Văn học với đời sống

18/9
10:01 AM 2017

NGHỆ SĨ VƯỜN- TRUYỆN CỦA DƯƠNG ĐỨC KHÁNH

Tư Ro tên khai sanh là Nguyễn Văn Ro. Ham mê đờn địch, văn nghệ văn gừng rồi tự lấy luôn cái “nghệ danh” Văn Ro. Từa tựa như mấy ông Văn Chung, Văn Hường, Văn Vĩ… nghệ sĩ tiếng tăm thời trước. Văn Ro để tóc dài chấm vai, dợn sóng bồng bềnh đúng kiểu nghệ sĩ.

Nhớ hồi mấy năm bảy tám bảy chín, đợt xã mở chiến dịch xóa bỏ tóc dài hippi, thanh niên cả xã đầu cổ hớt cua trụi lũi như tân binh. Vậy mà mái tóc tài tử Văn Ro vẫn như đống rơm bay xấp xãi thách thức. Mà cũng lạ, hai xã kế bên cách cái cầu sắt, xã bên này truy quét tóc dài ráo riết, chí mạng. Bên kia thì êm ru. Văn Ro thường ngồi cà phê quán đầu cầu. Nghe hơi động tĩnh là lẹ cẳng nhảy lên xe đạp như đi công chuyện gấp, phóng cái vù qua bên kia cầu an toàn, tỉnh bơ. Nghe nói ông bí thư xã bên kia trước dân hoạt động nội thành, quan điểm rất tâm lý. Ổng nói, con người ta có một thời trẻ trai chải chuốt thôi mấy ông à! Mai mốt nó có vợ có con lo làm lo ăn, lúc đó mấy ông có mướn tiền nó cũng không để tóc dài! Trưởng ấp Bảy Chà bên này thì cứ hăm he mẻ răng, đòi cạo được cái đầu thằng Tư Ro mới hết gai con mắt. Vậy mà chưa lần nào làng lính sờ được gáy anh ta. Ấy là nhờ lúc đó mấy đoàn cải lương của tỉnh về diễn thường xuyên tại ấp. Văn Ro giao du cà phê cà pháo coi bộ rất thân mật với đám nghệ sĩ tóc dài đủ kiểu, ăn mặc đủ mốt chim cò hoa lá cành màu mè chói mắt. Các anh kép hát đêm qua ngồi ngai vàng xưng trẫm làm khanh trên sân khấu, sáng lội lõm bõm xuống chợ cá mua lươn mua ốc vô gầy sòng nhậu. Cả chợ đàn bà con gái cứ ngóng cổ chơm chớp những cặp mắt đầy ngưỡng mộ. Nhà Văn Ro ngày nào cũng có mấy trận nhậu bí tỉ, đờn ca tưng bừng toàn gương mặt nghệ sĩ, ca sĩ “tài danh” của tỉnh. Gặp bộ sậu ban ấp, ấp đội mang súng ống đi ngang, Văn Ro xởi lởi kính mời trưởng ấp ghé lại đại diện làm ly tình nghĩa với đồng chí nghệ sĩ ưu tú, phó đoàn cải lương của tỉnh. Phó đoàn dáng to cao như Tây, mặt mũi phừng phừng, bắt tay cười rung rung mái tóc ngang vai giọng kẻ cả bề trên. Rất cám ơn chính quyền đã làm tốt công tác an ninh trật tự, tạo thuận lợi trong thời gian đoàn lưu diễn tại ấp nhà. Dạ, dạ không có chi. Nhiệm vụ của tụi tui ở địa phương mà!... Lúc đó Văn Ro như ngầm muốn nói. Đó, mấy ông thấy ớn cái uy nghệ sĩ chưa? Thấy cái “quyền” của tầng lớp tóc dài chưa? Mục đích người ta để tóc là phục vụ nghệ thuật, để cống hiến, chớ không phải đua đòi hippi cao bồi chơi chơi. Đó, tui thách mấy ông có gan trời dám đè cổ hớt thử một cọng coi, đi tù mọt gông không?!

Sau đó Văn Ro được cử làm đội trưởng văn nghệ quần chúng xã. Lúc đó đang rầm rộ phong trào nhạc tự biên tự diễn. Văn Ro gò lưng ôm cây đờn thùng với chai rượu đế bù đầu bù cổ sáng tác tối tác. Tới kỳ hội diễn, anh  vớ ngay cái giải nhì toàn huyện với bài hát “Dân ta quyết tâm đắp đê bao chống lũ”. Ca khúc lấy cảm hứng từ chiến dịch chống lũ tại ấp nhà. Cái tên Văn Ro bắt đầu nổi lên như cồn cát bồi gặp lúc nước ròng. Rồi mấy anh cán bộ đại diện mấy ngành trong huyện mò tới kéo anh đi nhà hàng trên thị trấn nhậu bia lên men, năn nỉ anh cố gắng sáng tác cho ngành họ một bài thiệt ngon lành. Phòng Lương thực, phòng Thủy lợi… Anh nhận lời viết cho phòng Thuế vụ một hành khúc mạnh mẽ, đúng điệu đi thu thuế: Thuế nông/công thương nghiệp/thu vô cho kịp giải quyết cho mau/ Thuế nông nghiệp ta thu bằng lúa/thuế thương nghiệp ta thu bằng tiền/sớm trưa tối chiều thu vô cho nhiều là nhiệm vụ ta…Tan tan tan…

Văn Ro tiến thêm một bước vô cùng quan trọng nữa khi Đội Văn nghệ quần chúng xã đổi tên thành Nhóm Ca khúc Chính trị. Quy tụ những cây văn nghệ nghiệp dư năng khiếu đầy mình của xã rổi tinh tuyển lại còn chín người. Hình thức như các Nhóm Ca khúc Chính trị Rạng Đông, Sao Xanh… đang nổi đình nổi đám trên thành phố. Nhóm Ca khúc Chính trị “vườn” của Văn Ro cũng đầy đủ bộ môn tân, cổ nhạc. Văn Ro chơi ghi-ta thùng luồng mi cờ rô, vừa đàn vừa hát mấy bài ruột Những đôi mắt mang hình viên đạn say mê lim dim rồi rống lên, gào lên y hệt Trần Tiến. Rồi Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa trầm hùng da diết. Anh Sáu On cổ nhạc với cây ghi-ta phím lõm. Có cả hai giọng ca nữ: Cô Thu Thủy dạy mẫu giáo và giọng ca nữ Thu Ba, dân Sài Gòn về làm kế toán ngành lương thực hát được cả nhạc Liên Xô, Cu Ba Oan ta na mê ra… Có một cây nghệ sĩ đặc biệt đến từ nước bạn - Thằng Thạch Bi dân Kampuchia lai Việt, da đen mốc, tóc quắn đeo. Nó sinh trưởng học hành ở thủ đô Pnompênh, vừa hồi hương lánh nạn diệt chủng. Giờ nó chạy xe lôi đạp chở khách kiếm sống, kiêm chở luôn anh em đội văn nghệ đi diễn. Ngoài hai thứ tiếng cha sanh mẹ đẻ là tiếng Miên tiếng Việt, nó nói tiếng Pháp rành rọt như bẻ que. Hát được cả nhạc Pháp, nhạc Khơ-me. Màn độc đáo nhất của nó là điệu nhảy lâm-thon trên nền nhạc cha cha cha với động tác lắc mông điệu nghệ, vô cùng sôi nổi hào hứng: Đây Campuchia/đất đai thân yêu/ngàn hoa tươi thắm… Lời Việt rồi lời Miên. Rồi: Cùng tắm dòng sông Mêkông/ cùng chung mối thù đế quốc/ Việt Nam Campuchia sát vai nhau gìn giữ biển Đông…/ Việt Nam Campuchia tay cầm tay sa ma ki… tay cầm tay sà mà kì…

Một tháng đôi ba đêm diễn sân khấu ở sân chợ, sân trường học có tổ chức, có chủ đề. Còn lại là hát đám cưới, phục vụ bà con từ đầu sông tới cuối kinh cùng. Có lần cả nhóm đi xuồng gần tới cái đám cưới đang che rạp, một bầy con nít chạy ào ào ra vỗ tay: “Văn nghệ cháo vịt tới rồi tụi bây ơi!!”. Vậy là Nhóm Ca khúc CT có thêm tên mới: Ca khúc CV! Nghĩa là Ca khúc cháo vịt! Phục vụ miễn phí nhưng chất lượng gọi là trên mức “cây nhà lá vườn” nên bà con mình vô cùng nồng hậu. Món gì ngon nhứt đều dành đãi văn nghệ. Gặp gia chủ chuyên đặt lọp tôm là anh em được đãi món tôm nướng trộn gỏi đu đủ cả thau đầy. Hôm đám cưới thằng con anh Sáu “ghe soi”, ăn cả chục con cá lóc nướng trui bự chảng ngán lên tận cổ. Cháo vịt là món lót bụng tất nhiên phải có về khuya để anh em tỉnh táo. Để nghệ sĩ Sáu On thông cổ chuẩn bị lên câu vọng cổ “tủ” mùi mẫn: … Để ba kể con nghe chuyện con quạ đen xấu số/xây tổ suốt mùa hè cho tu hú đến đẻ con/khi trứng quạ đẻ ra tu hú nuốt đâu còn/khổ thân con quạ đen vô tình ấp ủ/suốt mùa đông tha mồi xây tổ/khi bầy tu hú lớn lên chúng vỗ cánh bay đi tận bốn phương ơ… trời! - Câu vọng cổ độc chiêu từng làm mấy cô mấy chị nhà bếp rụng rời tê tái lúc về khuya.

Tới đợt hội diễn văn nghệ quần chúng, có mấy anh văn hóa thông tin các xã tuốt bên Cồn Cò đích thân lặn lội tới nơi, cầm giấy mời nhạc sĩ Văn Ro đi làm giám khảo. Lần đầu anh hơi run, nhưng sau anh nói dễ ợt. Không gì dễ bằng làm giám khảo. Khung điểm quy định tối thiểu từ mười sáu phẩy năm tới tối đa mười chín phẩy năm. Lúc ghi phiếu chấm điểm cứ liếc qua liếc lại, đừng chênh lệch quá với thằng trưởng ban văn hóa là xong. Chương trình bế mạc, trưởng ban giám khảo được mời lên sân khấu phát biểu đánh giá. Rồi trao giải, tặng hoa, vỗ tay ầm ầm. Thằng Thạch Bi đạp xe lôi cả ngày, tới chiều tối tình nguyện làm đệ tử, chở anh Văn Ro đi làm giám khảo. Đường đất đê bao mới đắp gồ ghề khúc lồi khúc lõm, mấy bận sém quăng anh xuống mương. Qua mấy quãng đồng, mấy bận đò, tối hù mới tới nơi. Ban tổ chức chờ đợi sốt ruột, phải kéo dài giờ mở màn. Trưởng ban tuyên giáo, ban văn hóa thông tin xã tiếp đón niềm nỡ, vui đáo để. Trên bàn ban giám khảo, cái tên NHẠC SĨ VĂN RO được viết nắn nót trên giấy trắng bìa cứng, xếp tam giác bày sẵn hết sức hoành tráng. Tới màn giới thiệu thành phần ban giám khảo, cô dẫn chương trình xướng: “Nhạc sĩ Văn Ro! - từng đoạt giải nhì toàn huyện với ca khúc…”. Chứ sao? “Ở xứ mù thì anh chột làm vua!”. Mấy tay nhạc sĩ thứ thiệt bên tỉnh có cho vàng cũng không dám về xứ này làm giám khảo. Mặc áo vét đi giày Tây mà ngồi xe lôi không rành, lớ ngớ lọt xuống mương ai coi. Rồi dám ngồi chịu trận cho muỗi đồng như vãi trấu nó thui không? Thằng Thạch Bi vẫn miệt mài đưa anh đi tối về khuya, cách sông trở đò. Mặc dù bao thơ bồi dưỡng giám khảo mỗi đêm chỉ đủ bữa rượu đế bình dân cả hai thầy trò.

Sau bận chấm thi, anh Tư Ro rủ thằng Thạch Bi bỏ nghề xe lôi theo anh mần ăn. Lần nầy anh quyết định làm ăn thử một chuyến. Văn nghệ văn gừng mãi! Phải có thực mới vực được đạo. Với lại anh đang ước ao có được mớ tiền, anh sẽ lên thành phố một chuyến, dò la mua cho được dàn trống ra với cây đờn điện, loại ve chai vứt đi cũng được, về sửa sang tân trang lại. Nhóm của anh mà có hai thứ đó là đi lên hàng chuyên nghiệp mấy hồi. Anh sẽ chấp nhận lăn lộn bụi bặm, ăn ngủ bến xe bến tàu cũng được. Phải mò tới các tụ điểm, các nhà văn hóa, tiếp cận các Nhóm Ca khúc Chính trị nổi tiếng để học hỏi phong cách, nghệ thuật ca hát. Càng nghĩ tới đêm anh càng nằm mơ. Anh mơ gặp Trần Tiến bằng xương bằng thịt, gặp Sĩ Thanh trong Từng đôi mắt mang hình viên đạn/từng đôi mắt sáng lên cháy lên muôn ngàn ánh lửa… 

Anh nói với thằng Thạch Bi, mày năm nay hăm bốn hăm lăm rồi, đạp xe lôi biết năm nào đủ tiền cưới vợ. Theo tao xuống miệt dưới bán tủ là hốt bạc, giàu cấp kỳ! Xứ mình cả một rừng trại mộc, đồ gỗ giá gốc, đi bán tận nơi một lời hai. Vậy là anh đi ra thằng Tư Thỏ chủ vựa phân hỏi cầm cố mấy công đất ruộng ông già chia cho. Lận cục tiền đi hỏi mướn chiếc ghe trọng tải trên trăm giạ, gắn máy Yanmar F4, có mui lợp nhôm chắc chắn. Có ca-bin buồng lái đàng hoàng. Đếm mười mấy cây tủ thờ trả tiền phân nửa, chất xuống ghe. Gạo củi mắm muối cà ràng ông táo, đủ cho hai thầy trò lênh đênh một tháng. Cái bình ắc-quy mười hai vôn với bóng nê-ông ba tấc. Thêm cái ấm nhôm đựng rượu, nửa ký thuốc rê và cây ghi-ta cũ sì, vật bất ly thân của anh Tư. Xong xuôi, anh hớt bớt tóc tai gọn gàng cho ra dân làm ăn, chờ ngày tốt nhổ sào lui ghe làm dân thương hồ.

Tành tạch hai ngày hai đêm xuống tới miệt gần rừng U Minh. Tấp vô bến nào bà con cũng xúm xít trầm trồ những cây tủ cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ thơm vec-ni bóng loáng, toàn danh mộc. Anh mời mọc hết lời nhưng ai nấy cứ lắc đầu thở dài. Còn hơn tháng nữa mới tới mùa cắt lúa. Trong bồ không còn hột lúa nhổ râu, tiền đâu mua sắm. Anh chấp nhận bán thiếu tới mùa bà con cũng lắc. Thờ tổ tiên ông bà ai đi mua chịu. Vậy là thầy trò tìm bến neo ghe. Thằng Bi xách ấm lên bờ mua rượu. Đêm bật đèn nê-ông hai thầy trò khề khà lắc lư. Đờn địch tình tang. Dân nhậu trên bờ khệnh khạng về khuya, ới ơi một tiếng là thành bạn, bước xuống nâng ly. Xin lỗi anh thứ mấy, tui thứ Tư. Tui thứ Ba, kêu Ba Rô! Tư Ro vỗ cái bốp, nhảy dựng lên: Ba Rô Tư Ro! Vậy là anh em liền nhau. “Tứ hải giai huynh đệ”! Làm một ly kết nghĩa! Vui quá vui quá!!... Sáng sớm mai, Tư Ro nghĩ ra phương án mới. Khiêng toàn bộ số tủ gởi lại bên chái nhà Ba Rô. Dong ghe về xứ tiếp tục đờn hát, đi chấm thi. Chờ tháng sau ngay mùa lúa quay xuống bán tiếp. Ba Rô gật cái rụp. Còn hỏi kỹ giá cả. Hứa sẽ đi quanh trong ấp giới thiệu người quen, bán giúp luôn!... Tư Ro gởi lại tặng Ba Rô nửa bánh thuốc rê phì phà chơi rồi sửa soạn nổ máy, thầy trò dong về. 

Ghe đang chạy ngang con kinh xáng mới đào thẳng như kẻ chỉ. Xế trưa nắng gắt muốn đổ lửa. Trên bờ đê đất phù sa bùn non khô nức nẻ, gồ ghề sống trâu. Một đoàn đồng bào Khơ-me chừng hơn vài chục người như những bóng đen giữa ban ngày đang lầm lũi trong hàng cây bạch đàn và tràm bông vàng mới trồng lúp xúp. Họ mang gùi chống gậy dắt dìu nhau đi ra hướng sông cái. Ghe tới gần, trông không phải họ đi làm rẫy làm đồng về, dường như họ đang làm cuộc chuyển dời về phum về sóc gì đó. Những đôi mắt trắng dã đăm đăm lên dãy núi Năm Non xanh mờ phía tây, hướng biên giới. Những đàn bà vận xà rông đeo vòng bạc, lưng gùi những đứa trẻ trần truồng đen đúa. Đàn ông đầu trần quăn tít. Phong phanh vá víu như đóng khố, vai trần cuồn cuộn đen bóng như đồng hun. Vài ba ông cụ già áo cánh đen viền thổ cẩm cũ sờn. Có cả một ông sãi vận cà sa vàng cam khoác tay nải.

Ghe trờ tới, thằng Bi giảm ga ngóng cổ lên, giơ tay ơi ới chào đám đồng bào tơi tả lầm than của nó: “Tâu na boòng ơi, tâu na boòng ơi!!...”(1). Từng tràng tiếng Miên trên bờ dưới sông qua lại tró tré rộ lên. Những đôi mắt trắng dã lộ vẻ mừng húm. Những cánh tay gân guốc đen đủi vẫy tới tấp. Thằng Bi nhìn anh Tư đang thiu thỉu nói “thông dịch” lại: “Bà con về Xà Toóng, muốn xin quá giang, được tới đâu hay tới đó. Miễn là đi ngược lên. Tới Chắc-Cà-Đao-Mạc-Dưng cũng được!”. Anh Tư nhìn lên những gương mặt đen đủi khổ sở đang cầu khẩn. Một đứa trẻ đen như bôi nhọ nồi nhoai đầu ra từ chiếc gùi sau lưng người mẹ. Đôi mắt tròn vo sáng rực như đang soi thấu ngực anh. Rồi một bà già nhăn nheo cầm gậy chắp hai tay vái vái về phía anh…

Anh lẳng lặng ra hiệu thằng Thạch Bi chống mũi ghe sát vô và lui cui rút cây đòn dài, bắc lên bờ.

Mặt trời lăn. Ghe đâm ra sông cái, quay mũi ngược lên. Tiếng cười nói rộ mé sông. Lúc này gió thổi ngược, anh Tư nhận ra cái mùi khê khẳm từ đám đồng bào. Mùi của bùn lầy, nắng gió, của khổ sở cơ cực cô kết lại. Những cánh tay với vẫy hướng dãy Năm Non tít mù. Như những cánh chim qua mùa di trú sắp về lại với rừng. Véo von. Hồ hởi. Rồi mấy người già, phụ nữ trẻ con lần tìm chỗ ngồi chỗ nằm dưới khoang. Dỡ cơm đùm, mắm bò hóc ra, ăn bốc ngon lành. Ông thầy sãi là Lục Thum(2) của đồng bào, đang lim dim tọa thiền. Nghe thằng Bi nói, sư sãi chỉ ăn cơm đúng Ngọ. Bốn năm gã đàn ông sồn sồn phóng lên mui, rề lui ngồi quanh bắt chuyện với hai anh chủ ghe tốt bụng - Với người anh em trẻ cùng tiếng nói màu da, như ruột thịt lâu ngày mới gặp, như duyên nợ Phật Trời phù hộ. Một lão chừng ngoài bảy chục, mắt sáng chân mày dài điểm bạc, ngậm ống vố phì phà khói xanh um, áo cánh thổ cẩm ra vẻ già làng, ngồi đối diện thằng Thạch Bi bắt đầu sôi nổi kể. Những câu chuyện mà có lẽ chính nó cũng từng là người trong cuộc. Lão vừa kể vừa hăm hở ra điệu bộ nên anh Tư Ro hiểu cả, như đang nghe tiếng Việt mình:

“… Thằng Pôn Pốt. Tràn qua núi Tượng. Súng! Mã tấu! Búa! Rựa! Liềm! Dùi cui! Tầm vông!... Nó bùm bùm! Nó bụp bụp!... Đồng bào tao, đồng bào Kinh ngã giữa đồng như rạ! Nó xé trẻ con như xé con nhái! Nó hiếp! Nó thọc tầm vông vô cửa mình đàn bà cho tới chết! Nó đập đầu người như đập đầu cá lóc! Giẫy tê tê!... Đồng bào chạy lên núi, trốn trong hang đá. Nó lùng sục lôi ra, chém bằng búa đẽo ngọt xớt!... Đồng bào chạy dồn vô chùa, núp trong bệ thờ Phật, nó quăng lựu đạn vô, máu ngập chánh điện!... Phật cũng bỏ chạy!...

Rồi bộ đội tiến lên, oánh tụi nó xách quần chạy té cứt!... Bộ đội oánh lẹ cấp kỳ!... Bộ đội gom xác đồng bào chết. Tập trung đồng bào còn sống. Xa gần. Dọc biên giới. Đưa lên ghe, lên tàu tản cư. Tàu phà to lắm! Chở cả hai ba làng. Cả trâu bò… Chỉ bỏ lại cái nhà. Cái rẫy. Cái ruộng. Cái cây thốt nốt thôi!...”. Lão ngừng kể, gõ ống vố bồi thuốc châm lửa, phà khói thở dài. Anh Tư Ro móc gói thuốc rê ra mời mấy anh em cùng quấn. Tất cả ngồi nhả khói lặng im ngó mênh mông sông nước trong tiếng máy ghe nổ đều đều.

Trời bắt đầu sụp tối. Lão nói tiếp: “Mấy năm rồi! Giờ giặc giã yên rồi! Đồng bào tao nhớ cái núi. Nhớ cái rẫy cái ruộng!... Về. Vậy thôi! Đi bộ cũng về! Lết, bò cũng về! Kha kha kha!...”. Lão quay qua ôm siết vai anh Tư như vẻ đội cái ơn sâu nặng hôm nay!... Anh Tư nổi hứng vói xuống khoang vớ ấm rượu đế Sóc Trăng mới đong lúc sáng còn đầy. Trái xoài xanh với con khô sặc nướng từ sớm. Rót. Nâng. Xoay mấy vòng sần sần, anh Tư nổi hứng vớ cây đờn vỗ bum bụp bùm Đoàn quân vội đi, đi từ biên giới, nhưng từ biên giới về những người mẹ già, đoàn quân lặng yên nhìn đàn em bé, từng đôi mắt đen xoe tròn, từng đôi mắt mang hình viên đạn, từng đôi mắt sáng lên, cháy lên như ngàn ánh lửa…”.

 “Cùng tắm dòng sông Mêkông… Việt Nam Campuchia tay cầm tay samaki samaki!...” Cả chiếc ghe lắc lư với nhịp nắm tay lắc mông điệu lâm - thon vang động đêm mênh mông sông nước Hậu Giang. Ngừng tiết mục văn nghệ “hữu nghị” là những tràng tiếng Miên lè nhè lựa nhựa. Rồi lớn giọng búa xua như cãi cọ om sòm sòm, vang động tới làng xóm trên bờ còn nghe.

Hình như ghe vừa chạy ngang cái trạm gác hay trụ sở ấp xã chi đó, thấy cái nhà xây tường trăng trắng có gắn bảng màu đỏ. Mấy phút sau có tiếng máy nổ tốc lực cao từ đàng sau. Anh Tư ngoái lui. Hình như có hai chiếc tắc ráng vỏ lãi đang cất mũi xé nước ào ào lao tới phía sau ghe anh. “Đo…àng!!”. Tiếng súng nổ! Anh hoảng hốt giựt bắn người. Mấy ông bạn Khơme ú ớ hoảng hốt. Hai chiếc vỏ vọt khép hình mũi tên xé nước từ hai bên chĩa vào ghe anh. “Đoà…ng! Đoàng!! Dừng lại! Yêu cầu dừng ngay! Ngoan cố bắn chìm tại chỗ!...”. Anh Tư hạ hết ga cho ghe dừng lại. Tiếng máy tắt và tiếng con nít khóc ré lên trong khoang ghe. Tiếng đàn bà người già tró tré. Khoảng năm sáu mũi súng đen ngòm lăm lăm chĩa vào hai bên mạn ghe, tiếng lên đạn rốp rốp: “Yêu cầu giơ tay lên! Ai chống cự bắn bỏ!”. Thằng Bi ra hiệu cho mọi người cùng giơ tay. Một giọng dữ dằn bặm trợn vang lên từ phía các mũi súng: “Mấy ông đã bị bắt! Yêu cầu quay ghe lại, theo tụi tui, về văn phòng giải quyết!” Từ trong khoang, bóng áo cà sa của vị sãi từ từ bước tới đầu mũi ghe, chắp hai tay trước ngực đứng bất động như Bồ Tát giáng thế, mặt hướng lên trời trăng lồng lộng.

Mũi ghe vừa chạm bờ, các tay súng phóng lên rụp rụp dàn đội hình bố ráp: “Yêu cầu đi lên hàng một! Ai manh động bắn bỏ!”. Anh Tư lập tức bị hai tay nhào tới gí súng xóc nách trói thúc ké, đẩy vô trong. “Mẹ, ông chở tụi “Bôn Bốt” này đi làm loạn hả?”. “Dạ đâu có… tui thấy bà con tội nghiệp, cho quá giang…” Một cuộc hội ý chớp nhoáng. “Giải đi!”. Anh Tư không kịp xin mặc cái quần dài đang móc trong khoang ghe đã bị lôi cổ xuống tắc ráng phóng đi. Thằng Thạch Bi được giam lỏng tại chỗ, không được rời khỏi ghe. Đám đồng bào ngồi gục trước sân. Tới sáng được lệnh giải tán…

Nghe tiếng dây xích xủng xẻng. Anh bị đẩy chúi nhủi vô trong cửa song sắt, tối hù. Có tiếng sột soạt của nhiều người. Anh căng mắt một lúc mới thấy lủ khủ lớp nằm lớp ngồi chừng trên mười lăm. Căn phòng kín mít hơn chục mét vuông. Nhiều tiếng xì xào.

Một giọng kẻ cả đằng hắng: “Sao chưa mở mắt dzô sớm dữ dzậy?!... Cướp trộm bị túm tại trận hồi hôm phải không?”. “Dạ… dạ không phải… em đi ghe mua bán…”. “Chà, đi ghe hai đáy chở hàng quốc cấm chớ gì?... Thôi được rồi! Ông là lái ghe, giờ dzô đây cho ông lên lái công-tai-nơ, chịu hông?”. Gã chỉ tay vô cái thùng đạn đại liên không nắp đang đậy bằng tấm ván ở cuối góc phòng. Quy định của trại, ai mới nhập kho phải làm tài xế. “Đó, công-tai-nơ của ông đó. Hàng USA chính hiệu đàng hoàng nghe cha nội! Chứa đạn dược từ hồi chiến tranh để lại, đang xuống cấp, sắp gỉ sét, lủng tới nơi rồi. Ông lái cẩn thận, dằn xóc nó xì hàng ra một cái là thúi hoắc ba làng, nghe chưa?!... Bây giờ sắp tới giờ cao điểm lên hàng rồi”. Có những tiếng khúc khích. Một giọng lên tiếng: “Anh Hai chưa cho nó làm thủ tục chào anh em, anh Hai?”. “A hà!... Nội qui ra mắt chào anh em bắt đầu!... Đề nghị bị can đứng thẳng lên, kéo quần xuống!... Ô hồ! Dài dữ ha? Sao xuội lơ cán cuốc dzậy cha nội! Chào cờ mà xuôi xị dzậy là chết mẹ rồi! Giờ làm sao anh em?”. “Đề nghị cột dây kéo lên! Dây đâu dây đâu?”. Một cọng dây bẹ như đã chuẩn bị sẵn giơ ra. “Yêu cầu bị can tự cột dây. Cầm kéo lên, cúi đầu đi ba vòng chào anh em!”… “Thôi, sắp tới giờ tài xế chở hàng đi. Đêm qua ai chưa lên hàng tiếp tục!”. Các “chủ hàng” lần lượt thay phiên rề tới giở nắp công-tai-nơ, hạ bàn tọa phụt phịt trút hàng. “Mẹ, hôm qua ăn cái giống gì mà xả thúi bể làng dzậy tụi bay?”. “Thì ăn cá vồ. Lát nữa đem cho cá vồ ăn. Mai ăn lại cá vồ. Cứ xoay vòng vòng dzậy! Mình nuôi nó, nó nuôi lại mình!”. Có tiếng dùi cui gõ vào song sắt keng keng keng. “Yêu cầu bác tài chuẩn bị đề-pa cho công-tai-nơ chuyển bánh!”. Anh quản trại xủng xẻng mở cửa sắt cho tài xế lui xe ra. Lăm lăm dùi cui hướng dẫn lộ trình. Bác tài è ạch cho xe đi dọc hàng rào kẽm gai cao quá đầu tới cái hầm cá vồ. Quản trại phất dùi cui ra lệnh cho “ben” hàng xuống. Bầy cá vồ nhào lên sùng sục tranh đớp hàng. Con nào con nấy bóng lưỡn, cả ba bốn ký lô. Bác tài khom xuống súc rửa làm vệ sinh công-tai-nơ tại chỗ bằng nước trong hầm. Xong. Tài xế và xe lui về bến bãi. Anh quản trại khóa cửa cái rẻng…

Tới chiều hôm sau, chiếc ghe được lục soát. Thằng Thạch Bi vẫn nằm trong khoang trùm mền không ăn không uống cả ngày. Trong túi quần Tây anh Tư có bóp giấy tờ và ít tiền. Ngoài giấy chứng minh có thêm ba tờ thư mời chấm thi văn nghệ anh xếp cẩn thận làm tư. Anh lính lác mở ra trình lên anh phó. Anh phó mở ra vuốt ve ba tờ giấy còn mới, nhướng mắt chằm chằm vào dòng chữ: “Trân trọng kính mời Đ/c Nguyễn Văn Ro - Đội trưởng CK Chính trị… BTC hân hạnh được đón tiếp…”. Cả ba thư đóng mộc đỏ chót, ngày ký được ghi cách đây chưa đầy một tháng. Anh phó xoáy mắt vào mấy chữ: Đội trưởng CK Chính trị vẻ mặt hơi đổi sắc! Anh ta đứng bật dậy bước qua bước lại. Nhẩm lui nhẩm tới hai cái chữ CK viết tắt muốn điên cái đầu. Hỏi thử đương sự, đương sự... chỉ nhếch mép cười. Hắn biết đâu Tư Ro cũng chưa nghĩ ra nó là cái gì à? Nhíu mày bóp trán một hồi anh ta đành bước tới, đề nghị anh trưởng đoán thử. Anh trưởng nghiêng ngó một hồi, mắt sáng lên, giọng nạt nộ: “Đồ dốt! Dốt như trâu mà bày đặt làm việc ấp việc xã! Chữ CK có nghĩa là… Cục-Khu! Biết chưa thằng ông nội?! Cục Khu Chính trị!!”. Anh trưởng vỗ bàn cái rầm: “Đội trưởng Cục Khu Chính trị!... Chết mẹ tụi bay rồi!!... Tụi bay bắt đầu làm thú dữ rồi! Cục khu chính trị chừ bộ giỡn sao?...”

Mờ trời sáng hôm sau. “Nhứt nhựt tại tù”. Vậy là tròn hai bốn tiếng bị nhốt và hai đêm một ngày Tư Ro không ăn uống, không nhắm mắt. Và cũng sắp tới giờ anh làm tài xế công-tai-nơ. Bỗng có tiếng gọi từ ngoài song sắt: “Ai tên Nguyễn Văn Ro, bước ra!”. Anh líu ríu đi theo quản trại tới cái phòng rộng rinh có bàn ghế nhưng không có người. “Ngồi xuống!”. Một anh mặc áo bỏ vô thùng, trong cửa phòng bước ra đưa trả anh cái bóp: “Anh là Nguyễn Văn Ro? Anh được tha!”.

Tư Ro bước hai chân như đi hỏng đất ra khỏi cổng. Ngoắc chiếc xe lôi nhảy lên. Về tới ghe thằng Thạch Bi còn ngủ…

Tới sáng ngày hôm sau nữa mới về tới nhà. Chân ướt chân ráo đã nghe mấy anh em văn nghệ hú hí ra quán cà phê đầu cầu. Vừa thấy mặt mũi bộ dạng Văn Ro, khỏi cần hỏi thăm ai cũng biết chắc: Trúng sốt rét!... Mới đi chuyến đầu lạ nước lạ cái. Muỗi rừng miệt U Minh độc thấu trời!... Văn Ro cười cười như mếu!

Lát sau, Minh Hồng trưởng ban văn hóa xã ghé. Vừa kéo ghế ngồi cùng anh em, Minh Hồng đã hồ hởi báo một tin sốt dẻo vô cùng vui: Ủy ban đã chấp thuận cấp kinh phí cho Nhóm Ca khúc Chính trị mình mua nhạc cụ: trống, đờn, âm li… Cả nhóm, nhứt là Văn Ro cứ há hốc như đang nằm mơ. Từng đôi mắt sáng lên cháy lên muôn ngàn ánh lửa… Đầu óc anh bỗng sáng như đèn pha ôtô - CK chính trị là la kheo chính trị - Trời ạ! Rứa mà lú lẫn!

 

_________________________________            

(1): Ấy ơi! Đi đâu vậy ấy ơi!            

(2):  Ông Lớn - Người đại diện tinh thần

 

Nguồn Văn nghệ số 28/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *