Văn học với đời sống

9/11
2:52 PM 2017

KIẾN VĂN VÀ BẢN LĨNH CỦA MỘT NHÀ VIỆT NAM HỌC

Hồ Sĩ Vịnh-Đó là giáo sư, tiến sĩ khoa học, viện sĩ Nicôlai Ivanovich Niculin (1931-2006), một trong nhà nghiên cứu văn học, văn hóa học, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, người đã để lại những dấu chân lịch sử ngay từ khi hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta vào đầu những năm 50.

Trong số những chuyên gia Nga Xô Viết đến nước ta thời đó để góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh giữ nước, N. I. Niculin khi ấy còn rất trẻ, nói tiếng Việt chưa thật sỏi, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự chiêu đãi nhân dịp Đại sứ Liên Xô nhận chức vào tháng 11/1954. Dễ thường có đến trên ba thập kỷ, Nicôlai Ivanovich đã có những đóng góp xuất sắc cho nền văn hóa của hai nước. Từ đó cho đến ngày tháng Liên bang Xô Viết tan rã, kéo theo sự sụp đổ của chế độ xã hội, thì văn học Xô Viết, văn học Nga nếm đủ mùi cay đắng của sự phân ly. Giữa lúc một số văn nghệ sĩ hướng về phương Tây, nơi mà họ biết không dễ dàng gì cho sự sống và sự sáng tạo, số ít hơn lao vào con đường thử sức trong chính trị, số thứ ba hăm hở tìm đường kinh doanh, còn đại bộ phận văn nghệ sĩ, trong đó có Niculin thì tin rằng, văn hóa Nga bao giờ cũng là nền văn hóa của lương tri, của chủ nghĩa nhân văn, là tài sản của văn hóa nhân loại.

Trên ba mươi năm đồng hành với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, bằng sức lao động bền bĩ, sáng tạo, giáo sư đã có một danh mục tác phẩm, tiểu luận với trên 300 đề tài khoa học về văn hóa, văn học, về mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Xô Viết. Chiều rộng kiến thức của ông về văn hóa dân gian, về bảng màu đa diện của văn học cổ cận đại, về sự giao lưu giữa văn học Việt Nam và văn học khu vực, quốc tế được trải rộng ra qua nhiều đề tài, mà đề tài nào cũng được tìm thấy cái mới, cái có ích, thậm chí bất ngờ đối với lĩnh vực Việt Nam học.

Nghiên cứu Folklore và văn học cổ điển Việt Nam, Niculin thường dùng phương pháp liên khu vực, nhất là các nước Đông Á và Đông Nam châu Á như: Quan hệ văn học Việt Nam - Triều Tiên cuối thế kỷ XVI giữa thế kỷ XVIII; cuộc cầu hôn anh hùng trong sử thi Êđê và Malaikia; quan hệ giao tiếp giữa văn hóa Việt Nam và châu Âu từ thế kỷ XVIII - XIX; Nhà truyền giáo Pháp thế kỷ XVIII về hề chèo Việt Nam; Cảm tình của linh mục Philipphê Bỉnh - đã sống 35 năm ở Bồ Đào Nha, vừa là nhà văn viết về châu Âu, về nước Nga bằng chữ quốc ngữ được Bồ Đào Nha hóa, v.v… Thật thú vị là việc phát hiện nhiều cái mới, cái lạ, cái lôgích trong quan hệ văn hóa Việt Nam thời cận đại chúng ta có thể tìm thấy trong các tiểu luận: Rồng Việt Nam và dòng sông Volga; Vua Hàm Nghi và nữ văn sĩ Nga T. L. Sepkina nói về cuộc gặp gỡ giữa hai người tại Alguri trong thời gian vị vua yêu nước bị đi đày biệt xứ; Những địa danh nước Nga trong Vấn Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, v.v… Tất cả đều đã được công bố trên các tạp chíVăn hóa - Nghệ thuật và Văn hiến Việt Nam.

Nói đến bản lĩnh trong tư duy khoa học của N. Niculin, cần nhấn mạnh lý tưởng thẩm mỹ và lập trường chính trị của một nhà khoa học chân chính. Thực trạng đau lòng sau khi liên bang Xô Viết tan rã đã gây nhiễu loạn trong việc đánh giá, bất đồng, phù định, xuyên tạc vô căn cứ nền văn học Xô Viết, vốn đã được loài người tiến bộ đánh giá cao. Trong bài Đối mặt với lịch sử, Niculin đã dẫn ra nhiều hiện tượng tiêu cực của một số người trong cuộc hội thảo của Hội nghiên cứu văn học so sánh quốc tế tại Braiton (Anh quốc) năm 1985, khi họ thiếu công bằng và thiếu cả lương tâm phê phán một chiều với những tác phẩm nổi tiếng của văn học Xô Viết giai đoạn chiến tranh vệ quốc (1941-1945), mà sự bôi nhọ và đánh tráo tiểu thuyết Sông Đông êm đềm nhằm hạ thấp tài năng của M. Solokhov là một ví dụ. Để đối đáp, Niculin đã dẫn giải một cách khách quan những tác phẩm văn học Xô Viết gắn liền với tư duy phương pháp sáng tác mới. Trong bài viết đầy sức thuyết phục: Những gì được viết ra bằng ngòi bút thì không thể lấy búa đập xóa được, bằng những tư liệu xác thật, với lập luận chặt chẽ, nhà nghiên cứu đã nêu lên nhiều bằng chứng xung quanh tiểu thuyết Sông Đông êm đềm để đi đến kết luận: Nó là tác phẩm của chính nhà văn người Sông Đông…

Trong nhiều thập kỷ, từ những năm 80 trở đi, N. I. Niculin thường đến Hà Nội để bàn chuyện hợp tác giữa Viện Văn học thế giới M. Gorki và các cơ quan văn hóa ở nước ta, dự hội thảo quốc tế về Việt Nam học và kỷ niệm danh nhân văn hóa của nước ta. Ông là bạn đồng nghiệp với nhiều nhà văn hóa, nhà văn của nhiều thế hệ ở Viện Văn học, Hội Nhà văn, các Viện Khoa xã hội và nhân văn, v.v… N. Niculin là giáo sư đầu ngành có công đào tạo nhiều nghiên cứu sinh, thực thập sinh bảo vệ luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học lớn ở Matxcova và các nước cộng hòa liên bang.

Tôi vốn quen biết ông khi còn ở Viện Văn học (1963-1971), nhưng quan hệ đặc biệt chặt chẽ là vào những năm 1986-2006. Khi ấy tôi là thành viên Hội đồng Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc Gia, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, rồi sau đó là Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam. Hàng chục bài báo, tiểu luận của ông đã được công bố trên hai Tạp chí nói trên. Ngoài ra, ông còn có hai dự định công trình khoa học về Phật giáo Việt Nam và Văn học Nga Xô Viết tại Việt Nam. Ngược lại, tôi thường gửi công trình của mình, đặc biệt là Tuyển tập Văn hóa học, văn học (2001) cho Viện Văn học thế giới M. Gorki và cá nhân ông. Những tháng ngày chưa sang Việt Nam, N. Niculin rất băn khoăn, lấy làm tiếc không dự được Hội thảo về Việt Nam học năm 2004 tại TP. Hồ Chí Minh và các hoạt động khác ở Hà Nội. Những năm 2000 đến 2006, ông thường viết thư và bài viết gửi cho tôi để trao đổi về học thuật. Xin phép độc giả được ghi lại một trong những bức thư đầy tinh thần quốc tế trong sáng của Viện Hàn lâm nghệ thuật phương Đông (Academy for Oriental Art) báo tin mừng cho tôi được phong danh hiệu Viện sĩ (Academician):

Matscova 18/10/2002. GS. TS. Hồ Sĩ Vịnh thân mến! Tôi hết sức sung sướng gửi tới Anh văn bằng Viện Sĩ (thành viên nước ngoài) của Viện Hàn lâm nghệ thuật phương Đông. Văn bằng được ký ngày 01/7/2002. Đó cũng là thời điểm của việc tiếp nhận Anh vào Viện Hàn lâm. Văn bằng được ghi bằng tiếng Anh, bởi lẽ Anh là thành viên nước ngoài của Viện. Số đăng ký của văn bằng được viết bằng tiếng Nga. Còn ba chữ IFL có nghĩa là ba loại hình nghệ thuật học, ngữ văn học và nghiên cứu văn học (Iskustvovedeníe, Philologia, Literaturovedenie) ngoài ra còn có văn hóa học.

Viện Hàn lâm nghệ thuật phương Đông (ABI) vừa mới thành lập mấy năm nay, đang được mở rộng và phát triển. Đây là một tổ chức khoa học xã hội, nghề nghiệp, chỉ có một phần tài trợ của nhà nước, còn sự đóng góp của các thành viên chúng tôi cũng từ chối, bởi trong giai đoạn hiện nay, về cơ bản Viện vẫn dựa vào các nhà khoa học và các nhà văn, mà đối với họ, than ôi! ở nước Nga hiện nay tài sản của họ là không đáng kể.

… Một lần nữa xin chúc mừng Anh nhân dịp được phong danh hiệu viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật phương Đông - chúc Anh mọi điều tốt lành nhất [1]”./.

 


[1]Sách đã dẫn, tr. 629, 630.

 

Nguồn Văn nghệ số 44/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *