CHÍN NĂM - MỘT GIẤC MƠ VĂN CHƯƠNG
Vanvn.net - Từ năm 2013, cuộc thi sáng tác truyện ngắn “Ước mơ hồng” do Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh tổ chức đã ngày càng khởi sắc, trở thành cuộc thi cấp thành phố. Sau 5 năm liên tục tổ chức tại quận 5, Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh được nhận giải Hồ Hảo Hớn (giải thưởng vinh danh những đơn vị có mô hình, giải pháp sáng tạo, đóng góp xuất sắc cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh).
Trong lễ tổng kết cuộc thi sáng tác truyện ngắn “Ước mơ hồng” năm 2017 diễn ra sáng 24-9-2017, nhà văn Trần Quốc Toàn - một thành viên ban giám khảo đã có bài phát biểu đánh giá toàn diện về hoạt động bổ ích này.
Nhà văn Trần Quốc Toàn và các thí sinh đạt giải cuôc thi "Ước mơ hồng" 2017
Có được những truyện này là nhờ các em được sống tại một thành phố đang là địa phương dẫn đầu cả nước về văn học thiếu nhi. Thành phố Hồ Chí Minh có lực lượng viết cho các em rất hùng hậu, trong đó có những cây bút thuộc loại sung sức nhất nước; đó là bệ phóng, là bước đà cho những mầm non văn học.
Có được những truyện này là nhờ năm 2017 chính là năm chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2013 – 2017 giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam về “Tăng cường các hoạt động sáng tác văn học nhằm giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi” được thực hiện rốt ráo để có kết quả như hai bên đã cam kết!
Có được những truyện này là nhờ đơn vị tổ chức – Nhà thiếu nhi TP. HCM đã có 4 năm kinh nghiệm, (chưa kể 5 năm thể nghiệm ở nhà thiếu nhi Q.5) đã năng động giúp các em có những trại viết luôn đổi mới, khi đặt trong doanh trại quân đội, khi đặt trong Bảo tàng thời trang dân tộc, khi đào sâu lịch sử địa đạo Củ Chi, khi mở rộng thực tế biển đảo Vũng Tàu...
Có được những truyện này là nhờ trại viết ƯỚC MƠ HỒNG 2017 có nhiều cải tiến để trở thành một trại viết rất hợp với thiếu nhi, vui chơi nhiều, các trại viên được cắm trại, nhảy lửa, hát kình, chơi chữ, sáng tác văn học cùng nhau.
Nhưng trải nghiệm cũng nhiều! Nhiều trải nghiệm thực tế, chỉ 3 ngày các nhà văn tương lai được tham quan căn cứ kháng chiến cách mạng Minh Đạm; tham quan kiến trúc nhà gỗ hơn 100 tuổi -Nhà lớn Long Sơn ; đặc biệt được thâm nhập thực tế rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo tại căn cứ Lữ đoàn Hải quân 171, được xuống chiến hạm cùng các anh lính thủy!
Nhiều trải nghiệm văn chương, ban tổ chức đã mời các nhà văn: Vũ Hùng, Nguyễn Khoa Đăng, Thu Trân, Bích Ngân, Võ Kim Cương, Nguyễn Nhật Ánh (thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Thái Hải, Đàm Chu Văn (Đồng Nai) tới các câu lạc bộ nói chuyện sáng tác văn học, trước khi trại viên tập trung. Và trong đêm 30-7-2017, các nhà văn: Bích Ngân, Kim Quyên, Lê Luynh, Đàm Chu Văn, Nguyễn Thái Hải, Cao Xuân Sơn, Trần Quốc Toàn tới trại, giải đáp thắc mắc văn chương với toàn thể 80 trại viên!
Với các tác động tích cực như trên, hội thi sáng tác truyện ngắn ƯƠC MƠ HỒNG 2017 đã thành công như mong muốn. 368 truyện ngắn ở 2 vòng thi đã được chấm và chọn ra 15 tác giả được trao giải.
Có thể nhận thấy, đại đa số thí sinh đã bám chắc đề tài biển đảo và môi trường, các em biết cách viết một truyện ngắn có nhân vật, có chi tiết; nhân vật, chi tiết tạo ra cốt truyện; trong cốt truyện có bài học mà người viết muốn gửi tới bạn đọc. Trong các truyện được giải, có thể thấy ở mỗi truyện đều nổi bật một thành công nào đấy về kĩ thuật dựng truyện.
Thí sinh Phạm Ngọc Minh Thư (trường THCS Chánh Hưng, Q.8) – giải Nhất bảng B, biết thoát khỏi công thức phổ biến để tìm sự độc đáo cho truyện của mình. Trong khi số đông bạn viết khác kể chuyện các anh bộ đội cầm súng canh chừng ngoại xâm bảo vệ biển đảo, thì nhân vật Hải trong truyện “Chốn xưa” của tác giả này lại bảo vệ cái làng biển của mình bằng cách đánh đuổi chính những hời hợt, thơ ơ tới vô ơn, bất nhẫn đang có trong chính mình để có thể đồng cảm với cha mẹ, với bà con láng giếng, với xóm biển đã sinh ra mình, cùng mọi người đấu tranh giữ lại đất làng và biển khơi cho người nghèo quê mình. Không chỉ độc đáo về đề tài, Minh Thư còn giỏi khai thác chi tiết. Chỉ là cái vỏ ốc rỗng không thôi, nhưng vỏ ốc khi là kỉ vật của người cha đã khuất, khi là hình tượng thị giác ám chỉ sự gò bó chật chội, khi là hình tượng thính giác để nhân vật có thể nghe thấy “âm thanh của biển vang vọng một cách kì diệu.”
Thí sinh Trần Duy Mai Anh (trường THCS Nguyễn Thị Thập, Q.7) sử dụng triệt để sức tưởng tượng để viết truyện có tiêu đề “Tôi”. Tưởng tượng để có thể mô tả những chi tiết, khung cảnh sống mà mình chưa từng trải. Bằng tưởng tượng tác giả này dựng cảnh một người thợ, nhảy từ giàn khoan này sang giàn khoan kia trên biển như một thiên thần, một vị thần công nhân với thắt lưng bảo hiểm như ai. Vị thần công nhân ấy chịu thanh sắt đâm vào mình, để thanh sắt không đánh chìm một thuyền đánh cá. Nhưng chưa hết, bằng tưởng tượng, Trần Duy Mai Anh còn đưa thần chết vào truyện của mình, để giúp một bác sĩ phẫu thuật có thể chết thử, theo cách hi sinh vì nghĩa cả của một anh lính hải quân.
Phục bút để tạo bất ngờ trong kể chuyện là một kĩ thuật khó nhưng thí sinh Nguyễn Phúc Cát Tường (trường tiểu học Bầu Sen, Q.5) đã thực hiện thành công. Cát Tường kể chuyện ngư dân kia trong một lần ra khơi đánh cá lại cứu được phi hành đoàn 3 người thuộc Không quân Việt Nam bị rớt khi bay tập. Nhưng lạ chưa, một thời gian sau, khi phi hành đoàn tìm tới nhà cám ơn người đã cứu vớt thì đoàn từ 3 đã thành 4 người. Thì ra, trong ba lính không quân, một người là nữ. Và khi rơi xuồng biển, nữ chiến sĩ kia đang mang bầu. Chị đã sinh em bé. Em bé đã theo mẹ, theo đoàn tới cảm ơn người cứu mình. Thật khéo phục bút, cú phục bút làm vụt sáng chất nhân văn trong truyện, biển đã xòe tay đỡ một em bé còn trong bụng mẹ.
Nhập vai là một kĩ thuật viết nhiều thí sinh đã áp dụng rất thành công! Thí sinh Trương Thị Thủy Tiên (trường tiểu học Tạ Uyên, Q.9) giải Nhất bảng A, vào vai một con chim và con chim này đã “hót” rất ngọt câu vào truyện: “Chào các bạn nhỏ dễ thương của đất nước Việt Nam! Mình là chim hải âu. Tổ tiên mình được con người tôn vinh là vua của các loài chim biển”. Lạ hơn, thí sinh Nguyễn Cao Nhật Lan (trường THCS An Nhân Tây, huyện Củ Chi) vào vai một cái thẻ móc khoá, để rồi cái móc khóa bằng gỗ ấy trôi dạt trên biển, đến tay một chiến sĩ hải quân và rồi chính nhân vật chiến sĩ này (chứ không phải tác giả) mô tả hình dạng nhân vật: “Ồ! Thẻ móc khóa hình giọt nước có cẩn hình bản đồ Việt Nam bằng vỏ ốc đẹp lắm! Có thêm hai hạt đá sáng rực bên cạnh, tượng trưng cho đảo Hoàng Sa và Trường Sa! Về với anh nhé, anh sẽ mang theo bên người!”
Hoàng Sa, Trường Sa về với anh, anh sẽ mang theo bên người, là câu văn của một truyện này – truyện “Cuộc hành trình ý nghĩa” nhưng có thể nói, cũng là ý văn của tất cả các truyện viết về biển đảo lần này. Và cũng là ý nguyện, là ước mơ hồng của mỗi người Việt Nam hôm nay.
TQT