Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Chiếu giang" - Lương Ky

06-09-2011 09:40:00 AM

Trước chuyến đi công tác, tôi thường ghé qua chỗ bố chuyện trò có khi cả tiếng đồng hồ. Làm nghề báo, tôi thường đi đây đó luôn. Vậy mà, nếu không đột xuất hay quá gấp, nếp cũ tôi vẫn giữ. Bố tôi giờ ở vào tuổi thượng thọ, được cái còn minh mẫn. Trải qua mấy cuộc chiến tranh, lại bị bắt bớ tù đày, ông còn được như vậy là phúc to cho cả họ nhà tôi. Ông ở nhà anh cả, nên tôi mới nói “ghé qua” là như thế. Lần này tôi qua, bố con nhâm nhi chè Thái, chuyện linh tinh. Tôi nói: Con đi công tác miền núi. Bố hỏi: Đi đâu? Tôi bảo: Lên chiến khu xưa, Tuyên Quang. Bố tôi “ực” một cái, như có cái gì nghẹn trong cổ. Mắt ông mờ đi, da mặt căng đỏ. Biết ông có nhiều kỷ niệm với miền núi, tôi vào vai một thằng con ngoan, hỏi bố muốn mua gì không, con rộng thời gian sẽ tìm bằng được. ậm ừ một lúc ông mới rề rà: ờ… à…, anh thử tìm… còn có chiếu giang, mua cho bố một cái.

Chiếu giang?!

Xe khách lên miền núi bây giờ “ngon”. Đường xá cũng “ngon”; nhiều đoạn quanh co uốn lượn đèo dốc đẹp như mơ. Từ lúc ngồi vào xe tới điểm cần xuống mất cả buổi mà đầu óc tôi cứ lởn vởn cái tên chiếu giang. Bố tôi còn nhớ cả tiếng địa phương: Chiếu gọi là “pục”, cây giang- thứ cây họ tre trúc, thân mềm làm lạt bánh chưng là “mạy giằng”, nhưng không có từ ghép “ pục mạy giằng” thành chiếu giang như tiếng kinh.

Tháng giêng, tháng hai ở vùng núi xứ Tuyên thường lê thê rét, lút thút mưa. Trời u u mờ mờ. Chỉ có lễ hội làm bừng lên không khí náo nức, hội tụ bà con dân tộc. Hội Lồng Tông (hội xuống đồng) ngày 8 tháng giêng, cúng Thần nông mười hai cùng tháng rồi rằm tháng giêng… Lê thê tháng ăn chơi đình chùa miếu mạo. Tôi lang thang cùng các đồng nghiệp, quan sát, ghi chép, cùng uống rượu nghe hát lượn hát then, quen tai đàn tính păng păng pằng păng pằng… Đến đâu tôi cũng “láy” vài lời về cái chiếu giang.

Tôi đã gặp may. Bên bếp lửa rực hồng từ những cây củi gộc châu vào nhau, than nổ lách tách, vào một đêm tháng giêng ở nhà người đồng nghiệp địa phương họ Hà, tôi khơi chuyện chiếu giang.

-…à, à! Cái này thì có đấy!- Anh đồng nghiệp vui vẻ- Có, có, nhưng lâu rồi chả ai làm nữa, mế nhỉ ?- Anh ta quay sang phía cụ bà chừng ngoài tám mươi.

- ờ, lâu không làm rồi lớ. Mạy giằng bây giờ cũng ít rồi, phải đi xa vào núi mới có. Với lại, chiếu cói, chiếu tre chiếu trúc, mành cọ đến chiếu nhựa… người ta mang đến tận cầu thang rồi mà.

Tôi nhìn qua mấy gian nhà cụ. ở các sạp gỗ thấy trải chiếu hoa cả. Cụ bà nói tiếp:

- Nhà này cũng còn có một cái thôi. Cuộn lại treo trên gác- Cụ chỉ tay lên mái cọ- Không ai nằm nữa đâu. Hồi ông cháu còn thì thích nằm chiếu giang, nhất là mùa bức.

- Con chưa được thấy chiếu giang bao giờ. Làm chiếu thế nào? Con muốn mua một cái có được không ạ?

Đồng nghiệp tôi cười nấc. Đưa chén rượu đao (một loại rượu ngon làm từ cây đao rừng), bảo: - Ôi giời ơi! Cái bố này, các bố xuôi lên, ông thì thích đàn tính, người mua tìm cái nỏ, có cô còn đòi mua cái mõ trâu… Giờ thấy có ông là một, hỏi mua chiếu giang… Thôi, kin dốc (cạn chén)!

Đưa chén ực và khà xong, ngây ngây trong người, tôi thật thà khai báo:

- Cụ ạ, con thì không biết gì đâu, nhưng ông già con ngày trước có thời gian hoạt động ở vùng này, từ hồi chống Pháp cơ ạ. Bố con nói đến chiếu giang, lại bảo con tìm mua cho ông một cái- Tôi quay ra đồng nghiệp- Ông bạn ạ, bố tôi già khú đế, gần đất xa trời nói với thằng con như thế, ông bảo sao tôi không chấp hành?

- ờ, muốn xem thì mai, ban ngày. Cho xem thôi, chả bán đâu. Còn một cái mà!- Cụ bà móm mém cười, nhả bã trầu vào ria bếp lửa, nói.

Nói lời giữ lời. Trưa hôm sau, cụ bà cho con cháu hạ cái chiếu giang cuốn tròn buộc lạt, rũ đập bụi bặm rồi trải ra cho xem. Đồng nghiệp tôi cũng quay lại, rất lạ lẫm.

- Làm nó lâu đấy!- Bà cụ chậm rãi- Lấy mạy giằng tốt về, chẻ nan, chỉ lấy nan cật thôi, chuốt đều từng sợi, phơi se mới đan. Mà đan nong đôi đấy. Các mép gấp và mối nối nan phải thật khéo. Dùng cái búa gỗ hay cái dùi đục và cái chạm tre đập gõ cho thật khít. Bền lắm à!

Tôi được mục sở thị mặt phải chiếu là phần cật nan, màu cánh dán bóng lộn bởi hơ lửa và bao tấm lưng trần đã đặt lên nó. Chiếc chiếu này chắc cũng được liệt vào hàng cao tuổi. Đồng nghiệp họ Hà cũng còn phải xuýt xoa: Chà, bây giờ không biết có còn ai làm chiếu giang nữa không đấy! Nó chẳng giống đan cái rổ cái rá, cái nong cái quạt… đâu.

- ờ, cũng có thấy con Pháy bên Khuôn Tầng có lần nó sang hỏi cách làm và mượn cái này làm mẫu mà.

- Là cái chị Ma Thị Pháy bên Hội Phụ nữ xã ạ?- Đồng nghiệp họ Hà hỏi bà cụ.

- ờ, mà nó cũng trên sáu chục tuổi rồi chứ không trẻ nữa đâu.

Tôi về tay không, chẳng có cái chiếu giang nào cho bố. Đem theo câu chuyện nhà cụ già và người đồng nghiệp họ Hà làm quà cùng cái can hai lít rượu đao anh ấy cho.

Bữa cơm gia đình anh cả làm, nhân tôi đến chơi. Uống rượu đao, cả nhà chăm chú nghe tôi kể về chuyến đi. Đến đoạn “chỉ còn có người làm chiếu họ Ma ở Khuôn Tầng xã…” thì bố tôi giật khựng lại, đặt toạch đôi đũa xuống mâm, vội hỏi:

- Anh bảo là Khuôn Tầng, xã… họ Ma?

- Vâng, thì con vừa trên đó mà, nhưng cũng chưa gặp được ạ.

Bố tôi trầm ngâm, uống liền hai chén rượu, hắt hơi một cái to, rồi thủng thẳng:

- Ngon nhỉ! Lâu lắm rồi lại được uống cái “tang” này. Hồi trước, lúc đấy còn bí mật, bố được tổ chức “ém” ở nhà một người họ Ma, Khuôn Tầng, xã… khoảng năm, sáu hôm. Nhà sàn sạp gỗ trải chiếu giang. Chủ nhà là tay thợ săn, vác nỏ với ống tên, có cả tên tẩm độc, đi rừng suốt. Ngày ấy, gọi là cán bộ tuyên truyền giải phóng như bố chỉ có bộ quần áo trên người và cái sắc cốt tài liệu, còn toàn do dân cho ăn cho ngủ. Có hôm phải tranh thủ đêm tối, tắm, bỏ quần áo giặt phơi qua đêm, sáng hôm sau lại mặc. Bố nhớ, nhà ông ấy có đến bốn, năm người con. Cô con gái lớn chừng hai mươi tuổi, lấy chồng ở rể. Anh ta thường đi ngủ trên lán ở nương rẫy khi mùa lúa sắp chín. Cô ấy thương cán bộ cách mạng nhiều, nấu cơm, nấu cháo, giặt quần áo mấy ngày liền… Bố được nằm chiếu giang, cứ nhớ mãi… Bố tôi không nói thêm gì nữa. Nước mắt ông ứa ra. Ông sặc ngụm rượu nhưng lại đòi uống thêm.

Bố tôi đã không có dịp nào trở lại vùng đó sau bao năm gian khó, vào Nam ra Bắc.

Tôi quay lại nhà đồng nghiệp họ Hà vào dịp chuẩn bị kỉ niệm sáu mươi năm sự kiện cách mạng ở gần đó. Tôi lôi kéo anh đồng nghiệp cùng mình đến Khuôn Tầng, tìm đến nhà người họ Ma theo mô tả của bố tôi, cũng có ý tìm nhà chị Pháy đan chiếu giang.

- Ông quyết tâm vào Khuôn Tầng thật à?- Người đồng nghiệp họ Hà bảo- vẫn thế, gần như vẫn như bao năm trước. Có khác, là cánh trẻ bây giờ làm thêm nhà mới ở khu đầu Khuôn, gần đường cái hơn, mà là nhà đất. Nhà sàn còn ít lắm, một số đã bán về xuôi rồi.

Chúng tôi đi theo chỉ dẫn đầy tưởng tượng của bố tôi. Lội qua con suối, nhô lên cánh ruộng, con đường men theo bìa rừng dẫn chúng tôi đi sâu thêm. Tôi nhận ra bóng một căn nhà sàn cũ kỹ, gần giếng đá, bên tảng đá mồ côi to như con voi và cây mít khá to. Đúng là ngôi nhà bố tôi tả. Tôi không ngần ngại bảo anh đồng nghiệp họ Hà:

- Nhà này ông ạ! Nhà này hợp với chỉ dẫn của bố tôi:  Cái giếng đá, cục đá mồ côi như con voi và cây mít lâu niên nữa… Ta vào nhá!

Vài đứa trẻ ùa ra. Có đứa đon đả chạy ra rồi thụt lại, miệng la gọi to cái gì đó. Đồng nghiệp tôi dịch: Nó gọi bà, có mấy ông khách lạ tới.

- Ôi giời! Chị Pháy à! Em cứ tưởng nhà ai!- Anh đồng nghiệp họ Hà nói khi chủ nhà bước ra. Anh ta nhìn xoi mói vào chị ấy rồi quay ngang quay dọc, lấm la lấm lét. Cử chỉ như thể bất lịch sự ấy của anh bạn làm tôi ngạc nhiên pha chút bực bội.

Tôi cũng nhìn người đàn bà nọ khá lâu. Mừng vì được gặp người cần gặp, lại ngay tại căn nhà bố mình đã ở năm nao…

- Đây là chú nhà báo Trung ương về xã ta công tác!- Đồng nghiệp họ Hà giới thiệu với chị chủ nhà.

- Em chào chị!- Tôi đỡ lời- Em lên công tác… Vào đây, nghe nói chị còn đan chiếu giang…

- Các chú lên nhà!- Giọng chị ấm, nhẹ nhàng. Biết chị ngoài sáu mươi mà gặp người thật cứ ngỡ chỉ dăm chục. Chị nhanh nhẹn, cân đối, da dẻ trắng hồng tươi tắn. Và rồi đến lượt tôi giật mình: sao chị có gương mặt hao hao anh cả tôi?. Bước hết chín bậc cầu thang, chưa vào nhà, tôi đã nghe đồng nghiệp họ Hà nói nhỏ vào tai: Ôi, mẹ cha… Trông bà chị còn “hay” ghê, mà sao tôi trông chị ấy với ông như chị em vậy?! Chủ nhà mời bát rượu hoẵng thay nước rồi chỉ ngay cho chúng tôi cái chiếu giang chị đan dở, cũng gần xong. Mặt phải cái chiếu còn rõ những chiếc nan cật vót đều, màu xanh cốm thơm mùi tre trúc. Cái chiếu lên khuôn rất đẹp, rất công phu…

- Tầm bao nhiêu tiền chị à?- Đồng nghiệp tôi nhanh nhảu hỏi.

- Làm cho nhà thôi! Mấy cái chiếu cũ từ ngày bố mế chị thanh lý rồi.

Tôi nhìn quanh mấy gian nhà thông thống mênh mông, trong lòng nao nao, mường tượng cái ngày bố tôi được gia đình họ Ma nơi đây cưu mang đùm bọc. Bố tôi được nằm chiếu giang cũng từ ngày ấy…

Tôi thưa chuyện cùng chị Pháy, rằng bố tôi ngày nào đã lưu bước chân nơi này. Đôi mắt chị quầng đỏ, những giọt lệ lã chã rơi xuống chiếu giang đang đan…

- Bố, mế mình mất cả rồi. Ngày các cụ còn, dăm, bảy năm trước, các cụ vẫn nhớ và nhắc tới người cán bộ tuyên truyền cách mạng ngày xưa ở nhà mình. Mế mình cứ thắc thỏm mong được một lần gặp lại…

Tôi nêu nguyện vọng nhỏ nhoi của bố tôi về cái chiếu giang, như thể cụ rất muốn được đặt lưng trần của mình lên đấy một lần cuối đời…

Chị Pháy cảm động lắm. Tôi cũng bùi ngùi xúc động, dạm ướm lời mời đón chị về xuôi chơi với gia đình chúng tôi…

Chị chỉ khẽ cười, lau nước mắt, bảo tôi: Chắc chị chả đi được đâu. Còn cái chiếu giang, nếu chú còn ở lại vài ngày, chị làm xong, hơ lửa, cuộn lại gửi chú mang về biếu ông cụ… Chẳng mua bán gì đâu. Mình sẽ làm cái khác…

Tôi nán lại mấy hôm cùng người đồng nghiệp họ Hà.

Tôi làm cái lễ mọn, hương hoa, đặt thêm ít tiền xin chị Pháy cho được thắp nén hương cho ông bà quá cố… Ôm chiếc chiếu giang, lòng tôi bâng khuâng, bùi ngùi chia tay chị Pháy. Đồng nghiệp họ Hà cứ muốn gạn hỏi tôi điều gì. Anh chụp bao nhiêu ảnh căn nhà sàn và quang cảnh xung quanh Khuôn Tầng. Anh bắt tôi chụp hình với chị Pháy. Khi xem lại màn hình kĩ thuật số, anh ta tủm tỉm, nháy mắt với tôi, lẩm bẩm: Thế mới biết câu các cụ “đêm nằm năm ở”, còn biết bao điều các cụ sống để bụng chết mang đi, phải không ông bạn?!

Còn tôi, có chiếu về làm quà cho bố rồi, nhưng có nông nỗi gì khuấy động cuộc sống yên tĩnh cuối đời của ông không, lại là điều từ lúc nào tôi cũng đã lờ mờ cảm nhận.

Chị Pháy không tỏ gì cụ thể, nhưng ánh mắt của chị lúc tiễn tôi cứ bập bùng dung dắng mãi.

Đầu thu 2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...