Chuyện văn chương

9/6
6:11 PM 2020

TRƯỜNG SƠN – QUẢNG TRỊ MÃI SÂU ĐẬM TRONG KÝ ỨC NHIỀU THẾ HỆ

Nguyễn Khắc Phê (Đọc “Ký ức gã ăn mày”, tiểu thuyết 2 tập của Tôn Ái Nhân, NXB Văn học, 2018). Đại tá-nhà văn Tôn Ái Nhân (TAN) là tác giả của hơn chục tập văn xuôi (tiểu thuyết & tập truyện) và kịch bản, đã đạt nhiều giải thưởng danh giá,

Đại tá-nhà văn Tôn Ái Nhân (TAN) là tác giả của hơn chục tập văn xuôi (tiểu thuyết & tập truyện) và kịch bản, đã đạt nhiều giải thưởng danh giá, trong đó, “Ký ức gã ăn mày” (KUGAM) là tác phẩm có dung lượng lớn (2 tập, dày hơn ngàn trang), được xuất bản gần nhất, lấy Trường Sơn và chiến trường Quảng Trị khốc liệt làm bối cảnh chính.

Trong kháng chiến thần thánh lần 2 (1954-1975), với vị thế là nơi “đụng đầu lịch sử”, cho đến nay, 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, đã có hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm viết về Trường Sơn và Quảng Trị. Có những tác phẩm khá nổi tiếng được xuất bản ngày trong chiến tranh như tiểu thuyết  “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Trong mảng đề tài này, nhà văn Xuân Đức với thế mạnh là người con của quê hương Quảng Trị anh hùng, đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị như tiểu thuyết “Cửa gió”, “Bến đò xưa lặng lẽ” đã được tặng Giải thưởng Nhà Nước.

TAN, tuy không còn trẻ nữa (anh sinh năm 1943), nhưng với đề tài Trường Sơn-Quảng Trị, anh là “người đến sau” - nhà văn khởi thảo tiểu thuyết từ năm 2003, khi chiến trường đã im tiếng súng gần ba chục năm. Đó là một thuận lợi vì tác giả được thừa hưởng kinh nghiệm của đồng nghiệp, có độ lùi thời gian để suy ngẫm về cách tái hiện sự thật lịch sử cũng như đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết; nhưng đồng thời đây cũng là thách thức - làm sao tránh được “vết chân” của người đi trước và tạo nên được ấn tượng mới mẻ đối với bạn đọc.

Có lẽ vì thế mà TAN đã phải ôm ấp, thai nghén và “mạng nặng đẻ đau” tác phẩm suốt 5 năm trường, qua 6 Trại sáng tác của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an từ năm 2003 đến 2008. Với KYGAM, tác giả đã tìm được một cách khai thác đề tài, một góc nhìn khá độc đáo - ngay từ tên tác phẩm. Viết về một vùng đất anh hùng, một cuộc chiến khốc liệt, sao lại “dựa vào” một “gã ăn mày”?… Thực ra, đây là một người lính rất dũng cảm, lập được nhiều chiến công xuất sắc trên các chiến trường ác liệt nhất, nhiều lần bị thương nặng, thậm chí có lần bị sốt rét ác tính chết đi sống lại, đồng đội đem chôn, bất ngờ sống lại. Rồi khi cả đơn vị bị bom chết hết, còn lại một mình anh …Thế là suốt ba mươi năm bơ vơ đi tìm đồng đội, bị lạc rừng, nhiều chuyện ly kỳ đã diễn ra… Lúc tìm được về quê thì tên anh đã có ở nghĩa trang, biết bao nhiêu là “cuộc bể dâu”!... Tình cờ, nhờ gặp được Thơ, người yêu “ngoài hôn nhân” đã có với anh một đứa con, anh biết mình đã có cháu nội nhưng cả gia đình đã có một cuộc sống khác hẳn ngày xưa - kẻ ở Hà Nội, người ra nước ngoài… Anh không muốn làm xáo trộn cuộc sống mới của họ, cũng không ham cảnh giàu sang và tình yêu mà Thơ dành cho anh, nên đã giấu mình trong vai “gã ăn mày” để tìm gặp lại gia đình, trong đó có đứa cháu nội Thủy Nguyên của anh… Do hành tung “mờ ám”, “gã ăn mày” đã bị công an bắt. Trước khi trốn thoát, “gã” đã để lại cuốn tự truyện “Ký ức đời tôi”; “gã” không dùng tên thật vì đó là tên một liệt sĩ đã khắc vào bia đá mà lấy tên gọi từ tuổi ấu thơ: Vũ Trung Bống.

Đọc tác phẩm, chúng ta hiểu không phải tác giả vào truyện với cảnh gã ăn mày bị bắt để lôi cuốn độc giả mà là thủ pháp lựa chọn số phận nhân vật chính đầy chất bi kịch của tiểu thuyết, vừa có thể miêu tả, kể lại những năm tháng chiến tranh ác liệt như là một người trong cuộc, vừa gửi gắm đến người đọc hôm nay và hậu thế lời nhắc nhở, ước nguyện của những người lính đã hy sinh cuộc đời tươi đẹp nhất cho Tổ quốc. Những điều này, tác giả đã mượn 2 câu thơ của Hồ Thấu(*) làm “đề từ” ngay đầu tác phẩm: “Chiến trường ai khóc chia phôi / Khải hoàn ai nhớ đến người hôm qua?!” Và “gã ăn mày” trước khi trốn thoát để lại cuốn tự truyện với lá thư có câu “Ông có toàn quyền sử dụng, kể cả việc nhân bản công khai trước đông đảo bạn đọc trên khắp bán đảo Đông Dương”, nghĩa là anh viết Tự truyện đâu phải cho riêng mình mà để “Kính tặng hương hồn các anh hùng liệt sĩ cùng tất cả những người phụ nữ bất hạnh và khốn khổ trên Quê hương – Đất nước tôi!” và anh còn muốn mọi người luôn nhớ “Chiến tranh là máu của những người đàn ông với nước mắt của những người đàn bà và trẻ nhỏ!” (Trích Lời người lính ghi đầu tự truyện “Ký ức đời tôi”)

Có thể nói, với sức mạnh của nghệ thuật tiểu thuyết, TAN qua tác phẩm  này đã làm được những điều đó, đã biến ký ức hào hùng và đau thương của “gã ăn mày” trở thành ký ức sâu đậm của mỗi bạn đọc đang được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay. Thật khó kể lại - dù là vắn tắt - những ký ức đầy máu và nước mắt, cả vô số điều kỳ lạ đến mức huyền thoại đã được miêu tả qua ngàn trang sách. Tôi là người đã sống và chiến đấu ở những trọng điểm Trường Sơn vào thời kỳ rất ác liệt, vậy mà đọc KUGAM, nhiều chi tiết vẫn làm tôi kinh ngạc. Ví như chuyện tiểu đội của Vũ Trung Bống, đặt bẫy bắt được con kỳ đà, “ai cũng nghĩ đến chốc nữa sẽ được chén những miếng thịt kỳ đà nướng thơm phức, ngon lành, cắn ngập chân răng để thực sự thưởng thức một bữa tiệc thú rừng thỏa thích cho bõ cái bụng lâu nay cứ phải nhai măng đắng suốt, xót như bào cả gan ruột”, thì không ngờ khi mổ cái bụng to kềnh của nó có một bàn tay người! Thấy bàn tay có đeo nhẫn bằng xác máy bay Mỹ, nên tiểu đội đã tổ chức mai táng, bọc vải liệm, bỏ vào túi ni lông, rồi cho vào một vỏ thùng đạn, dù đó chỉ là chút di hài của một đồng đội “vô danh”. Một đám tang “vô tiền khoáng hậu”, giữa rừng sâu mà vẫn có nhạc “Hồn tử sĩ” bi hùng từ tiếng sáo của “nhạc sĩ” tiểu đội Đoàn Quý La thống thiết cất lên lay động cả đại ngàn hoang vắng. 

Cuộc sống cô quạnh của 9 cô thanh niên xung phong làm nhiệm vụ đón nhận hàng thả trôi từ thượng nguồn diễn ra  kỳ lạ và bi thảm đến cùng cực... Trong những ngày lạc rừng, Bống bất ngờ gặp Trâm đang trực vớt các bao hàng, người không một mảnh vải. Giữa rừng hoang vắng, lại luôn phải dầm nước, áo quần không có chỗ phơi, hầu hết các cô gái khi làm nhiệm vụ đều trần truồng như thế! Như củi khô bắt lửa, như nắng hạn gặp mưa rào, Bống và Trâm “đã sẵn sàng trao thân xác cho nhau rất dễ dàng, say đắm mà không cần một lời hứa hẹn…” Họ đã có những giờ phút “tràn trề hạnh phúc”, nhưng ở một chiều kích sâu rộng hơn, đó lại là một nỗi đau: “Chiến tranh đang xô đẩy chúng tôi đến cái đáy tận cùng của sự trống rỗng và thiếu thốn, để con người luôn sống bên bờ vực của sự thèm muốn cháy bỏng tâm can, rồi buộc phải buông theo bản năng chi phối. Rõ ràng chiến tranh chính là một con quỷ đang phá vỡ tất cả những giá trị đạo đức tốt đẹp và cao thượng đã tồn tại lâu nay của thế giới con người!” Và thật là đau đớn khi cả 9 cô gái bị vùi trong hang, sau một trận bom, riêng cô Hà xinh đẹp nhất bị đá kẹp nửa người; trước cái chết không thể tránh được, cô chỉ có một ao ước là được Bống ôm hôn - nụ hôn đầu tiên và duy nhất của một đời con gái; khi Bống không thể giúp cô rút ngắn thời gian hấp hối, cô đã dành súng tự kết liễu đời mình!

“Máu lửa trên thành cổ Quảng Trị” là tên chương sách dài đến 70 trang miêu tả cuộc chiến đẫm máu ở mặt trận ác liệt nhất trong lịch sử cuộc chiến 1954-1975. “Không giây phút chần chừ, do dự, Đỗ Tiến Lẫm đã lao thẳng tới ôm gọn quả lựu đạn vào người…Bóng Đỗ Tiến Lẫm bỗng tung lên, rồi rơi phịch xuống đó nằm yên bất động, cơ thể nát nhừ và máu tươi chảy loang lổ, đầm đìa khắp người… Nghe tiếng hô “Xung phong” của A trưởng Vương Thọ Viễn, cả tiểu đội đều vọt khỏi đường hào, xông về phía  kẻ thù… Không gian bỗng ngập ngụa thuốc súng. Lênh láng máu tươi. Ngổn ngang xác chết và mù mịt cát bụi… Tiếng kêu rống, la hét đầy man dại cùng những tiếng rên rỉ của những người lính bị thương vang lên thảm thiết…” Giữa những trận đánh giáp la cà giành giật từng mét đất thảm khốc như thế liên tục diễn ra khiến những người lính cả đôi bên không còn kiểm soát được lí trí, cộng với lòng căm thù trước sự hy sinh của đồng đội, hết lớp này đến lớp khác, trong chiến hào không tiến lên được và cũng còn đường lui, lại không thể nổ súng để lộ vị trí, Vương Thọ Viễn đã phải dùng lưỡi lê kết liễu hai tù binh!... Tôi không thể trích dẫn đoạn văn đau thương tột cùng này. Cả những người lính trẻ, sau khoảnh khắc buộc phải hành động như điên rồ ấy, cũng thấm nỗi đau vì mưu đồ thâm độc “thay màu da xác chết” của bọn xâm lược, đã cùng “cúi đầu như là mặc niệm để vĩnh biệt họ… Vương Thọ Viễn bỗng cất tiếng nói nhỏ nhẹ “Thế mới biết trong chiến tranh nhiều khi bắn giết kẻ thù để giành chiến thắng cũng chưa chắc đã mang lại niềm hoan hỉ mà có khi còn làm trái tim người lính như bị cào cấu đến nát lòng…”  

***

Mấy chương cuối tác phẩm miêu tả hành trình người lính lạc rừng trở lại đời sống hòa bình, tuy số trang không nhiều, nhưng với cái nhìn ngơ ngác của một người bị xa cách đồng loại và thời cuộc quá lâu, tác giả không chỉ làm nổi bật sự đổi mới và phát triển của đất sau chiến tranh mà còn cho thấy mặt trái của cuộc tranh đua làm giàu bất chấp đạo lý cùng những di họa hậu chiến. Sự tương phản giữa đứa con của Thơ bị nhốt trong cũi do nhiễm chất độc da cam của người bố là liệt sĩ, bên cạnh cuộc sống trong nhung lụa của Thơ nhờ buôn bán đủ thứ khiến lương tâm con người nhức nhối…

Trong bối cảnh đó, hình ảnh người lính sau nhiều năm tháng lạc rừng, đã tìm về gia đình các đồng đội và ân nhân từng chia ngọt sẻ bùi, cứu giúp anh những lúc nguy khốn là biểu tượng đẹp đẽ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Ông Phước - một cựu chiến binh vào rừng làm ăn bắt gặp Bống và đã giúp anh dần quen với cuộc sống hòa bình. Ông Phước đã cùng Bống trở lại Quảng Trị, tìm thăm lại chiến trường ác liệt năm xưa, dù mọi thứ đã đổi khác, hai người “vẫn mua hương hoa tìm một chỗ bên sông Thạch Hãn thắp nhang, thả hoa xuống dòng sông để tưởng nhớ và vái vọng anh linh các chiến sĩ đã nằm lại dưới dòng sông này…” Và họ lặng người khi nghe cô hướng dẫn viên du lịch đọc bài thơ nổi tiếng: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm..”

Với người lính, những ký ức như thế không thể nào quên! Nhưng hơn bốn mươi năm đã qua! Giữa thế cuộc biến động khó lường hôm nay, khi con người luôn đứng trước những thử thách và cạm bẫy có thể làm băng hoại thành quả rèn luyện, phấn đấu của cả cuộc đời, hẳn là di bút của nhà thơ Hồ Thấu vẫn cần được nhắc lại, chỉ xin được “cải biên” chút ít như sau:

“Khải hoàn xin nhớ đến người hôm qua!”

__________

Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, 8 Xuân Diệu, Huế.ĐT: 098.9965409; Email: ngkphe@gmail.com

 

 

 

(*) Hồ Thấu (1918-1949): Nhà thơ, nhà giáo, quê Quảng Nam, sau Cách mạng tháng 8/1945 từng là  Chủ tịch Mặt trận Liên Việt (tiền thân Mặt trận Tổ quốc hiện nay) tỉnh Quảng Nam. Ông mất do bị bệnh lao, khi tài năng đang độ chín.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *