Văn học với đời sống

3/11
5:53 PM 2017

Y MÙI VỚI TẬP TRUYỆN NGẮN “NGƯỜI QUÊ”…

Phạm Viết Đào.- Trong cuộc đời có 2 cái nghề mà những người làm trong cái nghề có cái quyền năng tự mình can thiệp trực tiếp, trực diện vào sinh mạng, số phận của người khác. Họ có thể làm thay đổi không chỉ đời sống sinh học mà cả đời sống tinh thần, tâm linh của người khác; đó là nghề y - nghề làm thầy thuốc và nghề viết văn…

                                           Ảnh minh họa: nguồn Internet

Trong cuộc đời cũng có 4 cái nghề mà những con người làm cái nghề này rất dễ bị tổn thương về âm đức, gánh chịu những nghiệp chướng: nghề làm chính trị Một đời làm lãi vạn đại ăn mày; Một đời làm chúa, mười đời ăn mày…); nghề cầm súng, cầm gươm ( Một tướng công thành vạn cốt khô…); nghề làm thầy thuốc để làm thầy thuốc giỏi cứu chữa cho hàng ngàn, hàng vạn người bị bệnh hiểm nghèo không khỏi có lúc sai sót, lẫm lỗi làm chết oan người khác); nghề làm quan tòa trong thời buổi hiện nay Rất nhiều quan tòa hiện nay mỗi khi tuyên xong một bản án tử hình thường phải vào chùa vào nhà thờ sám hối, xin rửa tội)…

Không ngẫu nhiên mà Lỗ Tấn được bố mẹ cho tiền sang Nhật học nghề làm thầy thuốc nhưng ông đã rẽ ngang, chuyển sang cầm bút. Vì Lỗ Tấn muốn tự mình chữa cái bệnh u mê mà hàng triệu sinh linh của dân tộc Trung Hoa vĩ đại của ông đang mắc phải; tuy ở vào đầu thế kỷ XX nhưng  xã hội, con người Trung Hoa vẫn chìm trong bóng đen Trung Cổ. Lỗ Tấn nhận thấy: nếu ông cứ theo nghề thầy thuốc thì chỉ có thể cứu vớt cho vài ngàn con người đói khổ, tật nguyền…

Y Mùi là người có cái may, định mệnh đã an cư Y Mùi và Y Mùi đang hăng hái hoạt động trong 2 cái nghề đầy quyền năng nhưng cũng đầy nghiệp chướng này: làm thầy thuốc và viết văn…Y Mùi đã xây được cái lầu 1: Lầu thầy thuốc, hiện đang hăng hái muốn xây thêm lầu 2: lầu văn…

Đọc tập truyện Người quê của Y Mùi, thấy tác giả có tư chất một nhà văn, có cái hồn hậu, trong sáng của một người cầm bút có lẽ nhờ do những trải nghiệm, từng đụng chạm trực diện tới sinh mạng của những con người mang trên mình những khuyết tật của sinh thể; có thể từ nguồn ren do cha sinh mẹ dưỡng và cũng có thể do hoàn cảnh gia đình-xã hội đưa đẩy…

Đọc văn Y Mùi chưa thấy sự làm dáng, viện dẫn kỹ xảo, những chiêu thức báo hiệu sự lão hóa của tâm hồn giống như một người đàn bà qua tuổi xuân sắc phải dùng tới son phấn để đẩy lùi, đánh lừa tuổi tác, thời gian…

Đọc 9 truyện ngắn trong tập truyện Người quê, người viết bài này chỉ muốn gợi ý cho tác giả và lưu ý độc giả 2 truyện đó là truyện: Người tử tế ( Viết về một phụ nữ vô tình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV)  và Chuyện kể của “người thích ôm rơm” ( Chuyện viết về một người phụ nữ nông thôn tích cóp tiền ra thành phố chữa bệnh)…

Đó là 2 chuyện được nhất, đúng thế mạnh, sở nghề của Y Mùi.

Y Mùi cho biết, chị làm nghề thầy thuốc và 2 truyện này cũng đã cho ta thấy những trải nghiệm đáng tin được thế hiện trong các con chữ do Y Mùi bộc bạch…

Như đã nói, người làm nghề y rất dễ bị tổn thương về âm đức và gánh chịu nghiệp chướng…Dẫu sao thì cái nghề châm cứu của Y Mùi cũng đỡ rủi ro hơn so với cái nghề phẫu thuật mà chỉ cần sai lầm một đường dao, một mũi chỉ có thể đẩy bệnh nhân về thế giới bên kia hay chịu tàn phế suốt đời…Không phải ngẫu nhiên danh ngôn dành cho nghề y đó là: Lương y như từ mẫu

Qua những gì Y Mùi viết trong 2 truyện ngắn này, người đọc nhận thấy Y Mùi đã tự nhận thức được cái đạo cầm kim, đạo chữa bệnh cứu người của người làm nghề thầy thuốc; Đó là sự thành công hồn nhiên, hồn hậu của tác giả Y Mùi, của bác sĩ Đào Thị Mùi…

Chúc Y Mùi vững tiến trên cái tư chất đó, kết hợp ngày một nhuyễn hơn 2 cái nghề đầy quyền năng và nghiệp chướng này…

Là thầy thuốc, Y Mùi biết rõ cơ chế nảy sinh bệnh lý trong con người.

Con người thường bị bệnh khi CHÍNH KHÍ bị rối loạn, TÀ KHÍ nổi lên chế ngự đẩy lùi chính khí dẫn tới bệnh tật…

Người làm thầy thuốc giỏi là người sớm giúp người bệnh củng cố, ổn định chính khí đẩy lúi tà khí..

Nghề y cũng như nghề làm chính trị; chữ CHÍNH TRỊ chiết tự theo chữ Hán là làm cho ngay thẳng trở lại…

Người làm chính trị vương đạo là người làm cho xã hội đang rối loạn về kỷ cương, đạo lý trở nên ngay thẳng trở lại, nghiêm ngắn trở lại.

Người làm chính trị bá đạo, tà đạo là người làm cho xã, hội đang ngay thẳng lành mạnh, trở nên cong queo,  u uất, tối tăm, xuống cấp về đạo lý để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, dòng họ, phe nhóm và đảng của mình…

Đọc Y Mùi thấy văn chất của Y Mùi cón có tiềm năng phát triển hơn, nếu đem so với những gì Y Mùi đã viết ra trong tập truyện ngắn với 9 truyện ngắn được đặt tên Người quê

Hy vọng Y Mùi thấm nhuần y đức của một người làm nghề y, xuất phát từ khu rừng rậm ngành y còn ít được khai phá, bằng những quan sát, con chữ của mình góp phần vào sự nghiệp phục hồi, củng cố chính khí, đẩy lùi tà khí

Từ nghề thầy thuốc, cầm kim tiêm, kim châm cứu trị bệnh cứu người, một cái nghề kiếm thêm thu nhập của một bác sĩ đã nghỉ hưu để nâng cao đời sống vật chất cho gia đình, thêm cái nghề viết văn, Y Mùi đã tự làm giàu thêm cho mình đời sống tinh thần của mình…

Cả hai cái nghề này nếu làm tốt, kết hợp hài hòa nhuẫn nhuyễn thì Y Mùi đã tự dưỡng phúc, bồi đắp phúc cho mình, gia đình mình, con cháu mình…

Các cụ xưa dạy: Có phúc thì có phần.

Chúc Y Mùi tiếp tục tu nghề, tích phúc…

Trong truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, có một tình tiết ám ảnh khủng khiếp người đọc: chuyện cô con dâu, một bác sĩ phụ sản, làm nghề nạo thai, hàng ngày vẫn lấy những cái thai nhi thiếu tháng bị nạo phá đem về nuôi lợn…

Một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn khiến cho người đọc nhớ mãi đôi khi do bởi sự ám ảnh của một tình tiết nào đó… Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp khiến người ta nhớ, khiến người đọc bị ám ảnh chính nhờ cái tình tiết mang đầy tính “nghiệp vụ y khoa”…

Tôi tin Y Mùi chắc chắn biết nhiều chuyện của nghề y hơn là Nguyễn Huy Thiệp, vậy thì Y Mùi nên học và viết theo cách mà Nguyễn Huy Thiệp đã khám phá về ngành nghề của mình đi…

Nếu cứ đi sâu vào nghề y, cái nghề hiện như một khu rừng hoang của châu Phi ít có nhà văn nào đụng bút vào; cái nghề hiện đang nổi lên rất nhiều chuyện vừa qua, cái nghề rất dễ gây tổn thương âm đức và tạo nghiệp chướng;  tôi tin Y Mùi sẽ tạo dựng được một vương quốc văn chương có một không hai…

Chúc Y Mùi vượt xa Nguyễn Huy Thiệp vì Y Mùi chuyên nghề Y hơn Nguyễn Huy Thiệp…

Còn Y Mùi cứ lan man hết chuyện này sang chuyện nọ, mặc dù Người quê cũng là trải nghiệm có thật, ảm ảnh của Y Mùi, nhưng nếu Y Mùi cứ chúi vào mảng này thì khó lòng vượt được Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh… những “ bợm viết” về khu vực đề tài này…

Chúc Y Mùi thành công và hy vọng trong tập truyện tiếp sau sẽ là: Y Mùi kể chuyện ngành Y…

 

P.V.Đ.

 

NGƯỜI QUÊ

Truyện ngắn của Y Mùi

 

 

 

Bác sỹ Nhàn về hưu. Cả đời công chức đến lúc nghỉ hưu bà bác sỹ già chả có nổi quyển sổ tiết kiệm vài chục triệu. Nhà cửa thì vẫn y nguyên một phòng trên tầng ba ở một khu tập thể có sớm nhất Thủ đô.

Tuy bác sỹ Nhàn còn sức khỏe và dư khả năng phục vụ nhân dân kiểu bác sỹ gia đình, nhưng hành nghề ở phố là bất khả thi vì nhiều lẽ. Bà Nhàn quyết định trở về quê hương tìm chỗ “cắm dùi” sau hơn ba mươi năm cống hiến cho nhà nước.

Một lần, bà Nhàn vui miệng kể với đám bạn đồng nghiệp rằng sẽ về quê mở phòng khám thì một bà bạn khuyên:

- Tôi chả biết mụ nghĩ thế nào, chứ theo tôi thì không nên đâu. Trông gì ở mấy ông bà nông dân nghèo ấy, ăn còn không no thì lấy đâu ra tiền chữa bệnh. Mà mụ đi lại thế nào? Quê xa thế, sức khoẻ đâu mà đi bằng xe máy mãi.

 - Thì cứ thử xem thế nào. Chơi không cũng đâu có được. - Bà Nhàn cười.

Thực ra, trong thâm tâm thì bà Nhàn đâu có định mở phòng khám vì tiền nhưng nói ra thì chỉ thêm bằng chứng xác thực cho chứng chập cheng thành mạn tính của bà.

Sau khai trương phòng khám vài tuần lũ bạn đồng nghiệp hưu trí lại gặp nhau, vẫn bà bạn hay chuyện ấy hỏi ngay tình hình phòng khám của bà Nhàn, bệnh nhân nhiều ít, thu nhập thế nào.

- Mới bắt đầu, bệnh nhân còn rón rén lắm, khá mệt mỏi. - Bà Nhàn cũng chỉ nói như vậy.

- Đúng là động cơ kinh tế. Mạnh thật đấy. Công nhận mụ này khỏe, như con trâu cày, đi đi về về như con thoi. Mà mỗi tuần về quê có kiếm được vài ba triệu không?

Nói đến tiền là bà Nhàn lảng chuyện khác.

***

Người em trai cùng cha khác mẹ đã rộng lòng đón người chị chung huyết thống về mở phòng khám bệnh tư tại nhà mình. Ông sửa chữa một gian chái nhà của ngôi nhà năm gian xây kiểu cổ nằm quay mặt ra đường cái để làm chỗ cho bà chị hành nghề. Bà Nhàn chạy đi chạy lại, qua tất cả các cửa cần phải qua, đến tất cả những nơi cần phải đến. Chứng chỉ hành nghề được cấp. Tấm giấy phép đủ điều kiện kinh doanh cũng đã nằm trong tay, bà Nhàn thở phào. Hóa ra, việc khám chữa bệnh tư nhân cũng là công việc kinh doanh cần rất nhiều điều kiện do ba, bốn cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu với nhiều chữ ký và con dấu quốc huy. Cũng phải thôi, phải chặt chẽ như thế để lang băm, người không đủ trình độ chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất mở dịch vụ y tế không có cơ hội làm bừa, lừa đảo dân tình. Y tế tư nhân được quản lý chặt chẽ như vậy thì dân chúng đỡ bị tiền mất, tật mang khi mang tấm thân gửi trúng chỗ lang băm, thầy thuốc rởm. Cả cuộc đời công tác trong ngành y tế, bà Nhàn biết rất nhiều trường hợp tai biến, tai nạn nghề nghiệp do sự dốt nát của người xưng là thầy thuốc. Có những trường hợp tử vong rất đau lòng mà người ta chỉ biết đồn đoán do không gặp thầy gặp thuốc, nên mới ra cơ sự hay do số mệnh. Trời chỉ cho sống được có thế…

***

Công việc chuẩn bị đã hòm hòm, phòng khám chờ ngày tốt để khai trương. Chỉ còn thiếu tấm ri - đô ngăn chỗ khách ngồi chờ với phần diện tích kê giường khám bệnh. Cô cháu đang học ở một trường y - dược tư thục, giúp việc cho phòng khám nhờ bà bác nhân tiện đi may ri - đô thì mang cái quần của nó đi cắt bớt gấu luôn.

Hai bác cháu đo đo đếm đếm, đánh dấu cẩn thận phần ống quần cần cắt bớt, trước khi bà Nhàn đi tìm hiệu may. Bà bác sỹ già chọn cách đi bộ. Bà Nhàn rảo bước, hướng về phía một hiệu may cũng nằm ngay trên mặt đường làng, cách phòng khám của bà chỉ khoảng hơn một cây số.

Đường làng, cũng chính là con đường liên xã đổ bê tông ngày mùa phơi đầy rơm, biến thành một thảm rơm vàng óng trong nắng tháng năm. Mùi rơm mới phơi được nắng dậy lên cái mùi thơm đặc trưng của làng quê mỗi khi mùa gặt về. Bà Nhàn nhẩn nha đi trên thảm rơm, vừa hít hà mùi quê khi mùa về, vừa ngắm nhìn những khoảng sân phơi no thóc đang rực rỡ vàng trong nắng. Một cảm giác rưng rưng dâng lên trong lòng bà bác sỹ già gốc nhà quê. Cứ như thể mùa vàng bội thu này là thành quả lao động của chính bà vậy. Mọi mệt mỏi tiêu tan. Bà Nhàn chầm chậm bước, cố hít hà thật nhiều cái mùi mùa màng thân thuộc, tỏa thơm nồng dọc con đường quê trải dày rơm mới. Những bước chân như say. Bà bác sỹ già ngất ngây trong hương vị mùa màng. Từ bao giờ nhỉ, bà Nhàn đã quên bẵng đi cái mùi quê này, cái mùi ngày mùa rất đặc trưng của làng quê mà chỉ có người quê mới nôn nao khi chợt bắt gặp.

Cuộc sống nơi làng quê thật yên bình!

***

Một tiệm may cỏn con. Lướt qua tấm biển hiệu trước cửa “Nhà may Sài Gòn - Nhận may vá và sửa chữa áo quần các loại”, một ý nghĩ bật ra trong đầu bà Nhàn, tay thợ vi tính nào thiết kế khuôn chữ cũng khá chuẩn đấy. Chỉ có điều sự phối màu không thoát được chất quê. Lũ màu vàng - xanh - đỏ… đánh nhau loạn xạ, rối hết cả mắt.

Cô thợ may chắc chỉ khoảng trên dưới ba mươi tuổi, ăn mặc “sành điệu” kiểu nửa quê nửa tỉnh, đang ngồi ôm bàn máy khâu. Bà Nhàn đã bước vào hẳn trong nhà. Cô chủ nhà may vẫn chúi mũi vào mấy cái lỗ chân vịt. Máy khâu vẫn lạch xạch chạy đều đều.

- Chào cháu. - Bà Nhàn phải lên tiếng trước.

Cô thợ may vẫn không ngẩng mặt lên, cũng không đáp lại. Chắc nhiều việc hay phải trả hàng gấp đây, nghĩ thế và bà Nhàn thấy mừng vì người dân quê đã đạt tới ngưỡng no cơm, ấm áo. Nay là nhu cầu mặc đẹp, ăn ngon nên nghề may cũng dư dả việc làm. Tự nhiên, bà bác sỹ già trở nên dễ tính hơn mọi ngày, không chấp cái tội của một “trẻ ranh” thấy “cao lão” đã không chào trước lại còn vô lễ không thèm đáp lại. Bà là khách hàng. Bà mang việc đến cho nó chứ có xin xỏ gì đâu sao nó không xởi lởi chào hỏi bà chứ?! Đúng là thiếu giáo dục. Nói theo ngôn ngữ của truyền thông bây giờ gọi là thiếu kỹ năng mềm. Lớp trẻ bây giờ… nghĩ đến đây, bà Nhàn chẹp miệng.

Xem ra, cô chủ nhà may này cũng là người chịu thương chịu khó, ham làm. Bây giờ người chăm chỉ ham việc ít lắm. Gặp bọn trẻ chăm chỉ là bà Nhàn cảm tình ngay và có thể bỏ qua mọi lỗi của chúng. Trong khi chờ cô chủ nhà may dừng tay, bà Nhàn ngó lơ gian nhà chừng vài chục mét vuông của hiệu may vá gắn mác Sài Gòn. Mấy dây vải nguyên liệu màu sắc sặc sỡ, vắt chồng chất lên nhau áp sát tường. Lũ áo quần thành phẩm và đồ phụ kiện vá may lèo tèo. Bà Nhàn hơi thất vọng, nhưng tặc lưỡi có may vá gì quan trọng đâu mà phải kén chọn hiệu may với thợ may.

Bà Nhàn vừa ngó nghiêng, vừa hỏi xã giao vài câu. Khi bà đề nghị cô gái may ngay mấy thứ mình đưa đến thì cô chủ nhà may bảo không được, dù bà có đề nghị trả thêm tiền công làm gấp, lấy nhanh. Hóa ra, làng quê này chưa bị tiêm nhiễm vấn nạn “bôi trơn” hiện đang rất phổ biến, như một loại dịch bệnh lây lan trong hệ thống các cơ quan công quyền từ cấp thấp đến cấp cao. Thôi thì đành theo hẹn vậy. Bà hỏi cô thợ may ham việc:

- Bao giờ lấy được?

- Phải sang tuần. - Cô gái trả lời trống không.

- Sao lâu thế cháu?

- Cháu đang nhiều việc, không làm ngay được. Cô không chờ được thì đi hàng khác mà may. Còn mấy hiệu may vá vặt ở làng này nữa đấy.                      

Nghĩ cũng chả có gì gấp gáp, giữa tuần tới mới là ngày khai trương phòng khám, bà Nhàn chủ động ướm hỏi, chốt ngày lấy hàng:

- Thứ hai nhé?

Cô gái đáp vâng rất nhanh. Bà Nhàn thở phào, nghĩ thế là ổn.

***

Đúng hẹn, bà Nhàn đến lấy hàng nhưng phải về không vì cô thợ may đi vắng. Sáng thứ ba, bà Nhàn lại đi. Nhà may Sài Gòn vẫn cửa đóng then cài im ỉm. Bà Nhàn đập cửa, gọi: “Cháu ơi! Cháu thợ may ơi!”. Rồi bà lại về tay không, trong bụng nghĩ cô gái này cũng hạng lười nhác thôi.

 Lần thứ ba, quá tam ba bận bà Nhàn cũng lấy được đồ. Một cô gái chắc là em chủ nhà may vì trông khá giống cô chị, đưa bà Nhàn cái túi nilon ghi rõ hàng bên trong và số tiền phải trả.

Mang túi đồ về đến nhà, bà Nhàn mở ra xem. Ôi thôi! Thất vọng tràn trề. Tấm ri - đô là vải phin trắng, một loại vải may cực dễ nhưng đường kim mũi chỉ nhăn dúm dó, xiên xẹo, vẹo vọ. Các đầu chỉ may thừa lồi xồi, lua tua. Trình độ may vá thế này chỉ là của người đang học việc. Bảng hiệu ghi như thế mà tay nghề thế này ư? Trương biển nhà may Sài Gòn thì thợ phải có trình độ chứ?! Bà Nhàn lẩm bẩm một mình. Thiệt tình, bà Nhàn rất bực mình.

Khi cô cháu thử cái quần thì sự thể còn tệ hại hơn. Nó chạy đến trước mặt bà bác hỏi:

- Được không hả bác?

Bà Nhàn bảo cô cháu quay trước, quay sau. Ngắm nghía một chập, bà lắc đầu, bảo:

- Hình như ống cao, ống thấp.

- Thế ạ? - Con bé hỏi với giọng thảng thốt. Nó đang ngóng cái quần mới để diện đi hẹn hò vào cuối tuần. Giờ thì hỏng bét.

- Cởi ra bác xem nào.

Bà Nhàn gấp cái quần lại, vuốt hai ống quần nghiêm ngắn, kiểm tra. Không thể tin được, hai cái ống quần ngắn dài hơn nhau đến vài phân chứ không ít. Đường may hai cái gấu quần thì không khá hơn tấm ri - đô là mấy. Bà Nhàn quả quyết:

- Tưởng chỉ tấm ri - đô trục trặc thì cho qua, dùng bàn là ủi kỹ chắc ổn, nhưng cái quần cũng hỏng thế này thì không được, bắt nó sửa lại thôi.

Hôm sau, bà Nhàn mang túi đồ may hỏng trở lại nhà may Sài Gòn thì thấy cửa lại im ỉm đóng. Nhà may Sài Gòn lặng như tờ. Chiếc khóa treo lủng lẳng bên ngoài cánh cửa. Cô thợ làm đầu ở căn nhà đối diện với hiệu may hóng hớt, nói vọng sang: “Nó đi ra thành phố chơi rồi, tuần sau mới về”. Bà Nhàn đành tiếp tục đeo cục tức ngày một nặng trĩu hơn trong lòng, mang túi đồ quay về. Bà quyết tâm phục chờ để bắt đền con bé thợ may tưởng tài cán, cành cao tự phụ, hóa ra tay nghề chả ra gì lại còn ham chơi hơn ham làm.

***

Phòng khám vẫn khai trương đúng ngày giờ dự kiến chỉ không có tấm ri - đô. Không có tấm ri - đô nên phòng khám trông thiếu kín đáo một tí. Cục tức trong lòng bà bác sỹ hưu trí rồi cũng tạm biến đi vì những ngày đầu khai trương bà Nhàn mải tiếp khách. Toàn là “khách hàng tiềm năng”. Họ đến để xem phòng khám mà không khám bệnh. Họ không khám bệnh không phải vì không có bệnh. Thậm chí, có người còn đeo vài ba chứng bệnh trong người nhưng người ta còn đắn đo. Người ta còn nghe ngóng. Người ta còn chờ đợi. Người ta còn dò hỏi xem sao. Dân chúng tò mò đến xem bà bác sỹ già từ thành phố về làng mở dịch vụ y tế, xem bà khám chữa những bệnh gì, tay nghề cao hay thấp. Phải nói là nườm nượp người, chủ yếu là do hiếu kỳ mà người ta rủ nhau ghé phòng khám của bà Nhàn.

Hiếu kỳ là một trong những thuộc tính truyền đời của con người trên dải đất hình chữ S này chứ đâu chỉ có ở cái làng này! Dân làng tận mắt mục sở thị cái phòng khám bệnh tư mới khai trương, tuy khiêm tốn diện tích nhưng khá thoáng mát, sáng sủa; một thầy thuốc, bác sỹ “xịn” mà lâu nay họ mới chỉ nghe tên. Tuy vậy, họ vẫn bán tín bán nghi, nấn ná chờ để xem bác sỹ trung ương có những tài nghệ gì. Họ nghe lỏm tư vấn của bà bác sỹ khi có ai đó liều mình vào hỏi han về bệnh tật.

Thường thì dân quê gan góc lắm, giữ tiền chặt lắm. Bệnh nhẹ rồi sẽ tự khỏi lúc nào không biết. Chỉ khi bệnh nặng, thật nặng hay thật đau đớn, đau không chịu nổi nữa người quê mới moi hầu bao, nói câu khiêm nhường, như cả đời họ vẫn quen khiêm nhường: “Trăm sự xin nhờ bác sỹ ạ”. Chính thói quen coi thường bệnh tật, xem nhẹ sức khỏe như vậy mà không ít gia đình, không ít người quê vướng vào nợ nần chỉ vì cái sảy nảy cái ung do việc tìm thầy, tìm thuốc không kịp thời. Bệnh nhẹ không chữa, khi bị nặng, bị biến chứng rồi thì tiền chất lên tiền cũng khó mà khỏi bệnh. Có nhiều khi tiền mất mà tật vẫn mang. Trường hợp xấu nhất thì tiền mất và người đi theo với tiền luôn.

Ở một làng quê khá xa chốn thị thành, tự nhiên mọc lên một phòng khám bệnh tư nhân mà biển hiệu còn hoành tráng hơn cả mấy hiệu làm đầu, nhà may treo mác Sài Gòn thì quả là một sự kiện lạ với người dân vùng quê chỉ trông vào đồng ruộng là chính. Người ta bán tin bán nghi. Bác sỹ chính quy mà phải về kiếm ăn quẩn ở làng quê thì cũng là chuyện lạ chứ! Dân lành có là con kiến hay củ khoai thì cũng không dễ lấy được tiền của họ đâu nhé. Họ ngắm nghía chán. Họ nghe ngóng chán. Họ chỉ quen thấy người quê đổ ra phố kiếm tiền chứ chưa thấy bác sỹ từ phố về quê mở phòng khám bệnh tư như thế bao giờ.

Những ngờ vực, lăn tăn của người dân quê khi thấy bà bác sỹ già về làng mở phòng khám bệnh thì mãi sau này bà Nhàn mới biết.

***

Quay lại chuyện nhà may còm gắn biển hiệu “Sài Gòn”. Ba, bốn ngày trôi qua bà bác sỹ cuốn vào việc của phòng khám quên luôn nhà may Sài Gòn.  Cô cháu phải nhắc bà bác:

- Bác không đi xử lý vụ ri - đô và quần của cháu à?

- Ừ, bác sẽ đi.

- Bác nhớ mắng cho chị ta một trận nhé. May vá chẳng ra gì nhưng tinh tướng lắm đấy bác ạ.

- Ừ.

Tranh thủ lúc phòng khám vắng khách (chính xác là vắng người xem khám bệnh), bà Nhàn lại túc tắc bách bộ vẫn trên thảm rơm vàng óng phơi dưới nắng mới trên con đường làng, đi về phía nhà may Sài Gòn. Thấy cô thợ may đang ngồi chơi, mắt hóng ra đường, bà Nhàn thở phào, nghĩ đã gặp may.

Bà bác sỹ già cố gắng ôn hòa:

- Cháu đi đâu mà tít mít thế? Cô đến tìm thấy cháu đóng cửa. Xử lý lại vụ này cho cô với.

- Cái gì? Làm sao? - Cô thợ may hỏi dồn, vẫn những câu cộc lốc, trống không giống như lần đầu tiên bà đến.

Bà bác sỹ già như chợt nhận ra, xã hội càng phát triển, càng tiến bộ thì hình như nét đẹp văn hóa trong lời ăn tiếng nói của lớp trẻ càng khó tìm, hiếm thấy hơn. Bà rút tấm ri - đô ra vạch lỗi của nhà may Sài Gòn. Bà Nhàn còn chưa nói xong cô thợ may đã cướp lời:

- Cháu may cho cả làng, may hàng cả cho các “Xốp” thời trang. Chả ai phàn nàn gì. Mà cháu đã bảo cô rồi, máy khâu của cháu không may được vải rẻ tiền. Cháu chỉ may vải cao cấp thôi.

- Nếu cháu nói thế thì cô đã đi tìm hiệu may khác. Cháu chỉ bảo bận, không làm ngay được. - Bà khách cự lại, trong đầu thì nghĩ loại này “xốp” thật.

Cô thợ may cầm tấm ri - đô lên, lật lật, xem xem, rồi chỏng lỏn lên giọng:

- May thế này chứ còn thế nào nữa? Lần sau cô mang đi chỗ khác mà may. Cháu không thiếu việc làm.

- Mà cháu cẩu thả quá! Chỉ may còn thừa để tua tủa, chả cắt, chả nhặt đi. - Bà Nhàn đã rất bực mình về thái độ khiếm nhã, hơi hỗn của cô thợ may, nhưng vẫn kiên nhẫn vạch lỗi của cô thợ may đã dốt nát còn kiêu căng, hỗn với người trên.

- Cắt đi là xong chứ có gì đâu. - Vừa nói cô thợ may vừa lấy kéo cắt bỏ các đoạn chỉ thừa.

Bà Nhàn không còn biết nói gì về vụ ri - đô nữa. Bà rút cái quần còn nằm im trong túi nilon, chìa về phía cô chủ nhà may:

- Cái quần cắt bớt ống thì cháu cắt bên ngắn, bên dài. Bây giờ phải xuống hết gấu bên ngắn và đáp gấu vào có khi vẫn ngắn hơn bên kia.

- Sao lại thế được? - Cô thợ may hỏi lại bà khách rồi cầm cái quần lên ngắm ngắm đo đo. Khi thấy đúng là một ống dài, một ống ngắn, chủ nhà may Sài Gòn lý sự:

- Cháu cắt đúng như cô bảo, mỗi ống cắt đi ba “xen - ti”. Tại cái quần của cô ống ngắn, ống dài. - Vừa nói cô gái vừa lấy cái kéo tháo chỉ đường may gấu quần.

Ngẫm nghĩ thế nào nhà may hiệu Sài Gòn lục vấn bà Nhàn:

- Sao ống quần không cân mà cô không bảo cháu? Cháu chỉ cắt bớt gấu thôi chứ đâu có so hai ống quần. - Giọng chẳng mấy thân thiện, cô thợ may vừa nói, vừa lách cái đầu kéo nhỏ chuyên dùng vào các mũi chỉ nơi gấu quần, giật phừn phựt.

Bà Nhàn sợ cái mũi kéo sắc nhọn bập vào vải nên nhắc cô thợ may:

- Cháu cẩn thận kẻo rách quần mất.

- Làm sao mà rách được. Vào vải thì cháu sẽ đền. - Cô ta ném sự bực bõ vào bà khách.

Bà bác sỹ già thấy chán hẳn. Chẳng còn gì để nói, bà Nhàn đành đứng lặng, nín thở xem chủ nhà may Sài Gòn vùng vằng cầm cái kéo giật đứt tung những mũi chỉ như thể chúng là thủ phạm gây ra cái sự bực mình cho cô ta. Tháo xong hai cái ống quần, chủ nhà may lại đo đo, ướm ướm. Một vài khắc trôi qua, cô ta phán:

- Phải may gấu rất nhỏ. Cháu sẽ cắt bớt ống dài hơn đi một ít là ổn. Cô chờ một chút. Cháu làm ngay bây giờ đây.

Giọng cô thợ may đã bớt tức tối. Cô quẳng cái quần lên bàn như thể quẳng vào mặt khách, rồi quay quả đi vào nhà trong. Chắc có nồi gì đang đun nấu trong bếp, bà Nhàn nghĩ vậy.

Một hồi, cô ta trở lại ngồi vào bàn máy khâu. Ngẫm nghĩ thế nào cô ta quay ra hỏi bà Nhàn:

- Hôm trước cháu thay khoá cho cô chứ có phải cắt gấu đâu nhỉ?

Thật bực mình quá đi mất. Cái tờ giấy có ghi rất rõ nét chữ của chủ nhà may: “May rèm và cắt gấu quần, 25 ngàn đồng”, bà Nhàn đã ném đi mất.

Bà khách đứng lơ vơ ngó nghiêng ra đường, định bụng cố chờ lấy luôn cho đỡ mất thêm thời gian. Nhưng chỉ trong tích tắc, bà Nhàn quyết định “ngược” cho lành. Bà thu nhanh, gấp gọn hai món đồ và xin chào mà không hẹn gặp lại nhà may Sài Gòn! Bà nghĩ, để nó cắt bớt, may lại trong tâm trạng thế này thì chữa lợn què thành lợn chết toi mất.

Thấy bà khách bỏ về chủ nhà may bảo:

- Để đấy cháu làm lại cho cô ngay bây giờ.

- Thôi khỏi! Bye bye cháu.

 

***

Trên đường về, bà Nhàn mất hết cả hứng thú với thảm rơm vàng, với nắng mới, với hương đất, hương trời và hương mùa màng đang dậy khắp làng quê.

Trước khi đi bắt đền nhà may Sài Gòn, cô cháu còn dặn: “Bác nhớ mắng cho chị ta một trận nhé”. Thế mà bà còn chưa kịp mắng nó thì nó đã xơi xơi mắng lại bà già.

Về đến nhà, bà Nhàn kể câu chuyện “đi bắt đền” không thành cho cả nhà nghe, rồi chốt hạ:

- May còn kịp tỉnh ra không cho nó sửa tiếp. Nếu cố bắt vạ nó có khi phải vứt bỏ cái quần của con bé đi cũng nên.

Cả nhà lại được một bữa chém gió thư giãn quanh chủ đề nhà may Sài Gòn. Ông em cùng cha khác mẹ có vẻ từng trải lên giọng khai nhãn cho bà chị lâu nay đã bị mai một gốc quê:

- Chị nghĩ thế nào mà đòi hỏi tay nghề với cả chất lượng dịch vụ ở cái làng này? Chúng nó giỏi giang đã không phải quay về làng kiếm ăn kiểu gà què ăn quẩn cối xay như thế.

- Ơ, thế hóa ra cậu bảo tôi cũng đang ăn quẩn cối xay á? - Bà Nhàn ngỡ ngàng hỏi lại ông em cùng máu mủ ruột già.

- Là em nói con thợ may chị gặp và mấy con cắt tóc, làm đầu, trang điểm, sơn móng. - Ông em biết lỡ lời nên cười chống chế, rồi tiếp tục chém gió: chúng nó đi ra ngoài học mãi nhưng chỉ được có vậy thôi. Con bé chủ nhà may Sài Gòn ấy vào Nam mấy năm học nghề mà có biết may vá gì cho ra hồn đâu. Đường may thì như rắn lượn. Có lần nó nhận vải may “com-lê” cho người ta rồi bị bắt đền tiền vải. Ai may vớ vẩn, được chăng hay chớ, hám rẻ mới đến mấy nhà may ở làng. Những người kỹ tính, biết xấu, biết đẹp đều dắt nhau lên tận phố huyện may vá...

Rồi ông em kể về sự cố của cô thợ làm đầu, chăm sóc tóc. Có lần cô ta nhuộm tóc cho một bác giai góa vợ. Nhuộm xong thì “đầu ơi, ở lại tóc đi nhé”, tóc của bác ta bị đi gần hết sạch. Chả là bác ta muốn trẻ lại một chút, muốn biến tiêu muối thành mun nhưng dính thuốc nhuộm tóc rởm. Cái đầu không tóc trơ ra giống cái “gáo dừa”. Tóc chỉ còn lơ phơ, trông rất buồn cười, đúng thời kỳ bác ta đi cưa một mẹ nạ dòng. Tóc mãi không mọc trở lại được, trông bác ấy xấu thảm xấu hại. Ở quê, chỉ một câu xin lỗi là xong. Nếu ở phố, chắc hiệu làm đầu ấy sẽ mệt lắm, bị bắt đền là cái chắc.

Mượn chuyện về mấy cửa hàng dịch vụ trong làng, ông em xoay sang chuyện phòng mạch của bà chị; rằng mở chỉ phục vụ mục đích cho vui, làm từ thiện, làm cho đỡ quên nghề và làm cho trí nhớ đỡ bị lão hóa thì được; rằng muốn moi tiền của dân làng thì khó lắm, đừng hy vọng kiếm tiền ở làng quê này; rằng các nhà thuốc đã làm thay nhiệm vụ của thầy thuốc rồi; rằng người đứng bán thuốc tây biết tuốt. Họ thạo lắm, biết bệnh gì thì uống thuốc gì, nên khỏi cần đi khám bác sỹ. Ông em thạo đời tiếp tục phân tích về cái sự thiệt hơn cho bà chị rất lơ ngơ thời cuộc:

- Chỉ mất hơn một giờ đồng hồ đi xe buýt là bà chị đã có mặt ở quê, hít thở bầu không khí trong lành, chỉ ngồi chơi ăn gạo quê, thịt cá tự cung, tự cấp do nhà làm ra. Rau sạch, hoa quả an toàn, thực phẩm không độc hại, lại rẻ. Bà chị sẽ thấy hơn hẳn cuộc sống ở trên cái lồng chim giữa khu tập thể xập xệ, san sát nhà tầng, chật cứng những người. Sống ở quê, bà chị sẽ vừa vui, vừa khỏe người. Còn nếu bà chị muốn kiếm tiền ở vùng quê này thì hơi bị khó đấy. Tuy dân trí ở đây vẫn thấp, nhưng bà chị không thể dùng cái ống nghe tim phổi và cái máy đo huyết áp bóp tay như thế để lấy tiền của dân tình đâu. Muốn lấy tiền của họ thì con cháu gái nhà em sẽ phải đi học thêm một vài khóa sử dụng máy điện tim, máy siêu âm. Phải đầu tư máy móc kỹ thuật công nghệ cao mới hòng hút người ta đến. Chả cần biết kỹ thuật viên có đọc được những gì máy móc báo cho không, nhưng cứ thấy phương tiện thiết bị hiện đại bày ra đó hoành tráng là người ta sướng con mắt, người ta tin. Người ta sẽ nghĩ bỏ đồng tiền ra là xứng đáng. Vẫn biết chuyên môn, kinh nghiệm của bà chị ở cả trong đầu nhưng có ai nhìn thấy đâu…”.

Đôi tai của bà Nhàn vẫn nạp câu chuyện của ông em sành sỏi sự đời. Còn cái đầu của bà vẫn bận nghĩ đâu đâu, toàn những điều vụn vặt. Hình như bà đã quá già!

Cáo chết quay đầu về núi. Bà Nhàn từ quê ra thành phố lập nghiệp. Nay hết tuổi phục vụ nhà nước, thấy sức khỏe và trí tuệ vẫn còn ngon nên bà muốn về quê tiếp tục hành nghề theo cơ chế thị trường định hướng vui là chính.

Ngẫm lại, hóa ra chả có việc gì dễ.

Mùa hè năm 2010

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *