NHỮNG HỒI ỨC LÊ KHẢ PHIÊU
Đó là cuộc gặp của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cựu chính ủy Trung đoàn với cựu binh Trung đoàn 9 của sư đoàn 304 tại thành phố Vinh. Trời ngoài kia vần vũ ràn rạt thứ gió Lào bỏng rát, tôi ngắm các cựu binh Trung đoàn quây quần quanh vị Chính ủy. Bao nhiêu là thời khắc gian khó của trung đoàn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, họ đã phải ngồi, được ngồi với nhau như thế? Vị chính ủy Trung đoàn sau này từng đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng với chất giọng rủ rỉ quen thuộc đang thân mật bộc bạch cùng các bạn chiến đấu.
Các cựu binh trung đoàn như xích lại gần hơn vị cựu Tổng Bí thư trong thời điểm gian khó của đất nước. Họ muốn được ông tâm sự, chia sẻ nhiều điều... Mà thời gian dành cho cuộc gặp lại có hạn. Nhiều cựu binh bộc bạch rằng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, họ đã được biết và nhất trí cao với nội dung trả lời phỏng vấn cùng những ý kiến của các lão thành cách mạng và bức thư của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi Bộ Chính trị các kỳ Hội nghị Trung ương 4, 5, 6. Với họ, ông vẫn như ngày xưa, vẫn luôn có tâm và tầm với đất nước…
Ông đang bộc bạch những bức thư ấy như nói hộ tâm sự cũng như quyết tâm của Dân, của Đảng trước hiểm họa đe dọa sự tồn vong của chính thể. Rằng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng quan trọng nhất phải hành động, bắt đầu từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, để mọi việc không phải là “khẩu hiệu suông”. Do làm chưa đến nơi đến chốn công tác này, nên những tiêu cực chưa được đẩy lùi, thậm chí có những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh khiến tình hình ngày càng phức tạp. Vấn đề trung tâm và cấp bách nhất, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp. Nếu người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại lớn cho cả quốc gia, dân tộc!
Bệnh đã chẩn. Thuốc đã bốc. Nhưng thuốc kê giải bệnh phải uống để chỉnh đốn Đảng không phải là khẩu hiệu. Vai trò tiên phong “uống thuốc giải bệnh” phải là trên trước để làm gương cho cấp dưới…
Ngồi theo dõi thấy đáng nể trí nhớ của những cựu binh cao niên. Họ gần như thuộc lòng những ý kiến phát biểu trên báo, trên truyền hình thời điểm ấy của cựu Tổng Bí thư. Rằng ông khẩn thiết đề nghị Bộ Chính trị phải làm gương làm mẫu, kiểm điểm cả tư tưởng chính trị, đạo đức, công tác cán bộ, quan hệ giữa những người đứng đầu các tổ chức, tập thể, cá nhân, do căn bệnh cá nhân chủ nghĩa đã trở nên quá nặng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài. Sự tồn tại của cái gọi là “dây lợi ích quyền lực”, “nhóm lợi ích”, “mối quan hệ quyền lực và đồng tiền” chi phối, dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng…; Rằng bỏ phiếu tín nhiệm nên được coi là văn hóa chính trị, là dân chủ thực chất. Khi những người có tiếng tăm không tốt trong dư luận nhân dân, kể cả trong Đảng, hàng năm nếu thấy có dư luận thì nên đặt vấn đề để người đó nghiêm túc tự xem xét có sai, chưa tốt thì phải chấn chỉnh, sửa đổi, tiếp thu, không sửa được thì cũng nên thôi chức. Nên làm như thế để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng v.v...
Rồi may mắn, vận nước một kỳ bĩ ấy cũng qua đi. Câu chuyện về buổi gặp gỡ đó chỉ còn là kỷ niệm.
*
Đêm ở xứ Nẫu Phú Yên. Thời buổi giặc dã Covid vẫn phải đi vì vướng một việc nhà. Điện thoại của ông bạn già Lê Thọ Bình đã khởi đầu và xui nguyên giục bị cho một đêm trắng. Rằng anh Phiêu bệnh đang trở nặng không biết có qua khỏi được đêm nay?
Bốn giờ sáng. Tin nhắn từ Hà Nội, ông đã đi…
Thế là lan man những hồi ức.
Tôi nhớ đâu năm đã xa thời điểm ông đã nghỉ chức Tổng Bí thư, một đoàn doanh nhân xứ Thanh không hẹn trước rầm rộ đổ bộ vào nhà cụ ở phố Lý Nam Đế. Đi vắng thì thôi, chứ đương ở nhà thì bao giờ cụ chả tiếp bất kỳ ai, nhất đó lại là những doanh nhân đồng hương. Tháp tùng các doanh nhân ấy lại có kha khá những bậc con cháu cùng là người quen. Và thế là bao nhiêu những tò tò thóc mách. Họ để mắt đến mọi xó xỉnh của căn hộ vốn xập xệ nay được cải tạo đâu như 3 tầng lầu ấy. Nhà cụ Phiêu, nhà cụ nguyên là Tổng Bí thư thì dứt khoát phải có chi lạ phải khác các ông khác chứ nhỉ? Quen cái thói “Quen thì sợ dạ. Lạ thì sợ quần áo”. Tấm lòng, tấc dạ của cụ Tổng có khi đám ấy cũng chả để ý hoặc luôn mặc định rằng tất nhiên phẩm chất cụ Tổng là tốt là chuẩn không cần chỉnh rồi! Đám ấy rỗi việc lẫn rỗi hơi lăm lăm cái điện thoại di động có kiêm chức năng chụp hình soi vào mọi ngõ ngách. Đầu tiên là cái cặp ngà voi to tổ bố, theo đám ấy là thứ lạ thứ đáng giá trong căn nhà này. Rồi mấy lọ gốm rẻ tiền có tính chất trang trí. Mấy cụm cây cảnh lối lên xuống…
Xin mở ngoặc cái cặp ngà này một chút. Nó là của một người bà con làm bên ngành mỹ nghệ. Cái cặp ấy là giả ngà. Được chế bằng composite vật trang trí đắt lắm giá chỉ vài triệu bạc được bày bán nhan nhản lối phố Mã Mây bắt vào Hàng Đường dẫn lên chợ Đồng Xuân. Rồi tượng bán thân của cụ Phiêu mà anh em văn nghệ sĩ vốn sẵn lòng mến cụ chế tác. Cả bức thư pháp hoành tráng Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ chữ của thư pháp gia Lê Xuân Hòa đồng hương Thanh Hóa. Giáp Tết năm ấy, tôi có dịp chứng kiến cảnh cụ Phiêu ghé Miếu Văn ân cần ngồi chuyện cùng cụ Hòa. Cụ Phiêu ngồi nghe cụ Hòa bộc bạch lại gia cảnh từng phải trốn biệt đất Trạng Hoằng Hóa để lánh cái nạn cải cách ruộng đất khổ sở đói khát ra làm sao. Về sau cụ mát mặt tý chút có người phát hiện chữ cụ Hòa có thần khí bèn kêu xin và tiến cử cụ với Bộ văn hóa. Thế rồi cụ được chọn một trong ba người viết chữ những bài thơ trong Ngục trung nhật ký. Rồi chữ cụ được tuyển vào bản in đầu tiên của nhà xuất bản văn hóa. Cụ Hòa có ý tặng chữ ông. Cụ muốn viết chi thì tùy… Cụ Hòa dầm mực viết ngay câu Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ. Nghĩa Một mảnh lòng băng tại ngọc hồ. Ý là tấm lòng trong sáng không chạy theo vinh hoa phú. Câu này lấy trong bài Phù dung lâu tống tân tiệm của Vương Xương Linh đời Đường: “Lạc Dương thân hữu như tương vấn/ Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” (Thành Lạc Dương nếu ai có hỏi một mảnh lòng băng tại ngọc hồ).
Nội thất phòng khách cụ Phiêu đại loại chỉ có vậy. Không chỉ ngôi nhà mà quả là phẩm chất, sự chân thực, thực thà rất dễ phát lộ ở con người từng đóng ngôi cao vót này. Cứ mạo muội nghĩ, đã định hình đã mặc định tính cách của Tổng Bí thư. Nhưng với những người làm báo, trong đó có tôi, thì nhiều khi vẫn bất ngờ vì ngạc nhiên. Ví như lần đi thăm Cộng hòa Pháp, Thị trưởng thành Ba Lê tặng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bức tranh một con thuyền vượt bể khá đẹp. Tổng Bí thư cảm ơn chân thành. Khi về chỗ đoàn nghỉ, tiện gặp chỗ hành lang, ông dừng tôi lại hỏi về con thuyền buồm vượt bể trong bức tranh hồi sáng ngài Thị trưởng thành phố tặng? Thoáng nhanh ý nghĩ rằng, bộ phận tùy tùng đi theo vốn xôm tụ dày dặn kiến thức này khác chắc đã trình bày với cụ tường tận? Ngạc nhiên nhưng tôi cũng từ tốn trình lại cái ý tứ mình đã được đọc đâu đó rằng, Paris xa xưa vốn là vùng đầm lầy… Kiến tạo địa chất cùng trí thông minh nhẫn nại của người dân thành Ba Lê bao đời nay đã vượt thoát bao khó khăn, nhân tai lẫn thiên tai tạo dựng một vị thế Ba Lê như hiện nay và còn tiến xa ra biển lớn bằng biểu tượng con thuyền vượt bể!... Cũng nghĩ thêm, chắc Tổng Bí thư không bao giờ lại đi kiểm tra kiến thức của cái thằng nhà báo quèn như mình. Nhưng khi ấy, trào dâng trong tôi một cảm giác kính phục! Ở vào vị thế của ông mà vẫn đi hỏi, vẫn làm cái việc tìm hiểu cái điều mình muốn biết với mọi đối tượng… Cũng na ná như thế, trong lần công cán ấy, Thị trưởng thành Venise ở Italia có tặng ông phiên bản bức bích họa nổi tiếng của Leonardo de Vinci: Bữa ăn cuối cùng hay Bữa ăn của Mười Hai vị tông đồ… sau Tổng Bí thư có hỏi mấy anh em chúng tôi về ý nghĩa của bức tranh ấy! Ông khuyến khích đám ký giả chúng tôi rằng là lần đầu đi hành nghề ở xứ người, có nhiều cái chưa biết phải cố gắng mà tìm hiểu mà học hỏi. Không biết, chưa biết thì hỏi để tránh những sơ suất nghề nghiệp. Kỵ nhất là chữ tác đánh chữ tộ trong hoạt động đối ngoại…
Thời buổi kinh tế thị trường này thì đã quá quen với hình ảnh các chính khách Việt Nam ráo riết năng động lẫn khéo léo trong những hoạt động nhằm quảng bá thế mạnh tiềm năng nông sản hải sản với bạn bè quốc tế. Nhưng hình ảnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu những năm kết thúc thế kỷ XX ấy, tôi thấy hơi là lạ khi ông nhiệt thành nói sâu trình bày sinh động về thế mạnh con tôm về hải sản về hạt điều và cả gạo Việt. Ở Paris ở Roma… ông cười tươi với chất giọng tự hào khi giới thiệu mấy doanh nhân chuyên kinh doanh hải sản lần đầu được can dự trong đội hình doanh nhân tháp tùng Tổng Bí thư ra nước ngoài. Hào sảng giới thiệu Madame Hảo (Bà Cao Thị Hảo, Tổng công ty lương thực) lên quảng bá chất lượng gạo Việt. Cái tên Madame Rice sau chuyến đi ấy đã xuất hiện trên thị trường châu Âu đã phần nào ghi dấu công sức của Tổng Bí thư.
*
Không được chứng kiến những trình bày những báo cáo của ông trong các cuộc họp trọng. Chẳng hạn như trước Bộ Chính trị, như trước Ban chấp hành Trung ương về thời điểm bình thường hóa quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ. Nhưng lắm lúc tôi cứ lẩn thẩn soi đi soi lại những câu đại loại như thế này được xuất hiện trong một hồi ký của Tổng thống Hoa Kỳ B. Clinton.
“… Bà bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp tôi có hỏi: chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Tôi nói: không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi… Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước. Đảng chúng tôi có quan hệ với hơn 180 đảng cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền… Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi”.
Rồi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kết thúc bài phát biểu “chào mừng” tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đến Văn phòng Trung ương Đảng:
“Chúng tôi quý trọng nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thấy hình ảnh cháu Chelsea, tôi chạnh nhớ cháu Emily, con gái của Morrison, và mẹ cháu cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Đó là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Rằng có gì thất thố và sơ hở gì ở đây không nhỉ?
Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi”.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng nói thế mươi lăm năm trước. Và hơn mười năm sau, câu nói ấy là câu chú thích cho hình ảnh, cho bức hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện diện ở Nhà Trắng cùng Tổng thống Hoa Kỳ…
Nguồn Văn nghệ số 33/2020