Tác phẩm và dư luận

2/11
8:18 AM 2016

SỨC HẤP DẪN CỦA VĂN CHƯƠNG PHI HƯ CẤU

LƯU KHÁNH THƠ-Hồi ức lính dày tới 714 trang với đề tài chiến tranh vốn bị cho là khô khan, lại của một cây viết “tay ngang”, ngay lần đầu ra mắt tại hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam 2016 diễn ra tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) vào dịp cuối tháng 4 đã bán hết 200 cuốn trong hai ngày hội sách

                                                        Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Điều đặc biệt là rất nhiều độc giả trẻ tìm mua cuốn sách với đề tài tưởng chừng chỉ có những bậc cha chú của họ - những người từng sống qua chiến tranh mới quan tâm. Hồi ức lính của tác giả Vũ Công Chiến, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đã thu hút sự quan tâm không chỉ của bạn đọc mà còn được các nhà văn chuyên nghiệp đánh giá cao. Coi Hồi ức lính là món quà 30/4 quý giá nhất nhận được năm nay, nhà văn Bảo Ninh - tác giả tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã không biết bình luận thế nào về cuốn sách này cho thật thỏa lòng mình. Ông đưa ra lời khuyên cho những người sáng tác rằng khi bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết hoặc làm một bộ phim về cuộc kháng chiến và anh bộ đội thì điều phải làm trước tiên là đọc kĩ Hồi ức lính. Bảo Ninh nhận xét: “Tôi đọc nó, Hồi ức lính, cảm nhận qua từng trang sách một niềm thân thiết đến nhói đau trong lòng... Tác phẩm làm sống dậy trước mắt tôi từng ngày tháng, từng chặng đường của thế hệ chúng tôi, của tuổi trẻ “đất thánh” Hà thành năm xưa lên đường ra trận (…), những từ ngữ đầy ước lệ ngợi ca chiến công chiến thắng đầy chật trong sách, trong phim, trên tivi mấy chục năm qua, thật không thích hợp chút nào để vận vào tác phẩm văn học đích thực văn chương và đích thực là viết về chiến tranh và người lính bộ binh hay như cuốn này” (báo Tuổi trẻ, ngày 28/4/2016).
 

Tại cuộc giao lưu “Ngàn ngày sống trong thử thách chiến tranh” do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức chiều 29/4/2016 tại Hà Nội nhân dịp giới thiệu cuốn Hồi ức lính ra mắt người đọc, không chỉ có sự tham gia đông đảo của những bạn đọc yêu mến tác phẩm và những người đồng đội của tác giả Vũ Công Chiến mà còn có sự góp mặt của cả những nhà văn đã đi qua chiến tranh và từng viết về chiến tranh. Dù đã kịp đọc hết cuốn sách hay mới chỉ đọc vài chương, họ cũng đều dành cho Hồi ức lính những lời ưu ái.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến bày tỏ: “Nhà văn chuyên nghiệp chúng tôi được một bài học từ cuốn sách này, đó là sự chân thành. Như người lính thì mãi mãi là người lính, không bao giờ thay đổi. Giới làm văn học phải học cuốn sách này. Tôi xin bày tỏ tâm tư, đồng cảm giữa những trang sách từ đáy lòng mình”.

Nhà văn Ngô Thảo xúc động nói: “Tôi coi anh Chiến như người hiện ra trong giấc mơ của một người lính. Anh đã ra trận và có thể kể được về cuộc đời người lính để mọi người biết chúng tôi đã sống trong sáng thế nào, lí tưởng thế nào, giá trị đạo đức mà chúng tôi đã được giáo dục trong thế hệ của mình. Cùng với đó là những điều nghịch ngợm, quậy phá của lính tráng có rất nhiều và là những kỉ niệm thú vị đáng yêu. Cuốn sách là tư liệu sống động của cuộc chiến tranh, rất có công không chỉ với cuộc kháng chiến mà cả với nền văn học nước nhà”.

Những câu chuyện, chi tiết sống động và đặc biệt là yếu tố chân thực đã được “kiểm định” bằng chính những người đồng đội đã từng sát cánh cùng Vũ Công Chiến đi qua cuộc chiến tranh. Một trong những người đồng đội của tác giả kể lại: “Khi anh Chiến đăng bài lên facebook, các đồng đội chúng tôi đã động viên rất nhiều rằng: Ông hãy thay mặt chúng tôi để ghi lại chuyện chiến trường ngày đó, chỉ có một yêu cầu là đừng có bịa, bốc phét. Vì chúng tôi xem nhiều phim nói về người lính thấy không đúng, không giống. Rất may là anh Chiến viết rất chân thực. Đây không phải hồi ức riêng của anh Chiến mà là hồi ức của chúng tôi”.

So sánh Hồi ức lính với cuốn Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca đình đám khi ra mắt năm ngoái, nhà thơ - nhà báo Hữu Việt đã chỉ ra điểm chung của hai cuốn sách này, đó là của những người chưa viết lách bao giờ, nhưng tác phẩm của họ lại rất hấp dẫn và cuốn hút bạn đọc bởi những câu chuyện hết sức chân thực, phi hư cấu. Anh cũng nhắn nhủ tới bạn đọc rằng: “Đừng ngại đọc sách dày, bởi sách dày hay mỏng là do nội dung của nó thế nào mà thôi. Các bạn hãy đọc Hồi ức lính để tìm thấy niềm tin ở những người lính - một thế hệ đã làm nên những hình ảnh đẹp nhất, đáng tự hào của đất nước Việt Nam”.

Tác giả Vũ Công Chiến (sinh năm 1953) vốn là một kĩ sư điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội, một cán bộ Viện Khoa học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (Bộ Công thương). Anh nhập ngũ năm 1971, là bộ đội Trường Sơn, chiến trường Nam Lào, mặt trận B3 Tây Nguyên, Đắk Lắk. Từ cuối năm 2013, anh bắt đầu chia sẻ về cuộc sống ở chiến trường trong kháng chiến chống Mĩ trên trang facebook cá nhân. Thật bất ngờ, những mẩu ghi chép của Vũ Công Chiến ngay từ lúc xuất hiện đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, trong đó có không ít bạn trẻ chưa từng trải qua chiến tranh. Chính sự khích lệ từ bạn đọc, sự động viên từ đồng đội là động lực để một người lính “tay ngang” trong lĩnh vực viết lách có thể hoàn thành đến những trang cuối cùng.

Tôi đã đọc Hồi ức lính từ khi tác phẩm mới chỉ là những mẩu nhỏ ghi chép về cuộc sống ở chiến trường thời chống Mĩ. Ngay lập tức, những suy nghĩ mộc mạc nhưng sâu sắc và những kỉ niệm của một thời trận mạc máu lửa được kể lại bằng một giọng chân thành, sôi nổi, pha trộn vẻ tinh nghịch của một chàng thanh niên Hà Nội với sự điềm tĩnh của một người đàn ông từng trải, đã cuốn hút tôi.

Như đã nói, tác giả của Hồi ức lính không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Anh viết tác phẩm của mình với suy nghĩ đơn giản: “Nếu những người trong cuộc không viết ra thì làm sao để mọi người biết, trong chiến tranh, chúng tôi đã sống và chiến đấu thực sự như thế nào. Bởi vậy với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi viết lại Hồi ức lính này, để kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó…”. Không có gì khiến người ta tin và xúc động bằng suy nghĩ trách nhiệm, giàu tính nhân văn như thế.

Có thể kho tư liệu đầy ắp vốn sống thực tế này khi vào tay một nhà văn có nghề sẽ trở thành bộ tiểu thuyết đồ sộ hấp dẫn người đọc với nhiều thủ pháp nghệ thuật này khác. Nhưng ở đây, với những câu chuyện và chi tiết tươi ròng sự sống, được nhìn với cự li sát gần của người trong cuộc, nó lại có sức lôi cuốn riêng. Nó chinh phục chúng ta bằng sức mạnh của sự chân thực, bằng những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với cả một thế hệ thanh niên mà bước chân đầu tiên của họ khi vào đời là cuộc sống quân ngũ. Họ đã trở thành người lính trước khi đủ tuổi công dân. Họ bước vào cuộc chiến như một sự lựa chọn không thể khác trước hiện tình nước sôi lửa bỏng của đất nước. Những người lính đã hăm hở đi vào chiến trường, không tính toán băn khoăn. Có chăng chỉ là nỗi nhớ Hà Nội và những kỉ niệm của tuổi học trò. Nỗi buồn đau lớn nhất khi lên đường vào mặt trận là những giọt nước mắt của mẹ ngày chia li. Người lính trẻ chỉ day dứt với suy nghĩ anh “ra đi đã mang theo cả cuộc đời của Mẹ”…

Và chiến tranh không phải trò đùa. Cuộc chiến thật sự bắt đầu. Đâu phải chỉ bom rơi đạn nổ. Rồi trận đánh đầu tiên, những hi sinh mất mát đầu tiên. Đói rét, bệnh tật. Sự thức tỉnh cay đắng khi nhận ra giới hạn trong bản thân mình và những người chung quanh. Họ có thể là đồng đội, là cấp trên và có khi trong cả người lính ở chiến tuyến bên kia. Những hoang mang, thất vọng. Những âm mưu, toan tính. Hiện thực sát gần cụ thể và thế giới tâm linh vô thức. Những cuộc tình đẹp và buồn hơn nước mắt, mong manh trước sự tàn khốc của chiến tranh… Những cung bậc ấy đã hòa trộn, đan cài trong cái bề bộn ngổn ngang qua từng trang viết.

Trong quầng sáng của chiến tranh, dường như mọi giá trị thật giả đều phơi bày một cách trần trụi nhất. Dũng cảm và đớn hèn. Yêu thương và thù hận. Tin tưởng và thất vọng. Dục vọng bản năng và lí trí. Tất cả những trạng thái tâm lí rất thật của người lính đã được phơi trải đến tận cùng, không né tránh. Không khí chiến trận đã được miêu tả qua hàng loạt những quan sát, ghi nhận của một người lính trung thực, đầy ấn tượng. Với một bài viết nhỏ, không thể nào kể lại vô số những chi tiết, tình huống, câu chuyện đắt giá găm vào tâm trí người đọc ở từng  chương của cuốn sách. Tác giả tái hiện bộ mặt của chiến tranh không chỉ bằng khả năng ghi nhớ mà còn bằng sự cảm nhận của tất cả các giác quan, và điều quan trọng hơn là bằng sự từng trải của người lính. Những trang viết ở đây được đảm bảo bằng máu. Máu của anh và của đồng đội. Những người lính trở về chìm khuất trong xô bồ náo nhiệt của cuộc sống đời thường. Và thiêng liêng hơn là những người lính đã nằm lại trong những cánh rừng Tây Nguyên hoặc trên đất nước bạn Lào xa xôi.

Chiến tranh là một sự bất bình thường của lịch sử, bởi vậy con người ở trong đó cũng không thể sống cuộc sống bình thường. Bước vào một cuộc chiến tranh đã khó, bước ra khỏi nó còn khó hơn bội phần. Người lính Vũ Công Chiến thật may mắn. Anh đã đi vào cuộc chiến với tâm thế nhẹ nhàng của một cậu học sinh vừa rời mái trường phổ thông và đi ra khỏi nó toàn vẹn với một “linh hồn lành lặn” đúng như ước nguyện của người mẹ, và có thể còn sâu xa hơn như mong đợi của một người con gái: “Anh phải trở về để… lấy em”.

Xét về mặt nghệ thuật, Hồi ức lính còn không ít những điều cần phải gia tăng để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn, nhưng với những gì đã có, tác phẩm đã góp phần cho thấy ưu thế của mảng văn chương phi hư cấu, là những tư liệu quý giá cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về chiến tranh, về những được mất và cả những hệ lụy của một thời đã qua.

Với một độ lùi thời gian hơn bốn mươi năm, những suy tư, chiêm nghiệm của người trong cuộc đã có sự đằm sâu hơn. Bối cảnh không gian thời hậu chiến dường như cũng cho người viết một cách nhìn đa chiều, trực diện hơn. Sáu năm trong quân ngũ, chỉ là một lát cắt trong cuộc đời của tác giả Hồi ức lính, nhưng đó là phần đời dữ dội, có sức ám ảnh rất lớn. Đó là món nợ tinh thần của anh đối với đồng đội. Nó buộc anh phải ghi lại và chia sẻ. Để những người lính thế hệ anh nhớ lại và tự hào về những năm tháng mình đã sống, chiến đấu, hi sinh vì đất nước. Để thế hệ sau có được hình dung đầy đủ hơn về chiến tích của một thời và cái giá của những ngày đang sống hôm nay. Phải chăng như thế, Vũ Công Chiến đã phần nào âm thầm thực hiện sứ mệnh của một nhà văn!

(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *