TRUYỆN NGẮN DỰ THI LÀNG VIỆT THỜI HỘI NHẬP CỦA BÁO NÔNG THÔN NGÀY NAY: THẰNG T ĐÃ VỀ CHƯA ?- NGUYỄN VĂN THỌ
Mặt mũi có đứa đen thui gày gò vì nắng đồng ruộng, thằng búng ra sữa. Toàn tụi quê ở Hải Dương và Hải Phòng. Những ngày đầu cũng chưa thân mật lắm.
Tôi tên là T, dân thành phố. Tôi chơi thân với thằng Đức từ dạo đại đội chúng tôi ở Nam Lào về Đồng Hới an dưỡng. Nó là lính mới, trong hơn hai chục tân binh bổ sung về đơn vị thay cho số anh em đã hy sinh. Một lũ quần áo xanh Tô Châu mới cóong, thùng thình. Mặt mũi có đứa đen thui gày gò vì nắng đồng ruộng, thằng búng ra sữa. Toàn tụi quê ở Hải Dương và Hải Phòng. Những ngày đầu cũng chưa thân mật lắm.
Một ngày có lệnh phải đi lấy củi cho nuôi quân, tiểu đội trưởng phân công tôi và nó theo ôtô Gát 69 lên rừng sát biên giới. Hai đứa tìm cái rẫy bỏ hoang kiếm củi khô. Khi vào rừng già kề đó nghỉ trưa, tôi lang thang phát hiện ra cái tổ ong khoái to như cái nơm.
Tổ ong trên cành ngang, cao hơn ba mươi mét, nhìn rõ sáu cái bọng mật gồ lên như sáu vồng vú đàn bà. Cao quá! Gốc cây quá lớn không ôm trèo lên được. Tôi bất lực, rồi về nói với nó. Nghe vậy, Đức mắt sáng lên bảo tôi dẫn tới cây có tổ ong. Quan sát xong, nó chạy ra xe ôtô thằng Chính mượn cái xô, kiếm vỏ cây, lá tươi bó bện bùi nhùi. Nó bảo tôi đến gốc cây và dặn, anh cứ ở dưới đốt đống lá tươi khô này, chờ em đưa mật xuống. Nói rồi, nó vặn dây rừng thành chạc buộc vào hai chân, làm điểm tì trèo lên cây thoăn thoắt như vượn. Cái tổ ong bị chinh phục. Ong khoái đông hàng vạn con bị hun, vỡ tổ bay ra tán loạn. Tôi nhìn mà lo. Lát sau nó thòng xuống một xô mật đầy.
Đêm ấy về đơn vị. Tiểu đội tôi ai cũng được nửa lít mật. Hai thằng tụi tôi uống mật pha trà, hút thuốc quấn sợi vụn vừa được phát. Tôi thán phục:
- Mày trèo giỏi quá, như vượn.
- Em quê ở Thanh Hà. Tụi em từ bé ai cũng trèo leo rất giỏi.
Hóa ra sở dĩ nó leo trèo giỏi hơn cả lũ trẻ trèo me trèo sấu bọn tôi vì quê nó trồng rất nhiều vải. Tôi cứ mường tượng những khu đồi, vườn rộng mênh mông theo lời nó, vải chín đỏ ối mỗi khi mùa hạ tới, và nó thoăn thoắt trèo, chuyền trên các tán cây hái vải như khỉ. “Hòa bình anh về quê em, hoa quả rất nhiều”. Nó kể: “Nhà em ở sát sông Cái có cái đầm dài và rộng nguyên xưa là khúc sông. Mùa hạ sen trắng, đỏ đầy kín mặt hồ. Nhiều cá lắm! Cá mè có con to như cái quạt nan. Những đợt đang nắng trút mưa lớn, ban đêm chèo thuyền nan đi đâm cá úi...”. Chao ôi, sao mà thích vậy! Tôi chợt nhớ làng Thanh Nhàn kề khu chợ Giời, qua một con đê là sang một thế giới khác của lũ trẻ thành phố. Song xem ra, quê nó còn kỳ thú hơn nhiều.
Hôm sau tôi bảo, mày kém tao có một tuổi, xưng mày tao cho tiện. Anh em gì! Nó cười toang hoác hở cả lợi, rõ hiền.
Từ ngày có tụi tân binh gốc gác nông dân, tiểu đội tôi ăn uống khá lên hẳn. An dưỡng toàn thịt là thịt, rau cỏ không có, ngán quá. Thằng Đức đi dọc mấy con kênh, dọc suối, bờ ruộng, móc cua, bắt ếch. Kiếm rau tập tàng. Bữa ăn thú vị hẳn lên. Tôi học từ nó: Cái mà nào là mà cua, mà nào ếch trú mùa đông. Mà nào có vết trườn nhẵn, chớ móc tay vào mà khốn. Có bữa nó lấy thuốn móc ra con rắn hổ to như cái cổ tay.
Đổi lại, tôi nói cho nó kinh nghiệm nơi mặt trận. Cho nó, thằng tân binh chưa biết mùi súng đạn, mới tập lăn lê bò toài nửa tháng đã vào thẳng đơn vị từng chọi nhau như cơm bữa. Tôi đưa nó vào rừng, xem tôi khiển cây Ak 47 báng gập bắn ứng dụng ra sao. Tôi bảo nó cách đi rừng, cách buộc bẹ chuối giữa hai quả lựu đạn để không phát ra tiếng lánh cách khi vận động. Cách xác định tọa độ, với bản đồ và la bàn, phương pháp giao nhau ba điểm để xác định nơi mình đang đứng mà khỏi lạc rừng. Tôi truyền kinh nghiệm cho nó cách đánh hơi tụi lính phục kích mình phía trước... Tất cả chuyện của tôi đều là cách làm sao để sống được mà về nhà. Nó dỏng tai nghe không sót từng từ.
Sau an dưỡng, đơn vị nhận lệnh đi B dài. Từ đó, tôi và nó cứ quấn với nhau như đôi sam, no đói có nhau, hiểm nguy bên nhau. Đánh vài trận, anh em thưa dần đội ngũ, tôi lên Trung đội trưởng B1. Nó lên A trưởng, thuộc quân B2. Trận vây Khung Se Đon, đại đội chia làm hai cánh. Cánh của tôi bị địch đổ quân từ Viêng Chăn ra vây lại. Ba tiểu đoàn địch quây sở chỉ huy D và trung đội tôi. Gọi điện cầu cứu các đơn vị đều ở xa. Chúng tôi bắn gần cạn đạn thì nó dẫn hai tiểu đội tới. Hóa ra trung đội trưởng bên nó đã hy sinh, nó tự động lên thay, đưa anh em về cứu nguy. Đánh vận động trong rừng khộp với hỏa lực chính là hai khẩu 12,7 ly, vài tay súng AK và B40 quả là cực kỳ nguy hiểm. Nó mưu trí thọc sườn, lại đánh đúng sở chỉ huy của địch, nên ba cánh quân của lính Thái và Lào tan rã. Lúc hai cánh quân bọn tôi gặp nhau, thì địch gọi ngay 4 cái A37 tới. L19 bắn đạn khói vào giữa đại đội. Súng 12,7 ly đang gá ở tư thế bắn bộ binh nên tụi tôi nằm ngửa, ngẩng mặt, trân trân nhìn từng máy bay bổ nhào. Cả bọn như ếch nhìn rắn, chờ chết. Bom rơi tròn xoe trên đầu, 12 trái nổ nhức óc. Trước giây khắc bom rơi chạm đất, nó nằm bên nhào đến ấn đầu tôi vào chạc ba càng chân súng 12,7 ly, cả người nó nằm đè lên tôi. Trận ấy tôi thoát chết, còn nó bị thương ba bốn nhát mảnh bom xiên, may chỉ phần mềm, phải nằm viện ba tuần. Tôi giữ cái áo đẫm máu nó, áo giặt mãi vệt máu không thôi. Anh em hy sinh nửa đại đội. Số lính gốc nông dân cùng đợt nó vào, mất 7 thằng.
Rồi trung đoàn tôi đánh Chư Nghé, lại tham gia đánh Ban Mê Thuột, Cheo Reo, Phú Bổn... Thế như chẻ tre, chúng tôi tiến thẳng vào Sài Gòn. Mừng rỡ nhẩy cẫng, ôm lấy nhau khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Sống rồi! Sống để được trở về nhà! Tôi và nó tưới hai băng AK47 lên bầu trời Sài Gòn chiều ấy đầy những đám mây xám bay ngang.
Vài tuần hòa bình trôi nhanh, mọi nguồn vui chiến công và chiến thắng nguội dần. Giải trừ quân bị, tôi ra quân đợt đầu.
Chúng tôi không hề biết điều gì sẽ chờ đợi ở nhà khi trở về làm dân. Nhưng dù khó khăn thế nào, hòa bình vẫn là nhất rồi. Không còn phải sống trong miền địa ngục có tên là chiến tranh nữa, đấy là điều mà những người chiến binh thực sự như chúng tôi có thể cảm nhận được rõ hơn ai hết.
Ngày chia tay, nó bán cái đồng hồ Longin lượm được ở Ban Mê làm một trận bia túy lúy. Trong cơn say, nó cứ nghiêng ngả bá vai tôi:
- T. ơi, mày về trước, tao sẽ về sau. Nhớ địa chỉ làng tao đấy! Mày về Hà Nội sướng quá rồi, đừng quên tao. Tao về làng thôi, làm nông dân như bố tao vậy. Ngày xưa ông ấy đánh Pháp xong cũng lại về làng, về làm thằng thợ cày.
* * *
Tôi về Hà Nội đâu có sướng! Tôi như bao cựu chiến binh Hà Nội bị cuốn trôi vào với cuộc sống hậu chiến. Hà Nội hậu chiến đầy sắc áo xanh bạc màu. Thất nghiệp cả năm rồi xin được việc làm, một chân bảo vệ bãi khai thác cát. Suốt ngày đêm ở khoảnh đất cát bay mù mịt. Tôi như hòa vào trăm ngàn hạt cát. Cuộc sống chật vật lắm nhưng còn hơn sống trong rừng đánh nhau triền miên. Rồi tôi nhận được thư của Đức. Hóa ra đơn vị tôi đi làm kinh tế được 4-5 tháng thì chiến tranh biên giới Campuchia nổ ra. Thư nó viết: “Đơn vị lại bỏ xẻng cuốc, nhận lại súng 12,7 sang Căm mày ạ. Cuộc chiến bên này không như hồi chúng mình đánh Mỹ. Dằng dai, căng thẳng lắm. Bao nhiêu kinh nghiệm khi chiến đấu cùng mày, nhất là chuyện không bao giờ để anh em bắn điểm xạ dài quá nhiều và liên tục dặn anh em cơ động thay đổi vị trí bắn, nên anh em cũng đỡ thương vong, tao cũng nhiều lần thoát chết. Nhưng đạn chả kiêng ai. Ai may mắn mãi được, tao lại bị thương ở chân, may mà không phải cưa. Có lẽ tháng 7 tới tao được ra quân. Ra quân, mày về quê tao chơi nhé!..”.
Tôi viết thư cho nó. Dặn khi về đừng mua búp bê. “Mua lấy cái khung xe và ít phụ tùng về lắp cái xe mà đi lại. Không mua ảnh nhấp nháy, băng nhạc nhẽo gì...”.
Thư gửi đi rồi tôi cứ tha thẩn nghĩ về nó. Nó sẽ về Thanh Hà với vải, với nhãn, với cánh đồng và con trâu. Đêm ấy tôi mơ giấc mơ y như ngày hai đứa còn quần nhau với địch ở khu Bản Cháy.
Cả cánh đồng chạy dài vắt qua con sông cạn trơ đá sỏi. Nước trong vắt. Tôi đi đầu, kế sau là nó cùng 3-4 anh em nữa. Vượt qua sông cạn, lên cánh đồng đã gặt từ lâu, còn trơ những gốc rạ và xanh om từng vạt cây ngổ. Từ bờ sông lên, có cái bờ ruộng cao. Lên tới đó thì cả hai đứa giật mình, nghe tiếng vù vù ngay trước mặt. Thấy như có con trâu với hai cái sừng đen bay vọt lên trời. Định thần lại, trước mắt hai đứa một con trâu bị pháo hay trúng đạn nằm ngay cạnh cái bờ. Con trâu xương thịt lở loét trơ ra, bị hàng triệu con ruồi bâu kín. Thấy động, tụi ruồi nhặng bay cuốn vọt cả lên, như nguyên cả cái hình đầu trâu và hai cái sừng bay lên. Có thế mà lúc nằm phục tụi địch nó bò sát lại bên tôi thầm thì, tao nhớ nhà quá!
Nổ súng đến đít mà nó còn nhớ nhà. Tôi rướn mắt ngạc nghiên. Nó vẫn nhìn về phía trước, nơi tụi địch to dần trong đầu ruồi. Khẩu RBD nó điều khiển vẫn hướng mũi phía trước và cái báng đã ghì sát bên má, sẵn sàng tưới đạn về quân địch mà tôi vẫn nghe giọng nó bên cạnh, lạnh tanh:
- Nhà nào có con trâu này tiếc phải biết. Ở nhà tao cũng có con trâu có cặp sừng vểnh ngang như cái đòn gánh đen nhẫy, giống hệt con trâu này.
Tôi tỉnh ngủ. Giấc mơ như sống lại ngày hôm qua. Chắc nó vài tuần nữa ra Bắc.
* * *
Cuộc sống hậu chiến phải vật lộn kiếm ăn cuốn trôi những nỗi nhớ, những kỷ niệm. Tôi lấy vợ, sinh con, phải làm thêm nhiều nghề như phụ hồ, chữa xe máy, có lúc làm cả phó nháy đám cưới để có tiền. Chờ mãi, mà thư nó cũng không có. Anh em cựu binh ở đơn vị kẻ sống sót lần lượt trở về. Đám lính quanh Hà Nội cũng chả đứa nào nghe tin về thằng Đức. Nó biệt tăm. Gặp lại thằng Chính lái xe năm nào cùng đi lấy củi, cụt một chân từ Cam Pot về. Chính bảo, thằng Đức ra quân, nhưng mò về Đồng Dù tìm lại cô bạn Củ Chi rồi ở lại đó! Tôi bán tin bán ngờ. Thằng Đức mà rời bỏ cái làng của nó được ư? Sao mà tin được? Nó chẳng biết bao nhiêu lần kể với tôi về những vườn vải, cái đầm Sét bao la mặt sen và cái thuyền nan sơn ta đen trùi trũi lềnh bềnh vun vút chở nó rẽ sen đi, bên cạnh có cái chĩa ba mũi. Nhiều khi nhớ nó, tôi ngửi cả thấy mùi sen lẫn mùi man mát của hơi đầm. Tôi vẫn thấy, như lời nó kể trong chiến tranh, bên cánh võng giữa rừng khuya, những đám sương đêm trắng bồng bềnh trôi trên mặt đầm, nghe rõ cả tiếng nước lõm bõm rơi từ mái chèo xuống nước và cảnh nó rướn người lên, phóng vút cái xiên, đâm trúng một con cá lớn đang úi khi mưa hạ lách chách gõ nước đều đều, rào rào trên những tàu lá sen xanh mướt.
Cuộc sống có những thay đổi bất ngờ. Công ty có đợt xuất khẩu đi Đức, tôi may mắn trở thành công nhân xuất khẩu sang Đức, làm anh công nhân xây dựng. Rồi nước Đức biến động. Bức tường Berlin biến mất và Đức thống nhất. Tôi liều ở lại, buôn bán vặt trên vỉa hè. Công việc cũng lam lũ vất vả lắm, vì mỗi ngày, khi Noel tới, tụi tôi dầm chân trong băng giá, giữa tuyết lạnh rơi ngập trời cả chục giờ đồng hồ. Song bù lại chúng tôi có tiền, nhiều tiền. Tôi đổi từ Dmark ra USD mới cóong thơm phưng phức.
Trở về nhà, đấy là mong ước đã ngấm vào máu thịt của con người ta chăng? Tôi về nước sau 2-3 năm vất vả, mang trong tay cả đống tiền lớn. Nhưng bao nhiêu việc phải chi ra cho gia đình sau 2-3 năm chờ đợi. Tôi sửa nhà, mua sắm cho vợ con tủ lạnh, tivi, xe máy. Tất cả ngốn hết cả số tiền dành dụm. Sắp tới ngày đi thì tụi lính đơn vị cũ kéo tới nhà. Suốt hơn chục năm ai cũng lăn lộn kiếm sống, thực mỗi đứa là một kho chuyện. Nhưng chuyện tôi chú ý nhất là thằng Đức đã về. Thằng Chính kể:
- Nó ở sát huyện Thanh Hà. Bây giờ sửa xe đạp ở ngã ba huyện.
- Sao ngày xưa mày bảo nó về Củ Chi lấy vợ?
- Nó về Mũi Lớn cũng định lấy con Bé, nhưng con này không chịu theo nó về Bắc, thành ra nó chia tay!
- Thế nó sống thế nào? Hay chúng ta kéo xuống nhà nó đi!
- Đi! – cả tụi lính cũ nhao nhao hăng hái.
* * *
Chúng tôi 7-8 thằng cựu binh từ Hà Nội kéo xuống Thanh Hà. Rào rào đèo nhau phóng xe máy tới cái ngã tư bấy giờ nhà cửa mới lưa thưa chứ chưa hoành tráng sầm uất như hôm nay.
Xe dừng. Nó kìa. Nó, cái thằng bạn tôi xưa giờ tóc đã bạc lởm chởm, gầy như que củi đứng bật dậy như trời trồng, dưới chân nó là cái xe đang vá dở săm. Một cái chậu nhựa đầy nước bên cái thùng hình như làm bằng thùng đạn 37 của đội.
Tôi nhẩy xuống xe lao đến nó:
- Đức! Đức đấy à!
Nó không nói được câu nào vì bất ngờ quá. Tất nhiên nó dẹp bỏ ngay dụng cụ chữa xe để kéo cả tụi về nhà nó chỉ cách đấy 2-3 cây số. Một ngôi nhà gạch cũ kỹ ba gian lợp ngói, nằm giữa khu vườn cũng gọi là ấm cúng. Gian giữa kê cái bàn nước đối diện với cái ban thờ treo hai ảnh, tôi đoán là cha mẹ Đức. Ảnh người đàn ông gày đội mũ ke-pi, quân hàm thiếu úy nhìn chúng tôi hơi mỉm cười như diễu cợt. Nói gì thì nói, tục quê khách đến nhà không gà cũng vịt. Lát sau vợ nó từ đâu tất tưởi về. Chắc cô ta vừa đi làm màu về. Tay cuốc tay cái thúng đựng ít rau. Nắng tháng 7 bạc phếch trên vai áo. Cũng tạng gày tong teo như thằng chồng.
Vợ Đức vào chào đám lính trận của chồng rồi quay ra ngoài. Nghe tiếng gà kêu quang quác.
Nhìn qua cửa, 2-3 cây vải cổ thụ đã thu hái hết quả, mấy con gà lục cục ăn quanh. Bên trái một đống rạ rút dở, kế nó là chái bếp đang ngun ngún tỏa khói. Có mùi thơm phưng phức của hành mỡ đang phi.
Chỉ nhoáng sau cái chiếu trải ra giữa nền gạch và cơm gà, mướp xào lòng, khoai tây xào dầu, rượu trắng 2 chai được người đàn bà gày, ngực lép kẹp, mỏng như lá lúa dọn ra.
- Các cháu đâu? – Tôi hỏi.
- Tụi nó đi học cả. Con đầu của tao sắp hết đại học trên Hà Nội.
Chuyện lính gặp nhau toàn hồi tưởng, cả việc kể tội nhau, sự hơn kém nhau ở chiến trường. Bạn bè đồng ngũ, đứa chết ra sao bị thương ra sao cứ ào ào như cuốn phim chiếu lại. Tôi hỏi thăm thằng Đức về cái đầm dài nó từng kể. Nó bảo, cách đây hơn cây. “Mà chẳng to lớn quá như mày nghĩ đâu. Hồi xưa xa quê, nhớ nó quá nên kể. Giờ đi nhiều rồi, về nhìn lại, nó cũng chỉ hơn cái ao lớn. Các cụ kể lại, xưa là một khúc sông Cái, bồi lấp mãi nên đầm nên ao”. Lại bảo: “Cũng cho thầu rồi, bây giờ không ai tự do vào đấy mà chĩa cá mú nữa!”. Thế là hết cái mộng đi xem đầm của tôi!
Xem ra làm thằng nông dân cũng gay ra phết. Đức được hơn triệu tiền thương binh loại 4, con cái đi học không phải đóng tiền học nhưng đẻ 3 đứa thì tiền nuôi tụi nhóc cũng khá tốn. Vợ Đức là bạn học dưới nó một lớp. Đi thanh niên xung phong về trước nó 2-3 năm gì đó. Cũng cảnh thương binh, thương yêu mà nên vợ nên chồng. “Cả nhà có hơn 3 sào ruộng, hơn sào hoa màu. Vải thiều lúc được lúc không, cũng chả tích cóp được bao nhiêu, tao phải làm thêm cái chân sửa chữa xe đạp ngoài huyện” – Đức kể.
Vợ Đức vừa dọn mâm bát bưng đĩa đu đủ vừa bổ ra, đế theo chồng: “Lão nhà em hay quặt quẹo lắm. Ốm thì vèo một cái hết cả triệu. Tiền nào cho xuể!”.
Vui tới mấy cũng phải ra về. Đức tiễn chúng tôi ra đầu làng. Tôi móc ví, dúi vào tay nó hai trăm đô. Cũng không còn nữa! Quá cảnh qua Nga, chờ ở đó phải nửa ngày, tôi cần dữ trữ vài chục đô lẻ. Thằng Đức cầm trong tay hai tờ đô mà run run. “Sao mày cho tao nhiều thế?”. Nó quay sang nhìn mấy thằng bạn lính! Nó rưng rưng muốn khóc, ôm chặt tôi rồi nghĩ sao, chợt đẩy tôi ra và lại móc hai tờ bạc Mỹ ở túi đưa ra trước mặt tôi. Thong thả nói:
- Tao chợt nghĩ thế này. Hai tờ bạc lớn này của mày cho, tao tiêu 2-3 tháng là hết. Mày biết đấy, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Nói thật nhé. Tao nghe nói, xe bãi rác bên Nhật có hai trăm đô. Tụi đi Vốt Cô về kể vậy. Mày thương tao, sang bên ấy, bằng cách nào mua cho tao cái xe máy bãi rác ấy, cho con tao khỏi tủi thân– Nói xong nó thần mặt ra, chờ đợi!
Tôi nắm lấy vai nó lắc lắc, cười phá lên:
- Ối trời ôi. Thời đại này ai mua xe bãi rác nữa. Tao sửa chữa nhà, mua sắm cho vợ con hết tiền rồi, chứ còn tao tiếc gì mày. Đợi chuyến sau tao về tao sẽ mua cho mày hẳn hai cái Dream mới cóng, chưa đổ xăng!
- Thật không? – Đức tròn mắt hỏi.
- Thật! - Tôi quay lại tụi bạn cười, ấn lại hai tờ đô vào túi áo ngực Đức – Có tụi mày làm chứng nhé! Tao hứa! Lời hứa của chiến sĩ quân đội!
* * *
Tôi lên Hà Nội. Trước ngày sang Đức tôi nhận được thư của Đức. Thư của hắn cảm ơn tôi đã tặng nó số tiền hai trăm đô. Thư dông dài kể vợ chồng nó cảm động ra sao! “Mày đúng là thằng đồng đội đã sống chết cùng tao, ân tình này sống để lại chết mang theo!”. Lại cái đoạn này làm tôi muốn cười ra nước mắt: “Mày mau quay lại Việt Nam nhé. Nhớ mua cho tao cái xe máy. Tao mà có xe mày mua cho, tao sẽ tháo cái ống bô ra. Bố con tao sẽ đèo nhau chạy quanh làng cho cả làng này nó biết, là tao cũng có cái xe máy mà hẳn là loại xe sang nhất, Dream chứ chả chơi! Đúng là như con gái tao nó bảo, Dream là giấc mơ đấy bố ạ”.
Nhưng cuộc đời lắm đoạn vòng vo chẳng thể lường. Nước Đức sau vài năm thống nhất không còn buông lỏng quản lý xã hội nữa. Việc buôn bán thuốc lá, băng đĩa lậu của người Việt chúng tôi chấm dứt. Tiền không còn kiếm được như nước nữa! Buôn bán quần áo cũng ế. Thấy bạn bè kinh doanh tiệm ăn có lời, tôi cũng mua thuê một điểm mở Rechtauran 120 chỗ ngồi. Đầu tư gần cả trăm ngàn tiền tích cóp, lại vay thêm bạn bè cả trăm ngàn euro nữa mua trang thiết bị. Nhưng kinh doanh hàng ăn không phải chuyện chơi. Không có nghề, lại chọn nơi mở tiệm không đúng điểm lắm thực khách, sau 3 tháng kinh doanh không có lời, tôi phải khai báo phá sản! Thế là quay lại cái máng lợn! Tôi đi rửa bát thuê cho thằng bạn để trừ nợ dần. 5-6 năm vù vù trôi đi trong kiếp làm thuê mới trả xong món nợ. Làm thêm 1 năm nữa, đứng bếp xào mì, ngửi mùi dầu 12 tiếng mỗi ngày, tôi mới tích cóp được dăm bảy ngàn đô về Việt Nam.
Mới ở Hà Nội một vài ngày thì tụi thằng Chính biết tin tôi về, đến chơi. Vừa gặp nhau Chính đã nói:
- Thằng Đức mất rồi, mày biết chưa?
- Sao? Nó mất rồi ư? Mất vì bệnh gì? - Tôi hoảng hốt kêu lên!
- Nó ốm đau triền miên. Bọn tao về thăm nó hai lần. Lần nào nó cũng hỏi: “Thằng T về chưa?” Tao bảo, mày vẫn bặt âm vô tín. Nó thở đến thượt một cái rõ dài. “Rõ dài!”- thằng Chính nhắc lại.
Nghe thằng Chính kể xong, tôi thừ mặt ra. Trời ơi! Nó chết rồi! Còn tôi biết ăn nói với các chiến hữu của tôi ra sao về chuyện đi Tây mà suốt một thời gian dài chẳng kiếm được đồng nào, để bạn tôi chờ đợi. Tôi mắc nợ Đức! Thằng Chính lại vẫn vô tư nhẩn nha kể tiếp:
- Lúc nó sắp mất, tao cũng ốm không về được. Tụi thằng Nam Trố, thằng Được, thằng Long Hàng Thiếc có về. Thằng Long kể lại với tao rằng, thằng Đức nằm trên gường thiêm thiếp. Nó kiệt sức lắm mà nghe vợ gọi, biết tụi lính cũ đến, mở mắt rồi cố ngỏng cổ lên, hỏi Long: “Thằng T nó về chưa?”. Trời ạ! Chả đứa nào dám nói gì. Thấy tất cả im lặng, nó nấc lên một tiếng, rồi đi!
Khổ. Nhà nó vẫn nghèo rách bươm ra. Chắc nó mong mày về để có cái xe máy.
Tôi im lặng.
Tôi chợt nhớ tới khuôn mặt măng tơ của nó hồi mới gặp nhau. Nhớ bóng nó thoăn thoắt trèo lên cây lấy mật. Thấy cả cái dáng gày gò lòng khòng của nó bên cái chậu nước vá săm lốp. Đức ơi! Mày yêu quê hương lắm, tao biết. Nhưng cuộc đời này chả cho mày làm thằng nông dân, thỏa cái mong ước giản dị trong chiến cuộc của mày… Trong lòng tôi thầm gọi, để nước mắt tự nhiên ứa ra.
Tuần sau tụi tôi bàn nhau về thăm mộ nó. Tôi bàn với vợ, tiện thể mang ít tiền về đỡ đần vợ con Đức.
Cả tụi hơn chục thằng thuê cái xe 12 chỗ kéo quân về. Trước khi đi, tôi bàn với thằng Chính ra Hàng Mã đặt làm một cái Dream về đốt cho thằng đồng đội xấu số.
Vài năm chả có đứa nào về, sau ngày nó mất, nên đứa nào cũng bất ngờ khi không tìm thấy dấu vết làng cũ và ngôi nhà tuềnh toàng của thằng Đức.
Cả cái khu đất nhà nó, nay có một con đường mới và một khu vườn rộng của một đại gia nào đó, mà nhìn qua bức tường cao vây kín, thấy những hàng vải thiều xum xuê cao hơn đầu người, xanh mướt. Cái cánh đồng xế bên nhà cũng mọc lên cả một khu nhà máy rộng. Ra ngã ba rẽ vào khu làng cũ của Đức, một dãy phố mới mọc, chi chít quán xá, chắc để phục vụ cho đám công nhân nhà máy. Hỏi một bà già đúng là dân làng cũ mới biết vợ Đức đã chuyển vào Sài Gòn với đứa con gái cả. “Vợ nó cũng ốm suốt. Con gái làm kế toán trong Sài Gòn đón mẹ vào đó rồi”. “Còn hai đứa em?”. “À, nghe nói, một thằng đi làm công nhân thủy điện trên tận Sơn La cơ. Còn thằng út thì hình như vào Lâm Đồng làm cafe cho người ta rồi! Làng này không cứ nhà nó, vỡ tan ra hết rồi. Còn rưộng đất đâu nữa mà ở lại!”.
Chúng tôi theo hướng dẫn của bà cụ cũng tìm ra cái nghĩa địa và ngôi mộ Đức yên nghỉ.
Ngôi mộ nhỏ xây xi măng thấp lè tè. Loi thoi vài chân hương, đoán của ai đó thăm mộ kế bên mà cắm cho Đức chăng?
Tụi tôi dọn cỏ.
Trải giấy báo ra, bày trên mộ Đức ít hoa quả, một vài thứ bánh trái lặt vặt và cái xe Dream xanh đỏ dân Hàng Mã làm to như thật.
Chúng tôi đứng sắp hàng như những người lính còn trong quân ngũ. Trong hàng quân im lặng, hai hàng nước mắt của tôi cứ ứa ra.
Lúc hóa xe máy, bó chân hương lớn gặp gió bỗng bốc cháy đùng đùng. Rồi có con gió xoáy cuốn chiếc xe máy giấy đang hóa, lửa bùng cháy dữ dội thốc lên trời xoáy vào không gian xoay tít lên cao một vòng tròn. Trời ơi! Tôi chợt nghĩ tới lá thư của Đức ngày nào viết cho khi tôi rời Việt Nam: “…tao sẽ tháo cái ống bô ra. Bố con tao sẽ đèo nhau chạy quanh làng cho cả làng này nó biết…”.
Không, tôi không lừa dối bạn tôi! Cuộc sống này có bao khúc quanh khốn nạn để ước mơ giản đơn của cả tôi và nó không thành hiện thực.
Tôi quỳ trước mộ Đức, dưới những tàn lửa của chiếc xe máy giấy đang tan vào hư vô. Run rẩy!
Những ý nghĩ trong đầu không sao cất được thành lời!
- Thằng T của mày đã về đây, Đức ơi! Tao không bao giờ lừa dối mày như kẻ khác đâu. Lính trận ai lừa dối nhau!"
Ngọc Hà, tháng 5/2019
Ảnh minh họa Internet