NỀN VĂN HỌC NHỜ VÀO KHÁT VỌNG DÂN CHỦ, VÌ ĐỘC LẬP TỰ DO MÀ NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN ĐẦY ĐẶN
Nhà văn Trần Thiện Đạo
Vào khoảng 1970-1974, theo sự chỉ dẫn của các thầy giáo ở Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội và được sự giúp đỡ của Thư viện Quốc Gia, chúng tôi có tìm hiểu về bộ phận sách văn học miền Nam, được biết, ít nhiều về các tạp chí Văn, Bách Khoa, về đặc san Tân văn, với tuần báo Nghệ thuật ấn hành ở Sài Gòn... và một số nhà nghiên cứu, sáng tác ở miền Nam nước ta hồi ấy.
Trần Thiện Đạo (còn có bút hiệu là Trần Mai Lan, Trần Kim Lân và Mõ Làng Văn là một trong những cây bút chính của tạp chí Văn và đặc san Văn - Nghiên cứu và Phê bình. Ông sang Pháp năm 1950, rồi vì nhiều lý do mà cư ngụ ở Pháp cho tới nay.
Giảng dạy văn học và bảo hiểm để sinh kế. Nhưng ông đã tham dự vào sinh hoạt văn hóa trong nước, đặc biệt về dịch thuật, nghiên cứu và phê bình. Ông ở trong ban chủ biên bán nguyệt san Văn và đặc san Tân văn (Nghiên cứu phê bình) và đồng thời cộng tác với nhiều tạp chí như Bách Khoa, Tuần báo Nghệ thuật... ở Sài Gòn trước 4-1975.
Về dịch thuật, ông đã chuyển ngữ trên dưới 10 tác phẩm văn học Pháp đương đại, như của Jean - Paul Sartre, Albert Camus...
Về trước tác, ông xuất bản một số sách kỹ thuật bằng tiếng Pháp về luật bảo hiểm và một cuốn khảo luận tiếng Anh: The tream of consciousnes in Virginia Wool novels (Độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết của Virginia Wool). Riêng tập Tiểu luận và phê bình tiếng Việt vừa in xong, chưa phát hành thì xảy ra biến cố tháng 4/1975, khiến cho toàn bộ sách in bị mất tích.
Sau đây là những ghi chép của chúng tôi từ mấy cuộc phỏng vấn trực tiếp Trần Thiện Đạo tại Hà Nội và Paris.
Nguyên An( NA): Trong thời gian từ đầu năm 1964 tới tháng tư 1975, tuy sống ở Pháp, ông đã có những hoạt động tích cực cho tạp chí Văn và đặc san Tân Văn ở Sài Gòn. Xin ông nhắc lại sự ra đời và hoạt động của hai tờ báo này.
Trần Thiện Đạo: Hai người có thẩm quyền hơn tôi để nói về điều này là Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao. Chính họ mới thật sự là rường cột và tâm hồn của bán nguyệt san Văn và các đặc san Văn - Nghiên cứu và Phê bình và Tân văn. Ở thời buổi mà ai nấy đều hoặc hối hả làm tiền, hoặc trùm chăn kín mít, hoặc đấu đá nhau thì có hai người:
Một là Nguyễn Đình Vượng, đã dám đầu tư, điều hành và quản lý một tạp chí thuần văn nghệ mà không hề quị lụy bất kể định chế nào, né tránh biết bao mưu mẹo lôi kéo vào phe này, cánh nọ.
Hai là Trần Phong Giao (1932-2005 - tên khai sanh: Trần Đình Tỉnh, tự: Trần Phong), đã đổ rất nhiều mồ hôi và công sức đảm nhiệm cái trọng trách được giao phó là làm thư ký tòa soạn (tương đương với chức vụ chủ bút hay tổng biên tập hiện nay), không lệ thuộc đường hướng và trường phái nghệ thuật nào và cũng không nhường bước trước sức ép của bất kỳ ai.
Nguyễn Đình Vượng, Trần Phong Giao nay đã thành người thiên cổ, tôi đành phải thay mặt họ đối diện trong cuộc phỏng vấn này.
NA: Tạp chí Văn ra đời vào dịp nào, độc giả chờ đợi gì ở tạp chí?
TTĐ: Bán nguyệt san Văn ra đời ngay đầu năm 1964, nghĩa là ngay sau ngày chế độ gia đình trị Diệm - Nhu (tháng 11/1963) sụp đổ. Lợi dụng thời cơ Sở Kiểm duyệt mất phương hướng, tạp chí Văn ra mắt bạn đọc đúng vào lúc cả độc giả lẫn tác giả đều mong có một chỗ để viết và đọc tác phẩm đa dạng, chiều hướng khác nhau: Họ đã chán ngấy thứ văn chương độc tôn, nhạt nhẽo, chán phèo tràn lan lúc bấy giờ. Tạp chí Văn chẳng nói chẳng rằng, đã đáp ứng nhu cầu hợp nhất đó một cách tuyệt vời. Không những thu hút được độc giả và tác giả ngay từ đầu mà tạp chí còn được tín nhiệm ngày càng sâu rộng, tác giả và độc giả ngày càng đông đảo. Cứ nghĩ tới con số hai chục ngàn người mua mỗi lần tạp chí phát hành đầu tháng và giữa tháng để đoán chừng số người đọc thật sự, chắc ít tạp chí văn chương nào có nhiều độc giả như vậy từ trước tới nay.
NA: Còn về phía tác giả thì sao, thưa ông?
TTĐ: Tôi không nhớ được hết các cộng tác viên của bán nguyệt san Văn và đặc san Tân văn. Có thể gọi họ làm hai thành phần: Một, văn gia thi gia và hai, các nhà nghiên cứu và phê bình.
Thành phần thứ nhất rất đông gồm các nhà văn nhà thơ còn tập tành và nhà văn nhà thơ đã già dặn, đặc biệt có mấy nhà văn nữ nổi tiếng như Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng... các nhà thơ Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Tú Kếu (Tú Xương hiện đại), Luân Hoàng... các nhà văn danh tiếng như Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc, Thế Uyên, Nguyễn Mạnh Côn, Nhật Tiến... và nhà văn đầy triển vọng nhưng mạng yểu Y Uyên.
Thành phần thứ hai, cũng rất đông, sơ lược kể: Nguyễn Hiến Lê, Trương Văn Chình, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Xuân, Lê Huy Oanh, Kim Định, Hồ Hữu Tường, Châu Hải Kỳ, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mạnh Côn, Tam Ích...
Báo Văn và đặc san Tân văn trong hơn 11 năm trời từ tháng 1/1964 tới tháng 4/1975, đã lần lượt qui tụ quanh mình hầu hết giới làm văn và trí thức kể cả các nhà văn nằm vùng như Vũ Hạnh, Lữ Phương có mặt bấy giờ ở miền Nam. Đầy đủ mọi xu hướng, hữu khuynh, tả khuynh, trung lập; đầy đủ mọi thế hệ, trẻ có, già có; đầy đủ mọi tay nghề, tập tành, già dặn có; đầy đủ mọi trường phái, lãng mạn, hiện thực, hiện sinh, siêu thực và nhiều loại thử nghiệm khác.
NA: Theo ông, nhờ đâu mà báo Văn và đặc san Tân văn được tác giả và độc giả tín nhiệm và ủng hộ tới mức đó như vậy?
TTĐ: Như đã nói, trước hết là nhờ biết lợi dụng thời cơ dành cho mình một thế đứng độc lập đối với chánh quyền và đối với các trào lưu thời thượng, về mặt tài chính và về mặt nghệ thuật, hai tập san thuần văn học này được tác giả và độc giả tín nhiệm và hỗ trợ một cách nhiệt tình chưa từng thấy. Sau là nhờ ở tinh thần trung lập và thái độ cởi mở, nhắm tới thành phần độc giả ham đọc, hiếu học và ưa suy nghĩ, tiêu chí mà ban biên tập đã tự mình đặt ra cho mình ngay từ đầu và giao phó nhiệm vụ này cho thư ký tòa soạn Trần Phong Giao, là người đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó một cách chỉnh chu, hiệu nghiệm. Phần khác, về phía cộng tác, bài vở không hề bị tòa soạn quyết đoán biên tập trừ phi quá ư thấp kém, vẫn biết nhiều lúc cũng bị Sở Kiểm duyệt bắt phải cắt xén bằng cách công khai bôi bỏ. Còn tác giả thì nhuận bút đều được trả mau lẹ và sòng phẳng, đa số đều được Trần Phong Giao tự mình hay cử người đến nhà trao tận tay.
NA: Văn có chủ trương giới thiệu cặn kẽ các tác giả lớn của nền văn học thế giới đến độc giả Việt Nam qua nhiều số đặc biệt, có phải như vậy không?
TTĐ: Đúng như vậy. Ngay trong tiêu chí ban biên tập đặt ra cho mình từ đầu, tự nó cũng đã tiềm ẩn chủ trương này. Là bởi đại đa số độc giả mà tập san nhắm tới đều thuộc thành phần có trình độ trung học tới đại học, ham đọc, hiếu học và ưa suy nghĩ. Họ đã chán ngấy thứ văn chương thuộc loại độc tôn. Vì một lý do hết sức đơn giản là tác phẩm loại đó ít khi được viết - viết chớ không phải sáng tác - qua trái tim và cảm xúc. Cho nên độc giả bấy giờ sẵn sàng tiếp nhận mọi khuynh hướng, mọi tiếng nói, mọi lời văn đến từ mọi chưn trời, miễn là nó tránh thói nhai đi nhai lại bầy nhầy đã đến thời biết rồi khổ lắm nói mãi chẳng ai còn them nghe thèm đọc nữa.
Ý thức được thực thể đó, nên ngay từ mấy số đầu, bán nguyệt san Văn đã tự đặt cho mình cái nhiệm vụ giới thiệu các tác giả lớn ngoại quốc hay Việt Nam. Bởi chủ trương của ban biên tập là dọn đường cho độc giả của mình nhận thức được tánh chất đa dạng và bản chất đa tạp của nghệ thuật nói chung và của văn học nói riêng, ngược hẳn lại thứ đường lối nghệ thuật độc hành bấy giờ.
NA: Xin ông sơ lược nhắc qua các tác giả ngoại quốc và Việt Nam mà tạp chí Văn đã giới thiệu trong những số đặc biệt...
TTĐ: Yêu cầu này khó bề đáp ứng đầy đủ. Vậy cứ nhớ tới đâu tôi nhắc tới đó, thiếu sót là cái chắc, gần nửa thế kỷ đã qua rồi.
Về các nhà văn lớn Việt Nam, đã có những số đặc biệt riêng cho mỗi người: Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Khái Hưng, Thạch Lam, Nhất Linh, Hàn Mặc Tử, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Đông Hồ...
Về các nhà văn lớn ngoại quốc, có những số đặc biệt là: Jean - Paul Sartre, Albert Camus, Richard Wright, John Updi, ErsRine Caldwell, Ernet Hemingway, Luigi Pirandello, Hermann Hesc, Bertold Brecht, Jennsec Williams, Borix Pasternak, Anton Tchekhov, Hồ Thích, Frank Kafka, Miguel Angel Asturias, Thomas Mann, Carson Mc Cullers, Alexandrovitcs Ievtbuchen Ko... Tôi nhớ khá bộn như vậy là vì đã ít nhiều nhúng tay vào việc soạn thảo các số đặc biệt này...
Tóm lại là có tới hơn 280 số Văn và Tản văn đã đều đặn ra mắt bạn đọc từ tháng giêng 1964 đến tháng tư 1975 và trong số này có 90 số chuyên đề khảo cứu, giới thiệu các trào lưu văn học và các nhà văn lớn ở Việt Nam hoặc trên thế giới: 90 trên 280, đúng 1/3. Công lao của thư ký tòa soạn Trần Phong Giao phải được nêu lên và nhấn mạnh ở đây.
NA: Thành tựu của hai tạp chí Văn và Tân văn đương thời về mặt tài chính (không qui lụy bất cứ định chế nào để được tài trợ) và số lượng độc giả (được họ tín nhiệm) như vậy thật hiếm. Nhưng còn dư vị và âm hưởng của nó sau đó thì sao, thưa ông?
TTĐ: Xin cho phép tôi không trả lời thẳng câu hỏi mà chỉ nhắc qua vài ba sự việc minh họa dư vị và âm hưởng lâu dài của hai tạp chí trong thời gian 40 năm từ tháng 4/1975 tới nay. Qua mấy động tác trong đó tôi chỉ đóng vai thụ động.
- Sự việc thứ nhất.
Vào khoảng năm 1990, nhà văn trẻ Ngô Tự Lập trong dịp sang Pháp làm luận văn thạc sĩ có gặp tôi ở Paris. Ông cho biết là ông đã đọc rất nhiều cảo luận của tôi đăng trên hai tạp chí Văn và Tân văn. Tôi rất đỗi sửng sốt, bởi ông vốn sinh ra và lớn lên ở miền Bắc XHCN làm sao mà đọc được nhiều như vậy. Ông còn nói thêm là các bài viết đó “cho đến nay vẫn còn có ích ít nhất là ở khía cạnh phổ biến kiến thức, đối với các giáo viên và sinh viên, cũng như đông đảo công chúng yêu văn học”. Sau đó, ông đã cố công sưu tầm các bài viết, gom lại cho in thành sách, một với nhan đề Cửa sổ văn chương thế giới (Nxb Văn hóa Thông tin), với nhan đề Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc (Nxb Văn học; Nxb Trí thức).
- Sự việc thứ hai.
Số là năm 1994, tôi được Liên đoàn các công ty Bảo hiểm Pháp, qua thỏa thuận với Bộ Tài chính CH XHCN VN gởi về nước giảng dạy bộ môn Bảo hiểm ở Đại học Tài chính và Kế toán tại Hà Nội và Sài Gòn. Nhân việc này, tôi được nhiều nhà văn Hà Nội vui vẻ đón mời. Trong một buổi nhàn đàm, một nhà phê bình tên tuổi đương đại bỗng ghé vô tai tôi: “Tôi biết anh từ lâu rồi”. Tôi lấy làm ngạc nhiên hết sức, vì ông chưa hề đặt chân tới nước Pháp, còn tôi thì chỉ mới được phép trở về nước (giảng dạy) gần đây. Ông bèn giải thích: Vào khoảng 1971-1972, ông theo bộ đội đóng quân vùng Quảng Trị. Vớ được một số tạp chí Văn và Tân văn, trong đó có đăng nhiều bài của tôi. Ông đọc một cách say sưa, vì các bài viết đó trình bày nhiều điều ông chưa từng nghe nói đến. Rồi gần đây, khi ông đề tặng tôi cuốn sách chưa ráo mực của ông với lời tự bạch “Một độc giả của tạp chí Văn và Tân văn: đề rõ dưới chữ ký.
- Sự việc thứ ba.
Trung tuần tháng 1/2010, tôi có hân hạnh được một nhà văn thổ dân mời đến Huế chơi. Trong mấy ngày ở đây, tôi được dịp gặp gỡ rất nhiều nhà văn nhà thơ nhà giáo. Trong một buổi trà dư tửu hậu, một nữ giảng viên khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế cho biết rằng cô thường dựa vào nội dung cuốn Cửa sổ văn chương thế giới để luận giải với sinh viên. Một giảng viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Khoa học Huế thì bảo rằng ông đã đọc rất kỹ cuốn Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc, không phải để giảng dạy mà để dựa vào đó khi cần.
Trên đây là ba động tác trong đó vô hình chung tôi đóng vai đại diện cho tạp chí Văn và Tân văn mà thôi. Nó chứng tỏ rằng ảnh hưởng của hai tạp chí này vẫn chưa phai mờ, dư vị và âm hưởng của nó vẫn còn hằn dấu đâu đây. Cho đến bao giờ? Làm sao biết được.
Nhưng có một điều tôi dám chắc là tinh thần dân chủ và thái độ cởi mở của nó sẽ trường tồn trong tâm trí người đọc. Và nền văn học của chúng ta như các bạn biết đấy, từ lâu, cũng nhờ vào khát vọng dân chủ, vì độc lập tự do mà phát triển ngày càng đầy đặn và sắc sảo hơn.
- NA: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyên An ( thực hiện)
Nguồn Báo Văn nghệ số 42/2017