TRANG SỨC QUÝ BÁU CỦA ĐÀN ÔNG LÀ SỰ TỬ TẾ VỚI ĐÀN BÀ
P.V: Trước hết, xin cảm ơn nhà thơ miên di (chúng tôi không viết hoa bút danh theo cách của anh) đã nhận lời trò chuyện. Anh đã đến với Tạp chí VNQĐ như thế nào?
miên di: miên di sinh năm 1976, thời niên thiếu của tôi chưa có internet, nên thường đọc sách, và thường truyền tay nhau những cuốn Tạp chí VNQĐ đến sờn rách, quý lắm. Vẫn nhớ những ngày mưa dầm dề, trùm chăn ấm, đọc ngấu nghiến truyện ngắn của VNQĐ. Mà sao thời ấy truyện ngắn của VNQĐ đặc sắc thế!
Tôi đã đến với Tạp chí VNQĐ đầu tiên vậy đấy, như một bạn đọc.
P.V: Có vẻ, ý anh là truyện ngắn VNQĐ bây giờ không còn đặc sắc?
miên di: Tôi muốn nói về những người làm việc ở Nhà số 4 và những tác giả giai đoạn văn học đó, đã xuất hiện đúng lúc, đúng bối cảnh lịch sử một cách khá hi hữu. Để tạo ra một thời kì truyện ngắn đặc sắc của VNQĐ.
P.V: Trở lại với thơ. Có người dùng thơ ca để giãi bày, có người lại đến với thơ như để cất giấu, còn với miên di thì sao, người đọc có thể tìm thấy miên di trong thơ anh?
miên di: Nếu ở tập thơ đầu tiên, người đọc có thể thấy một miên di ngổ ngáo với đau thương. Thì ở tập thơ thứ hai sắp xuất bản, sẽ thấy một người đàn ông vừa qua tuổi 40 giàu có niềm ân hận, chập chững về già bằng cách ăn năn.
P.V: Như cách anh nói về hai tập thơ của mình, vậy không có khoảng nào để có chỗ cho niềm vui, hi vọng, hay ý anh là tự trong bản thân đau thương sẽ nhen lên điều gì đó?
miên di: Sau hạnh phúc là gì em nhỉ/Nên anh thường buồn những lúc rất vui. Đọc câu thơ này của tôi, bạn thấy hy vọng và tuyệt vọng dường như đang trộn lẫn trong nhau không? Chúng ta quen rạch ròi hạnh phúc và khổ đau; niềm vui và nỗi buồn; hy vọng và tuyệt vọng. Nhưng tôi nghiệm thấy, tất cả đều thuộc-về-một-cuộc-đời của mỗi con người. Đau khổ không phải chấm dứt tất cả, mà nó chỉ làm xong lượt của mình để đến phiên sau là hạnh phúc. Và, mỗi lượt khổ đau đều có ý nghĩa của nó, nếu ta đừng tách khổ đau ra khỏi ngữ cảnh của cả cuộc đời. Tôi làm thơ để cùng người đọc đi tìm ý nghĩa của khổ đau, đi tìm hạnh phúc đang ươm trong chính những khổ luỵ. Vậy thơ miên di lạc quan đấy chứ. Nhưng đó là cái lạc quan có nhận thức về những bi khốn của thân phận. Không thể nào tránh đau khổ mà rẽ khỏi cuộc đời mình. Phải không bạn? Nên thơ miên di hay viết về đau khổ, hiện sinh bằng đau khổ. Bạn biết đấy, có rất nhiều người cao đẹp bằng đau khổ, khiến ta bỗng nhận ra, khổ đau nhân tính nhiều hơn những thoả thuê vui vẻ và những cơn vui đắc thắng! Có nỗi đau lạ kỳ như ân huệ. Tôi từng viết câu thơ như vậy. Nên, nếu không thể giúp người đọc tìm thấy ân huệ đấy, thì miên di sẽ không làm thơ nữa.
P.V: Nhà thơ Anh William Wordsworth từng nói thơ ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng, nó bất diệt như trái tim con người. Như vậy, có vẻ hơi giống một tuyên ngôn nhỉ. Với miên di, thơ ảnh hưởng đến anh như thế nào?
miên di: Thơ không ảnh hưởng gì đến miên di cả. Cuộc đời và những thân phận ảnh hưởng đến tôi mà thành thơ miên di.
P.V: Nhà thơ vẫn thường cô đơn, nhưng đến độ Nhiều lúc tưởng chẳng còn ai là bạn/ loay hoay đành phải gọi chính tên mình, như thế có cực đoan quá? Hoặc là anh có một cõi riêng?
miên di: Tôi lễ độ với nỗi cô đơn. Cô đơn với tôi là đám đông trong ý nghĩ - trong đó có cả miên di. Cõi riêng nếu tôi có, cũng là nơi đông đủ những thân phận sống trong ý nghĩ của tôi.
P.V: Mà này, anh viết nhiều thơ về phụ nữ nhỉ. Người mẹ, người vợ, hình như cả người tình hay là bóng dáng những ai đó nữa chăng? Trong thơ anh họ đẹp (dù anh không miêu tả) nhưng mà buồn bã, bất an, và có gì cứ éo le, ngậm ngùi?
miên di: Cái đẹp mang trong nó sự bất an! Sao tôi cứ cảm thấy thế bạn ạ. Vì bất an suy cho cùng chính là dấu hiệu của lòng trân quý. Cảm thức ấy luôn dấy lên khi tôi viết về Người nữ. Thân phận Đàn bà nếu không buồn bã, éo le, ngậm ngùi thì hẳn đã không có thơ miên di. Tôi muốn người đọc nhận ra phái đẹp không chỉ rạng rỡ bởi hạnh phúc, mà còn lộng lẫy bởi những đau buồn mà họ cam chịu, nhận lãnh, và vượt qua...
P.V: Sau lần khô rũ/ Em rồi cũng diện lên/ Khoé môi cũ cười niềm vui mới/ Khoé mắt cũ khóc cơn đau khác/ Như tên chồng em bây giờ/ Không phải tên anh. Và còn một số bài thơ khác nữa, anh viết về hạnh phúc không trọn vẹn; những niềm vui hao khuyết, những mối tình đôi ngả mà hình như không phải vì đã hết yêu thương. Anh có thể chia sẻ cơn cớ, nỗi niềm này?
miên di: Đó là sự tử tế! Bạn ạ. Mà không may, đang mất đi trong những cuộc đối đãi tình cảm mà tôi trót nhìn thấy. Lẽ nào, chỉ có hạnh phúc trọn vẹn mới đầy yêu thương, sao không yêu thương nhau ngay cả khi chẳng là gì của nhau nữa? Một nỗi buồn khổ tưng bừng / Một đau vui vẻ, một mừng xót xa. Tôi đã từng viết như vậy trong một bài thơ cay đắng. Chia tay, dở dang, ly biệt có thể làm mất đi nhiều thứ, nhưng hãy cố mà giữ lấy tấm lòng. Trang sức quý báu của đàn ông, là sự tử tế với Đàn bà.
P.V: Cũng đáng để ồ lên ngạc nhiên lắm, khi biết nhà thơ miên di còn là một doanh nhân. Với anh, đó là một sự kết hợp hay một sự rạch ròi giữa thơ ca và kinh doanh?
miên di: Ngoài làm thơ, miên di còn là một người cha, nên phài kiếm tiền nuôi con thôi. Tôi không rạch ròi việc kinh doanh và làm thơ, vì cả hai đều là nghệ thuật, và... khó như nhau.
P.V: Mà không biết giải thưởng thơ của VNQĐ vừa qua có làm cho khách hàng của miên di biết đến anh nhiều hơn chăng?
miên di: Giải thưởng vừa rồi khiến... Bố mẹ tôi biết đến miên di nhiều hơn. Với tôi, thế là đủ.
P.V: Người viết bây giờ cũng đa năng lắm (Là tôi nhìn từ anh đó). Anh có cho rằng những công việc khác nhau sẽ đem lại những trải nghiệm thực sự để nhà thơ có thêm nguồn thi liệu độc đáo, mới lạ?
miên di: Đương nhiên, làm thơ mà không có chất liệu sống, thì khác gì muốn nấu cơm nhưng hết gạo. Nên chăm chỉ làm việc kiếm sống cũng chính là một công đoạn của làm thơ.
P.V: Anh có cảm thấy người viết trẻ bây giờ cô đơn và hoang mang hơn những thế hệ cầm bút đi trước không? Là một nhà thơ đã có những thành tựu riêng, anh muốn chia sẻ điều gì với những người trẻ đang theo nghiệp viết?
miên di: Ngoài hình tượng mới, ngôn ngữ mới, hiện thực mới, và thủ pháp lạ. Thơ trẻ đang thấp thoáng tạo nên nhiều hình thức mĩ cảm mới. Thì, thơ trẻ đang viết nhiều về cái mê sảng trong tâm thức, như một cách thoát li hiện hữu vô nghĩa lí. Điều đó khác với cái ám ảnh siêu hình mà các thế hệ thơ cũ muốn khơi cạy từng mảng miếng tâm lí miền sâu.
Hai điều đó thoạt đọc, ngỡ là một, nhưng lại là hai. Một đằng là nỗi ngao ngán trốn lánh khỏi hiện hữu. Một đằng là hăng say thám hiểm cõi miền tâm lý hoang vu.
Và, thơ bằng cách này hay cách khác, vẫn phản ánh được hiện thực như nó đang là.
P.V: Cảm ơn anh đã dành cho VNQĐ cuộc trò chuyện thú vị này!
miên di: Cảm ơn, xin chúc bạn sức khoẻ. Và chúc Tạp chí VNQĐ luôn có những tác phẩm hay phục vụ bạn đọc !
KIM NHUNG (Thực hiện)
Nguồn: Văn nghệ Quân đội