Chuyện văn chương

28/3
12:09 PM 2020

TẬP DI CẢO “NƠI GIÓ BAY” CỦA NGUYỄN PHAN HÁCH

Nhà xuất bản Dân Trí vừa ấn hành tập di cảo thơ, văn và nhạc của cố thi sĩ, nhà văn Nguyễn Phan Hách. “Nơi gió bay” là câu thơ của Nguyễn Phan Hách được những người thân của ông lấy làm tiêu đề cho cuốn sách này. Vanvn.net trân trọng gửi tới quý bạn đọc Lời giới thiệu của NXB Dân Trí và chùm thơ rút từ cuốn sách!

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Mỗi thế hệ, giai đoạn lịch sử luôn có những gương mặt nghệ sĩ, đặc biệt, gương mặt văn chương có thể mang ra đánh cược cho những giá trị tinh thần dân tộc, cộng đồng. Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Phan Hách là một trong những gương mặt như vậy!

 

Nguyễn Phan Hách đến với văn chương rất sớm. Ông có truyện ngắn đầu tiên được in trên báo Văn nghệ năm 1958 khi còn đang học lớp 5. Khi đã có thành tựu thơ ca, ông tung tẩy trong các thể loại văn xuôi, như truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, tản văn v.v. Ngoài ra ông còn sáng tác ca khúc, phổ thơ mình, hoặc viết những ca từ giàu chất thơ. Ca khúc của ông có thể coi là những cửa sổ để mọi người được chiêm ngưỡng thêm không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt, một miền dân ca quan họ tình tứ quyến luyến vùng châu thổ sông Hồng. Ở bất kỳ thể loại nào, Nguyễn Phan Hách đều để lại những dấu ấn khó quên trong đời sống văn học, nghệ thuật; Không chỉ có công đóng góp những tác phẩm giá trị vào kho tàng văn học đương đại, mà điều đáng ghi nhận hơn, ông đã mạnh dạn đổi mới, cách tân thi pháp cho một số thể loại văn học, như tản văn, ký sự…

 

Văn mạch và cảm xúc âm nhạc của Nguyễn Phan Hách bắt nguồn từ văn hóa Kinh Bắc, nơi ông được sinh ra và thừa hưởng trọn vẹn những giá trị quý báu và độc đáo của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này. Do vậy, dù viết về bất kỳ đề tài nào, cũng như con đường sáng tạo của ông có vươn xa tới đâu, Nguyễn Phan Hách luôn biết cắm sâu “chiếc rễ cái” vào miền đất phì nhiêu văn hóa quê hương để nuôi dưỡng tác phẩm, tựa như dòng nhựa cần mẫn nuôi thân cây tán rộng, xum xuê nhánh cành. Có thể nói, cội rễ quê hương, ngọn nguồn dân tộc đã làm nên sự nghiệp vẻ vang của Nguyễn Phan Hách, cho ông khí lực, bút lực mạnh mẽ cùng cảm xúc luôn tươi trẻ cho đến khi giã từ cõi tạm.

 

Chúng ta luôn trân trọng, biết ơn những tác phẩm mà Nguyễn Phan Hách đã để lại. Nhưng các Biên tập viên NXB Dân Trí chúng tôi rất vui mừng và ngạc nhiên hơn khi nhận được tập di cảo lấy tên “Nơi gió bay” từ những người thân trong gia đình ông. Cuốn sách tập hợp những bài thơ, truyện ngắn, tản văn cùng những bản nhạc do Nguyễn Phan Hách sáng tác rải rác từ lúc còn sung mãn đến khi lâm bệnh, phần lớn trong số đó chưa được công bố.

 

Tập di cảo “Nơi gió bay” thể hiện đầy đủ phong cách sáng tạo của Nguyễn Phan Hách. Các tác phẩm thơ, văn, nhạc của ông trong đó giàu tính trữ tình, đậm đà hương vị dân ca, đặc biệt thấm đẫm văn hóa Kinh Bắc. Đề tài trong cuốn sách mở rộng, từ những mối lo toan thường nhật, đến nỗi đau nhân thế, giống nòi… Đặc biệt, ông có những rung cảm tươi non, tinh tế khi nói về tình yêu con người, luyến ái, về thiên nhiên, mùa màng, vũ trụ... Tác giả thường kết hợp nhuần nhuyễn các thủ pháp hiện đại và căn tính dân tộc, tạo ra giọng điệu mới mẻ, trẻ trung, đầy quyến rũ. Tập sách thể hiện đầy đủ chân dung một nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ có bản sắc riêng, mạnh mẽ và luôn giàu sức sáng tạo.

 

“Nơi gió bay” là câu thơ của Nguyễn Phan Hách được những người thân của ông lấy làm tiêu đề cho cuốn sách này. Tiêu đề mang hàm nghĩa chuyển động của gió trong vùng sinh quyển, tạo ra lực đẩy trong không gian lớn tác động lên vạn vật. Ở đâu có sự sống ở đó có gió. Gió là áp lực, chuyển dịch, sinh sôi, mãi xao động…

 

“Nơi gió bay” là nơi quý bạn đọc gặp gỡ, khám phá, đồng điệu với những tác phẩm phong nhiêu ý tưởng và giàu cảm xúc của nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Phan Hách. Chúng tôi tin rằng mỗi người sẽ tìm được lối đi riêng để đến với khu vườn nghệ thuật rộng lớn và còn nhiều bí mật của ông.

 

Hà Nội, ngày 3 tháng 12, 2019

Ban Biên tập NXB Dân Trí

 

 

 

Chùm thơ rút từ cuốn sách “Nơi gió bay” (NXB Dân Trí, 2019)

 

 

 

Ca dao tình quê

 

- Người đi, người có nhớ không

Cây đa bến cũ dòng sông con đò

Người đi từ ấy đến giờ

Cây đa rủ bóng vẫn chờ vẫn trông

Con đò lạc mất bến sông

- Người đi, người có nhớ không mái chèo

Lá đa rơi tựa cánh diều

Lá da vàng rợi bay vèo tuổi thơ

Con đò xưa chở giấc mơ

Giấc mơ đã tỉnh, còn trơ con đò

Ta đi vẫn nhớ đến giờ

Nhớ đêm thanh vắng chuông chùa ngân vang

Xạc xào tiếng vạc kêu sương

Ngàn mai dặm liễu con đường trong mơ

Con đường nào hóa hư vô

Conthuyền nào hết bến bờ ước mong

- Người đi, người có nhớ không

Tháng mười chim ngói cánh đồng heo may

Đầu mùa cốm mới hương bay

Miếng trầu vôi mặn cay cay nồng nồng

Có con chiền chiện lượn vòng

Quanh quanh nón trắng má hồng gái quê

Người đi sao mãi chả về

Gừng cay có nhạt lời thề có phai

- Ta đi nhớ lắm người ơi

Chiều xanh nội cỏ biếc phơi nắng vàng

Mục đồng gọi nghé về chuồng

Khói lam mái bếp cô thôn tỏa mờ

Đường làng cổ tích xa xưa

Chạy lang thang đến bây giờ còn đây

Hàng tre xanh, cánh bướm bay

Trắng tinh cánh bướm thơ ngây thuở nào

Tháng ba trong vắt mưa rào

Cá rô rạch ngược cầu ao lên bờ

Cá rô mắc cạn đến giờ

Khi nào về được ao xưa lại về

- Người đi người có còn nghe

Cuốc kêu rạn vỡ trăng hè đêm thâu

Chim đồi khắc khoải tìm nhau

Tiếng chim khản giọng nghe sao rợi buồn

- Ta đi chớp bể mưa nguồn

Tuyết tan lạnh buốt sông vàng cõi mê

Ta đi ta vẫn nhớ về

Ru ta ấp ủ bóng tre êm đềm

Tháng ba nắng mới bay lên

Tiếng gà trưa gáy vọng bên song đào

Luống cà hoa tím xôn xao

Nhànhmơ quả chín rơi vào áo em

Hoa loa kèn nở trước thềm

Âm vang khúc nhạc một miền âm vang

Tháng ba hoa gạo đầu làng

Hồng như nỗi nhớ ta mang theo cùng

- Người đi người có nhớ không

Cánh chuồn chuồn ớt bay ngang bờ rào

Cuộc đời thiếu đắng cay sao

Mà chuồn chuồn ớt đậu vào tuổi thơ

Dế vườn gáy dưới trăng lu

Dế vườn ru tiếng hát ru ngọt ngào

Nô đùa đom đóm bờ ao

Tay vun từng vụn ánh sao tan nhòa

- Ta đi vẫn nhớ nếp nhà

Bát canh cua với quả cà giòn tan

Trám bùi rau muống chấm tương

Ngồng xanh cải đắng hoa vàng gió lay

Trắng tinh một bát cơm đầy

Hạt mưa hạt nắng trên tay lọt vào

Ta đi, ta nhớ biết bao

Mái đình bát ngát ca dao… mái đình

Người như một ngọn trúc xinh

Nghiêng nghiêng che nón một mình đợi ta

Đường đi muôn dặm sao sa

Hẹn ai trở lại quê nhà với ai.

 

28-11-2011

 

 

 

 

 

 

 

 

Đòn gánh

 

Ban thờ tết hoa đào hoa cúc

Mẹ bày đôi cây mía vàng tươi

Mía làm đòn gánh gánh về trời

Những bánh trái, giò nem dâng cúng

Đòn gánh đường đời xưa cay đắng

Đòn gánh tiên giờ phải ngọt ngào

Mía làm gậy chống, chống thấp cao

Đường mây trắng tổ tiên trú ngụ

Những mấu đốt đường tiên ngọt dịu

Sau tháng năm khúc khuỷu trần gian…

Giữa nến đèn ngào ngạt khói nhang

Đôi cây mía lung linh huyền ảo.

 

15/1/2011

 

 

 

 

 

 

Chú Tễu cười

 

Mỗi làng quê có một chú Tễu

Hội đầu xuân nhăn nhở đứng cười

Cười hộ cả làng nụ cười vui

Cười hộ cả làng nụ cười buồn khó nói

Vừa buồn vừa vui... ai mà cười nổi

Chỉ riêng chú Tễu biết cười thôi

Chú đứng đây, nhăn nhở với đời

Vừa bông phèng lại vừa nghiêm ngắn

Vừa hiện thực lại vừa lãng mạn

Dù thế nào, vẫn phải sống với đời

Cuộc đời ơi, ta biết ngươi rồi

Dù thế nào ta vẫn yêu say đắm

Ta chế riễu và ta căm phẫn...

Thôi tất cả nhờ chú Tễu cười cho.

 

8/1/2010

 

 

 

 

 

 

Quê hương thời kháng chiến

 

Anh đến sông Cầu nơi chiến tuyến

Ngày mai khói lửa sẽ mịt mờ

Thương người em gái đi chạy giặc

Cánh bèo trôi dạt nẻo trời xa

 

Còn đâu gió biếc trăng vàng nữa

Sân đình yếm thắm hát trao duyên

Đại bác cầm canh đêm rền rĩ

Bến vắng xa tan tác bóng thuyền.

 

Chùa cũ nguy nga giờ giặc đốt

Ni cô vơ vẩn giữa nền hoang

Làng đêm mẹ thức nghe gió hú

Tiếng gà gáy nghẹn phút sang canh.

 

Trăng biếc Thiên Thai mù khói súng

Đồi Lim Quan họ gánh tản cư

Tiêu Sơn tráng sĩ đầu ngoảnh lại

Ngóng về chiến tuyến dưới trăng lu

 

Ai đi chân mỏi đường xứ Bắc

Tìm bóng người xưa áo tứ thân

Trống hội thâu đêm lòng nao nức

Che duyên Quan họ nón ba tầm

 

Anh tưởng em đem hồn xứ Bắc

Đi mất đâu rồi, chẳng ở đây

Áo cỏ gió mưa màu chiến tuyến

Thấm đậm hồn quê kiểng đất này.

 

Bao giờ anh đón em trở lại

Còn vẹn nguyên sau cuộc chiến này

Ta lại thả diều trên núi cũ

Cho hồn xứ Bắc mãi tung bay.

 

4/7/2001

 

 

 

 

 

 

 

 

Vải thiều Lục Ngạn

 

Tháng sáu chói chang trời Lục Ngạn

Vải thiều chín đỏ những đồi cây

Hương sắc đất trời lên sắc ngọt

Chim về tìm quả, bóng chim bay

 

Đồi núi trập trùng như sóng cuộn

Vải chín trập trùng đến chân mây

Đợi khách đường xa trong vườn hẹn

Vít cành vải chín để trao tay

Đàn Tính tính tang trong vòm lá

Câu Sli Lượn ngọt trên môi

Hương sắc vải thiều thành câu hát

Lục Ngạn mênh mang dải núi đồi

 

Nghe nói ngày xưa đất Thanh Hà

Quê hương trái vải ngọt phù sa

Có chàng trai trẻ tình trắc trở

Hờn giận người yêu, bỏ trốn nhà

 

Đem theo hạt giống quê khắc khoải

Lên rừng Lục Ngạn phá đồi hoang

Chơ vơ gió hú, vun nhành gốc

Trong hình bóng lá có người thương

 

Lệ buồn rơi gốc lên sắc quả

Có vị ngọt nồng những nụ hôn

Hương sắc của mối tình dang dở

Trái vải thành trời đất quê hương…

 

Chào em gái đẹp xinh Lục Ngạn

Tặng cho tôi trái vải đầu cành

Vị ngọt trên môi hồng lan tỏa

Như tình quê kiểng mãi tươi xanh.

 

10/7/2011

 

 

 

 

 

 

 

 

Phố Phủ

 

Phố Phủ xưa gập ghềnh vó ngựa

Vọng lâu buồn tiếng trống thu không

Tiếng còi xe lửa qua ga xép

Mang hồn phố Phủ đến mênh mông

 

Phố Phủ vui gạo trắng nước trong

Có cô hàng xén má tươi hồng

Có người kỹ nữ xinh nức tiếng

Sênh phách còn vang mãi thinh không

 

Ai nhớ một thời trường Đại Tập

Học trò về nô nức bình văn

Cô hàng sách bút bâng khuâng nhớ

Hào hoa phong nhã bóng nho sinh

 

Người đi năm tháng lùi sau cửa

Nắng mới trùm lên bóng dáng xưa

Lại về phố Phủ đi tìm lại

Nhưng bóng hình ta thuở ấu thơ

 

6/10/2011

 

 

 

 

 

 

 

Thuận Thành

 

Một vùng nước biếc non xanh

Âm vang quan họ, màu tranh Đông Hồ

Luy Lâu thành cổ ngân xưa

Ngàn xưa Đức Phật hiện về chùa Dâu...

 

14/8/2011

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhớ gì…

 

Nhớ gì như nhớ làng xưa

Trời cao mây trắng vẩn vơ mây buồn

Lào xào trong suốt cánh chuồn

Chuồn ơi cánh mỏng sao còn bay xa...

Nhớ gì như nhớ đầu thu

Có em gái nhỏ dậy thì ngóng trông

Nhà ai ngõ rắc tơ hồng

Óng vàng mớ rối bòng bong cuộc đời

Để tôi đếm hạt mưa rơi

Đố ai đếm được trong tôi nỗi buồn…

Nhớ gì… rau muống dầm tương

Trái cà muối mặn... Ai thương thì về

 

 

Nhà tôi mái dạ vắng hoe

Cún vàng canh cổng, le te trúc gầy

Bướm vàng cứ dập dờn bay

Mỏng manh cánh chở tháng ngày tuổi thơ...

Nhớ gì như nhớ làng xưa

Đường mong lối đợi ngõ chờ để thương

Lập loè đom đóm trong vườn

Cho tôi mãi mãi vẫn còn trẻ thơ

Như là chú bé ngày xưa

Vẫn trong tôi, vẫn ngu ngơ giữa đời

Ai về quê kiểng cùng tôi

Giếng trong hờn rỗi đầy vơi nghĩa tình

Con cò be bé xinh xinh

Gió mưa run rẩy trắng tinh cánh cò

Vẫn bay đến tận bây giờ

Tìm về cành cũ lối bờ tre xanh.

 

4/5/2011

 

 

 

 

 

 

 

 

Tình đầu

 

Tình yêu đầu như sớm đầu thu

Gió tinh khôi, lụa vàng nắng trải

Em mang hành trang tình đầu huyền thoại

Đi suốt thời gian hiện thực đời thường

 

Đóa hồng vàng hàm tiếu đẫm sương

Con bướm vàng chập chờn hư ảo

Giọt mưa rơi, bập bùng gió bão

Hương hoa hồng sũng nước tan nhòa

 

Hồng vàng không kết trái sau hoa

Tình đầu thành ngôi sao hoài niệm

Miền không gian trong veo ẩn hiện

Chỉ đi về trong những giấc mơ

 

1-12-2013

 

 

 

Tiểu sử nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách (1944-2019)


Nguyên quán: Xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Dạy học, biên tập viên, nghiên cứu văn hóa dân gian ở Ty Văn hóa tỉnh Hà Bắc (cũ) - Bắc Ninh. Năm 1973: Biên tập viên thơ Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN). Năm 1977: Biên tập viên văn xuôi Nxb Tác phẩm mới (nay là Nxb Hội Nhà văn VN). Sau đó làm tổng biên tập, giám đốc Nxb Hội Nhà văn đến khi nghỉ hưu, 2017. 2007-2019: Tổng biên tập Nxb Dân Trí (Hội Khuyến học).


Tác phẩm đã xuất bản


THƠ


Người quen của em (1982)
Hoa sữa (2000)

Vô tình (2007)
Những ngôi sao tuổi thơ (2011)
Hạt bụi (2013)


TIỂU THUYẾT


Tan mây (1983)

Mê cung (1990)
Người đàn bà buồn (1994)
Cuồng phong (2008)


TRUYỆN NGẮN, TRUYỆN VỪA


Tổ chim sẻ (1978)

Cây vĩ cầm cảm lạnh (1984)

Sau những cách xa (1984)
Quà tặng của thiên nhiên (1985)
Khốp ngựa ô (1987)

Vị đắng trên môi (1988)

Cô gái đầm sen (2004)
Hoa hoàng lan (1995)
Tình đùa (1996)
Hoa anh đào lại nở (2015)
Khăn quàng tơ sen (2017)

 

CA KHÚC

 

18 ca khúc được thu âm.

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *