Chuyện văn chương

21/3
10:14 AM 2020

VĂN HỌC NGA TẠI VIỆT NAM TỪ SAU ĐỔI MỚI

Đỗ Thị Hường-Có hai mốc quan trọng ảnh hưởng đến sự hiện diện của văn học Nga ở Việt Nam: Cách mạng tháng Tám năm 1945 và công cuộc Đổi mới năm 1986. Cách mạng tháng Tám thành công đã giúp người Việt Nam mở rộng hiểu biết đến nước Nga Xô viết và nền văn học rực rỡ của đất nước ấy, đồng thời định hướng việc dịch và giới thiệu văn học Nga Xô viết ở nước ta.

 

Từ sau sự kiện lịch sử này chúng ta gần như chỉ biết, chỉ đọc văn học Nga Xô viết, cụ thể hơn là văn học mang tính chất “cách mạng”. Còn Công cuộc Đổi mới 1986 lại đem đến một sự “cởi trói” hoàn toàn.

 

Văn học Nga là một nền văn học rực rỡ và có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, văn học của nước ta. Những cuốn sách văn học Nga đầu tiên vào nước ta là những cuốn nghiên cứu về đại văn hào Lev Tolstoy (Tolstoy – 1939) và Macxim Gorky (Người độc giả kì dị – 1945). Từ sau 1986 số lượng các ấn phẩm văn học Nga được dịch và giới thiệu ở nước ta (cả sách dịch tác phẩm, phê bình nghiên cứu, luận án tiến sĩ dựa trên nguồn Thư viện Quốc gia) là 685 ấn phẩm. Đây thực sự là con số ấn tượng nếu so với số lượng sách văn học Nga từ 1986 trở về trước là 476 ấn phẩm. Nhìn vào những con số trên, chúng ta nhận thấy: số lượng các tác phẩm văn học Nga được dịch ở nước ta tăng lên rất nhiều sau Công cuộc Đổi mới 1986. Nguyên nhân của hiện tượng trên xuất phát từ cả hai phía. Ở nước Nga, công cuộc Cải tổ (1985) đã mở rộng ranh giới xuất bản cho những ấn phẩm văn học Nga. Nếu trước đó, những tác phẩm văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chiếm lĩnh văn đàn, thì sau Cải tổ, những tác phẩm văn học một thời bị “cấm” đã được “phục sinh” và xuất bản rầm rộ. Cũng trong trào lưu này, nhiều tác giả văn học Nga hải ngoại (lưu vong) đã được trả lại vị trí xứng đáng, những tác giả trẻ và cả các cây bút gạo cội thì “chạy đua” trong công cuộc chinh phục khán giả trong thời đại mới. Văn học đã thực sự có được một “môi trường sáng tạo” tự do và cởi mở. Ở Việt Nam, Công cuộc Đổi mới cũng đưa văn học bước sang một thời kỳ rực rỡ mới, từ sáng tác cho đến dịch thuật. Văn học Nga, bên cạnh văn học cổ điển thế kỷ XIX được dịch và tái bản, văn học thế kỷ XX, đặc biệt văn học lưu vong với những cây bút một thời bị cấm đoán cũng có cơ hội đến gần hơn với bạn đọc. Vì thế, số lượng các ấn phẩm văn học Nga từ 1986 đến nay ở nước ta vượt trội hơn hẳn giai đoạn trước đó. Tình hình này không hề bị ảnh hưởng bởi sự kiện Liên Xô tan rã (1991). Lý do là bởi, thế hệ người Việt Nam được học và đào tạo ở Liên Xô thời ấy vẫn rất đông đảo, dù không ít người trong số họ phải gác bỏ tiếng Nga để chuyển sang dạy tiếng Anh kiếm sống. Đó là lý do vì sao có những năm số lượng sách văn học Nga được dịch và xuất bản lên đến con số kỷ lục 160 đầu sách một năm (2004), những năm 2000 con số luôn duy trì trên 60 ấn phẩm một năm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, con số này đã sụt giảm đáng kể... Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này có lẽ xuất phát từ thực trạng của việc dạy và học tiếng Nga trong các nhà trường ở Việt Nam. Nếu như giai đoạn những năm 50-80 của thế kỷ XX, trong một thời gian dài, tiếng Nga là ngoại ngữ chính trong các trường học từ cấp phổ thông đến đại học thì ngày nay, tiếng Nga đang phải chịu sự “ghẻ lạnh” của người học. Trong các trường phổ thông chuyên ngữ, kể cả các trường đại học ngoại ngữ, số lượng sinh viên tiếng Nga rất ít. Tiếng Nga đã bị lấn át hoàn toàn bởi tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn… Số ít những người học ở Nga về lại không mấy mặn mà với văn chương và ngôn ngữ Nga…

Văn học cổ điển và đương đại là hai khu vực được dịch nhiều nhất trong văn học Nga. Những tác phẩm kinh điển của các tác gia như Puskin, Lev Tolstoy, Dostoievsky, Gogol, Sekhov, Solokhov, Pautovsky, Gorky, Bunin, Pasternak, Bulgakov… dù đã xuất bản từ rất lâu nhưng vẫn được tái bản khá nhiều lần. Như thế đủ để thấy sức quyến rũ vượt thời gian của những chân giá trị trong văn học.

Sau khi nước Nga tiến hành cải tổ, rất nhiều tác phẩm văn học Nga một thời bị cấm nay đã được trả lại đời sống đích thực của chúng. Có thể kể đến những tác phẩm của Nabokov (Lolita – 2012, Cơn giông – 2016, ba tập truyện ngắn: Mỹ nhân Nga, Mây, hồ, tháp  Thanh âm), Babel (Tập đoàn quân kỵ binh - 2001), Platonov (Đầm cạn – 2006), đặc biệt là Solzhenhitsyn (Một ngày của Ivan Denisovich – 2007, Quần đảo ngục tù), Zamyatin (Chúng tôi - 2017)… Những tác phẩm tiêu biểu của các cây đại thụ trong văn học Nga chưa được dịch trước đó cũng được bổ sung như Bản sonate Kreutzer (2011) của Lev Tolstoy, kịch Xác thây sống của Lev Tolstoy (2017), tiểu thuyết Giọt rừng (2011) của Prisvin, Bông hoa đỏ (2011) của Garshin, Khổ vì trí tuệ (2017) của A.Griboedov, Con gái Ivan, mẹ Ivan của V.Rasputin (2017).

Bên cạnh bộ phận văn học kinh điển, những tác phẩm văn học Nga đương đại cũng đã tìm được vị thế trong lòng bạn đọc Việt Nam. Công chúng yêu văn học được tiếp xúc với những truyện ngắn của Ulitskaya, Buida, Petrushevskaya, Tolstaya,… Tác phẩm của các nhà văn này được nhà nghiên cứu – dịch giả Đào Tuấn Ảnh tuyển chọn trong Truyện ngắn đương đại Nga (2003). Năm 2016, những tác giả mới nhất của văn học Nga cũng được chọn dịch và giới thiệu đến độc giả Việt Nam: Đôi cánhKinh nghiệm tình ái. Năm 2018 tuyển tập truyện ngắn Ngữ pháp tình yêu giới thiệu những truyện ngắn tiêu biểu nhất của văn học Nga cũng được xuất bản. Những tác phẩm mới như Sonechka (Ludmila Ulitskaya, 2003), Thời thơ ấu của cha tôi (Alexander Raskin, 2005), Vô hồn (Truyện kể về một người không chân chính – Sergei Minaev, 2007), Vương quốc thời gian ngừng trôi (Dimitri Suslin, 2010), Những du khách trứ danh (Mikhail Zhosenko, 2011), Cầu vồng trong đêm (Mikhail Samarsky, 2014), Tuần đêm (Sergei Lukyanenko, 2014), Nhật ký mẹ chồng (Meria Melitskaya, 2016), Bông hoa đá (Pavel Bazov, 2016), Ra đời (Varlamov, 2017), Đứa con muộn (Anatoly Alexin, 2017)… cũng đã được bạn đọc Việt Nam đón nhận.

*

Có một điểm khá thú vị, đó là rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại tình báo – trinh thám – giả tưởng – phiêu lưu – kỳ ảo của văn học Nga có mặt ở Việt Nam. Chỉ tính từ năm 2000 đến năm 2016, đã có 45 đầu sách (36 cuốn dịch mới và 9 cuốn tái bản) thuộc khu vực này (tủ sách G.P.T.K) được dịch. Phải kể đến tiểu thuyết giả tưởng Người bán không khí (2003), Người cá (2004), Bột mì vĩnh cửu, Đầu giáo sư Dowel (2014) của A.Beliaev, Người đẹp Sao Hỏa (2004) của A.Tolstoy, kịch khoa học viễn tưởng Bộ ba đầu tiên (2000) của X.Mikhancov… Một số lượng đáng kể các tiểu thuyết trinh thám, tình báo cũng được Nhà xuất bản Công an Nhân dân giới thiệu đến bạn đọc như Hình bóng người chết (2000), Ảo thuật văn chương (2001) của Alecxandra Marinina, Vụ bắt cóc thế kỷ (2004) của Vaxili Ardamatky… Nổi tiếng nhất trong các nhà văn trinh thám Nga hiện nay là Boris Akunin với tác phẩm Nữ hoàng mùa đông (2007) và Cái chết của Asin (2008) đã được dịch ra tiếng Việt.

Bên cạnh các tác phẩm văn học cổ điển và đương đại được “ưu ái” dịch và tái bản nhiều lần thì khu vực văn học dân gian, văn học thiếu nhi lại là khu vực được giới thiệu đầu tiên đến độc giả Việt Nam. Người đọc nước ta từ trước năm 1986 đã được làm quen với những nhân vật cổ tích rất thú vị như chàng Ivan ngốc nghếch, hoàng tử Ivan dũng cảm, phù thủy Babayaga… Điều thú vị là, ngay từ những năm 50, 60 của thế kỷ XX, rất nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đã được trình làng dưới dạng tranh vẽ rất hấp dẫn đối với các bạn đọc nhí. Thế hệ nhi đồng thời ấy chắc hẳn không thể quên những truyện tranh vừa hay vừa đẹp như: Maika cô bé trên trời xuống, Dũng sĩ giết rồng, Công chúa Arabela, Đuổi bắt - Cuộc phiêu lưu của Sophi... Văn học thiếu nhi Nga vẫn tiếp tục được giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam, kể cả các tác giả cổ điển và đương đại: Maximka (K.Staniukovich, 2016), Số phận chú bé đánh trống (A.Gaidar, 2016), Sếu đầu mùa (Aimatov2017), Truyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn (N.Nosov, 2017), Truyện cổ tích của Aleksandr Pushkin (2018)…

Theo thống kê ở trên, dễ dàng nhận thấy trong nền văn học Nga thơ và kịch là hai thể loại có số lượng tác phẩm được dịch ít hơn cả. Tuy vậy, những tác giả thơ Nga tiêu biểu nhất của các thời kỳ cũng đã được dịch và giới thiệu: Pushkin, Lermontov, Marina Svataieva, Akhmatova, Maiacovsky, Blok, Esenin, Tiutchev... Đặc biệt tuyển thơ của Esenin được tuyển chọn và bổ sung khá dầy dặn (2017), thơ-trường ca của Akhmatova cũng đã được chuyển ngữ (2018). Những kịch tác gia tiêu biểu của Nga như Gogol, Chekhov, Ostrovsky, Gorky,… cùng các tác phẩm xuất sắc nhất của họ cũng đã được dịch và giới thiệu.

Như vậy, nếu lấy năm 1986 làm mốc thì rõ ràng, sau năm 1986, với chính sách “mở cửa”, các tác phẩm văn học nước ngoài, cụ thể ở đây là các tác phẩm văn học Nga đã được dịch và giới thiệu nhiều hơn. Tuy nhiên, số lượng các tác phẩm được dịch vẫn rất khiêm tốn so với kho tàng văn học Nga đồ sộ. Việc dịch và giới thiệu các tác phẩm vẫn mang tính chất tự phát, lẻ tẻ, chưa có một kế hoạch dài hơi và quy củ. Thường các dịch giả dịch văn học như một nghề tay trái, dịch để thỏa niềm đam mê. Tạm không nhắc đến những dịch giả văn học Nga gạo cội thế hệ trước như Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo, Phạm Vĩnh Cư, Thúy Toàn, Đoàn Tử Huyến… ngày nay chúng ta thấy số người dịch văn học Nga rất ít, số người sống bằng nghề dịch lại càng hiếm. Những dịch giả văn học Nga có tiếng hiện nay như dịch giả Đào Tuấn Ảnh, Trần Thị Phương Phương, Vũ Thế Khôi, Tạ Phương, Nguyễn Thị Kim Hiền, Đào Minh Hiệp, Lê Đức Mẫn… phần lớn đều coi nghề dịch là nghề tay trái. Sự gắn bó với công việc dịch văn học một phần cũng bởi họ đều là những người làm công việc liên quan trực tiếp đến văn học, văn hóa.

Từ năm 2012, Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt– Nga được thành lập đã kết nối và thúc đẩy việc dịch văn học Nga sang tiếng Việt. Hoạt động tích cực của Quỹ kết hợp với Dự án dịch thuật xuất bản Việt – Nga của Tổng thống Nga Vladimir Putin (ngân hàng ngoại thương Liên bang Nga tài trợ) đã là những bước đệm quan trọng trong giai đoạn này để tái thiết lập vị thế quan trọng của văn học Nga tại Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 12/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *