THẾ GIỚI “CON RỐI” TRONG THƠ NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Đọc liền mạch một loạt bài thơ theo suốt lộ trình thơ Nguyễn Đức Tùng, tôi bị lạc vào thế giới “con rối” đang cử động, khuynh loát mọi nhận biết và xúc cảm của mỗi người về đời sống đương thời. Từ những yếu tố không đo đếm được của tự nhiên như ánh sáng, bầu trời, đại dương… đến những vật nhỏ bé như con sâu, cái cày, cái bánh pizza, trái mìn claymore, cái mở nút chai, lọ muối… đều được điều khiển theo quy luật riêng dưới bàn tay phù thuỷ của ông. Những “con rối” do nhà thơ “chế tác”, để lại từng nhịp thở gấp, cả nước mắt, dấu vân tay “đóng dấu bản quyền”. Đó là những câu thơ tối giản, như rời rạc, ngắt quãng, phục hoạt một thời tao loạn, chia li, phơi bày bao đau thương, mất mát: như quả mìn chưa nổ/ nằm chờ ta dưới đám cỏ mùa thu (Mùa thu năm 1977); là kẻ hối hận ăn năn/ vì đã nằm suốt đêm trong bụi rậm/ phục kích đứa em trai của mình (Sau chuyến nghỉ hè xa). Những câu thơ của Nguyễn Đức Tùng ngỡ như con dao sắc ai đó chém mạnh, làm đứt ngang một thân cây mảnh: trên các bức tường vôi trắng/ máu đã lau xong(Thăm Trung Hoa); bên bờ rào tử đinh hương/ anh tìm được một vật/ đã cắt đứt tình yêu chúng ta(Mặt trời lặn xuống ở Cali). Sự thật lịch sử dân tộc, số phận những kiếp người trong thơ ông luôn như ngón tay trỏ mẹ anh vẫn giữ/ trong tờ giấy tiền vàng gió thổi rung phần phật (Ngọn lửa); như một đứa trẻ bị thương, được giấu dưới lớp trái cây đầy lá/ trong chiều mưa tầm tã/ khóc thét lên khi qua trạm kiểm soát (Mưa rơi trong tình yêu); như cái đồng hồ dưới gối/ kêu tic tac tic tac tic tac/ suốt đêm (Nhịp đập).
Có lúc Nguyễn Đức Tùng tự mình thoát xác, bay nhẹ nhõm trong thế giới ám thị, đuổi theo những chân trời mộng tưởng: tôi mặc chiếc áo vào người/ bước đi trên mặt nước xanh trong (Chiếc áo). Hay sắc bén và tỉnh táo, ông nhìn thấy dấu vết nỗi cô đơn đang biến thành con chim từ từ lượn/ khép những vòng tròn/ càng lúc càng hẹp lại/ trong bóng chiều chậm rãi trôi qua (Nếu có một ngày).
Thái độ bỡn cợt, hài hước cũng thường gặp trong thơ Nguyễn Đức Tùng. Ở bài Lên chùa ngày tết, ông nhìn thấy một cô gái/ khấn vái thì thầm/ tới trước thùng xăm/ xin quẻ. Hành vi cô giấu cái thẻ đi/ rồi rút một cái khác tạo hiệu ứng giễu cợt bất ngờ. Câu chuyện nhà thơ gặp một người đàn ông ở Paris cũng rất khôi hài, thú vị: ghé tai anh, ông nói thầm/ còn kiếp trước tôi là con chuột (Ở Paris). Và kết thúc, nhà thơ đã mua cho người đàn ông kia cái bánh ngọt croissant, như giấu một nụ cười vừa thân ái vừa chua xót.
Những hình ảnh trong thơ Nguyễn Đức Tùng thường hiển thị nhanh, rồi đi khỏi hoặc bất động trong bài thơ, nhường chỗ cho những hình ảnh khác tiếp diễn. Cách triển khai này của nhà thơ làm người đọc dễ liên tưởng tới nghệ thuật của sân khấu rối nước, có người biểu diễn đứng đằng sau tấm mành tre điều khiển các con rối khiến người xem không nhìn thấy họ. Các nhân vật trong vở diễn thường xuất hiện hay biến đi rất nhanh thông qua những chiếc sào, các dây điều khiển. Với hình dung ấy, ta thấy những chuyển động của các nhân vật trong thơ Nguyễn Đức Tùng thường thoắt ẩn thoắt hiện, hoặc thấy cái bóng phản chiếu không rõ mặt của ai đó với những động tác giật cục, đứt đoạn... Trong bài thơ Để giải thích một thói quen xấu, người đọc nhận thấy cách ông “giật dây” các nhân vật rất rõ nét. Anh dựng một túp lều tranh/ túp lều tranh đổ sụp là kết thúc một hành động. Tiếp đến một diễn tiến khác và cũng kết thúc nhanh chóng: anh xây một ngôi đền/ ngôi đền đổ cái rụp. Sau những chuyển động nhanh, dứt khoát ấy, Nguyễn Đức Tùng cho nhân vật “con sáo” bất ngờ xuất hiện gần cuối bài thơ. Và, khi con sáo lâm vào hoàn cảnh nửa đêm bị mèo cắn đứt một chân đã dẫn đến một kết cục bất ngờ, khó đoán trước: bắt chước anh/ nó cũng chửi thề. Với ngôn ngữ tinh lọc, chính xác và bi hài, nhà thơ bật một luồng sáng chiếu rọi vào nhân vật “anh” - xuất hiện từ đầu bài thơ - với hàng loạt hành động đứt quãng, phân rã. Tâm trạng bức bối, phản kháng quyết liệt của “anh” đã được nhà thơ bình tĩnh nén chặt và bất ngờ cho nổ tung qua miệng “con sáo”. Tiếng nổ này vén lên cả tấm mành tre ở phía sau sân khấu “rối nước”, cho khán giả chiêm ngưỡng hết dung nhan nghệ sĩ “điều khiển”.
Đôi khi nhà thơ Nguyễn Đức Tùng cũng tự biến mình thành một “con rối” cho những đối tượng khác “giật dây” trong những “trò chơi” thú vị, quái đản của ông. Cuộc trò chuyện giữa ông và con chuột vào dịp cuối năm thật hài hước, khi cả hai đều chào: bạn sắp sửa đi xa (Giã từ). Ở bài thơDậy sớm uống trà một mình, ông viết: buổi sáng sương mờ/ lấy tay xoa cửa kính/ giấc mơ đêm qua. Câu thơ giấc mơ đêm qua bỗng không còn là hình ảnh bị động, nó chính là bề mặt của hiện thực khác, làm cho “nhân vật” của câu chuyện trở thành phần phụ đề của một câu chuyện khác, một giấc mộng trong phương chiều khác.
Nhằm dẫn dụ bạn đọc vào thế giới “con rối” đa dạng và biến ảo, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng thường mở đầu bài thơ như cách người ta mở đầu câu chuyện cổ tích, với giọng trầm tĩnh, thủ thỉ, tạo độ căng nhất định nhằm tăng sức thu hút cho câu chuyện quen thuộc. Đôi khi con biết mẹ nằm trong đất là câu đầu tiên của bài thơ Đêm ngủ trong chùa. Thủ pháp này của Nguyễn Đức Tùng có vẻ trái ngược với cách viết của một số nhà thơ có khuynh hướng cách tân cùng thế hệ. Nếu gặp hoàn cảnh tương tự bài thơ trên, tôi sẽ bỏ đi hai chữ “đôi khi”, thậm chí bỏ đi bốn chữ “đôi khi con biết”. Cách ấy của tôi giản đơn như người định vị mũi khoan hay châm lửa cho một ngòi nổ. Nhưng Nguyễn Đức Tùng đã đi lối riêng, ở đây ông như chợt nhớ, không hoàn toàn chú tâm vào việc mình đã biết, mà bị cuốn theo những hành vi đang tiếp biến. Trong bài thơ đôi lần tác giả còn lặp lại cách kể như câu mở đầu này, gợi hình dung ông đang trải nghiệm trong một hoàn cảnh khác, bị chi phối bởi những hệ luỵ khác mà bạn đọc chưa thể đoán biết ngay: đôi khi con biết không phải thế…/ đôi khi con biết mẹ về. Thủ pháp ấy cho hay người viết đang ngập chìm trong nặng nề, bi phẫn. Tôi chợt tưởng tượng ông đang cầm cái que, hoặc vạch ngón tay xuống đất, vừa vẽ vừa đuổi theo từng ý nghĩ của mình. Diễn biến ấy được nhà thơ giấu kín, để tuỳ bạn đọc tưởng tượng về những gì người mẹ của ông đã phải hi sinh, chịu đựng qua những cơn hoạn nạn, li tán. Nhà thơ cũng cho bạn đọc biết được giọt nước mắt của ông đang lặng lẽ “chảy vào trong”. Ấy là nước mắt của người đã nếm trải nhiều cay đắng của phận người, phận dân tộc mình, khi ông viết: đôi khi con biết mẹ về/ trong chiếc chiếu hoa. Và, ông đã thức suốt đêm đập muỗi/ không con nào chết/ chúng lọt hết qua kẽ tay. Hình ảnh những con muỗi “lọt hết qua kẽ tay” là trạng thái vô hồn, mất khả năng điều khiển hành vi của người trong cuộc.
Giọng nói khách quan vang lên trong hầu hết những bài thơ gần đây của Nguyễn Đức Tùng. Ba nhân vật (vầng trăng, anh trai nhà thơ và nhà thơ) trong bài thơ Hai vầng trăng, mỗi người như nói với nhau một câu chuyện súc tích, ngắn gọn nhưng đã mở ra ba cánh cửa của ba không gian khác biệt: năm tuổi, ta thức dậy sớm/ theo mẹ lên nhà ga/ mi cũng đi theo ta/ ra cửa/ rồi chạy theo ta trên xe lửa/ ôi vầng trăng lặng im. Câu “phản biện” của người anh trai - hôm đó mi vẫn còn ở trong sân - đã mở ra nhiều không gian và thời gian khác nhau, làm người đọc bất ngờ, phân vân không biết nên dừng lại ở không gian nào. Điều thú vị nhất là, bằng cách khơi ra nhiều hiện thực không giống nhau về cùng một sự vật tưởng chừng quá quen thuộc (như vầng trăng), nhà thơ khiến bạn đọc phải giật mình, hụt hẫng, băn khoăn về những hiện thực khác còn ẩn giấu, rình nấp chưa bao giờ phát lộ. Ở bài thơ Làng quê, nhân vật “anh” trở về khi người vợ đã chết, một vài hình ảnh được thắp lên trong đó như những ngọn đèn hạt đỗ trong đêm tối kinh hoàng những tiếng cú rúc, vết máu khô trên ngực… anh đặt thang thuốc bắc lên thềm nhà/ cúi đầu, lùi lại. Đến câu kết rồi nhổ sào/ rời bến làm cả “làng quê” trôi như cỗ quan tài khổng lồ trên dòng sông đục ngầu máu và nước mắt.
Thế giới “con rối” trong thơ Nguyễn Đức Tùng thường được sắp đặt ở trạng thái bất động và định vị sẵn, giống như đạo diễn chuẩn bị một số bối cảnh cho sân khấu trước vở diễn. Và, sau khi Nguyễn Đức Tùng phất tay “mở màn” để những “con rối” kia khóc cười theo số phận trôi nổi, diễn tiếp những xung đột của riêng nó, đó là lúc câu kết bài thơ xuất hiện. Câu thơ kết treo dây thòng lọng, thường mở ra những biến tấu kịch tính trong thơ ông. Trong bài thơ Lịch sử làng tôi, người mang “đàn địch”, người mang “thau giặt”, “nồi đồng”, “bồng trẻ con”, “cầm cục đá”..., tất cả đã sẵn sàng, nhưng “máy bay không đến”. Khổ kết của bài thơ Buổi chiều lại gây một kiểu bất ngờ khác của một bi kịch mang nhiều phi lí. Chuyện một người sống sót qua một tai nạn khủng khiếp, nhưng sau đó anh ta đã “mất trí nhớ”. Người sống sót cầm trong tay/ một sợi dây dài…/ một đầu vắt qua cửa sổ ra ngoài. Tôi nghĩ nếu Nguyễn Đức Tùng kết ở câu kéo dài vô tận đến chân trời cũng đã mang một hiệu ứng đặc biệt, gợi mở đa chiều những liên tưởng cho bạn đọc. Nhưng ở bài thơ này, nhà thơ như vận động viên marathon đã dư sức về đích. Câu thơ kế tiếp mới là câu kết thúc: nơi câu chuyện bắt đầu bằng ngôn ngữ khác. Nó làm cho những chi tiết trong bài thơ chỉ còn là cái cớ để bạn đọc chuyển nội dung sang hệ quy chiếu khác, trường ngữ nghĩa khác.
Những cái kết bất ngờ đã tạo nên sự độc đáo trong thơ Nguyễn Đức Tùng, nhưng đôi lúc cũng biểu lộ những hạn chế, nếu đặt những bài thơ viết cùng một giai đoạn bên cạnh nhau, bởi chúng có dáng dấp quen thuộc trong cách về đích. Rất may là những bài như vậy không nhiều.
*
* *
Thơ Nguyễn Đức Tùng luôn là thế giới của những “con rối” với bàn tay “điều khiển” tài tình của ông phía sau những nhân vật, sự kiện, khung cảnh… Điều mới mẻ hơn trong thơ ông thời gian gần đây là đã tạo ra nhiều tầng bậc sự kiện trên nền tảng tự sự. Những sự kiện ấy thường được chồng lấn, chuyển động phức rối quanh một tâm điểm. Tâm điểm ấy chính là cốt lõi, cái tứ chủ đạo của bài thơ. Cấu trúc ấy giống một đại thụ, có nhiều cành nhánh vươn rộng và sum suê quanh một thân cây trụ vững. Cách xoay chuyển không gian trong thơ của ông cũng linh hoạt, bất ngờ hơn trước. Những khoảng không-thời gian được ông cắt nhỏ rồi ghép lại bằng những “mối hàn” kín và chắc chắn. “Mối hàn” ấy được Nguyễn Đức Tùng thực hiện rất linh hoạt bằng cách sắp đặt trật tự những hình ảnh vừa hợp lí vừa phi lí. Chúng thường nằm chênh vênh giữa thực và ảo, sáng và tối, tỉnh táo và mộng mị… Cũng do những “mối hàn” hợp lí, nên ta thấy khoảng cách thời gian và hành động của các nhân vật, sự kiện, thậm chí cả thời đại trong thơ ông chỉ trong chớp mắt, gang tấc. Về hình thức, có khi những khoảng cách không gian và thời gian ấy được nhà thơ sắp đặt ngay trong cùng một câu thơ, và được phân định bằng một dấu chấm hoặc dấu phẩy. Tôi xin dẫn bài thơ Những người dũng cảm để bạn đọc thấy được sự mới lạ trong thiết lập không gian, cũng như ngôn ngữ biểu đạt trong thế giới “con rối” của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng.
Những người dũng cảm |
Bài thơ trên cho thấy, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã dẫn dắt người đối thoại mà ông gọi là “bạn” bằng giọng độc thoại-giễu nhại. Nhân vật “bạn” trong bài thơ chính là người đọc, hoặc một ai đó không thể/cần xác định. Bài thơ không dài, nhưng ta thấy Nguyễn Đức Tùng đã chuyển đổi câu chuyện qua nhiều tầng lớp không gian, qua nhiều cung bậc của cảm xúc và chồng chéo những liên tưởng.
Qua bài thơ này và những tác phẩm khác gần đây cho thấy, ngôn ngữ biểu đạt trong thơ Nguyễn Đức Tùng đằm sâu và đa nghĩa hơn trước. Những câu thơ được ông dồn nén nhiều sự kiện, gần hơn với cách nói đời thường. Thơ Nguyễn Đức Tùng luôn vận động, tạo sinh nhiều giọng điệu mới làm giàu thêm phong cách đặc trưng của ông.
(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)