Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: “Ngọn đèn tình trên núi” – Ngô Tiến Mạnh

01-12-2011 02:35:48 PM

VanVN.Net – Ngô Tiến Mạnh sinh năm 1979, quê: Cao Xá – Lâm Thao – Phú Thọ, tốt nghiệp Lớp viết văn khóa I, trường Đại học văn hóa nghệ thuật quân đội. Hiện anh đang làm báo trong quân đội. Anh đã xuất bản tập truyện ngắn đầu tay: “Chuẩn úy thời @” năm 2010. VanVN.Net trân trọng giới thiệu tới bạn đọc chùm truyện ngắn của Ngô Tiến Mạnh…



Tác giả Ngô Tiến Mạnh

NGỌN ĐÈN TÌNH TRÊN NÚI

Đêm ở Thanh Sảu lặng đến rợn người. Sự yên lặng làm tôi sợ tiếng ngáy của Phiên sẽ tràn xuống thung lũng đánh thức cả vùng dậy.

Tôi lật nhẹ từng trang sách, những dòng chữ đều đều lập lòe theo ánh  đèn nhảy múa cùng những điều vớ vẩn mà từ chiều đến giờ Phiên và lão Cỏn đã nhồi nhét vào tôi.

Lão Cỏn, người đã sống gần trăm năm ở vùng Thanh Sảu cứ khăng khăng quả quyết rằng, ngôi nhà bỏ hoang mà chúng tôi đang nằm có ma thực sự, và trong vùng không ai dám lai vãng đến gần đó mỗi khi màn đêm buông xuống. Lão còn bảo, chính mắt lão nhìn thấy con ma lập lòe trong ánh đèn, và tai lão còn nghe cả những tiếng thì thầm trong ngôi nhà ấy vỏng ra. Có lần, trong khi đi uống rượu về muộn, trên đường lão gặp một cô gái. Lão gọi, lão hỏi, nhưng cô gái không nói gì mà cứ cúi gằm mặt về phía trước. Tức tiết, lão chạy trước đón mặt cô gái ấy. Rồi lão ngã ngửa khi thấy bàn chân cô ta đứng không chạm đất. Sợ quá, lão chạy cho tới khi mệt lử và không biết gì nữa. Hôm sau tỉnh dậy, lão thấy mình đang nằm dưới bậc cầu thang của ngôi nhà này. Từ ấy lão không dám đi đêm nữa. Còn Phiên, anh cứ nằng nặc đưa cho tôi lá bùa mà rằng.

- Cầm lấy. Đi rừng nhiều nên tao hiểu và tin những gì lão Cỏn nói.

- Ma á?. Ma chỉ là sự lặp lại hình ảnh vô thức của não bộ trong các hình ảnh mà nó đã chụp  thôi, chứ chết là hết tất. Tôi tưng tửng cười.

Cất lá bùa vào túi, Phiên nhìn tôi ái ngại. Còn lão Cỏn, sau khi đưa chúng tôi đến ngôi nhà này, lão chỉ nhâm nhi vài ly rồi về ngay khi mặt trời đang nằm vón cục đỏ hỏn trên đỉnh núi Tén.

Đồng hồ đã chỉ một giờ sáng. Trời bỗng trở gió. Gió và những âm thanh của  núi lùa từng cơn vào ngôi nhà lành lạnh. Tôi thiếp đi.

Ánh đèn vụt tắt. Bên ngoài trăng quyện sương thành màn mây đặc quánh lừ đừ đi vào phía tôi qua ô cửa ngách mà tôi mở ra để đón gió. Bỗng tôi chết sững khi thấy trong đám sương trăng huyền ảo ấy có một người đàn bà cùng vào. Tôi cố quẫy đạp để ngồi dậy nhưng toàn thân tê cứng không tài nào nhúc nhích nổi. Tôi gọi Phiên, nhưng Phiên chỉ nghiêng mặt sang nhoẻn miêng cười rồi lại quay mặt ngáy tiếp. Người đàn bà đừ đừ thản nhiên đến nằm bên cạnh tôi.

- Sao bây giờ mày mới đến?.

Tôi nhìn sang. Đó là một bà già. Tuy da mặt bà nhăn nhúm nhưng ánh mắt thì sáng quắc. Bà liếc nhìn tôi rồi thả ánh nhìn tinh quái lên mái nhà.

- Dạ! Chúng tôi là…

Chưa để tôi nói hết câu, bà già cười khanh khách.

- Mày đến không vì ngọn đèn gọi tình à?.

Tôi luống cuống. Người đàn bà cười khẩy.

- Thế mày muốn nghe chuyện trong ngôi nhà này hay muốn nhìn thấy ma trong ngôi nhà này?.

- Dạ! Tôi…

- Tham thế, muốn cả hai kia à?. Người kinh có khác, tham và vô lễ hơn người dao nhiều. Nhưng thôi được. Tao kể cho mày nghe chuyện của con ma ở trong ngôi nhà này đã nhé.

 

Bao nhiêu mùa trăng qua rồi, Khẻn không còn nhớ nổi nữa. Chỉ biết mỗi khi trăng nhu nhú khơi hắt lên từ phía hạ nguồn, bà lại châm đèn, buông màn rồi nhoẻn miệng cười chua chát. Tiếng cười lanh lảnh phát ra từ khuông miệng méo mó nhảy múa khắp thung lũng làm những đốm sáng lập lòe của những ánh đèn tình nhen nhén trên các sườn núi lưa thưa rồi lụi dần. Hết cười bà quay sang chửi. Tiếng chửi thầm sâu hơn lời nguyền rủa âm âm lạnh lẽo của bà xuyên qua màn sương hết ngày này sang ngày khác.

- Đúng là một bầy đĩ thõa. Tưởng thanh cao đến nhường nào, hóa ra…

Bà có nhiều bí mật để giữ và chẳng ai có thể biết những bí mật ấy ngoài bà. Bà giữ làm của cho riêng mình, dẫu những bí mật ấy làm bà đau đớn.

Có chuyện mà cứ đôi khi nghĩ đến, người bà lại bỏng như mặt chảo rực lửa khi đang áp thịt mỡ con lợn nái già. Nỗi sợ có ai đó nhìn thấy mình rình dập khiến bà đỏ bừng mặt. Ấy là chuyện vào mỗi mùa trăng, trên đỉnh núi Tén lại xuất hiện một người đàn ông khổng lồ và đầy ma lực. Người này bà thấy quen lắm, nhưng  bà không thể nhớ nổi vì đâu bà lại thấy quen. Ma lực của gã khiến nàng trăng trong trẻo, thanh sạch, thướt tha, phớt đời là thế  nhưng khi đi qua đỉnh núi ấy thì không thể cưỡng lại thân hình cuồn cuộn ấy dù chỉ một lần. Lúc ấy, ả ta vứt bỏ mọi thứ thanh cao mà đời đã ban tặng để lao vào gã và hiện nguyên hình là một con đĩ. Không đĩ ai lại đi nằm úp ngược đời quằn quại để nước thành dòng nhanh nhánh tràn xuống dòng Bứa ấy à. Bà chửi. Đôi khi, bà rút con dao quắm, nhào mình xuống dòng Bứa bơi hắt ngược lên đỉnh Tén  để xem sau cuộc làm tình ấy họ còn đi đâu nữa. Bà bỗng thấy căm thù gã đàn ông ma lực. Căm ghét con đàn bà giả mạo. Bà bơi mãi. Bơi từ khi còn là con bé dậy thì đến tận bây giờ mà vẫn không thể biết được người đàn ông đó là ai và họ đi về nơi đâu, bởi mỗi khi bà leo lên đỉnh núi Tén cũng là lúc trời sáng. Trước mặt bà, đỉnh Tén trải một màu xanh thanh khiết như chưa từng có cuộc tình nào mới đi qua đây đêm qua. Đỉnh Tén, nơi hấng ánh mặt trời sớm nhất của cả vùng Thanh Sảu. Bà đứng đó và khóc, nước mắt bà trộn vào thứ ánh sáng ấy lằn trên những giọt sương hắt ngược xuống dòng Bứa trong vắt nằm cuốn tròn lấy thân núi vẫn  êm đềm trôi xuôi. Bà lẫn thẫn quay về.  Ngọn đèn mỡ vẫn heo héo cháy mà cánh cửa chưa một lần cài then vẫn im phăng phắc. Không có ai đến cạy cửa ngủ thăm bà một lần nào nữa kể từ ngày ấy. Bà chém phập con dao vào thân chiếc phản đã nham nháp những vết chém chằng chịt chất lên nhau và lại òa khóc.

 

Năm mười ba tuổi. Khẻn như một bông hoa núi. Đôi mắt đen hơn hạt na ri và lúc nào cũng mở to cho hơi sương sáng bay vào, đôi môi như được ướp hoa đào nên khi nào cũng mơn mớn  đỏ thắm. Nụ cười buồn buồn  trên khuôn mặt bầu bĩnh trắng như cánh ban trái mùa càng làm Khẻn đẹp hơn. Thằng đàn ông nào nhìn thấy dáng người thon thắt của Khẻn, hay chỉ cần đứng từ đằng xa nghe tiếng cười trong vắt từ Khẻn phả ra là đã ngây ngây như bị ma bắt vía.

Bông hoa tuy mới nở nhu nhú, nhưng hương sắc của nó tỏa vượt qua vùng Thanh Sảu để lan đi khắp nơi. Đứa con trai nào trong vùng đến tuổi cặp kè cũng thèm khát muốn được ngủ thăm (1), ngủ thật trong ngôi nhà ấy, thậm trí những thằng đàn ông dù đã có vợ cũng thấy rạo rực khi gặp Khẻn. Nhưng kết thúc của những khao khát là bước chân chạy vội khỏi tiếng dao ớn lạnh mà Khẻn cạo khồn khột, nhưng nhức lên ống nứa. Có những hôm tức quá, Khẻn tắt đèn từ sớm. Tắt đèn nhưng Khẻn có ngủ được đâu. Khẻn  thèm gì, thích gì, mơ gì không rõ. Chỉ biết những thằng con trai đến với Khẻn chỉ làm má Khẻn nguội đi. Nhiều đứa buông tiếng ác.

- Ây da! Con Khẻn là một con ma sống trong ngôi nhà ma đấy. Không lấy nó làm vợ được đâu.

Cứ thế, bước chân cứ thưa dần, thưa dần trong tiếng kèn lá xào xạo gõ vào ngôi nhà lành lạnh.

Với Khẻn, ngôi nhà ấy đã lạnh từ năm Khẻn lên mười tuổi.

Một hôm, không biết, trời uất ức gì mà đang nắng chang chang bỗng tối sầm lại để  rồi xối nước hối hả xuống mặt đất.

Đặt địu bắp xuống chân bậc nhà, Khẻn nghĩ, giờ này, chắc A tia vẫn đang uống rượu mừng lễ cúng buộm (2) bên bản Cón chưa về, còn A ma có lẽ  vẫn đang cùng dân bản vác đá thuê cho những người dưới xuôi lên xây trường học. Vừa nghĩ, Khẻn vừa cởi chiếc áo ướt sũng nước ra vắt. Khẻn   thấy da mặt căng lên bỏng rát khi ngắm bầu ngực mình đang nhô hắt vênh vểnh ra phía trước. Ôm chiếc áo mới vắt che lên bờ ngực, Khẻn líu lo bước  chân sáo lên từng nhịp cầu thang. Bỗng Khẻn khựng lại nép vào cánh cửa khép hờ.

- Cho anh thêm lần nữa đi, nào?.

- Thôi!. Tham quá cán bộ à!. Trời mưa to thế này lão Phẩn về sớm thì chết.

- Thằng Phẩn nó say rồi. Anh đã bố trí cho đàn em của anh bên đó. Nó  không về được đâu.

Sau những lời nói ấy là lạo xạo tiếng thì thào, tiếng cót két, rên rỉ,  Khẻn nghe không rõ. Buông nhẹ chiếc áo, Khẻn nhón chân luồn theo men hiên nhà đi về phía phát ra những tiếng là lạ ấy. Qua khe nứa, Khẻn thấy nửa người đàn ông lạ. Lão Tú.  Đích thị là lão Tú, người đã kết nghĩa anh em với A tia Phẩn rồi. Sao lão lại ở đây lúc này?. Sao trên người lão lại không có một mảnh áo che thân?. Lão đang làm gì mà nhấp nha, nhấp nhổm trên tấm phản gỗ?. Đó là giường ngủ của A ma, A tia cơ mà. Khẻn định nhô lên cao hơn để nhìn thì tim Khẻn như nghẹn đập, đôi chân khuỵu xuống, nước mắt thành dòng khi thấy A ma nhắm nghiền mắt, đôi môi cắn chặt vào nhau, người trần truồng đỏ lửng hừng hực leo lên thân hình lão Tú mà uốn éo. Khẻn định thét lên, nhưng đôi chân vô định đưa Khẻn về nơi gài dao nằm ở cuối hiên nhà . Trong lúc nhón người với con dao,  mọi hình ảnh làm cho Khẻn chới với và ngã từ trên hiên xuống đất.

Sau tiếng động mạnh, lão Tú ôm quần áo lăn lông lốc từ trên chín bậc cầu thang xuống đất rồi nhổm dậy chạy thục mạng về phía ngôi trường đang xây dựng.

- Khẻn! Khẻn ơi! C..o..n…ơi!.

Khẻn vùng dậy, lao vào màn mưa giăng trắng xóa phía dòng Bứa, bỏ lại tiếng khàn gọi nức nở của A ma hoang hoải chạy dọc ngang thung lũng tìm mình.

Sông Bứa mùa này nước cạn. Khẻn lao ra giữa dòng mà nước dâng chưa  vượt tầm ngực. Khẻn đằm mình xuống đáy, chỉ có những hòn đá cuội khổng lồ nằm trơ lơ. Không!. A ma của Khẻn không phải là con người như thế. Không!.Không! Kh…ô..ng….!.

 Cái lắc mạnh giữa nhôn nhổn đá cuội khiến Khẻn thấy mình bồng bềnh trôi lạc vào  một nơi nào đó rất xa lạ. Trên vùng xa lạ ấy, Khẻn bắt gặp những người đàn bà không mặc quần áo, người nào cũng ôm trên tay một đứa con đỏ hỏn,  ngẩng mặt lên trời cười ha hả. Khẻn chạy ngược chiều với họ. Chạy mãi, chạy mãi lên đến một đỉnh núi được bao bọc bởi mây trắng bồng bềnh thì Khẻn dừng lại. Có tiếng khóc từ đằng xa vỏng vào tê tái. Khẻn đi về phía tiếng khóc ấy. Bất chợt, chân Khẻn nhíu lại khi thấy một người đàn bà khỏa thân ôm đứa trẻ đang đứng trên mỏm đá nhìn về phía vực thẳm. Khẻn chưa kịp cất tiếng gọi thì người đàn bà quay lại phía mình.

- A ma…

Sau tiếng gọi ấy, trước mắt Khẻn, A ma ôm đứa con ngả người đổ xuống vực, để lại tiếng gọi thảng thốt.

- Về đi Khẻn ơi! Về đi!..

- A ma ơi!.

Khẻn lao theo và thấy mình gặp một dòng nước.

- A ma ơi!. Khẻn vùng dậy chạy về ngôi nhà của mình.

- A ma ơi!.

Khẻn lao qua đám người trong bản đang đứng trật cứng trong ngôi nhà của mình. Thầy Pó đang làm phép. Trên tấm phản, A ma quắt queo như chiếc lá bắp khô, máu trên miệng cứ rỉ ra.

- A ma ơi!. Đừng chết A ma ơi!.

Bàn tay A ma ấm dần lên trong bàn tay Khẻn. A ma hé mở đôi mi cho nước mắt chảy ra. Đôi môi A ma mấp máy như định nói gì với Khẻn, nhưng không thể nói được. A tia Phẩn đến bên Khẻn.

- Không sao rồi Khẻn à!. Thầy Pó đã đuổi được con ma ấy đi rồi. A ma sẽ khỏe lại thôi.

- A tia ơi!.

 

Thanh Sảu đang giữa mùa hoa ban. Những triền ban trắng ngút tầm mắt rập rờn theo gió tựa như dòng sông hoa nhìn thật thích mắt.

Bàn tay Khẻn thoăn thoắt ngắt những trái bắp chín cho vào địu. Khi chiếc địu đã đầy bắp chín, Khẻn không quên tẻ mấy nhành ban mang về làm đồ chơi cho thằng Pịa. Thằng Pịa thích hoa, chẳng thế mà chỉ sinh được hơn một tháng đã biết thích. Khẻn phát hiện ra điều đó, bởi đêm nào thằng Pịa cũng khóc. A ma, A tia và cả thầy Pó cũng không làm nó nín. Khi khóc, nó cứ nguôi nguổi đầu về phía phản của Khẻn. Trên đầu phản của Khẻn lúc nào cũng có những nhành ban. Một hôm, thấy nó khóc quá, Khẻn cũng dậy để dỗ nó. Lạ quá. Vừa nhìn thấy Khẻn nó đã im bặt và mở miệng cười. Thấy lạ, Khẻn ngắm nghía khắp người mà không thấy gì khác lạ. Đây đâu phải là lần đầu tiên nó trông thấy Khẻn. Bỗng nó khóc thét lên và nguôi nguổi chúi đầu xuống đất. Khẻn nhìn xuống. Thì ra có một cánh hoa ban vướng vào đầu Khẻn vừa rơi xuống đất. Như hiểu ý thằng Pịa. Khẻn nhặt cánh hoa lên. Thằng Pịa ngưng khóc và bắt đầu cười. Từ đó, hoa ban là thứ đồ chơi thằng Pịa ưa thích nhất.

Thằng Pịa lớn nhanh như  trái bắp. Nó càng lớn nhanh bao nhiêu thì A ma và A tia càng héo đi bấy nhiêu.

Trước kia, A tia hay thổi sáo, nhưng từ ngày A ma sinh thằng Pịa thì A tia không còn thổi sáo nữa. A tia uống rượu từ ngày này sang ngày khác không biết say. Thương A tia, mấy lần Khẻn nướng bắp cho A tia uống rượu, nhưng A tia chỉ nhìn xa về phía thung lũng mặc cho nước mắt cứ đừ đừ tứa ra. Thấy A tia khóc, Khẻn cũng khóc theo.

- Khẻn à! Mày khóc nó xấu đi sau này không có đứa nào đến ngủ thăm đâu.

Khẻn khóc to hơn. Có lẽ A tia đã biết chuyện của A ma với lão Tú nên mới buồn như vậy. Mà có lẽ cũng  không phải thế. Bởi cho đến bây giờ, A tia vẫn rất thương A ma, thương thằng Pịa lắm cơ mà.

- Khẻn à!. Nếu tao trở thành con ma rồi, mày phải biết thương A ma, thương thằng Pịa nhiều nhé.

- A tia…

- A ma mày khổ nhiều rồi, mày hứa nhé!. Tao biết tao không còn được là người lâu nữa đâu. Sau này khi mày lớn lên, khi lũ con trai đến ngủ thăm, mày phải cẩn thận nghe chưa.

Đêm buông xuống thật nhanh. Trong ngôi nhà ấy có hai tiếng khóc trộn vào nhau khầng khậc nhả xuống thung lũng nhoi nhói.

 

 

Năm mười bốn tuổi, Phẩn đã biết yêu. Phẩn yêu say đắm một đứa con gái ở bản Khọ. Yêu đấy, nhưng dù đã bao lần Kện thổi tắt ngọn đèn mỗi khi Phẩn đến ngủ thăm mà Kện không thể có mang được. Càng thế, Phẩn yêu càng say hơn.

- Mày về đi Phẩn à! Tao không đẻ con cho mày được đâu. Nhà mày khát con lắm. Không được đâu!.

- Tao không về đâu. Sống, tao sống cùng mày. Chết, tao cũng chết cùng mày thôi.

Sau câu nói ấy,  họ ôm lấy nhau, Kện thổi tắt đèn nhưng hai đứa không ngủ  trong nhà mà đi ra dòng Bứa. Phẩn lấy sáo thổi cho Kện  nghe bài hát mà người yêu thích nhất. Tiếng sáo làm mây trôi dạt và biến mất. Ánh trăng vằng vặc thả xuống. Hết bài hát, Phẩn buông sáo và quay sang Kện. Họ cởi  áo, váy cho nhau. Nắm lá độc ướt sũng nước mắt.

Trong khi cả hai định đưa nắm lá độc lên miệng thì bỗng nhiên ánh trăng vụt tắt. Trời đen như thân cây mun thối. Gió gầm gừ thổi thốc từ khắp nơi trên thung lũng trườn sóng lênh láng xuống dòng Bứa. Dòng Bứa bỗng rộng ra thăm thẳm, sương khói mịt mùng buông. Từ dưới đáy sông vỏng vọng lên tiếng hô hoán, tiếng kêu cứu, tiếng trẻ con gào khóc thảm thiết. Cả lòng sông sôi ùng ục, nước trào lên ngược núi.

- Mày về đi Phẩn ơi!. Mình tao chết thôi. Tao không đẻ được. Tao là con ma rồi.

- K…

 

Phẩn chưa kịp nói gì thì dòng Bứa cạn khô. Trăng lại vằng vặc trải  xuống. Dòng sông chỉ nhấp nhuếnh một màu vàng của trăng . Chưa kịp định thần vì nước sông biến đi đâu mất, thì trời ơi, một cột nước cao lừng lững tới ngàn sải, đen như tiết chó chết yểu, lắc lư, ngúng nguổi đang há miệng đổ xuống. Tiếng người la hét chen lẫn tiếng chim lợn, tiếng chó, tiếng mèo...từ khắp nơi trong thung lũng tru lên thảm lợm. Chưa biết điều gì xảy ra thì gió đột ngột tạnh. Ngước nhìn lại. Chẳng có cột nước nào cả. Dòng sông vẫn em ả trôi dưới trăng bàng bạc. Trên mặt sông. Một người con gái mặc áo trắng toát. Trên tay dâng một đứa bé. Chân lướt nhẹ trên mặt sông sương giăng trắng xoá. Gió vỏng vào tiếng hát Páo dung (3) trong vắt.

A ma không sinh mày

A tia  không  bắt mày

Mày là con của núi

Mày là ma giữ nhà

 

Cùng lúc tiếng hát dứt thì người con gái biến mất vào lòng nước. Gió như ma thổi đưa Phẩn và Kện về nhà.

Mấy ngày sau, Kện thấy mình có mang.

Ở lễ cúng buộm tại nhà Kện năm ấy, Phẩn là đứa đứng lên nhận lễ. Những đứa đã từng tới ngủ thăm nhà Kện cứ tròn mắt, tiếc ngẩn ngơ đứa con gái mặn mà, đẹp nhất bản Khọn đã chọn người ngủ chung.

Từ ngày Kện sinh Khẻn, Phẩn như con ngựa núi. Nhà Kện ai cũng mừng vì bắt được thằng rể như Phẩn. Thế nhưng, cũng từ ngày ấy Kện không sinh cho Phẩn được đứa con nào nữa. Biết mình có bệnh, Phẩn càng yêu thương Kện nhiều hơn.

- Không!. Không phải như thế chứ A tia?. Nghĩa là A tia đã biết tất cả phải không?.

Phẩn không nói gì. Một tay ôm lấy Khẻn, một tay đưa chai rượu ngẩng cổ lên tu cạn đáy.

- A ma không có tội Khẻn à!. Mày là con gái, lớn lên rồi mày sẽ hiểu.

Thì ra A tia đã biết tất cả. Khẻn đã phải uống lá quên để không nhớ lại những gì đã nhìn thấy mà không quên được. Nhưng Khẻn cũng không thể nói ra được. Khẻn thương A ma. Từ ngày A ma ăn lá độc, tuy không chết nhưng A ma cũng không thể nói được nữa. Mỗi khi Khẻn đến bên, A ma chỉ khóc. Ánh mắt A ma như lời cầu xin. Khẻn ôm A ma khóc đã bao mùa trăng rồi.

 

Khẻn đã thành một thiếu nữ, nhưng những thằng con trai trong vùng không dám đến nhà Khẻn, vì ánh đèn tình chưa một lần được thắp lên.

Một buổi sáng đi tỉa bắp. Khi lên đến ruộng thì Khẻn quăng địu chạy về nhà. Những ngọn bắp qua một đêm đều héo khô, ngọn gục xuống báo hiệu một điềm giữ.

Về đến nhà, Khẻn thấy máu từ trên miệng A tia ồng ộc chảy ra chiếc phản. A tia đang chìa bàn tay chới với giữa vũng máu như chỉ đợi Khẻn về để đi. Thằng Pịa khóc thét lên, trong khi A ma nằm phủ tóc xuống đất.

- Khẻn à!. Mày phải thắp đèn tình. Mày phải lấy chồng thôi. Tao chưa muốn về Dương Châu, tao muốn nhìn mày lấy chồng. Bao giờ lấy được chồng thì mày làm ma khô (4) cho tao. Lúc ấy tao mới về Dương Châu được.

- A tia ơi!.

- Mày phải thương A ma, thương thằng Pịa nhiều vào nhé. Nếu sau này có ai đến tìm thì hãy hỏi nó. Nó muốn đi thì cho nó đi. Đất Thanh Sảu không giữ được chân nó đâu. Còn nếu nó ở lại, khi lấy chồng rồi thì làm lễ Tu Cải(5)  cho nó.

- V…â…ng! A tia ơi!.

Bàn tay A tia lạnh dần, nhưng đôi mắt thì vẫn mở trừng trừng nhìn vào thằng Pịa đang khóc.

Từ ngày A tia chết, A ma càng héo hơn và thằng Pịa cũng đùng đùng lăn ra ốm.

- Khẻn à!. Nhà mày sắp bị ma bắt hết rồi. Tao không cứu được đâu. Mày cũng thế, mày không phải là người, mày không cứu được đâu.

-  Thầy Pó ơi!. Con lạy thầy! Con xin thầy hãy đuổi con ma cho A ma, cho thằng Pịa đi.

Thầy Pó không nói gì, lập cập đứng dậy ôm theo đồ thần ra về. Khẻn đến bên A ma khóc nức lên.

A ma nằm đó, đôi mắt đẹp ngày nào giờ nhỏ như hạt đỗ chẽn nằm sâu hoăm hoắm dưới hốc xương. Những vết ma cắn nham nhở vàng nhậy nước cứ há miệng mưng lên, tỏe ra thối lan ra cả bản. Bên cạnh, thằng Pịa cũng xọp đi và vết ma cắn cũng đang nhầy nhậy đùn lên.

Thế rồi A ma và thằng Pịa cũng lần lượt bị ma bắt đi. Lúc chết, A ma còn kịp chỉ cho Khẻn nhón tiền dưới tấm phản. Hiểu được ý của A ma, Khẻn mang nhón tiền ra đốt. Trong ánh lửa lập lòe, Khẻn thấy đôi mắt xanh len lét của lão Tú nhảy múa trong đó. Khẻn lấy nước đái của thằng Pịa dội lên đó. Ánh mắt lão Tú biến mất. A ma đăm đắm nhìn Khẻn như biết ơn, rồi lặng lẽ ra đi.

 

Những cái chết liên tiếp trong ngôi nhà Khẻn theo gió chạy đi khắp Thanh Sảu. Ngôi nhà của Khẻn được người ta gọi là ngôi nhà ma. Ai ăn cơm, và ngủ thật trong ngôi nhà ấy đều bị ma bắt. Chẳng thế mà lão Tú cũng lăn đùng ra chết cháy giữa lúc trời mưa trong bữa cơm mừng trường mới ấy thôi. Thầy Pó và người dân trong vùng bỗng sợ cái sự sống mơn mởn đến lạ kỳ của Khẻn trong ngôi nhà ấy.

Đúng là Khẻn càng ngày càng đẹp căng mãi ra. Tiếng đồn là thế, nhưng trước vẻ đẹp của Khẻn bao thằng con trai trong vùng đã bỏ qua tất cả để đến ngôi nhà ma mong ngủ thăm với Khẻn.

Nhớ lời A tia, Khẻn thắp đèn tình vào mỗi đêm. Khẻn cũng muốn lấy chồng để thực hiện ước nguyện của A tia, nhưng mãi không được.

Thằng con trai nào tìm đến Khẻn cũng thấy nó có đôi mắt giống lão Tú. Bao lần Khẻn đã cố gạt bỏ nhưng không biết vì nhìn thấy gì trong đôi mắt Khẻn mà đứa nào đến cũng chạy mất khi Khẻn đã chuẩn bị thổi đèn tình.

Mùa nối mùa đi qua, Khẻn như bóng ma trong ngôi nhà ấy. Ánh đèn tình vẫn thắp gọi, nhưng những bước chân tìm đến cứ thưa dần.

Ngóng đợi trong nước mắt, Khẻn chỉ biết thả lòng vào trăng. Thả lời hứa của A tia vào trăng. Và một ngày kia, Khẻn phát hiện ra điều đó. Nhưng giờ lưng Khẻn đã như đít chảo đặt lay lắt bên tảng đá. Thế nên vào mỗi mùa trăng, Khẻn chỉ biết chửi. Chửi xong lại khóc. Chẳng ai biết Khẻn khóc vì A ma, A tia, thằng Pịa, hay khóc vì những giọt sương thanh khiết trên đỉnh núi Tén trong mỗi sáng bình minh sau khi đã ngược ngút ngàn thăm thẳm. Chỉ biết trăng mỗi ngày một sáng và to hơn khi đi qua ngôi nhà ấy.

Trăng lên Khẻn lại thắp đèn tình. Ngọn đèn tình trong ngôi nhà ấy chưa bao giờ tắt.

Người đàn bà chỉ tay sang chỗ ngọn đèn.

- Mày nhìn thấy chưa?. Ngọn đèn tình trong ngôi nhà này chưa bao giờ tắt.

        Tôi choàng tỉnh. Khắp người ướt sũng mồ hôi. Phiên đang ngồi bên bếp lửa. Bên ngoài, trời đã sáng.  Có lẽ, tôi sẽ kể cho Phiên nghe về giấc mơ kỳ lạ đêm qua.

         Bên cạnh tôi, ngọn đèn vẫn nhen nhén cháy lên./.

--------------------------------------------------

(1) Ngủ thăm -  Một phong tục của người Dao. Nam, nữ đến tuổi yêu đương có thể đến ngủ thăm nhà nhau. Ngủ thăm để biết chắc chắn hai người lấy nhau sẽ sinh con đẻ cái. Vì thế, giường các cô gái lớn chưa chồng thường kê ở cuối nhà cạnh cửa ngách để đêm đêm con trai tiện cạy cửa vào ngủ thăm. Nếu cô gái bằng lòng thì anh con trai có thể ngủ liền hai ba tháng cho đến khi cô gái có mang. Nếu cô gái không bằng lòng mà anh con trai định cưỡng bức thì có thể bị chém chết. Do tục này mà đầu giường các cô gái luôn để sẵn con dao sắc.

(2) Cúng buộm- Khi cô gái có mang, già làng cho gọi tất cả những anh đã từng ngủ thăm với cô gái đến. Mỗi anh mang theo một con gà nhỏ và chai rượu để làm lễ cúng buộm. Riêng anh chàng ngủ với cô gái có mang phải mang lễ đến bằng một con lợn ba bốn chục cân, một chai rượu và một tập giấy bản làm tiền âm. Cúng buộm xong, so tuổi nếu không lấy được nhau thì đứa trẻ sinh ra được cúng làm ma nhà vãi (ông bà vãi). Nó làm con ông bà vãi, gọi người đẻ ra mình là chị. Cô gái đã biết sinh đẻ càng dễ lấy chồng hơn những cô gái tơ. Đó là vì đồng bào quý người. Con đẻ, con nuôi, con cùng dòng máu hoặc khác dòng máu (do vợ ngoại tình) người ta đều quý như nhau. Ngoại tình nếu bị bắt thì nộp lễ cúng buộm xong là thoát tội.

(3) Hát Páo dung – Đây là một làn điệu chủ yếu của người Dao.Hát Páo dung có nhiều thể loại như hát giao duyên, hát răn dạy, hát uống rượu, hát tiễn đưa. Hát giao duyên là để trai gái tìm hiểu nhau.

(4) Làm ma khô – Trước đây, đồng bào Dao thường tồn tại kiểu làm ma khô cho người chết. Nghĩa là, Lễ làm chay cho người chết diễn ra sau nhiều năm, thường được kết hợp với lễ cấp sắc cho một người đàn ông nào đó đang sống trong gia đình.

(5)  Lễ Tu cải - Lễ "Tu Cải" (còn gọi là lễ cấp sắc).Trong đời sống tín ngưỡng của người Dao, chưa làm Lễ "Tu Cải" dù người đàn ông có thể có vợ, có con thậm chí có cháu vẫn chưa phải là con người thực thụ. Chưa qua "Tu Cải" cũng đồng nghĩa với việc chưa có linh hồn, người đàn ông có chết cũng không được làm ma, không được cộng đồng thừa nhận với tư cách một cá nhân độc lập. Vì thế, Lễ "Tu Cải" cũng được hiểu như sự sinh thành lần thứ 2 của một người đàn ông.

 

NẺO VỀ

1

Chẳng biết, có ai còn nhớ tới làng Bồi và trận lũ kinh hoàng năm ấy nữa không? Kệ. Tôi cứ kể. Tôi kể lại chuyện này cho những người còn sống và cho cả những linh hồn con người làng Bồi còn đang vất vưởng, lưu lạc đâu đó, hay ít ra thì cũng để cho người đời biết rằng, trên lòng sông này đã từng có một ngôi làng. Làng Bồi. Và vẫn còn có những đứa con như tôi. Những đứa con lưu lạc và bất hạnh khi làng không còn nữa.

 Tôi sinh ra ở làng Bồi. Làng Bồi có tự bao giờ? Tôi chẳng biết. Làng Bồi giờ ở nơi đâu? Tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết khi tôi cùi cũi đội mưa, cưa gió trở về sau buổi học trên phố huyện vào cái chiều giông gió ấy thì làng tôi biến mất. Tất cả còn lại chỉ là màn mưa giăng giăng trắng xoá, bay là là trên dòng nước cuộn cuộn đỏ tịm. Người ta bảo vào cái chiều ấy, lũ lớn trên thượng nguồn đổ về. Sông đổi dòng. Làng tôi thụt cả xuống đáy sông. Tôi bảo làng mất thì phải còn người, chứ làm sao  mà mất tất được. Người ta lại bảo. Mất. Mất tất rồi. Không tin thì đi mà tìm.

Đi tìm. Tôi đã đi tìm. Đi dọc men theo con sông mà tìm. Đi từ lưng lửng  thượng nguồn, nơi biết đích xác là làng mình đã từng ở đó cho tới khi gặp con nước mênh mông đạp ngược dòng chảy thì tôi quay lại. Quay lại  vì biết đâu trong làn sương nhờ nhợ phủ lên mặt sông trong những ngày đông giá đã khiến tôi không nhìn rõ làng mình mà đi qua mất. Tôi thất thểu quay lại.Tôi muốn tìm kĩ lại một lần nữa. Chỉ có người bỏ làng, chứ làng nào lại bỏ người mà đi. Bởi ngày tôi chưa mất mẹ, chưa mất làng. Tôi thường hỏi mẹ về câu chửi của lão Chỉn với con của lão. Lão thường chửi con lão là đồ bỏ làng. Tại sao lại chửi là đồ bỏ làng, thì mẹ tôi bảo. Bỏ làng là một tội lớn. Con người ta bôn ba, ra đi đây đó vì làng, chứ chẳng ai bỏ làng mà đi. Hay cho đến cùng thì sau những tháng ngày lưu lạc, tha phương, rốt cuộc rồi thể xác hay tâm hồn con người ta cũng tự tìm về nơi mình đã sinh ra. Sợi dây ấy chẳng bao giờ đứt được. Đất này ai cũng có cái làng của mình cả. Kẻ bỏ làng chẳng bao giờ có được một kết cục tốt đẹp. 

2

Quay lại là năm tôi đã mười bảy tuổi. Rồi tôi gặp lại người đàn bà năm nào ở trên cái ngã ba sông. Người đã cho tôi tới tận hơn năm ngàn đồng để trả công cho việc tôi đã mua giúp bà ba ngàn đồng tiền dồi lợn và ngàn tư tiền quả chứng vịt cho con chó béc của bà. Và lại là những câu hỏi cũ.

- Cưng đi đâu?.

- Tôi đi tìm làng.

- Làng gì?

- Làng Bồi?.

- Làng Bồi ở đâu?.

- Tôi không biết.

- Ô hố..hố.. Không biết thì lên đây, chị chỉ cho.

Không biết vì sao lúc ấy tôi lại nhảy tót lên con tàu của bà mà đi. Vì đói? Chắc không phải như thế. Bởi dọc theo con sông thì có biết đến bao nhiêu thứ mà tôi có thể cho vào bụng được. Trái ngô non, củ khoai lang  sống, dân làng tôi đã quen ăn như thế vào mùa nước lũ. Chúng tôi vẫn sống, vẫn lớn lên khoẻ mạnh và sạch sẽ. Có lẽ vì tôi muốn được đi ở giữa dòng, và chắc chắn đi ở giữa dòng, tôi sẽ nhìn kĩ hơn làng mình trong làn nước đỏ ngàu ấy.

Tàu của bà không rộng nhưng cũng không đến nỗi hẹp. Mái được lợp bằng tôn. Màu sơn đỏ, loại sơn chống gỉ đã phai. Nó lờ lợ màu nước. Trên tàu không có ai ngoài bà và một con chó béc khổng lồ. Nó to bằng con bê con nhà tôi trước đây. Bà gọi tên nó như tên người. Nó tên là Khát.

Khi tôi lên tàu. Con Khát không sủa và gằm gừ tôi như những con chó khác khi gặp người lạ. Nó nằm trên chiếc chõng tre, chiếc giường duy nhất trên tàu và mở mắt thao láo nhìn tôi không chớp.

Đến tối. Tàu của bà neo vào một bãi sông nhỏ. Sau khi cơm nước xong. Tôi và bà cùng con Khát ngồi trên mui tàu. Trăng suông chảy xuống mặt sông buồn rười rượi.

- Em tên gì?.

- Dạ. Cháu tên là Mẫn.

Nhìn vào tôi bà không để cho tôi hỏi mà nói luôn.

- Chị là Liễu. Gọi là chị thôi. Chị vẫn chưa lấy chồng mà. Hớ hớ.

Tôi không nói gì, mà chỉ nhìn xoáy vào con nước. Người đàn bà nhìn tôi từ mặt đến chân.

 - Em bao nhiêu tuổi ?.

- Dạ. Mười bảy tuổi ạ.

- Mười bảy hả. Bằng tuổi anh Khát đấy.

Nói xong bà ôm đầu con chó xoa xoa, mặc kệ cho nó thè lưỡi liếm lên khuôn mặt to bệch của bà. Tôi không hỏi tuổi của bà. Áng chừng bà cũng ở tuổi mẹ của tôi. Bà lùn, béo và trắng chứ không dong dỏng và sạm nước như mẹ tôi. Như biết được tôi thèm ngủ bà bảo tôi đi ngủ trước. Đêm ấy tôi chìm sâu vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao. Bà vẫn mặc chiếc quần đùi rộng hôm qua khi ngồi chỗ lái. Hôm ấy, tàu của bà cũng ngược tới ngã ba sông. Lần này bà đưa cho tơi những hơn một trăm ngàn để mua những thứ cần thiết mà bà đã rặn chứ không chỉ dồi lợn và quả trứng như ngày nào. Tàu lại ngược khi tôi đã mang đủ những thứ bà rặn tôi mua.

Con tàu cứ đừ đừ ngược dòng chảy hướng về nơi những bước chân tôi đã từng đi qua. Tôi xoáy mình vào dòng nước. Biết đâu ở quãng nào đó mẹ tôi thấy tôi mà gọi.

 Đến xế chiều thì bụng tôi đau quằn quại. Chẳng biết vì những thứ tôi đã ăn có chộn lẫn cả nhớt nhãi của con Khát hay vì cái gì khác. Bà Liễu cũng hoảng hốt và nhanh chóng đưa tàu vào neo ở men sông. Bà lấy dầu gió thoa cho tôi. Khuôn mặt bà nổi rõ sự căng thẳng. Bỗng nhiên bà cười hềnh hệch và phát vào mông tôi. Bà tụt chiếc quần của tôi ra. Giơ đũng quần nhè nhè máu lên trước mắt tôi.

- Trời ạ!. Bị thì cưng phải nói chứ.

Thấy tôi ngơ ngác, mặt tái đi bà lại tiếp.

- Hế hế. Thế cưng chưa từng bị như thế này bao giờ à?.

Tôi hoảng hốt lắc đầu. Bà ra vục nước sông, bỏ vài hạt muối bảo tôi cởi nốt áo ra và lau khắp người tôi. Con Khát thè lưỡi nhìn tôi. Mắt nó ánh lên tia nhìn thật man rợ. Bà bảo tôi.

- Cưng đau vì bị đấy. Không sao đâu.  Mà này. Hôm nay, cưng chính thức là con gái rồi đấy. Cưng có biết mình đẹp lắm không?.

Bà vừa nói vừa mặc cho tôi chiếc quần hình tam giác và nhét thêm cục gì vào đáy quần nữa. Cái mà xưa kia tôi hỏi mẹ, rằng vì sao mẹ có mà tôi lại không có. Mẹ tôi bảo khi lớn mới có. Thì ra giờ tôi đã lớn. Tôi nhớ mẹ. Nhớ làng. Nỗi nhớ len vào bữa cơm chiều làm tôi cay mắt.

Hôm ấy cũng trăng. Gió sông hắt vào mặt tôi lành lạnh. Bà bảo tôi  đi vào trong mà nằm. Tôi bảo chưa buồn ngủ. Bà bảo bà đi ngủ trước. Trước khi đi ngủ bà còn đưa cho tôi mấy chiếc bông và rặn, thi thoảng phải thay vào đáy quần tam giác, không thì hôi lắm. Tôi chẳng nói gì. Mặc kệ cho gió hắt vào mặt. Tôi cứ ngồi đó rồi ngủ lúc nào cũng không biết. Khi tỉnh dậy thì đàng đông đã đỏ ửng.

Đến trưa hôm ấy. Tàu của bà tạt vào bến đò lớn. Bà bảo vào lấy hàng. Tôi ngồi im trong boong, mặc kệ cho những người đàn ông đen đúa, cơ bắp cuồn cuộn vác những tải, những hộp lớn lên tàu. Một người đàn ông nhìn thấy tôi rồi quay sang hỏi bà, ai thế. Bà bảo tôi là cháu của bà trên miền ngược. Tôi thấy hắn ta đưa bàn tay gân guốc bóp vào mông bà cười hằng hặc. Vừa bóp hắn vừa nói, rằng bà muốn có thêm một thằng cháu như hắn không. Bà buông một câu tục tĩu, cười hềnh hệch rồi nhổ neo.

Con tàu lầm lũi xé ngược dòng nước. Nhìn xa xa là nhấp nhô những quả đồi thâm thấp thoai thoải. Hai bên bờ sông là bạt ngàn ngô, mía xanh biếc. Mùi hoa ngô ngai ngái thốc vào cánh mũi tôi. Tôi nhớ làng tôi. Nhớ những buổi lũ trẻ tầm tôi chạy nhảy, chơi ú tìm, chơi chạy bắn, trên bãi ngô. Chơi đến mệt thì nhảy xuống sông tắm. Tắm lên thì chui vào bãi ngô đánh một giấc ngon lành.

- Mẫn. Lại chị bảo.

Tiếng gọi của bà làm đứt đoạn những nỗi nhớ trong tôi. Lần này bà dạy tôi cách cầm lái. Bà khen tôi sáng dạ. Chắc chỉ vài ngày là làm được. Tôi không vui, cũng chẳng buồn sau lời khen của bà. Con gái cầm lái thì có gì là tự hào. Tôi nhớ làng. Nhớ mẹ tôi.

Đêm ấy. Tàu của bà dừng ở men bãi sông rộng. Bà neo tàu kĩ càng. Bà bảo tôi là xắp đến nơi rồi. Tàu của bà phải nghỉ lại đây ít nhất hơn một ngày để đổi hàng rồi mới đi tiếp. Tôi chẳng nói gì, chỉ đăm đắm nhìn vào lòng sông vẫn nhẫn nại cuồn cuộn chảy.

Thoạt đầu. Tôi không thích cách ăn ở của bà. Tôi thường cảm thấy  mặt mình như có lửa đốt, ấy là khi về đêm. Về đêm bà thường không mặc gì cả. Tôi bảo thì bà cười hềnh hệch, ném cái nhìn vào con Khát mà rằng.

- Ở đây chỉ có chị em mình và anh Khát thì việc gì phải ăn bận cho nó mệt. Cứ thế này cho nó thoải mái. Chị quen như thế rồi cưng ạ.

Đêm đến tôi thường ngủ ngoài mui tàu. Tôi không tài nào chợp mắt được khi nằm chung cùng bà và con Khát. Bà bảo ngủ mà không có anh Khát bà không thể ngủ nổi.

- Thế nhà chị ở đâu?. Bố mẹ chị đâu?. Làng chị ở đâu?.

Nghe tôi hỏi, mắt bà bỗng trùng xuống. Lần đầu tiên tôi thấy bà buồn kể từ khi tôi bước chân lên con tàu này. Bà nhìn ra xa. Giọng đều đều.

- Đây là nhà chị. Từ khi sinh ra chị chưa ở một ngôi nhà nào khác. Những người như chị thì sống chẳng cần làng. Những người sống trên sông nước đều là người làng cả...

Té ra, cuộc đời bà cũng chẳng hay hớm gì. Như bà kể thì bố mẹ bà đến với nhau cũng từ con nước. Bố bà vớt được mẹ bà, khi mà mẹ bà mang thai bà được bốn tháng. Bà được đẻ ra trên con tàu này. Bố bà ở đâu bà chẳng biết. Mẹ bà sinh ra ở đâu, bà cũng chẳng biết. Mà bà cũng chẳng cần biết để mà làm gì. Bà chỉ biết ngược xuôi con nước rồi bà lớn lên. Càng lớn bà càng nhận ra. Cuộc sống vợ chồng cũng chẳng có cái chó gì là hay cả. Mỗi khi rượu ngà ngà say, bố bà lại lôi mẹ bà, lột hết quần áo rồi đánh đập nhau. Rồi kêu khóc, rên rỉ. Rồi lại cười. Rồi cứ thế, cứ thế. Nhiều lần mẹ bà ôm bà khóc tức tưởi. Bà thấy bố bà cũng rươm rướm nước mắt. Thì ra bố của bà muốn có đứa con, mà mẹ của bà thì không thể có con được nữa sau lần vượt cạn đẻ ra bà  và không có thuốc thang gì khi bị nhiễm trùng.

Một ngày. Khi ấy bà cũng khoảng mười bảy, mười tám tuổi. Hôm bà bị lên cơn sốt nặng. Bố mẹ bà đã neo con tàu ở ngã ba sông hôm bà gặp tôi. Bố bà đã đi mua thuốc cho bà. Mua thuốc về thì ông bảo mẹ bà đi mua thêm thức ăn lên tàu. Uống thuốc xong bà ngủ mất. Khi tỉnh dậy bà thấy mẹ bà ôm bà mà khóc. Bà thấy đau nhức khắp người, nhất là chỗ ấy. Từ đó bà chẳng thấy bố của bà đâu nữa. Rồi nửa năm sau mẹ của bà cũng qua đời. Và từ khi ấy, bà căm thù tất cả bọn đàn ông. Bà có thể cười. Có thể cho họ sờ soạng, bấu véo cũng chỉ vì những chuyến hàng. Đến giờ bà cũng chẳng biết mớ giấy tờ gì đó mà những người khi đến tàu của bà để kiểm tra hỏi bà. Bà cũng chẳng cần. Họ cần, nhưng khi bà đưa đưa cặp mắt ướt sũng, đây đẩy đầu lưỡi he hé trên môi và đặt bàn tay của họ lên bộ ngực nần nẫn của bà một lát. Họ gấp sổ vỗ đôm đốp, áp người năng nắc vào mông bà, phả mùi rượu lẫn thịt chó, rau mơ, mùi thuốc lào lên mặt bà, ngực bà, kèm theo gói hàng trên tàu cười hi hí rồi lại đi. Bà sống thế thành quen. Bà bảo chỉ có anh Khát là tốt với bà thôi. Con Khát bằng nửa tuổi bà, nhưng nó không như bố bà. Không như những người thi thoảng vẫn ghé qua tàu bà. Nó chỉ biết có bà.

Đêm nay trăng lên sớm. Bà bảo hôm nay là tết trung thu. Cơm xong bà nhảy tũm xuống sông tắm. Con Khát cũng nhảy theo bà. Tắm xong bà vơ chiếc quần đùi rộng lau qua người rồi vắt lên nóc boong. Bà chui vào boong, lôi cái hòm gỗ ra, mở khoá và moi trong cái túi vải nhàu nhàu đưa cho tôi hai mươi ngàn đồng mà bảo.

- Trong làng hôm nay có chiếu phim đấy. Đi vào trong đó mà chơi cho đỡ buồn. Chị và anh Khát ở đây trông tàu.

Tôi chẳng nói gì. Nhét tiền vào túi rồi thả bộ trên bãi ngô non. Ngô được trồng  trên đất phù sa thì tốt phải biết. Được hơn chục lá mà đã mọc cao tới ngực tôi. Gió thổi vào. Trăng táp xuống. Bãi ngô lượn sóng trông thật thích mắt. Thích nhưng buồn. Buồn như con nước dập duềnh trong buổi chiều năm ấy khi tôi trở về làng. Ngày trước ít khi người làng tôi qua sông vào bờ để tham gia những buổi đại loại như thế này thành quen. Tôi định quay lại tàu, nhưng đôi bàn chân tôi lại hướng về nơi ánh sáng hắt qua mặt đê mà đi.

Tôi đi qua bãi ngô, leo lên đỉnh đê.

Trên đê nhìn xuống là nhấp nhô ánh sáng đủ màu. Nó không dày nhưng sáng đục và to hơn sao trời. Tôi hướng về nơi tiếng loa đang nheo nhéo.

Bên bãi đất rộng. Dưới chiếc phông trắng nhập nhằng có rất đông người. Tôi liếc mắt qua. Người già thì mắt chăm chú hướng về chiếc phông nhập nhằng, tai đang hếnh lên để nghe những âm thanh đang nheo nhéo phát ra từ chiếc loa to bằng cái nón. Trẻ con thì chạy lăng săng. Những đứa cao tầm tôi thì nắc nẻ nhìn nhau cười. Có những đứa còn cấu véo nhau kêu lên oai oái. Nhiều đứa con trai cũng nhìn tôi. Một hai đứa tách khỏi đám bạn tiến về phía tôi.

- Iu ở đâu mà trông lạ quá.

Một đứa tầm tuổi tôi. Tóc óng và mọc ngược. Có lẽ nó vừa tắm sông. Nó khệnh khạng tiến đến trước mặt tôi hỏi. Tôi không trả lời.

- Bò lạc mày ạ?. Ha ha. Ngon gớm.

Gió đưa cái giọng ồm ồm của hai thằng đang tiến tới chỗ tôi. Tôi quay lưng bỏ chạy. Chúng cũng chạy theo tôi một quãng ra tới tận đầu bãi ngô rồi thôi.

Tôi khóc. Tôi nhớ mẹ. Tôi nhớ những đứa bạn cùng lứa với tôi. Những đứa bạn trai trong làng tôi luôn bảo vệ tôi. Vì dẫu sao tôi nhỏ yếu và thường xuyên mang truyện tranh đọc cho chúng nghe. Không biết bây giờ chúng đang ở nơi đâu?.

Tôi xiêu xiêu đi về phía con tàu. Chắc chỉ vài ngày nữa là tôi sẽ về đến nơi ấy. Biết đâu giờ này làng tôi đã hiện ra. Vừa đi vừa nghĩ. Bỗng tôi khựng lại bởi tiếng kêu, tiếng khóc nho nhỏ, tiếng ư ử đang theo gió vọng vào từ con tàu. Tôi hốt hoảng và nhẹ nhàng len lén tiến tới mép tàu. Tôi vùng chạy. Mắt tôi hoa lên. Tôi vẫn không tin nổi những gì mình đã nhìn thấy. Tôi cứ nhằm hướng có ánh sáng mà chạy. Một luồng sáng chiếu hắt vào mắt tôi. Tôi chẳng biết gì nữa.

3

Tỉnh dậy. Tôi đang ở trong một căn nhà khá rộng và đông người. Những người mặc đồ trắng toát cứ đi lại thoăn thoắt đến hoa cả mắt.

- Đây là đâu?.

- May quá, cháu tỉnh rồi. Cháu thấy trong người thế nào?. Đây là bệnh  viện V..tỉnh P..

Không đợi tôi trả lời. Người đàn ông lại hỏi tiếp.

- Cháu tên là gì?. Nhà cháu ở đâu ?. Đêm hôm khuya khoắt, cháu chạy đi đâu mà không để ý. May mà chú phanh kịp, chứ nếu không thì...

Tôi oà khóc. Người đàn ông trước mặt tôi không trẻ cũng chưa già. Ông đeo kính trắng. Khuôn mặt ông cũng trắng chứ không đen đủi như người dân làng Bồi của tôi. Người ông dong dỏng và ăn mặc rất lịch sự. Ông nắm hai vai tôi.

- Cháu đừng sợ. Đừng sợ. Đừng khóc nữa cháu. Thôi !. Để khi đỡ đau đã thì nói.

Người đàn ông bước ra bên ngoài. Những người mặc áo trắng đến bên tôi. Họ đo đo, bóp bóp. Tôi ngủ mất lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thì đã là buổi sáng của ngày hôm sau. Người đàn ông hôm qua vẫn ngồi trước mặt tôi. Nhưng lúc này bên cạnh ông ta còn có một bé gái. Đứa bé nem nép vào chân ông.

- Chào cô đi con.

- Con chào cô.

Đứa bé ngoan ngoãn đến bên tôi chào. Người đàn ông nở nụ cười thật hiền.

- Hôm nay cháu đỡ nhiều chưa ?. May quá. Các kết quả cho thấy, cháu không bị thương tích ở bên trong. Cháu tên gì và ở đâu để chú đưa cháu về nhà. Nhà cháu chắc giờ này mong cháu lắm đấy.

Tôi cố ghìm lòng để không bật lên tiếng khóc. Nhưng nước mắt tôi cứ tuôn ra, mặn chát. Vì tôi đâu có biết làng quê tôi giờ đang ở đâu. Tôi biết mình sẽ phải đi về nơi đâu. Về đâu khi mà cái nơi tôi đã vò võ đi tìm trong bao tháng năm qua mà vẫn vô vọng.

- Thôi được. Tạm thời cháu cứ về ở nhà chú, rồi khi cháu bình tâm trở lại chú sẽ đưa cháu về.

Lần thứ hai tôi không hiểu vì sao mình lại bước lên chiếc xe của người đàn ông ấy. Chắc chưa hẳn bởi tiếng kêu và những gì tôi đã nhìn thấy men con nước nơi tôi đã đi qua và chứng kiến. Càng không phải vì những thứ mới lạ đang hiện ra trước mắt tôi. Phải chăng là vì tôi mệt mỏi. Khi mệt mỏi nỗi khắc khoải cũng đến với tôi thưa hơn.

Sau khi đưa tôi vào một cửa hàng lớn. Người đàn ông đưa tôi về một ngôi nhà rộng. Căn nhà to nhưng lạnh và bừa bộn, lỉnh kỉnh, ngổn ngang mọi thứ. Đứa bé thiu thiu ngủ trên ghế. Ông chỉ cho tôi chỗ tắm rửa. Đưa cho tôi mấy bộ quần áo rồi bế đứa con lên trên tầng.

Sau này khi đã quen dần trong ngôi nhà ấy. Tôi và ông vẫn không khỏi ngượng ngùng mỗi khi đối mặt với nhau. Mỗi lần tắm rửa tôi lại thấy sờ sợ mỗi khi xoa lên ngực mình. Bộ ngực căng tròn như thụt cả vào trong mỗi khi tôi nhớ lại cái buổi chiều hôm ấy khi mới đến nhà ông.

Chiều ấy. Khi thấy tôi kêu toáng lên, thì ông chạy lao xuống. Như biết có điều gì mà ông đã nhanh chóng lấy cục đá lớn xoa lên ngực, nơi hai bàn tay tôi đang áp vào trong bỏng rát. Đến khi cơn đau đã nguội tôi mới giật mình vì trên người tôi không mặc gì cả. Tôi đẩy ông rồi lại lao vào buồng tắm. Tôi khóc và ở trong đó đên tối mới mò ra.

- Xin lỗi cháu. Nhẽ ra chú phải chỉ cho cháu về cách sử dụng nước. Cháu thấy còn đau không ?.

Người đàn ông nói chậm và ấm. Ánh mắt nhìn tôi cũng ấm. Nó không như ánh mắt của những kẻ vác hàng cho bà Liễu nhìn tôi. Nó khác hẳn tia nhìn của con Khát. Và giọng nói cũng không giống những giọng nói của những người đàn ông đã ngang qua bước chân trong quãng đời tôi từng đi qua. Tôi tìm thấy nó mờ mờ, mềm mại và mát phía sau bãi ngô non trong đêm trăng hôm ấy. Nó buồn nhưng là nỗi buồn mà tôi cảm nhận được. Nó làm tôi tin. Chính vì tin nên tôi đã nói thật cho ông về tôi. Ông nhìn tôi. Ánh nhìn mênh mang như khoảng trăng xuông chạy cùng con nước.

Ngày qua ngày. Cứ sáng ông đưa Phượng, con gái của ông đến trường mẫu giáo rồi lại đưa tôi đi dọc con sông để tìm làng. Đến mỗi khúc sông nào đó. Ông không nhìn vào dòng nước mà chỉ nhìn tôi. Tôi kệ ông nhìn. Bởi tôi biết nếu tôi nhìn sâu vào trong ánh nhìn ấy cũng chẳng biết là ông đang nghĩ gì.

Tôi thương Tuệ. Tôi tin câu chuyện anh kể cho tôi về anh là có thật. Lòng tin đã khiến cho tôi gọi ông bằng anh lúc nào cũng không nhớ. Lòng tin đã khiến tôi ngại ngùng khi đứng trước gương nhà tắm ngắm thân thể đang tràn trề nhựa sống của mình. Niềm tin đã làm đôi ngực tôi rung lên bỏng rát và căng cứng trong mỗi câu chuyện về cuộc đời của anh.

Cha mẹ anh. Người thân duy nhất của anh chết đúng vào ngày anh hết nghĩa vụ quân sự, rời quân ngũ để vào đại học. Chết ngay chính trên dòng sông nơi tôi đang đi tìm làng mình trong một chuyến đò mùa lũ. Xác của họ cũng không tìm thấy. Hằng năm, Tuệ vẫn ra con sông này thả những cánh hoa vào cái ngày thê thảm ấy. Tuệ lấy vợ. Nhưng rồi vợ Tuệ cũng bỏ bố con anh để theo một gã trai khác. Anh ở vậy nuôi con. Rồi số phận đưa đẩy tôi đến ngôi nhà này.

Phượng quý mến tôi. Tôi sống trong ngôi nhà ấy thành quen. Quen đến nỗi tôi thấy mình sẽ không sống nổi nếu mỗi ngày thức dậy không được nghe giọng nói trầm ấm của Tuệ nữa. Tôi yêu anh. Tình yêu làm chúng tôi thấy ấm áp mặc cho gió đông cào cạo hắt lên từ mặt sông thốc vào chúng tôi mỗi lần chúng tôi ra đó thả những cánh hoa cho những gì đã không còn nữa. Nó sẽ đẹp và còn căng cựa bỏng rát nơi bờ ngực tròn mẩy. Nó sẽ còn run rẩy trên cơ thể thanh xuân đang ừng ực khao khát của tôi nếu không có người đàn bà ấy.

Không ít lần người đàn bà ấy đã đến ngôi nhà này kể từ khi tôi và Tuệ bên nhau. Người đàn bà ấy đã nhất quyết không ký vào đơn ly hôn khi biết có tôi trong ngôi nhà Tuệ. Còn Tuệ thì chưa thể cưới tôi nếu như chưa ly hôn. Người đàn bà ấy càng lồng lộn lên mỗi khi đến nhà thấy Phượng sợ sệt ôm nép vào tôi và khóc khi người đàn bà ấy đay nghiến chúng tôi. Một hôm. Không chịu nổi những lời sỉ vả của người đàn bà dành cho tôi và Tuệ. Anh đã dang tay vả vào mặt người đàn bà.

Tôi sẽ không chịu nổi nếu như không có anh ở bên cạnh mình. Và ngay lúc này. Khi những cơn gió lạnh đầu mùa, mang theo mưa phủ trắng khoảng trời và ngôi nhà. Nhìn Tuệ ngủ ngon lành tôi thấy ấm áp. Sau khi vén lại chăn cho anh, tôi đến bên ô cửa sổ, hé mở và nhìn về phía dòng sông. Nơi đìu đĩu tuổi thơ tôi. Nơi đau đáu nỗi khắc khoải và cuồn cuộn niềm đau những con người như tôi. Và cũng chính nơi ấy. Tuệ đã cho tôi biết rằng. Không có cái gì tồn tại vĩnh viễn cả. Cái tồn tại sau những gì không thể tồn tại là lòng nhân từ và tấm chân tình của con người ta đối với nhau. Chỉ cái đó mới không bao giờ biến mất. Gió bỗng thốc mạnh. Cánh cửa sổ bật tung. Tuệ nằm trên giường nhìn tôi ấm áp. Tôi khép lại cánh cửa. Đến bên hôn lên trán anh. Tôi cầm chiếc dao toan gọt cho anh quả ổi. Thứ mà anh thích nhất khi ngủ dậy trước lúc đánh răng. Một thói quen không thể bỏ của anh. Nhưng tôi mới chỉ cầm quả ổi trên tay chưa kịp gọt thì cánh cửa phòng ngủ cũng bật tung. Người đàn bà lao vào như con thiêu thân.

4

Tôi thấy lạnh. Bây giờ có lẽ đang ở giữa mùa đông. Tiếng cười. Tiếng khóc và cả những tiếng chửi rủa, quen lạ cứ rộ lên rồi lại lặng đi. Tôi đã quen. Hơn ba nghìn tiếng cửa kể từ khi tôi được đưa đến đây lần nào cũng đáng sợ cả. Lần nào khi cánh cửa kêu lên ken két. Tôi lại thấy văng vẳng tiếng kêu đau đớn và khuôn mặt sùi bọt trắng của Tuệ khi anh đã bảo về tôi mà hứng trọn cả ca Axít trên tay người đàn bà ấy. Rồi máu. Máu tua túa bắn ra từ thân thể người đàn bà. Máu trên tay tôi chảy tờn tợt qua mũi dao sáng lạnh. Tiếng cửa ken két thọc vào não tôi. Mắt tôi đau đớn sau những hạt Axít  cuối cùng mà người đàn bà kia còn kịp hắt vào mắt tôi.

Trước toà. Người ta hỏi, tôi ở đâu ?. Tôi bảo, tôi ở làng Bồi. Người ta lại hỏi làng Bồi ở đâu ?. Tôi chỉ khóc. Tiếng khóc của tôi nhoà vào tiếng khóc của bé Phượng. Toà kết tội tôi. Tôi là kẻ giết người và phá vỡ gia đình của người khác. Mong muốn cuối cùng của tôi trước khi vào trại chờ lãnh án  là được gặp anh, nhưng người ta bảo, anh bị thương nặng, chẳng biết có qua nổi không. Tôi muốn ôm bé Phượng lần cuối, nhưng chỉ nhận được những tiếng chửi rủa từ phía dưới.

- Con đĩ. Kẻ giết người. Toà ơi ! Phải bắn chết nó ngay đi chứ.

5

Anh vẫn nằm đó. Ở những vết lõm nước cứ đừ đừ dâng lên. Tuệ đang khóc. Tôi biết là anh đang khóc, và có lẽ anh biết cả sự có mặt của tôi trong căn phòng này. Đừng khóc anh. Nước mắt chẳng giúp được ta tìm lại những gì đã mất. Ngủ đi anh. Trong mơ em sẽ đưa anh bay trên dòng sông ngày nào. Anh đừng cười người đàn bà kia nhé. Đừng khinh những gã đàn ông kia nhé. Đời nó khốn nạn thế đấy, nhưng thế nó mới là đời anh ạ.

Thôi. Giờ anh về đi. Trăng xắp tàn rồi đấy. Anh đừng quên em nhé. Nhớ em, anh hãy thả thêm những cánh hoa. Rồi ta sẽ tìm thấy nhau. Anh nhớ về làng Bồi tìm em nhé. Làng Bồi ở đâu anh biết không?. Em đã tìm thấy nó rồi đấy. Nó nằm thăm thẳm trong câu nói của anh. Anh chẳng đã từng nói. Cái tồn tại sau những gì không thể tồn tại là lòng nhân từ và tấm chân tình của con người ta đối với nhau là gì. Chỉ cái đó mới không bao giờ biến mất. Nó đầy ắp trong hạnh phúc và cả nỗi bất hạnh của anh, của em và những con người đã sống và đang sống trên hun hút nẻo về.

 

GIÓ LẠC MÙA

1

Bây giờ thì trời đã xà xuống là đà mặt đất. Ánh trăng oằn mình cứa thành  những  vệt tím bầm vắt nham nhở xuống thung lũng. Gió quyện sương thổi thốc, va đập, lẩn khuất. Chúng tôi đang lạc vào một âm cung ma mãnh, u uất. Gió mỗi lúc một mạnh thêm, tưởng trừng chiếc xe đạp đã đứng yên khi nó vẫn gồng lên từng mét. Tôi co giúm người và ôm chặt con vào lòng. Sầu vẫn ngủ ngon lành trước những âm thanh um um, oam oam vọng ra từ các vách núi nhảy múa, bám quanh chúng tôi.

- Có lẽ chúng ta phải đi bộ thôi A Chát à!.

Chiếc xe khựng lại. Tôi ôm con bật khóc. Mặc dù suốt chặng đường ngót nghìn cây số tôi đã cố để không khóc, dẫu rằng nước mắt lúc nào cũng đừ đừ ứa ra. Giờ thì những dồn nén ấy được đà cứ bung chảy ra ào ạt. Vẫn giọng nói ấm áp ấy.  A Pồng đặt hạ nhẹ nhàng chiếc xe xuống vệ đường. Phải bật đến que diêm thứ tư mới châm nổi điếu thuốc.  A Pồng vừa nói vừa nhìn ra khoảng mịt mùng trước mặt.

- Đừng khóc! . Con nó sợ A Chát à!. Qua đoạn đèo Khau Co này là xắp tới nơi rồi. Nhưng phải  đi bộ thôi. Đèo đêm lên thì được chứ xuống thì nguy hiểm lắm. Ây dà! Mùa gió qua rồi, nhưng thi thoảng vẫn có những cơn gió lạc mùa đi qua đấy mà. Nào! đứng dậy ta đi thôi A Chát à.

Tôi càng khóc to hơn. Lẽ nào tôi đã quên. Đây là nơi tôi sinh ra kia mà.

A Pồng lặng lẽ gỡ chiếc ba lô  đựng quần áo trên lưng tôi, đặt lên chốc cái hòm sắt đựng sách vở  lên Gacbaga. Tôi lầm lũi ôm Sầu, xiêu xiêu bước theo. Tiếng khóc của tôi lưa thưa, nhoà nhoà trong khoảng mịt mùng hun hút gió. Trên đầu vệt trăng thưa dần và biến mất. Và phía trước của con đường. Một vầng sáng tinh khiết đang nhu nhú hắt lên.

2

- Trần Thị Hoa Ban. Hai mươi tám tuổi. Quê quán, hộ khẩu Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi. Hệ đại học chính quy. Đã có kinh nghiệm sáu năm công tác...Hoan nghênh. Hoan nghênh lắm. Hề hề.

Vẫn để nguyên chiếc kính bám trên chóp mũi tèn tẹt. Xoa xoa mái đầu ba phần tư khoảng trống. Ông trưởng phòng giáo dục huyện nhìn xía vào tôi như một vật thể lạ. Ông không còn nhận ra tôi nữa. Tôi đau nhói trước cái lý lịch ấy.

- Dạ thưa chú…

- Hề hề. Anh thôi. Cứ gọi anh cho nó hoành tráng.

Tôi chưa kịp nói hết câu thì ông đã tụt chiếc kính ra khỏi mũi, tay gõ gõ vào bàn và tiến đến bên tôi.

- Thế em định lên đây bao lâu?.

- Dạ thưa...

Tôi chưa kịp hiểu ra ý ông, và ông cũng chẳng cần biết ý của tôi. Ông tiếp tục.

- Hiện giờ những người như em ở trên này đói lắm. Ấy là tôi cứ phải hỏi trước như thế cho dễ sắp xếp. Chứ các cô, các cậu dưới xuôi cứ lấy đỉnh đồi, đỉnh núi mà làm đà bay đi thì tội lắm. Học sinh nó hận người ở lại.

- Dạ..nhưng mà..

- Thôi nhé. Trường lớp tôi đã bố trí cả rồi. Mai em về dưới đó. Nếu có bay đi thì hãy lượn qua anh nhé. Hế hế.

Ông vừa nói vừa đưa bàn tay cũn lũn về phía tôi cùng nụ cười nhàn nhạt mà nghe có gì chua xót lắm.

3

Trời oi nồng. Không nắng, cũng không mưa. Chiếc xe đạp vẫn lầm lũi nhảy múa trên con đường khoằm khoặm sỏi đá. Lưng A Pồng ướt đẫm mồ hôi. Mấy lần tay tôi cầm chiếc khăn định lau mổ hôi cho A Pồng, nhưng rồi lai run run dụt lại. Hình như biết được điều đó nên A Pồng đưa cánh tay áo lên chùi những giọt mồ hôi  trên khuôn mặt. Miệng vừa nói vừa hổn hển.

- Lão Bấn trông thế mà tốt lắm đấy. Lão là người có năng lực. Nghe đâu đã bao lần người ta có ý đưa lão lên Tỉnh hay về miền xuôi quê lão mà lão toàn từ chối. Có người bảo là lão anh hùng giơm. Còn người khác thì lại bảo, lão hận con vợ bạc tình ở nhà, không lão mà chửa nên lão ở lại đây luôn. À mà...

Tôi không nói gì. Tôi biết A Pồng vừa biết mình quyệt vào vết thương còn đang há miệng. Còn với ông ta. Tôi lạ gì ông ta nữa. Tôi chỉ thấy trăm vạn nỗi buồn trong lòng mình đang vấn vít trên đỉnh PaXiPăng vời vợi kia. Và nỗi ân hận đang khào khạo chảy dưới dòng Nậm Mu quyện trong khói chiều làm tôi nhức nhối.

4

Tôi không ngờ mình gặp lại hắn trên mảnh đất này. Gã sinh viên thành thị năm cuối. Kẻ đã đằng đẵng đeo đuổi tôi, đứa con gái tỉnh lẻ suốt từ năm học đầu tiên. Vẫn ánh mắt gào xé, đốt cháy người đối diện. Vẫn giọng nói đểu đểu nhưng thật đến chết người ấy. Giờ hắn lên đây để làm xếp của tôi. Hắn được điều động lên đây làm hiệu trưởng.

Ngày ấy. Đã bao lần tôi muốn ngả vào lòng hắn. Hay nói đúng hơn là tôi đã thầm yêu hắn.

Những đứa bạn cùng ký túc xá với tôi thì bảo. Cứ yêu đi, mất chó gì mà sợ. Nó con một. Nhà mặt phố, bố làm quan. Hơn nữa một đứa xinh đẹp như mày, có điên mới lại đâm đầu về cái nơi khỉ ho cò gáy ấy. Phải ở phố mới xứng. Nhưng mỗi khi tôi choáng ngợp trước ánh sáng thị thành và ngất ngây trong lời đường mật thì hơi thở nóng hổi của hắn phả lên mặt tôi lại khiến tôi choàng tỉnh.

Tôi nhớ những mùa gió nhức nhối, bỏng lửa quê tôi. Nhớ những ánh mắt khát chữ dưới ngọn đèn leo lét của các em tôi và người dân quê tôi. Tôi thương A Pồng, dù là vợ chồng nhưng anh vẫn chưa biến tôi thành đàn bà. Anh cũng như Pa, Mế tôi. Tất cả đều mong tôi mang cái chữ về cho dân bản mình. Thế là tôi ra trường mà bỏ lại ánh mắt ngùn ngụt cháy sau lưng mình.

Còn bây giờ. Vẫn những gì chưa cũ đang hiện ra trước mắt tôi. Ngược lại tôi lại không còn như xưa cũ nữa.

Khi tôi trở về. Ngôi trường được xây dựng khang trang hơn. Nhưng con đường vẫn ngập cỏ và nhầy nhụa cứt Trâu, cứt Ngựa. Những con người cứ đến rồi lại ngao ngán ra đi. Đi như chạy và không bao giờ ngoái đầu lại dù chỉ một lần.

Cả trường có đến hơn chục thầy cô giáo mà học sinh chưa khi nào vượt lên gấp đôi số ấy thì vui gì, tha thiết nỗi gì.

Những người mới đến thì háo hức, mơ mộng. Nhưng chỉ được một thời gian thì tan chảy. Có những hôm chỉ có những tiếng thở dài theo hun hút con đường huơ huơ bụi đỏ. Chẳng biết buồn vì lại chẳng có học sinh đến lớp hay họ đang đau đáu thả ánh mắt xuống dòng Nậm Mu đang cuồn cuộn chảy về xuôi kia nữa.

Họ bảo. Cũng muốn mang cái chữ về đây lắm. Nhưng khổ. Cái bụng nó vục cái chữ. Ở đây biết đến bao giờ cái chữ thay nổi củ sắn, bắp ngô. Đói thì phải ăn. Không có ăn thì phải đi tìm.Thế nên dù đã đi đến tận từng nhà, xoa từng đứa, nhưng hôm sau chỉ có tiếng mõ lóc cóc của con trâu lạc đàn thủng thẳng vọng vào tê tái.

Rồi có người còn thật thà hơn mà rằng. Ở thời này chỉ có trò đi tìm thầy, tìm lớp, đớp trường chứ đằng này... Đấy cứ nhìn đi. Được hôm nào trở trời thì sân trường biến thành bãi chăn Trâu, Bò, Ngựa. Còn trong lớp thì chẳng biết nổi đứa nào đang học, đứa nào đang ăn nhai, bú mớm nữa. Hơn cả, người trân trọng chữ, khát chữ thì cất chữ. Còn ở đây chữ mình trao hôm trước hôm sau đã nhoen nhoét khắp các vạt đồi rồi.

Tôi mang nỗi buồn ấy nhén với nỗi buồn của mình thành những cơn đau. Cứ mỗi ngày qua đi cơn đau đến với tôi mạnh và nhiều hơn.

Tuy không yêu, nhưng tôi thương A Pồng. Tôi thương anh và thương chính bản thân tôi.

Chẳng kể mùa đông hay mùa hè. Đêm nào tôi cũng phải ngâm mình dưới dòng Nậm Mu đến khi thấy hai hàm răng không còn va đập vào nhau nữa tôi mới trở về nhà. Và lần nào cũng thế. A Pồng vẫn ngồi đợi tôi dưới ngọn đèn hiu hắt. Nhiều lần tôi đã lao vào cấu xé thân thể A Pồng tứa máu. Nhưng A Pồng chỉ khóc. Và chỉ khi những giọt nước mắt đỏ ngàu của A Pồng chảy xuống ướt đẫm thì những hờn hận và khao khát, mây mẩy, hừng hực đàn bà trong tôi mới tạm lịm đi. Có những hôm, con đàn bà trong tôi nhảy múa cùng giấc mơ.  Sau những âm ỉ bùng cháy và cuồng nhiệt tan chảy, tôi tỉnh dậy. Trước mặt tôi A Pồng đang giàn giụa cào xé chỗ ấy máu túa ra ướt sũng chiếc quần. Tôi ôm A Pồng khóc trắng đêm. 

Tôi càng căng nửng bao nhiêu thì A Pồng càng héo hắt đi bấy nhiêu.

Tôi đã dắt A Pồng đi nhiều nơi. Hai bên nhà cũng đã mời nhiều thầy cúng, thầy thuốc về rồi. Nhưng A Pồng không thể làm đàn ông được. Và tôi như bao đứa con gái trong vùng. Đã là người nhà chồng. Thì sống làm người nhà chồng, chết làm con ma nhà chồng, chứ làm sao khác được. Và rồi hắn có mặt ở đây.

Giá bây giờ tôi như trước đây. Nhưng không. Hắn xuất hiện vào đúng lúc con lạc đà  đang sắp chết khát. Bản năng tồn tại làm nó sẵn sàng lao vào hấp tấp, vồn vã. Tôi ngả vào lòng hắn, ừng ực.

Bừng tỉnh ấy là khi tôi có thai.

- Không! Anh đừng ngăn tôi. Đằng nào tôi cũng phải chết.

- Sống mới khó. Chết thì quá đơn giản. Em phải thương em, thương đứa bé chứ. Nó không có tội. Nghe anh. Hãy về xuôi với anh. Nơi ấy mới xứng đáng để em sống. Anh yêu em.

Và sau những lời nói ấy. Tôi lại ngoan ngoãn ngả vào lòng hắn. Lại ngấu nghiến ừng ực trên và quằn quại. Làm tơi tả những cánh hoa ban trắng trái mùa.

5

Một tuần sau cái đêm ấy. Tôi đã ở thành phố.

Giờ tôi có tên là Ban. Trần Thị Hoa Ban. Hộ khẩu Hà Nội. Hắn bảo cái tên đó để nhớ những lần tôi và hắn có nhau trên vạt hoa ban hăng hắc ấy.

Trước khi xin cho tôi dạy ở một ngôi trường men Thành Phố. Hắn thuê một căn nhà rộng và khá đầy đủ tiện nghi. Hắn bảo tạm thời ở đó một thời gian trước khi cưới nhau.

Tôi ngất ngây, cuồng nhiệt, tê dại đón nhận hắn. Cuộc sống thị thành cuốn tôi. Ngày ra mắt, ngày cưới đốt cháy tôi. Tôi đã quên giờ quê tôi đang ở giữa mùa gió.

Hôm nay. Hắn quyết định đưa tôi vào thành phố.

Đó là một ngôi biệt thự sang trọng.

- Hoa Ban ?. Chắc bố mẹ cháu đã từng chiến đấu ở Tây Bắc hả ?. Ôi cháu đẹp quá.

Tôi ấp úng. Người đàn bà mà hắn giới thiệu là mẹ hắn vừa vuốt mái tóc dài mượt và đôi vai tròn lẳn của tôi, vừa châm ánh mắt hầm hập, như muốn đốt cháy thân thể tôi từ đầu đến chân. Cả người tôi đang rung lên. Bà lại tiếp tục.

- Cháu đừng ngại. Con trai bác giỏi thật. Chẳng trách bao nhiêu đám cũng đều môn đăng hậu đối mà bác ướm hỏi nó đều từ chối.

Tôi cúi đầu. Cốc nước lạnh trên tay tôi sóng sánh.

- Bố mẹ cháu làm gì ?. Nhà cháu ở đâu để hôm nào hai bác đưa anh đến cho nó phải phép. Rồi còn trọn ngày lành tháng tốt đi là vừa. Hả ?.

Người đàn ông mà hắn giới thiệu là bố vừa nói, vừa đặt cái tẩu thuốc đen bóng xuống cái gạt tàn người phụ nữ khoả thân làm bằng đá trắng vừa nhìn đăm đăm vào tôi như chờ đợi.

Mặt hắn tái đi. Hai bàn tay nhộn nhạo xoa vào nhau. Cốc nước trên tay tôi rơi xuống nền gạch đá lạnh buốt. Tôi oà khóc chạy vụt ra khỏi ngôi nhà.

6

Thời gian cứ lẳng lặng trôi đi, nó đồng nghĩa với đứa con lớn dần lên trong tôi.

- Cứ từ từ đã. Đẻ xong rồi cưới vẫn chưa muộn mà. Có con chắc là bố mẹ anh sẽ chấp nhận em thôi. Mà bụng mang, dạ chửa thế này mặc áo cưới xấu lắm. Hơn nữa anh chuẩn bị được cất nhắc làm Hiệu trưởng trường A rồi. Làm mất lòng ông bà lúc này thì mất hết. Thương anh và con em cố lên nhé.

Vẫn giọng nói đểu đểu mang trong cái lý lẽ thần thật ấy. Hắn lén lút, nhấp nhoáng đến bên tôi sau khi dấp dính, nhầy nhụa trong hơi thở gấp.

Rồi căn nhà cứ thưa dần thưa dần bước chân hắn. Thi thoảng hắn đến vồn vã, hồng hộc rồi để lại cục tiền và đi.

Mùa đông lạnh buốt chảy xuống ngôi nhà. Tôi nhớ Pa, mế. Tim tôi quặn thắt khi nỗi nhớ ngưng lại ở A Pồng. Có lẽ giờ này họ đang đi tìm tôi ?. Và tôi oà khóc sau mỗi giấc mơ. Những giấc mơ thấp thoáng tiếng gọi rin rít trong gió của Pa, mế và dáng đi cặm cụi thân thuộc của đám học trò vùng gió quê tôi. Và tôi thét lên khi A Pồng nhầy nhụa máu đứng trên đỉnh PanXiPăng nhìn tôi.

Ngày tôi sinh Sầu. Hắn đến rồi vụt đi  mặc kệ cho tiếng khóc của Sầu vẳng gọi.

Càng ngắm Sầu, tôi càng thấy nó chẳng có gì giống hắn. Ánh mắt ngơ ngác, mái tóc huơ huơ vàng thì chỉ có những đứa con vùng gió mới có được. Và không biết từ đâu. A Pồng có mặt ở đây. Ngay giữa thành phố này. Ngay trong căn nhà này.

- Về thôi  A Chát à ! Phải về thôi !. Pa, mế mong A Chát về nhìn mặt lần cuối rồi đi thôi.

Tôi đau đớn, tàn tạ và dạc đi như con tôm Da Da chết yểu trên dòng Nậm Mu ngày Đông chí.

Thế rồi chiều ấy. Mẹ hắn và người đàn bà mang cái bụng lùm lùm đến nhà tôi.

- Con đĩ. Mày còn định vơ vét, quyến rũ chồng tao đến bao giờ. Tao cho mày chết này.

Người đàn bà có cái bụng lùm lùm lao vào vừa xé áo, cào tóc, móc thịt tôi vừa chửi mắng tôi.

-  Ái chà. Chúng mày ở đây tằng tịu để lừa con bà hả?. Cút! Xéo khỏi đây ngay. Đồ lạc loài man rợ.

Mẹ hắn ném cục tiền lẻ xuống sàn nhà. Mặc cho Sầu khóc thét lên. Tôi vơ mấy bộ quần áo cho vào túi ôm con chạy ra khỏi ngôi nhà. A Pồng chới với trên chiếc xe đạp và chiếc hòm đựng sách nhoài theo tôi ra khỏi thành phố.

7

Chiếc xe đạp vẫn chồm lên trên con đường men theo dòng Nậm Mu. Đường về nhà tôi giờ không còn phải bơi qua sông nữa. Cây cầu lớn đã được bắc qua đây. Nghe A Pồng bảo. Chỉ mai đây thôi điện sẽ sáng bừng khắp vùng gió này.

 Sầu đã tỉnh giấc. Đôi mắt tròn to ngơ ngác thả vào những vạt Hoa Ban trắng muốt bên đường. Lần đầu tiên nó cười kể từ khi được sinh ra.

Tôi há miệng để cho gió từ dưới sông hắt lên, từ trên khắp các vạt rừng lùa vào lòng mình. Và phía kia. Một làn khói ấm đang nhén lên từ ngôi nhà của tôi. Hình như lưa thưa trong gió có tiếng bi bô, khắc khoải đánh vần.

Nước mắt tôi vẫn rơi....

 

 

 

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn