- Thưa ông, chưa ạ.

- May quá! - Ông thở phào nhẹ nhõm - Nếu cháu đã ăn thứ gì ở dưới này thì vĩnh viễn không về được nữa. Lát nữa, các cháu phải bỏ lại tất cả những gì đã lấy ở dưới này thì mới trở về được. Tuấn, cháu còn cầm thứ gì ở nhặt được ở dưới này không?

Tuấn thò tay vào túi quần móc ra một nắm pháo xịt. Ông mỉm cười xoa đầu Tuấn. Ba ông cháu rảo bước nhanh trên đường. Ông dặn Lâm:

- Lát nữa hai cháu phải tuyệt đối làm theo những gì ông bảo, nhớ chưa?

- Ông về với chúng cháu chứ ạ?

- Không được! Ông không thể nào về được nữa. Ông đã là người của cõi âm rồi. Về bảo với bố mẹ cháu là ông vẫn khoẻ, ông sống rất thoải mái, không phải lo gì cho ông.

Lúc này, ba ông cháu đã đến bên chiếc cổng gạch. Hai người lính canh vẫn đứng ở đó. Thấy ba ông cháu lại gần, họ giơ giáo ra chắn trước cổng. Ông dừng lại chắp tay chào:

- Chào các bác! Thưa các bác, các cháu tôi lỡ dại. Vì ham chơi nên lạc xuống đây, mong các bác thương tình cho các cháu về nhà với bố mẹ. Tôi đội ơn các bác nhiều lắm...

- Không được. Ông cũng biết quy định ở dưới này rồi. Đã xuống đây thì phải ở lại đây!

Người lính cao hơn đứng bên phải cổng cất giọng. Tiếng nói của hắn ta ồm ồm. Ông vẫn tiếp tục nhỏ nhẹ:

- Xin các bác nhón tay làm phúc, các cháu tôi còn trẻ người non dạ. Vả lại các cháu nó cũng chưa ăn gì, chẳng lấy gì ở cái cõi U Minh này cả. Theo đúng luật thì chúng nó vẫn được về mà.

- Ông đừng xin cho chúng nữa. Diêm Vương đã cho ông đầu thai sang kiếp khác, sao còn chưa mau đi đi.

Tên lính bên trái lớn giọng nạt nộ. Hắn ta bước tới bên ông nội Lâm xô mạnh. Lâm nhào tới níu hắn ta lại. Hắn ta hất mạnh tay. Một luồng gió thốc tới đẩy Lâm bắn ra xa. Lâm sợ hãi chưa biết phải làm sao thì ông đã nhảy tới đỡ Lâm rồi nhẹ nhàng đặt xuống. Lúc này, giọng ông trở nên lạnh lùng:

- Tôi đã xin mà các bác không tha, tôi đành phải vô phép.

Ông nhún nhẹ người một cái đã nhảy đến sát bên hai tên lính. Hai tên đồng loạt vung giáo đâm vào người ông. Ông nhẹ nhàng cúi người và hơi xoay một chút tránh được cả hai mũi giáo. Tay phải ông túm được đầu ngọn giáo của tên cao hơn giật mạnh, tên này ngã dúi dụi. Đồng thời, ông tung người lên cao, đạp mạnh vào tên gầy hơn. Chỉ nghe hự một tiếng, tên này đã ngã bịch xuống đất. Lúc này Lâm mới nhớ ra ông nội là võ sư nổi tiếng một thời. Cu Tuấn nhảy lên vỗ tay hoan hô:

- Ông ơi, ông dạy võ cho cháu với.

Đúng lúc này ông nội nhảy tới bên túm tay Lâm và Tuấn đẩy mạnh về phía cổng:

- Các cháu đi đi!

Lâm thấy như bị cuốn vào một cơn lốc xoáy hun hút. Lâm định túm lấy tay bé Tuấn mà không kịp, xung quanh trở nên tối mò. Lâm thấy mình cứ bay, bay mãi. Cuối cùng thì Lâm cũng nhìn thấy phía trước mặt có ánh sáng le lói. Ngay lập tức Lâm đã rơi vào vùng có ánh sáng chói loà. Lâm vội nhắm mắt lại. Một lát sau Lâm nghe có tiếng gọi khe khẽ. Tiếng gọi như ở xa lắm. Lâm cố mở mắt ra mà không mở nổi. Tiếng gọi vẫn tiếp tục, mỗi lúc một gần và rõ hơn:

- Lâm ơi, Lâm ơi.

Lâm cố mở mắt. Một vùng sáng loè nhoè trước mặt. Một khuôn mặt nhạt nhoà không nhìn rõ. Lâm nghe thấy tiếng ai reo:

- Ôi! Thằng Lâm tỉnh rồi. Mọi người ơi, thằng Lâm tỉnh rồi.

Lúc này Lâm mới nhìn rõ mẹ đang cúi sát xuống mặt mình. Hai tay mẹ vòng xuống ôm chặt Lâm. Nước mắt mẹ chảy xuống mặt Lâm nóng rực. Mẹ nức nở:

- Lâm ơi, Lâm ơi...

Lâm nhoẻn miệng cười để mẹ yên lòng:

- Mẹ! Con không sao đâu!

Vừa lúc đó có tiếng ồn áo ngoài sân. Có tiếng một người đàn bà không giấu nổi niềm vui:

- Các bác ơi! Thằng cu Tuấn nhà em tỉnh rồi. Tạ ơn trời đất. Em phải chạy ngay sang đây tạ ơn thằng bé Lâm. Lâm ơi, cả họ nhà cô đội ơn con.

Lâm nhìn ra phía cửa. Ngoài sân, những tia nắng cuối ngày yếu ớt xiên qua giàn thiên lí. Thấp thoáng sau những bóng người ồn ào, Lâm nhìn thấy khuôn mặt hiền từ của ông nội. Khuôn mặt ông sáng ngời hạnh phúc.

 

 

QUẢ VẢI KHÔ

 

          Vinh xoay người ngó chăm chăm vào quả vải khô nơi đầu giường. Tại sao cậu bé ấy lại tặng cho Vinh quả vải này mà không phải là thứ gì khác nhỉ? Cái bụng Vinh sôi lên ùng ục. Cũng đúng thôi. Tối nay Vinh đã có gì bỏ bụng đâu? Cả ngày rảo bước trên đường bán báo mà không có nổi mười nghìn. Vinh không cho phép mình ăn bữa tối. Lê chân về cái phòng trọ bé tí như bàn tay và đầy mùi ẩm móc, Vinh quăng người lên cái giường ọp ẹp sắp gãy định đánh một giấc. Thế mà chuyện ban chiều cứ lởn vởn trong đầu làm Vinh không tài nào ngủ được.

          Vinh đang đứng lơ ngơ trước cái cổng trường ấy chờ thằng Lâm thì lũ học sinh ùa ra. Vinh chẳng quan tâm lắm. Nó ngồi bệt xuống vỉa hè để đợi. Mãi rồi các cô bé, cậu bé cũng được bố mẹ đón gần hết, chỉ còn vài đứa lơ ngơ đứng đợi. Vinh chú ý đến một cậu bé đang chơi trò tung hứng quả vải khô vẻ thích thú lắm. Chợt quả vải lăn ra đường. Cậu bé chạy ngay theo mà không biết một chiếc xe đang lao đến. Chẳng kịp nghĩ nhiều, Vinh lao ra ôm cậu bé lao thẳng sang đường. Chỉ nghe tiếng gió sát sau lưng. Nếu chậm một giây có lẽ cả Vinh và chú bé đã bị chiếc xe cán nát...

           - Cậu không ngủ được à?

          Tiếng hỏi rõ ràng cất lên. Vinh giật mình nhỏm dậy ngó quanh. Chẳng có ai cả. Cái phòng trọ bé tí này chỉ có nó và thằng Lâm nhưng thằng Lâm chưa về. Nó cất giọng run run:

          - Ai đấy?

          - Tớ đây. Tớ là quả vải khô ấy mà.

          Lúc này Vinh mới để ý đến quả vải khô nơi đầu giường. Rõ ràng là nó đang phát sáng.

          - Sao... lại nói được?

          - Tớ không phải là quả vải thường. Cậu đừng sợ. Cậu cứ nằm xuống đi.

          Vinh nằm sát vào trong mép giường, nhưng nó chẳng hề có cảm giác sợ.

          - Tại sao cậu lại cứu bé Tú.

          Vinh im lặng. Vinh nhớ bé Dũng. Ngày mẹ đi xa, Vinh tám tuổi, còn bé Dũng sáu tuổi. Vinh không thể đem em theo bán báo. Hôm ấy trở về, cu Dũng đã không còn. Một chiếc xe đã đâm bé khi bé băng qua đường tìm anh. Chỉ còn lại Vinh đơn độc...

          - Hình như mình đã tưởng đó là bé Dũng.

          - Cậu thương bé Dũng lắm, đúng không?

          - Nó là người thân cuối cùng của mình mà.

          - Mình cũng thương bé Tú lắm.

          - Sao lại vậy? Cậu chỉ là một quả vải thôi mà!

          - Không chỉ vậy đâu. Mình là anh của bé Tú.

          - Mình không hiểu!

          - Mình là Tuấn. Mình mắc bệnh máu trắng từ nhỏ. Bố mẹ và cu Tú thương mình lắm nhưng chẳng thể làm gì được. Cu Tú bắt mình hứa là không được chết. Mình phải nói dối mình sẽ biến thành quả vải và đi theo cu Tú khắp nơi. Thế là cu cậu tin mình...

          - Sao lại là quả vải?

          - Vì mình thích ăn vải lắm. Hôm ấy cu Tú nhặt được một quả vải ở trường Mầm non. Nó nhất quyết đem về cho mình, ai xin cũng không cho. Hôm đấy cũng là ngày cuối cùng của mình. Từ đó, cu Tú luôn đem quả vải này theo. Nó qúy quả vải này hơn tất cả mọi thứ trên đời.

          - Vậy sao hôm nay cu Tú lại tặng nó cho mình?

          - Vì cậu đã cứu nó thoát chết. Và nó nghĩ cậu là mình...

          - Sao thế được? Mình chỉ là một thằng bé lang thang...

          - Cu Tú không cần biết nhiều thế đâu. Nó chỉ biết cậu đã cứu nó, thế là đủ!

          - Sao cậu biết được?

          - Vì mình đã từng là anh nó và mình muốn cậu cũng sẽ là anh nó.

          - Thế còn cậu?

          - Mình đã không là người của thế giới này, mình không thể làm gì cho bố mẹ và cu Tú nhưng cậu thì có thể... Mình chưa thể ra đi khi cu Tú còn nghĩ mình ở trong quả vải này. Hãy làm thay mình, Vinh nhé.

          .....

          - Vinh ơi! Vinh ơi... - Tiếng đập cửa thình thình làm Vinh bừng tỉnh. Thì ra là một giấc mơ. Quả vải khô nằm im lặng nơi đầu giương. Vinh lồm cồm bò dậy mở cửa.

          - Sao mày về muộn thế Lâm?

          - Có người đến tìm mày. - Thằng Lâm liến thoắng. Lúc này Vinh mới để ý đến người đàn bà đứng sau nó. Người đàn bà sững người nhìn Vinh. Gương mặt bà thật hiền nhưng cái nhìn có gì đó lạ lắm. Cái nhìn làm Vinh lùi lại. Người đàn bà tiến lên:

          - Tuấn! Đúng là con rồi...

          Người đàn bà ôm chầm lấy Vinh khóc nức lên. Vinh bối rối im lặng. Lâu lắm rồi mới có người ôm Vinh chặt thế. Một cảm giác thân thuộc gần gũi trào lên, giống như là mẹ ôm Vinh vậy. Tiếng thằng Lâm cất lên làm Vinh sực tỉnh:

          - Cô ơi, nó không phải là Tuấn. Nó là Vinh, cô ạ.

          Người đàn bà buông Vinh ra, ngó lại một lần nữa. Giọng bà đầy nghi ngờ:

          - Có thật không hả cháu?

          - Vâng! Nó là Vinh, bạn cháu mà. Không tin cô cứ hỏi nó.

          - Cháu là Vinh, còn cô là...

          - Cô là Lan, mẹ bé Tú.

          - Bé Tú thế nào rồi hả cô?

          - Bé Tú không sao rồi, cháu ạ. Nhưng nó cứ bắt cô đi tìm cháu.

          - Làm sao cô biết cháu ở đây?

          - Cô hỏi thăm mấy bác bán hàng cạnh cổng trường. Vừa may lúc đó cậu Lâm đi ngang qua. Họ chỉ cho cô là hai cháu sống với nhau nên cô theo Lâm về đây.

          Lúc này cái bụng Vinh lại sôi lên ùng ục. Lâm hỏi:

          - Mày chưa ăn gì à?

          Vinh chưa kịp nói gì thì người đàn bà đã cười:

          - Chết! cô đoảng quá. Cô mời hai cháu cùng cô đi ăn cơm. Mải tìm cháu đến giờ cô cũng đã ăn gì đâu.

          Nhìn hai đứa trẻ ăn uống ngon lành, bà Lan không cầm được nước nước mắt. Thằng Vinh giống Tuấn của bà đến kì lạ. Cũng tầm tuổi ấy, cũng vóc dáng ấy... Thế mà Tuấn của bà không còn nữa. Còn thằng bé này lại không có gia đình, bơ vơ giữa cuộc đời. Bây giờ thì bà không còn ngạc nhiên khi thằng Tú cứ khăng khăng là anh Tuấn đã cứu nó và đòi bà đi tìm anh Tuấn về cho nó.  Một cảm giác gần gũi, thân thiết làm bà muốn đón ngay cậu bé này về nhà trong đêm nay.

          Ăn tối xong, Lâm xin phép về trước. Còn Vinh ngồi lại với bà Lan. Bà hỏi nó đủ thứ chuyện. Vinh thật thà kể về mình, về những nhọc nhằn mà nó đã trải qua. Bà Lan ngồi nghe, thỉnh thoảng lại chấm nước mắt. Cuối cùng, bà Lan bảo:

          - Vinh này! Con về ở với cô đi. Cô rất qúy con. Bé Tú cũng vậy, nó bảo nó sẽ đợi cô đưa con về mới đi ngủ. Còn chú, cô tin rằng, khi gặp con, chú cũng sẽ rất quý con...

          Vinh ngồi im lặng. Nó nhớ tới những ngày đã qua. Nhớ bé Dũng, nhớ mẹ... Người đàn bà đang ngồi trước mặt thật hiền từ, thật giống mẹ. Nó rất muốn về với bà nhưng nó không thể quyết định ngay. Nó từ tồn:

          - Thưa cô, cô cho con suy nghĩ thêm ạ.

 

          Lúc Vinh về thì Lâm đã ngủ say. Nó leo lên giường mà trằn trọc mãi, không sao ngủ được. Mọi chuyện thật lạ. Nó chẳng phải quyết định sao nữa. Chợt giọng nói của Tuấn lại cất lên:

          - Vinh này! Cậu nên về sống với gia đình tớ!

          - Tại sao?

          - Vì mọi người rất cần cậu. Và cậu cũng cần có một gia đình.

          - Mọi người cần cậu chứ không cần tớ!

          - Nhưng tớ không thể trở về được. Vì tớ đã là người của thế giới khác. Mọi người sẽ quý cậu như đã qúy tớ. Hãy giúp tớ...Nếu cậu không về với gia đình tớ thì suốt đời này tớ sẽ là quả vài khô ở bên bé Tú.

          - Cậu không muốn ở bên bé Tú nữa à?

          - Tú cần có một người anh thật sự chứ không cần một quả vải khô như tớ. Cậu hứa sẽ giúp tớ chứ?

          Vinh ngồi im. Nó cảm thấy rất thương Tuấn. Từ trong bóng tối. Quả vải khô chợt sáng lên.

          - Giúp tớ với, Vinh nhé!

          Vinh gật đầu. Giờ đây Vinh thấy chẳng còn có lí do nào để từ chối Tuấn nữa.

          - Vinh này. Cậu có thể cầm tớ lên tay, được không?

          Vinh cầm quả vải lên. Quả vải sáng bừng trên tay Vinh. Trong quầng sáng ấy, Vinh nhìn thấy một khuôn mặt giống hệt mặt mình. Khuôn mặt ấy đang cười. Nụ cười đầy hạnh phúc.

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...